Nhạc kịch Bữa tiệc của Elsa: lộng lẫy, hấp dẫn

Sân khấu Bữa tiệc của Elsa được trang trí rất lộng lẫy

Nhạc kịch ít năm gần đây đã trở thành quen thuộc với công chúng yêu sân khấu vì sự đa dạng, hấp dẫn khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố kịch tính và âm nhạc, ca từ, nhảy múa. Sau nhiều vở nhạc kịch phục vụ khán giả được yêu thích, Nhà hát Tuổi trẻ vừa dàn dựng và cho ra mắt vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi đón chào mùa hè 2024 với tên gọi Bữa tiệc của Elsa (tác giả kịch bản văn học: Trần Lệ Chiến, NSƯT Lê Ánh Tuyết và Đào Duy Anh đạo diễn).

Trong tâm trí của các em nhỏ, ai cũng mong muốn mình sẽ trở thành những nàng công chúa xinh đẹp, những hoàng tử giỏi giang, nhiều phép thuật để có thể thực hiện mọi ước mơ của mình. Như thấu hiểu điều đó, “Bữa tiệc của Elsa” là câu chuyện về Sữa - một cô bé xinh xắn, thông minh, cá tính và được cả nhà cưng chiều, luôn mơ ước mình sẽ hóa thân thành công chúa Elsa lộng lẫy, có nhiều quyền năng để thỏa sức làm những điều mình muốn. Tuy nhiên, do được chiều chuộng quá mức nên Sữa quen đòi hỏi, yêu sách để buộc cha mẹ phải đáp ứng mọi yêu cầu của cô bé. Không được đồng ý thì cô bé gào khóc, ăn vạ, hờn dỗi cho tới khi đạt được ý muốn của mình mới thôi. Bé Sữa không biết tới sự chia sẻ với bạn bè, người thân; càng không có ý thức giúp đỡ, nhường nhịn người khác, không được luyện tập để tự chăm sóc bản thân và có phần dữ tợn với những người yếu thế hơn mình…. Vì thế, cô bé đã bị đám phù thủy nhốt trong cơn ác mộng: đi lạc giữa một cánh rừng không một bóng người mà chỉ toàn thú dữ, những con thú bông mà Sữa từng vặt tay bứt chân. Trong lúc tuyệt vọng vì sợ hãi, Sữa chợt nghe tiếng gọi của chị Na, người bạn hàng xóm đã từng bị Sữa vu oan làm gãy tay búp bê, thậm chí là ăn cắp khi Na cầm con búp bê về để sửa chữa. Nhưng Na không hề nhắc tới những điều đó mà tận sức muốn cứu Sữa thoát khỏi bàn tay của lũ phù thủy độc ác. Thoát khỏi cơn ác mộng kinh hoàng, bé Sữa nhận ra những sai trái, lỗi lầm của mình và cố gắng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn: thân thiện, chia sẻ với mọi người xung quanh, giúp đỡ bố mẹ. Bữa tiệc của Elsa chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực thay đổi chính mình của Sữa - đó là bỏ đi những thói hư, tật xấu và nhân lên những điều tích cực trong cuộc sống. Ngoài thông điệp chính, tác giả và ê kíp sáng tạo còn cố gắng để đưa vào nhận thức khán giả nhí những cách ứng xử, thay đổi hành vi một cách tích cực hơn như thông điệp về sự mất vệ sinh an toàn thực phẩm, biết cách tự lực trong sinh hoạt cá nhân…

Các em nhỏ được hòa mình vào những giai điệu trữ tình về gia đình, bạn bè vui tươi, ấm áp trong Bữa tiệc của Elsa

Qua câu chuyện nhân văn và ý nghĩa, vở nhạc kịch Bữa tiệc của Elsa còn hấp dẫn bởi âm nhạc mang nhiều phong cách trẻ trung qua những làn điệu quen thuộc với khán giả nhỏ, kết hợp với vũ đạo cuốn hút. Các em nhỏ được hòa mình vào những giai điệu trữ tình về gia đình, bạn bè vui tươi, ấm áp, trong đó có những ca khúc được sáng tác riêng cho chương trình, phù hợp với tình huống, tính cách của từng nhân vật như: We are family, Ước mơ, Baby doll (Lưu Thiên Hương); Phép màu của tình bạn, Những chú gấu vui tính (Tuấn Nghĩa); Quả táo xanh đỏ, Tình bạn của những chú hề (Trần Cường); Bữa tiệc của Elsa, Nỗi oan của Na (Huyền Trung). Vở nhạc kịch cũng đầy sôi động, hứng khởi với các màn nhảy múa street dance (nhảy đường phố), các điệu nhảy đang thịnh hành trong các bạn nhỏ hiện nay... Đặc biệt nổi bật là những trang trí sân khấu rất lộng lẫy (dù rất giản dị, dễ thực hiện). Khung hình lung linh, lấp lánh màu sắc, ánh sáng và những đạo cụ, phục trang rực rỡ, yêu kiều của những nàng công chúa, những con thú được các nghệ sĩ tài năng, trẻ trung của Nhà hát Tuổi trẻ đảm nhận một cách điêu luyện chuyên nghiệp. Vở nhạc kịch không chỉ đưa các em đến mùa hè rực rỡ, sôi động mà qua đó còn giáo dục các em những bài học giá trị về cuộc sống. Làm sân khấu cho trẻ em không dễ, đòi hỏi một tâm hồn trẻ trung, yêu đời, yêu lứa tuổi nhỏ và rất tâm huyết với nghề. Nhà hát Tuổi trẻ đã xứng danh là điểm đến văn hóa của lứa tuổi thanh thiếu nhi với những tác phẩm được đầu tư xứng đáng. Những giao đãi, tương tác với khán giả nhí được thực hiện như một điều tự nhiên ở nhà hát, những lời hỏi đáp đơn giản nhưng đã làm không khí khán phòng sôi động hẳn lên. Không có sự qua loa, có phần không trân trọng khi sáng tác, biểu diễn cho các em vì các nghệ sĩ thấm nhuần tư tưởng: trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ mà các em có những đặc điểm tâm sinh lý riêng, rất cần được tìm hiểu kỹ càng và nắm bắt tốt nhất thì mới có thể được các em tin tưởng, lựa chọn làm món ăn tinh thần cho mình.

Vở nhạc kịch cũng đầy sôi động, hứng khởi với các màn nhảy múa đường phố, các điệu nhảy đang thịnh hành trong các bạn nhỏ hiện nay

Dù vậy, vẫn rất mong có thêm những điều chỉnh để cốt truyện thống nhất hơn, câu chuyện rõ ràng, dễ hiểu hơn để loại bỏ những chi tiết có phần rườm rà, chưa nhất quán ở cả cốt truyện cũng như trong cách xử lý hành động sân khấu. Sân khấu với những đòi hỏi khắc nghiệt nhưng cũng là những chuỗi sáng tạo không ngừng. Hy vọng, xứng danh là nhà hát dành cho tuổi trẻ, tiêu chí từ ngày thành lập nhà hát cho tới nay, các anh chị nghệ sĩ tiếp tục phát huy tốt nhất khả năng của mình để mãi trở thành một trong những nhà hát mạnh nhất Việt Nam.

NGỌC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024

;