LTS: Ở tuổi ngoài 80, Bằng Việt ngồi đọc lại gần 500 bài thơ sáng tác suốt 60 năm mình và tự chọn 72 bài, rồi tự dịch sang tiếng Pháp. Ông tâm sự: “Tôi chỉ chọn những bài mà hôm nay đọc lại vẫn còn thấy thân thuộc vì chúng gắn với mỗi bộc bạch nội tâm hay kỷ niệm vui buồn đáng nhớ của đời mình.” Tập thơ đặc sắc này của ông đã được xuất bản tại Pháp vào cuối năm 2023 và được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao. Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về sự nghiệp thơ của ông, một trong những nhà thơ nổi tiếng thời chống Mỹ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí độc giả.
Một vẻ sâu trầm. Giản dị. Bận rộn với công việc thường xuyên, mà trong góc khuất của tâm hồn có chút gì thanh vắng, quạnh quẽ. Lý trí tỉnh táo, nhưng lại có lúc chìm trong thăm thẳm buồn, có lúc như tuyệt vọng. Bằng Việt là vậy, đa diện, đa tài, đa đoan. Đấy là một nhà thơ để lại những dấu ấn riêng trong thế hệ mình bởi một thứ thơ sang trọng, hài hòa giữa lý trí và cảm nhận.
Bằng Việt sinh năm 1941 ở Huế nhưng quê gốc ông ở Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. Tuổi thơ ông có những năm sống cùng bà nội trong khi bố mẹ ông lên chiến khu tham gia kháng chiến. Lớn lên khi miền Bắc đã được giải phóng, Bằng Việt được cử sang Liên Xô (trước đây) học luật. Sau khi về nước ông làm việc tại viện Luật học thuộc Ủy Ban khoa học Xã hội Việt Nam.
Thành công nổi bật đầu tiên của Bằng Việt khi mới 22 tuổi là Bài thơ Bếp lửa (1963). Đó là một bài thơ trong trẻo viết về tình bà cháu, tình gia đình gắn liền với tình quê hương đất nước. Sau khi xuất bản, tác phẩm này đã được bạn đọc đón nhận, làm nên tên tuổi Bằng Việt như một trong những nhà thơ hồn hậu, chân thành và da diết.
Cũng từ thành công này, Bằng Việt bén duyên với làng Văn nghệ và chuyển dần sang làm một nhà thơ chuyên nghiệp. Ông tâm sự: “Mình không được đào tạo về văn học, xoay ra làm thơ, vì yêu thích. Mình tự sáng tác gửi in báo, sau đó bên Hội Nhà văn, các ông Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên quý mình, mời đến chơi. Họ hỏi, nếu Hội Nhà văn xin mình đi thực tế chiến trường, có đi không? Mình đồng ý liền...”. Năm 1970 Bằng Việt thực hiện chuyến đi thực tế chiến trường Bình Trị Thiên với tư cách phóng viên, rồi chuyển sang làm bảo tàng truyền thống cho Binh đoàn 559.
Năm 1983, ông được cử làm Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật Hà Nội. Từ đó, Bằng Việt trở thành một trong những người lãnh đạo văn học nghệ thuật kỳ cựu. Cũng có thời kỳ ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội. Đường quan lộ của ông có vẻ thông suốt. Dù vậy, dường như Bằng Việt không nệ vào quyền lực. Con đường vào văn chương của ông tự nhiên như một ngã rẽ của định mệnh. Trước sau, ông vẫn là một thi sĩ, là người viết từ chính trái tim mình.
*
Cũng như nhiều nhà thơ khác xuất hiện cùng thời, Bằng Việt có hàng chục bài thơ về chiến tranh, về lòng yêu nước, về những biến động của thời cuộc.
Tuyển thơ Bằng Việt bằng tiếng Pháp
Nếu như mỗi nhà thơ có một miền đất riêng cho sáng tác của mình, thì với Bằng Việt, mảnh đất khởi nguồn cho cảm hứng thơ ông là Hà Nội. Những câu thơ của Bằng Việt viết về Hà Nội qua chiến tranh máu lửa xứng đáng xếp vào những câu thơ hào hùng, sinh động với những hình tượng thơ đẹp đẽ bậc nhất trong thơ Việt Nam về đề tài này:
Sông Hồng ơi! Giông bão chẳng thay màu
Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp
Chùa Một Cột đổ trên đầu giặc Pháp
Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen...
(Trở lại trái tim mình)
Dù vậy, nhìn một cách tổng quát các sáng tác của ông, có thể thấy thế mạnh của Bằng Việt không phải là những bài thơ về chiến tranh hay thế cuộc. Ông không có xu hướng vươn mạnh ra những đề tài về cái chung rộng lớn. Ngay khi viết về Hà Nội, bên cạnh những hình ảnh hào hùng, những ngôn từ tụng ca vẻ huyền diệu của một xứ sở, ông vẫn luôn có cái nhìn riêng, thể hiện những rung động riêng tư nhất, gắn với những kỷ niệm của đời mình, với những niềm vui và khát vọng tuổi trẻ:
Tôi trở lại những lối mòn tình tự
Cánh bướm màu hạnh phúc cứ bay đôi
Tiếng ve ran những điệp khúc mùa vui...
(Trở lại Trái tim mình)
Ông không nhấn vào hình ảnh Hà Nội trong máu lửa mà thường tìm ra những khoảnh khắc đẹp đẽ, mộng mơ. Và hình ảnh người con gái Hà Nội trong thơ ông trở đi trở lại nhiều lần như một biểu tượng về vẻ đẹp dung dị, tươi tắn, thủy chung:
Thành phố trong mưa. Hoa rắc trên đầu:
Hoa mưa nở từng bông trên mái tóc
Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất
Nhưng thủy chung như một sắc mai già
(Tình yêu và báo động)
Chính vì cách khai thác đề tài đó mà thơ Bằng Việt khi viết về cái chung, cái lớn lao vẫn không mòn sáo và người đọc nhìn thấy sau mỗi bài thơ ấy là một nỗi lòng, một kỷ niệm riêng tư, một ấn tượng mới mẻ, một vẻ đẹp khó phai mờ. Mảng thơ về chiến tranh, về thế sự của ông còn được bạn đọc nhớ đến khi lịch sử đã có nhiều đổi thay, chính là vì sự hài hòa giữa cái chung và cái riêng, là ở sự độc đáo trong hình tượng thơ và đôi khi là ở sự lóe sáng bất ngờ của tứ thơ.
*
Phần ấn tượng nhất của thơ Bằng Việt chính là khi ông đi sâu vào những ngẫm suy về kiếp người, về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Thế giới thơ ông là thế giới của nỗi lòng, của mộng tưởng và hoài tiếc xen với nỗi ngậm ngùi. Đó là điều làm nên phẩm chất thi nhân và tài năng của ông.
Ông có những hình tượng thơ độc đáo, những câu thơ sang trọng như chắt ra từ những nỗi lòng tinh khiết:
“Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể”
“Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa”.
(Nghĩ lại về Pautopxky)
Những năm 70 đến những năm 90 của thế kỷ trước, thơ Bằng Việt vào sổ tay của lớp lớp học sinh, sinh viên. Rất nhiều người đã từng say mê những bài thơ tình bình dị, tinh tế và se thắt buồn của ông.
Nét nổi bật tạo nên phong cách Bằng Việt là ở giọng thơ thủ thỉ, tâm tình. Ngôn từ điềm đạm. Cấu tứ mạch lạc. Đó là một thứ thơ giàu tính nhạc. Và đáng nói nhất là hệ thống thi ảnh đặc sắc.
Những vẻ đẹp ấy trong thơ Bằng Việt tự nhiên như ánh sáng của một tài năng bẩm sinh, lóng lánh trong ngòi bút của ông từ khi còn rất trẻ:
Thành phố tuổi hoa niên. Thành phố ấy là em.
Em - với màu áo hoa mơ, chân trần trên cỏ ướt,
Đứng thảng thốt reo lên bên bờ sen ngập nước:
Trời ơi ! Sen sớm quá chừng thơm!
(Trò chuyện với thành phố của đời mình)
Và đây nữa, vẫn là một ký ức về người bạn gái thuở thanh xuân:
Đấy là chiều mùa đông. Bom chưa rơi xuống phố,
Chỉ thấy hạt cây cơm nguội rơi đầy...
Em mặc áo bông chần, chưa nhuộm màu cỏ úa
Mắt rạng nguyên màu trăng mới thơ ngây!
(Giao hưởng số chín)
Tôi nghĩ, Bằng Việt là một trong số ít nhà thơ trong thế hệ ông sớm biết tạo dựng cho mình hệ thống hình ảnh riêng, đầy mộng mơ, quyến rũ gợi những cảm xúc tinh khiết. Cũng có lúc, ngòi bút ông đột khởi tạo nên những ấn tượng khác thường, rực rỡ:
Một ánh vui táo tợn của mùa hè
Khi những vệt ong hôn vào nhụy hoa cháy bừng
như vệt lửa
(Thơ tình ngày biển động)
Khi tài năng đã chín, thơ Bằng Việt dần trở nên tinh vi. Vẫn là những hình ảnh ấn tượng về mặt thị giác, nhưng hơn thế, qua đó nhà thơ đã biểu đạt những rung động tinh tế của tâm hồn:
“Chút xôn xao trong hàng cây nắng nhỏ,
Giọt nước tròn rung rinh trong lá sen
Cả gợn sóng mơ hồ trong ánh mắt riêng em
(Thơ tình ngày biển động)
Cùng với thời gian, những xao xuyến, ban sơ buổi ban đầu dần qua, thơ Bằng Việt ngày càng thêm nặng ưu tư. Ông thường có xu hướng ngẫm ngợi về sự đổi thay, còn mất trong cuộc đời, trong tình yêu, tình bạn:
Giọt nước mắt khác xưa giữa tình yêu, tình bạn,
Những kỷ niệm nơi này xáo trộn với nơi kia...
(Thơ tình ngày biển động)
Có lúc ông rút ra một đúc kết đầy nhân ái, một thổ lộ về thái độ sống, sự ứng xử giữa con người trong tình yêu:
Chỉ còn lại cuối cùng những cảm thông da diết
Của tất cả những gì vừa có lại vừa không !...
(Thơ tình ngày biển động)
Thơ Bằng Việt nhiều khi như một khúc nhạc trầm gợi ngẫm suy về hạnh phúc lứa đôi. Nhiều lần viết về đề tài này và mỗi lần lại có thêm những cảm nhận mới mẻ.
Có lúc là sự thức ngộ về những bí ẩn của hạnh phúc. Biết bao nhiêu người từng sống, từng mơ ước, từng tưởng như có thể đạt đến cái đích cuộc đời. Nhưng không, hóa ra tất cả chỉ như một ảo giác, gần đấy mà xa đấy, hiện hữu đấy mà như trong ảo vọng. Đó là sự thấu triệt lẽ đời, và ông đã viết như một sự sẻ chia, như một lời tâm sự:
Hạnh phúc ta cần, thực cũng giản đơn thôi
Như chỉ ở trước ta trên một tầm tay với
Ngỡ rảo bước là sớm chiều sẽ tới
Suốt một đời, sao vẫn giục mình đi?
(Nghĩ lại về Pautopxky)
Không chỉ bí ẩn, giục giã suốt một đời người, hạnh phúc đẹp và lớn lao vô ngần nhưng cũng hết sức mong manh:
Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng,
Nốt cao quá trong đời xao động quá,
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn!
(Nghĩ lại về Pautopxky)
Không phải tự nhiên mà nhiều thế hệ thanh niên, sinh viên, bao nhiêu người trẻ tuổi đã thuộc lòng những câu thơ này của Bằng Việt. Cách suy tư ấy của ông đã chạm đến trái tim, đến những băn khoăn, run rẩy của những phận người trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của đời mình.
Sau này, khi đã đứng tuổi, khi những mơ mộng, những hoài nhớ mênh mông dần tắt, thì nỗi hoài vọng, nuối tiếc tuổi trẻ và những mộng tưởng một thời lại trào lên. Đấy là lúc Bằng Việt viết nên những câu thơ đẫm buồn, xa xót mà thăm thẳm:
Yên tĩnh thế, khiến lòng run rẩy mãi
Trưa lan xa, bóng nắng đẫm vui buồn
Trưa đang đứng, còn đời mình đang chín
Giọt nắng vàng như mật sáng rưng rưng...
(Ngày đã đứng trưa)
Lúc đầu chỉ là một sự thức nhận ngậm ngùi, nhưng liền đó là những câu hỏi tha thiết và đau đớn:
Đã đứng rồi ư ? Sao ngày ngắn vậy
Nghĩ chưa xong, thời khắc điểm xong rồi!
Đã chín rồi ư ? Sao đời ngắn vậy
Quay lại nhìn, bao việc vẫn buông xuôi!
(Ngày đã đứng trưa)
Sự hoài tiếc tháng năm, hoài tiếc cuộc đời dường như là một cảm xúc phổ biến, vẫn thường được nói đến trong thơ ca. Nhưng đọc những câu thơ này của Bằng Việt ta vẫn có một cảm giác buốt nhói. Đó là những lời bột ra từ tâm não, từ tình yêu đến quặn lòng với chính cuộc đời này của ông. Mới hay, thơ, trước hết là nỗi lòng. Khi thơ khởi phát từ lòng chân thành thì mới thực sự có thể rung cảm được người đọc.
Có một điều đáng nói là với Bằng Việt, nỗi nhớ tiếc cuộc đời, niềm khao khát sống trở thành một cảm giác thường trực và lớn dần lên theo năm tháng. Không, con người không thể chống lại những quy luật hà khắc của thời gian. Cho nên trong thơ ông, ta nghe những lời than trách cho kiếp phận và những nghịch lý đời người:
Nhanh quá thế, mà cũng buồn quá thế,
Chớp mắt xong, là đã một đời người !
(Tự sự)
Đó là nỗi buồn của tình yêu đời. Nỗi buồn làm cho người ta khao khát sống hơn, làm cho người ta có trách nhiệm hơn với chính mình và với những người xung quanh.
*
Những năm gần đây Bằng Việt có dịp suy nghĩ lại nhiều điều. Khi cuộc sống chuyển sang cơ chế thị trường, khi sự hội nhập toàn cầu đã tạo nên nhiều biến chuyển, đảo lộn nhiêu giá trị, thơ Bằng Việt cũng có những tìm tòi mới.
Ngoài những bài thơ, mà phần lớn là những bài thơ buồn nói lên nghịch lý, những đổi thay của thời thế, có lúc ông chuyển sang làm những bài thơ gần với thơ thiền, có xu hướng thoát tục để tìm về bản thể và sự thanh tĩnh tuyệt đối:
Cỏ hữu hạn, xanh veo thành bất tử
Lòng hoàn nguyên rửa sạch với hư không!
(Vườn Nhật Bản)
Cũng có lúc ông tìm về với tâm sự của cha ông thuở trước, rồi suy ngẫm về con người trong tiến trình giằng giặc và thăng trầm của lịch sử:
Ai biết nỗi lo thời nào cao hơn,
Ai biết cái nghĩ thời nào cạn hơn ?
Ai biết con người đã từng thành khổng lồ
Lại có lúc hóa thành sâu kiến?
Nhưng thôi ! Tiếng gà canh năm vẫn gáy
Nhưng thôi ! Thời đại vẫn đang rung chuyển
Mưa thu qua, mưa xuân sắp đến rồi !.
(Đọc lại thơ thời Trần)
Trước khi kết thúc những dòng về Bằng Việt, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến mảng thơ dịch của ông. Trong nửa thế kỷ cầm bút, Bằng Việt đã dịch và giới thiệu cho độc giả trong nước nhiều thi sĩ lớn của thế giới như: Bertolt Brecht (Đức), Paul Eluard (Pháp), Evgheni Evtushenko (Nga), Nazim Hikmet (Thổ Nhĩ Kỳ), Federico Garcia Lorca (Tây Ban Nha), Yannis Ritsos (Hy Lạp), Pablo Neruda (Chile)... Năm 2005, tuyển thơ dịch của ông mang tên Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX, gồm 260 bài của 117 tác giả, ở 35 quốc gia trên thế giới được ra mắt, trở thành một công trình dịch thuật tầm vóc và có giá trị lâu bền.
Suốt một cuộc đời lao động nghệ thuật không ngừng, Bằng Việt đã tích lũy tri thức Đông Tây, đã chắt lọc những kinh nghiệm quý giá từ chính những thành bại của mình để kiến tạo nên một sự nghiệp phong phú. Không lánh đời, không xa rời với những chuyển động của thời thế, nhưng không để cái thời thượng lấn át cái bản thể, cái chung lấn át cái riêng. Cuối cùng, người ta vẫn thấy ở ông thơ đích thực là tiếng nói khởi phát từ trái tim giàu rung cảm, từ cảm nhận về vẻ đẹp của cuộc đời, từ tình yêu vô tận với con người. Những bài thơ thành công của ông vẫn còn có chỗ đứng danh dự trong lòng độc giả dù tháng năm vẫn đang vồn vã đi qua.
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024