Tóm tắt: La Bohème là một trong những vở nhạc kịch (opera) được yêu thích và trình diễn nhiều nhất của Giacomo Puccini. Vở opera gồm 4 màn, kể về câu chuyện diễn ra ở Paris vào những năm 1830. Mỗi màn tái hiện một giai đoạn trong mối tình của Rodolfo - một nhà văn trẻ với Mimì - một cô thợ may xinh đẹp nhưng yếu đuối và xoay quanh cuộc sống nghèo khó của 4 chàng nghệ sĩ: Rodolfo, Marcello, Schaunard và Colline. Vở nhạc kịch được viết lời bởi Giuseppe Giacosa và Luigi Illica, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Scènes de la Vie de Bohème (Cuộc sống của những người lưu đãng) của nhà văn người Pháp Henri Murger. Tác phẩm ra mắt lần đầu tại Teatro Regio ở Turin, Ý, vào ngày 1-2-1896. Vở opera này không chỉ nổi tiếng bởi cốt truyện cảm động mà còn bởi âm nhạc đầy màu sắc và tinh tế. Bài viết giúp chúng ta khám phá vở opera La Bohème từ các khía cạnh như: bối cảnh lịch sử, cấu trúc, giai điệu, hòa âm cho đến việc sử dụng dàn nhạc và vai trò của âm nhạc trong việc phát triển nhân vật.
Từ khóa: nhạc kịch, La Bohème, Giacomo Puccini, âm nhạc
Abstract: La Bohème stands as one of Giacomo Puccini’s most cherished and frequently performed operas. This four-act work narrates the tale of a young writer named Rodolfo and a delicate seamstress named Mimì, set against the backdrop of 1830s Paris. Each act illustrates a distinct stage in the romantic relationship between Rodolfo and Mimì, while also highlighting the struggles of four impoverished artists: Rodolfo, Marcello, Schaunard, and Colline. The libretto, crafted by Giuseppe Giacosa and Luigi Illica, draws inspiration from Henri Murger’s novel Scènes de la Vie de Bohème (The Lives of the Wanderers). The opera made its debut at the Teatro Regio in Turin, Italy, on February 1st, 1896. The work has been renowned for both its poignant narrative and its vibrant, intricate music. This article will explore La Bohème through various lenses, including historical context, structural elements, melody, harmony, orchestration, and the function of music in character development.
Keywords: opera, La Bohème, Giacomo Puccini, music.
Vở opera kinh điển La Bohème được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội - Ảnh: vnexpress.net
Vở nhạc kịch La Bohème được sáng tác dựa trên tiểu thuyết Scènes de la Vie de Bohème của nhà văn người Pháp Henri Murger, phản ánh cuộc sống của những nghệ sĩ nghèo sống ở Paris vào giữa TK XIX. Tác phẩm của Puccini đã mang đến một cái nhìn sâu sắc về tình yêu, khát vọng và nỗi đau của giới trẻ trong bối cảnh xã hội đầy biến động.
Vào cuối TK XIX, opera đã trải qua nhiều biến đổi. Puccini với khả năng kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và các yếu tố hiện đại, đã tạo ra một phong cách mới. Ông không chỉ chú trọng đến giai điệu mà còn đến việc sử dụng âm nhạc như một công cụ để kể chuyện, điều này được thể hiện rõ ràng trong vở opera La Bohème.
1. Hình thức và cấu trúc vở diễn
Vở nhạc kịch La Bohème gồm 4 màn, mỗi màn đều có những đặc điểm âm nhạc riêng, giúp phát triển cốt truyện và nhân vật. Cấu trúc của opera thường bao gồm các arias, duets, ensembles và choruses, tạo nên một dòng chảy liên tục, kết hợp giữa âm nhạc và kịch tính.
Màn I: Đêm Giáng sinh, trong một căn phòng nhỏ trên tầng cao nhất của một ngôi nhà ở Khu phố La tinh của Paris. Nhà thơ Rodolfo và họa sĩ Marcello đốt lò sưởi bằng những trang vở kịch mới nhất của Rodolfo để giữ ấm. Hai người bạn cùng phòng khác của họ trở về: Colline, một triết gia và nhạc sĩ Schaunard, người mang theo thức ăn, nhiên liệu và một ít tiền. Tiếp theo, Benoit (chủ nhà), đến đòi tiền thuê nhà. Nhưng thay vì trả tiền, 4 người chuốc cho ông già say đến mức kể lại những câu chuyện tán tỉnh phụ nữ của ông, sau đó họ đuổi ông ra ngoài, cáo buộc ông lừa dối vợ. Sau đó, tất cả mọi người trừ Rodolfo đều đi đến Café Momus, anh muốn có thời gian để viết lách. Nhưng trước khi anh bắt đầu, một người hàng xóm xinh đẹp là Mimì gõ cửa. Luồng gió ở cầu thang đã thổi tắt ngọn nến của cô. Mimì cảm thấy mệt mỏi và loạng choạng ngất đi. Rodolfo đánh thức cô và mời cô một ly rượu vang, sau đó đỡ cô ra cửa và thắp lại ngọn nến của cô. Cô nhận ra mình không có chìa khóa và hẳn đã đánh rơi nó khi ngất đi. Khi Rodolfo và Mimì tìm kiếm nó, cả hai ngọn nến của họ đều tắt. Rodolfo tìm thấy chìa khóa và nhét nó vào túi. Sau đó, anh nắm lấy đôi bàn tay lạnh ngắt của Mimì và kể cho cô nghe về những giấc mơ của mình với bản aria kinh điển “Che gelida manina” (Đôi bàn tay nhỏ lạnh lẽo). Cô đáp lại bằng cách kể về cuộc sống của mình và về việc cô ngồi trong phòng riêng của mình, chờ đợi mùa xuân qua bản aria “Sì, mi Chiamano Mimì” (Tên tôi là Mimì). Bạn bè của Rodolfo gọi vọng tới từ ngoài phố, rủ anh đi cùng. Vui mừng vì đã tìm thấy nhau, Mimì và Rodolfo tay trong tay lên đường đến Café Momus.
Màn II: Quán Café Momus và những con phố xung quanh. Trên những con phố đông đúc quanh quán cà phê, những người bán hàng rong đang bán hàng. Schaunard đang kiểm tra các nhạc cụ và những cuốn sách cũ của Colline, trong khi Marcello tán tỉnh những cô gái đi ngang qua. Rodolfo dừng lại để mua cho Mimì một chiếc mũ. Colline và Schaunard phàn nàn về đám đông. Trẻ em chạy qua, đuổi theo một người đàn ông bán đồ chơi. Cuối cùng mọi người cũng ngồi xuống, những người bạn trêu chọc nhau, nâng ly và trò chuyện về tình yêu. Bạn gái cũ của Marcello là Musetta xuất hiện hoành tráng cùng người tình mới mới của cô, một ông già giàu có tên là Alcindoro. Musetta tán tỉnh Marcello. Khi Alcindoro xấu hổ cố gắng ngăn cô lại, cô bảo anh ta đi mua cho cô một đôi giày mới, sau đó nhanh chóng tiếp cận với Marcello. Hóa đơn đến và Musetta để lại cho Alcindoro thanh toán. Một đội lính canh diễu hành qua và đám đông, bao gồm Rodolfo, Mimì và bạn bè của họ đi theo sau.
Màn III: Bối cảnh một quán rượu ở cổng thành Paris. Vào một buổi sáng tuyết rơi vài tuần sau đó, Mimì đến quán rượu ở cổng thành phố tìm Marcello khi anh đang ở đó với Musetta. Marcello ra ngoài gặp Mimì, nhưng cô không vào vì Rodolfo cũng ở bên trong. Mimì nói rằng sự ghen tuông của Rodolfo đã trở nên không thể chịu đựng được, họ cần phải chia tay và cô ấy ho dữ dội. Marcello thấy Rodolfo đến và Mimì giả vờ rời đi, nhưng lại trốn ở gần đó. Rodolfo nói với Marcello rằng anh ta cần phải chia tay với Mimì. Anh nói rằng anh chán cô, nhưng ngay sau đó anh thừa nhận anh lo lắng căn hộ lạnh giá của mình khiến Mimì ốm nặng hơn. Anh tự trách mình về căn bệnh của Mimì. Mimì đã nghe thấy tất cả, tiến đến và nói lời tạm biệt với Rodolfo. Trong khi đó, Marcello cãi nhau với Musetta vì hành vi lẳng lơ của cô và họ cũng chia tay. Nhưng Mimì và Rodolfo vẫn còn rất yêu nhau, họ quyết định ở bên nhau ít nhất cho đến mùa xuân.
Màn IV: Tại căn hộ ở Khu phố La tinh. Nhiều tháng đã trôi qua, Rodolfo và Mimì đã xa nhau. Anh và Marcello trở lại căn hộ cũ của họ, cố gắng làm việc, nói về những người bạn gái cũ của họ. Colline và Schaunard bước vào với một bữa tối đạm bạc và 4 người giả vờ ăn uống như những nhà quý tộc, khiêu vũ và dàn dựng một cuộc đấu tay đôi giả. Trò chơi của họ bị cắt ngang khi Musetta lao vào, theo sau là Mimì, lúc này đã bị bệnh nặng. Những người đàn ông chuẩn bị một chiếc giường. Marcello và Musetta đi mua một chiếc găng tay để giữ ấm tay cho Mimì. Colline quyết định cầm cố chiếc áo khoác cũ của mình để lấy tiền giúp cô và rời đi cùng Schaunard. Cuối cùng chỉ còn lại một mình với Mimì, Rodolfo đưa chiếc mũ mà anh đã mua cho cô ở Café Momus. Những người khác quay lại, mang theo chiếc găng tay và một chút đồ uống. Họ cũng đã gọi một bác sĩ. Mimì dường như đã ngủ thiếp đi, nhưng Schaunard nhận ra sự thật đáng buồn là cô ấy đã chết. Vở opera kết thúc bằng tiếng kêu đau buồn của Rodolfo.
2. Giai điệu và hòa âm
Vở nhạc kịch La Bohème của Puccini được biết đến với giai điệu đẹp đẽ, lãng mạn và đầy cảm xúc, phản ánh cuộc sống của những người nghệ sĩ trẻ nghèo khó ở Paris.
Giai điệu
Giai điệu trong vở opera La Bohème đặc trưng bởi sự ngọt ngào và tinh tế. Puccini thường sử dụng các giai điệu dễ nhớ, có thể gây ấn tượng mạnh với khán giả. Đặc biệt, Puccini thường sử dụng giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, thể hiện tâm trạng và nội tâm của nhân vật, tiêu biểu là các aria nổi tiếng như “Che gelida manina” của Rodolfo và “Sì, mi chiamano Mimì” của Mimì. Bên cạnh đó, tuyến giai điệu cũng có những đoạn sôi động, thể hiện cuộc sống đầy nhiệt huyết của những người trẻ tuổi. Tuy rằng Puccini sử dụng những giai điệu đơn giản, nhưng lại rất hiệu quả trong việc truyền tải cảm xúc.
Hòa âm
Sự hài hòa trong tác phẩm của Puccini thường được xây dựng dựa trên các hợp âm có cấu trúc đơn giản, nhưng màu sắc phong phú và hiệu quả. Ông khéo léo sử dụng các hợp âm bậc ba và hợp âm bậc năm để tạo ra cảm xúc, đồng thời tạo ra những căng thẳng và giải tỏa trong âm nhạc. Hòa âm trong vở opera La Bohème rất phong phú, sử dụng nhiều sắc thái khác nhau để tạo nên bức tranh âm nhạc sống động. Trong vở, hòa âm luôn đi liền với giai điệu, tạo nên một tổng thể thống nhất và hoàn hảo, giúp tạo ra những không khí khác nhau, từ lãng mạn, buồn bã đến vui tươi, sôi động.
Bên cạnh đó, sự kết hợp hoàn hảo giữa giai điệu và lời ca. Lời ca của vở opera La Bohème rất giàu tính thơ ca, kết hợp hài hòa với giai điệu, tạo nên những đoạn aria và hợp ca bất hủ.
3. Dàn nhạc và vai trò của dàn nhạc
Dàn nhạc
Dàn nhạc trong opera La Bohème của Puccini không chỉ đơn thuần là nền tảng âm nhạc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên bầu không khí, diễn tả tâm trạng nhân vật và đẩy câu chuyện đi đến cao trào. Puccini đã sử dụng một dàn nhạc giao hưởng lớn để tạo ra những âm thanh phong phú và đa dạng, với sự kết hợp của các nhạc cụ dây, gỗ và đồng. Sự phong phú của âm thanh từ dàn nhạc giúp tạo ra bầu không khí phù hợp với bối cảnh của từng cảnh trong vở opera.
Vai trò của dàn nhạc
Dàn nhạc không chỉ hỗ trợ cho giọng hát mà còn tạo bầu không khí, diễn tả cảm xúc và tâm trạng của các nhân vật. Đẩy cảm xúc lên cao trào và giúp làm nối bật giai điệu.
Tạo không khí
Dàn nhạc sử dụng các âm thanh trầm buồn, những nốt nhạc liền bậc và các đoạn nhạc có tiết tấu gấp gáp để tái hiện khung cảnh Paris lạnh giá, khắc nghiệt. Những giai điệu mượt mà, êm dịu của dàn nhạc tạo nên không khí ấm áp, lãng mạn trong những khoảnh khắc tình tứ giữa Rodolfo và Mimì. Dàn nhạc sử dụng các âm thanh chói tai, dissonant để thể hiện sự nghèo khổ, khó khăn của những người nghệ sĩ trẻ.
Diễn tả tâm trạng nhân vật
Rodolfo: Dàn nhạc thường sử dụng những âm thanh cao vút, đầy cảm xúc để thể hiện tình yêu mãnh liệt của Rodolfo dành cho Mimì.
Mimì: Những giai điệu mềm mại, yếu đuối của dàn nhạc phản ánh sự mong manh và bệnh tật của Mimì.
Musetta: Dàn nhạc sử dụng những âm thanh sôi động, vui tươi để thể hiện tính cách phóng khoáng, tự do của Musetta.
Đẩy câu chuyện lên cao trào
Dàn nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những đoạn kịch tính, tăng cường cảm xúc cho người xem. Đặc biệt là phân đoạn cái chết của Mimì, dàn nhạc sử dụng những âm thanh trầm buồn, da diết để thể hiện sự đau khổ tột cùng của Rodolfo khi chứng kiến Mimì ra đi.
4. Phát triển nhân vật qua âm nhạc
Nhân vật Rodolfo
Rodolfo là nhân vật trung tâm của vở opera La Bohème của Puccini, trải qua một hành trình cảm xúc sâu sắc, từ tình yêu say đắm đến nỗi đau mất mát. Sự phát triển của nhân vật này được thể hiện rõ nét qua âm nhạc, đặc biệt là qua những aria và đoạn song ca của anh.
Khi Rodolfo gặp Mimì, âm nhạc của anh tràn đầy sự phấn khích và say mê. Aria “Che gelida manina” là một ví dụ điển hình, với giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, diễn tả khoảnh khắc tình yêu chớm nở. Trong những đoạn song ca với Mimì, âm nhạc của Rodolfo toát lên niềm vui, sự lạc quan và hy vọng vào một tương lai tươi sáng bên người yêu.
Khi Mimì bắt đầu đổ bệnh, âm nhạc của Rodolfo trở nên trầm lắng hơn, thể hiện sự lo lắng và bất an trước tương lai. Rodolfo phải đối mặt với sự giằng xé giữa tình yêu và thực tế khắc nghiệt. Âm nhạc của anh lúc này mang sắc thái phức tạp, thể hiện sự đau khổ và tuyệt vọng.
Mimì không còn nữa đã để lại một vết thương sâu sắc trong lòng Rodolfo. Âm nhạc của anh trong những đoạn cuối cùng của vở opera trở nên đau khổ, tuyệt vọng, thể hiện sự mất mát lớn lao.
Qua âm nhạc, Puccini đã vẽ nên một bức tranh sinh động về sự phát triển tâm lý của nhân vật Rodolfo. Từ một chàng trai trẻ yêu đời, tràn đầy nhiệt huyết, Rodolfo đã trở thành một người đàn ông đau khổ, mất mát. Sự thay đổi này được thể hiện rõ nét qua những giai điệu, cấu trúc âm nhạc và sự kết hợp với dàn nhạc.
Nhân vật Mimì
Mimì là nhân vật nữ chính của vở opera La Bohème của Puccini, là một cô thợ may trẻ trung, yếu đuối nhưng tràn đầy tình yêu. Sự phát triển của nhân vật này qua âm nhạc được thể hiện rõ nét qua những aria và đoạn song ca của cô.
Khi mới xuất hiện, Mimì được khắc họa qua những giai điệu nhẹ nhàng, trong trẻo. Aria “Sì, mi chiamano Mimì” là một ví dụ điển hình, thể hiện sự ngây thơ, hồn nhiên của một cô gái trẻ. Khi tình yêu với Rodolfo lớn dần, âm nhạc của Mimì tràn đầy niềm vui, sự phấn khích. Giọng hát của cô trở nên ấm áp, ngọt ngào hơn.
Khi căn bệnh lao ngày càng nặng, âm nhạc của Mimì trở nên yếu ớt, buồn bã. Giai điệu của cô mang âm hưởng của sự cô đơn, tuyệt vọng. Mặc dù bệnh tật hành hạ, Mimì vẫn khao khát được sống, được bên người yêu. Điều này được thể hiện qua những đoạn nhạc đầy hy vọng, dù ngắn ngủi.
Khi cái chết cận kề, âm nhạc của Mimì trở nên vô cùng đau khổ, tuyệt vọng. Giai điệu của cô yếu ớt, mong manh, như một đóa hoa sắp tàn. Cuối cùng, Mimì chấp nhận số phận của mình. Âm nhạc của cô trở nên thanh thản, nhẹ nhàng, như một lời từ biệt.
Nhân vật Marcello
Marcello là một trong những nhân vật chính trong vở opera La Bohème của Puccini, là một họa sĩ trẻ sống ở khu phố La tinh cùng với Rodolfo tại Paris. Nhân vật này trải qua những biến đổi cảm xúc phức tạp, đặc biệt là trong mối quan hệ với cô bạn gái Musetta. Sự phát triển tâm lý của Marcello được thể hiện rõ nét qua âm nhạc.
Đặc điểm âm nhạc của nhân vật Marcello
Ban đầu, Marcello được khắc họa là một người nghệ sĩ phóng khoáng, tự do. Âm nhạc của anh thường mang giai điệu sôi động, thể hiện sự nhiệt huyết và yêu đời. Khi yêu Musetta, âm nhạc của Marcello trở nên ngọt ngào, lãng mạn. Tuy nhiên, khi Musetta rời bỏ anh, âm nhạc của anh lại trở nên đau khổ, ghen tuông. Qua những biến cố trong cuộc sống, đặc biệt là chuyện tình với Musetta, Marcello dần trưởng thành hơn. Âm nhạc của anh lúc này trở nên sâu sắc hơn, thể hiện sự chín chắn và hiểu biết về cuộc sống.
Sự phát triển của nhân vật Marcello qua âm nhạc
Màn 1: Marcello được giới thiệu là một người bạn đồng hành trung thành của Rodolfo. Âm nhạc của anh trong những đoạn đối thoại với Rodolfo thường mang tính chất hài hước, thể hiện sự thân thiết giữa hai người bạn.
Màn 2: Khi gặp lại Musetta tại quán cà phê, Marcello thể hiện sự ghen tuông và đau khổ qua những giai điệu đầy cảm xúc.
Màn 3: Sau khi chia tay Musetta, Marcello trở nên chán chường và cô đơn. Âm nhạc của anh trong màn này thể hiện sự buồn bã và tuyệt vọng.
Màn 4: Khi gặp lại Musetta, Marcello đã tha thứ cho cô. Âm nhạc của anh lúc này trở nên dịu dàng hơn, thể hiện sự tha thứ và tình yêu vẫn còn.
Nhân vật Colline
Colline là một trong những nhân vật chính trong vở opera La Bohème của Puccini, thường được xem là người bạn tri thức, trầm tính và có phần ngây thơ trong nhóm bạn trẻ Bohemian. Sự phát triển của nhân vật này, tuy không nổi bật bằng các nhân vật khác như Rodolfo hay Mimì, vẫn được thể hiện một cách tinh tế qua âm nhạc.
Đặc điểm âm nhạc của nhân vật Colline
Colline thường có giọng trầm ấm, thể hiện sự điềm tĩnh và sâu sắc của một triết gia. Âm nhạc của Colline thường có giai điệu đơn giản, không quá cầu kỳ, phù hợp với tính cách trầm tính của nhân vật. Qua các đoạn hợp ca và đối thoại với các nhân vật khác, đặc biệt là Rodolfo, âm nhạc của Colline thể hiện tình bạn sâu sắc, sự quan tâm chân thành đến bạn bè.
Sự phát triển của nhân vật Colline qua âm nhạc
Sự hy sinh: mặc dù là người nghèo khó, Colline luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Trong những khoảnh khắc khó khăn, anh sẵn sàng hy sinh đồ vật quý giá của mình để giúp đỡ bạn bè. Điều này được thể hiện qua các đoạn aria ngắn, nhưng đầy cảm xúc.
Tình yêu sách vở: Colline là một người yêu sách vở. Tình yêu này được thể hiện qua những đoạn độc thoại ngắn, nơi anh thể hiện sự trân trọng đối với tri thức.
Sự chung thủy: Colline luôn là người bạn đồng hành trung thành của Rodolfo, Marcello và Schaunard. Sự trung thành này được thể hiện qua các đoạn hợp ca, nơi anh luôn hòa hợp với bạn bè.
Có thể nói, vở opera La Bohème của Puccini là một sự kết hợp hoàn hảo giữa giai điệu đẹp đẽ, lời ca ngọt ngào, cốt truyện cảm động và âm nhạc tinh xảo. Với một lịch sử huy hoàng và sức ảnh hưởng vô cùng sâu sắc, opera La Bohème không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc mà còn là một cột mốc quan trọng trong nền nghệ thuật opera. Từ những nốt nhạc đầu tiên cho đến những giai điệu cuối cùng, vở opera này đã khắc họa một cách tinh tế không chỉ về tình yêu và sự đau khổ mà còn về cái đẹp và sự tàn nhẫn của cuộc sống. La Bohème không chỉ là một bức tranh lãng mạn về tình yêu và tình bạn, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đích thực về sự đau khổ, sự hy sinh và sự mất mát. Qua những lời ca ngọt ngào, chúng ta cảm nhận được hơi thở cuộc sống, sự phản chiếu của những khao khát, những ước mơ và những tiếc nuối. Như một bức tranh về cuộc sống và tình yêu, La Bohème vẫn mãi trường tồn và lan tỏa sức hút của mình qua thời gian. Không chỉ là một tác phẩm opera đầy cảm xúc, La Bohème còn là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, một phần không thể thiếu trong kho tàng âm nhạc thế giới.
__________________
Tài liệu tham khảo
1. Trương Nguyệt Anh, Trích giảng âm nhạc châu Âu nửa cuối thế kỷ XIX, Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội, 1991.
2. Nguyễn Trung Kiên, Lược sử Opera, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2011.
3. Nguyễn Trung Kiên, Nghệ thuật Opera, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2004.
4. Hồ Mộ La, Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2005.
5. Nguyễn Thị Nhung, Lịch sử âm nhạc thế giới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 5-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 7-1-2025; Ngày duyệt đăng 3-2-2025
NGUYỄN ĐÌNH CHÚC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025