Hát xẩm trong không gian phố cổ Hà Nội hiện nay

Sau một thời gian vắng bóng, hiện nay, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân đang nỗ lực nhằm phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của xẩm trong đời sống đương đại. Bài viết đề cập đến biểu diễn hát xẩm góp phần lan tỏa giá trị di sản trong không gian phố cổ Hà Nội, cùng những nỗ lực đưa hát xẩm mang hơi thở mới của thời đại phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch đến với Hà Nội và đặt ra các vấn đề đối với biểu diễn xẩm trong phố cổ Hà Nội hiện nay.

Sự kiện trình diễn nghệ thuật hát xẩm mang tên “Say Xẩm” với sự tham gia của NSND Xuân Hoạch (ngoài cùng bên trái) cùng các nghệ sĩ trẻ thu hút đông đảo bạn trẻ quan tâm  - Ảnh: vietnamplus.vn

“Hát xẩm là loại hình âm nhạc vô cùng đặc sắc bởi ở đó là cả một thế giới nội tâm, chứa đựng tâm tư, tình cảm của con người đối với quê hương, đất nước, ca ngợi công cha nghĩa mẹ, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình anh em, bạn bè... Các bài hát xẩm thường đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống. Đặc biệt, các nghệ nhân hát xẩm thường chọn thơ văn có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm để thể hiện trong các làn điệu xẩm” (1). Hiện nay, xẩm - một loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo bị thất truyền, song, nhờ đam mê và sự cố gắng không mệt mỏi của những người trẻ tuổi được đào tạo bài bản, có tâm huyết nên xẩm Hà thành đã được hồi sinh, lan tỏa mạnh trong đời sống tinh thần người dân ở Hà Nội nói riêng và khách du lịch trong nước, quốc tế mỗi khi có dịp đến với Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, những người thực hành xẩm Hà thành còn đưa loại hình âm nhạc này “sống” gần hơn với cộng đồng cư dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Trong vài năm trở lại đây, xẩm khoác lên mình sức sống mới khi những tiết mục xẩm được phát hành dưới nhiều dạng ấn phẩm khác nhau như: album, MV… đã thu hút được sự quan tâm của mọi đối tượng yêu thích nghệ thuật âm nhạc truyền thống, do đó hoạt động biểu diễn của các chiếu xẩm ở Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách tham dự, đặc biệt là khách quốc tế.

1. Biểu diễn hát xẩm góp phần lan tỏa giá trị di sản trong không gian phố cổ Hà Nội

Từ khi không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động, người dân Thủ đô và du khách rất hào hứng với chiếu xẩm tại đình Nam Hương - Tượng đài Vua Lê trên phố Lê Thái Tổ do nhóm xẩm Hà thành thực hành vào mỗi tối cuối tuần hằng tháng (tối thứ bảy) với số lượng khách du lịch thưởng thức rất đông. Người đến thưởng thức không chỉ là những du khách cao tuổi mà còn có rất nhiều khách nước ngoài và các nhóm thanh niên. Họ nghe, nhìn và thưởng thức các bài hát xẩm do các nghệ sĩ biểu diễn, đôi khi còn vỗ tay, nhún nhảy theo nhịp phách khi nghe những bài xẩm có tiết tấu vui nhộn. Trong không gian trình diễn này, khách trong nước và khách nước ngoài tham dự với sự say sưa nghe nhìn những làn điệu lúc sâu lắng, da diết, vui tươi của các bài hát xẩm do những nghệ sĩ trẻ trình diễn.

Trong nhiều năm trở lại đây, xẩm đã trở nên quen thuộc hơn với khán giả trong và ngoài nước. Sự hoạt động mạnh mẽ của các nhóm xẩm và các nghệ sĩ của dòng nhạc dân tộc như: nhóm Xẩm Hà Thành, NSND Xuân Hoạch, Mai Tuyết Hoa… với nhiều sản phẩm, hoạt động biểu diễn cả trên sân khấu và ngoài đường phố đã mang đến sức sống mới cho xẩm. Cụ thể, nhóm Xẩm Hà Thành ra mắt nhiều MV xẩm được xây dựng lời mới phản ánh nhiều chủ đề “nóng” của xã hội như: văn hóa giao thông, kêu gọi văn hóa ứng xử đã uống rượu bia thì không lái xe; nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa ra mắt album xẩm đầu tiên, gồm nhiều bài xẩm cổ và xẩm phổ thơ mới… Ngoài ra, các nghệ sĩ như NSND Xuân Hoạch, Mai Tuyết Hoa còn tổ chức các minishow, các dự án truyền dạy xẩm cho thế hệ trẻ, giới thiệu Xẩm tới sinh viên các trường đại học ở Mỹ…

Bên cạnh đó, tại không gian phố cổ Hà Nội còn có một điểm hát xẩm khác đã được nhiều du khách tìm đến và đón xem đó là sân khấu biểu diễn âm nhạc truyền thống trước cửa chợ Đồng Xuân do các nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam biểu diễn vào buổi tối cuối tuần hằng tháng. Trong nhiều loại hình âm nhạc truyền thống được biểu diễn tại đây, các nghệ sĩ trẻ đã dành một thời gian nhất định để biểu diễn các bài hát xẩm Hà Thành để phục vụ người dân và khách du lịch thưởng thức. Do bản chất là nghệ thuật dân gian biểu diễn tại đường phố, nên các nghệ sĩ trẻ đã đưa xẩm trở lại gần đúng với không gian biểu diễn ban đầu (chiếu xẩm tại chợ Đồng Xuân). Với những người cao tuổi sống ở khu phố cổ Hà Nội, mỗi đêm sân khấu trước cửa chợ Đồng Xuân sáng đèn, họ lại đi ra nghe những điệu xẩm cùng các loại hình nghệ thuật khác.

Khi nghệ thuật xẩm hoàn toàn thất truyền tại Hà Nội, các nhạc sĩ, nghệ sĩ yêu âm nhạc truyền thống, đặc biệt là xẩm như: Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng cùng với nghệ sĩ “đàn anh” như các NSND: Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Thao Giang cùng Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Khang... đã vực dạy môn nghệ thuật độc đáo này. Bởi nếu để thất truyền, bản thân họ cảm thấy có lỗi với các bậc tiền nhân. Hơn nữa, loại hình âm nhạc dân dã, độc đáo này lại phổ biến ở khắp đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Hà Nội lại chính là trung tâm của hát xẩm. Theo một số thông tin cho biết, từ các cuộc điền dã sưu tầm được hệ thống băng ghi hình, ghi âm về bài hát xẩm của nghệ nhân Hà Nội thuở trước và sau này, nhóm sưu tầm đã tìm kiếm thông tin và gặp được ông Nguyễn Văn Gia, ở làng Phú Đô, quận Bắc Từ Liêm - người học trò của cụ trùm xẩm Nguyễn Văn Nguyên để có thêm tư liệu về dòng xẩm Hà Thành xưa. Bên cạnh việc hoàn thành đĩa xẩm Hà Nội, những người tâm huyết với nghệ thuật này đã làm sống lại bằng một chiếu xẩm đầu tiên ở trước cửa chợ Đồng Xuân khi phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân đi vào hoạt động vào các buổi tối cuối tuấn hằng tháng và thu hút được sự quan tâm và tham dự của đông đảo người xem, đặc biệt là khách quốc tế khi viếng thăm Hà Nội. Với hoạt động biểu diễn thường xuyên nên hát xẩm giờ đây trở nên quen thuộc với nhiều người dân Hà Nội và du khách trong nước cũng như quốc tế viếng thăm. Trên thực tế, không chỉ các câu lạc bộ, nhóm xẩm hoạt động tích cực mà nhiều nghệ sĩ cũng nhiệt huyết đưa xẩm đến công chúng thông qua hoạt động sự kiện văn hóa nghệ thuật và sản xuất các sản phẩm âm nhạc xẩm Hà Thành.

Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ ở số 50 phố Đào Duy Từ, Hà Nội đã tổ chức sự kiện “Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, tiêu biểu như NSND Xuân Hoạch (người đã dành cả cuộc đời với xẩm đương đại Việt Nam) và các nhóm, câu lạc bộ truyền dạy, trình diễn xẩm nổi tiếng: Chiếu Xẩm Hải Thành (Hải Phòng), Chiếu Xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình), Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội), Câu lạc bộ Ca nhạc Truyền thống UNESCO Hà Nội, Đoàn nghệ thuật Đông Đô (Hà Nội)… Chương trình đã giúp công chúng hiểu hơn về các chặng đường phát triển của xẩm cũng như những đặc trưng của loại hình nghệ thuật dân gian này từ môi trường diễn xướng, các loại nhạc cụ… Đồng thời, các nghệ nhân, nghệ sĩ sẽ giới thiệu tới khán giả một số làn điệu xẩm cơ bản thường được thực hành trong xã hội hiện nay. Chương trình này thu hút được đông đảo người xem, trong đó có nhiều vị khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm. Ngoài ra, chương trình “Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu” do Chiếu Xẩm Hải Phòng, Nhóm Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý Di tích Phố cổ Hà Nội tổ chức nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11).

2. Những nỗ lực đưa hát xẩm mang hơi thở mới của thời đại phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch đến với Hà Nội

Cùng với nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác như ca trù, chầu văn… xẩm đang từng bước góp thêm mảng màu sắc hấp dẫn cho âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, cũng giống như các loại hình văn hóa dân tộc, xẩm còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với công chúng trẻ tuổi. Số lượng nghệ nhân ngày một ít đi do tuổi tác và thời gian trong khi đội ngũ kế cận còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản. Theo đại diện Trung tâm Nghệ thuật phát triển âm nhạc Việt Nam cho biết, đây là những khó khăn chung ở các loại hình âm nhạc dân tộc, trong đó có hát xẩm, song, điều lạc quan là những năm gần đây, âm nhạc dân gian đang nhận được sự quan tâm hơn của công chúng, có thời điểm, hát văn gặp không ít trở ngại nhưng hiện nay, di sản này đã phát triển và đang được lựa chọn biểu diễn trong nhiều chương trình lớn. Còn với hát xẩm, các hoạt động sôi nổi của những nghệ sĩ trẻ đã mang đến sức sống mới cho xẩm. Loại hình nghệ thuật này không chỉ được biểu diễn ở không gian phố đi bộ mà còn được biểu diễn ở nhiều sân khấu âm nhạc lớn tại Hà Nội và cả nước. Theo một nghệ sĩ âm nhạc khác cũng cho biết, một vài năm gần đây có nhiều chương trình truyền hình đã đưa xẩm lên sân khấu để khán giả trải nghiệm, làm quen, điều này đã tạo sự hấp dẫn công chúng trẻ. Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ đã cùng nhau tổ chức mở các lớp truyền dạy xẩm nên đã thu hút được nhiều bạn trẻ, trong đó có người nước ngoài theo học. Điều này cho thấy xẩm vẫn có sức sống bền bỉ riêng cần được khai thác đúng cách và hợp lý.

Xẩm có hơn 10 làn điệu và hơn 400 lời xẩm, trong đó các làn điệu phổ biến là: xẩm thập ân, xẩm huê tình, xẩm chợ, xẩm sai, xẩm ngâm vịnh, xẩm tàu điện... Xẩm có thể được đặt tên theo các nội dung khác nhau như: không gian biểu diễn; đi từ chợ, đi tàu điện Hà Nội hay vào nhà trò; theo mục đích bài xẩm, tên bài xẩm nổi tiếng; theo nguồn gốc… Ngoài việc duy trì các làn điệu và lời xẩm truyền thống, hiện nay nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ xẩm ở Thủ đô Hà Nội đã tạo nên hơi thở mới cho xẩm để bộ môn nghệ thuật này được sinh tồn và có sức sống gần hơn với người dân Thủ đô và công chúng cả nước đón nhận. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, những nghệ sĩ xẩm trẻ tuổi luôn quan tâm và tích cực triển khai các hoạt động cụ thể, ý nghĩa gắn với điều này. Và gần đây, các nghệ sĩ trẻ cũng sáng tác nhiều bài xẩm mới với lời hát thể hiện cái nhìn của giới trẻ về cuộc sống đương đại. Các bài xẩm phản ánh nhiều chủ đề mang tính thời sự và được xã hội quan tâm. Trong bối cảnh, Đảng, Nhà nước đang quyết tâm phòng chống tham nhũng, nhạc sĩ Thao Giang đã sáng tác bài xẩm Tiễu trừ tham nhũng… Mới đây nhất, khi cả nước gồng mình chống dịch COVID-19, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long sáng tác một loạt các bài xẩm như: Tiễu trừ cướp biển, lên tiếng để bảo vệ chủ quyền biển đảo; Bốn mùa hoa Hà Nội; Trách ông nguyệt lão; Tiêu diệt Corona, gửi vào đó niềm tin chiến thắng dịch bệnh… Bên cạnh đó, các nhóm xẩm đã nỗ lực đưa loại hình nghệ thuật này gần hơn với công chúng bằng việc cho ra mắt MV xẩm với bài cổ và lời mới. Thêm vào đó, các nghệ sĩ còn tổ chức nhiều chương trình biểu diễn trên sân khấu lớn; truyền dạy xẩm cho thế hệ trẻ; giới thiệu, quảng bá xẩm đến công chúng trong và ngoài nước bằng các phương thức khác nhau thông qua báo chí, truyền hình...

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị của nghệ thuật hát xẩm, từ ngày 3 đến 5-12-2019, tại tỉnh Ninh Bình đã diễn ra “Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm khu vực phía Bắc lần thứ I” với sự tham gia của 15 câu lạc bộ hát xẩm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có các câu lạc bộ hát xẩm ở Hà Nội tham gia. Liên hoan này được tổ chức không chỉ là dịp giới thiệu tới công chúng những tinh hoa của loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam mà còn là cơ sở để sau đó tỉnh Ninh Bình cùng các tỉnh khu vực phía Bắc làm hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa hát xẩm vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và tiến tới đề cử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

3. Các vấn đề đặt ra đối với hoạt động biểu diễn xẩm trong phố cổ Hà Nội hiện nay

Để hát xẩm biểu diễn tại không gian phố cổ Hà Nội được diễn ra được thuận lợi và thu hút được đông đảo người xem, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, các bên liên quan trong hoạt động quản lý và thực hành biểu diễn cần chú ý đến một số vấn đề đặt ra để có những giải pháp hữu hiệu trong việc phát huy tốt vai trò của hát xẩm trong không gian văn hóa độc đáo của Thủ đô Hà Nội:

Một là, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức và biểu diễn hát xẩm ở các địa điểm biểu diễn cố định trong khu vực phố đi bộ Hoàn Kiếm. Đó là việc nâng cấp các trang thiết bị phục vụ biểu diễn như âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng cảm biến thông minh chuyển màu ánh sáng, đổi mới lại không gian sân khấu biểu diễn bằng các vật liệu nhẹ, dễ lắp và tháo khi biểu diễn, bổ sung các paner dạng bạt in, giấy lụa để giới thiệu về xẩm Hà thành… Việc làm này có vai trò quan trọng trong việc tạo ra không gian biểu diễn thực hành hát xẩm vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại, giúp cho công chúng thưởng thức có cái nhìn rõ nét về hoạt động biểu diễn của một loại hình nghệ thuật dân gian đã từng tồn tại, phát triển trong suốt tiến trình lịch sử của Thủ đô Hà Nội.

Hai là, đa dạng hóa nội dung chương trình hát xẩm ở các địa điểm biểu diễn tại không gian phố cổ Hà Nội. Đó chính là việc tạo ra các chương trình biểu diễn hát xẩm theo các chủ đề khác nhau, ví dụ như: xẩm truyền thống; xẩm đương đại; xẩm truyền thống - đương đại; xẩm theo chủ đề (an toàn giao thông; xây dựng đời sống văn hóa; phòng chống bệnh dịch…). Khi xây dựng các chủ đề biểu diễn xẩm như trên, các nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn lại phải lựa chọn các tác phẩm đã biểu diễn và sáng tác thêm các tác phẩm mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Đây là việc làm đòi hỏi sự đam mê nghề nghiệp của những người gắn bó với xẩm Hà thành trong nhiều thập kỷ qua. Chính sự đa dạng này sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa các chương trình biểu diễn khác nhau được lồng ghép, đan xen và thu hút được sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là khách du lịch từ các địa phương khác mỗi khi đến với phố cổ vào các dịp cuối tuần.

Ba là, tăng cường hoạt động giám sát, quản lý nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho người biểu diễn và người xem. Tại không gian phố cổ Hà Nội là nơi tập trung rất đông người vào dịp cuối tuần với đủ các thành phần, lứa tuổi, trình độ học vấn… Tại không gian đi bộ ở phố cổ Hà Nội, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố thu hút rất đông khán giả tham dự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, an ninh cho người biểu diễn cũng như khán giả thưởng thức nghệ thuật như các hiện tượng cháy nổ, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng… Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm để giữ gìn an ninh trật tự tại không gian biểu diễn nghệ thuật, trong đó có biểu diễn hát xẩm tại các địa điểm trong phố cổ hiện nay.

Bốn là, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về biểu diễn hát xẩm, trong đó ưu tiên truyền thông có ứng dụng công nghệ số. Đây là một hoạt động đặc biệt quan trọng trong thời đại kỷ nguyên số, bởi thực tế cho thấy, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đều đã sử dụng công nghệ để giới thiệu quảng bá hình ảnh của mình đến với công chúng thưởng thức nghệ thuật không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Với sự đa dạng hóa của các hình thức truyền thông ứng dụng số, hát xẩm ở Hà Nội cần thực ứng dụng triệt để các hình thức biểu đạt của công nghệ số để quảng bá hình ảnh, thông tin về di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này như số hóa hát xẩm, giới thiệu trên các trang website, báo điện tử, đặc biệt là sử dụng các ứng dụng xã hội như: Facebook, YouTube, Zalo… để giới thiệu tới đông đảo công chúng, ví dụ như việc lập fanpage mang tên miền xẩm liên kết với các nhóm yêu thích nghệ thuật, hay tạo các clip biểu diễn xẩm và đăng tải trên YouTube, hoặc lập nhóm Zalo có tên gọi Xẩm Hà thành… Từ những trang tin xã hội này cần phải được đăng tải thông tin cập nhật thường xuyên, liên tục để có những tương tác giữa người đăng tin và xem tin. Từ đó, các ứng dụng xã hội này sẽ góp phần quảng bá xẩm vượt qua không gian lãnh thổ tự nhiên để công chúng, đặc biệt là khách du lịch có thể cập nhật thông tin về di sản ở mọi lúc, mọi nơi trước khi đến với Thủ đô Hà Nội, đến với loại hình nghệ thuật xẩm Hà thành.

4. Kết luận

Hát xẩm trong không gian phố cổ Hà Nội là hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đầy ý nghĩa, đưa đến cho người xem bức tranh toàn cảnh về một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã từng tồn tại, phát triển trong lịch sử của Thủ đô Hà Nội, đồng thời, góp phần phần giới thiệu, quảng bá thông tin hình ảnh của xẩm đến với công chúng thông qua hoạt động du lịch văn hóa. Biểu diễn xẩm tại không gian phố cổ vào dịp cuối tuần hằng tháng còn cho thấy sự tương tác qua lại giữa các nghệ sĩ, nghệ nhân với công chúng thưởng thức, ở đó họ thể hiện sự giao lưu thông qua những ca từ, nhịp điệu, âm nhạc… Những bài hát xẩm cổ được tái hiện lại cùng với các sáng tác mới từ phía các nhạc sĩ trẻ Hà Nội đã mang đến sự đa dạng trong hoạt động biểu diễn, giúp người xem dễ nghe, dễ hiểu, biểu lộ được các cung bậc cảm xúc khác nhau. Để có được những chương trình biểu diễn hát xẩm tại phố cổ Hà Nội, các nghệ sĩ, diễn viên đã cùng chung sức và cố gắng hết mình để sáng tạo, đổi mới với nhiều phương cách khác nhau để đưa đến người xem những hình ảnh mới của hát xẩm vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại. Hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc làm sống dậy một loại hình nghệ thuật dân gian xẩm trong xã hội đương đại - một cơ sở quan trọng trong tiến trình vinh danh di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và cấp quốc tế đối với xẩm trong thời gian tới.

_____________________

1. Phương Lan, Hát Xẩm - Hành trình đến di sản, dantocmiennui.vn, 28-12-2019.

TS NGUYỄN THỊ THANH NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024

;