Sự nối tiếp từ Nói Lối qua Hát Nam trong hát bội Bình Định

Tóm tắt: Trong biểu diễn hát bội, việc sử dụng các làn điệu hát tùy vào phong cách hát bội từng vùng miền. Tác giả kịch bản hát bội thường ghi chú tên từng loại làn điệu, bài bản hát trong kịch bản để diễn viên sử dụng khi biểu diễn. Với khả năng thấu hiểu nội dung, tình tiết trong vở diễn, đào/ kép hát bội chọn lựa từng dạng làn điệu, bài bản hát phù hợp với tình huống, tính chất, tâm trạng nhân vật. Khi sử dụng các làn điệu hát, sự tiếp nối từ điệu hát này sang điệu hát khác trong biểu diễn hát bội Bình Định (HBBĐ) góp phần thể hiện nét riêng về phong cách hát. Bài viết trình bày về sự tiếp nối phổ biến của hai điệu hát chính trong HBBĐ là Nói Lối và Hát Nam. Đây là sự kết hợp hai điệu hát có cùng tính chất, hơi và thể hiện tín hiệu giao lưu biểu diễn giữa diễn viên và nhạc công HBBĐ.

Từ khóa: Nói Lối, Hát Nam, Hát Bội, Bình Định.

Abstract: In performing hat boi, the use of singing melodies depends on the style of hat boi in each region. The author of the hat boi script often notes the names of each type of melody and song in the script for the actors to use when performing. With the ability to understand the content and details of the play, hat boi actor/actress selects each type of melody and song to suit the situation, nature, and mood of the character. When using singing melodies, the continuity from one singing tune to another in performing hat boi Binh Dinh (HBBĐ) contributes to expressing the unique characteristics of the singing style. This article presents the continuing popularity of the two main singing melodies in HBBĐ: Noi Loi and Hat Nam. This is a combination of two singing melodies with the same properties, modal scale, and represents the exchange signal in performance between actors and musicians of HBBD.

Keywords: Noi Loi, Hat Nam, Hat Boi, Binh Dinh.

NSND Hòa Bình (vai Lan Anh) và NSUT Kim Thành (vai Hồ Nô) trong “Hộ Sanh Ðàn” - Ảnh: Nhu Mì

1. Nói Lối, Hát Nam trong HBBĐ

HBBĐ là một trong những phong cách hát bội truyền thống Việt Nam. Trong biểu diễn âm nhạc HBBĐ, Hát Nam và Nói Lối là những điệu hát quan trọng, phổ biến, góp phần tạo nên phong cách HBBĐ.

Hát Nam là một trong những làn điệu chính, thể hiện đặc trưng của HBBĐ. Hát Nam thuộc cung Nam. Trong kịch bản tuồng hát bội cổ, Hát Nam được ghi là Nam viết hoặc Vãn viết hoặc Hát vãn. Hát Nam là điệu hát do người Việt sáng tạo, dựa trên thể loại thơ lục bát, lục bát biến thể hoặc song thất. Hát Nam được sử dụng trong nhiều tình huống và tính chất khác nhau như: dạo chơi, vui tươi, đau buồn, biệt ly… Dựa trên tính chất và tình huống sử dụng, hơi, bài nhạc đệm khi hát Hát Nam, có thể chia Hát Nam trong HBBĐ thành ba dạng: Nam Xuân (tính chất vui tươi, trong sáng; sử dụng điệu thức Xuân; hát trên bài nhạc Nam Xuân của dàn nhạc), Nam Ai (tính chất đau buồn; sử dụng điệu thức Ai; hát trên bài nhạc Nam Ai của dàn nhạc), Nam Xuân Nữ (tính chất buồn man mác; sử dụng điệu thức Oán; hát trên bài nhạc Nam Xuân Nữ của dàn nhạc).

Nói Lối là dạng lời nói được cách điệu, phổ biến trong các loại hình nghệ thuật sân khấu như cải lương, hát bội, chèo…; là cầu nối giữa nói và hát. Tuy nhiên, Nói Lối trong hát bội là nghệ thuật mang tính âm nhạc có giai điệu và tiết tấu riêng, thường được viết bằng thể thơ biền ngẫu đối xứng từ 3 đến 10 chữ. Mỗi loại Nói Lối phù hợp với từng nhân vật, từng hoàn cảnh với tính cách riêng, không gian riêng. Nó cũng được xem như một dạng làn điệu hát. Trong biểu diễn HBBĐ, Nói Lối chiếm tỷ lệ cao (khoảng 80%). Căn cứ vào tình huống sử dụng, Nói Lối trong HBBĐ chia thành nhiều dạng khác nhau: Lối thường, Lối Giáo tuồng, Lối Xây, Lối Dựng, Lối giận, Lối Bóp, Lối Ai, Lối Xuân, Tán…

Nói Lối thường được đào kép sử dụng độc lập hoặc để mở đầu hoặc kết thúc một làn điệu hát, gọi là vào “thủ”. “Thủ” là cách hát của đào/ kép để báo hiệu cho dàn nhạc chuẩn bị đệm điệu hát tiếp theo.

Nói Lối thuộc làn điệu không nhịp. Hát Nam thuộc làn điệu có nhịp. Đây là sự khác nhau cơ bản của hai điệu hát. Cấu trúc của Nói Lối và Hát Nam đều chia thành câu trống, câu mái. Mỗi câu gồm hai vế là vế trống, vế mái. Mỗi vế là một câu thơ.

Trong biểu diễn hát bội, trước khi diễn viên hát vào câu Hát Nam thường sử dụng Nói Lối để báo hiệu cho dàn nhạc chuẩn bị tấu bài nhạc đệm cho diễn viên khi hát Hát Nam. Ví dụ, muốn hát Nam Xuân thì trước đó phải sử dụng Nói Lối Xuân; Nam Ai thì dùng Lối Ai; Nam Xuân Nữ thì dùng Lối Xuân Nữ (hoặc Tán). Đây là mối liên kết không thể thiếu trong các vở diễn HBBĐ.

2. Từ Nói Lối sang Hát Nam

Nói Lối Xuân và Hát Nam Xuân

Sự tiếp nối từ Nói Lối Xuân sang Hát Nam Xuân là mối liên kết phổ biến trong HBBĐ. Nói Lối Xuân và Hát Nam Xuân đều sử dụng hơi Xuân. Tính chất của hai điệu hát này giống nhau, đều vui tươi, thường trong cảnh dạo chơi, hoặc tâm trạng phấn khởi.

Các chữ của lời hát trong Nói Lối Xuân có cao độ tương ứng với các dấu thanh thể hiện ở hơi Xuân như sau:

Dấu sắc: e2; dấu huyền: d1 lên d2; dấu hỏi: a1 lên e2 xuống d2; dấu ngã: e1 lên e2; không dấu: d2.

Các chữ của lời hát trong Hát Nam Xuân có cao độ tương ứng với các dấu thanh thể hiện ở hơi Xuân như sau:

Tương ứng với các dấu thanh trong lời hát: dấu sắc: d2; dấu huyền: d1; dấu hỏi: a1 lên d2; dấu ngã: g1 lên d2; dấu nặng: e1 lên g1; không dấu: a1 xuống g1.

Sau đây là ví dụ tiêu biểu về sự tiếp nối từ Nói Lối Xuân sang Hát Nam Xuân: Ví dụ 1: Lối Xuân sang Hát Nam Xuân khi dạo chơi của nhân vật Trịnh Ân (NSND Đình Bôi - Nhà hát tuồng Đào Tấn) và chư tướng (diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn) - Trảm Trịnh Ân, khuyết danh.

Câu Nói Lối Xuân của Trịnh Ân (Từ thành nam nghìn dặm đề huề. Trong cõi bắc một đoàn rong ruổi) có nhịp tự do, hát theo hơi Xuân. Tiếp theo câu Nói Lối Xuân là các câu Hát Nam Xuân của Trịnh Ân và chư tướng (rong ruổi gió đường nhè nhẹ… hớn hở reo vui). Hai chữ cuối câu Nói Lối Xuân là rong ruổi được lặp lại thành hai chữ đầu của câu Hát Nam Xuân. Chữ ruổi trong câu Nói Lối Xuân được hát luyến láy lên cao và ngân vang để báo hiệu cho dàn nhạc chuẩn bị vào Hát Nam Xuân, gọi là thủ.

Nói Lối Ai và hát Nam Ai

Sự tiếp nối từ Nói Lối Ai qua Hát Nam Ai là sự kết hợp phổ biến trong HBBĐ. Tương tự như Nói Lối Xuân và Nam Xuân, Nói Lối Ai và Hát Nam Ai là hai làn điệu hát có cùng hơi Ai. Tính chất hai điệu hát này giống nhau, thường sử dụng trong cảnh chia tay, biệt ly, tâm trạng buồn thương.

Các chữ của lời hát trong Nói Lối Ai có cao độ tương ứng với các dấu thanh thể hiện ở hơi Ai như sau:

Đối với vế Trống của câu Nói Lối Ai: dấu sắc: d2, hoặc a1 xuống e1; dấu huyền và dấu nặng: d1; dấu hỏi: a1 lên h1; dấu ngã: a1 xuống g1; không dấu: d2.

Đối với vế Mái của câu Nói Lối Ai: dấu sắc: h2; dấu hỏi: a1 lên h1; dấu huyền: d1; dấu ngã: d1 lên a1 xuống g1; dấu nặng: e1 lên a1; không dấu: a1.

Các chữ của lời hát trong Hát Nam Ai có cao độ tương ứng với các dấu thanh thể hiện ở hơi Ai (d1 - f1 già - g1 - a1 - h1) như sau:

Dấu sắc: h1; dấu huyền, nặng: d1; dấu hỏi, ngã: a1 lên h1; không dấu: a1 xuống g1.

Sau đây là ví dụ tiêu biểu về sự tiếp nối từ Nói Lối Ai qua Hát Nam Ai:

Ví dụ 2: Nói Lối Ai và Hát Nam Ai của nhân vật Lan Anh (NSND Hòa Bình - Nhà hát tuồng Đào Tấn) - Hộ Sanh Đàn, Đào Tấn.

Trong hoàn cảnh chia ly, loạn lạc của vợ chồng Lan Anh và Tiết Cương, nhân vật Lan Anh, tay ẵm cháu, tay bồng con trẻ mới sinh bôn ba trên đường tìm chồng. Câu Nói Lối Ai qua Hát Nam Ai của Lan Anh được thể hiện trong tâm trạng vợ chồng cách xa, buồn khổ. Diễn viên hát ở nhịp độ chậm, luyến láy theo hơi Ai. Câu thơ Lịu địu tay bồng, tay ẵm là câu thơ cuối của Nói Lối Ai cũng được lặp lại trở thành câu thơ đầu trong câu Hát Nam Ai Lịu địu tay bồng tay ẵm. Dõi trông người biển thẳm non cao… lạnh lùng. Diễn viên vào thủ chữ ẵm trong cuối câu Nói Lối Ai để báo hiệu cho dàn nhạc chuẩn bị sang hát Nam Ai.

Nói Lối Xuân Nữ và Hát Nam Xuân Nữ

Sự tiếp nối từ Nói Lối Xuân Nữ qua Nam Xuân Nữ là sự kết hợp hai làn điệu có cùng hơi Oán, thể hiện hoàn cảnh chia ly hoặc tâm trạng man mác buồn.

Các chữ của lời hát trong Nói Lối Xuân Nữ có cao độ tương ứng với các dấu thanh thể hiện ở hơi Oán như sau:

Các chữ của lời hát trong Hát Nam Xuân Nữ có cao độ tương ứng với các dấu thanh thể hiện ở hơi Oán như sau:

dấu sắc: d2; dấu huyền: d1; dấu hỏi: a1 lên d2; dấu ngã: f1 già - d2 - g1; dấu nặng: d1 - f1 già - g1; không dấu: h1 non xuống a1.

Ví dụ tiêu biểu về sự kết hợp Nói Lối Xuân Nữ sang Hát Nam Xuân Nữ:

Ví dụ 3: Lối Xuân Nữ và Hát Nam Xuân Nữ: vai Lưu Trí Nghĩa (NSND Xuân Hợi - Nhà hát tuồng Đào Tấn) - Xử án Mộc Đài Sơn - khuyết danh - Hoàng Chinh chỉnh lý:

Lưu Trí Nghĩa và Hoàng Lệ Chi yêu nhau. Tuy nhiên, cha của Hoàng Lệ Chi bị cha của Lưu Trí Nghĩa hãm hại. Đây là câu hát của Lưu Trí Nghĩa trong tâm trạng buồn đau vì nghĩ rằng nhân duyên với Hoàng Lệ Chi khó thành. Diễn viên vào thủ chữ hiu trong câu Nói Lối Xuân Nữ Tịch mịch không gian chiều ảm đạm, Lưa thưa tấc cỏ gió đìu hiu trước khi hát câu Nam Xuân Nữ Phương trời biết gửi về đâu, Lời thề ô thước lỗi cầu Chức Ngưu.

3. Kết luận

Sự tiếp nối từ Nói Lối qua Hát Nam là sự kết hợp các điệu hát không nhịp và có nhịp. Nói Lối Xuân qua Hát Nam Xuân là sự tiếp nối hai điệu hát có cùng hơi Xuân và cùng tình huống, tâm trạng, tính chất vui tươi, phấn khởi. Nói Lối Ai qua hát Nam Ai là sự tiếp nối hai điệu hát có cùng hơi Ai và cùng tình huống, tâm trạng, tính chất buồn đau, biệt ly. Và Nói Lối Xuân Nữ qua Hát Nam Xuân Nữ là sự tiếp nối hai điệu hát có cùng hơi Oán và cùng tình huống, tâm trạng, tính chất chia ly hoặc man mác buồn.

Diễn viên sử dụng Nói Lối trước khi vào Hát Nam để thủ, nhằm báo hiệu cho nhạc công chuẩn bị đệm bài nhạc cho diễn viên hát tiếp vào điệu Hát Nam. Đây là sự giao lưu thú vị không thể thiếu giữa diễn viên và nhạc công trong biểu diễn HBBĐ.

________________

Danh mục khái niệm, quy ước sử dụng trong bài viết

Ký hiệu nốt nhạc: Ký hiệu các nốt nhạc đô, rê, mi, fa, sol, la, si giáng, si bằng chữ cái: c, d, e, f, g, a, b, h.

Ký hiệu quãng 8: c là đô quãng tám nhỏ; c1 là đô quãng 8 thứ nhất; c2 là đô quãng 8 thứ 2…

Ký hiệu rung, vỗ, non, già: Rung: (đặt trên đầu nốt nhạc); vỗ: V (đặt trên đàu nốt nhạc); non: (đặt trước nốt nhạc hoặc trên đầu nốt nhạc); già: (đặt trước nốt nhạc hoặc trên đầu nốt nhạc).

Quy ước: Đối với tất cả các ví dụ về thang âm điệu thức, hơi, các bản ký âm trong chuyên đề này, chúng tôi quy định viết nốt d1 là âm đầu tiên (bậc ) của thang âm, hơi.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 28-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 2-1-2025; Ngày duyệt đăng:7-1-2025.

ĐÀO THỊ NHU MÌ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025

;