Quy tắc hát điệu hát Nam trong hát bội Bình Định

Hát điệu hát Nam căn cứ vào lời hát và tình huống sử dụng. Quy tắc hát từng dạng hát Nam được hình thành qua việc phân tích lời hát và tình huống sử dụng của từng dạng hát Nam, từ đó, phân chia câu, vế Trống, Mái và áp dụng cách ngắt hơi chừa chữ, luyến láy, sử dụng thang âm phù hợp với từng dạng hát Nam. Hiện nay, các làn điệu âm nhạc hát bội Bình Định (HBBĐ) nói chung và hát Nam ngày càng mai một bởi cách thức lưu truyền phổ biến truyền khẩu. Vì vậy, để góp phần bảo tồn âm nhạc HBBĐ, ngoài việc lưu giữ các video HBBĐ cần bổ sung cụ thể quy tắc hát bằng văn bản (như ký âm nốt nhạc). Bài viết trình bày chi tiết về quy tắc hát từng dạng với các bản ký âm nốt nhạc minh họa cho từng dạng của loại hình nghệ thuật diễn xướng này.

1. Khái quát điệu hát Nam trong HBBĐ

Hát Nam là tên gọi của một làn điệu âm nhạc hát bội, thuộc cung Nam. Trong kịch bản tuồng hát bội cổ, hát Nam thường được ghi là Nam viết hoặc Vãn viết hoặc Hát vãn. Khác với hát Khách (tương truyền có nguồn gốc Trung Hoa), hát Nam là điệu hát do người Việt sáng tạo dựa trên loại thơ dân gian Việt Nam là lục bát, lục bát biến thể. Trong HBBĐ, hát Nam là một trong những làn điệu chính, phổ biến. hát Nam được sử dụng trong nhiều tình huống, tính chất khác nhau. Căn cứ vào tính chất, thang âm điệu thức, hơi và bài nhạc đệm của dàn nhạc khi hát có thể chia hát Nam trong HBBĐ thành 3 dạng khác nhau: Nam Xuân, Nam Ai, Nam Xuân Nữ.

Hát Nam được viết bằng thơ lục bát, song thất, lục bát biến thể. Quy định cụ thể về loại thơ trong 1 sắp hát Nam gồm 3 câu hát:

Câu 1 (gồm 2 câu thơ lục bát biến thể): câu 6 chữ + câu 7 chữ.

Câu 2 (gồm 2 câu thơ lục bát): câu 6 chữ + câu 8 chữ.

Câu 3 (gồm 2 câu thơ song thất; hoặc 2 câu thơ lục bát): câu 7 chữ + câu 7 chữ; hoặc câu 6 chữ + câu 8 chữ.

Trong HBBĐ, hát Nam thường được hát thành sắp hát. Mỗi sắp hát Nam có cấu trúc gồm 3 câu hát theo thứ tự: câu Trống - câu Mái - câu Trống. Mỗi câu chia 2 vế là vế Trống và vế Mái. Mỗi vế là một câu thơ. Câu Trống cuối của sắp hát Nam còn gọi là câu rút. Câu này được hát nhanh hơn so với 2 câu trước nhằm báo hiệu cho dàn nhạc biết sắp kết thúc hát Nam. Lúc này, dàn nhạc tấu nhạc nhanh dần để “dìu” diễn viên vào cánh gà.

Trong kịch bản hát bội, tên làn điệu hát được tác giả sáng tác kịch bản ghi sẵn trước lời hát của các nhân vật. Trước những câu hát Nam, tác giả thường ghi là Nam (hoặc Vãn viết, hoặc Hát vãn) và đòi hỏi diễn viên tự xác định các câu thơ đó phù hợp với dạng hát Nam nào để chọn sử dụng. Như vậy, với sự am hiểu về từ lý và nội dung trong những câu thơ, họ xác định chúng phù hợp với dạng Nam Xuân hay Nam Ai hay Nam Xuân Nữ. Và diễn viên cần nắm vững cấu trúc của sắp hát Nam để áp dụng đúng quy tắc hát. Từ đó, vận dụng đúng quy tắc hát như cách ngắt hơi chừa chữ, luyến láy, nống chữ… theo quy luật câu/ vế Trống/ Mái của dạng hát Nam đó.

Trong HBBĐ, làn điệu hát Nam được sử dụng phong phú, chiếm ưu thế sau nói Lối và gần bằng hát Khách. Nam Xuân, Nam Ai phổ biến ở các vở cổ, truyền thống, như Sơn hậu, Hộ sanh đàn, Cổ thành, Đào Phi Phụng, Giang tả cầu hôn, Trầm hương các, Khuê các anh hùng… Nam Xuân Nữ xuất hiện vào đầu TK XX và phổ biến trong tuồng tiểu thuyết như Bóng đen nghĩa hiệp, Xử án Mộc Đài Sơn...

2. Quy tắc hát các dạng hát Nam

Quy tắc chung

Cũng như những điệu hát khác của HBBĐ, giai điệu của hát Nam được tạo thành từ 2 yếu tố cơ bản: lời hát, tình huống sử dụng. Quy tắc hát điệu hát Nam được hình thành từ cách thể hiện lời hát và phù hợp với tình huống sử dụng điệu hát.

Lời hát: Vì lời hát là thơ nên giai điệu hát Nam được hình thành chịu ảnh hưởng của nhịp điệu thơ trong cách phân tách, ngắt hơi của câu thơ. Ví dụ, cách ngắt hơi chừa chữ để luyến láy trong câu Trống của hát Nam:

Vế 6 chữ: Hát 2 chữ đầu rồi ngắt hơi… Ví dụ: Lao xao/ sóng vỗ/ ngọn tùng (nhân vật Đổng Kim Lân - Sơn hậu)

Vế 7 chữ: Hát 3 chữ đầu rồi ngắt hơi… Ví dụ: Lướt đường mai/ phong ai/ chi sá (nhân vật Đổng Kim Lân - Sơn hậu).

Ngắt hơi là cách chia tách các chữ trong từng câu thơ ở mỗi vế hát bằng cách ngắt hơi. Đối với câu Trống của hát Nam, cách ngắt hơi được quy định như sau: Vế 6 chữ: Hát 2 chữ đầu rồi ngắt hơi… Ví dụ: Lao xao/ sóng vỗ/ ngọn tùng (nhân vật Đổng Kim Lân - Sơn hậu). Vế 7 chữ: Hát 3 chữ đầu rồi ngắt hơi… Ví dụ: Lướt đường mai/ phong ai/ chi sá (nhân vật Đổng Kim Lân - Sơn hậu).

Kỹ thuật luyến láy được thể hiện bằng việc thêm các âm ứ, ư, ừ… ở ngay những chỗ ngắt hơi, chừa chữ trong lời hát. Ngoài ra, khi hát còn vận dụng cách chuyền chữ, nhả chữ. Chuyền chữ là cách luyến chuyền từ chữ này sang chữ khác để cho thuận theo vần của chữ ấy. Nhả chữ là cách láy theo dư âm của chữ ấy bằng dấu sắc đối với câu Trống và bằng không dấu đối với câu Mái. Ví dụ: câu Trống: “Lao… háo... xao… Háo… sóng… Óng… vỗ…… ngọn… ón… tùng ứ ư ứ.”. Câu Mái: “Gian nan… han… là… ha… nợ… anh… Hanh… hùng…Ung… phải… Ai… vay… ay”.

Kỹ thuật luyến láy trong hát Nam gồm 2 loại chính là láy Trống và láy Mái.

Láy Trống: Sử dụng ở câu Trống; láy ở độ cao hơn và lấy dấu sắc làm chính; những chữ có dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và không dấu phải phát âm chữ đó rồi láy lên dấu sắc. Ví dụ: “Lao… Háo... xao… háo”.

Láy Mái: Sử dụng ở câu Mái; láy ở độ thấp hơn và lấy không dấu làm chính; bất kỳ gặp chữ có dấu gì cũng phát âm chữ đó rồi phải láy về không dấu. Ví dụ: “anh hùng…Ung…”.

Ngoài ra, hát Nam còn dùng láy nống chữ. Kiểu láy này chỉ dùng ở câu Trống với các chữ có dấu sắc, dấu hỏi; và nếu, 2 chữ cùng dấu đứng liền nhau thì chỉ nống chữ sau (theo luật tiền bần hậu phú) để tránh “điệp”, “cấn”. Ví dụ: sóng vỗ chỉ nống chữ vỗ. Riêng đối với Nam Ai, nống thêm các chữ có dấu nặng và dấu ngã. Đối với trường hợp các chữ trong câu hát bị điệp dấu, điệp từ, diễn viên phải láy theo quy tắc “tiền bần, hậu phú”. Điệp dấu là hai chữ liền nhau có cùng dấu, ví dụ: biển thẳm, non cao, lịu địu...: Láy theo âm hưởng của chữ ấy theo quy luật Trống Mái. Điệp từ là hai chữ liền nhau có cùng âm, ví dụ: nhè nhẹ, lao xao, lịu địu, bơ thờ, phăng phăng…: Hát một âm nặng, một âm nhẹ; một âm trầm, một âm bổng.

Ngoài ra, khi hát Nam, vì cách ngắt hơi chừa chữ (2 chữ/ 2 chữ/ 2 chữ) sẽ dễ tạo nên tiết tấu đều nhau, gọi là đếm. Hát Nam kỵ đếm, vì thế, khi luyến láy, nhả chữ phải tạo được âm thanh trầm bổng.

Kỹ thuật luyến láy cụ thể trong từng vế Trống, Mái của hát Nam: vế Trống 6 chữ: chữ thứ 2 và thứ 6 láy “ứ…ư…”; chữ thứ 4 láy theo âm của chữ đó. Vế Trống 7 chữ: chữ thứ 5 và thứ 7 láy “ứ…ứ…; chữ thứ 3 láy theo âm của chữ đó. Vế Mái 6 chữ: chữ thứ 4 láy xuống rồi về chữ “ư”; các chữ khác thì láy theo âm của chữ đó. Vế Mái 8 chữ: chữ thứ 4 láy “ứ…ư” rồi xuống “ư”; các chữ khác láy theo âm của chữ đó.

Tình huống sử dụng: Tùy tình huống, hoàn cảnh, tính chất sử dụng mà đào/ kép chọn lựa dạng hát Nam phù hợp. Ví dụ: Hát Nam Xuân khi vui; hát Nam Ai khi buồn; hát Nam Xuân Nữ khi man mác buồn. Và tùy dạng hát Nam mà diễn viên sử dụng quy tắc hát khác nhau. Ví dụ: Hát Nam Xuân sử dụng hơi Xuân; Nam Ai sử dụng hơi Ai; Nam Xuân Nữ sử dụng hơi Oán. Như vậy, diễn viên xác định tình huống sử dụng hát Nam để chọn dạng hát Nam phù hợp. Mỗi dạng quy định việc sử dụng hơi khác nhau. Và cách ngắt hơi, chừa chữa, chuyền chữ, nhả chữ, luyến láy trong các câu Trống/ Mái ở 3 dạng hát Nam trong HBBĐ cũng khác nhau.

Một sắp hát Nam gồm 3 câu. Mỗi câu hát tương ứng với 8 ô nhịp của bài nhạc đệm. Mỗi bài nhạc đệm cho các dạng hát Nam gồm 24 ô nhịp tương ứng với 1 sắp hát Nam. Mỗi dạng hát Nam có bài nhạc đệm riêng. Tuy nhiên, đôi khi diễn viên chỉ hát 1 hoặc 2 câu hát Nam tùy hoàn cảnh nhân vật… Do đó, dựa trên bài nhạc hát Nam mà dàn nhạc sẽ linh hoạt cắt bớt bài nhạc theo cách hát của diễn viên chứ không sử dụng hết cả bài. Đặc biệt, ở câu cuối (câu rút) của sắp hát Nam, tốc độ sẽ tăng nhanh hơn 2 câu trước để báo kết thúc sắp hát.

Quy tắc riêng

Nam Xuân

Tình huống sử dụng: Hát Nam Xuân thường thể hiện tính chất vui tươi; trong hoàn cảnh yên bình, khi đi đường, dạo chơi…

Quy tắc hát: Nam Xuân sử dụng hơi Xuân và hát trên bài nhạc Nam Xuân của dàn nhạc. Trong tâm trạng vui vẻ hoặc trong khi du xuân, ngoạn cảnh…, diễn viên hát, luyến láy ở tốc độ và tiết tấu hơi nhanh. Đây là nét đặc trưng của giai điệu Nam Xuân. Nếu trong tâm trạng lo âu, suy tư thì hát chậm hơn, láy thưa hơn. Nếu diễn tả sự buồn thảm vì ly biệt nhưng vẫn giữ khí chất người anh hùng thì hát và luyến láy chậm hơn nữa.

Quy tắc hát các chữ trong Nam Xuân tương ứng với các dấu thanh thể hiện ở hơi Xuân như sau:

Tương ứng với các dấu thanh trong lời hát: Dấu sắc: d2 (líu); dấu huyền: d1 (hò); dấu hỏi: a1 lên d2 (xê - líu); dấu ngã: g1 lên d2 (xang - líu); dấu nặng: e1 lên g1 (xự - xang); không dấu: a1 xuống g1 (xê - xang).

Ví dụ, về hát Nam Xuân: ví dụ 1: Sắp hát Nam Xuân trong khi dạo chơi của nhân vật Trịnh Ân (NSND Đình Bôi - Nhà hát Tuồng Đào Tấn) - “Trảm Trịnh Ân” (khuyết danh), hát:

Sắp hát Nam Xuân của nhân vật Trịnh Ân trong tâm trạng vui vẻ, phấn khởi, ngắm cảnh khi đi đường. Dàn nhạc đệm bài Nam Xuân ở nhịp độ và tiết tấu nhanh (tốc độ: nốt đen = 70). Diễn viên hát ở hò 5, luyến láy ở nhịp độ nhanh vừa. Trong ví dụ này, NSND Đình Bôi hát đúng quy tắc hát Nam Xuân; luyến láy đúng quy định về cao độ dấu thanh của các chữ trong hát Nam Xuân. Ngoài ra, ông còn kết hợp láy Trống, láy Mái, nống chữ… trong câu/ vế Trống/ Mái phù hợp. Cụ thể:

Câu Trống (láy Trống): Ở vế Trống 6 chữ: các chữ thứ 2 (ruổi) và thứ 6 (nhẹ) đều láy ứ…ư (a1 h1...) trong vế 1 (Rong ruổi gió đường nhè nhẹ). Ở vế Mái 6 chữ: chữ thứ 4 láy xuống ư (a1). Ví dụ, ở chữ vẻ trong vế 2 (Non sông rạng vẻ cao thanh).

Câu Mái (láy Mái): láy xuống ư (g1) ở chữ thứ 4. Ví dụ ở chữ cuối của vế 4 (Ái lang tắc cuối bể tình lặng hơi).

Ngoài ra, trong câu Mái, nếu các chữ có dấu ngã thì luyến từ g1 lên a1, ví dụ: cõi trong vế 3 (Yên vui ngoài cõi biên thành). Tuy vậy, để tránh bị điệp dấu ở 2 chữ Non sông rong vế 2 (Non sông rạng vẻ cao thanh), diễn viên xử lý chữ Non thay vì luyến a1 xuống g1 thì phải hát luyến từ d2 xuống a1 xuống g1 và nhấn rung chữ sông theo luật tiền bần, hậu phú.

Nam Ai

Tình huống sử dụng: Nam Ai được dùng để diễn tả sự chia ly, đau thương, mất mát, sầu thảm.

Quy tắc hát: Nam Ai được hát trên bài nhạc Nam Ai (thuộc hơi Ai) của dàn nhạc. Nam Ai thể hiện ở nhịp độ chậm, tiết tấu chậm, tính chất đau thương. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nhân vật đi đường gấp gáp, nhịp độ và tiết tấu chuyển sang nhanh hơn rất nhiều. Sự khác nhau cơ bản của hát Nam Ai so với Nam Xuân là hơi. Hát Nam Ai sử dụng hơi Ai; hát Nam Xuân sử dụng hơi Xuân. Và kỹ thuật luyến láy của hát Nam Ai cũng khác so với hát Nam Xuân. Nếu Nam Xuân chỉ nống các chữ có dấu sắc và dấu hỏi thì Nam Ai nống cả các chữ có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng. Tuy nhiên, có những chữ có dấu sắc ở Nam Xuân thì nống được nhưng ở Nam Ai nếu nống sẽ bị cấn điệp. Do đó, đối với hát Nam Ai, ngoài những chữ được nống, tất cả các chữ khác phải luyến láy theo âm hưởng của chữ ấy và đi ngang về dấu không.

Quy tắc hát các chữ trong Nam Ai tương ứng với các dấu thanh như sau:

Tương ứng với các dấu thanh trong lời hát: Dấu sắc: h1 (cống); dấu huyền, nặng: d1 (hò); dấu hỏi, ngã: a1 lên h1 (xê - cống); không dấu: a1 xuống g1 (xê - xang).

Như vậy, cách luyến láy trong hát Nam Ai tạo giai điệu có âm vực hẹp hơn so với Nam Xuân. Quy luật nống chữ ở các chữ có dấu thanh trong câu hát Nam Ai theo hơi Ai; luyến láy theo âm hưởng của từng chữ rồi quay về không dấu (về nốt sol).

Ví dụ 2: Hát Nam Ai, nhân vật Lan Anh (NSND Hòa Bình - Nhà hát Tuồng Đào Tấn) - “Hộ Sanh đàn” - Đào Tấn:

Trong ví dụ này, NSND Hòa Bình hát sắp hát Nam Ai ở hò 5, nhịp độ chậm (tốc độ: nốt đen = 47). Cô có cách hát riêng là ở chữ Dõi (trong câu Dõi trông người…), thay vì luyến từ nốt a1 sang h1 thì luyến a1 sang d2. Người trong nghề HBBĐ gọi là cách hát dựng/ nống lên. Hoặc các chữ có dấu nặng, thay vì hát nốt d1 thì vì cách láy ở trống khác với vế mái hát khác nhau về cao độ. chẳng hạn: chữ Ngại: luyến a1 – d2 trong Ngại ngùng… ở câu cuối; chữ một hát thành a1… ở câu cuối Ngại ngùng một bước một xa… Đây là một cách hát mà diễn viên được phép chọn lựa sao cho phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng nhân vật. Chính vì thế, tuy cùng làn điệu, cùng câu hát nhưng người này hát khác người kia một chút với sáng tạo của riêng mình.

Nam Xuân Nữ

Tình huống sử dụng: Nam Xuân Nữ được sử dụng trong hoàn cảnh chia tay, đi đường... Điệu hát này không dùng trong âm nhạc của các vở diễn hát bội truyền thống, đặc biệt là tuồng cổ. Từ năm 1930 về sau, khi các vở tuồng hát bội tiểu thuyết (còn gọi là tuồng Xuân Nữ) xuất hiện ở Bình Định, điệu hát Nam Xuân Nữ ra đời và chịu ảnh hưởng từ âm nhạc cải lương. Tuy ra đời muộn hơn Nam Xuân và Nam Ai nhưng hiện nay lại phổ biến trong dân gian với các tuồng tiểu thuyết như Bóng đen nghĩa hiệp, Xử án Mộc Đài Sơn...

Quy tắc hát: Nam Xuân Nữ giống với Nam Xuân, Nam Ai về cấu trúc văn học, cấu trúc làn điệu, quy tắc hát. Nam Xuân Nữ cũng có thể diễn tả hoàn cảnh buồn rầu, chia tay, lúc đi đường nhưng so với Nam Ai thì tính chất không buồn như Nam Ai . Điệu Nam Xuân Nữ có tiết tấu và nhịp độ nhanh gấp đôi Nam Ai; cách luyến láy nhanh hơn Nam Ai; sử dụng hơi Oán. Khi hát làn điệu Nam Xuân Nữ, dàn nhạc sẽ tấu bài nhạc Nam Xuân Nữ (thuộc hơi Oán).

Quy tắc hát cao độ các chữ trong câu hát Nam Xuân Nữ tương ứng với các dấu thanh như sau:

Tương ứng với các dấu thanh trong lời hát: Dấu sắc: d2 (líu); dấu huyền: d1 (hò); dấu hỏi: a1 lên d2 (xê - líu); dấu ngã: f1 già - d2 - g1 (y già - líu - xang) dấu nặng: d1 - f1 già - g1 (hò - y già - xang); không dấu: h1 non xuống a1 (cống non - xê).

Như vậy, cách luyến láy của Nam Xuân Nữ ở cao độ các nốt nhạc có âm vực rộng hơn so với Nam Xuân, Nam Ai. Quy luật nống chữ ở các chữ có dấu thanh trong câu hát Nam Xuân Nữ theo hơi Oán. Tiết tấu và nhịp độ, luyến láy nhanh gấp đôi Nam Xuân. Ví dụ về câu hát Nam Xuân Nữ:

Ví dụ 3: Câu hát Nam Xuân Nữ của nhân vật Lưu Trí Nghĩa (NSND Xuân Hợi - Nhà hát Tuồng Đào Tấn) - “Xử án Mộc Đài Sơn” - khuyết danh, NSƯT Hoàng Chinh chỉnh lý:

Câu hát Nam Xuân Nữ của nhân vật Lưu Trí Nghĩa thể hiện trong tâm trạng buồn vì cha của người mình yêu bị cha mình hại chết nên nhân duyên khó thành. Diễn viên hát ở hò 5, nhịp độ nhanh (tốc độ: nốt đen = 70). Trong ví dụ này, NSND Xuân Hợi cũng tuân thủ quy luật luyến láy, nống chữ… của quy tắc hát Nam Xuân Nữ. Tuy nhiên, để tránh mắc lỗi điệp dấu thanh trong hai chữ Lời thề của câu hát cuối, diễn viên đã luyến láy chữ Lời khác chữ thề. Thay vì chữ có dấu huyền được hát ở nốt d1 thì diễn viên hát chữ Lời khác đi bằng cách luyến láy chuỗi nốt lên xuống từ f1 già - g1 rung - a1 rung - h1 a1 g1 xuống d1.

Như vậy, về đặc điểm của các dạng hát Nam, tuy cùng quy tắc hát nhưng có sự khác nhau trong cách hát của mỗi dạng hát Nam về cách luyến láy, nống chữ, hơi… Cách luyến láy ở mỗi chữ trong làn điệu hát Nam còn phụ thuộc vào câu/ vế Trống/ Mái, chất giọng, âm vực giọng, kỹ thuật hát và sự am hiểu về từ lý, nội dung văn học, tình huống nhân vật trong kịch bản hát bội. Nếu diễn viên vừa nhuần nhuyễn quy tắc hát, kỹ thuật luyến láy, vừa có chất giọng tốt, vang, âm vực rộng, vừa có làn hơi khỏe thì hát Nam được xem là làn điệu thu hút khán giả, thể hiện tài năng của họ. Trong phạm vi âm thanh của hơi (hơi Xuân, hơi Ai, Xuân Nữ), họ có thể sáng tạo trong từng chữ của lời hát bằng cách hát dựng/ nống cao lên hoặc hát luyến xuống thấp những từ mà họ cho là thể hiện tốt nhất cảm xúc nhân vật. Ngoài ra, khi xử lý trong sử dụng làn điệu hát Nam, diễn viên phải am hiểu lời thơ, nội dung, ý nghĩa của từng chữ, đồng thời hiểu tình huống nhân vật… mới thể hiện tốt từng câu hát. Người nhà nghề gọi đó là luyến láy “sâu”, “hát rút ruột” hoặc “hát hết ruột gan”.

3. Kết luận

Hát Nam trong HBBĐ là một trong những làn điệu tiêu biểu, góp phần tạo nên đặc trưng âm nhạc của phong cách HBBĐ. Các đặc điểm của hát Nam trong HBBĐ thể hiện qua quy tắc hát.

 Quy tắc chung của hát Nam dựa vào lời ca và tình huống sử dụng điệu hát. Từ cấu trúc văn học và cấu trúc làn điệu hát Nam hình thành quy định về kỹ thuật luyến láy, ngắt hơi, nhả chữ, nống chữ… Mỗi dạng hát Nam (Nam Xuân/ Nam Ai/ Nam Xuân Nữ) có quy tắc hát riêng, phù hợp với lời ca, tình huống sử dụng. Giai điệu của mỗi dạng hát Nam phụ thuộc nhiều vào hơi và kỹ thuật luyến láy trong các câu/ vế Trống/ Mái. Có quy định về cao độ dấu thanh của các chữ trong lời hát tương ứng với các nốt nhạc trong hơi của mỗi dạng hát Nam. Tuy nhiên, đào/ kép có thể linh hoạt thay đổi quy định này để tránh phạm các lỗi như điệp, đếm… để phù hợp với tình cảnh, tâm trạng nhân vật, phù hợp với âm vực giọng hát của từng diễn viên. Như vậy, lời háttình huống sử dụng là 2 yếu tố quan trọng tạo nên giai điệu của hát Nam. Ngoài 2 yếu tố này, tài năng và nghệ thuật biểu diễn của diễn viên cũng góp phần làm cho giai điệu hát Nam trở nên phong phú trong biểu diễn HBBĐ.

_____________________

Ghi chú khái niệm, quy ước sử dụng trong bài viết

Ký hiệu nốt nhạc: Ký hiệu các nốt nhạc đô, rê, mi, fa, sol, la, si giáng, si bằng chữ cái: c, d, e, f, g, a, b, h. Ký hiệu quãng 8: c là đô quãng tám nhỏ; c1 là đô quãng 8 thứ nhất; c2 là đô quãng 8 thứ 2…

Ký hiệu rung, vỗ, non, già:

. rung: (đặt trên đầu nốt nhạc)

. vỗ: V (đặt trên đàu nốt nhạc)

. non: (đặt trước nốt nhạc hoặc trên đầu nốt nhạc)

. già:(đặt trước nốt nhạc hoặc trên đầu nốt nhạc)

: Là thuật ngữ chỉ tông giọng của HBBĐ. Các nốt bắt đầu của các loại hò trong HBBĐ dựa vào các nốt ở kèn bầu của HBBĐ; gồm có: hò 3 (sol; là nốt e1 của piano), hò 4 (fa; là nốt d1 của piano), hò 5 (mi; là nốt c1 của piano), hò 6 (rê; là nốt h hoặc b của piano), hò 7 (đô; là nốt a của piano).

Hơi: thang âm điệu thức, non, già, nhấn, rung, vỗ…; như hơi Ai, hơi Xuân, hơi Oán.

Nống, dựng: luyến láy cao độ của chữ trong lời hát theo hướng lên cao.

Quy ước: viết nốt d1 là âm đầu tiên (bậc ) của thang âm đối với tất cả các ví dụ về hơi và các bản ký âm làn điệu hát.

ĐÀO THỊ NHU MÌ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024

;