Âm nhạc trong diễn xướng nghi lễ lẩu Then của người Tày ở Bình Liêu, Quảng Ninh và vấn đề bảo tồn, khai thác

Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong diễn xướng nghi lễ lẩu Then Bình Liêu và mang đến nhiều ý nghĩa đặc biệt. Ca từ phản ánh cuộc sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của địa phương, với nhiều làn điệu đa dạng, phong phú, từ những làn điệu vui tươi, sôi động đến những làn điệu sâu lắng, trữ tình bài bản, rõ ràng. Bài viết đưa ra những đề xuất bước đầu liên quan đến việc bảo tồn, khai thác, phát huy âm nhạc trong diễn xướng nghi lễ lẩu Then Bình Liêu.

Nghi lễ Lẩu Then tại Bình Liêu - Ảnh: quangninh.gov.vn

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, là mảnh đất của những sắc màu văn hóa đa dạng, mỗi dân tộc có những điệu hát, trang phục, tập quán riêng. Nơi đây hội tụ các lễ hội đặc sắc diễn ra suốt bốn mùa, những hoạt động này không chỉ phản ánh niềm tin tín ngưỡng của cộng đồng, mà còn thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng chung sống trên một mảnh đất. Một trong những hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của vùng này phải kể đến là diễn xướng nghi lễ lẩu Then, đây có thể gọi là lễ tạ ơn tổ nghề. Lẩu Then thường được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới và thường diễn ra 2 ngày 1 đêm, tùy theo điều kiện hoàn cảnh của mỗi thày Then mà lễ có thể kéo dài thêm hoặc rút ngắn đi. Đây là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp bao gồm đàn, hát, múa, trò diễn, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, từ niềm vui, nỗi buồn đến những ước vọng, hoài bão, hướng tới những điều bình an, tốt đẹp.

1. Âm nhạc trong diễn xướng nghi lễ lẩu Then

Khái niệm diễn xướng nghi lễ lẩu Then được tác giả Nguyễn Thị Yên đề cập trong cuốn Then Tày (2006) như sau: “Đây là các đại lễ của Then, chủ yếu thực hiện ở nhà thầy Then với các mục đích liên quan đến nghề nghiệp của cá nhân thày Then. Các lễ Then này thường tập trung đông các thày Then, thu hút sự tham gia của đông đảo các con hương đệ tử trong phạm vi bản hoặc tùy theo vị trí và tài năng của từng thày Then” (1).

Vào tháng 3-2024, UBND huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh có phối hợp với Chương trình Thái học Việt Nam (Viện Việt Nam học và KHPT, ĐHQGHN) tổ chức điền dã khảo sát diễn xướng lẩu Then cúng tạ tổ nghề tại nhà bà Then Hà Thị Niên, trong lễ này, bà có mời thêm 15 bà Then có uy tín trong vùng cùng một số con nhang đệ tử đến phụ giúp mọi việc trong gia đình (thực tế có 13 bà đến tham dự được, có 2 bà xin phép không đến do tuổi già khó di chuyển), ngoài ra, còn có một thày cúng cũng đến giúp việc như dựng lầu, đẽo 12 con dao gỗ để làm mỗi bậc lên lầu, thắp nhang cho một số ban thờ và đọc sớ, yểm sớ... Điểm nhận thấy đầu tiên ở đây là các bà Then chủ yếu xuất hiện, qua khảo sát địa phương có một hai ông Then nhưng đã qua đời hoặc chuyển đi nơi khác. Trong quá trình trình diễn âm nhạc, mỗi bà Then có đủ bộ công cụ hành nghề như: tính tẩu, xóc nhạc, chuông, quạt, áo, mũ... và luân phiên sử dụng. Bà Then cả (Then chủ nhà Hà Thị Niên) là người sử dụng nhạc cụ tính tẩu nhiều nhất, các bài ngâm vịnh ra vào cửa cũng như hành trình lên mường trời (lầu Then) đều do bà dẫn đầu, các bà Then còn lại làm theo, trong số các bà Then làm theo có những bà ngang bằng về chức sắc trong Then và cũng có những bà Then là đệ tử của bà Niên. Đây cũng có thể coi như một hình thức truyền dạy theo lối truyền khẩu.

Lẩu Then mô tả quá trình lên mường trời của đội quân Then với vai trò chủ đạo là cây tính tẩu và chùm xóc nhạc xuyên suốt chặng đường đi. Họ tái hiện lại cuộc hành trình như trong thế giới thực của người Tày với những khó khăn vất vả và khi vượt qua mỗi chặng đường đó sẽ đón nhận những thành quả ngọt ngào.

Qua khảo sát diễn xướng lẩu Then cúng tạ tổ nghề của bà Hà Thị Niên 73 tuổi với 2 đời làm Then ở xóm Ngàn Vàng Dưới, huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh có thể nhận thấy sự tham gia của âm nhạc trong diễn xướng nghi lễ lẩu Then như sau:

Âm nhạc trong diễn xướng mở đầu nghi lễ

Mở đầu nghi lễ là các thủ tục Phát tàng (phát đường) - Slỉng đẳm (Mời tổ) - Slỉng slày kên hương, kên bjoóc (Mời thày ăn hương, ăn hoa) - Khao binh - Cấm thế - Giải vía - Quét lẩu (quét rượu).

Chuông sử dụng cho đoạn đầu khi bà Then bắt đầu làm lễ (thỉnh 3 tiếng chuông), thỉnh mời quân Then (mời tổ tiên và tướng) xuống giúp việc, các bà Then sử dụng chuông khi tụng niệm ở đoạn mở đầu, bà Then cả sẽ gõ 3 tiếng chuông để mời sau đó các bà Then khác cũng gõ theo tạo thành một dàn nhạc chuông.

 Bà Then cả và một số bà Then khác sử dụng tiết tấu với những nốt đen, thi thoảng điểm 1 tiếng chuông, một bà có vai trò như chuông trì tục gõ liên tục theo tiết tấu móc đơn từ đầu tới cuối bài tục niệm. Lời bài tụng niệm thường viết ở thể tự do ngâm vịnh.

 Tiết tấu chuông khi tụng niệm

 

Âm nhạc trong diễn xướng mô tả hành trình Then mang lễ vật lên Mường Trời

Sau khi hoàn thành các thủ tục mở đầu, các bà Then bắt đầu cuộc hành trình lên mường trời. Bà Then cả vừa đàn vừa hát, các bà Then hát và xóc nhạc theo bà Then cả. Cuộc hành trình này có các nội dung mô tả qua các cửa: Dả Dỉn - Pắt quang, pắt nạn (bắt hươu nai) - Pắt phu - Khảm hải (vượt biển) - Chợ Tam Quang - Ngọc Hoàng.

Nhạc cụ không định âm sử dụng là chùm xóc nhạc và chuông, bộ nhạc cụ này được sử dụng với những vai trò khác nhau:

Chùm xóc nhạc: Mô tả đoàn quân khi đi chậm thì chùm xóc nhạc sẽ được các bà Then xóc với tiết tấu chậm, âm hình chủ đạo là nốt đen, khi đi nhanh thì xóc với tiết tấu nhanh, âm hình chủ đạo là nốt móc đơn hoặc móc kép. Khi đoàn quân Then nghỉ và cho ngựa uống nước thì chùm xóc nhạc được các bà Then lấy vải để lau, các âm thanh được vang lên giống như đàn ngựa đang nghỉ ngơi gặm cỏ, chơi đùa và dưỡng sức chuẩn bị cho hành trình tiếp theo.

Tiết tấu chùm xóc nhạc khi đi chậm được các bà Then thể hiện khi đoàn quân đi qua khu rừng núi khó đi, phải leo dốc hoặc vượt qua những nơi hiểm trở.

Tiết tấu chùm xóc nhạc

 

Chuông: Thường được sử dụng mang tính chất báo hiệu khi khởi hành, trên đường di chuyển và kết thúc một hành trình. Qua các cửa đều sử dụng chuông để báo cáo với thần linh.

Nhạc cụ đệm hát cho cả cuộc Then là cây tính tẩu với 2 dây được lên ở 2 âm Rê - Son (quãng 4 đúng). Tiết tấu đệm thường là móc đơn và đen tạo thành bè trì tục để đệm cho hát. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật của Then Bình Liêu, điệu đệm với tiết tấu đơn giản, tính tẩu 2 dây.

 Tiết tấu đệm của tính tẩu

Tiết tấu chùm xóc nhạc khi đi đều được các bà Then thể hiện khi đoàn quân Then vừa rời khỏi mỗi cửa để tiếp tục lên đường


Tiết tấu chùm xóc nhạc khi đi nhanh

 

Âm nhạc trong diễn xướng nghi lễ lên lầu Then

Sau khi hoàn thành tất cả các nghi lễ cần thiết các bà Then di chuyển lên lầu Then hay còn gọi là “Cung Ngọc Hoàng”

Lầu Then là một yếu tố quan trọng và không thể thiếu trong nghi lễ Then của người Tày, Nùng ở Bình Liêu, Quảng Ninh. Đây không chỉ đơn thuần là một công trình kiến trúc mà còn là không gian tâm linh thiêng liêng, nơi con người giao tiếp với thế giới thần linh, nơi ngự trị của Ngọc Hoàng Thượng đế, vị thần tối cao cai quản trời đất trong tín ngưỡng dân gian. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng như lễ lên lầu Then, cầu mùa, lễ cầu sức khỏe, lễ cúng tổ tiên, là nơi mọi người trong cộng đồng tụ họp, giao lưu và cùng nhau thực hiện nghi lễ, góp phần gắn kết cộng đồng. Lầu Then thường được xây dựng trên một vị trí cao, thoáng mát với kiến trúc của lầu Then khá đơn giản, thường làm bằng gỗ kết hợp với tre, cầu thang lên xuống có trang trí dao gỗ hoặc dao thật, tùy từng nghi lễ.

Trước khi lên lầu, các bà Then di chuyển vòng quanh lầu ba lần sau đó lên xuống lầu ba lần, trên đường di chuyển các bà Then gõ chuông theo tiết tấu tự do, một vài bà Then chơi tính tẩu theo một giai điệu nhất định. Hai bà Then lên lầu làm lễ tạ trời đất và nhảy múa trên lầu, một bà cầm đàn múa, một bà cầm chùm xóc nhạc múa theo một lúc rồi cùng nhảy tự do. Sau đó, ba lần các bà cùng lên và múa chầu trên lầu chủ yếu là cầm tính tẩu, xóc nhạc để múa và hát, tiết tấu rộn ràng, lời ca trong sáng ca ngợi trời đất ban cho nhân dân nhiều điều may mắn. Các bà Then đứng trên lầu phát lộc cho mọi người. Một số bà Then xuống sát cầu thang phía dưới để ban lộc cho nhân dân.

Giai điệu đàn chuẩn bị lên lầu

Giai điệu của tính tẩu khi các Then đàn trên lầu

 

Qua diễn xướng nghi lễ lẩu Then, có thể thấy được vai trò và vị trí của âm nhạc trong nghi lễ rất quan trọng, xuyên suốt toàn bộ diễn trình nghi lễ các bà Then luôn dùng các nhạc cụ định âm (tính tẩu) và không định âm (chùm xóc nhạc) để làm phương tiện diễn đạt tới người nghe bằng ngôn ngữ âm nhạc, nó thể hiện qua câu chuyện trên đường đi với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

 2. Nét đặc trưng của âm nhạc trong Then Bình Liêu gắn với tín ngưỡng Sliên/ Tiên thời kỳ đầu

Theo tác giả Nguyễn Thị Yên trong cuốn Then Tày thì Then có nguồn gốc từ “Các trò chơi mang yếu tố Shaman giáo được tồn tại dưới các hình thức nhập đồng của trẻ em và của các nam nữ thanh niên với mục đích bói vui, bói duyên số... Những siêu linh mà họ nhập đồng thường là các nàng Tiên - linh hồn của các vật vô tri vô giác như nàng trứng, nàng cám, nàng sọt, nàng hương (hương đốt), nàng trăng... Trong số những người tham gia các trò chơi nhập đồng sẽ có những người hợp căn với một nàng tiên nào đó và được nàng tiên hộ mệnh để cứu giúp người đời, trước tiên là ở việc bói đoán, sau do nhu cầu của xã hội mà phát triển thành các hình thức cầu cúng. Hình thức này phổ biến trong xã hội người Tày, Nùng, Thái (bao gồm cả tộc người Choang ở Trung Quốc) mang đậm yếu tố Việt Vu bản địa được phổ biến với các hình thức bói gạo, bói trứng, bói xương gà mà ngày nay vẫn tồn tại trong tín ngưỡng Pụt, Then. Đây có thể coi là hình thức cúng bái dân gian thời kỳ đầu của người Tày tạm gọi là tín ngưỡng Sliên (Tiên) khởi đầu của tín ngưỡng Then” (2). Xét ban thờ của bà Then Bình Liêu còn đơn giản không có những trang trí chữ Nho cầu kỳ như ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng các bát hương của các bà Then được làm bằng những lon bia. Cách bài trí ban thờ cho thấy ở khu vực này Then vẫn giữ được vẻ nguyên sơ từ giai đoạn Then vẫn còn trong dân gian.

Sự khác biệt trong âm nhạc của Then Bình Liêu

Về tiết tấu đệm hát của cây tính tẩu với 2 dây buông Rê - Son được bà Then sử dụng âm hình chủ yếu là nốt đen, nốt móc đơn, một vài đoạn nhạc có câu dạo với cao độ không quá một quãng 8 đúng, các bước nhảy đa số ở quãng 3 thứ.

Về tiết tấu đệm của chùm xóc nhạc được các bà Then sử dụng để mô tả nổi bật quá trình di chuyển của đoàn quân Then, khi di chuyển chậm sử dụng hình tiết tấu đen, khi di chuyển nhanh sử dụng hình móc đơn, móc kép.

Về tiết tấu chuông tụng niệm được các bà Then sử dụng khi vào các cửa, chuông mang tính chất báo cáo khi đoàn quân Then bắt đầu di chuyển đến và đi. Khi lên Cung Ngọc Hoàng thì số chuông được các bà Then sử dụng nhiều hơn, lâu hơn khi chuẩn bị làm lễ lên Cung Ngọc Hoàng.

Về lời ca trong Then mộc mạc đậm chất dân gian, đơn sơ nhưng sâu lắng, thể hiện sự chân chất của người dân vùng cao, cách thức trình diễn giản đơn, không quá cầu kỳ, thường là những câu thất ngôn, một số đoạn ngâm vịnh tự do.

 Giai điệu của Then chuyển động đều đặn, thường sử dụng bước lần quãng 2 trưởng, đôi lúc có quãng nhảy, thường nhảy ở quãng 3 trưởng, 3 thứ và quãng 4 đúng, thường không nhảy quá một quãng 8 đúng.

Then Bình Liêu được trình diễn một cách tự nhiên, gần gũi với đời sống sinh hoạt của cộng đồng, đây là dạng âm nhạc Then còn mang sự nguyên sơ gắn với tín ngưỡng Sliên/ Tiên thời kỳ đầu.

3. Vấn đề bảo tồn, khai thác, phát huy âm nhạc trong diễn xướng nghi lễ lẩu Then Bình Liêu

Vấn đề bảo tồn

Tăng cường nhận thức về giá trị của âm nhạc Then, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, mời các chuyên gia, nghệ nhân Then chia sẻ về lịch sử, ý nghĩa và giá trị của âm nhạc Then trong đời sống cộng đồng. Sản xuất các tài liệu, video, tạo ra các sản phẩm truyền thông đa dạng để giới thiệu về âm nhạc Then đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, kết hợp với các hoạt động văn hóa, du lịch, biến nghi lễ lẩu Then thành một điểm nhấn trong các sự kiện văn hóa, thu hút sự quan tâm của du khách thập phương.

 Đào tạo và truyền dạy âm nhạc Then như mở các lớp học, câu lạc bộ, tổ chức các lớp dạy hát Then, chơi tính tẩu nhằm truyền dạy kỹ năng và kiến thức về âm nhạc Then cho thế hệ trẻ, hỗ trợ các nghệ nhân Then, tạo điều kiện để họ có thể truyền dạy kinh nghiệm, kiến thức cho những người quan tâm. Phối hợp với các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đưa Then vào chương trình giáo dục địa phương, liên kết với các trường đại học, cao đẳng để xây dựng các chương trình đào tạo về âm nhạc dân tộc, trong đó có âm nhạc Then như Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Văn hóa, Đại học Hạ Long, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hạ Long…

Tạo điều kiện để âm nhạc Then được biểu diễn thường xuyên như tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa tạo sân chơi để các nghệ nhân Then có cơ hội biểu diễn, giao lưu học hỏi, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động biểu diễn, đảm bảo các nghệ nhân Then có điều kiện để duy trì và phát triển hoạt động biểu diễn. Kết hợp âm nhạc Then với các hình thức nghệ thuật khác để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới lạ, hấp dẫn, thu hút khán giả.

Bảo tồn và phát triển các nhạc cụ truyền thống qua việc tạo điều kiện để các nghệ nhân làm nhạc cụ (tính tẩu, xóc nhạc, chuông…) có thể tiếp tục sản xuất và phục chế các nhạc cụ truyền thống. Xây dựng các bảo tàng, trưng bày các nhạc cụ cổ để giới thiệu về lịch sử và văn hóa âm nhạc của dân tộc.

Chế tác các sản phẩm văn hóa liên quan đến âm nhạc Then như sản xuất các sản phẩm lưu niệm, tạo ra các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Then, như tranh vẽ, tượng điêu khắc, đồ trang trí đặc trưng của địa phương. Xuất bản các ấn phẩm về âm nhạc Then cũng như sưu tầm, biên soạn và xuất bản các tài liệu, sách báo về âm nhạc Then.

Vấn đề khai thác

Tạo một sân khấu sử dụng các vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, nứa, lá để tạo không gian gần gũi với thiên nhiên. Dàn nghệ nhân mặc trang phục truyền thống của người Tày, Nùng, kết hợp với các họa tiết đặc trưng, trang phục sẽ thay đổi qua từng chương đoạn của hành trình dâng lễ lên lầu Ngọc Hoàng để thể hiện sinh động nhất về thế giới mường Trời và đoàn quân Then.

 Sử dụng các đạo cụ như tính tẩu, xóc nhạc, chuông, để tạo nên âm thanh đặc trưng của làn điệu Then. Với mỗi chương đoạn sẽ sử dụng những nhạc cụ nhất định, có những đoạn đặc biệt có thể sử dụng dàn nhạc Then (nhiều nghệ nhân Then đệm tính tẩu) để đệm cho dàn hát Then…

Nội dung biểu diễn kết hợp giữa múa với các bài hát, câu chuyện về cuộc sống, tình yêu, lao động của người dân địa phương. Các bà Then vừa đệm đàn, vừa hát, vừa múa tùy theo nội dung của từng cửa trong diễn xướng nghi lễ.

Sử dụng các trích đoạn Then trong nghi lễ để truyền dạy cho các diễn viên quần chúng thuộc các đội, nhóm, câu lạc bộ nhằm dàn dựng, biên đạo và cải tiến thành các tiết mục ca hát, múa nhảy, tích trò… phục vụ cho khách du lịch xem và thưởng thức mỗi khi dừng chân tại Bình Liêu.

Vấn đề phát huy

Sáng tác, đặt lời mới có cải biên thành các chương đoạn trong Then nghi lễ sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế, tạo điều kiện gắn bó hoặc gần gũi với du khách...

Dàn dựng, phóng tác mô phỏng diễn xướng nghi lễ Then đưa lên sân khấu biểu diễn kết hợp phục trang, kỹ thuật chiếu sáng, cách tân âm nhạc trên cơ sở những bài bản gốc.

Xây dựng bảo tàng không gian ảo thông qua thiết kế mô hình 3D với các phòng trưng bày về: không gian nghi lễ, hình thức hát, múa, trang phục, đạo cụ… để sử dụng đường link cung cấp cho các nhà nghiên cứu, cán bộ văn hóa, dân chúng địa phương và đặc biệt dành cho khách du lịch khi mong muốn tìm hiểu về bản sắc văn hóa địa phương.

Kết luận

Âm nhạc trong diễn xướng nghi lễ lẩu Then của người Tày ở Bình Liêu vẫn còn nguyên giá trị bản địa, ít bị pha trộn với các vùng khác, đặc biệt cây tính tẩu hai dây, các nét giai điệu trong nghi lễ đơn giản, lời hát ít pha tạp tiếng Kinh. Vì vậy, Then và âm nhạc Then nơi đây có thể được coi là thời kỳ đầu khi chưa chịu ảnh hưởng của nhà Mạc (nhà Mạc đưa Then từ dân gian vào cung đình và cải biên thành một loại âm nhạc cung đình). Với những đặc trưng riêng có và cách truyền dạy theo truyền nghề nối nghiệp, truyền khẩu và truyền ngón không có sách của Then nơi đây là một giá trị lịch sử đáng ghi nhận của âm nhạc, rất cần được bảo tồn, lưu giữ.

Bên cạnh đó, âm nhạc trong diễn xướng nghi lễ Then nói chung, trong lẩu Then Bình Liêu nói riêng không chỉ mang ý nghĩa tâm linh và giao tiếp với thần linh, mà còn là một phương tiện truyền bá văn hóa và giáo dục. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra không gian linh thiêng, kết nối con người với thế giới siêu nhiên và truyền đạt những giá trị truyền thống của người dân.

Chính vì vậy, việc bảo tồn, khai thác và phát huy âm nhạc trong diễn xướng nghi lễ lẩu Then Bình Liêu có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống của một dân tộc. Nó không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là một phương tiện truyền tải thông điệp và giữ gìn những giá trị tinh thần của cộng đồng qua các thế hệ.

____________________

1, 2. Nguyễn Thị Yên, Then Tày, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.87, 211.

NGUYỄN VĂN THIỀU - NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024

;