Lễ tế đàn Xã Tắc đã có từ lâu đời dưới thời các triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam. Theo Ðại Việt sử ký toàn thư thì đàn Xã Tắc đã có từ năm Mậu Tý (1048, dưới thời Vua Lý Thái Tông), là một trong những lễ Đại tự có vị trí quan trọng dưới thời các vua triều Nguyễn ở Huế (1802-1945). Bằng các phương pháp nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu phi thực nghiệm và phương pháp chuyên gia, chúng tôi muốn cung cấp những dữ liệu về thực trạng tổ chức lễ tế đàn Xã Tắc dưới các triều đại phong kiến Lý - Trần - Lê - Nguyễn, nguyên nhân suy thoái của nhạc lễ cung đình Việt Nam nói chung, nhạc lễ trong tế đàn Xã Tắc nói riêng, cũng như quá trình phục dựng, bảo tồn những giá trị văn hóa, âm nhạc của lễ tế đàn Xã Tắc từ năm 2008 đến nay gắn với nhu cầu phục vụ du lịch và tham gia lễ hội Fetsival Quốc tế Huế hiện nay.
Trang nghiêm Lễ tế đàn Xã Tắc - Ảnh: baothuathienhue.vn
Lễ tế đàn Xã Tắc là một trong những lễ tế quan trọng dưới các triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam, cùng với tế Giao, tế Miếu, tế Xã Tắc được xếp vào hàng Đại tự dưới thời các vua triều Nguyễn ở Huế. Là một đất nước có truyền thống trọng nông nên các hoàng đế dưới các triều đại phong kiến rất coi trọng việc tế tự hằng năm và trở thành một truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam và phương Đông, trong đó có lễ tế đàn Xã Tắc.
1. Các lễ tế đàn Xã Tắc được tổ chức trong thời kỳ phong kiến
Hiện ở nước ta còn đang có khá nhiều các tài liệu lịch sử có giá trị, do chính các sử quan hoặc những người có đảm nhiệm một công việc hay chức sắc nào đó trong chính quyền phong kiến đương thời biên soạn ra, còn để lại đến ngày nay, như: Đại Việt sử ký toàn thư; Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ; Đại Nam thực lục; An Nam chí lược; Minh Mệnh chính yếu… Thông qua các ghi chép trong các bộ sách sử, chúng ta biết được tình hình tổ chức lễ tế Xã Tắc dưới các triều đại phong kiến ở nước ta.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: năm Mậu Tý (1048) thời Lý Thái Tông có dựng đàn Xã Tắc ngoài cổng Trường Quảng. Đây là đàn Xã Tắc đầu tiên của Việt Nam (1) từ đó, hằng năm đều có tổ chức tế lễ. So với đàn Viên Khâu (đàn Nam Giao) được đắp vào năm 1154, đàn Xã Tắc thời Lý được đắp sớm hơn 106 năm với mục đích “bốn mùa cầu đảo cho mùa màng”, lễ cày ruộng Tịch điền còn sớm hơn sự ra đời của đàn Xã Tắc đến 10 năm (1038). Điều này cho thấy nhà Lý rất coi trọng nông nghiệp và việc làm của vua là để làm gương cho dân chúng. Cũng trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn ghi chép về đàn Xã Tắc dưới triều Trần Nhân Tông (1284) và tài liệu Việt điện U linh còn ghi lại việc nhà Trần đã từng gia phong cho thần Xã và thần Tắc trong những dịp tế lễ ở đàn Xã Tắc (2) vào tháng 9-1248 âm lịch và vào tháng 2-1435.
Trong sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cho biết, dưới thời Lê Trung hưng (1533-1789) điện Canh Y không còn tồn tại, nhưng vẫn có lễ tế Xã Tắc, dù không được đều đặn hằng năm.
Theo tài liệu Đại Việt quốc thư, một cuốn sách sử được biên soạn dưới triều Tây Sơn (1788-1801) có ghi chép việc Vua Quang Trung Nguyễn Huệ cho san chùa Thiên Mụ để lập đàn Xã Tắc, còn những đàn ở địa phương thì không thấy nói đến nhưng theo chúng tôi, trong thực tế chắc chắn cũng có. Vì đây là thiết chế của chế độ quân chủ phong kiến, hơn nữa nước ta chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng là nền tảng của chế độ phong kiến, do vậy, việc lập đàn Xã Tắc và tổ chức lễ tế đàn Xã Tắc chắc chắn là có.
Dưới thời nhà Nguyễn đóng đô ở Huế, năm Gia Long thứ 6 (1806) bắt đầu cho lập đàn Xã Tắc và từ đó trở đi việc tế lễ đàn Xã Tắc diễn ra khá đều đặn.
Các lễ cúng tế của triều đình nhà Nguyễn theo quy định được chia làm 3 bậc: đại tự, trung tự và quần tự. Đại tự gồm tế Nam Giao, tế các tông, miếu, tế Xã Tắc; trung tự gồm tế đế vương các đời, tế tiên sư Khổng Tử, tế Tiên Nông; quần tự gồm tế các thần gió, mưa, Nam Hải, Long Vương, thần lửa, thần súng ống, thần sông, thần núi, thần hồ, thần các đảo, thần coi việc thợ thuyền, khải thánh, tổ nghề thuốc, vua nước Chiêm Thành, vua nước Chân Lạp, các công thần của triều đình và các vị thần thánh khác… Như vậy, lễ tế Xã Tắc thuộc hàng Đại tự, là một trong những lễ tế lớn và quan trọng của triều đình, đặc biệt là thời các vua đầu triều Nguyễn.
Một cuốn sách sử khác của Quốc sử quán triều Nguyễn là Minh Mệnh chính yếu cũng đã cho biết, năm Gia Long thứ 8 (1809), nhà vua đã xuống chỉ rằng: “Từ nay về sau đàn Xã Tắc cứ ba năm một kỳ vua thân đến làm lễ, lấy các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu làm chuẩn, còn thì chọn phái các đại thần về ban võ làm lễ”. Qua đó ta thấy, dưới triều Gia Long, lễ tế Xã Tắc đã được tổ chức hằng năm, trong đó, cứ 3 năm thì có 1 năm nhà vua sẽ đích thân đến làm lễ, những năm còn lại giao cho quan Khâm mạng đại thần thay mặt vua tổ chức làm lễ.
Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) xuống chỉ rằng: “Các nghi tiết cúng tế ở Xã Tắc, trừ ngoài ra gặp có khánh điển bất thường trẫm thân đến làm lễ, còn hằng năm xuân thu hai kỳ tế, chuẩn phái quan đại thần vũ ban khâm mạng làm lễ ghi lệnh”.
Theo sử cũ ghi lại, các nghi tiết tế Xã Tắc dù vua hay Khâm mạng đại thần cũng gần giống nhau, song năm nào vua làm chủ tế thì việc tổ chức có quy mô hơn. Còn các kỳ lễ do quan Khâm mạng đại thần tế thay nhà vua, cũng vẫn theo các bước trình tự như đã quy định, chỉ khác là không tấu nhạc lúc trở về. Ở đây chúng tôi xin đề cập đến lễ tế, trong đó vua là người làm chủ tế.
Hằng năm, tế Xã Tắc được tổ chức 2 lần vào mùa Xuân (tháng 2 âm lịch) và mùa Thu (tháng 8 âm lịch). Trước khi tế một ngày, tất cả các công việc đều phải chuẩn bị chu đáo. Các con đường từ Đại Nội đến đàn Xã Tắc đều phải quét dọn sạch sẽ.
Nếu tế Giao, vua phải ăn chay trước 3 ngày tại Trai cung ở đàn Nam Giao, thì trong lễ tế Xã Tắc nhà vua chỉ chay tịnh 1 ngày tại Hoàng Cung. Vì vậy, từ sáng trước ngày tế 1 ngày, Thái thường tự đã dâng tượng đồng nhân (3) lên để vua trai giới giữ mình. Từ Hoàng thân cho đến văn võ các quan, những người tham dự vào lễ tế Xã Tắc đều phải trai giới: tắm gội thay quần áo, không uống rượu, không ăn thức ăn mặn, không đi thăm người ốm, không viếng đám ma, không xử án… Về điều này, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ đã chép: “Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), Thánh tổ nhân Hoàng đế thân đến đàn Xã Tắc làm lễ. Phụng chiếu một ngày ta đã trai giới ở trong cung, phàm các quan bồi tự cũng phải trai giới ở công sự, điển lễ cử hành lần này, nguyên là vì dân cầu phúc, quan viên các người đều phải kính cẩn mà làm việc…”.
Đến đời Vua Thành Thái sử liệu còn ghi lễ tế Xã Tắc được tổ chức vào những năm 1892, 1894, trong đó có nhà vua trực tiếp hành lễ. Tuy nhiên, đáng tiếc là sau lễ tế Xã Tắc năm 1894 không thấy sử triều Nguyễn đề cập đến cuộc lễ quan trọng này, điều đó có nghĩa là, kể từ đây lễ tế đàn Xã Tắc không còn được triều đình tiến hành nữa. Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do sau cuộc xâm lăng của thực dân Pháp (1858) nước ta trở thành thuộc địa, dẫn đến những rối ren, thoái hóa, mất đi quyền tự chủ, độc lập của chính quyền phong kiến, thêm vào đó là những khó khăn về kinh tế và quan trọng hơn nữa là do tư tưởng lấy Nho giáo làm chỗ dựa tinh thần, chỉ dẫn đường lối đã bị đảo chiều, không còn được trọng dụng như xưa, dẫn tới những thay đổi lớn về tư tưởng, nhận thức, trong đó có việc không còn quan tâm đến những hoạt động tế lễ, kể cả những tế lễ Đại tự như trước đây nữa.
2. Tình hình phục dựng và tổ chức lễ tế đàn Xã Tắc từ năm 2008 đến nay
Ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đó là thời điểm chính thức kết thúc chế độ phong kiến ở nước ta. Kể từ đó, vai trò của hệ thống chính quyền phong kiến trong triều đình nhà Nguyễn và pháp luật, đường lối, sự chỉ đạo… của họ trở nên vô hiệu, không còn tác dụng gì đối với các hoạt động của xã hội. Ở một phía khác, mặc dù thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhưng những khó khăn của chính quyền mới và sự quay trở lại xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp đã khiến cho các vấn đề về văn hóa, xã hội còn lại dưới chế độ cũ gần như bị bỏ ngỏ, chưa có điều kiện được quan tâm, chuyển đổi cho phù hợp.
Trước tình hình như vậy, âm nhạc cung đình nói chung và nghi lễ tế đàn Xã Tắc nói riêng liệu có cơ hội để tiếp tục tồn tại hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào việc đối xử với nó như thế nào, mà cụ thể là nó có được phục hồi lại không.
Trở lại tình trạng của đàn Xã Tắc ở giai đoạn cuối thời kỳ thoái trào của triều đình Huế, có thể nói ngắn gọn là: xuống cấp, tàn tạ, hoang phế.
Kể từ sau ba lần trùng tu dưới thời Minh Mệnh (1822, 1831, 1840), những năm sau đó không thấy tài liệu nào của triều Nguyễn nói đến việc trùng tu đàn Xã Tắc nữa. Đến cuối thập niên 1950, theo ông Thái Văn Kiểm, một người từng sống và làm việc tại Huế cho biết: “Đàn Xã Tắc hiện nay vẫn còn nhưng điêu tàn lắm” (4). Kỹ sư Công chánh Ngô Nẫm ở Huế trong bản vẽ Bình đồ đàn Xã Tắc được ký duyệt ngày 20-3-1963 cho biết: “các bộ phận kiến trúc của đàn, từ hai tầng xây ở giữa đến La thành chung quanh với các bậc thềm, cửa chính và cửa phụ ở bốn phía, đều còn thấy được trên thực địa”. Sau Tết Mậu Thân (1968), phần lớn mặt bằng đàn Xã Tắc đã bị chế độ cũ dùng làm khu gia binh. Từ 1975, khu gia binh được sử dụng làm khu tập thể cho cán bộ, công nhân viên thuộc một số cơ quan nhà nước đóng tại Huế, chính quyền mới cũng cho xây dựng thêm một số dãy nhà mới để phục vụ mục đích trên. Sau mấy chục năm tồn tại, việc bán hóa giá nhiều căn hộ đã diễn ra và việc mua đi, bán lại với nhiều thành phần sở hữu chủ khác nhau trong xã hội, một số căn hộ đã được nâng tầng và xây thành nhà lầu kiên cố…
Đứng trước tình hình đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã bước đầu tìm cách phục dựng lại đàn Xã Tắc. Trước hết, làm hồ sơ di tích và đã được Bộ VHTTDL xếp vào hàng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia ngày 13-12-2006 (5). Từ tháng 9-2007 đến giữa năm 2008, tỉnh đã giải tỏa được 7 căn hộ ở khu vực trung tâm đàn Xã Tắc để phục hồi tầng thứ nhất của đàn tế này. Trước khi khởi động việc trùng tu, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ) đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành thám sát khảo cổ học tại đây và đã tìm ra khối đá thanh từng dùng làm cái đế của tấm bia “Thái Xã chi thần”. Cho đến thời điểm chuẩn bị trùng tu, ở khu vực trung tâm của phế tích này chỉ còn lại một tấm bia bằng đá thanh cao 1,29m, rộng 0,74m, dày 0,25m, trong lòng mặt trước khắc sâu 4 chữ đại tự “Thái Xã chi thần”, nhưng không ghi lạc khoản, các sử quan triều Nguyễn cũng không đề cập gì đến tấm bia này trong các trang tài liệu còn lại đến ngày nay.
Bệ đá thanh tìm thấy trong cuộc thám sát nói trên ở chính giữa khoét một lỗ mộng hình chữ nhật để cắm bia vào. So sánh kích thước lỗ mộng này và chân bia “Thái Xã chi thần” thì hoàn toàn khớp nhau, điều đáng nói ở đây là lớp đất nền xung quanh chân bệ vẫn còn nguyên xi không thay đổi, chứng tỏ đây là vị trí nguyên thủy của bệ bia. Sau khi đặt bia vào chân bệ thì đầu chóp bia chỉ cao hơn lớp đất mặt của đàn thượng khoảng 10cm. Điều này chứng tỏ đàn Xã Tắc triều Nguyễn được xây dựng phỏng theo cấu trúc của đàn Xã Tắc Trung Quốc truyền thống mà các tài liệu “Tống sử” (960-1279) và “Nguyên sử” (1206-1368) đã nói đến.
Năm 2000, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống cung đình được thành lập, trực thuộc TTBTDTCĐ, tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các bài nhạc lễ với sự trao truyền của các nghệ nhân (Lữ Hữu Thi, Lữ Hữu Minh, Trần Kích, Trần Thảo…). Sau những cố gắng không mệt mỏi của TTBTDTCĐ cùng các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, ngày 7-11-2003 Nhã nhạc Cung đình Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là “Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” (Masterpiece of Intangible and Oral heritage of Humanity), trong đó có hệ thống nhạc lễ cung đình và nhạc lễ trong tế đàn Xã Tắc. Năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TTBTDTCĐ quyết định phục dựng lễ tế Xã Tắc lần đầu tiên sau thời gian dài bị lãng quên để đưa vào trong khuôn khổ Festival Huế.
Diễn tiến chính lễ tế Xã Tắc được phục dựng năm 2008
1) Khởi Chung, cổ (nổi chuông, trống trên lầu Ngọ Môn), các quan văn võ quỳ lạy trước điện Thái Hòa rước Hoàng đế lên Ngự Liễn.
2) Khởi giá (Nhã nhạc tấu bài Đăng đàn cung), đoàn Ngự đạo khoảng 500 người, chia làm 3 đội (tiền đạo, trung đạo, hậu đạo). Đội Tượng binh đi trước và sau đó là đoàn Ngự đạo, thể hiện sự oai phong của nhà vua.
3) Long đình, cờ ngũ hành cảnh báo tất cả phải kính cẩn, tránh xa và giữ yên lặng. Đội Hộ binh ký thực hiện các phép tắc cẩn mật, vừa biểu dương lực lượng, vừa bảo vệ đám rước.
4) Bàn hương án với lọng vàng, tàn vàng đầy đủ, thể hiện cho toàn dân biết có sự hiện diện của Hoàng đế; Long đình mang chúc văn, lọng tàn, chuông trống, Nhã nhạc đi trong đám rước thể hiện quyền uy của đế vương.
5) Các loại cờ đi trong đám rước gồm: Ngũ hành đi đầu, Tứ phương, Chu tước, Huyền vũ, Thanh long, Bạch hổ, Phong Vân, Lôi, Vũ, Long, Phụng, Nhật, Nguyệt; Nhị thập bát tú. Các loại cờ này được triều đình quy định đặt ứng với từng vị trí cắm khi đến đàn Xã Tắc; Tàn tứ long và Tàn tứ linh (biểu tượng của Hoàng đế) được đặt trên đàn thứ nhất.
6) Ngự giá đến đàn, vua bước xuống làm lễ Quán tẩy (rửa tay, nhạc ngừng tấu), tiếp đến là lễ Thượng hương (Đại nhạc tấu câu dạo của bài Phú lục kèn). Lễ Ế mao huyết (Tiểu nhạc tấu bài Long Ngâm), lúc này vua làm rất nhiều thủ tục ở bàn tế thứ Nhất. Lễ Nghinh thần (tấu ca chương Diên phong, dàn Tiểu nhạc đệm theo); Thông tán xướng: Thăng đàn (đại nhạc tấu bài Đăng đàn đơn), vua bước lên đàn tế thứ nhất, lễ vật tam sinh (trâu, dê, lợn mỗi loại một con) đặt lên các án (nhạc ngừng); Lễ Sơ hiến (tấu ca chương Hưng phong, Tiểu nhạc đệm theo), văn - vũ Bát dật tiến, cuối lễ văn - vũ Bát dật thoái; Tiểu nhạc tấu bài Long Ngâm trong lễ hiến tước; Lễ đọc chúc, truyền chúc (nhạc ngừng), chỉ điểm 3 tiếng chuông, 3 tiếng trống khi kết thúc từng nội dung trong truyền chúc, kết lễ truyền chúc (Đại nhạc tấu bài Đăng đàn đơn); Lễ Tứ phúc tộ (Tiểu nhạc tấu bài Long Ngâm); Lễ Triệt soạn (tấu ca chương Hòa phong, Tiểu nhạc đệm theo), kết ca chương Hòa phong. Khi vua bước xuống bàn tế thứ nhất ở đàn dưới (Đại nhạc tấu Đăng đàn đơn); Lễ Tống thần (tấu ca chương Dụ phong, Tiểu nhạc đệm theo), đốt chúc văn; Lễ tất, vua theo đoàn Ngự đạo hồi cung, tất cả các dàn nhạc tấu bài Đăng đàn cung, vua vào nội cung, chuông trống trên lầu Ngọ Môn ngừng đánh, kết thúc lễ tế Xã Tắc.
Theo kết quả tìm hiểu, khảo sát của chúng tôi, từ năm 2008-2022, TTBTDTCĐ đã tổ chức được 12 lần tế Xã Tắc vào các năm (2008, 2010, 2012, 2014), từ năm 2015 đến nay, năm nào cũng tổ chức tế Xã Tắc vào tháng Trọng xuân (tháng 2 âm lịch), quy mô cũng tương tự 2008, mang tính chất tượng trưng và không có đoàn Ngự đạo, có những năm quy mô rất nhỏ (2019-2022), đại diện lãnh đạo tỉnh chỉ đến dâng hương chứ không tổ chức các trình thức lễ như năm 2008. Về trang phục, tế phục lại càng giản lược hơn, Chủ tế mặc khăn đóng áo dài màu vàng, các quan văn, võ áo dài khăn đóng màu xanh, các quan Thông tán, Nội tán, Chấp sự mặc trang phục riêng, gần giống với trang phục múa Bát dật. Đến năm 2010 với sự giúp đỡ của Trung tâm Quốc gia về Nghệ thuật Biểu diễn Truyền thống Hàn Quốc (National Center for Korean Traditional Arts), TTBTDTCĐ đã thống nhất phục chế lại các nhạc khí Biên Chung, Biên Khánh và đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, nhằm phục chế lại các nhạc khí Nhã nhạc theo cơ chế Bát âm đã bị thất truyền và không còn được sử dụng tại Huế trong nhiều thập kỷ qua.
Từ sau năm 2008 đến nay, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống cung đình Huế, ngoài việc tổ chức lễ tế Xã Tắc hằng năm, còn tổ chức nghiên cứu, phục dựng các bài bản nhạc lễ với sự cộng tác của nhiều nhà khoa học, các nghệ nhân lâu năm đến trao truyền, hiệu đính, lập hồ sơ khoa học cho từng bài bản, cũng như phục chế các nhạc khí cung đình. Hệ thống bài bản nhạc lễ cho đến thời điểm hiện tại là 41 bản (24 bản Đại nhạc, 17 bản Tiểu nhạc), và đang chuẩn bị đưa bài “Tam Thiên” mới phục dựng cho dàn Nhã nhạc tham gia lễ tế Xã Tắc năm 2023 vào tháng Trọng xuân. Về phục chế nhạc khí, ngoài dàn Biên chung, Biên khánh, nhà hát cũng đã phục chế nhạc cụ Kiến cổ là những nhạc cụ treo trên giá theo biên chế dàn Nhạc huyền (được bày trong lễ tế Xã Tắc giai đoạn đầu triều Nguyễn), nhưng rất tiếc đến nay vẫn chưa được sử dụng do còn thiếu khá nhiều nhạc cụ của dàn nhạc này chưa phục chế được và thiếu hiệu quả đồng bộ về âm thanh.
Bộ phim tư liệu về phục dựng lễ tế Xã Tắc năm 2008 cùng những hồ sơ khoa học về phục dựng những bài bản nhạc lễ, phục chế nhạc khí, đào tạo nhạc công, ca công, vũ công và 12 lần tổ chức tế Xã Tắc là những cơ sở quan trọng để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, đối chiếu với các thư tịch còn lưu trữ trên các phương diện ký âm bản phổ, tìm hiểu phương thức hòa tấu dàn nhạc, lối trình diễn múa nghi thức kết hợp với ca chương… nhằm phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn, chấn hưng những giá trị nghệ thuật âm nhạc trong nhạc lễ cung đình nói chung và nhạc lễ trong tế đàn Xã Tắc nói riêng.
_____________________\
1. Đàn này được phát hiện vào tháng 11-2006, khi chính quyền thành phố Hà Nội cho thi công đường vành đai 1 thuộc dự án cải tạo đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa.
2. Vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) phong Hậu Tắc tư Đế quân, năm Trùng Hưng thứ tư (1288) đổi phong Thiên Tổ Xã Tắc Đế quân, năm Hưng Long thứ 21 (1294) gia phong Thiên Tổ địa chủ Xã Tắc Đế quân.
3. Đồng nhân: Tượng bằng đồng dùng trong nghi thức trai giới trước khi vua tế lễ.
4. Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nhà Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.41.
5. Phan Thanh Hải, Phan Thúy Vân: “Đàn Xã Tắc triều Nguyễn ở Huế: Lịch sử, hiện trạng và vấn đề bảo tồn”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 2 (61), 2007, tr.29.
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Nxb Hoa Lư, Sài Gòn, 1968.
2. Lê Quý Đôn, Kiến văn Tiểu lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.
3. Trần Văn Khê, Du ngoạn trong âm nhạc Truyền thống Việt Nam (phần âm nhạc cung đình), Nxb Trẻ, TP HCM, 2004.
4. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử ký toàn thư (3 tập), Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2000.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển Sự lệ (quyển 96, 97, 98, 99), Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996.
6. Lê Tắc, An Nam chí lược, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2002.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (tập I-V), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004.
9. Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1994.
10. Yamaguti Osamu, Tương lai của nhạc cung đình Việt Nam, tapchisonghuong.com.vn, 30-7-2009.
TS NGUYỄN THỊ VIỆT THẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024