Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội ở nước ta hiện nay - Những vấn đề đặt ra và giải pháp

Trong thời đại bùng nổ thông tin, phát triển công nghệ số, xã hội số, quốc gia số, kinh tế số, văn hóa số và công dân số, mạng xã hội đã trở thành công cụ truyền thông, môi trường giải trí được nhiều người ưa thích, sử dụng hằng ngày, đặc biệt là giới trẻ. Chính vì vậy, việc xây dựng và nâng cao văn hóa ứng xử trên mạng xã hội ở nước ta hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, tích cực góp phần xây dựng, chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam - nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

1. Khái quát về văn hóa ứng xử trên không gian mạng xã hội

Quan niệm về văn hóa ứng xử

Có thể nói, văn hóa ứng xử chính là một lĩnh vực đời sống văn hóa của con người, luôn luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của lịch sử các dân tộc và toàn thể nhân loại. Dân tộc nào cũng có văn hóa ứng xử riêng, đồng thời cũng thể hiện đặc trưng văn hóa ứng xử chung của toàn nhân loại. Văn hóa ứng xử là hành vi ứng xử, cách ứng xử của con người đạt giá trị chuẩn mực Chân - Thiện - Mỹ của một cộng đồng xã hội (tức là ứng xử có văn hóa).

Đối với mỗi cá nhân, văn hóa ứng xử không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày, mà còn quyết định đến hiệu quả làm việc ở cơ quan và xã hội cũng như mức độ thành công trong sự nghiệp của người đó. Kỹ năng giao tiếp - văn hóa ứng xử thể hiện rõ năng lực trí tuệ, khả năng tư duy và ứng xử có văn hóa của con người, bộc lộ đạo đức và năng lực của người đó trong thực tiễn cuộc sống công tác ở cơ quan công sở, ngoài xã hội, trong gia đình. Trên thực tế, có những phương diện ứng xử như: Ứng xử giữa con người với con người (gồm các quan hệ gia đình, họ hàng, anh em, đồng nghiệp, ứng xử với con người trong các không gian công cộng của xã hội như đường phố, công viên, rạp hát, trên môi trường truyền thông, không gian mạng xã hội, internet); Ứng xử giữa con người với cộng đồng xã hội (Tổ quốc, đất nước, thể chế chính trị, dân tộc, nhân dân, nhân loại...); Ứng xử giữa con người với môi trường thiên nhiên (đắp đê, đào sông, khai hoang, khai thác gỗ, đánh bắt cá, trồng rừng...); Ứng xử con người với công việc (nghề nghiệp, công vụ...); Ứng xử giữa con người với chính bản thân mình (nghiêm túc tu dưỡng hay buông thả...).

Mạng xã hội

Mạng xã hội được hiểu là trang web giúp cho con người đến với nhau để trò chuyện, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ ý tưởng và sở thích, hay làm quen với những người bạn mới trong “thế giới ảo”. Dịch vụ mạng xã hội có những tính năng như chat, phim ảnh, e-mail, voice chat, chia sẻ file, blog, xã luận… có mạng lưới liên kết trên khắp thế giới. Cư dân mạng có thể tìm kiếm bạn bè, đối tác dựa theo group (chẳng hạn như: tên ngành nghề, trường học hoặc tên địa phương), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ e-mail hoặc screen name), hoặc dựa trên sở thích, phong cách cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, hoặc ca nhạc), lĩnh vực quan tâm (kinh doanh, mua bán)… Mạng xã hội có đặc điểm như: Ứng dụng được sử dụng đa dạng trên nền tảng internet; Nội dung do người sử dụng tự ý tạo ra (thật và ảo), tự chia sẻ, chưa có sự kiểm chứng; Người sử dụng phải tạo tài khoản, hồ sơ riêng; Kết nối tài khoản người sử dụng đến các tài khoản cá nhân, tổ chức khác thông qua các tài khoản ảo do người sử dụng tạo ra.

Như vậy, mạng xã hội tạo ra một hệ thống thông tin liên lạc rộng rãi giúp cho người sử dụng kết nối, giao lưu, chia sẻ thông tin trên nền tảng internet, từ đó tạo nên một “cộng đồng” có tính chất vừa ảo, vừa thực, hình thành các mối quan hệ xã hội đa dạng của người sử dụng. Gần đây, mạng xã hội ra đời ồ ạt ở nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã tạo ra một làn sóng mới, kích thích sự phát triển của truyền thông cộng đồng. Mạng xã hội được tạo ra để tự thân nó lan rộng trong cộng đồng thông qua các tương tác của các thành viên, mỗi người là một mắt xích để tạo nên một mạng lưới khổng lồ truyền tải thông tin với nhau. Về mặt bản chất, có thể nói mạng xã hội là hình thức làm marketing truyền miệng trên môi trường internet. Với khả năng lan truyền thông tin nhanh, mạng xã hội đang có nhiều tác động đa dạng, đa chiều, phức tạp đến cuộc sống nhân loại TK XXI.

Trên thực tế, mạng xã hội có thể mang lại một số lợi ích như: giúp người sử dụng cập nhật tin tức, dò tìm các mối quan hệ bị thất lạc, kết nối các mối quan hệ mới trong hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, kinh doanh, quảng cáo, thiết lập mối quan hệ với đông đảo công chúng “cộng đồng cư dân mạng” rất nhanh; khả năng lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt, có thể nhờ cộng đồng mạng hỗ trợ giúp đỡ việc gì đó to lớn, khó khăn mà cá nhân con người không thể làm nổi; các hoạt động trực tuyến sẽ truyền cảm hứng cho các cuộc hội thoại trong “thế giới thực”; tìm kiếm thông tin đa dạng, đa chiều trong cuộc sống; cơ hội để thể hiện hình ảnh cá nhân con người trong xã hội; có thể học hỏi kinh nghiệm của người khác, bổ sung, gia tăng vốn kiến thức cá nhân.

Về mặt tiêu cực, mạng xã hội gây ra nhiều hệ lụy có thể kể đến như: làm suy giảm hoạt động sống của con người như rối loạn giấc ngủ và việc ăn uống (lý do dẫn đến các rối loạn này do việc sử dụng các trang mạng xã hội thường vào những thời điểm nghỉ ngơi như bữa ăn, giờ nghỉ trưa, giờ đi ngủ); tiêu phí khá nhiều thời gian và tiền bạc của con người và xã hội (những người sử dụng điện thoại thông minh hoặc laptop thường xuyên truy cập Facebook, YouTube. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tính cách và thậm chí là chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống hằng ngày, dần dần có nguy cơ trở thành một người “nghiện” mạng xã hội mà không hề hay biết); tâm lý người dùng dễ bị trầm cảm, thiếu tích cực trong cuộc sống; việc giao tiếp “ảo” làm giảm nhu cầu của giao tiếp trực tiếp, dẫn đến người dùng ít nói chuyện, ít tiếp xúc với mọi người, suy giảm các quan hệ xã hội và gia đình. Các thông tin và bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook khi không được nhìn nhận tỉnh táo cũng dẫn đến những biểu hiện buồn bã, chán nản, bi quan, tuyệt vọng…

Thực tế cho thấy, có trường hợp người dùng mạng xã hội đã có ý nghĩ tự sát do nhận phải những bình luận ác ý, tẩy chay, bị cô lập trên không gian mạng xã hội. Truy cập mạng xã hội nhiều, tiếp xúc với thông tin không chính xác, không lành mạnh, sai lệch nội dung hoặc những thông tin “đùa”, “câu like”, “giật tít”, con người dễ bị stress, rối loạn nhân cách, ảo giác về bản thân, nảy sinh tâm lý vị kỷ. Do mải mê đắm chìm trong các giá trị ảo, phù phiếm, một số người có thể xuất hiện hành vi kích động và gây hấn, tăng ảo giác về “quyền năng cá nhân” trong cuộc sống (bởi có hàng ngàn người truy cập theo dõi, “ngưỡng mộ”), dẫn đến lãng quên mục tiêu ý nghĩa cuộc sống đích thực của chính mình.

2. Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng xã hội ở nước ta

Theo số liệu thống kê gần đây, ở nước ta có khoảng trên 70% dân số thường xuyên sử dụng mạng xã hội, thuộc ở nhóm những quốc gia có người dùng mạng xã hội cao trên toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, mạng xã hội đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan ngại:

Thứ nhất, thực tế hiện nay cho thấy không ít người thiếu kiến thức về mạng xã hội và truyền thông, nhưng lại dành quá nhiều thời gian cho nó. Trong xã hội hiện đại, ai cũng có thể tham gia mạng xã hội chỉ với một vài thao tác đơn giản từ máy tính, hoặc điện thoại thông minh. Việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, đi lên cầu thang máy, đi ra các không gian công cộng… đã gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho con người và cộng đồng (như xảy ra tai nạn giao thông, xung đột, va chạm trên đường đi bộ, siêu thị, nhà hàng, có khi cha mẹ quên cả con…). Thậm chí, sinh sống trong một không gian gia đình nhỏ hẹp, mọi người mải trò chuyện với mạng xã hội nhiều hơn là giao tiếp với nhau làm cho tình cảm vợ chồng, cha mẹ con cái cũng dần phai nhạt.

Thứ hai, trên không gian mạng xã hội xuất hiện nhiều biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa. Thời gian qua, không ít người đã lạm dụng mạng xã hội để trục lợi cá nhân, gây ra những tác động xấu tới nền tảng và những giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc. Chẳng hạn: một nữ doanh nhân giàu có đã liên tục livestream (phát trực tiếp) để công kích, “kể tội”, soi mói đời tư của nhiều nghệ sĩ; một bộ phận cổ động viên Việt Nam quá khích đã “tấn công” Facebook của trọng tài bắt trận đấu vòng loại World Cup giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và đội tuyển các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất bằng những lời lẽ thiếu văn hóa ngay sau khi trận đấu kết thúc. Bên cạnh đó, còn có nhiều người livestream để giễu cợt, thóa mạ, nói xấu nhau trên không gian mạng xã hội; rất nhiều video livestream quảng cáo bằng những lời lẽ thiếu văn minh, ăn mặc phản cảm nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng… Tất cả điều này đã và đang diễn ra thường xuyên trên mạng xã hội làm rối loạn cảm xúc của con người, nhất là thế hệ trẻ. Không khó để bắt gặp những thanh niên dùng lời lẽ thô tục xỉ vả bạn bè; những cô gái ăn mặc hở hang, nhảy múa kỳ quái livestream trước động cơ máy bay đang nổ máy, gây nguy hiểm, mất an toàn cho hàng không; có cô gái ngồi trên băng chuyền hàng hóa ký gửi tại sân bay rồi quay video phấn kích, livestream trên mạng để mong được nhiểu người quan tâm. Gần đây, trên mạng xã hội còn xuất hiện các video có hình ảnh thanh niên “hổ báo”, dáng vẻ đầu gấu, cạo trọc đầu, giang hồ, xăm trổ loang lổ đầy mình đi ngông nghênh ngoài đường phố như xã hội đen trong phim ảnh nước ngoài làm người ta ghê sợ. Có kẻ còn đập phá, đốt xe máy, khóc cười, điên loạn, gào thét thị uy, dọa dẫm, chửi đổng… rất phản cảm. Thậm chí, một số kẻ vô ý thức, vô học, bất mãn… còn viết trên trang các nhân những quan điểm trái chiều, tác động xấu đến giới trẻ và dư luận xã hội. Có những cư dân mạng còn “làm” và đưa lên mạng những clip tiểu phẩm đánh ghen, chửi bới, nói năng phản cảm để mong nhiều người truy cập…

 Nhìn chung, những hiện tượng nói trên đang làm xấu đi hình ảnh của người Việt và văn hóa nước ta trong con mắt của các cộng đồng cư dân mạng quốc tế. Đáng tiếc là những “trào lưu” kiểu như vậy trên mạng xã hội lại nhanh chóng kéo theo hàng trăm nghìn người theo dõi. Không ít người vào mạng xã hội, tiếp cận sự kiện “chớp nhoáng”, cẩu thả, vội vã, không chịu tìm hiểu, xác minh lại nguồn tin từ các kênh chính thống của Nhà nước, đã vội vàng “a dua”, vào hùa, “nhảy” vào bình luận, bình phẩm với thái độ, lời lẽ quá khích, cực đoan, phản cảm, thậm chí còn miệt thị, xúc phạm, làm tổn thương người khác và hấp tấp chia sẻ, lan truyền những thông tin, hình ảnh không chính xác, gây rối mạng xã hội.

Thứ ba, tình trạng “rác thông tin” trên mạng xã hội đang ngày càng “ngập ngụa”, thật giả, đúng sai lẫn lộn, gây hoang mang, bị động cho công chúng. Do thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, không ít người dùng mạng xã hội để đăng tải những thông tin, hình ảnh sai sự thật về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận. Mặc dù, các vụ việc đăng tải thông tin không chính xác đều được các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý, những người đăng tin sai sự thật đều phải chịu những hình thức xử phạt đích đáng, tuy nhiên những thông tin ấy vẫn tạo nên những hệ lụy ám ảnh trong dư luận xã hội.

Mạng xã hội là không gian truyền thông công cộng gần gũi của con người trong xã hội hiện đại đang bị hoen ố bởi những mảng màu đen tối, nhơ nhuốc từ việc người sử dụng nó để lan truyền tin tức sai sự thật, để kích động, gây hấn, tẩy chay, hoặc xâm phạm đời sống riêng tư của nhau. Do đó, vấn đề xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, từ cơ quan chức năng có nhiệm vụ quản lý đến đông đảo nhân dân trên phạm vi cả nước.

3. Định hướng và giải pháp điều chỉnh, nâng cao văn hóa ứng xử trên không gian mạng xã hội hiện nay

Trước thực trạng ứng xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội có xu hướng lan tràn, ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ Quy tắc này nhằm đưa ra định hướng và mục tiêu phát triển lành mạnh mạng xã hội ở Việt Nam, vừa đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, vừa hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên không gian mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa truyền thông an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Vấn đề nâng cao và hoàn thiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng xã hội sẽ góp phần xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng những lẽ sống đẹp, nuôi dưỡng lý tưởng cao quý, giúp cho con người vươn tới các chuẩn mực Chân - Thiện - Mỹ, không ngừng hoàn thiện nhân cách bản thân để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Để thực sự nâng cao văn hóa ứng xử trên mạng xã hội ở nước ta, cần phải triển khai ngay một số giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trong hệ thống cơ quan, công sở, nhà trường và trong nhân dân về đạo đức và trách nhiệm của người tham gia mạng xã hội, làm cơ sở nền tảng cho việc xác định thái độ, hành vi văn hóa ứng xử đúng đắn trên không gian mạng xã hội. Để thiết thực nâng cao văn hóa ứng xử trên không gian mạng xã hội, cần phải tuyên truyền, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân về Luật An ninh mạng (với tất cả những quy định cụ thể về đảm bảo an ninh mạng của nước ta) và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc này đã hướng tới ba chủ thể liên quan, gồm có: Một là, cơ quan nhà nước và cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; Hai là, các tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; Ba là, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Theo đó, các tổ chức và công dân phải tuân thủ quy tắc ứng xử chung là: tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội bao gồm những quy định ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc văn hóa ứng xử trên không gian mạng, để trở thành những công dân số có trách nhiệm trong nền văn hóa số; giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia mạng xã hội.

Khi giao tiếp, ứng xử trên mạng xã hội, mọi công dân phải có ý thức giữ gìn vẻ đẹp văn hóa ứng xử phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; không dùng từ ngữ thô tục, phản cảm; không dùng tiếng lóng, từ viết tắt hoặc ngôn ngữ pha tạp; thận trọng khi bình luận các vấn đề mới nảy sinh trên mạng xã hội; nghiêm chỉnh tự giác chấp hành Luật An ninh mạng để bảo vệ người sử dụng hợp pháp trên không gian mạng xã hội, bảo vệ chính mình, người thân và gia đình, đồng thời, tích cực góp phần bảo vệ an ninh mạng quốc gia. Thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ dần dần hình thành ý thức và bản lĩnh cho mỗi cá nhân con người, tạo nên những chuẩn mực văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, góp phần xây dựng giá trị văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, tăng cường phát huy lợi thế và sở trường của dòng thông tin chủ lưu, chính thống, tin cậy từ các cơ quan truyền thông nhà nước (như phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử…), cần có nhiều chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng hiểu rõ mặt tích cực cũng như mặt trái của mạng xã hội, để cho con người biết sử dụng mạng xã hội đúng đắn, an toàn cho bản thân và cho những người khác, phòng ngừa những rủi ro khi tham gia mạng xã hội.

Thứ ba, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cơ quan, chính quyền địa phương, xã, phường, tổ dân phố, khu dân cư, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò gương mẫu của các bậc phụ huynh trong gia đình và các thày cô giáo trong nhà trường làm gương cho giới trẻ noi theo, cùng chung tay góp sức xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.

Thứ tư, xử lý nghiêm khắc, nhanh chóng, kịp thời đối với các trường hợp vi phạm Luật An ninh mạng, tích cực sử dụng các giải pháp về khoa học kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại để hỗ trợ cho xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Các cơ quan chức năng cần phải thành lập bộ phận chuyên trách nhanh chóng phát hiện những bài, tin sai sự thật, xúc phạm người khác, những hình ảnh phản cảm và kịp thời ngăn chặn hoặc lập tức gỡ bỏ, để bảo vệ sự trong sạch của môi trường văn hóa truyền thông trên không gian mạng xã hội.

Bên cạnh việc áp dụng Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và các chế tài cụ thể, cần sử dụng các giải pháp về công nghệ hiện đại để bảo mật thông tin cá nhân trên mạng, giữ bí mật mật khẩu, đặt chế độ cá nhân hoặc chỉ bạn bè thân thiết và tin cậy mới có thể xem; nghiên cứu sử dụng các phần mềm lọc, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, đồng thời phải khuyến cáo và cảnh báo kịp thời cho những người dùng mạng xã hội.

NGUYỄN MINH THÔNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

;