Dấu ấn ngành VHTTDL nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng - Bài 4: Thể thao Việt Nam – “hái quả ngọt” từ hướng đi đúng, có trọng tâm, trọng điểm

Với các nhiệm vụ đặt ra: phát triển thể dục thể thao quần chúng gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; phát triển thể thao thành tích cao… ngành Thể thao đã đạt được những thành tựu nổi bật trong nửa nhiệm kỳ vừa qua.

Niềm vui của các cầu thủ U23 Việt Nam sau khi giành huy chương vàng SEA Games 31 - Ảnh: Trần Huấn

Thành công với hai kỳ SEA Games

Nỗ lực của Việt Nam tổ chức thành công SEA Games 31 cho thấy uy tín và trách nhiệm của nước chủ nhà với thể thao khu vực. Mặc dù quá trình chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 diễn ra trong giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như tình hình thế giới biến động phức tạp, song, với nỗ lực không ngừng và sự phối hợp đồng bộ, trên tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan, Việt Nam đã hoàn thành công tác chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31 trong một thời gian ngắn, trên tinh thần triệt để tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo sự trọng thị, chu đáo, phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Vượt lên trên ý nghĩa của một kỳ đại hội thể thao, SEA Games 31 (2022) đã thật sự trở thành ngày hội của tình đoàn kết, hữu nghị. Chủ đề của Đại hội “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” đã tỏa sáng và lan tỏa mạnh mẽ, để lại ấn tượng tốt đẹp, khó phai với thành viên các đoàn thể thao tham dự cũng như bạn bè quốc tế. Hình ảnh một Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển, một Đông Nam Á đoàn kết, thống nhất trong đa dạng và “cùng nhau tỏa sáng” đã được thể hiện rõ nét trong suốt 17 ngày diễn ra Đại hội.

Quyết định đưa hầu hết các nội dung thi đấu nằm trong chương trình tranh tài Olympic của đoàn chủ nhà Việt Nam đã được các nước trong khu vực đồng thuận cao. Để đưa ra được quyết định này, ngành Thể thao Việt Nam từ lâu đã đầu tư trọng điểm và luôn nằm trong tốp ba đoàn dẫn đầu ở các kỳ SEA Games gần đây và thành tích vượt bậc, lập kỷ lục thành tích huy chương qua các kỳ đại hội khu vực chính là sự khẳng định vững chắc vị thế của một trong ba nền thể thao hàng đầu khu vực. Là nước chủ nhà, Việt Nam đặc biệt chú trọng công tác đào tạo vận động viên (VĐV). Ngay cả khi đại dịch COVID-19 gây tác động nặng nề trong hai năm qua, các đội tuyển thể thao của chúng ta vẫn miệt mài tập luyện theo mô hình bong bóng khép kín. Chính nhờ sự chuẩn bị chu đáo đó, thể thao Việt Nam đã gặt hái thành công rực rỡ. Đoàn Thể thao Việt Nam đứng thứ nhất toàn đoàn, với tổng số 446 huy chương các loại, phá nhiều kỷ lục của Đại hội ở các môn Bơi, Điền kinh, Cử tạ, đặc biệt đã bảo vệ thành công huy chương vàng SEA Games của môn Bóng đá nam và huy chương vàng SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ.

Các vận động viên thi đấu tại SEA Games 31 - Ảnh: Trần Huấn

Bước vào SEA Games 32 (2023), Thể thao Việt Nam gặp khá nhiều áp lực và khó khăn khi chủ nhà Campuchia cắt bỏ nhiều nội dung thế mạnh của đoàn thể thao Việt Nam, đặc biệt là các môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic; hạn chế số lượng nội dung tham dự của các đoàn ở nhiều môn, đặc biệt là môn võ; cộng thêm với lịch thi đấu ở nhiều môn không thuận lợi. Bên cạnh đó, là áp lực từ việc các cường quốc thể thao trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia nhập tịch các VĐV để phấn đấu giành thành tích cao tại SEA Games lần này.

Thế nhưng, vượt lên trên tất cả cùng nỗ lực và ý chí phi thường, các VĐV, huấn luyện viên đã giúp cho Thể thao Việt Nam viết lên dấu ấn đáng tự hào tại SEA Games 32. Có thể nói đây là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam thi đấu ở nước ngoài. Với 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam vững vàng ngôi đầu đại hội. Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra trước khi lên đường sang Campuchia. Đồng thời, tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam đã truyền cảm hứng về lòng tự hào dân tộc, lan tỏa ý chí, quyết tâm không lùi bước trước mọi khó khăn với tinh thần thi đấu kiên cường để tỏa sáng mang vinh quang về cho đất nước.

Trong lịch sử 32 kỳ đại hội, Việt Nam làm chủ nhà của hai kỳ đại hội và hai lần giành ngôi nhất toàn đoàn. Nhưng SEA Games 32 là lần đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam xếp số 1 chung cuộc khi không là chủ nhà, đồng thời lần thứ hai xếp trên Thái Lan khi đại hội tổ chức ở nước ngoài. Điều đó cho thấy bước tiến mạnh mẽ của thể thao Việt Nam khẳng định vị thế số 1 khu vực ở thời điểm hiện tại, trong đó có nhiều môn nằm trong chương trình thi đấu của Olympic.

Cùng với hai kỳ SEA Games, thành công Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 diễn ra tại Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành khác gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Phúc cũng là điểm sáng của thể thao Việt Nam. Tại Đại hội lần này đã ghi nhận 53 kỷ lục quốc gia được phá, 96 kỷ lục mới đại hội được xác lập. Đây là kỳ đại hội có quy mô lớn nhất trong lịch sử về số lượng môn, nội dung thi đấu, số lượng VĐV cũng như thành tích và số kỷ lục được phá. Những VĐV xuất sắc nhất với tinh thần thi đấu, nỗ lực phi thường đã viết nên trang vàng thành tích của Đại hội, ghi lại chặng đường vươn tới vinh quang của thể thao Việt Nam. Thông qua Đại hội, công tác đào tạo, huấn luyện, thi đấu của các ngành thể thao địa phương đã được đánh giá một cách toàn diện; đã xuất hiện những VĐV xuất sắc, những địa phương có thành tích thể thao đỉnh cao vượt trội và những kỷ lục trong các môn thi đấu. 

Phong trào thể thao quần chúng ngày càng lan tỏa, phát triển

Thể dục thể thao quần chúng gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” luôn được Bộ VHTTDL chú trọng quan tâm và phát triển. Sau khi Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 được phát động đã có sức lan tỏa rộng rãi, được duy trì và phát triển mạnh mẽ trong cả nước.  

Hoạt động thể thao quần chúng do Sở VHTT Hà Nội tổ chức

Theo thống kê của Cục TDTT, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc ước tính đạt 33,5%, số gia đình tập luyện thể dục thể thao ước đạt 24,6%. Hệ thống thi đấu, tập luyện thể thao quần chúng ngày càng được mở rộng với gần 58.000 câu lạc bộ và có trên 45.000 cuộc thi đấu được tổ chức hằng năm.

Trong năm 2022, với 35,6% số người tập luyện thể thao thường xuyên và 26,7% số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên cả nước đã phản ánh rõ nét việc người dân đang ngày càng quan tâm đến TDTT.

Đặc biệt, nhằm tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, đã có 9.374 xã, phường, thị trấn; 681 quận, huyện tổ chức đại hội TDTT các cấp; 62 địa phương tổ chức đại hội thể thao cấp tỉnh. Các môn thi đấu trong đại hội đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng. Những ngày diễn ra đại hội đã thực sự là sự kiện thể thao trong đại của toàn tỉnh, là ngày hội sôi nổi, hữu ích của toàn dân.

Có thể thấy, việc phát triển nền Thể thao quần chúng không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Thể thao, mà còn giúp Việt Nam gìn giữ bản sắc và văn hóa dân tộc, và tạo ra động lực thúc đẩy thể thao nước ta vươn lên tầm quốc tế.

Tại Lễ tổng kết Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh: “Nhìn tổng thể trong những năm gần đây, Thể thao Việt Nam phát triển dựa trên 2 trụ cột chính là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Làm tốt thể thao quần chúng để qua đó phát hiện ra những hạt nhân tiêu biểu, những năng khiếu nổi bật đưa vào tuyển chọn, huấn luyện đào tạo cho thể thao thành tích cao. Bên cạnh đó chúng ta đã bám sát vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để tham mưu trúng, đúng, kịp thời và từ đó nhận được sự quan tâm, tận dụng được nguồn lực của các cấp, ngành, địa phương để phát triển sự nghiệp TDTT”.

NGỌC BÍCH 

 

;