Dấu ấn ngành VHTTDL nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng - Bài 3: Những giải pháp quyết liệt, bền bỉ để du lịch phục hồi và tăng trưởng

Sau một thời gian gặp nhiều khó khăn, suy giảm bởi đại dịch COVID-19; dưới sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành, quản lý quyết liệt của Chính phủ và Bộ VHTTDL, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Việt Nam đã có những phục hồi với đà tăng trưởng đáng khích lệ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách du lịch nội địa đạt 64 triệu lượt, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bước vào nhiệm kỳ mới, cũng là lúc đại dịch COVID-19 hoành hành, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế và xã hội trong nước cũng như trên toàn thế giới, ngành Du lịch Việt Nam cũng nằm trong số đó. Trước đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam phát triển mạnh, với những con số ấn tượng, với tỉ lệ đóng góp của ngành Du lịch đạt 9% GDP của cả nước và phát triển theo hương bền vững. Đại dịch COVID-19 đã làm ngành Du lịch toàn cầu lâm vào khủng hoảng, khó khăn. Ngành Du lịch Việt Nam cũng không ngoài những khó khăn đó. Nhưng với sự nỗ lực cao, quyết tâm lớn, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp có tính khả thi cao nhất để đưa du lịch trở lại hoạt động bình thường. Với phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, ngành Du lịch đã nỗ lực, sáng tạo, điều hành linh hoạt, thích ứng nhanh chóng, kịp thời đề xuất và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách mới, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức.

Khách du lịch trải nghiệm bay dù lượn ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Ảnh:  Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Ngành Du lịch đã được tái cấu trúc lại các loại hình hoạt động, cùng với đó là đào tạo, tập huấn để chuẩn bị đội ngũ. Tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp được Quốc hội và Chính phủ ban hành, đi kèm với đó là xem xét các chủ trương để chuyển hướng tập trung vào du lịch nội địa, coi du lịch nội địa là bệ đỡ trong bối cảnh chưa mở được du lịch quốc tế. Ngoài tháo gỡ về cơ chế, tiếp tục thực hiện các chính sách hướng tới giúp đỡ các doanh nghiệp du lịch trong vấn đề tiếp cận vốn, hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch và các chính sách khác hỗ trợ về tiền điện, nước, tiền thuê đất cho các cơ sở lưu trú nhằm tạo điều kiện để chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ VHTTDL đã đề xuất và được Bộ Chính trị, Chính phủ cho phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Chỉ trong 2 tháng cuối năm 2021, theo thống kê có gần 9 nghìn lượt khách tới Việt Nam và để lại những ấn tượng tốt đẹp. Đặc biệt, ngành Du lịch đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng với tình hình mới và từng bước phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch, tổ chức chương trình truyền thông du lịch trên nền tảng số với khẩu hiệu "Việt Nam: Đi để yêu!" bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.

Ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết 128 về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, được sự cho phép của Chính phủ, cuối tháng 11/2021, ngành Du lịch đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin”. Số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 3.500 lượt. Khách du lịch nội địa ước đạt 40 triệu lượt. Cũng trong năm này, Việt Nam tiếp tục được thế giới vinh danh bằng những giải thưởng quốc tế uy tín: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á.

Cùng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành Du lịch, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại. Đặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ VHTTDL cũng như ngành Du lịch trong việc chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình và tham mưu đề xuất với Chính phủ, ngày 15-3-2022, Chính phủ đã cho phép mở cửa hoàn toàn du lịch, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại, ngành Du lịch đã có những dấu hiệu khởi sắc.

Nhờ các giải pháp nêu trên, toàn ngành Du lịch đã khép lại năm 2022 với nhiều tín hiệu tích cực: đã hoàn thành được chỉ tiêu về khách du lịch nội địa, đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm, tiếp tục khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng của đất nước. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Trong năm 2023, công tác tham mưu xây dựng, triển khai các văn bản, đề án và nhiệm vụ trọng tâm về du lịch đã được Bộ VHTTDL triển khai, thực hiện nghiêm túc: tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về du lịch, qua đó, tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp thiết thực của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 2-3-2023 phê duyệt "Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030". 

Cùng với đó, Bộ VHTTDL tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trong việc xúc tiến, quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thúc đẩy du lịch phục hồi. Đồng thời, ngành Du lịch đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội du lịch tổ chức nhiều sự kiện nhằm lồng ghép triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các sự kiện quan trọng, quy mô khu vực và quốc tế, gần đây nhất là các sự kiện: Diễn đàn Du lịch ASEAN, Hội chợ Travex tại Indonesia, Hội chợ ITB Berlin 2023 tại Đức…

Đồng thời, ngành Du lịch đã đưa tăng cường chuyển đổi số. Hệ sinh thái du lịch thông minh từng bước được hình thành trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch.

Bộ VHTTDL đã làm việc với Bộ Công an để kết nối dữ liệu trên cơ sở Đề án 06; chia sẻ dữ liệu để phát triển ngành Du lịch trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử để thống kê chính xác về khách du lịch quốc tế, khách nội địa, khách lưu trú, khách thăm quan điểm đến… làm cơ sở hoạch định các chính sách về phát triển du lịch.

Với các giải pháp, điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Bộ VHTTDL, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, ngành Du lịch Việt Nam đã thu được những con số ấn tượng: trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 69% kế hoạch năm 2023; khách du lịch nội địa đạt 64 triệu lượt, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 63% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 52,7% của kế hoạch năm 2023. Đây là những con số ấn tượng cho thấy ngành Du lịch Việt Nam đang phục hồi với tín hiệu tăng trưởng đáng khích lệ.

Trong thời gian tới, ngành Du lịch tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả 7 nhóm nhiệm, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó, đối với nhiệm vụ truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch vừa qua, tháng 6-2023 Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023 tại Nha Trang (Khánh Hòa). Đây là một bước đi nhằm tăng cường sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch, qua đó, góp phần tôn vinh, quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến du khách trong nước và quốc tế. Qua bàn tay của các đạo diễn, mỗi bộ phim sẽ góp phần thúc đẩy ngành Du lịch – ngành công nghiệp không khói ngày càng phát triển.

Quảng bá du lịch thông qua hoạt động chiếu phim "Dấu ấn Khánh Hòa qua điện ảnh" - Ảnh: Trần Huấn

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2023. Điểm nổi bật của luật sửa đổi, bổ sung là nâng thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi, tăng trưởng. Đây là chính sách đột phá, tạo điều kiện thu hút lượng du khách quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn, ở lại dài ngày và chi tiêu cao hơn. Chính sách này có thể coi là bước tạo đà để du lịch Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng sản phẩm dài hơi, chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Đồng thời, với chính sách mở cửa, thông thoáng về thủ tục, chính sách về thị thực điện tử, kéo dài thời hạn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, sẽ tạo điều kiện, thúc đẩy, thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác kinh doanh và nghiên cứu khoa học, đây là những động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Với những bài học kinh nghiệm quý báu, với tín hiệu tích cực của đà phục hồi tăng trưởng du lịch trong thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, chính sách và sự điều quản lý có hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, chúng ta tin tưởng rằng, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

                                                                                                              NGỌC BÍCH

;