Dấu ấn ngành VHTTDL nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng - Bài 2: Chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa

Chuyển đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa thể hiện ở việc Bộ VHTTDL đã tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách; đối với các sự kiện văn hóa, chỉ tổ chức các sự kiện mang tầm vóc quốc gia hoặc khu vực, để tạo điểm nhấn lan tỏa tới các địa phương.

Các vị đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh: quochoi.vn

Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách

Bộ VHTTDL đã tập trung rà soát lại những “khoảng hở”, “khoảng trống” về mặt pháp lý, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, báo cáo với Quốc hội, nhất là bám sát Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch xây dựng Luật và pháp lệnh trong nhiệm kỳ. Chỉ trong thời gian ngắn, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ và đã được Quốc hội thông qua 2 luật là Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trong năm 2022; đồng thời, phối hợp, tham gia sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ phần quyền tác giả và quyền liên quan.

Trong đó, Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, với nhiều điểm mới, tạo hành lang pháp lý quan trọng để điện ảnh thực sự trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn. Trong đó, luật đã phân cấp, để UBND cấp tỉnh được cấp Giấy phép phân loại phim khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, giảm bớt thủ tục hành chính đối với việc hợp tác, liên doanh sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài; quản lý phim trên không gian mạng kết hợp “tiền kiểm” với “hậu kiểm”. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của luật năm 2008, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình...

Bộ VHTTDL cũng  tham mưu, báo cáo Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa; tích cực tham gia ý kiến vào dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), đề nghị điều chỉnh sửa đổi một số luật chuyên ngành như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa.

Bộ  đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định  quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh; xây dựng dự thảo nhiều Nghị định như: xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; về hoạt động văn học; về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập… Cùng với đó, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều Thông tư trên các lĩnh vực: điện ảnh, di sản văn hóa, du lịch…, tạo điều kiện cho các lĩnh vực của ngành phát triển. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL- Ảnh: Trần Huấn

Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở: lan tỏa sâu rộng

Với chủ đề năm 2022 là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ”, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung hướng về văn hóa cơ sở, nhấn mạnh yếu tố môi trường văn hóa, gia đình văn hóa là nơi để góp phần hình thành con người văn hóa. Sau lễ phát động tại tỉnh Nghệ An (tháng 3-2022), sức lan tỏa của công tác xây dựng môi trường văn hóa đã thấm sâu, và được các Bộ, ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ đạo triển khai xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, Bộ Công Thương, Bộ VHTTDL đã xây dựng môi trường văn hóa doanh nhân trong doanh nghiệp…

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2023 của ngành VHTTDL, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta đã thành công khi tập trung xây dựng văn hóa một cách thực chất, chọn xây dựng môi trường văn hóa cơ sở làm chủ đề công tác năm, nhấn mạnh yếu tố môi trường văn hóa, gia đình văn hóa là nơi để góp phần hình thành con người văn hóa... Bộ VHTTDL đã chọn việc khó, đó là xây dựng môi trường văn hóa ở địa bàn dân cư, đã có nhiều địa phương triển khai hiệu quả tốt, qua đó, sức lan tỏa của nó đã góp phần khắc phục thực trạng xuống cấp văn hóa”.

Các hoạt động văn hóa cơ sở được quan tâm, phát huy gắn với xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, đề cao vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa; giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Nhiều mô hình, điển hình về gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, được hình thành và nhân rộng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cơ sở.

Cụ thể như tại tỉnh Phú Thọ, Sở VHTTDL đã tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; thực hiện hiệu quả Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: đã mở 7 lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy hát Xoan Phú Thọ; tổ chức Liên hoan Dân ca và Hát Xoan Phú Thọ năm 2022; thành lập mới 2 CLB Hát Xoan và dân ca tỉnh Phú Thọ; khôi phục tục lệ Hát Xoan kết nước nghĩa; xây dựng tour du lịch học đường “Hướng về nguồn cội” kết nối di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh...

Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ trong đêm khai mạc Lễ hội Đền Hùng - Tuần Văn hóa Du lịch đất Tổ  năm 2023- Ảnh: Tuấn Minh

Đặc biệt, trong dịp tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023, dưới sự phối hợp, chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ VHTTDL, nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch có ý nghĩa đã được diễn ra trong dịp này, nhằm tôn vinh và khẳng định  giá trị to lớn của di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có hai di sản văn hóa thế giới là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Cùng với các hoạt động trong phần hội của Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động du lịch, qua đó thu hút khách du lịch, quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về những nét đặc sắc văn hóa của địa phương. Cũng trong dịp này, lượng khách du lịch đến với Phú Thọ đã thu hút ước khoảng 5,4 triệu lượt khách .

Với tỉnh Quảng Trị, năm 2022 đã tổ chức thực hiện tốt các sự kiện và ngày lễ quan trọng của đất nước như: Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn; Kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông và diễu binh diễu hành nhân Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Lễ hội Vì Hòa bình; tham gia diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên lần thứ III năm 2022 tại tỉnh Kon Tum, kết quả đạt giải Nhất toàn đoàn... Tỉnh cũng đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị. Đến 15-12-2022, có 163.789/173.671 gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”, có 789/797 làng, bản, khu phố và tương đương được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa; có 752/824 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 15/24 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ VHTTDL, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển ngành VHTTDL tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp Bộ VHTTDL tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam với chủ đề “Hồn dân tộc - Vị quê hương” vào dịp 30-4-2023 quy mô 83 gian hàng với hơn 500 món ăn và thức uống, thu hút số lượng lớn nhân dân, khách du lịch đến tham quan, thưởng thức tinh hoa ẩm thực ba miền Bắc-Trung-Nam với đầy đủ sắc màu truyền thống và hiện đại, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp (đạt trên 30 ngàn lượt khách, tăng hơn 6 lần so với dự kiến); bên cạnh đó, có đến 2,8 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội đã thể hiện hiệu quả và sức lan tỏa của sự kiện, đồng thời mở ra hướng đi mới hướng về sản phẩm du lịch ẩm thực đặc trưng của Quảng Trị và vùng Bắc Trung Bộ.

Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam 2023 với chủ đề "Hồn dân tộc - Vị quê hương" tại Quảng Trị - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quảng Trị

Với tỉnh An Giang, Sở VHTTDL đã tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 theo sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh. Qua đó, các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch  đều đạt được những kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực VHTTDL được tăng cường với nhiều biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Công tác bảo tồn di sản văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, bảo vệ di sản, trùng tu tôn tạo di tích được chú trọng và triển khai tích cực. Các lễ hội văn hóa được bảo tồn và từng bước nâng chất, đưa vào những nội dung mới, thiết thực làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả. Các giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt được nhân rộng, phát huy. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 507.165 hộ gia đình văn hóa (đạt 94% tổng số hộ); 879 khóm, ấp văn hóa (đạt 100% tổng số khóm, ấp), 87 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới (đạt 75% tổng số xã), 27 phường, thị trấn văn minh đô thị (đạt 72,97% tổng số phường, thị trấn)...

Chủ động kiểm tra từ sớm, từ xa

Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã tăng cường quản lý lễ hội, chủ động kiểm tra từ sớm, từ xa, vì thế mùa lễ hội những năm gần đây đã không còn “là đề tài” bị nhắc nhở nhiều trên phương tiện truyền thông, báo chí. Cụ thể, rút kinh nghiệm từ mùa lễ hội trước, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã ban hành Văn bản 1240/VHCS-NSVH gửi các Sở về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Trong đó, đề nghị ngành Văn hóa các địa phương chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định. Tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; triển khai hiệu quả việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội. Xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời tình huống phát sinh...

Lễ hội đền Kỳ Cùng, Lạng Sơn - Ảnh minh họa: Tuấn Minh

Cùng với đó, để giải quyết, khắc phục những tồn tại và dần loại bỏ những lễ hội còn duy trì một số tập tục, hình ảnh không còn phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam được dư luận phản ánh nhiều trong thời gian qua, ngành VHTTDL các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng ý nghĩa, giá trị của lễ hội. Qua đó, các tập tục với hình ảnh phản cảm, bạo lực trong một số lễ hội đã được chính quyền và người dân các địa phương thay đổi hình thức tổ chức.

NGỌC BÍCH

;