Văn hóa đối ngoại trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Ngày nay, thế giới đang biến đổi nhanh chóng, không ngừng và phức tạp khó lường với các cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ số đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình xã hội hóa lực lượng sản xuất, nhất là ở những quốc gia có nền công nghiệp phát triển hiện đại. Những yếu tố này trở thành điều kiện thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa trở nên mạnh mẽ không chỉ đối với kinh tế mà thực chất đã mở rộng ra hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống con người. Trong bối cảnh chung ấy, văn hóa đối ngoại có vai trò và ý nghĩa to lớn cho sự phát triển xã hội bền vững.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác văn hóa đối ngoại. Vai trò của văn hóa đối ngoại trong phát triển đất nước đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đảng và Nhà nước Việt Nam xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội. Nhằm góp phần làm cho văn hóa đối ngoại trở thành một trong những kênh quan trọng trong toàn bộ công tác đối ngoại của Nhà nước, Bộ VHTTDL đã nghiên cứu xây dựng Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015. Cùng với những thành tựu của công tác chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại, kết quả của Chiến lược đã mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với ưu thế nổi bật hơn so với chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại như dễ dàng vượt qua sự khác biệt chính trị, tư tưởng, xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, văn hóa đối ngoại trở thành một bộ phận hữu cơ trong hoạt động đối ngoại của một quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế và chính trị, đồng thời đặt dưới sự chi phối của đường lối đối ngoại.

Trong thời đại ngày nay, văn hóa đã khẳng định vị trí then chốt, đóng vai trò là cầu nối gắn kết các dân tộc trên thế giới, là mục tiêu và động lực phát triển, là nền tảng gìn giữ và bảo vệ hòa bình, là nhân tố để thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển. Một số ít quốc gia đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa của mình, tạo ra sức mạnh trong mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với kinh tế đối ngoại và chính trị đối ngoại, văn hóa đối ngoại tạo thành một trong “kiềng ba chân” vững chãi trong mối quan hệ giữa các quốc gia, tác động và ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống quốc tế. Yếu tố văn hóa ngày càng được chú trọng trong hoạch định và triển khai thực hiện chính sách đối ngoại.

Ngày nay, với sự ảnh hưởng của cơn lốc toàn cầu hóa, các đường biên giới về chính trị, kinh tế giữa các quốc gia đang mờ dần đi, thế giới ngày càng phẳng, văn hóa của quốc gia, dân tộc càng cần được đầu tư nhằm tăng cường “sức đề kháng” trước các giá trị văn hóa ngoại lai xâm nhập, có thể sẽ hủy diệt giá trị văn hóa dân tộc. Vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa nói chung và văn hóa đối ngoại nói riêng đã được thừa nhận rộng rãi không chỉ trong nghiên cứu và cả đối với các nhà hoạch định chính sách văn hóa ở các quốc gia cũng như trên phạm vi khu vực và thế giới.

Văn hóa đối ngoại với tư cách một công cụ đối ngoại là những hoạt động giao lưu văn hóa góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ công tác đối ngoại như xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, né tránh các xung đột khi có thể, hấp thu tinh hoa văn hóa của các quốc gia, dân tộc trên thế giới có chọn lọc và sáng tạo để làm giàu và phong phú thêm bản sắc văn hóa của quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả ngoại giao về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh. Những nỗ lực của các quốc gia trong triển khai chiến lược và hoạt động văn hóa đối ngoại nhằm thực hiện các mục tiêu đối ngoại của mình, đã tác động và điều chỉnh quan hệ quốc tế đương đại, góp phần cụ thể hóa vai trò của ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế. Cụ thể:

Thứ nhất, văn hóa đối ngoại góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, phổ quát các giá trị của mình ra thế giới, đồng thời, chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa có chọn lọc từ bên ngoài thông qua quá trình giao lưu văn hóa

Từ xa xưa, các quốc gia cổ đại đã cố gắng tạo lập cho mình một hình ảnh riêng biệt trong cộng đồng quốc tế và cư dân, ghi dấu ấn trong lịch sử nhân loại như nền văn minh sông Hằng, kiến trúc La Mã, văn hóa Trung Hoa cổ đại… Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh nên việc cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, do đó, việc xây dựng hình ảnh quốc gia và quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới.

Về phương diện vị thế quốc gia, có lẽ Mỹ là quốc gia thành công nhất trong việc truyền bá văn hóa “đồ ăn nhanh” với các thương hiệu nổi tiếng như McDonald’s, Starbucks, KFC, Burger King, Pizza Hut… Bên cạnh đó, ngành công nghiệp giải trí của Mỹ đã phát tán “các giá trị Mỹ” thông qua các ấn phẩm văn hóa. Ngành Điện ảnh Mỹ trong thập niên 20 của TK XX đã rất phát triển. Phim ảnh không chỉ mang nội dung giải trí mà còn phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Điện ảnh Hollywood và nhạc Pop của Mỹ đã đạt tới tầm toàn cầu. Sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực truyền thông và văn hóa đại chúng đã khiến cho nhiều nhà văn hóa lo ngại về một sự thống trị của văn hóa Mỹ đối với cả văn hóa châu Âu. Bên cạnh việc phổ quát giá trị văn hóa ra bên ngoài, văn hóa Mỹ tiếp thu các giá trị mới, góp phần làm phong phú và phát triển văn hóa dân tộc.

Tại Hàn Quốc, ngay từ sớm đã nhận thức và đánh giá đúng về vai trò của văn hóa đối với sức mạnh tổng hợp quốc gia, trên cơ sở đó đưa ra chiến lược xây dựng sức mạnh mềm với tầm nhìn dài hạn bên cạnh “sức mạnh cứng”. Việc quảng bá hình ảnh đất nước được coi là mục tiêu quan trọng nhất. Vào ngày 20-2-2009, Ủy ban hình ảnh quốc gia thuộc Văn phòng Tổng thống chính thức ra đời với 47 thành viên là các quan chức Chính phủ. Ngoài ra, Hàn Quốc còn xây dựng một tổ chức như một hội đồng tư vấn gồm 40 thành viên là người nước ngoài đến từ Hội đồng Anh, Viện Goethe, Quỹ Văn hóa Nhật Bản… tại Hàn Quốc. Hội đồng này sẽ có những tổng kết, đánh giá độc lập của mình để tư vấn cho Chính phủ về hình ảnh Hàn Quốc trong mắt người nước ngoài.

Ở một số nước Đông Bắc Á, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và trong thập kỷ qua là Trung Quốc đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu thanh niên quốc tế cả song phương và đa phương với quy mô lớn, trong đó nổi bật là Chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản - Hàn Quốc; Chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản - Trung Quốc; Chương trình Giao lưu Thanh niên Nhật Bản - châu Á về Khoa học; Chương trình giao lưu Thanh niên, Sinh viên Nhật Bản - Đông Á (JENESYS); Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP); Chương trình Tàu Thanh niên Thế giới (SWY) với sự tham gia của cả thanh niên khu vực Nam Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ La-tinh; Chương trình Giao lưu thanh niên toàn cầu với sự tham gia của thanh niên từ 30 quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, vị trí, vai trò của văn hóa đối ngoại ngày càng được chú trọng và đầu tư hơn nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, phổ quát các giá trị văn hóa của mình ra thế giới. Năm 2015, video ca nhạc Welcome to Viet Nam (Chào mừng bạn đến với Việt Nam) do Bộ Ngoại giao Việt Nam sản xuất và quảng bá với lời bình được giới thiệu bằng 9 ngôn ngữ: tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Ả Rập, đã gửi đến người xem thông điệp về một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển, có nền văn hóa lâu đời, giàu tính nhân văn, có sức sống mạnh mẽ, đang không ngừng phát triển và là điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế. Đây được xem là sự kiện nổi bật trong hoạt động truyền thông đối ngoại, qua đó quảng bá du lịch Việt Nam đến nhiều đối tượng du khách thế giới. Gần đây nhất là sự kiện Google phối hợp với Bộ VHTTDL và các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế ra mắt Dự án Google Arts and Culture tôn vinh “Kỳ quan Việt Nam” trên nền tảng trực tuyến giới thiệu 35 triển lãm trực tuyến, với 1.369 bức ảnh giới thiệu về các kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa, con người, nghệ thuật, ẩm thực và lễ hội truyền thống đặc sắc của Việt Nam bằng tiếng Việt và Anh. Đây là Dự án hỗ trợ quảng bá du lịch Việt Nam đến quốc tế trong tình hình dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng trầm trọng đến nền du lịch Việt Nam.

Thứ hai, văn hóa đối ngoại góp phần củng cố và làm sâu sắc mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới, gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa và văn minh khác nhau, làm dịu căng thẳng về chính trị, đồng thời góp phần gắn kết chặt chẽ và làm sâu sắc hợp tác đa phương

Tại Hội nghị Văn hóa và Ngoại giao tổ chức ở Mỹ năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nhấn mạnh rằng: Văn hóa có sức thâm nhập mạnh, có thể đạt được mục tiêu mà các biện pháp chính trị và quân sự chưa chắc có thể đạt được.

Khi hai đối tác có những bất đồng về vấn đề chính trị, mỗi bên sẽ giữ ý và dè chừng nhau, cuộc gặp mặt sẽ diễn ra trong bầu không khí dè dặt, không cởi mở, thậm chí căng thẳng, dẫn đến kết quả sẽ khó đạt được như mong muốn. Nhưng khi tiến hành ngoại giao thông qua văn hóa, mọi chuyện sẽ diễn ra theo chiều hướng tích cực hơn, vì nghệ thuật là ngôn ngữ chung được nhiều dân tộc chấp nhận, là công cụ mạnh mẽ để đi vào trái tim, tâm trí và chạm đến cảm xúc sâu sắc nhất của con người. Tiêu biểu là sự kiện tháng 2-2008, khi Dàn nhạc Giao hưởng New York tới trình diễn tại thủ đô Bình Nhưỡng của Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên, những pano, áp phích chống Mỹ trên đường phố đã được dỡ bỏ. Người dân Triều Tiên đã tạm quên đi những bất đồng, căng thẳng giữa hai nước, nồng nhiệt đón chào các nghệ sĩ Mỹ bằng những điệu múa và màn đánh trống truyền thống. Chương trình biểu diễn đó đã sưởi ấm mối quan hệ đang khủng hoảng giữa hai nước để hướng tới sự hàn gắn và cải thiện.

Một sự kiện nổi tiếng được xem là một ví dụ điển hình về vai trò quan trọng của văn hóa đối ngoại trong việc làm dịu căng thẳng về chính trị, được thế giới đặt biệt danh là sự kiện ngoại giao bóng bàn mà Trung Quốc đã thực hiện rất thành công giữa lúc cao điểm của chiến tranh lạnh. Vào tháng 4-1971, đội tuyển bóng bàn Mỹ đang thi đấu tại giải Vô địch Thế giới ở Nhật Bản đã sang Trung Quốc theo lời mời từ chính phủ nước này. Trận giao hữu bóng bàn trong không khí thân thiện giữa các vận động viên hai nước đã phá vỡ những tảng băng cản trở quan hệ ngoại giao giữa hai bên suốt hơn 20 năm và lệnh cấm vận Trung Quốc đã được Mỹ bãi bỏ. Có thể nói, sự kiện này đã làm được một kỳ tích.

Một phương thức đối ngoại khác cũng được nhiều học giả quan tâm, được xem là cách hữu hiệu được sử dụng để xử lý những điểm nóng căng thẳng về kinh tế và chính trị, như lời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chia sẻ “Trên sân golf bạn sẽ hiểu một người tốt hơn so với qua bữa ăn”, được gọi là “ngoại giao sân golf”. Trong giai đoạn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, hai nước đã phát sinh những bất đồng căng thẳng quanh những khác biệt quan điểm về thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực nhập khẩu thịt bò. Mỹ nhiều lần cảnh cáo Nhật sẽ áp thêm các mức thuế cao hơn với sản phẩm ô tô nhập khẩu từ Nhật nếu một thỏa thuận thương mại song phương không đạt được. Tuy nhiên, sau khi trở về Tokyo từ sân golf ở ngoại ô, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter “Tiến trình đàm phán tuyệt vời đã được thực hiện trong đàm phán thương mại giữa chúng ta (Mỹ) với Nhật. Nông nghiệp và nhập khẩu thịt bò hiện đang được đàm phán”. Thông cáo giữa hai bên nhấn mạnh: Chúng tôi làm sâu sắc thêm mối quan hệ trong một bầu không khí ấm cúng. Ông Trump nhấn mạnh: Với thỏa thuận này, chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết sự mất cân bằng trong thương mại, dỡ bỏ các rào cản thuế quan với các hàng hóa xuất khẩu Mỹ, đồng thời đảm bảo sự công bằng có qua có lại trong mối quan hệ của chúng ta. Chúng ta ngày càng tiến lại gần nhau hơn và Ông Abe thông báo tiếp: Chỉ vừa mới tuần trước thôi, thịt bò Mỹ đã nhận được quyền tiếp cận thị trường một cách đầy đủ ở Nhật Bản kể từ năm 2000. Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ đối với các nỗ lực này và hy vọng sẽ có thêm những thông báo sớm trong thời gian tới.

Giai đoạn gần đây, Việt Nam có những sự kiện nổi bật thể hiện tầm quan trọng của hoạt động văn hóa đối ngoại trong việc gắn kết và làm sâu sắc hợp tác đa phương, tiêu biểu là sự kiện triển lãm trang phục truyền thống các nước ASEAN-2020 diễn ra vào ngày 21-10-2020, nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Đối với người dân mỗi nước trong cộng đồng ASEAN, trang phục truyền thống không chỉ mang nét đẹp văn hóa mà còn tôn vinh văn hóa truyền thống, cốt cách của dân tộc. Mặc dù trang phục phương Tây tiện dụng và được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, trang phục truyền thống vẫn mang nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng và được người dân lựa chọn sử dụng trong dịp lễ đặc biệt. Nắm được vai trò và tầm quan trọng của việc tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại trong giai đoạn hiện nay, Bộ VHTTDL đã tổ chức triển lãm ý nghĩa trên với sự hỗ trợ của Đại sứ quán các nước ASEAN nhằm mục đích giới thiệu văn hóa, cuộc sống, con người của các quốc gia thành viên ASEAN qua nét đẹp văn hóa trong trang phục truyền thống, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân các nước trong khu vực, góp phần mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư, phát triển du lịch. Sự kiện này đã được các phương tiện truyền thông quốc gia đưa tin và tạo âm hưởng rộng rãi.

Thứ ba, văn hóa đối ngoại hỗ trợ cho chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại; củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp với các nước đối tác, từ đó góp phần vào hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế của đất nước

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam với vai trò Tổng thống Mỹ, Bill Clinton đã lẩy hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để diễn tả về sự thay đổi thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”.

Mượn hình ảnh “sen tàn” và “cúc nở hoa”, ông Clinton muốn nói về hình ảnh băng giá của thời quá khứ đã bắt đầu tan và thay vào đó là những cơ hội trong tương lai của quan hệ Việt - Mỹ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trong buổi tiếp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Dennis Hastert vào tháng 4-2006 đã tặng món quà là Bản Tuyên ngôn độc lập in trên giấy dó với lời giải thích: “Khi viết Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập 1766 của Mỹ về nguyên tắc “tự do, bình đẳng, bác ái”, đó là điểm tương đồng quan trọng giữa hai bên”. Lời giới thiệu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã gây ấn tượng cho Chủ tịch Hạ viện Mỹ, khiến cho cuộc gặp và làm việc giữa hai bên trở nên cởi mở, hiệu quả hơn. Sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Việt Nam và có bài phát biểu trước hơn 2.000 trí thức, sinh viên, doanh nhân trẻ... về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội vào ngày 24-5-2016 đã đem lại nhiều ấn tượng. Tổng thống Obama đọc những câu thơ trong bài Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt trong mở đầu bài phát biểu của mình nhằm thể hiện sự tôn trọng, khẳng định chủ quyền quốc gia, chủ quyền dân tộc của Việt Nam: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành địa phận ở sách trời”. Sau đó, ông đã khiến tất cả mọi người bất ngờ khi lẩy câu Kiều để kết thúc bài phát biểu của mình: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Những ví dụ trên cho thấy, văn hóa đối ngoại nếu được vận dụng khéo léo, có thể làm nên những điều kỳ diệu mà nhiều khi những cuộc đàm phán chính thức kéo dài và gay cấn cũng khó lòng đạt được.

Ngày nay, sức ảnh hưởng của văn hóa không chỉ gói gọn trong châu lục mà đã lan rộng ra toàn thế giới. Các quốc gia có xu hướng phân chia và quy tụ với nhau theo nhóm phân chia dựa trên văn hóa và tôn giáo chứ không còn theo ý thức hệ như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nắm được bản chất, vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa đối ngoại, Hàn Quốc kiên định mục tiêu chung là “xuất khẩu văn hóa” ra các thị trường quốc tế, đưa Hàn Quốc trở thành “cường quốc” về công nghiệp giải trí. Hiện nay, Hàn Quốc không chỉ là một “hình mẫu” phát triển kinh tế năng động bậc nhất khu vực mà còn là một trong mười quốc gia “xuất khẩu” văn hóa hàng đầu thế giới. Hàn Quốc được đánh giá là quốc gia thành công trong xây dựng và phát huy nguồn sức mạnh mềm, sử dụng văn hóa để làm ảnh hưởng, tác động đến nhiều quốc gia khác. Các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc (phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, nghệ thuật...) đã thâm nhập sâu rộng vào nhiều quốc gia trên thế giới, “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu/ Hàn lưu) thông qua âm nhạc đại chúng (K-pop) và các bộ phim truyền hình có sức lan tỏa mạnh mẽ dần trở thành trào lưu nổi tiếng khắp châu Á. Tờ Thời báo Tài chính của Anh từng nhận định, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã vượt qua các nước châu Á và lan chảy ra toàn thế giới. Điều này không những mang lại nguồn lợi kinh tế rõ rệt mà còn góp phần quảng bá, nâng cao vị thế của Hàn Quốc trên thế giới.

Kết luận

Trong xu thế hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng và thời đại toàn cầu hóa hiện nay, sự phân công lao động ngày càng trở nên sâu sắc, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn, vai trò của khoa học - công nghệ ngày càng cao thì sức mạnh quân sự và kinh tế không còn là yếu tố duy nhất khẳng định vị trí của các quốc gia trên trường quốc tế. Vai trò của văn hóa ngày càng trở nên quan trọng vì văn hóa liên quan đến sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia và sức mạnh mềm là sức mạnh vô hình, ảnh hưởng đến ý thức công chúng và dư luận quốc tế, có sức thâm nhập mạnh, có thể đạt được mục tiêu mà các biện pháp chính trị và quân sự chưa chắc có thể đạt được.

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ vai trò của văn hóa và ngoại giao văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người đã đề ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam đường lối cách mạng đúng đắn, trong đó có những chiến lược, sách lược và quan điểm về văn hóa và văn hóa đối ngoại cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trở thành kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định và triển khai chính sách về văn hóa đối ngoại Việt Nam. Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, lần đầu tiên cụm từ “văn hóa đối ngoại” được chính thức đưa vào văn kiện của Đảng, sau một quãng thời gian dài chỉ mới được đề cập trong các công trình nghiên cứu, các hội thảo khoa học. Có thể khẳng định, tư duy về văn hóa đối ngoại của Đảng trong công cuộc đổi mới đã có những bước chuyển căn bản, các nội dung của văn hóa đối ngoại được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn sống động của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động văn hóa đối ngoại là “thời cơ vàng” để Việt Nam học hỏi được nhiều điều hay, tiếp thu được nhiều điều tốt, chọn lọc được những tinh hoa văn hóa của các quốc gia, dân tộc trên thế giới để làm giàu và phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam, thực hiện đúng phương châm “Đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới và đưa văn hóa thế giới đến Việt Nam”.

Nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa nói chung và văn hóa đối ngoại nói riêng trong sự phát triển của quốc gia và tiến trình hội nhập, Bộ VHTTDL đã tích cực, chủ động, đóng vai trò chủ đạo trong việc triển khai các chính sách, hành động, cụ thể là chiến lược văn hóa đối ngoại nhằm thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, trong đó có công tác văn hóa đối ngoại, phát triển xứng tầm, qua đó truyền cảm hứng, niềm tự hào tới mỗi người dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần kiến tạo, phát triển đất nước hùng cường.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Anh Duy, Trump “ngoại giao sân gofl” với Abe trong chuyến thăm Nhật, congan.com.vn, 26-5-2019.

2. Vũ Dương Huân, Ngoại giao và công tác ngoại giao, Nxb Hà Nội, 2010.

3. Mạnh Hùng, Đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, dangcongsan.vn, 10-9-2021.

4. Đặng Thị Thu Hương, Ngoại giao văn hóa và truyền thông văn hóa đối ngoại trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 1, 2009, tr.79-90.

5. Nguyễn Khánh, Ngoại giao văn hóa và Văn hóa ngoại giao, in trong Ngoại giao văn hóa vì một bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế, Nxb Thế giới, 2008.

6. Vũ Trọng Lâm, Văn hóa đối ngoại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019.

7. Nguyễn Thị Lệ Mỹ, Hợp tác văn hóa trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Đại học KHXH&NV, Hà Nội, 2022.

8. Phạm Bình Minh, Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

9. Trình Mưu, Nguyễn Thế Lực, Nguyễn Hoàng Giáp (đồng chủ biên), Quá trình triển khai thực hiện Chính sách đối ngoại của Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015.

10. Phạm Xuân Nam, Vì văn hóa phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.

11. Phạm Quang Nghị, Công cuộc đổi mới động lực phát triển và lý luận văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2005.

12. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2005.

13. Phạm Minh Sơn, Đối ngoại công chúng: Mô hình hoạt động của một số nước lớn trên thế giới và đề xuất đối với Việt Nam, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2016.

14. Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Hà Nội, 2015.

15. Nguyễn Thị Thùy Yên, Ngoại giao văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 311, 2010.

TS NGUYỄN THỊ THƯƠNG HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;