Vai trò của các nghệ nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật ca trù

Nghệ nhân được ví như những “báu vật nhân văn sống”, giữ gìn và truyền dạy các giá trị văn hóa phi vật thể. Từ sau Đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm vinh danh và hỗ trợ các nghệ nhân. Tại làng Chanh Thôn, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, các nghệ nhân đã tích cực thực hành, truyền dạy và quảng bá ca trù thông qua các câu lạc bộ (CLB), sự kiện văn hóa và các chương trình đào tạo. Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy nghệ thuật ca trù trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần được giải quyết để đảm bảo sự sống còn và phát triển bền vững của di sản này.

Ca trù Bích Câu hội quán - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Đặt vấn đề

Trong nhiều năm trở lại đây, ở Việt Nam, các vấn đề về văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng. Đặc biệt, từ sau Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII được ban hành (1998) và Luật Di sản văn hóa ra đời (2001), nhiều di tích và thực hành văn hóa của nước ta đã được ghi danh, xếp hạng di sản văn hóa ở các cấp khác nhau. Theo số liệu thống kê đến năm 2023, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp là nghệ thuật ca trù.

Đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp nói chung, nghệ thuật ca trù nói riêng, vai trò của cộng đồng, trong đó có các nghệ nhân càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc phục hồi, bảo vệ và trao truyền di sản. Từ trường hợp nghiên cứu các nghệ nhân hát ca trù ở làng Chanh Thôn, xã Nam Tiến, Phú Xuyên, Hà Nội - một trong những cái nôi của ca trù Việt, bài viết tìm hiểu về vai trò của các nghệ nhân, “những báu vật nhân văn sống” trong việc truyền dạy, quảng bá, phổ biến và duy trì việc thực hành nghệ thuật ca trù trong đời sống của cộng đồng cư dân ở địa phương, từ đó góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật ca trù trong bối cảnh đương đại hiện nay.

1. Nhận diện vai trò của nghệ nhân đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (2003) của UNESCO đã khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng: Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng (1). Cộng đồng trở thành trung tâm/ nền tảng để UNESCO xây dựng và thực thi các nguyên tắc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, có “vai trò trong tất cả quá trình liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể từ quản lý, bảo vệ, trao truyền đến phát huy giá trị di sản của chính họ” (2). Cộng đồng là “người mang văn hóa”, chủ nhân của di sản văn hóa nên cần đảm bảo việc phát huy nội lực/ tinh thần tự nguyện của cộng đồng trong việc giữ gìn/ trao truyền những tập tục của cha ông để lại bởi “chỉ bản thân cộng đồng mới có thể quyết định cái gì là (hoặc không là) một phần trong di sản của họ - không một nhà nghiên cứu, chuyên gia hay cán bộ nào có thể làm thay họ” (3).

Như vậy, có thể thấy, cộng đồng nói chung, trong đó có nghệ nhân là một bên liên quan trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể. Khái niệm “nghệ nhân” có thể được hiểu là “người chuyên nghề biểu diễn một bộ môn nghệ thuật hoặc chuyên làm một nghề thủ công mỹ nghệ, có tài năng cao” (4).

Nghệ nhân chính là những người nắm giữ các thực hành văn hóa, là “hạt nhân”, “báu vật nhân văn sống” tham gia sáng tạo, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa phi vật thể từ đời này sang đời khác. UNESCO đã đưa ra hai chính sách quan trọng liên quan đến nghệ nhân, đó là Chương trình Hệ thống báu vật nhân văn sống (1993) và Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, Chương trình Hệ thống báu vật nhân văn sống là văn bản pháp lý đầu tiên của UNESCO về chính sách đối với các nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

Khi Công ước 2003 ra đời, Chương trình Hệ thống báu vật nhân văn sống bị chấm dứt. UNESCO cho rằng dựa vào các điều kiện, với từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể cụ thể để có thể xây dựng các tiêu chí nhằm tôn vinh những cá nhân/ nhóm người sáng tạo, thực hành và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể. Điều 15 của Công ước nhấn mạnh: “Trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mỗi quốc gia thành viên cần phải nỗ lực để đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao loại hình di sản này và cần phải tích cực thu hút họ tham gia vào công tác quản lý” (5).

Có thể thấy, nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Tác giả Phạm Cao Quý đã khái quát hóa vai trò của các bên liên quan, trong đó có nghệ nhân bằng sơ đồ sau:

Hình 1: Mối quan hệ giữa cộng đồng, nghệ nhân với di sản phi vật thể (6)

Ở Việt Nam, từ sau Đổi mới, Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL quan tâm tới vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, tạo điều kiện để tổ chức thực hiện, phục hồi, truyền dạy, nghiên cứu, quảng bá để đảm bảo sức sống của di sản trong xã hội đương đại và trong tương lai. Điều 7, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII, 1998) nêu rõ nhiệm vụ cần “Phát huy tài nǎng các nghệ nhân…” (7). Điều 26, Luật Di sản văn hóa Việt Nam được ban hành năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã nhấn mạnh: “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể” (8).

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, quy định chi tiết việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Khoản 2, Điều 3 quy định “Khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các chính sách ưu đãi về tinh thần và vật chất đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt”; Điều 9. Danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Điều 10. Chính sách đãi ngộ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Năm 2014, Chính phủ ra Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25-6-2014 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Nghị định này đã đánh dấu một nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi Công ước, Luật Di sản văn hóa, ban hành các văn bản luật pháp quốc gia, bổ sung hệ thống hành lang pháp lý vinh danh những nghệ nhân, người đóng vai trò chủ chốt trong việc trao truyền và thực hành di sản, qua đó khuyến khích, động viên các nghệ nhân nói chung, nghệ nhân ca trù nói riêng sáng tạo, thực hành, truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ mai sau.

2. Nghệ nhân làng Chanh Thôn với việc bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật ca trù

Vài nét về các nghệ nhân hát ca trù ở làng Chanh Thôn

Làng Chanh Thôn là một làng cổ thuộc xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm nay, làng còn lưu giữ được nhiều công trình tâm linh, tín ngưỡng độc đáo gồm có đình làng, miếu, chùa… Ngoài sản xuất nông nghiệp, dân làng Chanh Thôn còn nổi tiếng với nghề làm mộc truyền thống, được tuyền tụng lâu đời trong dân gian: “Hỡi cô yếm thắm má hồng/ Muốn nằm giường đẹp, lấy chồng Chanh Thôn/ Mùn cưa nhóm bếp thổi cơm/ Lấy anh không phải đun rơm, nhọ người…”.

Làng Chanh Thôn được biết đến là một trong những cái nôi của ca trù miền Bắc Việt Nam, nơi đây từng là một giáo phường rất phát triển đầu TK XX với 32 ca nương, 29 kép đàn. Trải qua thời gian bị gián đoạn trước Đổi mới, đến nay, việc bảo lưu, gìn giữ, truyền nghề ở Chanh Thôn được thực hiện với sự tham gia của nhiều bên liên quan khác nhau, trong đó vai trò chính là tinh thần nhiệt huyết, đam mê của các nghệ nhân. Năm 2009, làng được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là Địa chỉ văn hóa dân gian về nghệ thuật ca trù.

Ở làng có nhiều đào nương, kép đàn nổi tiếng khắp cả nước, trong đó tên tuổi được nhiều người biết đến nhất là ca nương Nguyễn Thị Ước. Bà từng được mời vào Huế hát ca trù cho Vua Khải Định thưởng thức, được nhà Vua ban bức hoành phi ngợi ca giọng hát. Ngoài ra còn có nhiều ca nương khác như Vũ Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Ngoan, Nguyễn Văn Vằng, Nguyễn Hồng Ngưu… Tính đến năm 2024, làng có một số nghệ nhân đã được Nhà nước xét danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian như ca nương Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Ngoan, Vũ Thị Ngân, kép đàn Vũ Văn Khoái… Trong đó, nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu là người cao tuổi nhất, bà sinh năm 1928.

Vai trò của các nghệ nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật ca trù

Từ sau Đổi mới, các di sản văn hóa nói chung, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể được Đảng, Nhà nước quan tâm nhằm góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nằm trong dòng chảy chung đó, nghệ thuật ca trù từng bước được phục hồi, phát triển. Tại Hà Nội, việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản của nghệ thuật ca trù ngày càng được quan tâm bằng nhiều hoạt động như thành lập CLB Ca trù Hà Nội (1991), CLB Ca trù Thái Hà (1993), Giáo phường Ca trù Lỗ Khê được đổi thành CLB Ca trù Lỗ Khê (1995) (9)…

Tại làng Chanh Thôn, ca trù cũng từng bước được phục hồi, phát triển với sự nỗ lực đóng góp của các nghệ nhân trong làng. Vai trò của các nghệ nhân được biểu hiện trên các phương diện chính là: thực hành, truyền dạy, quảng bá giá trị của di sản.

Ở phương diện thực hành: CLB Ca trù Chanh Thôn được thành lập năm 2008, với sự tham gia của 10 hội viên, trong đó có các nghệ nhân nòng cốt như bà Nguyễn Thị Khướu, bà Nguyễn Thị Vượn, ông Vũ Văn Khoái… Tính đến năm 2024, CLB có 32 thành viên, xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau như giáo viên, cán bộ về hưu, nông dân... Hằng tuần, CLB sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt, luyện tập. Trong năm, CLB sẽ biểu diễn hai ngày cố định phục vụ nhân dân trong làng, gồm ngày giỗ Thành hoàng làng 11-8 (âm lịch) và đêm 30 trước thời khắc Giao thừa. Ngoài ra, CLB còn linh hoạt tham gia biểu diễn trong các sự kiện ở địa phương như ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), ngày Quốc khánh (2-9)… Nhờ những cố gắng, tâm huyết của đội ngũ nghệ nhân cũng như các thành viên CLB, nghệ thuật ca trù ở Chanh Thôn từng bước được phát triển. Dưới sự dẫn dắt của các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội, lớp trẻ hiện nay còn đặt lời mới cho các thể cách ca trù, đưa âm hưởng của đời sống hiện tại vào lời hát. Những ca từ về phong trào xây dựng nông thôn mới, ca ngợi làng quê đẹp giàu, tình làng, nghĩa xóm... đã góp thêm sức sống mới cho những làn điệu cổ.

Ở phương diện truyền dạy: Các nghệ nhân trong CLB đã tích cực sưu tầm, biên soạn, thu âm các bài ca trù vào băng đĩa để truyền dạy cho cộng đồng. Tính đến năm 2024, CLB đã mở được 15 lớp học miễn phí để truyền dạy ca trù cho gần 200 người, không chỉ là người trong làng mà còn ở địa phương khác. Song song với đó, các nghệ nhân cũng thường xuyên vận động, thuyết phục lớp trẻ trong làng tham gia CLB. Từ đây, ở Chanh Thôn đã xuất hiện một lớp ca nương trẻ tài năng, tâm huyết và gắn bó với ca trù, trong đó có nhiều cháu 11-12 tuổi tham gia sinh hoạt CLB.

Ở phương diện quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật ca trù: Chính quyền thành phố Hà Nội cũng như địa phương huyện Phú Xuyên, xã Nam Tiến (trước năm 2020 là xã Văn Nhân) đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho CLB nói chung cũng như nghệ nhân nói riêng được tham gia biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật lớn của Thủ đô, tham gia phục vụ khách du lịch, trong mọi hoạt động văn hóa - nghệ thuật của địa phương. Năm 2009, CLB tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc và đạt 4 huy chương vàng.

Ngoài ra, các nghệ nhân trong CLB Ca trù Chanh Thôn cũng đã phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã tổ chức chương trình “Về nguồn - Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam”, giúp các bạn trẻ trải nghiệm, tìm hiểu, từ đó góp phần quảng bá di sản ca trù.

Với những nỗ lực của các nghệ nhân đã đưa Chanh Thôn trở thành một trong những cái nôi nuôi dưỡng, trao truyền nghệ thuật ca trù của Thành phố Hà Nội hiện nay. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các nghệ nhân tại CLB Ca trù Chanh Thôn vẫn còn nhiều những khó khăn, bất cập. Thực tế, số lượng nghệ nhân trong CLB ca trù không nhiều, một số nghệ nhân đã cao tuổi, sức khỏe có những hạn chế nhất định. Trong khi thế hệ trẻ có tiềm năng tại làng còn vướng bận học hành, công việc nên việc truyền dạy còn chưa thuận lợi. Mặt khác, không gian - môi trường trình diễn của nghệ thuật ca trù vẫn bị bó hẹp dẫn đến mối quan tâm của xã hội đối với nghệ thuật ca trù chưa được như kỳ vọng. Sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đối với CLB cũng như đời sống nghệ nhân còn hạn chế…

Kết luận

Năm 2009, với sự nỗ lực của Nhà nước và cộng đồng, nghệ thuật ca trù của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Việc ghi danh đã tạo ra căn cứ pháp lý quan trọng để Nhà nước và cộng đồng nhận thức được giá trị của di sản, từ đó ưu tiên đầu tư cả nguồn lực vật chất và nguồn lực con người vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị của nghệ thuật ca trù. Đối với loại hình di sản cần bảo vệ khẩn cấp như ca trù, điều tiên quyết là các di sản phải được sống trong cộng đồng và các biện pháp bảo vệ đảm bảo di sản không bị hủy hoại trong tương lai.

Trong số các hoạt động để bảo vệ di sản, nghệ nhân là một bên liên quan quan trọng, nếu không có nghệ nhân sẽ không thể có ca trù. Từ hoạt động của các nghệ nhân tại CLB Ca trù Chanh Thôn có thể khẳng định, các nghệ nhân - những “người mang văn hóa” đã có vai trò rất lớn trong việc thực hành, truyền dạy, quảng bá giá trị nghệ thuật ca trù. Thực tế cho thấy, cần tiếp tục có những sự quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần đối với các nghệ nhân ở CLB Ca trù Chanh Thôn (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nói riêng, nghệ nhân thực hành ca trù nói chung, để từng bước đưa di sản văn hóa này thực sự được “sống” và lan tỏa trong cộng đồng (10).

_______________

1, 5. UNESCO, Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, 2003.

2. Nguyễn Thị Hiền, Nhận diện và vai trò của cộng đồng đối với di sản, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 2022, tr.77.

3. Cecile Duvelle, Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Tạp chí Xưa và Nay, số 381, 2011, tr.20.

4. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr.676.

6. Phạm Cao Quý, Chính sách đối với nghệ nhân thực hành Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2019, tr.37.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 57, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.312.

8. Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa, Văn bản quản lý nhà nước về di sản văn hóa, tài liệu lưu hành nội bộ, 2014, tr.44.

9. Phan Thị Duyên, Sinh hoạt ca trù ở Hà Nội từ năm 1945 đến thập niên 90 của thế kỷ XX, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3, 2016, tr.52.

10. Nghiên cứu này là kết quả của Đề tài khoa học mã số CS.2023.04, được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 TS TRẦN THỊ LAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;