Giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên qua các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam

Giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên là câu chuyện không mới, nhưng vẫn luôn mới bởi cách làm, cách triển khai thực hiện thông qua các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam. Hơn bao giờ hết, việc giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên qua các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam cần là công việc thường xuyên, liên tục đòi hỏi sự cộng hưởng, gắn kết từ nhiều phía, nhiều bên liên quan. Bài viết luận bàn về giáo dục truyền thống yêu nước trong sinh viên qua các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam.

Sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tham quan, học tập tại di tích Cố đô Huế - Ảnh: Lê Trung

1. Một số khái niệm, thuật ngữ

Giáo dục

Giáo dục theo tiếng Hán là dạy, là chăm sóc, rèn luyện phát triển tri thức, tình cảm đạo đức, là săn sóc mặt thể chất. Theo phương Tây, education (giáo dục) là sự dắt dẫn, hướng dẫn để phát khởi khả năng tiềm tàng, đưa con người từ không biết đến biết, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Theo tác giả Trần Thị Tuyết Oanh: “Giáo dục là quá trình tác động có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch, có nội dung và bằng phương pháp khoa học của nhà giáo dục tới người được giáo dục trong các cơ quan giáo dục nhằm hình thành nhân cách cho họ” (1).

Truyền thống

Theo tiếng Latinh, truyền thống - Traditio là những gì được truyền từ đời này sang đời khác. Theo Trần Quốc Vượng: “Truyền thống như là một hệ thống các tính cách, các thế ứng xử của một cộng đồng, được hình thành trong lịch sử, trong một môi trường sinh thái và nhân văn nhất định, trở nên ổn định, trường tồn nhưng không vĩnh cửu… và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” (2).

Truyền thống yêu nước

Theo Nguyễn Chu Phác: “Truyền thống yêu nước là tình cảm, tư tưởng cao quý nhất, thiêng liêng nhất, cội nguồn của trí tuệ sáng tạo và lòng dũng cảm của con người, cũng là chuẩn mực đạo đức cơ bản của dân tộc” (3). Truyền thống yêu nước của người Việt Nam là tình yêu quê hương, đất nước, ý thức về quốc gia, về độc lập dân tộc, bản sắc văn hóa và ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo. Truyền thống đó được lưu giữ, phản ánh và khắc họa qua hình tượng, tư liệu, cách biểu hiện. Trong đó, di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam nói riêng là một trong những nguồn tư liệu, dạng thức rõ nét nhất.

Giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên

Giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên là giáo dục tình cảm, chuẩn mực và lý tưởng thông qua các biện pháp giáo dục, từ đó để sinh viên hiểu, trân trọng, tự hào về truyền thống và lịch sử dân tộc, củng cố tình yêu quê hương, đất nước, tự hào về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên tập trung vào những nội dung: giáo dục lòng tự hào về truyền thống dân tộc; giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, hành động vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Di sản văn hóa

Di sản văn hóa theo nghĩa Hán - Việt là những tài sản văn hóa có giá trị của quá khứ còn tồn tại trong cuộc sống đương đại và tương lai. Di là để lại, còn lại, chuyển lại, sản là tài sản, là những gì quý giá, có giá trị. Theo UNESCO, di sản văn hóa là tập hợp những biểu hiện vật thể hoặc biểu tượng di sản quá khứ truyền lại cho mỗi nền văn hóa, do đó là của toàn thể nhân loại. Di sản văn hóa gồm 2 loại: di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Luật Di sản văn hóa (Điều 1, Chương I) xác định: “Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Di sản văn hóa thế giới

Theo Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới, di sản văn hóa thế giới là những kiệt tác nghệ thuật, pho tượng, đền đài, bia tưởng niệm, ngôi mộ, bức phù điêu, bản khắc, đồ trang trí, các thành phố cổ hay là những truyền thống, phong tục tập quán của địa phương, thể hiện sự sáng tạo của con người trong quá khứ và được lưu truyền đến muôn đời sau. Chúng có những giá trị mang tính toàn cầu được mọi người thừa nhận ở hiện tại nhờ những đặc điểm nổi bật của nó. Ảnh hưởng của nó vượt ra ngoài ranh giới quốc gia và có ý nghĩa đối với toàn thể nhân loại.

2. Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam và những giá trị với giáo dục truyền thống yêu nước

Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam

Mỗi di sản thế giới ở Việt Nam mang trong mình đặc trưng riêng, tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu. Bài viết tập trung vào 6 di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam. Đó là bằng chứng xác thực, là những pho tư liệu giá trị cho phép giáo dục tình yêu với di sản văn hóa dân tộc, một bộ phận cấu thành truyền thống yêu nước Việt Nam.

Hoàng thành Thăng Long

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là bộ phận quan trọng bậc nhất của Hoàng thành Thăng Long xưa, được nhà Lý xây dựng vào TK XI. Thành được xây dựng trên nền của một pháo đài có từ TK VII, một vùng đất do phù sa sông Hồng bồi đắp. Đây là trung tâm chính trị của nhà nước phong kiến Việt Nam trong suốt gần 13 thế kỷ liên tục. Di sản được ghi danh với 3 tiêu chí (theo quy định của UNESCO tại Hướng dẫn thực hiện công ước về bảo vệ Di sản văn hóa): Tiêu chí ii: là minh chứng cho sự giao lưu, ảnh hưởng từ Trung Hoa ở phía Bắc và Chămpa ở phía Nam. Di sản chứa đựng những giao lưu liên văn hóa đã góp phần tạo nên một nền văn hóa độc đáo ở hạ lưu sông Hồng. Tiêu chí iii: là minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu đời của cư dân Việt sinh sống ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đây là trung tâm quyền lực gần như liên tục suốt từ TK VII đến ngày nay. Tiêu chí vi: Di sản liên quan trực tiếp tới rất nhiều sự kiện văn hóa và lịch sử quan trọng, những biểu đạt nghệ thuật cũng như các tư tưởng luân lý, triết học, và tôn giáo. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, gồm 2 khu vực chính là khu 18 Hoàng Diệu và khu Thành cổ Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009 và UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa Thế giới vào ngày 31-7-2010, vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thành Nhà Hồ

Thành Nhà Hồ được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009. Ngày 27-6-2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Thành Nhà Hồ được xây dựng từ năm 1397. Thành nội được xây dựng bởi các khối đá vôi lớn đại diện cho sự phát triển mới của kỹ thuật kiến trúc và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông Á và Đông Nam Á. Đây là kinh đô của Việt Nam từ năm 1398 đến 1407 và cũng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Bắc Trung Bộ từ TK XVI đến TK XVIII. Di sản được ghi danh với 2 tiêu chí: Tiêu chí ii: biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền cuối TK XIV, đầu TK XV. Tiêu chí iv: là một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc giữa một cảnh quan thiên nhiên, minh chứng cho sự phát triển nở rộ của tân Nho giáo thực hành cuối TK XIV ở một thời kỳ mà tư tưởng này đã lan rộng khắp Đông Á và trở thành một triết lý có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc cai trị trong khu vực. Việc sử dụng những khối đá lớn chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một nhà nước tân Nho giáo, cho thấy sự giao lưu về kỹ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam Á, và sự thay đổi hướng trục chính làm nên điểm khác biệt về thiết kế của Thành Nhà Hồ so với các chuẩn mực Trung Hoa.

Cố đô Huế

Kinh thành Huế được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1997. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Quần thể di tích Cố đô Huế là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 11-12-1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Huế không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm văn hóa và tôn giáo của Việt Nam dưới triều Nguyễn. Quy hoạch của Kinh đô Huế phù hợp với triết lý cổ phương Đông và tôn trọng những điều kiện tự nhiên. Vị trí của những di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được lựa chọn kỹ lưỡng trong mối quan hệ với cảnh quan thiên nhiên tương ứng về mặt vũ trụ với ngũ phương (trung tâm, Tây, Đông, Bắc, Nam), ngũ hành (thổ, kim, mộc, thủy, hỏa) và ngũ sắc (vàng, trắng, xanh, đen, đỏ). Cụm di tích quan trọng nhất tập trung ở khu vực Kinh thành Huế. Bên trong Kinh thành không chỉ có các công trình mang chức năng hành chính và quân sự của vương triều mà còn có Hoàng thành, Tử cấm thành và các cung điện hoàng gia có liên quan. Ở những khu vực xa trung tâm có các di tích tín ngưỡng quan trọng phục vụ đời sống nghi lễ của triều đại, như: Văn miếu, đàn Nam Giao, Hổ Quyền, điện Voi Ré và chùa Thiên Mụ. Xa hơn về phía thượng nguồn, dọc theo dòng sông Hương là những lăng tẩm của các vị vua. Quần thể di tích Cố đô Huế được ghi danh theo tiêu chí iv: là ví dụ nổi bật về một kinh đô phong kiến phương Đông.

Phố cổ Hội An

Năm 1985, Khu phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia và năm 2009 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 1-12-1999, Khu phố cổ Hội An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Khu phố cổ Hội An là mẫu điển hình của một thương cảng cổ quy mô nhỏ được bảo tồn tốt, có niên đại từ TK XV-XIX, có mối quan hệ giao thương rộng lớn với các vùng Đông Nam Á, Đông Á và các vùng còn lại trên thế giới. Khu phố cổ đã phản ánh sự tổng hòa của các nền văn hóa bản địa với văn hóa nước ngoài (ban đầu là ảnh hưởng của Trung Hoa, Nhật Bản, sau đó là các nước châu Âu) để tạo thành khu di sản độc đáo này. Khu phố cổ Hội An là một quần thể gồm 1.107 công trình kiến trúc gỗ với tường bằng gạch hoặc gỗ bao bọc xung quanh được bảo tồn nguyên vẹn, trong đó có các công trình kiến trúc, các kết cấu nhà ở, cửa hiệu cùng với các loại hình chợ, bến sông, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như chùa, nhà thờ tộc. Di sản được ghi danh với 2 tiêu chí: Tiêu chí ii: là một biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế. Tiêu chí v: là một điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

Di sản Mỹ Sơn

Khu đền tháp Mỹ Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích quốc gia năm 1979. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 1-12-1999, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa Thế giới. Mỹ Sơn được xây dựng chủ yếu từ TK IV đến TK XIII. Tất cả đền, tháp và công trình phụ đều được xây bằng gạch với một kỹ thuật tinh tế mà đến nay còn là điều bí ẩn. Các mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch được chạm khắc dựa theo các thần thoại Ấn Độ… Sự kết hợp hài hòa với những mô típ chạm trổ tinh xảo trên các mảng tường gạch ngoài tháp đã tạo cho Khu đền tháp Mỹ Sơn vẻ đẹp sinh động, mang những nét đặc trưng nhất của phong cách nghệ thuật Chămpa tại khu vực Đông Nam Á. Di sản được ghi danh với 2 tiêu chí: Tiêu chí ii: là điển hình nổi bật về sự giao lưu, hội nhập vào văn hóa bản địa những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật và kiến trúc Ấn Độ, từ tiểu lục địa Ấn Độ. Tiêu chí iii: phản ánh sinh động vai trò của vương quốc Chămpa trong lịch sử văn hóa khu vực Đông Nam Á.

Quần thể danh thắng Tràng An

Ngày 25-6-2014, tại Thủ đô Doha (Qatar), Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên ba tiêu chí: Văn hóa (Tiêu chí v), vẻ đẹp thẩm mỹ (Tiêu chí vii), và địa chất địa mạo (Tiêu chí viii).

Giá trị về văn hóa (Tiêu chí v): Tràng An là địa điểm nổi bật nhất trong khu vực Đông Nam Á và mang ý nghĩa toàn cầu trong việc minh chứng phương thức con người tương tác với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với những biến đổi to lớn về môi trường trong giai đoạn hơn 30.000 năm. Trong cảnh quan nhỏ gọn như vậy, có nhiều di chỉ với các giai đoạn và chức năng khác nhau, bao gồm cả một hệ thống cư trú độc đáo của con người tiền sử. Giá trị về thẩm mỹ (Tiêu chí vii): Cảnh quan tháp karst của Tràng An là một trong số những cảnh quan đẹp nhất và hấp dẫn nhất cùng loại trên thế giới. Hòa cùng với các khu rừng là các cánh đồng lúa trải dài theo các dòng sông, với những người nông dân và dân chài đang sinh sống theo phương thức truyền thống của họ. Giá trị về địa chất, địa mạo (Tiêu chí viii): Tràng An là di sản địa chất tuyệt vời, một mô hình xuất sắc và nổi bật trên phạm vi toàn cầu (4).

Những giá trị của di sản với việc giáo dục truyền thống yêu nước

Thứ nhất, di sản văn hóa được lưu giữ và bảo tồn trong xã hội, được quy định bởi những điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa dân tộc. Di sản văn hóa truyền tải những giá trị tốt đẹp, tạo nên cốt cách, bản sắc và đặc trưng riêng có của dân tộc. Từ việc được giáo dục di sản văn hóa, hình thành trong sinh viên tình cảm với quê hương đất nước, niềm tự hào với truyền thống dân tộc, từ đó có ý thức và hành động gìn giữ và phát huy giá trị của di sản, yêu và gắn bó hơn với quê hương, đất nước.

Thứ hai, di sản văn hóa gắn liền với cộng đồng, thể hiện tư tưởng, tình cảm của cộng đồng trong lịch sử. Những di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam mang trong mình giá trị toàn cầu, đặc sắc, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng, dân tộc. Từ đó xây dựng trong sinh viên thái độ gắn bó với cộng đồng nơi có di sản, tự hào về di sản để tự cường trong ý thức và hành động phát huy giá trị di sản, gắn kết với cộng đồng, địa phương nơi có di sản.

Thứ ba, di sản văn hóa là những giá trị được lưu giữ, nối truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Di sản văn hóa là một phần truyền thống, của tình cảm với quê hương đất nước vun bồi qua các thế hệ và được biểu tượng hóa qua các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam. Giáo dục di sản văn hóa, vun đắp tình yêu di sản văn hóa chính là giáo dục và vun đắp tình yêu đất nước, yêu truyền thống dân tộc.

Thứ tư, việc giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên thông qua di sản thế giới ở Việt Nam là giáo dục ý thức phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

3. Bàn về định hướng giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên qua các di sản văn hóa thế giới

Công tác giáo dục truyền thống yêu nước là một phần không thể thiếu để hình thành và phát triển đạo đức, nhân cách của sinh viên. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên càng cần được coi trọng. Nghị quyết số 33-NQ/TW nêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Nghị quyết số 29-NQ/TW nêu: Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định yêu nước là “tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị”, là “động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống các giá trị đạo đức của dân tộc ta” (5). Yêu nước đã trở thành một trong những tài sản, một giá trị văn hóa thiêng liêng góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ đó, tác giả đề xuất 4 giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của di sản thế giới ở Việt Nam với việc giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên: Nhận thức về di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó trước hết thuộc về những người làm công tác giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học, những người quản lý di sản văn hóa, chủ nhân của các di sản văn hóa và sinh viên Việt Nam. Khi nhận thức về vai trò của di sản thế giới ở Việt Nam được nâng lên, cũng là lúc chúng ta đã tạo ra được môi trường xã hội thuận lợi, là động lực to lớn cho việc giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về giáo dục truyền thống yêu nước cho sinh viên là hết sức cần thiết. Bởi đây chính là nội dung quan trọng của cách mạng tư tưởng, xây dựng nên một thế hệ sinh viên Việt Nam năng động, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, mang trong mình tình yêu và niềm tự hào về quê hương, đất nước, về trách nhiệm phát huy truyền thống của cha ông, về trách nhiệm lan tỏa di sản văn hóa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa hiện nay.

Thứ hai, cần sự phối kết hợp giữa các bên liên quan: Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa những người làm công tác giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học - những người quản lý di sản văn hóa, chủ nhân của các di sản văn hóa - sinh viên Việt Nam. Sự kết hợp này tạo thế chân kiềng vững chắc mà ở đó sinh viên vừa là người được thụ hưởng giá trị của truyền thống yêu nước, truyền thống dân tộc kết tinh trong từng di sản văn hóa, vừa là người có trách nhiệm lan tỏa và củng cố giá trị của truyền thống yêu nước. Thông qua các bài học, thực tế, trải nghiệm tại các di sản văn hóa thế giới, sinh viên được học và tìm hiểu, có nhận thức đúng đắn về vai trò của di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, từ đó hình thành thái độ, tình cảm, ý thức trách nhiệm với việc gìn giữ và phát huy di sản như một phần của tình yêu, trách nhiệm với quê hương đất nước.

Thứ ba, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với sinh viên: Nội dung giáo dục cần phù hợp với từng ngành, chuyên ngành của sinh viên, vùng, miền nơi có di sản văn hóa thế giới. Có như vậy, sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học nơi có di sản thế giới sẽ trở thành nhân tố tích cực lan tỏa giá trị của di sản văn hóa. Những hành động tích cực của họ dành cho di sản là cách để thể hiện tình yêu với quê hương đất nước, là việc làm cụ thể phát huy truyền thống yêu nước trong sinh viên. Về phương pháp, cần đa dạng hóa phương pháp thông qua học thực tế, trải nghiệm, câu lạc bộ hỗ trợ như câu lạc bộ bảo vệ môi trường, câu lạc bộ thuyết minh hướng dẫn di sản, câu lạc bộ sứ giả di sản, câu lạc bộ tìm hiểu và phát huy tài nguyên di sản, tổ chức các cuộc thi sáng tác (nhiếp ảnh, sáng tác đồ lưu niệm, ấn phẩm giới thiệu, làm phim, vẽ tranh…), tổ chức các sự kiện văn hóa, truyền thông, giáo dục truyền thống tại di sản… Tất cả những hình thức này sẽ tạo được sự hấp dẫn và sức lan tỏa trong sinh viên.

Thứ tư, giáo dục thông qua nêu gương: Một trong những hình thức giáo dục hiệu quả đối với sinh viên là hình thức nêu gương. Tâm lý lứa tuổi của sinh viên chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các mẫu hình mà họ coi là thần tượng. Nếu biết vận dụng đúng hướng thì các thần tượng tích cực sẽ trở thành mẫu nêu gương tác động đến nhận thức, thái độ, tình cảm, hành động của sinh viên với di sản thế giới tại Việt Nam, từ đó xây dựng lý tưởng và tình yêu quê hương đất nước. Họ có thể là gương sáng, điển hình tiên tiến trong sinh viên tích cực bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới. Họ có thể là người có sức ảnh hưởng và lan tỏa giá trị tích cực trong động đồng qua hoạt động gắn với di sản. Dù họ là sinh viên, người nổi tiếng, chính trị gia, nghệ sĩ hay cả những người lao động bình thường, nhưng tình cảm, thái độ và hành động của họ tác động tích cực đến nhận thức và tình cảm yêu nước trong sinh viên đều có tác động nêu gương và ý nghĩa giáo dục với sinh viên hiện nay.

Kết luận

Để nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống yêu nước trong sinh viên trước tình hình mới, cần thực hiện toàn diện và phối hợp nhịp nhàng các giải pháp giáo dục. Từ đó, tạo ra thế hệ sinh viên vừa “hồng”, vừa “chuyên”, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước chân chính, biến chủ nghĩa yêu nước thành lý tưởng, lẽ sống của sinh viên Việt Nam hôm nay.

_________________

1. Trần Thị Tuyết Oanh (chủ biên), Giáo trình giáo dục học, Nxb Đại học Sư phạm, 2006, tr.22.

2. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, tr.102.

3. Nguyễn Chu Phác, Tìm hiểu hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử dân tộc (từ thế kỷ X đến trước 1930), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.13.

4. Danh sách di sản thế giới tại Việt Nam, disantrangan.vn, 7-5-2022.

5. Nguyễn Mậu Linh, Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc phát huy những giá trị truyền thống dân tộc và sự vận dụng của Đảng ta hiện nay, tcnn.vn, 3-10-2022.

PGS, TS DƯƠNG THỊ THU HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;