Di sản tư liệu mộc bản Phật giáo ở một số ngôi chùa vùng châu thổ Bắc Bộ - Giá trị và vấn đề đặt ra

Phật giáo được truyền nhập, tồn tại và phát triển ở nước ta đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Dặm dài lịch sử ấy đã ghi dấu những bước phát triển, thăng trầm của Phật giáo, đồng thời cũng hình thành một hệ thống các di sản văn hóa Phật giáo rất tiêu biểu, đặc sắc, trong đó có các di sản mộc bản với nhiều giá trị khác nhau. Ngày nay, một số lượng mộc bản đã được quan tâm, lưu giữ, bảo quản tại các bảo tàng, cơ quan lưu trữ, tuy nhiên, còn một số lượng khá lớn mộc bản đang tồn tại ở nhiều ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ chưa được quan tâm, bảo vệ đúng mức và đúng cách. Dưới tác động của nhiều yếu tố làm cho các di sản này đã và đang bị hư hại, xuống cấp, nhiều nơi bị thất thoát thậm chí bị mất hẳn. Do vậy, cần có sự quan tâm, có những định hướng, biện pháp để bảo vệ các di sản quý giá này của dân tộc.

Sau hàng trăm năm tồn tại, mộc bản chùa Tế Xuyên (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) đã thu hút sự chú ý của những nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa địa phương - Ảnh: baohanam.com.vn

1. Vài nét về mộc bản tại một số ngôi chùa ở Bắc Bộ

Lịch sử Phật giáo kể từ khi truyền nhập, tồn tại và phát triển ở nước ta đã trải qua chặng đường dài, ở mỗi thời kỳ đều để lại những dấu ấn riêng, đồng thời cũng hình thành nên một hệ thống các di sản văn hóa quý giá còn lưu lại đến ngày nay như các công trình kiến trúc, di vật, cổ vật là tượng Phật, đồ thờ, đồ tế tự, cùng các di sản tư liệu như văn bia, hoành phi câu đối... Đặc biệt, ở một số ngôi chùa còn có các bộ mộc bản dùng để in ấn tài liệu của Phật giáo với nhiều nội dung khác nhau. Các mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán - Nôm ngược cùng các hoa văn, ký hiệu... để in thành các sách kinh Phật, sách y học hay tư tưởng, triết học, các sách khoa nghi, cúng tổ cùng một số loại sớ điệp hay bùa chú...

Qua khảo sát bước đầu, chúng tôi thấy các mộc bản Phật giáo hiện nay đã được sưu tầm, lưu giữ tại một số cơ quan như các trung tâm lưu trữ, viện nghiên cứu, các bảo tàng - đây là các cơ quan có chuyên môn nghiệp vụ cùng trang thiết bị phù hợp đáp ứng được các yêu cầu lưu giữ, bảo quản trong điều kiện khá tốt. Bên cạnh đó, còn một số lượng khá lớn các mộc bản đang có trong các ngôi chùa ở nhiều địa phương. Trường hợp các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) đã được UNESCO ghi vào danh mục di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương hay mộc bản chùa Bổ Đà đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Nhóm mộc bản này đều đã được khảo cứu tương đối kỹ lưỡng, đánh giá tình trạng, hiện trạng và làm rõ các giá trị cũng như đề xuất các giải pháp khác nhau về bảo vệ, phát huy giá trị. Tuy nhiên, còn một số lượng tương đối lớn các mộc bản đang lưu giữ tại một số ngôi chùa thuộc các tỉnh, thành phố khu vực châu thổ Bắc Bộ như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng… Trong điều kiện phạm vi thời gian nên chúng tôi bước đầu tiếp cận các di sản này tại một số ngôi chùa nhất định.

Chùa Khê Hồi (Hoa Lâm Tự) thuộc làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội hiện đang lưu giữ kho mộc bản với số lượng ván in khá đồ sộ. Qua khảo sát, định danh và phân loại, thì tại đây hiện đang lưu giữ 769 ván in thuộc các bộ sách tiêu biểu như Phóng quang bát nhã ba la mật kinh, Ngũ Bách Quan thế âm danh nghi, Trang nghiêm luận, Truy môn cảnh huấn… (1).

Chùa Đa Bảo ở xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, là ngôi chùa bị tàn phá bởi bom đạn của chiến tranh làm nhiều di vật bị phá hủy hoặc thất tán, nhưng may mắn, các mộc bản vẫn còn lưu giữ được với số lượng khoảng gần 800 ván in. Chùa Đa Bảo có tổ đời thứ hai là thiền sư Nguyên Uẩn có công đóng góp nhiều cho việc in ấn kinh sách. Thiền sư có tài viết chữ Hán rất đẹp nên đã viết các bộ kinh Hoa nghiêm, Pháp hoa, Thụ giới nghi phạm, Chư kinh nhật tụng… và cho khắc in. Hiện nay, các bộ như Lăng Nghiêm kinh tông thông, Diệu Pháp Liên hoa kinh văn cú, Tỳ Khâu giới kinh, Quan Âm ngũ bách danh… có số lượng ván in lớn nhất trong bộ sưu tập tại chùa (2).

Chùa Tế Xuyên ở xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cũng đang lưu giữ 1.554 ván in kinh sách. Bước đầu tìm hiểu nội dung cho thấy kho tư liệu này có thể phân thành hai loại gồm các ván in kinh Tam tạng Phật giáo và ván in các sách truyện, hướng dẫn Phật sự, đồ họa. Đối với các ván in kinh, có ít nhất 13 bộ sách, một số bộ tiêu biểu như: Bộ Đại phương tiện phật báo ân kinh gồm 3 quyển, số lượng 16 ván in; Bộ Di Đà gồm 4 quyển (Di Đà xám kinh; Di đà lược giải viên trung quyển thượng, trung, hạ) với 101 ván in. Bộ kinh Kim cương có 78 ván in (gồm: Kim cương kinh chú giải quyển 1; Kim cương kinh; Kim cương bát nhã Ba la mật kinh; Trùng khắc kim cương trực sớ tự; Thỉnh bát kim cương; Kim cương trực sớ; Kim cương bát nhã trực sớ). Bộ Chư kinh nhật tụng có 80 ván in (gồm: Chư kinh nhật tụng quyển thủ, quyển thượng, quyển hạ; Chư kinh nhật tụng tán tự mẫuTrùng san chư kinh nhật tụng). Bộ Tăng hộ kinh gồm 21 ván in; Địa tạng kinh có 68 ván in (gồm: Địa tạng kinh tự yếu giải; Địa tạng kinh yếu giải; Địa tạng kinh yếu giải tự; Địa tạng kinh khai lệ yếu giải; Địa tạng duyên khởi; Địa tạng kinh; Địa tạng kinh yếu giải quyển thượng). Bộ Thiền Lâm có 81 ván in (gồm: Thiền Lâm bảo huấn hợp chú có 4 quyển; Thiền lâm bảo huấn hợp tập). Ngoài ra còn các bộ kinh như: A di đà, Quy nguyên trực chỉ tăng phổ âm nghĩa, Tăng Huấn, Bảo kính... đều có số lượng ván in lớn.

Các ván in Luật tại chùa này cũng khá tiêu biểu như: Bộ Sa di luật nghi gồm 2 quyển với 96 ván in; Bộ Luật Trùng trị tì ni sự nghĩa tập gồm 18 quyển với 166 ván in. Bộ Tứ phận tì ni khiêu sao gồm 138 ván in chia thành nhiều quyển. Các bộ như bộ Duy Thức có 42 ván in gồm: Duy thức đích khoa học phương pháp quyển thượng; Duy thức tam thập luận thích lược. Bộ Bách pháp minh môn có 19 ván in; Bộ Long Thư gồm có 75 mộc bản (3). Ngoài ra còn có các ván in thuộc thể loại sớ điệp, văn sám hối, ấn treo vào cành phan, đạo bùa trấn trạch và các văn bản về giới nhà Phật...

Chùa Trăm Gian (còn gọi là chùa An Ninh), tên chữ là Vĩnh Khánh tự, tọa lạc tại xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đây là một ngôi chùa có niên đại khá sớm, từng là một trong những trung tâm Phật giáo của xứ Đông, là nơi đào tạo tăng ni, nơi dạy kinh Phật cho hàng ngàn Phật tử. Chính vì vậy, nơi đây các vị trụ trì đã cho khắc ván in kinh sách, tài liệu để truyền bá, giảng dạy giáo lý. Qua khảo sát, hiện các ván in này phần lớn là các bộ kinh và bộ luật lớn, tiêu biểu như: Dược sư kinh, Nhân Vương hộ quốc kinh, Đại phương quảng Viên Giác tu đa la liễu nghĩa kinh, Phạm Võng kinh, Bát nhã tâm kinh… hoặc những sớ điệp, ván lục thù, bùa chú dùng vào việc thực hành nghi lễ thờ cúng ở chùa, các sách liên quan đến lễ nghi như các khoa cúng thỉnh Phật, phát tấu, cúng tổ sư… Số lượng ván in theo thống kê sơ bộ khoảng hơn 1.600 ván, các mộc bản được khắc vào các niên đại khác nhau nhưng tập trung chủ yếu vào thời Nguyễn TK XIX…

Qua khảo sát bước đầu các mộc bản tại một số ngôi chùa, chúng tôi thấy có một số đặc điểm như sau:

Về chất liệu, kỹ thuật chế tác: các ván in phần lớn có chất liệu làm bằng gỗ thị, đây là loại cây được trồng khá nhiều ở vùng đồng bằng sông Hồng, gỗ có nhiều ưu điểm như mịn, mềm, dai, dễ chạm khắc những hình khối sắc nét và ít bị cong vênh theo thời gian. Trước khi chế tác thành ván in, gỗ thị thường phải ngâm tẩm nhiều năm để độ co ngót ổn định và không bị mối, mọt. Quy trình khắc mộc bản: ván gỗ được lựa chọn tương đối cẩn thận, thường dày khoảng 2cm; người ta lựa chọn văn bản muốn khắc in, lựa chọn người giỏi chữ, viết đẹp rồi viết lên giấy, sau đó dán giấy lên ván gỗ (đặt ngược mặt của giấy viết lên). Sau đó thợ sẽ khắc lên gỗ, giữ phần viết chữ và bỏ đi phần trắng.

 Về nội dung: phần lớn các mộc bản là các bản in kinh Phật, ngoài ra còn một số về lịch sử Phật giáo, các khoa nghi, khoa cúng Phật giáo, một số là các ván in các loại bùa chú, sớ văn… Về niên đại: đa phần thuộc giai đoạn từ TK XVII đến đầu TK XX (trong đó nhiều nhất là các ván in vào TK XIX như ở chùa Yên Ninh, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà...)

Về tình trạng lưu giữ, bảo quản: nhìn chung các mộc bản được bảo quản tạm thời chưa đủ tiêu chuẩn về lưu trữ, bảo quản. Các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà (Bắc Giang) đã được ghi danh nên đã được chú ý thực hiện việc bảo quản tốt, quy chuẩn hơn. Còn lại hầu hết các nơi lưu giữ mộc bản việc bảo quản chưa được thực hiện để gìn giữ các di sản này, việc bảo quản tạm thời đã tác động ảnh hưởng đến các mộc bản theo mức độ khác nhau, hiện tượng biến dạng như nứt vỡ, cong vênh, mối mọt, nấm mốc, mục, mất chữ, mất nét chữ... khá phổ biến.

2. Giá trị của mộc bản tại một số ngôi chùa vùng châu thổ Bắc Bộ

Giá trị lịch sử

Các di sản tư liệu mộc bản Phật giáo còn lại đến ngày nay bước đầu được tiếp cận có niên đại chủ yếu trải dài từ TK XVII đến đầu TK XX, thậm chí là đầu TK XXI - khi một số bộ kinh tiếp tục được san khắc tại một số ngôi chùa, như trường hợp chùa Trăm Gian (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Điều này cho thấy tính liên tục của quá trình san khắc mộc bản trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Thông qua nội dung của các mộc bản ở một số ngôi chùa, chúng ta có thể thấy được lịch sử du nhập, truyền bá của Phật giáo, buổi đầu khi vào nước ta. Các bản Cổ Châu Phật bản hạnhCổ Châu Pháp Vân phật bản hạnh ngữ lục ở chùa Dâu (Bắc Ninh) đã cho thấy những nét cơ bản của Phật giáo với nhà truyền đạo là Khâu Đà La ở vùng Luy Lâu, sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa để ra đời hệ chùa Tứ Pháp - một kiểu dạng chùa Phật giáo mang phong cách riêng của người Việt.

Lịch sử Phật giáo cũng đồng hành cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc ta ở nhiều giai đoạn khác nhau. Qua nội dung các mộc bản, chúng ta cũng thấy được lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm, của dòng Lâm Tế trong lịch sử Phật giáo Việt. Phật giáo Việt Nam có sự tiếp thu và chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Đến thời Lý - Trần, Phật giáo có những bước tiến, có vị thế quan trọng trong đời sống xã hội cũng như trong hệ tư tưởng chính trị. Đỉnh cao thời kỳ này là sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm mà người sáng lập, đứng đầu là Vua Trần Nhân Tông - người đã phát triển và hoàn thiện Phật giáo Trúc Lâm mang những đặc trưng rất phù hợp với văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt.

Với các mộc bản, cũng cho thấy tình hình phát triển của Phật giáo ở vùng đồng bằng Bắc Bộ TK XVII, XVIII, XIX. Tiêu biểu là dòng Lâm Tế đã đi vào đời sống và thu hút được cộng đồng cư dân tu tập, làm theo tư tưởng của nhà chùa, mặc dù thời kỳ này Nho giáo đang ở giai đoạn khá thịnh hành. Thu hút được đông đảo Phật tử mặc nhiên sẽ dẫn đến nhu cầu phải tăng cường sự truyền bá tư tưởng, triết lý thông qua hệ thống kinh sách, do vậy việc in ấn các tài liệu này là điều tất yếu.

Một điểm nữa về mặt lịch sử, đó là thông qua mộc bản chúng ta thấy được lịch sử của nghề chạm khắc mộc bản, nghề in ấn của người Việt. Rõ ràng, thông qua khối lượng các mộc bản hiện còn tại các ngôi chùa chúng ta thấy được nghề chạm khắc cũng như nghề in ấn khá phát triển vào các thế kỷ này. Mộc bản Phật giáo mới chỉ là một bộ phận của được in ấn, trong xã hội thời kỳ này còn rất nhiều các sách, văn bản thuộc các lĩnh vực khác như các sách của Nho giáo, Đạo giáo, các sách văn học, y học, sách lịch sử khác…

Giá trị văn hóa

Các mộc bản hiện được lưu giữ chính là một sản phẩm, một tài sản văn hóa được được ra đời trong chặng đường phát triển của Phật giáo ở nước ta. Để góp phần tạo nên những tài sản/ di sản văn hóa quý giá đó được tạo tác bởi bàn tay tài hoa của các thợ thủ công chạm khắc dân gian. Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, điêu luyện đã tạo nên những nét chữ, hoa văn, họa tiết, các đề tài trang trí, qua đó thể hiện tư tưởng, giáo lý của Phật giáo. Ở nhiều ván in, hình ảnh của đức Thích Ca Mâu Ni, Tam Thế Phật, hay các nhật vật quan trọng như Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán... cơ bản đã mang những đường nét khá gần gũi, hình ảnh thân thuộc của người Việt. Như vậy, trên các mộc bản cũng với chữ viết biểu đạt quan điểm, giáo lý nhà Phật, mà ngay cả những đường nét họa tiết, hoa văn cũng đã góp phần thể những những quan niệm này theo cách riêng của người dân Việt. Các họa tiết trong mộc bản mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh, góp phần làm tăng thêm giá trị, ý nghĩa Phật giáo và có tác động trực diện đến việc truyền thụ, tiếp nhận tư tưởng Phật giáo. Trên các tấm mộc bản, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật.

Văn tự được khắc trên các ván in này bao gồm phần lớn là chữ Hán, bên cạnh đó cũng nhiều bản khắc bằng chữ Nôm, hoặc có sự đan xen. Điều đó cho thấy sự phát triển của hệ thống văn tự riêng - đó là chữ Nôm - một sự sáng tạo của người Việt. Theo các nhà nghiên cứu, chữ Nôm ra đời khoảng từ TK XI trên cơ sở các ký tự chữ Hán, dùng để ghi lại tiếng nói của người Việt ta. Đây vừa là sự thể hiện sự sáng tạo của cha ông ta đồng thời qua đó thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, quá trình chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa của các thế lực phong kiến phương Bắc.

Các mộc bản khắc chữ Nôm đã cho thấy sự phát triển của hệ thống văn tự này qua các thời kỳ trong lịch sử. Các tư tưởng của Phật giáo, rồi các bài thơ văn, kinh kệ của các thiền sư - trước đây sử dụng hoàn toàn bằng chữ Hán, nay đã được sử dụng chữ Nôm để thay thế, viết lời thuyết pháp mà không phải chuyển dịch từ chữ Hán sang, những tư tưởng, quan điểm của Phật giáo được thể hiện dưới quan điểm, góc nhìn và bằng văn tự sáng tạo của người Việt.

Thông qua các mộc bản, chúng ta cũng thấy được hệ thống các tri thức dân gian rất đặc sắc của cha ông ta. Thứ nhất, đó chính là tri thức của nghề chạm khắc, nghề in truyền thống thông qua việc lựa chọn những loại gỗ làm ván in, các kỹ năng về ngâm tẩm, hong khô ván gỗ để chất gỗ được bền lâu, không bị cong vênh, nứt vỡ và hơn nữa là chống được các nguy cơ về mối mọt, mục ruỗng. Trong điều kiện thiếu thốn về khoa học kỹ thuật thì những tri thức này đã giúp cho các ván in được tồn tại và sử dụng lâu dài, chất lượng của các bản in được đảm bảo, sắc nét, rõ ràng. Thứ hai, một số mộc bản là các ván in về các bài thuốc dân gian do chính các nhà sư viết ra chữa một số bệnh như cảm sốt, đậu mùa, tri thức giúp phụ nữ dễ dàng khi sinh nở… Trường hợp các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm thể hiện rõ những tri thức này thông qua sách như Kín tín lục, “là sự đúc kết kinh nghiệm dân gian đã được khảo nghiệm những tinh túy về y dược thời bấy giờ. Mộc bản các sách trên là cơ sở để truyền bá, phổ biến kinh nghiệm, vừa thể hiện lòng nhân ái của đạo Phật, qua đó nâng cao vị thế, trách nhiệm của nhà sư” (4).

3. Một số vấn đề đặt ra

Vấn đề quản lý nhà nước đối với các di sản mộc bản

Việc quản lý nhà nước đối với di sản tư liệu hiện nay chưa cụ thể, các bộ luật về di sản văn hóa, luật lưu trữ chưa có sự thống nhất trong việc quản lý loại hình di sản này. Điều này gây ra những khó khăn, những sự chồng chéo nhất định trong vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị. Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Sở VHTTDL ở các địa phương mặc dù đã có sửa đổi ban hành văn bản mới (trường hợp như tại tỉnh Bắc Giang) nhưng cũng chưa bổ sung điều khoản cụ thể nào về quản lý di sản tư liệu. Do vậy, công tác kiểm tra và báo cáo một cách chuyên sâu tình hình bảo quản, bảo vệ di sản tư liệu đang được lưu giữ tại các di tích không có đơn vị nào ở địa phương thực hiện. Việc tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, lập hồ sơ ghi danh cho di sản tư liệu vì thế cũng chưa cụ thể trong nhiệm vụ của các đơn vị chức năng.

Hiện nay, các di sản mộc bản tại địa bàn nghiên cứu vì chưa có đề án cụ thể để bảo vệ và phát huy giá trị di sản nên hoạt động này bị hạn chế về chất lượng, chậm về tiến độ. Trên thực tế, các tài liệu mộc bản hiện tồn tại các ngôi chùa không phải những loại sách hoặc tài liệu thông thường mà đều là sách gắn với Phật giáo, gắn với một di tích cụ thể, đều có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, tôn giáo… Muốn làm tốt các nội dung này đòi hỏi những cán bộ đang làm công tác tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo các cấp ban hành văn bản chính sách liên quan, đây được coi là hành lang pháp lý quan trọng góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản mộc bản tại các ngôi chùa vùng châu thổ Bắc Bộ hiện nay. Do đó, nhân lực tham mưu phải nắm vững, hiểu rõ về nội dung, giá trị của mộc bản, nắm rõ quy trình và cách thức bảo quản an toàn tài liệu gỗ thì mới có thể tham mưu đúng, trúng với thực tiễn đặt ra hiện nay.

Vấn đề bảo quản và bảo vệ các di sản mộc bản

Hiện nay, đối với di sản mộc bản tại các ngôi chùa vùng châu thổ Bắc Bộ chưa có những kế hoạch cụ thể để bảo vệ và phát huy giá trị nên hoạt động này khá bị hạn chế, chưa có nhiều những hoạt động cụ thể, thường xuyên. Việc trước tiên cần thực hiện là phải xây dựng những cơ sở với trang bị các trang thiết bị kỹ thuật để lưu giữ, bảo quản, kéo dài tuổi thọ cho các hiện vật trước các tác động khác nhau. Như vậy, cần chú ý các vấn đề như sau:

Tổ chức sưu tầm và in khắc các bản khắc còn thiếu để hoàn thiện bộ sưu tập mộc bản cũng như cho in ấn phát hành rộng rãi bằng phương thức dịch thuật, giải nghĩa cho phổ cập với công chúng về những triết lý nhân văn sâu sắc của đạo Phật.

Đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm ngân sách nhà nước, các khoản thu từ di sản văn hóa, nguồn tài trợ và đóng góp kinh phí hợp tác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đối với nhà/ tủ lưu trữ và trưng bày mộc bản cần được nhà chùa cùng các cơ quan, tổ chức ở địa phương kêu gọi thông qua chương trình xã hội hóa.

Trong những điều kiện cho phép cần tiến hành số hóa các di sản tư liệu mộc bản nhằm lưu giữ các thông tin, các chi tiết họa tiết, hoa văn trang trí, kỹ thuật chế tác… phục vụ cho việc gìn giữ cũng như khai thác, phát huy giá trị. Xây dựng phần mềm quản lý hệ thống dữ liệu, ứng dụng hoá chất vào việc bảo quản di sản mộc bản...

Tiếp tục sưu tầm và tổ chức nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống để làm rõ các nội dung phản ánh, các giá trị của các mộc bản. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để đưa ra các kế hoạch, các giải pháp để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa này.

Tuyên truyền, phổ biến giá trị của di sản mộc bản

Với thực tế là truyền thông còn nhiều hạn chế trong việc phổ biến giá trị mộc bản ở các ngôi chùa vùng châu thổ Bắc Bộ, các cơ quan truyền thông đại chúng nên tăng cường tập trung tuyên truyền hoạt động bảo tồn di sản, kêu gọi sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân biết đến việc bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, trong đó nhấn mạnh di sản tư liệu, đưa ra dự báo ảnh hưởng đến di sản, giảm bớt những tác động tiêu cực đến di sản.

Công tác bảo tồn di sản kết hợp với đẩy mạnh du lịch, dựa vào các yếu tố văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch, tạo dựng hình ảnh du lịch văn hóa truyền thống điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, nhất là hình thức du lịch trải nghiệm.

Khai thác, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu các giá trị ̣trong mộc bản nhằm tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi hơn nữa đến cộng đồng cư dân, đặc biệt là đối với tầng lớp thanh thiếu niên trong nước, nhằm giáo dục thế hệ trẻ hiểu về giá trị và có những hành động thiết thực để bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Tổ chức xây dựng các phim tư liệu về nghề chạm khắc gỗ, về giá tri ̣lich sử, văn hóa, tôn giáo… của các di sản mộc bản cùng với với các di sản tư liệu khác để giới thiệu, quảng bá đến cộng đồng.

Tiếp tục nghiên cứu, viết bài giới thiệu về tài liệu mộc bản trên các báo và tạp chí. Áp dụng và đổi mới nhiều hình thức khác để quảng bá tài liệu mộc bản tại các ngôi chùa. Chú trọng công tác trưng bày, triển lãm mộc bản tại di tích và tại lễ hội Phật giáo ở trong nước và quốc tế nhằm vinh danh, quảng bá giới thiệu nội dung, giá trị của di sản mộc bản.

___________________

1. Nguyễn Tuấn Cường, Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Văn Thanh, Buddhist Print Culture in Nineteenth - Century Northern Vietnam: A Case Study of the Woodblock Collection in Khê Hồi Temple (Văn hóa in ấn Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam TK XIX: Nghiên cứu trường hợp bộ sưu tập Mộc bản ở chùa Khê Hồi), Tạp chí Việt Nam học, 8-2018.

2. Thích Thanh Phương, Tư liệu kinh sách Mộc bản tại chùa Đa Bảo, Phú Xuyên, Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, 12-2023.

3. Nguyễn Thị Quế Hương (chủ nhiệm), Giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang, thuộc Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2017.

4. Nguyễn Ngọc Mai, Giá trị văn hóa của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà ở Bắc Giang, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 1- 2, 2017, tr.69-82.

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Đức Nghiệu (chủ biên), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà - Những định hướng bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2020.

2. Nguyễn Sử, Về quy trình khắc in mộc bản ở Việt Nam, Tạp chí Di sản văn hóa, số 3, 2016, tr.34-38.

TS TRẦN ĐỨC NGUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;