Tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với sự phát triển sân khấu dân tộc

Sân khấu kịch đến hiện đại từ truyền thống Trước khi nghệ thuật sân khấu kịch hình thành ở Việt Nam, chúng ta đã có sân khấu cổ truyền tuồng, chèo đặc sắc và phát triển, phổ biến rộng rãi từ cung đình đến dân gian. Tuy nhiên, vào đầu TK XX, trước những biến động sâu sắc của xã hội Việt Nam dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, sân khấu tuồng, chèo truyền thống dần bị suy tàn, chủ yếu tồn tại lay lắt ở vùng nông thôn... Hơn nữa, với những đặc điểm nghệ thuật đã trở thành các niêm luật chặt chẽ trong hình thái sân khấu cách điệu, ước lệ cao, sân khấu tuồng, chèo không thể đáp ứng yêu cầu phản ánh trực tiếp cuộc sống sôi động và thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của các tầng lớp người đương thời. Mặc dù “những cải tiến để “theo thời” của “tuồng tân thời”, “chèo văn minh” chẳng những không thể cứu vãn đời sống sân khấu cổ, lại càng không thể khôi phục hào quang đã tắt của nghệ thuật truyền thống. Vẻ đẹp chân chính của tuồng, chèo dần dần bị lãng quên” (12).

Trong bối cảnh đó, nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam đã chính thức ra đời với sự kiện công diễn vở Chén thuốc độc của Vũ Đình Long vào đêm 20-10-1921. Với tất cả những ưu thế của chủng loại kịch (drama), sân khấu kịch đã nhanh chóng lan tỏa và thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đủ mọi tầng lớp xã hội, trở thành phong trào sáng tác và biểu diễn kịch rầm rộ ở các thành phố lớn từ Bắc chí Nam. Cho đến trước năm 1945, trong điều kiện của nước Việt Nam thuộc địa, mặc dù hoạt động trong môi trường không thuận lợi về tinh thần cũng như vật chất, kịch nói chỉ dừng lại ở trình độ nghiệp dư, nhưng vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở, bổ sung đội ngũ ngày một nhiều hơn.

Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các tác giả, diễn viên của sân khấu kịch đã phát huy thế mạnh của kịch, xông xáo trên mọi nẻo đường kháng chiến, sát cánh với quân và dân khắp các chiến trường cũng như chiến khu - hậu cứ cách mạng, sáng tác kịp thời những vở kịch ngắn ca ngợi và động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta chống kẻ thù xâm lược. Qua 9 năm kháng chiến, kịch nói đã lớn lên thành một phong trào quần chúng vô cùng mạnh mẽ. Trong khi đó, tình hình hoạt động của sân khấu tuồng, chèo, cải lương ở từng vùng, miền tuy có khác nhau, nhưng nhìn chung vì những hạn chế về tính đặc thù thể loại, chưa thể theo kịp với nhịp độ cuộc sống sôi động của cuộc kháng chiến, sân khấu ca kịch tạm lùi lại phía sau và ẩn mình ở những vùng thôn quê yên tĩnh, thỉnh thoảng có biểu diễn cầm chừng.

Trong lịch sử sân khấu tuồng có một sự kiện cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ tới sự sống còn của sân khấu tuồng. Đó là vào mùa Xuân năm 1948 đã có một cuộc hội nghị bàn về tuồng diễn ra tại một địa điểm thuộc vùng chợ Sim, Thanh Hóa, do Bộ Tư lệnh Quân khu IV phối hợp với Hội Văn hóa kháng chiến Khu IV đứng ra tổ chức. Hội nghị về tuồng năm 1948 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, kịp thời phản bác những tư tưởng, quan niệm lệch lạc về nghệ thuật tuồng cổ truyền, mở ra niềm hy vọng là sân khấu truyền thống dân tộc có thể đóng góp cho cuộc sống mới và công cuộc kháng chiến.

Năm 1949, tại Hội nghị Văn nghệ của Hội Văn nghệ Trung ương, một cuộc tranh luận không chỉ về tuồng, mà cả về chèo và cải lương, lại làm xôn xao giới sân khấu một lần nữa. Sau những buổi bàn cãi sôi nổi, riêng đối với tuồng, hội nghị đi đến kết luận: “Tuyệt đối không dùng hình thức tuồng để diễn sự tích kháng chiến và biểu hiện nhân vật tiêu biểu kháng chiến của ta. Diễn các tích cũ chứa đựng được những bài học mới cho nhân dân, sau khi đã viết lại theo tinh thần khoa học và quan điểm nhân dân, hay ít ra, sửa đổi những điểm không hợp với nhân dân trong kháng chiến” (13). So với Hội nghị về tuồng năm 1948 thì Hội nghị Văn nghệ lần này đã thắng lợi thêm một bước quan trọng trong việc bảo vệ di sản sân khấu truyền thống, khẳng định cả tuồng, chèo vẫn còn nhiệm vụ lịch sử, nhân dân vẫn yêu thích các loại hình nghệ thuật cổ truyền tuồng, chèo và cả sân khấu cải lương.

Tuy Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời từ năm 1943, đề ra phương hướng xây dựng nền văn hóa mới với 3 nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng, nhưng khi bàn về vai trò của sân khấu truyền thống thì đã bộc lộ nhiều người còn nhận thức rất mơ hồ, ấu trĩ. Từ sau Cách mạng Tháng Tám cho đến năm 1950, sân khấu cổ truyền chưa có tham gia gì đáng kể vào phong trào văn hóa, văn nghệ kháng chiến.

Chỉ từ năm 1951, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tình hình bắt đầu có nhiều biến chuyển. Thực hiện nghị quyết của Đại hội lần thứ II của Đảng, Trung ương đề ra chủ trương phục hồi vốn cổ dân tộc. Hội Văn nghệ Trung ương thông báo đi khắp nơi chủ trương “phát động sưu tầm vốn cũ dân tộc, khai thác triệt để các hình thức cũ, không thành kiến, không rụt rè và chống tư tưởng coi thường coi khinh vốn cũ dân tộc trong nhân dân, trong cán bộ” (14).

Chủ trương phục hồi vốn cổ văn hóa, văn nghệ dân tộc đã mang lại nguồn sức mạnh mới cho giới văn nghệ sĩ và niềm vui cho quần chúng nhân dân cả nước. Cùng với việc được học tập, thảo luận tài liệu Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam của đồng chí Trường Chinh, các văn nghệ sĩ mới hiểu thế nào là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, thế nào là dân tộc, khoa học, đại chúng. Các nghệ sĩ sân khấu nói chung, sân khấu tuồng nói riêng, như được bồi dưỡng thêm ý thức về sứ mệnh của người nghệ sĩ trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Với những nhận thức mới mẻ của các văn nghệ sĩ, sân khấu tuồng, chèo, cải lương như được hồi sinh, đi vào cuộc sống và bắt đầu có được vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Nói về chủ trương phục hồi vốn cổ của sân khấu truyền thống, sau này NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi nhớ lại: “Từ năm 1950 vốn văn nghệ dân tộc được khai thác trên quy mô rộng lớn, trong đó tuồng, chèo được chú ý hơn cả... Thế hệ những nghệ sĩ thanh niên lúc ấy bàng hoàng trước nghệ thuật giàu có rực rỡ của kho báu truyền thống lần đầu phát hiện. Còn với thế hệ những người làm sân khấu lớn tuổi, thì niềm mong mỏi, ước mơ về một nền kịch Việt Nam từ đây đã trở thành nỗi ám ảnh” (15).

Với tinh thần phấn khởi trước chủ trương phục hồi vốn cổ của Đảng, ngay những năm đầu sau hòa bình lập lại, phong trào phục hồi các vở tuồng, chèo cổ và sáng tác các vở mới đề tài cách mạng diễn ra sôi nổi ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Nếu như ở miền Bắc, chèo được chú trọng phục hồi, thành lập nhiều đội, gánh mới, thì ở Nam Bộ, cải lương được ưu tiên đặt lên vị trí hàng đầu. Dù việc phục hồi nghệ thuật tuồng có khó khăn hơn, nhưng tuồng vốn có mặt ở cả ba miền nên phong trào diễn tuồng cũng từng bước được phục hồi ngày càng rộng khắp, được đông đảo nhân dân đón nhận.

Trái ngược với tình trạng hoạt động của sân khấu truyền thống, trong những năm đầu hòa bình (1954-1958), hoạt động sáng tác kịch có phần chững lại, số kịch bản sáng tác mới còn ít và chất lượng chưa cao, vì các tác giả vốn quen với đề tài chiến đấu nay dường như còn ngỡ ngàng, lúng túng trước những biến chuyển lớn lao trong cuộc sống mới của dân tộc.

Trong cuộc thi sáng tác kịch bản do Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức vào cuối năm 1954, đầu năm 1955, có 69 vở gửi dự thi. Các tác phẩm dự thi được sáng tác trong kháng chiến và một số mới viết sau hòa bình. Báo cáo nhận xét về giải thưởng văn học của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 đánh giá: “Tất cả các tác giả được giải thưởng đều nhằm phục vụ cuộc đấu tranh của dân tộc ta chống đế quốc và phong kiến... Số nhà viết kịch của chúng ta còn rất ít, từ giải thưởng lần trước đến giải thưởng lần này chưa tăng được bao nhiêu. Cần phải tăng cường giúp đỡ, khuyến khích các bạn viết kịch” (16). Nhận xét này là có cơ sở, ngay cả trong số 38 tác phẩm kịch nói dự thi có 6 vở được giải thưởng thì cũng chỉ có 2 vở mới sáng tác sau hòa bình lập lại: Mở nông giang (Nguyễn Khắc Dực), Ánh sáng Hà Nội (Hoàng Tích Linh). Điều khiếm khuyết nữa là trong Hội diễn Sân khấu năm 1958 không có kịch bản nào viết về hình tượng người công nhân và hình tượng người chiến sĩ.

Dẫu sao, ở giai đoạn đầu hòa bình này đã nổi lên một số vở được dư luận đánh giá cao như: Đầu sóng ngọn gió (kịch 3 hồi của Nguyễn Hùng, đề tài cải cách ruộng đất), Mở nông giang (của Nguyễn Khắc Dực), Nghị hụt (kịch hài của Đào Hồng Cẩm, đề tài miền Nam)...

Nói về sân khấu thời kỳ này không thể không nói tới sự xuất hiện của nhóm Nhân văn - Giai phẩm, cũng hoạt động khá mạnh trong lĩnh vực sân khấu kịch nói. Một số vở kịch có nội dung phản động, nói xấu cách mạng, thể hiện tư tưởng lệch lạc về các giá trị chân chính của con người và cuộc sống mới... Nhờ có sự đấu tranh thẳng thắn và kịp thời của những người làm công tác sân khấu mà các tác giả chịu ảnh hưởng xấu của nhóm Nhân văn - Giai phẩm đã nhận ra sai lầm và thay đổi cách nghĩ, cách viết.

Thực tế này cho thấy, những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu rất cần được rèn luyện về lập trường tư tưởng, không ngừng học tập, nghiên cứu các chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời cần được trải nghiệm thực tế, đi sâu vào đời sống của quần chúng nhân dân, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, bổ sung vốn sống thì mới có được những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở của thời đại, phục vụ sự nghiệp cách mạng của toàn dân.

Tháng 5-1957, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam được thành lập. Hội đã xác định con đường đúng đắn mà sân khấu phải đi: “Nhân dân ta đang tập trung lực lượng vào công cuộc kiến thiết miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở vững chắc để đẩy mạnh đấu tranh củng cố hòa bình, hoàn thành thống nhất, độc lập, dân chủ cho Tổ quốc, nghệ thuật sân khấu nhất định phải có mặt và góp phần thích đáng” (17). Năm 1960, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ III đưa ra nhiệm vụ phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc.

Được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, các văn nghệ sĩ phấn khởi lên đường đi thực tế, về các địa phương, thâm nhập vào cuộc sống của nhân dân. Từ những chuyến đi thâm nhập thực tế này, nhiều tác phẩm sân khấu lần lượt ra đời, phản ánh được các vấn đề thiết thực của cuộc sống mới với nhiều hình tượng con người mới trong công cuộc kiến thiết đất nước cũng như trên mặt trận đấu tranh thống nhất đất nước. Thành quả này chứng tỏ nền sân khấu nước nhà từ đây bước sang một thời kỳ mới với sự trưởng thành nhanh chóng và vững chắc, tiến tới một nền sân khấu chuyên nghiệp về quy mô cũng như về chất lượng nghệ thuật.

Xuất phát từ bối cảnh lịch sử của đất nước ta giai đoạn 1954-1975, sân khấu đã đi vào hai đề tài lớn: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhất là sau sự kiện ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, hai đề tài này càng đan xen, hòa quyện với nhau, làm nên một bản anh hùng ca của quân và dân cả nước trên hai mặt trận: xây dựng, kiến thiết xã hội chủ nghĩa và chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Tiếp nối tinh thần dân tộc của sân khấu thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sân khấu chống Mỹ phản ánh và ngợi ca tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta “vì miền Nam ruột thịt” và “tất cả để chiến thắng” quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai.

Thời kỳ 1955-1964, các tác giả sân khấu kịch tập trung, chuyên sâu vào một số đề tài lớn và đã sáng tác được một số vở có giá trị tư tưởng và nghệ thuật biên kịch tốt như: đề tài Đảng và truyền thống đấu tranh cách mạng có vở: Một đảng viên (Học Phi), Chị Nhàn (Đào Hồng Cẩm), Những người du kích (Xuân Trình)...; đề tài công nghiệp: Bão biển (Vương Lan), Nhật ký địa chất (Thiết Vũ)...; đề tài cải tạo công thương nghiệp: Thói cũ (Trần Vượng), Quẫn (Lộng Chương)...; đề tài cải tạo và xây dựng nông nghiệp: Bên đường dốc (Học Phi), Rổ cá chim (Huỳnh Chinh), Lại xin vào tổ (Trần Vượng)...; đề tài quân đội: Trước giờ chiến thắng (Đào Hồng Cẩm, Sỹ Hanh), Chiếc ba lô (Tào Mạt), Con ngựa số 6, Qua làng (Chu Nghi)...; đề tài miền Nam: Chặn tay chúng lại (Lộng Chương), Vùng lên (Nguyễn Văn Niêm), Hướng về Phú Lợi (Nguyễn Hùng và Huỳnh Chinh), Cái máy chém (Trúc Đường), chùm kịch ngắn Nửa đất nước trong đêm (Ngô Y Linh)...

Một sự kiện sân khấu đáng chú ý trong thời kỳ này là cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu 1961-1962, do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Cuộc thi bao gồm đủ các thể loại: kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, dân ca. Trong số 156 kịch bản gửi dự thi, kịch bản sân khấu kịch là 100 vở, trong đó 63 vở dài và 37 vở ngắn, là nguồn kịch mục cho gần hai chục đoàn kịch nói chuyên nghiệp thường xuyên hoạt động. Đúng như Ban tổ chức đã nhận định: “Trong phong trào sáng tác, kịch nói đã vượt lên hàng đầu” (18).

Vào những năm chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và tiếp tục cuộc chiến đấu chống Mỹ - Ngụy ở miền Nam, sân khấu kịch lại phát huy tính năng động của những đội xung kích với vũ khí là những vở kịch ngắn, tỏa đi khắp các mặt trận phục vụ quân và dân đánh giặc. Đặc biệt, từ năm 1965-1970 đã có hai cuộc liên hoan kịch chống Mỹ, hai trại sáng tác và cuộc thi năm 1970 đã nhận được 135 vở của 101 tác giả. Sân khấu thời chống Mỹ đã làm nên những trang sử vẻ vang cho sân khấu nước nhà với những vở kịch khắc sâu trong tâm trí lớp khán giả thời bấy giờ, đó là các vở: Quê hương Việt Nam, Lửa hậu phương, Tiền tuyến gọi, Bức tranh mùa gặt, Đỉnh cao phía trước, Đất ngọt, Anh Trỗi, Cửa mở hé, Thanh gươm và bà mẹ, Từ Trường Sơn, Những người bóc đá, Đại đội trưởng của tôi; loạt kịch ngắn: Nửa đất nước trong đêm Đất, Nước, Mùa Xuân...

Có thể nói, trong thời kỳ 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ - Ngụy giải phóng miền Nam, sân khấu Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một nền sân khấu chuyên nghiệp, phong phú về chủng loại, hùng hậu về đội ngũ, vững vàng về tư tưởng cách mạng. Trong 20 năm ấy, đội ngũ các nhà viết kịch chuyên nghiệp ngày càng đông đảo và hùng hậu, liên tiếp được bổ sung nhiều cây bút trẻ. Ở Trung ương, chúng ta có các nhà hát, đoàn nghệ thuật cấp quốc gia với đủ các chủng loại kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, rối, ca - múa - nhạc. Hầu khắp ở các tỉnh đều có các đoàn văn công, đoàn nghệ thật cũng đầy đủ các thể loại truyền thống và hiện đại... Sự lớn mạnh về đội ngũ và ngày càng hoàn thiện tính chuyên nghiệp trong sáng tạo nghệ thuật đã thể hiện sân khấu nước nhà thực sự là nền sân khấu mang đậm tính chất dân tộc và tính đại chúng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trở lại với “niềm mong mỏi, ước mơ về một nền kịch Việt Nam... đã trở thành nỗi ám ảnh” của vị đạo diễn tài ba Nguyễn Đình Nghi, phải đến vài chục năm sau, vào cuối những năm 70-80 của thế kỷ trước, ước mơ mới biến thành hiện thực. Cần nói rõ rằng, sự tìm tòi, học hỏi nghệ thuật truyền thống của kịch không diễn ra ở khâu biên kịch, mà chủ yếu ở nghệ thuật đạo diễn. Cũng theo lời kể của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi: “Một ý tưởng hình thành: có thể học tập truyền thống để phá vỡ thế gò bó lâu nay. Có thể tìm cách xây dựng kịch Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm Âu châu kết hợp với sự tiếp thu bài học truyền thống, với điều kiện không phá vỡ đặc điểm thể loại của kịch. Đồng thời, một mục tiêu được xác định: tìm về truyền thống không phải chỉ vì truyền thống, không phải chỉ để cho “có tính chất truyền thống”. Những vở diễn kiểu mới phải phá vỡ được thế hạn hẹp gò bó, phải có khả năng biểu hiện, truyền đạt mạnh mẽ hơn, phải tìm được cách nói hơn hẳn hiện trạng sân khấu kịch lúc này. Nếu học theo truyền thống mà thua kém học theo nguyên mẫu Âu châu, thì sự tìm tòi là vô nghĩa” (19).

Chỉ mấy dòng ngắn gọn này thôi nhưng gói ghém trong đó là cả một quá trình tìm tòi đầy tính sáng tạo của cả một thế hệ đạo diễn Việt Nam, trong đó có nhiều người được học tập, đào tạo bài bản ở Trung Quốc, Liên Xô (trước đây), am hiểu văn hóa Đông, Tây, kim, cổ, tiêu biểu là các đạo diễn tên tuổi: Nguyễn Đình Nghi, Nguyễn Đình Quang, Dương Ngọc Đức, Xuân Huyền, Đoàn Anh Thắng, Phạm Thị Thành... Nhờ đó, sân khấu kịch Việt Nam những năm sau 70-80-90 của thế kỷ trước sản sinh ra những vở diễn mẫu mực như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Rừng trúc, Bạch đàn liễu, Tôi và chúng ta...

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, kịch nói cùng các loại hình sân khấu và ca múa nhạc tiến vào miền Nam, đã mang lại một không khí tưng bừng trong những ngày đầu chiến thắng. Nhưng không lâu sau đó, đất nước bị rơi vào khủng hoảng với muôn vàn khó khăn thời hậu chiến, đời sống nhân dân cũng như mọi lĩnh vực xã hội đều chịu nhiều thiếu thốn. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật hầu như bế tắc với chủ trương vội vàng xóa bỏ cơ chế bao cấp... Chỉ sau những năm đầu thập kỷ 80, sân khấu kịch mới dần gượng dậy. Trước những vấn đề tiêu cực của một xã hội đang có nhiều biến chuyển phức tạp, kịch nói đã cất lên tiếng nói phê phán rất phù hợp với lòng dân. Nhiều thế hệ khán giả còn nhắc mãi về Hội diễn sân khấu năm 1985 tại TP.HCM với 5 vở kịch: Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta, Nhân chứng và lịch sử, Mùa hè ở biển, Đỉnh cao mơ ước được báo chí và khán giả mệnh danh là “năm chiếc xe tăng tiến vào chinh phục Sài Gòn về mặt văn hóa”. Đó cũng là những năm tháng hàng ngàn, vạn người dân cả nước háo hức đón xem những vở kịch của Lưu Quang Vũ trên sân khấu hay trên sóng truyền hình... Có thể nói, đây là thời kỳ bừng sáng của sân khấu nói chung, sân khấu kịch nói riêng, báo hiệu một sự chuyển mình dữ dội sắp đến trên đất nước ta.

Phát huy sáng tạo tư tưởng Đề cương về văn hóa Việt Nam trong chính sách quản lý sân khấu thời kỳ Đổi mới

Chiến thắng lịch sử năm 1975 đã mở ra trang mới trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước của nhân dân ta. Sau khi Tổ quốc hoàn toàn thống nhất, nhân dân ta phải đương đầu với muôn vàn khó khăn do thiên tai và hậu quả chiến tranh gây nên. Đảng ta nhận thức được cần phải có sự thay đổi căn bản, toàn diện trong đường lối lãnh đạo đất nước. Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986), mở ra thời kỳ đổi mới trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Chính sách đổi mới của Đảng và Chính phủ đã đưa nền kinh tế đất nước từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là sự thay đổi căn bản, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa, nghệ thuật của đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, bên cạnh việc đề ra nhiều chính sách mới trong công tác đối ngoại, đối nội, trong chính sách điều hành kinh tế, thì Đảng và Chính phủ cũng có nhiều chính sách mới về văn hóa, nghệ thuật. Những chính sách mới này là sự kế thừa và vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Trước hết, Đảng và Nhà nước đã có sự đổi mới trong cách nhìn nhận và đánh giá vai trò của văn hóa nghệ thuật. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của Đảng đã khẳng định: “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển xã hội”.

Từ những thập niên cuối của TK XX, nhất là bước sang TK XXI, làn sóng toàn cầu hóa bao trùm lên hầu hết các quốc gia trên khắp các châu lục. Tất cả đều nhận thức rằng, toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu của nhân loại và mang tính hai mặt, vừa tích cực, vừa tiêu cực, vừa mở ra nhiều cơ hội và triển vọng phát triển đối với nhiều quốc gia, đồng thời cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức cho nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển.

Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ cũng nhận thức một cách sâu sắc vai trò giao lưu văn hóa với các nước. Về văn hóa, Đảng ta chủ trương ra sức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, “hòa nhập nhưng không hòa tan”, đồng thời mở rộng cửa đón nhận, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới để làm giàu thêm nền văn hóa của dân tộc ta.

Chính sách mở cửa và tăng cường giao lưu quốc tế đã có tác động rõ rệt đến ngành Văn hóa, nghệ thuật nước ta, trong đó lĩnh vực sân khấu cũng chịu ảnh hưởng, cả tích cực lẫn tiêu cực. Việc mở cửa đã khiến nhiều loại hình nghệ thuật giải trí của thế giới tràn vào ồ ạt, tạo điều kiện cho người dân, nhất là giới trẻ tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật mới mẻ, hiện đại, cùng với đó có cả những sản phẩm văn hóa độc hại, không thể kiểm soát... Đây là một trong nguyên nhân cuốn hút thanh thiếu niên vào những hình thức giải trí mới, xa rời nghệ thuật dân tộc, một bộ phận lớn quay lưng với sân khấu truyền thống.

Bên cạnh đó, sự thay đổi khá đột ngột trong chính sách quản lý, vận hành các đơn vị nghệ thuật sân khấu theo cơ chế thị trường khiến các nhà hát, đoàn nghệ thuật lúng túng xoay xở, kết quả là sân khấu rơi vào khủng hoảng một thời kỳ dài vào những thập kỷ cuối của TK XX, đầu TK XXI. Tình trạng này dẫn tới hiện tượng, có một số đơn vị nghệ thuật (chủ yếu là kịch hát, mà phần lớn là chèo), với mục đích kéo khán giả đến với sân khấu đã dàn dựng những tác phẩm ăn khách, cuốn hút người xem bằng những pha giật gân, màn bắt mắt, thực chất để che đạy những yếu kém về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của vở diễn. Điều này đã gây nên phản ứng mạnh mẽ trong giới chuyên môn. Một số cuộc hội thảo về sân khấu được tổ chức, ở đó, các nhà nghiên cứu lý luận cũng như các nhà chuyên môn thực hành sân khấu đã thẳng thắn phê phán cách làm này của một số đạo diễn và đơn vị nghệ thuật, cho rằng nó đã phá chèo, phản truyền thống, làm mất đi những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật chèo truyền thống...

Bước vào TK XXI, sân khấu kịch dần khắc phục khó khăn, từng bước làm quen với cơ chế thị trường, phát huy tính năng động vốn có của thể loại kịch nói, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế... Sân khấu Việt Nam có nhiều cơ hội đi tham dự các festival sân khấu quốc tế, giao lưu và biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, cũng như đón nhiều đoàn nghệ thuật của các nước đến Việt Nam biểu diễn.

Đề cao giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, nhiều năm qua Đảng, Nhà nước và Bộ VHTTDL đã có một số chính sách hỗ trợ và khuyến khích công việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống trong xã hội đương đại, chủ yếu là nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo, cải lương, rối nước và một số loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian ở các vùng, miền trong cả nước.

Sự thay đổi nhận thức về vai trò của văn hóa, nghệ thuật càng sâu sắc và mạnh mẽ hơn nữa khi lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật dần dần được nhìn nhận như một ngành kinh tế đặc thù. Điều này trước đây chưa hề có và chỉ có thể xảy ra trong bối cảnh đất nước ta chuyển đổi từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà cũng không phải là xảy ra ngay lập tức. Đây là một sự biến đổi về nhận thức, diễn ra từ từ trong quá trình nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường hàng chục năm.

Trong bối cảnh đất nước thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã kế thừa và phát triển nguyên tắc đại chúng hóa ở phạm vi rộng hơn, cao hơn và toàn diện hơn. Sự vận dụng sáng tạo nguyên tắc đại chúng hóa chính là ở tính đại chúng, tính toàn dân (từ tập thể cho đến từng cá nhân) được tham gia vào nhiều lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội như y tế, giáo dục và văn hóa, nghệ thuật.

Năm 1997 là thời điểm lần đầu tiên Chính phủ ban hành văn bản chính thức về xã hội hóa (XHH) hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa. Đó là Nghị quyết 90-CP, ban hành ngày 21-8-1997. Cho đến nay đã có hàng chục nghị định, nghị quyết lớn của Nhà nước trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành và toàn dân thực hiện XHH các hoạt động thuộc ba lĩnh vực thiết yếu của đời sống nhân dân. Điều này đặc biệt được thể hiện rõ trong các chính sách liên quan tới công tác quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong cơ chế thị trường, nổi bật là chính sách XHH các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Hoạt động XHH có thể bao trùm toàn bộ quy trình hoạt động văn hóa, từ chủ thể quản lý, đến khâu sáng tạo - sản xuất ra sản phẩm văn hóa, rồi khâu phân phối sản phẩm và cuối cùng là khâu hưởng thụ các giá trị sản phẩm văn hóa đó. Tham gia vào quy trình đó là toàn thể người dân, nếu có nguyện vọng, năng lực và tuân thủ pháp luật (20).

Chính sách XHH hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã thể hiện tính đại chúng cao độ, phản ánh tinh thần đổi mới triệt để trong đường lối lãnh đạo của Đảng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

3. Thay lời kết

80 năm đã qua kể từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời. Trong 80 năm ấy, lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều sự kiện trọng đại, nâng tầm dân tộc Việt Nam lên tầm thời đại. Đó cũng là 80 năm nghệ thuật sân khấu Việt Nam làm nên lịch sử của mình, hòa chung với lịch sử của dân tộc, phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Có thể nói, trong 80 năm ấy, văn hóa, nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng đã làm tròn sứ mệnh của mình trên mặt trận tư tưởng, có sự đóng góp to lớn vào thành công của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Trong hoàn cảnh chiến tranh cũng như hòa bình, con đường phát triển của sân khấu không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thuận lợi, cũng có những lúc khủng hoảng, cam go... Nhưng nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Đảng, nhất là từ khi có tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam soi rọi, sân khấu Việt Nam đã vững bước cùng cả nước đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã và đang cùng nhân dân cả nước xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc... Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, với các sách lược và nhiệm vụ chiến lược khác nhau, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn tiếp tục phát huy vai trò “soi đường cho quốc dân đi”, ba nguyên tắc của Đề cương được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đất nước. Ở thời kỳ nào thì ba nguyên tắc dân tộc, đại chúng và khoa học cũng đều có mối liên quan hữu cơ với nhau, đi liền với nhau, cái này làm tiền đề cho cái kia. Trong 80 năm qua, nền sân khấu Việt Nam không ngừng lớn mạnh về đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo và về giá trị nghệ thuật đích thực, đó là một nền nghệ thuật luôn hướng tới những tiêu chí nhân văn: dân tộc, khoa học đại chúng.

Đến nay, những tư tưởng của Đề cương vẫn đang được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo trong các chính sách quản lý văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, sau mấy năm thực hiện chính sách xã hội hóa văn hóa nghệ thuật, thực tiễn cho thấy hiệu quả chưa được như mong muốn, nảy sinh nhiều bất cập. Trong đó, điều cản trở lớn nhất nằm ở sự chưa đồng bộ về chính sách ở tầm vĩ mô.

Cuộc sống là sự vận động không ngừng, mọi thể chế, xã hội cũng không ngừng biến đổi, cho nên thực tiễn sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho con người, buộc nhiều chính sách cũng cần có sự thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp với quy luật tự nhiên và xã hội.

(tiếp theo số 530 và hết)

______________

12, 13, 15, 19. Nguyễn Đình Nghi, Kịch nói Việt Nam đến hiện đại từ truyền thống, in trong Kỷ yếu Hội nghị Sân khấu châu Á truyền thống và hiện đại, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 1999, tr.26, 31, 28, 29-30.

14. Thông báo của Hội Văn nghệ Trung ương năm 1951 về việc phục hồi vốn cổ dân tộc. Trích lại từ: Lịch sử sân khấu Việt Nam, Viện Sân khấu, tập I, Hà Nội, 1984, tr.36. 16,

17. Phan Kế Hoành, Vũ Quang Vinh, Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam 1945-1975 (hoạt động sáng tác và biểu diễn), Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1982, tr.123, 121.

18. Báo cáo tổng kết cuộc thi sáng tác kịch bản 1961-1962 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (tài liệu viết tay), tr.149.

20. Lê Thị Hoài Phương, Quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong cơ chế thị trường, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2016, tr.106-107.

GS, TS LÊ THỊ HOÀI PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;