Diện mạo nghệ thuật tuồng Thổ Hà (Bắc Giang)

Nhắc đến ngôi làng cổ bên dòng sông Cầu thơ mộng, người dân Bắc Giang không thể không nói đến làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là một vùng đất không chỉ có địa hình đặc biệt với ba mặt giáp sông, nổi tiếng với các nghề truyền thống như làm gốm, bánh đa, bánh đa nem, mì gạo, mà còn có đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú. Các hình thức ca hát và diễn xướng dân gian khá đa dạng. Đặc biệt, nghệ thuật tuồng Thổ Hà là một loại hình sân khấu cổ truyền độc đáo. Trải qua hàng trăm năm, tuồng Thổ Hà đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây.

1. Thực trạng về nghệ thuật tuồng làng Thổ Hà

 Trong đời sống cộng đồng

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi chưa tiếp cận được với các tích tuồng đã được xuất bản thành sách. Từ việc điền dã, sưu tầm qua các nghệ nhân, chúng tôi ghi chép được 12 tích tuồng. Các tích tuồng này hiện đang được lưu truyền và diễn xướng tại làng Thổ Hà. Với kết quả điền dã này, chúng tôi nhận định, tuồng Thổ Hà chỉ có một loại đó là tuồng cung đình, mang tính chất khuôn mẫu của chế độ phong kiến.

Căn cứ vào hệ đề tài của các tích tuồng, tuồng Thổ Hà có hai loại: một là, tuồng lấy các tích truyện của Trung Quốc thời xưa; hai là, các vở tuồng về anh hùng trong lịch sử ở Việt Nam như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Huệ… Tuy nhiên, tích tuồng liên quan đến lịch sử Việt Nam rất ít, do các cụ xưa không lưu giữ những vở đó. Đến thế hệ sau, các nghệ nhân khi đi giao lưu với địa phương lân cận mới đem về một vài tích tuồng này. Nhìn một cách tổng quát, cả hai loại tuồng trên thực chất vẫn là tuồng theo lối truyền thống hay nói cách khác chính là tuồng bác học (tuồng cung đình).

Để có cái nhìn toàn diện hơn về diện mạo của nghệ thuật tuồng Thổ Hà, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên người dân ở làng Thổ Hà, các nghệ nhân, nhà quản lý văn hóa, giáo viên và học sinh. Đối với người dân, với tổng số phiếu phát ra và thu vào là 190 phiếu, kết quả cụ thể thu được như sau: 30% nghe nói tới hát tuồng, 6% biết diễn xướng tuồng, 40% đánh giá tuồng có giá trị quan trọng trong đời sống cộng đồng, 24% muốn tìm hiểu về diễn xướng tuồng.

Người dân làng Thổ Hà đa phần đều biết đến tuồng và rất yêu thích. Đặc biệt là đối với người có tuổi, họ hiểu sâu sắc về tuồng nhưng không tham gia lưu diễn do điều kiện công việc hoặc tuổi đã cao. Còn lớp trẻ, tuy thích tuồng nhưng không biểu diễn được do đặc thù của bộ môn này rất khó.

 Hiện nay, trong làng còn có một Câu lạc bộ tuồng (gồm 19 thành viên). Câu lạc bộ này được hình thành tự phát, do đam mê nghệ thuật, kinh phí tự đóng góp. Độ tuổi của họ chủ yếu tầm 60-65 tuổi. Câu lạc bộ thường hoạt động vào lễ hội mùa xuân, 20-22 tháng Giêng hằng năm, những ngày quốc lễ 2-9, 19-5, ngày đình đám (làng có việc), ngày giỗ Thành Hoàng làng hoặc ngày giỗ Tổ.

Chúng tôi cũng tiến hành khảo sát các nghệ nhân ở Thổ Hà, với tổng số phiếu phát ra và thu vào là 19 phiếu. Kết quả cụ thể như sau: 10% diễn xướng tuồng trong đời sống sinh hoạt, 5% nơi sinh sống có thành lập Câu lạc bộ Tuồng, 42% đánh giá tuồng có vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng, 43% muốn truyền dạy tuồng cổ cho thế hệ trẻ.

Trong môi trường giáo dục

Để tìm hiểu về thực trạng dạy học văn học địa phương tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi đã tiến hành khảo sát giáo viên tại hai điểm trường: Trường THPT Việt Yên số 2 và Trường THPT Lý Thường Kiệt. Kết quả cho thấy, các thày cô đều đánh giá tuồng có giá trị quan trọng trong đời văn hóa cộng đồng Thổ Hà (chiếm 40%). Bên cạnh đó, các thày cô cũng cho biết, Nhà trường không có Câu lạc bộ nào về tuồng. Đặc biệt, nói về vấn đề dạy học văn học địa phương tại trường, các thày cô nhận định, không có bài học nào về nội dung các tích tuồng được đưa vào giảng dạy cho học sinh. Xuất phát từ thực trạng này, các thày cô mong muốn đưa tuồng vào giảng dạy cho học sinh trong Nhà trường (chiếm 35%).

Như vậy, có thể thấy, mặc dù tuồng vẫn còn giữ vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Bắc Giang nói chung và người làng Thổ Hà nói riêng, song, có lẽ một điều không thể phủ nhận rằng, theo năm tháng, tuồng Thổ Hà cũng đang dần bị chìm vào lãng quên.

2. Tuồng Thổ Hà đề cao tinh thần trung quân, ái quốc

Tuồng Thổ Hà thuộc bộ phận tuồng cung đình nên nội dung phản ánh là những chuyện xảy ra trong đời sống cung đình, với chuyện vua, chúa, quan lại, phò vua diệt ngụy. Đi vào đề tài cung đình, nhưng không phải chỉ phản ánh những sự kiện trong cung đình, mà còn bao gồm những chuyện xảy ra trong quan hệ chính trị giữa các phe phái phong kiến nói chung (Tống tửu Ô Hắc Lợi, Sơn Hậu). Xã hội được phản ánh trong loại tuồng này là một xã hội phong kiến đã suy tàn, giai cấp phong kiến quan liêu đã chia bè xẻ cánh, tranh giành cấu xé lẫn nhau quyết liệt, tất cả cũng là vì cái ngai vàng, vì địa vị và quyền thế. Mâu thuẫn được xây dựng trên cơ sở đối địch giữa hai phe thiện và ác, tốt và xấu. Kẻ gian luôn tìm cách tước đoạt chức vị và quyền lợi, còn người trung thì chống lại hành động trên. Mâu thuẫn gắn với quyền lợi cả một vương triều, không do số phận, quyền lợi cá nhân. Kết thúc, bao giờ thiện cũng thắng ác. Mâu thuẫn xã hội biểu hiện trong tuồng Thổ Hà là mâu thuẫn phong kiến nội bộ, dường như không có ngoại xâm. Ngoại xâm nếu có cũng chỉ là cái cớ để đưa tình tiết kịch phát triển mà thôi (Đào Tam Xuân).

Tuồng Thổ Hà đề cao tinh thần trung quân, ái quốc. Chữ trung dưới xã hội phong kiến là một trong bốn đức trung, hiếu, tiết, nghĩa phải luôn luôn đề cao. Trung ở đây phải hiểu là trung quân. Đó là hành động xả thân vì vua, ý chí bảo vệ dòng dõi của vua. Trong tất cả các mối quan hệ trong xã hội, chữ trung quân bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Kết thúc của các vở tuồng, bao giờ cũng nêu cao chính nghĩa, ái quốc trung quân, trừ gian diệt nịnh... mang lại cho đất nước yên vui, muôn dân được hưởng phúc thái bình, thịnh trị (Lưu Kim Đính, Lý Hoài Hiền giáo tử). Tuồng Thổ Hà tái hiện hình ảnh những nhân vật anh hùng trong lịch sử, để nhấn mạnh tinh thần trung quân, ái quốc. Đó là những người anh hùng được xây dựng trong khuôn khổ tích cực, theo lễ giáo phong kiến, kết tinh đạo lý của dân tộc, là những “tượng đài” bất tử để ca ngợi đạo nghĩa vua - tôi, tư tưởng trung quân, ái quốc. Những con người có lý tưởng trung quân, thà hy sinh tất cả chứ không chịu để mất vua, mất chúa (Triệu Đình Long cứu chúa, Sơn Hậu).

3. Vấn đề đạo đức luân lý và thuyết răn đời qua các tích tuồng

Vấn đề đạo đức luân lý và thuyết răn đời được đề cập đến khá nhiều trong tuồng Thổ Hà. Đạo đức luân lý gia đình và xã hội được nêu trong tam cươngngũ luân. Đó là những đức tính về trung, hiếu, tiết, nghĩa trong các mối quan hệ giữa vua - tôi, cha - con, chồng - vợ, anh - em, bạn bè.

 Quan niệm về tam cương, ngũ luân đã chi phối đời sống tinh thần của người dân dưới chế độ phong kiến. Tam cương là mối ràng buộc con người theo vai trò quan hệ xã hội bao gồm: quân - thần, phụ - tử, phu - phụ. Đối với đạo lý quân - thần, thể hiện ở vai trò trung quân, kẻ bề tôi phải luôn trung thành với các bậc vua chúa; lòng trung ở đây được hiểu là trung quân, ái quốc. Đối với đạo lý phụ - tử tức là quan hệ giữa cha con phải thể hiện được vai trò phụ từ, tử hiếu. Ở đây phải lấy chữ hiếu làm trọng. Đối với quan hệ phu - phụ, tức đạo vợ chồng, phải lấy đức thuận, tức là sự hòa hợp để đối đãi với nhau. Cũng như ngũ luân, là năm mối quan hệ đạo đức luân lý giữa vua - tôi, cha - con, chồng - vợ, anh - em, bè bạn. Tuồng Thổ Hà đề cao đạo đức luân lý của con người thông qua các mối quan hệ ấy (Lý Hoài Hiền giáo tử, Bá đao Diệm Thiên Hùng, Mộc Quê Anh dâng cây).

Dù có bàn chuyện quốc gia đại sự, dù có nói đến các vấn đề chính trị, nhưng qua các vở tuồng đều hướng con người ta biết yêu thương nguồn cội (Tô Vũ hồi hương); sẵn sàng hy sinh vì vua, vì nước (Triệu Đình Long cứu chúa); giữ đạo làm con (Sơn Hậu); chung thủy vợ chồng (Lưu Kím Đính); xử lý hài hòa giữa nợ nước tình nhà, cái chung và cái riêng (Bá đao Diệm Thiên Hùng); lên án cái xấu, cái ác (Đào Tam Xuân). Dù thuộc đề tài nào, một tích tuồng được coi là hay khi câu chuyện có hậu và phải chở được đạo lý, ngợi ca, khẳng định chính nghĩa, hướng thiện của con người.

4. Nghệ thuật diễn xướng tuồng làng Thổ Hà

Thời gian diễn xướng chính của tuồng Thổ Hà thường vào khoảng thời gian từ tối hôm trước đến sáng hôm sau. Theo lời kể của các nghệ nhân, có vở tuồng diễn một đêm nhưng cũng có vở phải diễn nhiều đêm mới hết.

Tuồng Thổ Hà thường diễn ở sân chùa hay nhà văn hóa. Sân khấu khá đơn giản, đằng sau treo phông; hai bên cánh gà, một hổ phù, một đầu rồng. Không gian của sân khấu tuồng Thổ Hà là không gian động, thay đổi một cách linh hoạt theo từng cảnh diễn. Có thể đang là cảnh triều đình, bỗng chốc chuyển thành chiến địa; đang là rừng núi bỗng chuyển thành dòng sông… Điều này được các nghệ sĩ xưa đúc kết bằng hai câu thơ: “Thốn thổ thị triều đình châu quận/ Nhất thân đô phụ tử quân thần”. Dịch nghĩa: “Một mảnh đất có thể biến thành châu quận/ Một con người có thể thành vua, tôi, cha, con”.

Không gian là phông, cảnh không đổi nhưng người diễn viên phải lột tả được cho khán giả thấy hiện nhân vật đang ở nơi nào. Rõ ràng, không gian phụ thuộc vào diễn viên; thời gian phụ thuộc vào từng vai diễn.

Đội ngũ diễn viên của tuồng Thổ Hà đảm nhiệm theo từng vai diễn của các tích tuồng. Nam diễn viên gọi là kép, gồm có: kép văn, kép võ, kép rừng, kép đen, kép trắng, kép anh, kép em, kép trạng nguyên, kép nghèo (hàn sĩ, hàn nho...). Nữ diễn viên gọi là đào. Ở Thổ Hà, thường không có diễn viên nữ, chủ yếu là các diễn viên nam. Diễn viên nữ thường mời bạn diễn từ các nơi khác như Đông Anh, Từ Sơn… Các diễn viên của tuồng Thổ Hà hoàn toàn là những người nông dân gắn bó bên làng bên xóm, là những người không được đào tạo qua trường lớp nào.

Trang phục của các vai diễn dựa trên mô hình của nhân vật, đó là các vai vua, hoàng hậu, công chúa, quan lại hay dân thường. Vai nào cũng có trang phục theo quy định riêng. Áo bào của vua màu vàng, có rồng quấn xung quanh (long bào), mãng của vua có rồng; mãng của quan có hổ phù. Quan võ mặc giáp, đeo cờ; quan văn pha võ mặc chấn; quan văn chuyên ngự trong triều mặc mãng. Kép đào trang phục thường là xiêm y. Dân thường mặc quần áo nông dân. Màu sắc chủ yếu là các màu nền, không sặc sỡ. Nô tì mặc xiêm nhỏ, yếm, đai. Nhìn chung, trang phục của các diễn viên tuồng ở làng Thổ Hà khá đơn giản.

Dàn nhạc của tuồng Thổ Hà gồm có trống, kèn, thanh, la, hồ, nhị, sáo. Tất cả nhạc cụ của dàn nhạc đó phối hợp với nhau một cách tinh tế và hài hòa, đem đến những vở diễn thực sự đặc sắc, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Đạo cụ thường được diễn viên dùng trong khi biểu diễn và rất đa dạng về chủng loại. Đạo cụ tuồng thường có kiếm, đao, thương, búa, quạt, cờ, roi ngựa, phất trần, đuốc, bầu rượu... Về cơ bản, đạo cụ và binh khí trong nghệ thuật tuồng nói chung và tuồng ở Thổ Hà nói riêng mang tính chất ước lệ, tượng trưng. Các nhân vật khi ra trận thường mang theo vũ khí và nhân vật nào mang theo vũ khí gì là tùy thuộc vào tính cách, vị trí, tầm vóc của nhân vật đó.

Nghệ thuật tuồng Thổ Hà không tả thực mà mang tính tượng trưng. Điều này cũng được thể hiện rõ qua nghệ thuật hóa trang. Hóa trang tuồng ở Thổ Hà cũng có những quy ước chặt chẽ, nhằm thể hiện được tính cách nhân vật. Kinh nghiệm ở mảnh đất có loại hình sân khấu tuồng cho thấy, căn cứ vào độ tuổi mà hóa trang cho phù hợp. Nghệ thuật hóa trang rất công phu, tỉ mỉ. Diễn viên, không chỉ diễn xuất giỏi mà còn tự biết hóa trang cho khuôn mặt hợp với từng vai diễn của mình. Mỗi nhân vật trong các tích tuồng đều mang tính điển hình, chỉ nhìn vào khuôn mặt được hóa trang sẽ biết người tốt hay xấu, ngay hay gian, trung thần hay nịnh thần. Màu sắc thể hiện tính cách và vai trò của nhân vật. Mặt màu trắng là người trong sáng, nhân hậu; màu đỏ son chỉ người anh hùng, trí dũng, nghĩa khí; màu đen là người chất phác, bộc trực; màu xanh ám chỉ người mưu mô xảo quyệt. Vẽ mặt rằn ri, vằn vện là người hung ác tàn bạo; người thư sinh, trong sáng có khuôn mặt trắng; các bậc tu hành, thần tiên là mặt vàng và bạc; mặt mốc là của tiểu nhân… Trên sân khấu tuồng, ngoài lời ca, điệu hát và động tác hình thể, việc hóa trang cho nhân vật tuồng cũng là cách để diễn tả sâu sắc cái thần của nhân vật.

Theo vở diễn, xuất phát từ sự kiện nào thì vai diễn bắt đầu sự việc này. Trong tuồng, sân khấu thiết triều bao giờ cũng sẽ có trước. Khi có diễn viên đi hóa trang thì dàn nhạc phải chuẩn bị. Giữa kèn, trống, nhị, sáo… phải hòa quyện với nhau. Khi diễn viên ra sân khấu thì người đánh trống trầu chỉ huy dàn nhạc. Cũng giống như lớp xưng danh trong chèo, trong tuồng, người giáo đầu là người ra đầu tiên, nói lối (giới thiệu anh là ai, ở đâu, hôm nay đi đâu, gặp sự kiện gì…) để khán giả biết được sự kiện. Nhân vật phụ thường ra sân khấu với thời gian ngắn, làm nền cho nhân vật chính. Thày tuồng, tức đạo diễn, là người chọn vở tuồng, cách diễn. Người thuộc lời để nhắc tuồng khi các diễn viên lên sân khấu gọi là thơ tuồng.

Tuồng Thổ Hà là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp gồm nhiều yếu tố như hát, múa, âm thanh, ánh sáng… Điều này được thể hiện rất rõ qua hình thức biểu diễn. Hát tuồng có một hệ thống làn điệu thường dùng như nói lối, nam, khách, tẩu, bắt bài, than, vãn, oán, xướng... Lối trình bày tuồng nói chung và ở Thổ Hà nói riêng dùng nhiều thể văn học như Đường thi, phú, song thất lục bát, lục bát, ghép với nhạc và một số điệu múa. Lời văn thì nhiều khi có vần và có đối. Khi một vai lên sân khấu thì mở bằng một câu xướng (hay bạch) để tự giới thiệu mình. Câu này dùng thể thơ bảy chữ. Khi kể chuyện thì gọi là câu nói, từ bốn đến bảy chữ, có đối, gieo vần cước vận (chữ cuối cùng mỗi câu). Câu kết thì gieo vần trắc. Hát câu vãn là muốn dứt ý, dùng thể lục bát. Khi buồn thì hát câu than, cũng dùng lục bát trong khi vui thì hát câu khách, thường là chữ Nho dùng thể phú. Làn điệu tuồng Thổ Hà được sử dụng cho từng nhân vật theo tính cách, tâm trạng và hoàn cảnh phù hợp.

Điểm đặc sắc trong nghệ thuật diễn xướng tuồng Thổ Hà là múa tuồng. Đó là yếu tố không thể thiếu, được khoa trương, cách điệu vì nó có sự gắn bó mật thiết với thơ ca, hát và nhạc. Theo các nghệ nhân, múa tuồng ở Thổ Hà được xây dựng từ những thế võ cổ truyền của dân tộc. Đây là phương tiện chính để diễn viên làm rõ nội dung lời hát và thể hiện tính cách, tâm trạng của nhân vật. Cách đi, đứng trong tuồng Thổ Hà cũng phải theo nguyên tắc, không thể như trong cuộc sống bình thường. Để hình thể được cân đối, vững chắc thì dù đứng hay ngồi, hai bàn chân cũng theo hình chữ T. Múa tuồng luôn phải ăn khớp với lời hát. Tay phải kịp chân, chân phải kịp miệng, lời đâu, bộ đó. Múa và hát tuồng giữ vai trò rất quan trọng, người Thổ Hà đã từng nói: “nhất thanh, nhì sắc”, nếu người diễn mà không thành thạo về hát và múa thì không thể diễn được. Bởi khi diễn trên sân khấu, họ phải lột tả được tâm trạng và tính cách của nhân vật trong các tích tuồng.

Lối diễn xuất của tuồng nặng tính ước lệ, cách biểu diễn khuếch đại hơn sự thật ngoài đời để khán giả dễ cảm nhận. Mỗi loại nhân vật của tuồng lại có một lối diễn khác nhau, chính diện thường ngay thẳng, cương trực, đi đứng đàng hoàng, còn phản diện thì gian xảo, láo liên, uốn éo. Nhất nhất đều phân thành từng bộ riêng, bộ Trung riêng, vai Nịnh riêng. Mọi động tác đã thành ước lệ. Nghệ nhân tuồng chia nghệ thuật biểu diễn thành hai bộ: bộ bê, bộ lỉa. Mỗi bộ mô tả cảm xúc nhân vật riêng (mang tính cách điệu). Nghệ thuật biểu diễn tuồng của Thổ Hà là sự kết hợp tổng hòa của các yếu tố: hát, múa, diễn xuất, âm nhạc. Nếu thiếu một trong những yếu tố trên thì sẽ không còn là nghệ thuật tuồng.

Tóm lại, tuồng Thổ Hà không chỉ đa dạng, phong phú về nội dung mà còn rất độc đáo về hình thức nghệ thuật. Nghệ thuật diễn xướng đã góp phần tạo nên sức sống lâu bền của những câu hát, vở diễn. Có thể nói, tuồng Thổ Hà không những kết tinh mà còn tỏa sáng và góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của quê hương Bắc Giang. Hình thức sân khấu này hiện vẫn tồn tại và có sức thu hút đối với người dân nơi đây. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, nhiều hình thức giải trí mới mẻ và hấp dẫn hơn đã xuất hiện. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng, nghệ thuật tuồng cổ truyền có thể bị mai một nếu như không đào tạo được đội ngũ kế cận. Trước thực trạng đó, bên cạnh việc truyền dạy trong đời sống cộng đồng, với tư cách là người nghiên cứu, giảng dạy về văn học, văn hóa dân gian, đồng thời là một người con của huyện Việt Yên, chúng tôi có mong muốn, đề xuất đưa hình thức nghệ thuật này vào giảng dạy trong chương trình giáo dục địa phương để hướng tới lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn học truyền thống của dân tộc.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Minh Bắc, Trò diễn tuồng trong ngày hội làng Thổ Hà, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 1, 2022.

2. Thanh Hiền, Tuyển tập tuồng cổ, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 1997.

3. Nguyễn Hường, Tính ước lệ trong nghệ thuật tuồng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, 2021.

4. Nguyễn Thị Nhung, Vị trí thể loại sân khấu tuồng truyền thống, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 1996.

5. Trần Đức Nguyên, Lê Minh Chi, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng Thổ Hà dưới hình thức bảo tàng hóa, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 26, 2018.

6. Nguyễn Thế, Nghệ thuật Tuồng, phương tiện truyền bá tư tưởng Nho giáo thời phong kiến, Tạp chí Hán Nôm, số 3, 2008.

7. Cát Thị Khánh Vân, Di sản văn hóa làng cổ Thổ Hà, Nxb Văn hóa dân tộc, 2018.

TS DƯƠNG NGUYỆT VÂN - GIÁP THỊ HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;