Nghệ thuật truyền thống: "Giữ lửa" đam mê, sống được với nghề - cách nào?

Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2023 có sự thay đổi so với những kỳ trước, đó là Cuộc thi không chỉ dành cho các diễn viên tài năng trẻ, mà được mở rộng cho mọi lứa tuổi nghệ sĩ tài năng. Điều đó cho thấy, việc thu hút, tìm kiếm đội ngũ kế cận của các nhà hát đang gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, các nhà hát đang nỗ lực với nhiều cách thức, trong đó có phương thức hoạt động biểu diễn gắn với du lịch, không chỉ tạo nguồn thu mà còn góp phần giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống.

Tiết mục nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa

Chia sẻ về Cuộc thi năm nay, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, NSND Hàn Văn Hải  cho biết: “Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2023 có sự mở rộng hơn về độ tuổi đối với nghệ sĩ tham dự, nên tất cả các lứa tuổi nghệ sĩ có thể tham gia chứ không chỉ là đội ngũ diễn viên trẻ. Bởi, đội ngũ lực lượng nghệ sĩ trẻ ngày càng bị thiếu hụt, việc thu hút, đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng vắng bóng lớp nghệ sĩ kế cận, đây là vấn đề mà các đoàn nghệ thuật truyền thống trong cả nước đang gặp phải chứ không chỉ riêng Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa. Chính vì thế, chúng tôi đến với Cuộc thi tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2023 bằng tấm lòng, sự đam mê của những thế hệ nghệ sĩ của nhà hát. Thông qua cuộc thi, những người làm nghệ thuật không chỉ "giữ lửa" mà còn bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống với khán giả trong tỉnh cũng như cả nước, qua đó động viên, cổ vũ các nghệ sĩ tiếp tục yêu ngành, yêu nghề, giữ gìn những nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống mà cha ông để lại”.

Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, NSND Hàn Văn Hải: chúng tôi đến với Cuộc thi  bằng tấm lòng, sự đam mê của những thế hệ nghệ sĩ của nhà hát - Ảnh: Tuấn Minh

Bên cạnh công tác chuyên môn của Nhà hát như: dựng vở, biểu diễn, tham dự các cuộc thi, liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa cũng tích cực tham gia hoạt động trong các sự kiện của tỉnh và đất nước. Với các hoạt động này, nhà hát sẽ giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc, riêng lạ trong các loại hình nghệ thuật truyền thống vùng đất xứ Thanh, góp phần quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh nhà.

“Song song với đó, Nhà hát luôn cố gắng tìm kiếm nhiều shown diễn ở các sự kiện hay lễ hội, trong quá trình lưu diễn đó đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên sẽ có thêm một phần thu nhập. Đồng thời, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, Nhà hát cũng tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có thể biểu diễn bên ngoài để tăng thêm nguồn thu, ổn định cuộc sống. Từ đó, những người làm nghề sẽ yên tâm gắn bó với nhà hát, cũng như giữ gìn nghệ thuật Tuồng, Chèo và Dân ca kịch”- Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, NSND Hàn Văn Hải cho biết.

Cùng chia sẻ về sự khó khăn trong vấn đề tìm kiếm nguồn nhân lực - đội ngũ kế cận cho cho sân khấu nghệ thuật truyền thống, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa Nguyễn Ngọc Quang Trung cho biết: Hiện nay, tại Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa , nghệ sĩ lớn tuổi khá đông, chiếm phần lớn, diễn viên trẻ thì có rất ít. Trước đây, Khánh Hòa có Trường Cao đẳng Nghệ thuật Khánh Hòa, trong đó có khoa đào tạo nghệ thuật truyền thống, từ năm 2018 đến nay, Khoa đào tạo truyền thống không còn do không tuyển được học sinh, đầu vào không có, đồng thời trường bị sáp nhập vào Trường Đại học Khánh Hòa nên càng khó khăn, và muốn đào tạo thì phải gửi ra Hà Nội. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh và Sở VHTTDL cũng đã có cơ chế mới cho Nhà hát như: về Dân ca bài chòi có thể tuyển học sinh học từ khoa thanh nhạc nhưng yêu nghệ thuật truyền thống, nên cũng đã tuyển được vài học sinh; còn đối với nghệ thuật Tuồng càng khó khăn hơn.

Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa Nguyễn Ngọc Quang Trung: Đội ngũ diễn viên trẻ khi được tuyển vào nhà hát có nhiều ưu ái trong việc được các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm truyền đạt kiến thức - Ảnh: Tuấn Minh

Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa Nguyễn Ngọc Quang Trung cũng cho biết: “Đội ngũ diễn viên trẻ khi được tuyển vào nhà hát có nhiều ưu ái trong việc được các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng rất kỹ. Trong các cuộc thi đều được tạo điều kiện cho các em tham gia, một số bạn trẻ dù mới đến với Nhà hát nhưng đã đạt thành tích cao trong các hội thi chuyên nghiệp. Để “giữ chân” các nghệ sĩ trẻ ở lại lâu dài với Nhà hát, hiện tại Tỉnh Khánh Hòa, Sở VHTT và nhà hát đã tạo điều kiện rất nhiều đối với các nghệ sĩ thông qua các cơ chế mở: như hỗ trợ về tiền ưu đãi ngành, các em mới vào Nhà hát được tạo điều kiện về tiền chi trả nhà ở trong 5 năm đầu tiên, đó là những khởi nguồn đầu tiên để thu hút các bạn trẻ”.

Tại Khánh Hòa hiện nay du lịch cũng khá phát triển, nên đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để góp phần giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống. Thuận lợi là có nhiều điểm biểu diễn để thu hút khách du lịch, tuy nhiên, khó khăn gặp phải vẫn là về số lượng diễn viên và cơ sở vật chất. Hiện tại, ở Khánh Hòa, các sân khấu được xây dựng đã lâu, giờ đây xuống cấp hàng loạt, nên ở Khánh Hòa hiện nay, không có sân khấu đủ điều kiện để tổ chức một cuộc liên hoan hay một cuộc thi về nghệ thuật truyền thống. Theo Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa Nguyễn Ngọc Quang Trung: “Tỉnh Khánh Hòa đã có dự án quy hoạch xây dựng một khu vực dành cho văn hóa truyền thống, hy vọng trong tương lai sẽ có nơi để các nghệ sĩ truyền thống biểu diễn, mang những văn hóa dân tộc đến với đông đảo khán giả trong tỉnh cũng như người dân cả nước”.

Khác với các nhà hát trong giai đoạn hiện nay gặp phải khó khăn trong việc thu hút khán giả đến với sân khấu nghệ thuật truyền thống, “Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định vẫn có được lượng khán giả rất đông trong tất cả các đêm diễn. Bởi, người dân Bình Định vẫn có tấm lòng yêu nghệ thuật truyền thống kể cả Tuồng cũng như Bài chòi”, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định, NSƯT Băng Châu cho biết.

Phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định, NSƯT Băng Châu: với các chương trình, các kịch mục diễn phục vụ khách du lịch, từ đó tạo cho các nghệ sĩ có nhiều đất diễn cũng như tăng thêm thu nhập, đồng thời giúp các nghệ sĩ thêm yêu nghề, và gắn bó lâu dài với sân khấu truyền thống

Tuy nhiên, vấn đề đào tạo, tìm nguồn nhân lực về đội ngũ diễn viên và nhạc công của nhà hát cũng gặp tương đối khó khăn. Chính vì thế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Bình Định đã xây dựng đề án về thu hút, tuyển sinh lớp diễn viên kế cận. Bên cạnh đó, trong quá trình đi diễn ở các trường PTTH và Đại học, nhà hát vừa đi lưu diễn vừa tuyển sinh thông qua việc tư vấn đối với các em học sinh, sinh viên có năng khiếu về âm nhạc. Để sau khi các em học xong, có thể định hướng cho các học sinh có năng khiếu đến học tập tại khoa dân tộc truyền thống của trường nghệ thuật.

Phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định, NSƯT Băng Châu cũng chia sẻ, “Để hun đúc tình yêu nghề đối với các nghệ sĩ nói chung, nghệ sĩ trẻ nói riêng thì nhà hát có các chương trình, các kịch mục được diễn vào các tối thứ bảy hằng tuần phục vụ khách du lịch tại quảng trường lớn của thành phố Quy Nhơn, từ đó tạo cho các nghệ sĩ có nhiều đất diễn cũng như tăng thêm thu nhập, đồng thời giúp các nghệ sĩ thêm yêu nghề, và gắn bó lâu dài với sân khấu truyền thống”.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc tìm kiếm, tuyển nhân lực trẻ cho sân khấu truyền thống, Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định, NSƯT Diệu Hằng cũng nhận định: Việc thu hút các diễn viên trẻ đối với Nhà hát Chèo Nam Định hiện nay rơi vào tình trạng khó khăn. Tỉnh Nam Định có Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch, trong đó có khoa sân khấu, tuy nhiên lượng học sinh học nghệ thuật truyền thống cũng không nhiều, ví dụ như bộ môn cải lương những năm gần đây hầu như không có học sinh đăng ký, bộ môn Chèo thì đỡ hơn một chút. Chủ trương của tỉnh Nam Định, Sở VHTTDL cũng như của Nhà hát là chủ động đào tạo tại địa phương, sau khi các em học xong ở Trường Cao đẳng, về với nhà hát, chúng tôi lại tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng và rèn luyện nghề. Bên cạnh đó, để các em gắn bó hơn với nhà hát thì trong quá trình làm nghề, chúng tôi cũng tiếp tục gửi các nghệ sĩ học tập hệ đại học tại Hà Nội. Công tác đào tạo, rèn luyện về nghề luôn được Nhà hát chú trọng quan tâm, bởi đã là nghệ sĩ đứng trước công chúng thì phải nghiêm túc, chỉn chu về nghệ thuật.

Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định, NSƯT Diệu Hằng: Qua các hoạt động biểu diễn gắn với lễ hội, các nghệ sĩ cũng có thêm nguồn thu, đồng thời mang những giai điệu của nghệ thuật truyền thống đến với khán giả, góp phần vào phát triển du lịch của địa phương  - Ảnh: NVCC

Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định, NSƯT Diệu Hằng chia sẻ, bên cạnh công tác đào tạo, đội ngũ lãnh đạo luôn động viên đội ngũ diễn viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tại nhà hát. Để khích lệ và tăng thêm nguồn thu đối với những người làm nghề, Nhà hát cố gắng nâng cao tiền bồi dưỡng trong các buổi biểu diễn và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có thể diễn thêm ở ngoài nhà hát nhằm tăng thêm thu nhập.

So với các loại hình sân khấu truyền thống khác, thì nghệ thuật chèo tại tỉnh Nam Định được khán giả quan tâm hơn, vì thế từ những sự kiện lớn của tỉnh, các lễ hội, đến các chương trình nghệ thuật ở các xã, thôn vẫn còn vang tiếng hát chèo. “Đặc biệt, vào dịp mùa lễ hội của tỉnh Nam Định là dịp các nghệ sĩ trình diễn các làn điệu chèo và hát văn. Qua các hoạt động này các nghệ sĩ cũng có thêm nguồn thu, đồng thời những người làm nghề thêm nhiệt huyết, từ đó mang những giai điệu của nghệ thuật truyền thống đến với khán giả, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của địa phương” - NSƯT Diệu Hằng cho biết.

NGỌC BÍCH

 

;