Hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD) ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, nhận thức của nhiều người, trở thành một trong những lĩnh vực hoạt động phổ biến trong đời sống văn hóa xã hội ở nước ta. Không những vậy, NTBD còn là 1 trong 12 lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam chọn tham gia vào công nghiệp văn hóa - ngành kinh tế trẻ đang được quan tâm, đầu tư phát triển trong 10 năm tới ở Việt Nam. Kỳ vọng đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp tới 7% GDP, trong đó ngành NTBD đạt khoảng 31 triệu USD. Trên lộ trình phát triển này, NTBD còn chịu nhiều tác động của biến động xã hội, vì vậy quản lý nhà nước phải giữ vai trò then chốt để NTBD đi đúng hướng dân tộc, khoa học, đại chúng.
1. NTBD và quản lý hoạt động NTBD
Ở phương Tây, thuật ngữ Performing Arts đầu tiên xuất hiện trong tiếng Anh vào năm 1711, được hiểu là hình thức nghệ thuật, trong đó các nghệ sĩ sử dụng cơ thể hoặc giọng nói của họ để truyền đạt biểu hiện nghệ thuật. Năm 1970, NTBD là một thuật ngữ toàn cầu, và được định nghĩa cụ thể hơn: “NTBD có nghĩa là nó diễn ra trực tiếp, và đó là nghệ thuật, không phải sân khấu. Nghệ thuật trình diễn cũng có nghĩa là nghệ thuật không thể mua, bán hay trao đổi như một loại hàng hóa” (1).
Ở phương Đông, từ hơn 5.000 năm trước, vũ điệu cổ điển Trung Hoa hình thành từ một trong những môn nghệ thuật giải trí được yêu thích nhất của Trung Quốc - kung fu đã đặt nền móng cho NTBD ở Trung Quốc sau này. Tại Nhật Bản, vào thời Nara (710-794), một loại hình âm nhạc mang phong cách đại lục có tên là Sangaku cũng bắt đầu được biết đến. Đây là các loại hình sân khấu kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, vũ đạo, thơ ca đề cao tính thẩm mỹ, là tiền đề đầu tiên của khái niệm NTBD. Dù vậy, phải đến năm 1991, các khoa học đại học đầu tiên của Nhật Bản về quản lý nghệ thuật mới được giảng dạy bởi khoa Văn học tại Trường Đại học Keio (2).
Tại Việt Nam, theo PGS, TS Trần Trí Trắc, “NTBD là sự thể hiện sáng tạo của nghệ sĩ trước khán giả, là tiếng nói từ trái tim đến trái tim, từ tình cảm đến với tình cảm và trở thành một bảo tàng sống của dân tộc” (3). GS,TSKH Đỗ Văn Khang cho rằng, NTBD là: “văn hóa cao cấp của xã hội, nó khác với văn hóa thông thường. Ở đó có sự tập trung của tài năng nghệ thuật, của giá trị thẩm mỹ, của người xem và của dư luận” (4). Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn đã xác định: “hoạt động tạo ra những sản phẩm nghệ thuật được định hình dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh để truyền đạt trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện kỹ thuật tới công chúng dưới các hình thức biểu diễn nghệ thuật; lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật. Loại hình NTBD bao gồm sân khấu, âm nhạc, múa và các hình thức diễn xướng dân gian từ truyền thống đến hiện đại của Việt Nam và thế giới” (5).
Quản lý hoạt động NTBD là: “một quá trình tác động của chủ thể quản lý (Nhà nước) lên đối tượng quản lý (các cá nhân, doanh nghiệp tổ chức hoạt động NTBD) và khách thể quản lý (các công cụ và phương pháp quản lý). Đó là quá trình tác động liên tục có tổ chức và hướng đích rõ ràng, cụ thể nhằm khai thác các tiềm năng, cơ hội sẵn có trong môi trường” (6). Chính vì NTBD là một loại hình lao động sáng tạo đặc biệt nên quản lý nó cũng đòi hỏi sự khác biệt.
2. Vài nét về quản lý hoạt động NTBD hiện nay
Công tác tổ chức biểu diễn nghệ thuật được đẩy mạnh
Trong thời gian qua, công tác tổ chức biểu diễn nghệ thuật được đẩy mạnh: nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật lớn, quy mô được tổ chức thành công như: Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 (Đợt 2) tại Đắk Lắk với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ đến từ 22 đơn vị nghệ thuật; Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2022 tại Nghệ An (khoảng 600 diễn viên, nhạc công và các thành phần sáng tạo đến từ 11 đơn vị tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước tham gia); tại Hà Nam, 16 đơn vị nghệ thuật chèo với gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên đã tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022; Liên hoan Cải lương toàn quốc đã được tổ chức thành công tại Long An với 22 đơn vị nghệ thuật; Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 tại Hà Nội quy tụ 9 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước; Liên hoan âm nhạc ASEAN 2022 được tổ chức tại Quảng Nam với nhiều tiết mục, thể loại biểu diễn phong phú, đa dạng...
Ngoài các hoạt động liên hoan, hội diễn NTBD, hoạt động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật cũng được chú ý, như cuộc phát động sáng tác với chủ đề Sống mãi với thời gian hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 85 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. Theo đánh giá của Cục NTBD, các Nhà hát, đoàn nghệ thuật thuộc Trung ương cũng như địa phương đã triển khai nhiều hoạt động biểu diễn, chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và tăng cường hoạt động quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống, hiện đại đến với đông đảo quần chúng khán giả trong cả nước... Thông qua các hoạt động này, góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nâng cao trình độ thẩm mỹ cho nhân dân.
Các nhà hát trung ương còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các chương trình nghệ thuật: Lễ hội vì hòa bình Từ mùa hè đỏ lửa 1972 đến những mùa hè hòa bình kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị; Chương trình nghệ thuật Bản hùng ca bất diệt kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ; tham gia Tiểu ban Khai mạc và Bế mạc chương trình nghệ thuật đặc biệt Lễ Khai mạc Bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Việt Nam năm 2021... Công tác biểu diễn giao lưu đối ngoại được các đơn vị nghệ thuật tổ chức thực hiện tốt. Các đơn vị nghệ thuật trung ương còn tham gia tổ chức, biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật trong các sự kiện văn hóa, du lịch và biểu diễn có thu: tổ chức dàn dựng, sửa chữa, nâng cao 38 chương trình, 51 vở; 1.676 buổi biểu diễn. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2022, các đoàn nghệ thuật ở địa phương đã: tổ chức dàn dựng 302 vở, 615 chương trình, 378 tiết mục; sửa chữa, nâng cao 45 chương trình, 92 tiết mục; 8.979 buổi biểu diễn (trong đó có 564 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); 450.000.000 lượt người xem (qua hình thức trực tiếp) và thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình phát trên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook và kênh YouTube... (7). Bên cạnh những hoạt động của các đơn vị NTBD trực thuộc ngành Văn hóa, các hoạt động của các đơn vị NTBD thuộc lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội cũng tham gia vào việc sáng tạo nghệ thuật, tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng và góp phần nâng cao dân trí, trình độ thẩm mỹ.
Công tác quản lý nhà nước về NTBD được chú trọng, tăng cường
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật là một dạng hoạt động trong các hoạt động văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của con người trong đời sống xã hội. Muốn cho NTBD phục vụ được xã hội một cách hiệu quả thì cần phải làm cho nó được hoạt động một cách đúng tính chất, nâng cao dân trí về khả năng cảm thụ nghệ thuật để NTBD phát huy được hết tác dụng của mình. Vì vậy, rất cần có một cơ chế quản lý phù hợp với hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Công tác quản lý nhà nước về NTBD trong thời gian qua được chú trọng, tăng cường được thể hiện qua các hoạt động:
Xây dựng và ban hành các chiến lược, quy hoạch, tiêu biểu như: Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Quyết định phê duyệt số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-9-2016) nhằm triển khai những định hướng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong Nghị quyết số 33-NQ/TW. Từ đó, những quy hoạch, đề án đã được xây dựng để thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển nghệ thuật biểu diễn mà chiến lược đã đề ra. Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn năm 2020 định hướng đến năm 2030; Đề án Tổ chức cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp giai đoạn 2021-2030... đã tạo động lực, cơ hội cho NTBD được phát triển.
Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, văn bản pháp luật: Trong những năm qua, cơ quan quản lý đã và ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực NTBD, dịch vụ văn hóa như: Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25-5-2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng bá; Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 Quy định về hoạt động NTBD... Các văn bản quản lý còn thể hiện các chính sách trong lĩnh vực NTBD như: sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật; bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống; giao lưu quốc tế; hiện đại hóa kỹ thuật và phương thức sản xuất, phân phối tác phẩm nghệ thuật; đào tạo, phát triển đội ngũ nghệ sĩ; đảm bảo ngân sách, điều kiện pháp lý cho phát triển NTBD; nâng cao tính tự quản và phân cấp quản lý...
Tổ chức thực hiện của bộ máy cơ quản quản lý về NTBD: Sự phân cấp quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương có sự kết hợp của các cơ quan tạo ra sự giám sát và điều tiết hiệu quả về hoạt động NTBD. Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương trong thực hiện những định hướng quốc gia trên địa bàn cũng rất quan trọng. Các đơn vị trong lĩnh vực NTBD đã chủ động triển khai, tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như công tác phát triển sự nghiệp do Chính phủ, Bộ VHTTDL và UBND các tỉnh/ thành phố giao.
Công tác chỉ đạo định hướng: Các đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện tốt việc định hướng nội dung, tư tưởng, thẩm mỹ cho các tổ chức, cơ sở và cá nhân tham gia lĩnh vực NTBD trong quá trình làm việc; định hướng nghệ thuật trong quá trình dàn dựng và phổ biến; định hướng mối quan hệ giữa chỉ đạo nghệ thuật với lãnh đạo đơn vị, các thành phần sáng tạo và nghệ sĩ biểu diễn; chỉ đạo, định hướng các hoạt động thanh, kiểm tra, nội dung, chất lượng chương trình... Nhờ có sự chỉ đạo, định hướng sát sao của các cấp quản lý mà các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trong thời gian qua được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa đến cho công chúng những giá trị thẩm mỹ cao đẹp, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Gần đây nhất, Lớp bồi dưỡng kiến thức định hướng, chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn do Cục NTBD tổ chức tháng 4-2023 dành cho các nhà quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, các Sở VHTTDL, các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc đã giúp nâng cao nhận thức về vai trò định hướng chỉ đạo nghệ thuật đối với đơn vị NTBD chuyên nghiệp.
Những tồn tại, thách thức
Những biến động khách quan của xã hội là một trong những yếu tố hạn chế sự phát triển của NTBD. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của kinh tế thị trường cũng tác động mạnh đến việc xây dựng chương trình, tổ chức biểu diễn. Các đơn vị NTBD gặp nhiều khó khăn trong xây dựng chương trình, tổ chức biểu diễn, tiếp cận thị trường... để đáp ứng nhu cầu của công chúng. Cơ chế tự chủ tài chính đã được triển khai ở hầu hết các đơn vị NTBD trong toàn quốc cũng là thách thức đối với các đơn vị. Đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống, việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận, xây dựng chương trình... gặp rất nhiều khó khăn.
Việc “thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật chuyển sang hình thức ngoài công lập vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối, đã phát sinh những bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng trong định hướng hoạt động. Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm văn hóa và các đơn vị nghệ thuật có những điểm chung, nhưng cũng có những đặc thù riêng biệt, nên sẽ có nhiều ảnh hưởng tới công tác quản lý, điều hành đơn vị và triển khai xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ nhân dân” (8).
Chính sách đãi ngộ mang tính đặc thù cho nghệ sĩ, diễn viên còn chưa thỏa đáng dẫn tới nguồn nhân lực cho NTBD gặp nhiều khó khăn. Ở không ít địa phương, mức kinh phí đầu tư cho NTBD còn hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các đơn vị NTBD.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng quản lý NTBD trong tình hình mới
Để nâng cao chất lượng quản lý NTBD trong thời gian tới, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Hoàn chỉnh hành lang pháp lý và cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho công tác quản lý NTBD phát triển, đồng thời cần xây dựng chiến lược, mục tiêu dài hạn
Luật NTBD cần được các cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành, nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn cuộc sống, là kim chỉ nam cho nhà quản lý, nghệ sĩ tham gia lĩnh vực NTBD và các nhà đầu tư thực hiện. Nhà nước có cơ chế, hướng dẫn cụ thể cho việc đảm bảo sự phát triển của NTBD trong thời đại công nghệ số và bối cảnh quốc tế hóa, đặc biệt trong những tình huống khách quan như: dịch bệnh, thiên tai...; cần xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển NTBD dài hạn sẽ tất yếu phải có thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ đi trước đón đầu, trong đó ưu tiên và cần ban hành một chiến lược với mục tiêu cao hơn, đột phá hơn đối với NTBD.
Đổi mới tư duy và nâng cao năng lực quản lý NTBD cho cán bộ quản lý theo kịp xu thế thế giới và thời đại công nghệ 4.0
Cần đổi mới công tác giáo dục tư tưởng để các nhà quản lý nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình cần tự chủ, tự lập trong lộ trình phát triển theo xu thế của thế giới.
Các đơn vị NTBD cần phải năng động, đổi mới, sáng tạo trong việc dàn dựng nắm bắt thị hiếu lành mạnh của khán giả, không ngừng học hỏi từ kinh nghiệm đổi mới tư duy quản lý của quốc tế, những phương pháp quản lý, tiếp cận thị trường của các nước bạn.
Tại Hàn Quốc, trong định hướng quản lý những năm tới đây, họ tiếp tục thực hiện nhiều chiến lược, trong đó có một số điểm liên quan đến NTBD đáng học hỏi như: sử dụng công nghệ nội dung hấp dẫn cho các lĩnh vực hàng đầu của Làn sóng Hàn Quốc. Hỗ trợ các buổi biểu diễn K-pop sử dụng thực tế ảo (VR) và webtoon để tạo nội dung video truyền hình thực tế dựa trên truyền thông di động thế hệ thứ 5, đào tạo nhân tài và hỗ trợ các công ty nội dung củng cố nền tảng cho sự phát triển của ngành. Thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành liên quan với Làn sóng Hàn Quốc mới. Tổ chức các hội chợ và lễ hội Hallyu để giới thiệu các sản phẩm sinh hoạt và văn hóa Hàn Quốc ra nước ngoài, hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm xuất sắc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tái sản xuất nội dung phát sóng để xuất khẩu hoặc sản xuất các chương trình phát sóng phối hợp với sản xuất ở nước ngoài các công ty... Bảo vệ nghiêm ngặt quyền tác giả trong quá trình hậu sáng tác và phân phối. Vì mục tiêu này, Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc đã được thành lập với tư cách là một công ty phi lợi nhuận của Chính phủ, các nhóm liên quan được thành lập theo từng thể loại và họ đang cố gắng hết sức để bảo vệ sáng tạo của mình (9).
Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và nghệ sĩ trong lĩnh vực NTBD
Cần có khảo sát/ nghiên cứu thực tiễn và xác định mục tiêu phấn đấu theo giai đoạn để dự báo nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực NTBD; tư vấn định hướng đào tạo cho các cơ sở giáo dục để mở ngành, tuyển sinh cho phù hợp. Làm tốt bước này sẽ tiết kiệm được không ít kinh phí, tài lực của Nhà nước và người dân, đồng thời định hướng đào tạo nhân lực cho NTBD đi đúng hướng, trúng trọng tâm. Có thể đặt hàng các cơ sở đào tạo yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực quản lý và nghệ sĩ để chuẩn đầu ra đảm bảo đáp ứng xu thế thế giới và thời đại công nghệ 4.0. Xây dựng mô hình đào tạo vừa là trường học vừa là nơi thực hành cho các nhà quản lý NTBD. Nhìn ra thế giới, mô hình này đang được áp dụng. Ví dụ Tổ chức giáo dục đại học tư nhân Văn hóa và Nghệ thuật IESA có kết hợp nghiên cứu quan trọng về các tác phẩm nghệ thuật với việc tiếp thu các kỹ năng thực tế thông qua thực tập. Người học tham dự các lớp học và bài giảng trong viện bảo tàng, di tích lịch sử… Vì vậy, việc học tập của họ được phong phú hơn nhờ sự gần gũi với các tác phẩm nghệ thuật và sự kiện văn hóa lớn... Ở nước ngoài, từ rất sớm, các trường đại học đã tham gia với tư cách là những người chơi chính trong quản lý nghệ thuật. Chương trình giáo dục quản lý NTBD tại Việt Nam nên chăng cần bổ sung những ngành/ học phần mới đáp ứng được xu thế thế giới và thời đại công nghệ 4.0. Cũng có thể phát triển và quản lý được mô hình các cơ sở giáo dục đồng thời là đơn vị/ tổ chức NTBD.
Sự phát triển văn hóa nói chung, NTBD nói riêng trong thời gian sắp tới rất quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, khi bước vào kinh tế thị trường, đời sống xã hội phát triển thì NTBD cần đáp ứng được thị hiếu khán giả và phát triển theo kịp thời đại. Để làm được điều đó, cần sự quản lý hiệu quả hoạt động biểu diễn nghệ thuật, góp phần ổn định chính trị, tư tưởng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
______________
1. Shelley Esaak, Nghệ thuật trình diễn, vi.eferrit.com.
2. Noh, Kyogen Kabuki: Những loại hình sân khấu truyền thống thiếu vắng bóng dáng phụ nữ, kilala.vn.
3. Trần Trí Trắc, Ứng dụng Marketing trong quản lý văn hóa nghệ thuật, Bộ Văn hóa - Thông tin, 2004, tr.265.
4. Đỗ Văn Khang, Nghệ thuật biểu diễn là văn hóa cao cấp của xã hội, baochinhphu.vn, 12-5-2012.
5. Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, ngày 14-12-2020 của Chính phủ về Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
6. Lương Thị Hòa, Quản lý nhà nước đối với biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ, Đại học Luật, Hà Nội, 2022.
7, 8. Ngọc Bích, Năm 2023: Tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, vanhoanghethuat.vn, 8-1-2023.
9. Tình Lê, 3 chiến lược đổi mới hàng đầu cho văn hóa của Hàn Quốc, vietnamnet.vn, 19-12-2022.
Ths TRẦN THỤC QUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023