Tư tưởng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với sự phát triển sân khấu dân tộc

Đoàn kịch Sông Cửu Long ở miền Tây Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp - Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

1. Đặt vấn đề

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, có tính chất mở đường cho văn hóa đi vào hiện thực đời sống của quần chúng nhân dân yêu nước, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, kết thúc với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, tự do; hơn thế nữa, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đặt nền móng cho toàn bộ sự lãnh đạo văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam về sau. Kể từ đó đến nay, tùy theo tình hình chính trị - xã hội cụ thể của từng giai đoạn, từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra những phương hướng, đường lối văn hóa đúng đắn, phù hợp và linh hoạt, trên tinh thần kế thừa và phát huy các nguyên tắc cơ bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.

Lịch sử dân tộc Việt Nam 80 năm qua, kể từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 ra đời tới nay, đã viết nên những trang sử hào hùng: Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945); chiến thắng hai đế quốc lớn là thực dân Pháp (1946-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975) - thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, và từ đó đến nay tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới và hội nhập quốc tế.

Đó là một hiện thực đầy vẻ vang của dân tộc ta, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho văn học, nghệ thuật nước nhà suốt gần một thế kỷ qua, trong đó có sự góp mặt của sân khấu. Sinh thời, NSND Nguyễn Đình Nghi đã từng nói: “Một đất nước có văn hóa không thể nào thiếu sân khấu” (1).

Trong các bộ phận cấu thành nên nền văn hóa dân tộc thì nghệ thuật sân khấu là một bộ phận không hề nhỏ. Về mặt lý thuyết, nếu nhìn theo quan điểm trên diện rộng về văn hóa như Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã khái quát, thì nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã bao chứa đầy đủ trong nó các yếu tố “tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”. Về thực tiễn, lịch sử phát triển sân khấu Việt Nam cho thấy, đó là một quá trình luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc, thực hiện đúng chức năng của nghệ thuật là tấm gương phản chiếu những vấn đề của thời đại, xã hội, đời sống con người... Dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng đối với công tác văn nghệ, sân khấu Việt Nam đã vận dụng các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 một cách linh hoạt, sáng tạo, tùy vào nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Vì vậy, để đánh giá được sự tác động của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đối với nền sân khấu Việt Nam 80 năm qua, hay nói ngược lại, để nhìn nhận quá trình nền sân khấu Việt Nam đã phát huy những tư tưởng cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trên con đường phát triển 80 năm qua, chúng tôi sẽ dùng cách phân kỳ quá trình phát triển của sân khấu tương ứng với các thời kỳ lịch sử lớn đất nước để xem xét.

2. Sân khấu Việt Nam phấn đấu cho một nền nghệ thuật dân tộc, đại chúng và khoa học

Ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng là những yêu cầu cơ bản cho nền văn hóa mới Việt Nam, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung lẫn nhau, trong đó tính dân tộc luôn là yêu cầu đầu tiên, cao nhất. Bên cạnh đó, tùy vào tình hình thực tiễn và nhiệm vụ cách mạng cụ thể của từng thời kỳ mà Đảng ta yêu cầu chú trọng vào nguyên tắc ưu tiên nào đó để tập trung thực hiện.

Sân khấu kháng chiến đề cao tính dân tộc và đại chúng

Trong kho tàng nghệ thuật sân khấu Việt Nam vốn có hai hình thái sân khấu truyền thống lâu đời, đó là: nghệ thuật sân khấu tuồng ra đời vào thời Đinh-Lê, khoảng TK XI, XII, phát triển cực thịnh ở TK XIX dưới triều Nguyễn; nghệ thuật sân khấu chèo ra đời vào khoảng TK XIV, XV. Sau này có thêm nghệ thuật sân khấu cải lương, hình thành vào quãng những năm 1918-1919 ở Nam Bộ. Vào đầu những năm 1920, sân khấu Việt Nam chính thức “kết nạp” thêm một bộ môn sân khấu hiện đại, ngoại nhập là nghệ thuật sân khấu kịch (còn gọi là kịch nói, để phân biệt với kịch hát truyền thống dân tộc).

Kịch nói (drama) vốn là bộ môn nghệ thuật sân khấu được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu TK XX, thông qua các hoạt động văn hóa của trí thức và nghệ sĩ người Pháp ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn, đồng thời, qua chương trình giảng dạy văn học Pháp ở các “trường Tây” thời bấy giờ. Trong buổi đầu tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật phương Tây ấy, các nghệ sĩ Việt Nam được làm quen nhiều nhất với sân khấu cổ điển Pháp TK XVII, nhất là kịch của Môlie. Nghệ thuật kịch đã được giới trí thức trẻ và văn nghệ sĩ Việt Nam đón nhận một cách say mê vì nó hoàn toàn mới mẻ, phù hợp với thị hiếu và tâm tư của tầng lớp trí thức tiểu tư sản và thị dân lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ngay từ buổi đầu xem rồi biểu diễn kịch Pháp, những người tiên phong của sân khấu kịch nói Việt Nam thời đó đã không khỏi băn khoăn và tự đặt câu hỏi: “Tại sao người mình lại ăn mặc quần áo Pháp TK XVII diễn những vở kịch Pháp cho người mình xem?” (2). Thế rồi họ đã bị thôi thúc bởi ý nghĩ đầy tính tự tôn dân tộc là cần phải “mạnh dạn sáng tác những vở kịch nói Việt Nam, nói về đời sống của người Việt Nam, do người Việt Nam diễn, cho người Việt Nam xem” (3).

Ngày 22-10-1921, với việc công diễn thành công vở Chén thuốc độc của Vũ Đình Long, kịch nói Việt Nam đã thành hình và chính thức gia nhập đại gia đình sân khấu Việt Nam.

Từ khi ra đời cho đến khi có Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, kịch nói Việt Nam đã có hơn 20 năm hoạt động. Trong quãng thời gian hơn 20 năm đó, kịch nói Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Đội ngũ các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ ngày càng đông đảo với tính chuyên nghiệp ngày càng cao, trong đó, nổi bật lên là những cánh chim đầu đàn của ngành kịch Việt Nam như: Vũ Đình Long, Nguyễn Hữu Kim, Vi Huyền Đắc, Trần Huyền Trân, Đoàn Phú Tứ, Tương Huyền, Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Lương Ngọc... Kịch nói càng trở thành một sinh hoạt văn hóa - văn nghệ có ý nghĩa xã hội sâu rộng, về mặt nội dung tư tưởng đã góp những tiếng nói tiến bộ đối với quần chúng nhân dân. Tuy là một ngành nghệ thuật mới mẻ, nhưng kịch nói đã thu hút được khá đông đảo giới trí thức và văn nghệ sĩ say mê làm nghề, bên cạnh đó còn có một đội ngũ quần chúng nghiệp dư cũng hăng say sáng tác và diễn kịch. Điều quan trọng là quần chúng đã dần dần thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá về thân phận của người nghệ sĩ. Kịch nói đã sớm thể hiện cái ưu thế quảng đại quần chúng của nó.

Tuy nhiên, kịch nói Việt Nam giai đoạn này cũng còn nhiều hạn chế. Về mặt sáng tác, các tác giả chủ yếu chịu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật kịch cổ điển và lãng mạn Pháp nói riêng, nghệ thuật kịch phương Tây nói chung. Ở thời kỳ này, kịch nói mới chỉ phát triển ở mấy thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn. Nội dung kịch chủ yếu đề cập đến cuộc sống của tầng lớp trí thức trẻ, tầng lớp tư sản mới ra đời và một bộ phận tiểu tư sản thành thị.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cách mạng thì sân khấu yêu nước và sân khấu cách mạng trong các nhà tù đế quốc đã hình thành hai khuynh hướng rõ rệt. Đặc biệt khuynh hướng kịch cách mạng đã hình thành và phát triển trong hoàn cảnh lao tù là khuynh hướng kịch tiên tiến nhất của cả giai đoạn, đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trở thành khuynh hướng chính thống của kịch nói nước ta.

Năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam được công bố đã thu hút đông đảo giới trí thức, các văn nghệ sĩ. Đối với họ, Đề cương về văn hóa Việt Nam như cởi bỏ được nhiều nỗi hoang mang, băn khoăn trước thời cuộc. Bắt gặp tư tưởng chỉ đạo của Đảng phải coi văn hóa là một trong ba mặt trận xung kích của phong trào cách mạng, những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu kịch non trẻ bấy giờ như được tiếp thêm động lực, tìm tòi sáng tạo để xây dựng nền nghệ thuật kịch thực sự của người Việt Nam, mang tâm hồn Việt.

Một cuộc họp của các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp - Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Khi có ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam soi rọi, có sự chỉ đạo sát sao của Đảng đối với văn nghệ sĩ, vạch ra đường lối cụ thể cho giới văn nghệ trên bước đường của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngay sau đó, kỷ nguyên mới của văn học, nghệ thuật thực sự bắt đầu. Sân khấu kịch nói phát huy lợi thế xung kích của mình, đã nắm bắt nhanh nhạy và phản ánh sinh động nhịp điệu sôi nổi của cuộc sống mới, cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân trong cuộc kháng chiến trường kỳ... Bước vào cuộc kháng chiến, các cơ quan lãnh đạo, giới văn nghệ sĩ và các đoàn thể quần chúng đều có sự thống nhất trong nhận thức về vị trí và tác dụng của kịch là “lợi khí tuyên truyền có hiệu lực và sâu sắc đối với đại chúng” (4), và mong muốn “nâng cao sân khấu bình dân lên một địa vị xứng đáng” (5).

Ở thời kỳ đầu, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công đến ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) là quãng thời gian ngắn ngủi, nhưng cùng với các thể loại văn nghệ khác như văn, thơ, nhạc, họa, sân khấu kịch đã nhanh chóng nắm bắt và phản ánh kịp thời những điều mới mẻ của cuộc sống mới do cách mạng mang tới. Phong trào viết kịch và diễn kịch, nhất là kịch tự biên tự diễn, diễn ra sôi nổi từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, từ miền Bắc tới miền Nam.

Ở thời kỳ này, về lực lượng sáng tác, trước hết cần kể tới một số văn nghệ sĩ trước cách mạng đã từng hoạt động kịch nói, đến thời kỳ này lại tiếp tục hăng say sáng tác, đó là: Thế Lữ (tổ chức sáng tác tập thể mấy vở: Ông đồ Giáp, Phan Đình Phùng tiếp sứ, Ông đội Cung, Đời nghệ sĩ, Hai em liên lạc...); Trần Huyền Trân (kịch thơ: Soi đường, Ra đi, Đêm trong tù); Lưu Quang Thuận (Quán Thăng Long, Người Hoa Lư, Cô Giang...); Thâm Tâm (Đầu quân, Lá cờ máu...); Nguyễn Huy Tưởng (Bắc Sơn)... Bên cạnh đó, có một số cán bộ văn hóa văn nghệ trước yêu cầu của phong trào cũng bắt đầu sáng tác kịch bản như: Học Phi (Cà sa giết giặc); Nguyễn Văn Niêm (Vượt ngục); Hoàng Công Khanh (Về Hồ); Vũ Hân (Thi sĩ đầu quân); Hàn Thái Lang (Hoàng Diệu)...

“Kịch bản thời kỳ này, đề tài thật đa dạng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phân biệt trong nội dung của các vở đó ba chủ đề lớn: Yêu nước; Xây dựng cuộc sống mới, con người mới; Ca ngợi cách mạng” (6).

Bước sang thời kỳ toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 đến 10-10-1954), đội ngũ những người viết kịch ngày càng đông đúc hơn, nghệ thuật viết kịch dần dần được nâng cao, nội dung kịch bản ngày càng phong phú, phản ánh sinh động hiện thực cuộc kháng chiến gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của quân và dân ta.

Xác định cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc kháng chiến trường kỳ, kháng chiến của toàn dân, lãnh đạo Đảng và nhà nước đã chỉ đạo tổ chức các chiến khu (quân sự) và liên khu (hành chính). Các văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến đã đến các liên khu, hoạt động trong những tổ chức văn hóa văn nghệ kháng chiến. Từ đây, hàng trăm vở kịch đã được viết ra bởi các cây bút chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư, tạo nên phong trào sáng tác và biểu diễn kịch sôi nổi khắp nơi, cổ vũ kịp thời tinh thần chiến đấu chống giặc dũng cảm của quân và dân khắp mọi vùng, miền đất nước.

Tất nhiên, không phải ngay từ thời gian đầu của cuộc kháng chiến, kịch nói đã đạt được những thành tựu như Đảng, nhân dân và cả giới văn nghệ sĩ mong đợi. Đây là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của các văn nghệ sĩ dưới sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng và tổ chức nghề nghiệp...

 Lấy ví dụ cụ thể về giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến cho đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 7-1948). Về hoạt động sáng tác kịch bản giai đoạn này, có thể kể tên một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu, đó là: Nguyễn Huy Tưởng (Giác ngộ, Những người ở lại); Lộng Chương (Người nữ cán bộ, Lý Thới); Thế Lữ (Cụ đạo - sư ông); Lưu Quang Thuận (Ba người thợ); Hoàng Như Mai (Tiếng súng Hà Hồi, Sát thát); Nguyễn Văn Niêm (Hũ bạc); Đào Mộng Long (Thương binh); Bửu Tiến (Thử thách, Một cuộc thí nghiệm); Huỳnh Văn Cát (Lửa căm hờn, Kho vũ khí, Lời thề độc lập)...

Do yêu cầu cấp bách của công tác tuyên truyền cho kháng chiến nên có một số người chưa viết kịch bao giờ thì nay cũng hăng hái tham gia sáng tác như: Bùi Huy Phồn (Tay người đàn bà); Thanh Tịnh (kịch thơ Hồi trống Châu Phong, Nguyễn Huệ); Nguyễn Lương Ngọc (Cái đèn, Gia đình họ Bạch); Hồ Dzếnh (Người nữ cứu thương Trung Hoa)...

Trong giai đoạn này, “Kịch nói đã sớm biết khai thác những đề tài trong kháng chiến, cố gắng theo sát những chủ trương chính sách trong thời gian này. Một dòng kịch đã hướng vào chủ đề đấu tranh với địch, vừa vạch mặt kẻ thù vừa ca ngợi tinh thần yêu nước của nhân dân, vận động những kẻ lầm đường trở về với kháng chiến” (7).

Tuy nhiên, hoạt động sáng tác kịch trong quãng thời gian này sớm bộc lộ một số nhược điểm. “Nhược điểm quan trọng nhất của kịch lúc này là chưa phản ánh đúng hiện thực của cuộc sống và con người kháng chiến” (8). Về nghệ thuật viết kịch, ngoài các tác giả chuyên nghiệp đã sáng tác từ trước, trong đội ngũ đông đảo của những người tham gia viết kịch, có nhiều người “tuy có vốn sống thực tế, có lập trường quan điểm chính trị vững vàng nhưng thiếu năng lực chuyên môn về viết kịch, vì vậy, thường mắc những nhược điểm phổ biến sau đây: Cấu trúc kịch bản sơ lược, giản đơn, tiến trình logic yếu; Tâm lý, tính cách nhân vật chưa thể hiện rõ qua ngôn ngữ và động tác kịch; Hay mượn lời nhân vật để thuyết lý, tuyên truyền trực tiếp, dài dòng. Chưa làm cho tác dụng giáo dục, tuyên truyền toát lên từ bản thân hành động kịch. Đây là bệnh khá trầm trọng của kịch kháng chiến, nhất là ở thời gian đầu” (9).

Sớm nhận thấy những nhược điểm trong đội ngũ sáng tác, Đảng ta đã chỉ đạo các tổ chức văn nghệ động viên, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ đi sâu vào thực tiễn cuộc kháng chiến, lấy vốn thực tế để sáng tác tốt hơn.

Những quan điểm cơ bản và phương châm hành động do Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đề ra tiếp tục được khẳng định, nhấn mạnh và làm cho sâu sắc hơn trong các văn kiện của Đảng và nhà nước trong các thời kỳ cách mạng tiếp theo. Báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam của đồng chí Trường Chinh đọc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (tháng 7-1948) nhấn mạnh: “Văn hóa dân chủ mới Việt Nam phải gồm đủ ba tính chất: dân tộc, khoa họcđại chúng”. Đồng chí Trường Chinh cũng đã tổng kết bốn loại hình văn nghệ đáng chú ý nhất trong thời điểm này của kháng chiến là: tranh tuyên truyền, báo tường, kịch ngắn và ca hát. Điều đó nói lên vị trí, vai trò và tác dụng của hoạt động kịch nói những năm đầu kháng chiến. Năm 1951, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, báo cáo Về cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh chủ trương xây dựng văn hóa dân chủ nhân dân trên ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng.

Ngoài ra, tại các hội nghị văn nghệ, hội nghị tranh luận về kịch, những người hoạt động sân khấu kịch chuyên nghiệp không ngừng bàn luận, trao đổi, nhằm cùng nhau xây dựng nền nghệ thuật sân khấu kịch nước nhà thực sự dân tộc, khoa họcđại chúng.

Ở những giai đoạn sau của cuộc kháng chiến, sân khấu kịch đã có những bước tiến lớn, có được một số tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng và về nghệ thuật biên kịch. Công tác lý luận về sân khấu kịch bắt đầu được chú ý, nhiều vấn đề của kịch (sáng tác, biểu diễn và công chúng) được đưa ra bàn thảo tại các hội nghị.

Có thể kể tên một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu của sân khấu kịch từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc (7-1948): Nguyễn Huy Tưởng (Anh Sơ đầu quân, Người vợ); Trần Hoạt (Chiến sĩ nông nghiệp, Bình Nghị); Học Phi (Ngày mai); Thế Lữ (chấp bút vở Tin chiến thắng Nghĩa Lộ); Lộng Chương (Du kích thôn Đồi); Nguyễn Văn Niêm (Giữa vòng vây); Đình Quang (Khăn tang kháng chiến); Bửu Tiến (Ba con Huyền, Truyện nhà mẹ Luận); Bàng Sỹ Nguyên (Hai thái độ); Nguyễn Văn Thương (Cai Tô); Ở Nam Bộ có Nguyễn Ngọc Bạch (Bình minh, Thề không đi thành, Tấm lòng vàng); Phạm Ngọc Truyền (Tại ai?), Nguyễn Văn Xe (Lòng dân); Phan Vũ (Chung một kẻ thù)...

Sân khấu kịch kháng chiến còn có một mảng đề tài nông thôn liên quan đến chính sách ruộng đất (giảm tô, giảm tức, chia ruộng cho nông dân) và cuộc cải cách ruộng đất. Điều này cho thấy sân khấu kịch luôn luôn bám sát những nhiệm vụ của cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nêu cao tinh thần dân tộc và vì quyền lợi chính đáng của nhân dân. Về mảng đề tài này có các tác giả và tác phẩm tiêu biểu như: Nguyễn Khắc Dực viết Con bò quả thực, Đình Quang viết Hạt vàng, Nguyễn Huy Tưởng viết Dân cày vùng lên, Lê Sỹ Quỳ viết Nông dân vùng lên, Học Phi viết Chị Hòa...

Nói về hoạt động sáng tác của sân khấu kịch thời kỳ kháng chiến, chúng tôi muốn dành sự ghi nhận đặc biệt đối với nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng. Trong số các tác giả tiêu biểu của sân khấu kịch thời kỳ này, Nguyễn Huy Tưởng là một tác giả tài năng, viết sớm, viết đều đặn và có nhiều vở được ghi nhận là có giá trị về tư tưởng cũng như về nghệ thuật biên kịch. Trước Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Huy Tưởng đã nổi tiếng với vở Vũ Như Tô (1941), trước khi cùng cả nước bước vào cuộc toàn dân kháng chiến, Nguyễn Huy Tưởng viết Bắc Sơn (đầu 1946), trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến, ông viết Giác ngộ, Những người ở lại (1948); Anh Sơ đầu quân, Người vợ (1949); Dân cày vùng lên (1953)... Mỗi vở kịch ra đời đã đánh dấu sự chuyển biến trong nhận thức và trưởng thành trong tư tưởng của tác giả đối với công cuộc cách mạng của đất nước.

Nhìn tổng quát quá trình phấn đấu suốt thời kỳ kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta, những thành tích mà sân khấu kịch đạt được theo đúng các phương châm do Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 khởi xướng quả là to lớn. Tính dân tộc, khoa họcđại chúng đã được thể hiện khá rõ nét trên tất cả các mặt hoạt động của đời sống sân khấu kháng chiến: hoạt động sáng tác, nội dung tác phẩm, hoạt động biểu diễn phục vụ công chúng. Đây là một quá trình đi tìm phương hướng nghệ thuật cho sân khấu kịch nói thực sự của Việt Nam. Cách mạng và kháng chiến đã thay đổi nội dung kịch, thay đổi đối tượng phản ánh cũng như đối tượng phục vụ, thay đổi cả hình thái sân khấu lẫn phương thức tiến hành.

Nếu như ở những năm 20 của TK XX, khi kịch nói vừa du nhập vào nước ta, những trí thức trẻ đầu tiên đặt nền móng cho sân khấu kịch Việt Nam đã có khát vọng sáng tác và biểu diễn những vở kịch của người Việt Nam, nói về người Việt Nam, thì mấy chục năm sau, hoạt động nghệ thuật trong một hiện thực rộng lớn và oai hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, khát vọng ấy càng trở nên rõ ràng hơn, mãnh liệt hơn. Lúc này, các nhà sân khấu Việt Nam cảm thấy những quy tắc chặt chẽ, duy lý của kịch Pháp trở nên gò bó, cản trở việc sáng tác. Họ đã nghĩ ngay đến việc tìm một lối đi mới cho kịch nói Việt Nam. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 7-1948), rồi đến Hội nghị chuyên đề về kịch (tháng 3-1950) người ta nhất trí rằng: Kịch Việt Nam cần đi tìm một hình thái mới, rộng rãi, thích hợp với hoàn cảnh của ta hơn. “Một số người cho rằng kịch nói cần học tập ở chèo trong việc xây dựng những nhân vật hề, tiểu đồng, chủ quán để thể hiện những tính cách vui khỏe, yêu đời, tinh thần đấu tranh với cái xấu dựa trên một ý thức xây dựng; học tập ở chèo tính tập thể trong sáng tác vở, ở sự gắn bó sân khấu với công chúng...” (10). Như vậy, về hướng đi của kịch nói Việt Nam, ngay từ trong thời kỳ kháng chiến, các văn nghệ sĩ đã muốn tiếp cận với đặc trưng của sân khấu cổ truyền dân tộc, điều mà sau này về phương diện lý luận cũng như thực tiễn hoạt động sân khấu đã khẳng định là đúng hướng. “Kế thừa những tinh hoa của kịch thế giới một cách phù hợp với cuộc sống, con người và sân khấu Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu thật thấu đáo nghệ thuật sân khấu cổ truyền của dân tộc, tìm hướng đi cho nghệ thuật kịch Việt Nam không thể thoát ly phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Đó là sự khẳng định có tính nguyên tắc mà mầm mống của vấn đề đã được khơi dậy từ trong kháng chiến” (11). Tùy trong điều kiện cụ thể của kháng chiến, nhiều hình thức nghệ thuật của sân khấu kịch được ra đời như kịch thơ, kịch hoạt báo và hoạt cảnh. Tùy vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi giai đoạn, những hình thức sân khấu kịch đa dạng này đã có những đóng góp khác nhau cho phong trào văn nghệ kháng chiến nói riêng, cho công cuộc kháng chiến và xây dựng cuộc sống mới nói chung.

Song song với việc đi tìm phương hướng nghệ thuật cho kịch bản, còn có vấn đề đi tìm phương hướng cho hình thức sân khấu kịch cách mạng và kháng chiến. Sau Cách mạng Tháng Tám, kịch nói không chỉ được diễn ở sân khấu các nhà hát đô thị, mà phần lớn được diễn ở những sân khấu ứng biến tạm thời. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của kháng chiến, các nghệ sĩ kịch Việt Nam đã thể hiện tính năng động và sáng tạo tuyệt vời, phát huy cao độ khả năng linh hoạt và ưu thế tiếp cận công chúng rộng rãi của kịch nói. Những ai đã từng tham gia kháng chiến chắc không thể nào quên được những đêm sân khấu kịch lửa trại trên các nẻo đường kháng chiến, nơi mà các tác giả, đạo diễn, diễn viên và khán giả nhiều khi là họ cả, nghệ sĩ chuyên nghiệp hay bộ đội, dân quân, người dân đều sáng tác kịch và diễn kịch. Sân khấu đơn giản, linh hoạt, ứng biến, thích hợp với mọi hoàn cảnh không gian và thời gian của cách mạng và kháng chiến. Cũng chính trong điều kiện của cuộc kháng chiến, sân khấu kịch Việt Nam mới có được một thứ sân khấu kịch hoành tráng mang màu sắc sử thi, diễn ra trên một không gian tự nhiên rộng lớn, phục vụ hàng vạn người xem cùng một lúc.

Đóng góp to lớn nhất của sân khấu kịch nói thời kỳ kháng chiến chính là ở nội dung tư tưởng cách mạng của nó. Đó là thời kỳ sân khấu kịch đứng trên lập trường, quan điểm dân tộc cũng như giai cấp của Đảng ta để phản ánh và phục vụ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Những tác phẩm kịch thời kỳ này đã gắn liền với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, ca ngợi lòng yêu nước của nhân dân ta, cổ vũ tinh thần hăng say chiến đấu của quân và dân khắp mọi miền, đồng thời ca ngợi cuộc sống mới, con người mới đang hình thành từ trong kháng chiến.

Từ trong môi trường hoạt động nghệ thuật đặc biệt sôi nổi của sân khấu kháng chiến mà đã trưởng thành lên biết bao tên tuổi các tác giả, đạo diễn, diễn viên kịch nói vừa tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, vừa sung sức tài năng nghệ thuật, như Nguyễn Huy Tưởng, Lộng Chương, Lưu Quang Thuận, Thế Lữ, Song Kim, Đào Mộng Long, Học Phi, Thùy Chi, Trúc Quỳnh... Đó là những nghệ sĩ - chiến sĩ đã có công xây dựng nên nền móng đầu tiên cho nền nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - nền sân khấu luôn phấn đấu vươn tới những tiêu chí nghệ thuật mang đậm tính dân tộc, khoa họcđại chúng.

Sân khấu kịch nói thời kỳ kháng chiến nói riêng, nghệ thuật kịch nói Việt Nam nói chung, bắt nguồn từ một loại hình nghệ thuật du nhập hoàn toàn từ nước ngoài, nhưng đã nhanh chóng nảy nở và phát triển, tạo nên cho mình một bộ mặt nghệ thuật rất riêng đi đôi với nội dung mang tâm hồn Việt Nam. Có được thành quả ấy là nhờ Đảng và Nhà nước ta đã có đường lối văn nghệ đúng đắn, trong đó có vai trò khởi xướng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ không ngừng sáng tạo để phục vụ sự nghiệp cách mạng dân tộc.

(Còn nữa)

_________________

1. Nguyễn Đình Nghi, Kịch nói Việt Nam đến hiện đại từ truyền thống, Kỷ yếu Hội nghị Sân khấu châu Á truyền thống và hiện đại, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nxb Sân khấu với sự tài trợ của Quỹ Ford, 1999.

2, 3. Theo Vũ Đình Long kể lại, trích theo: Phan Kế Hoành - Huỳnh Lý, Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1978, tr.21, 21.

4, 5. Sân khấu bình dân, Báo Cứu quốc, ngày 26-10-1946.

6, 7, 8, 9, 10, 11. Phan Kế Hoành - Vũ Quang Vinh, Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam 1945-1975 (Hoạt động sáng tác và biểu diễn), Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1982, tr.19, 46, 54, 55, 104, 105.

GS, TS LÊ THỊ HOÀI PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;