Nghệ thuật diễn xướng dân gian trong xu hướng chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức

Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ngày 2-12-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 đến 2030 đã khởi đầu cho công cuộc chuyển đổi số (CĐS) tại Việt Nam, mở ra vận hội mới cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nghệ thuật diễn xướng dân gian. CĐS là xu hướng tất yếu đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi cách thức giải quyết phù hợp, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Nghệ thuật diễn xướng dân gian trong xu hướng CĐS hiện nay

Diễn xướng dân gian là những hình thức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật gắn liền với mọi mặt đời sống người dân, được người dân sáng tạo, gìn giữ và trình diễn thông qua các phương tiện biểu hiện khác nhau. Diễn xướng dân gian phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng; thỏa mãn nhu cầu đa dạng của đời sống; phản ánh nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan của người dân Việt Nam từ xưa tới nay.

Các loại hình diễn xướng dân gian hình thành từ những hoạt động ca, múa sơ khai gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động, tín ngưỡng... của nhân dân, nó ra đời từ nhu cầu thẩm mỹ; nhu cầu xây dựng niềm cộng cảm, cố kết cộng đồng; nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo… Diễn xướng mang những đặc trưng cơ bản: sản phẩm sáng tạo của nhiều người qua nhiều thế hệ, được lưu truyền theo nhiều phương thức (nói, kể, ca, vũ, ví, hò, vè, múa, diễn…), được người dân sáng tạo, lưu giữ, trình diễn và truyền dạy trực tiếp dưới dạng “mô hình” sống động, linh hoạt. Từ khi xuất hiện, diễn xướng dân gian mang tính nguyên hợp tự nhiên vốn có trong môi trường phù hợp với chức năng từng loại hình; mang đậm tính cộng sinh, cộng cảm, liên kết hình thành nên cộng đồng bền vững; thể hiện tính độc đáo riêng biệt từng vùng miền từ đó tạo nên sự thống nhất hài hòa chung của tổng thể văn hóa dân gian Việt Nam. Với những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa…, nghệ thuật diễn xướng dân gian thực sự đã trở thành tài sản tinh thần vô giá trong kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc, thể hiện rõ nét nhất bản sắc văn hóa Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử (1).

Trong sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian là điều vô cùng cấp thiết trước nguy cơ mai một dần vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nghệ thuật diễn xướng dân gian cần tiếp tục được quan tâm đầu tư, gìn giữ, để tiếp tục phát huy vai trò quan trọng vốn có của nó trong đời sống xã hội.

Hiện nay, ngoài những phương thức quản lý, bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian mà Nhà nước, ngành Văn hóa và cộng đồng đang tiến hành thì CĐS là xu hướng mới đang được quan tâm. CĐS mang tính tất yếu, đặt ra nhiều vấn đề mới, đưa đến nhận thức mới trong phương thức quản lý văn hóa, nhất là công tác quản lý các loại hình diễn xướng dân gian trên môi trường số. CĐS nói chung và CĐS trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang mở ra những cơ hội và thách thức cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian Việt Nam.

Vậy CĐS là gì? “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số” (2). CĐS là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. CĐS (Digital Transformation) luôn song hành với khái niệm số hóa (Digitizing). Số hóa là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (ví dụ: chuyển tài liệu dạng giấy sang các file mềm, chuyển đổi truyền hình từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số, số hóa vở diễn từ sân khấu thực sang định dạng file hình, file tiếng...). Có thể nói, CĐS là tiến trình khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi những dữ liệu đó, nhằm tạo ra các giá trị mới hơn.

CĐS trên thế giới được biết đến từ những năm 2015, 2017. Tại Việt Nam, CĐS bắt đầu được nhắc đến vào khoảng năm 2018 và thực sự bước vào giai đoạn CĐS khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 đến 2030. CĐS đã và đang tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong lĩnh vực văn hóa, di sản, việc số hóa và từng bước CĐS là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc quản lý, khai thác, quảng bá di sản văn hóa, trong đó có nghệ thuật diễn xướng dân gian. Ngày 31-12-2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Văn hóa trong việc đẩy mạnh CĐS, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

2. CĐS nghệ thuật diễn xướng dân gian và những cơ hội

CĐS là cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình diễn xướng dân gian thông qua việc số hóa với dung lượng rất lớn. Việc số hóa các vở diễn sân khấu dân gian, chương trình ca múa nhạc dân tộc, bài bản, làn điệu cổ… là mong mỏi từ lâu của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ nhằm lưu giữ tinh hoa của các loại hình nghệ thuật diễn xướng. Số hóa là phương cách hữu hiệu để bảo tồn những tư liệu quý, vai diễn điển hình, vở diễn có giá trị sâu sắc trong từng loại hình diễn xướng, phục vụ lâu dài cho công tác nghiên cứu, tạo thành một kho tàng số rộng mở, dễ dàng tra cứu, kết nối và khai thác, phục vụ đắc lực công tác đào tạo, quảng bá nghệ thuật diễn xướng trong tương lai.

Chủ trương số hóa một số loại hình nghệ thuật dân gian điển hình như: chèo, tuồng, múa rối và các chương trình diễn xướng đặc sắc đưa lên môi trường số, các kênh truyền thông cũng như các nền tảng trực tuyến như trang web, Facebook, YouTube... tạo cơ hội kết nối mạnh mẽ, giúp mọi tầng lớp khán giả dễ dàng tiếp cận với các giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống. Trên cơ sở đó, một số đơn vị biểu diễn nghệ thuật như: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã đưa vào thử nghiệm và dần đẩy mạnh hoạt động biểu diễn trực tuyến, “nhà hát số”, “nhà hát online” trong gia đoạn dịch bệnh COVID-19 để duy trì hoạt động, sau đó từng bước hình thành lớp khán giả cho riêng mình, tạo nên một không gian trình diễn, thưởng thức mới mẻ, gần gũi và thuận lợi. Có thể nói, đây là một hướng đi khả quan, mở ra cơ hội tiếp thêm sức sống cho các loại hình diễn xướng dân gian, cho thấy sự thích ứng nhanh chóng và hiệu quả về phương thức trình diễn, đáp ứng đòi hỏi mới của cuộc sống. Đưa nghệ thuật diễn xướng lên các nền tảng kỹ thuật số còn tạo ra môi trường trình diễn mới với sự giúp sức của công nghệ, khai thác tối ưu và nhiều lần tài nguyên số hóa, tăng cơ hội quảng bá nghề nghiệp, giữ lửa nghệ thuật cho nghệ nhân, nghệ sĩ phục vụ công chúng trong thời đại công nghệ số.

CĐS còn tác động tích cực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo văn hóa nghệ thuật nói chung và ngành năng khiếu nghệ thuật dân gian dân tộc nói riêng, vốn được coi là đặc thù truyền nghề, “cầm tay chỉ việc”. CĐS tạo ra hình thức và phương pháp đào tạo trực tuyến, bổ sung song hành với hình thức và phương pháp đào tạo truyền thống trực tiếp, đa dạng hóa việc truyền dạy nghệ thuật diễn xướng và bồi dưỡng thẩm mỹ nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh những thế mạnh nói trên, việc đưa nghệ thuật diễn xướng lên môi trường số còn mở ra cơ hội quảng bá mạnh mẽ với thế giới những tinh hoa nghệ thuật dân gian Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, là đường dẫn tiện lợi, nối gần không gian và thời gian. Từ đây, các loại hình diễn xướng dân gian dễ dàng đến với công chúng toàn cầu, thúc đẩy nhanh chóng và hiệu quả quá trình hội nhập văn hóa. Nghệ thuật diễn xướng thực sự trở thành nguồn lực trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ngoại giao văn hóa, du lịch văn hóa… là phương tiện quảng bá cho hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, là nguồn tài nguyên du lịch có sức hút độc đáo và giàu bản sắc.

3. CĐS nghệ thuật diễn xướng dân gian và những thách thức

Xu hướng CĐS đã và đang tác động trực tiếp đến lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có diễn xướng dân gian, đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết trên cơ sở những đặc thù vốn có của loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời. Tuy chưa đánh giá hết được những đòi hỏi, thách thức của quá trình CĐS nghệ thuật diễn xướng, song bước đầu có thể thấy một vài khó khăn nhất định sau:

Thứ nhất, phải kể đến là cơ sở hạ tầng kỹ thuật và trình độ công nghệ thông tin của các cơ quan quản lý, đơn vị nghệ thuật, nghệ nhân, nghệ sĩ và cộng đồng chưa tương xứng với yêu cầu khách quan của tiến trình CĐS. Việc ứng dụng và triển khai công nghệ thông tin, kỹ thuật số vào các hoạt động chuyên môn còn chậm; sự đầu tư về thiết bị kết nối, đường truyền internet, phần mềm hiện đại còn có hạn chế; công tác phổ cập và nâng cao trình độ công nghệ thông tin đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn còn thiếu đồng bộ.

Thứ hai, bản quyền trong CĐS nghệ thuật là vấn đề nan giải, vì nghệ thuật diễn xướng dân gian vốn được sở hữu bởi quần chúng nhân dân hoặc cộng đồng nơi sản sinh, lưu giữ và trình diễn loại hình diễn xướng cụ thể nào đó. Tuy nhiên, khi đã được số hóa và đưa lên môi trường số, các “tài sản số” sẽ được nhiều người, nhiều nơi kết nối và sử dụng rộng rãi với những mục đích, hình thức khác nhau. Như vậy, câu hỏi đặt ra là bản quyền và sở hữu trí tuệ nguồn “tài sản số” này thuộc về ai và quyền hạn đến đâu giữa các bên liên quan? Có thể nói, việc xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ thể số hóa và dữ liệu số với chức năng, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm cụ thể là một thách thức không nhỏ trong quá trình CĐS nghệ thuật diễn xướng dân gian.

Thứ ba, đầu tư về tài chính cho CĐS. Đất nước ta với 54 dân tộc anh em đã và đang sở hữu kho tàng vô cùng phong phú và đa dạng các loại hình diễn xướng có giá trị về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Qua tính toán sơ bộ cho thấy, không thể cung cấp đủ kinh phí phục vụ bảo tồn hoặc số hóa toàn bộ các loại hình diễn xướng dân gian với số lượng lớn. Vì thế, đầu tư nguồn lực tài chính cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở lựa chọn bảo tồn và phát huy có chọn lọc cũng như số hóa điển hình những loại hình diễn xướng tiêu biểu. Bên cạnh đó, việc đầu tư phải được tiến hành đồng bộ từ nhân lực, chuyên gia, công nghệ, hạ tầng cơ sở, thiết bị… nhằm thúc đẩy quá trình CĐS đạt hiệu quả như mong muốn.

Thứ tư, sự lạc hậu nhanh chóng và thay thế không ngừng của công nghệ. Thực tế hiện nay cho thấy khoa học công nghệ, kỹ thuật số, sản phẩm công nghệ, các loại phần mềm… đang liên tục được thay thế theo xu hướng ngày càng hiện đại và hữu dụng hơn. Ví dụ, việc lưu trữ dữ liệu bằng đĩa than, băng từ cassettes, đã nhanh chóng được thay thế bằng đĩa CD, DVD và sau này là USB, Solid State Driver, Database… Các thiết bị nghe nhìn thông trường như: chiếu bóng, radio, vô tuyến truyền hình dạng analog nay đã được thay thế bằng thiết bị công nghệ kỹ thuật số Digital chỉ trong thời gian ngắn, hoặc sự phát triển vượt trội của công nghệ trình diễn, thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại đã tạo nên hiệu ứng nghệ thuật gấp nhiều lần trước đây đã cho thấy sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Có thể nói, công nghệ ngày càng được sáng tạo đưa vào thay thế với tốc độ nhanh, nhiều và hiện đại, khẳng định vai trò quan trọng của nó trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, tốc độ phát triển và ưu thế vượt trội của công nghệ cũng tạo ra khoảng cách nhất định với quá trình CĐS, làm lạc hậu nhanh chóng công nghệ số hóa nói chung. Vấn đề đặt ra là quy trình chuyển đổi và những ứng dụng công nghệ trong CĐS hiện nay có giữ được những ưu thế trong tương lai, cơ sở dữ liệu số có phải tiếp tục chuyển đổi định dạng cho phù hợp với nhu cầu bảo tồn, kết nối và khai thác tài nguyên số nghệ thuật diễn xướng trong thời gian sắp tới cũng là một câu hỏi lớn cần giải đáp.

Thứ năm, số hóa di sản văn hóa phi vật thể trong đó có nghệ thuật diễn xướng dân gian với những đặc thù riêng biệt luôn đòi hỏi những phương thức, công nghệ và kỹ thuật riêng. Ở góc độ nào đó, những hạn chế nhất định của kỹ thuật và công nghệ trong việc số hóa nghệ thuật diễn xướng có thể làm mất đi cảm giác thực của môi trường và không gian diễn xướng đối với khán giả. Sự mô phỏng, tái tạo của công nghệ không thể lột tả hết được nền cảnh, môi trường văn hóa của nghệ thuật diễn xướng dân gian vốn đã tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm lịch sử. Đặc biệt hơn nữa, việc số hóa với tính chính xác của công nghệ có thể “đóng băng” diễn xướng dân gian trong một khuôn khổ và thời điểm nhất định, không truyền tải được cảm xúc diễn xuất cũng như sự ứng diễn xuất thần của nghệ nhân, nghệ sĩ với không gian và thời gian khác nhau. Làm sao để số hóa được các đặc trưng nghệ thuật vốn có của diễn xướng như: tính ước lệ, tượng trưng, tả ý, tả thần. Làm sao để có thể số hóa được tài năng, kỹ năng, thẩm mỹ và tinh thần của nghệ nhân, nghệ sĩ đã và đang trở thành một thách thức không hề nhỏ trong việc CĐS nghệ thuật dân gian.

4. Giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian trong xu hướng CĐS

Có thể nói, CĐS là xu hướng tất yếu của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn truyền thống, được chính quyền các cấp, ngành Văn hóa, các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nghệ nhân, công chúng quan tâm. Vì vậy, việc quản lý, bảo tồn và phát huy các loại hình diễn xướng dân gian trên môi trường số cần được tiếp tục chú trọng nghiên cứu xứng tầm, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng đa dạng của người dân, thể hiện được tính dân tộc trên nền tảng công nghệ hiện đại. Trong giai đoạn đầu, CĐS di sản văn hóa phi vật thể đã đặt ra những khó khăn, thách thức nhất định. Do vậy, cần có các giải pháp tổng thể, phù hợp và thống nhất từ cơ quan quản lý nhà nước đến cộng đồng cũng như các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhằm bảo tồn và phát huy các loại hình diễn xướng dân gian trong thời kỳ CĐS. Cụ thể:

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về văn hóa. Bổ sung phương thức quản lý mới theo yêu cầu của thực tiễn, trong đó tập trung nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan giáo dục, thông tin truyền thông, pháp luật, công nghệ, an ninh… các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng trong xu hướng CĐS. Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS trong đó có CĐS nghệ thuật diễn xướng dân gian.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian. Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực biểu diễn, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho nghệ sĩ, nghệ nhân. Đầu tư các nguồn lực trong đào tạo và phát triển tài năng nghệ thuật diễn xướng dân gian cho các cơ sở đào tạo thông qua việc số hóa chương trình đào tạo, đề cương môn học, bài giảng điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phương thức đào tạo, trong công tác quản lý dạy và học, tạo điều kiện cho người học nâng cao kiến thức, tư duy sáng tạo và làm chủ được công nghệ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Xây dựng kế hoạch, lộ trình CĐS nghệ thuật diễn xướng dân gian, đầu tư xây dựng hạ tầng số và công nghệ CĐS, trong đó ưu tiên hạ tầng ứng dụng, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thiết bị, hạ tầng kết nối dữ liệu số nghệ thuật. Tăng cường xã hội hóa, tìm kiếm và kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, cá nhân có năng lực tài chính. Liên kết chặt chẽ với các đơn vị truyền thông, công nghệ tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động CĐS nghệ thuật diễn xướng.

Đẩy mạnh truyền thông quảng bá các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian trên môi trường số thông qua việc xây dựng kế hoạch, chương trình biểu diễn online của các đơn vị biểu diễn nghệ thuật dân gian một cách bài bản, hướng đến định hình phong cách và xây dựng thương hiệu trên các nền tảng số. Mạnh dạn thay đổi tư duy trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật diễn xướng trên không gian mạng, chuyên nghiệp hóa việc tương tác và định hướng thẩm mỹ cho khán giả thông qua các kênh online như: trang web, YouTube, Facebook, Zalo… nhằm hình thành lớp khán giả mới có thị hiếu cao đẹp, có tình yêu với nghệ thuật diễn xướng dân gian.

Quản lý, khai thác và kết nối hiệu quả tài nguyên dữ liệu số nghệ thuật diễn xướng dân gian trong hệ sinh thái số quốc gia. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và dự báo về những vấn đề mới tiếp tục phát sinh trong quá trình CĐS nghệ thuật diễn xướng dân gian.

____________________

1. Phạm Tuấn Khoa, Văn hóa diễn xướng dân gian truyền thống Việt Nam, Kỷ yếu Hội nghị - Hội thảo Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, tr.273-276.

2. Nhóm tác giả, Cẩm nang chuyển đổi số, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2020, tr.21.

Tài liệu tham khảo

1. Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Quyết định số 2026/QĐ-TTg, ngày 2-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 đến 2030.

3. Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL, ngày 31-12-2021 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

NGUYỄN VĂN THÙY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;