Những vở kịch ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Nhà hát Kịch Việt Nam

Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Sau thời gian dài đóng băng vì đại dịch COVID-19, các hoạt động nghệ thuật đã nóng trở lại, nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là kịch nói đã tái hiện sinh động những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại như: Người cầm lái - vở nhạc kịch đầu tiên về Bác Hồ do Nhà hát Công an Nhân dân dàn dựng với 200 diễn viên, kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật opera với sân khấu truyền thống, hay Lá đơn thứ 72 của Sân khấu Lệ Ngọc mang tính nghệ thuật cao… Nổi bật trong số đó là những vở kịch đặc sắc, xúc động về Bác Hồ kính yêu của Nhà hát Kịch Việt Nam như: Đêm trắng, chùm kịch ngắn về Bác với 3 tác phẩm (Đoàn kết là sức mạnh, Đôi mắt sáng, Bác Hồ và mùa xuân năm ấy) và mới đây nhất, vào cuối tháng 4-2023, phần mở đầu vở kịch Người đi dép cao su đã được trình diễn, đem lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.

Cảnh trong vở kịch Người đi dép cao su - Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

1. Bước bứt phá của Nhà hát Kịch Việt Nam

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng và biểu diễn thành công hàng trăm vở diễn, được khán giả trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt. Phát huy, tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát hiện nay vẫn tiếp tục cống hiến, lao động sáng tạo không ngừng, mang đến cho khán giả những tác phẩm sân khấu có tầm tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao. Tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ghi nhận và biểu dương những thành tựu của các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát: “Những đóng góp của Nhà hát Kịch Việt Nam trong công cuộc kháng chiến của dân tộc cũng như trong quá trình đổi mới, xây dựng đất nước ngày nay đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao phần thưởng cao quý, xứng đáng với vai trò là cánh chim đầu đàn của sân khấu cách mạng Việt Nam, Anh cả đỏ của sân khấu kịch nói Việt Nam” (1).

Nhà hát đã dàn dựng thành công hàng trăm vở diễn, trong đó có nhiều vở giành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu trong và ngoài nước. Nhà hát là đơn vị nghệ thuật tiên phong trong việc khắc họa hình tượng lãnh tụ trên sân khấu như: hình tượng Lênin, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh tụ nổi tiếng khác… Những vở kịch ca ngợi Đảng, Bác Hồ, hình tượng người chiến sĩ cộng sản, các giai đoạn kháng chiến của đất nước… đã đạt được những giá trị nghệ thuật cao. Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - NSƯT Xuân Bắc khẳng định và tin tưởng vào con đường phát triển của Nhà hát trong thời gian tới: “Chúng tôi quan niệm việc cung cấp những vở diễn hay, chất lượng là trách nhiệm đầu tiên để có thể đỏ đèn và mỗi đêm diễn sẽ là sự sống còn của Nhà hát” (2).

2. Những vở diễn đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đêm trắng

Đêm trắng là một vở kịch từng gây chấn động giới sân khấu Hà Nội những năm 1990 về đề tài chống tham nhũng, được coi là vở diễn sân khấu hay về hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Vở kịch đã được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng và giành Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990. Năm 2005, vở diễn lại một lần nữa được Nhà hát Kịch Việt Nam phục dựng và trình diễn nhiều đêm tại các tỉnh, thành phố và phát trên sóng truyền hình. Năm 2020, vở diễn được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng lại và cũng là tác phẩm chính kịch đầu tay của NSƯT Xuân Bắc, với tư cách là một đạo diễn, dưới sự cố vấn của cố đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang. Đêm trắng đã đoạt giải vở diễn xuất sắc nhất năm 2020.

Đêm trắng kể về câu chuyện Bác Hồ xem xét, cân nhắc để đưa ra hình thức kỷ luật một cán bộ có chức vụ cao trong quân đội là Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Hoàng Trọng Vinh. Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, khi mọi người dân, cán bộ, chiến sĩ gặp muôn ngàn khó khăn thiếu thốn thì Hoàng Trọng Vinh lại lợi dụng của công, tiêu xài hoang phí, ăn chơi vô độ, thiếu trách nhiệm, gạo chất đầy kho nhưng không cấp cho bộ đội, để bộ đội đói rét... Chính em trai Đại tá Vinh, chiến sĩ Hoàng Trọng Dũng đã đấu tranh, tố giác những phần tử thoái hóa, biến chất. Bác Hồ đã có nhiều đêm trắng suy nghĩ, trăn trở để xử vụ án tham nhũng này. Cuối cùng, bản án tử hình đã được đưa ra đối với kẻ phản bội cách mạng, phản bội nhân dân.

Vở kịch thành công khi chọn lối kể chuyện bằng thủ pháp đối lập. Một bên là cảnh núi non hiểm trở, bộ đội đói rét, một bên là cảnh ăn chơi, uống rượu vang và nhảy tango của Đại tá Hoàng Trọng Vinh. Một bên là bộ đội phải ăn sắn, ăn ngô, bên kia là những sơn hào, hải vị. Hiệu ứng đối lập đã khắc họa rõ nét tính cách nhân vật và đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm. Vở diễn thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí… rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng. Đạo diễn, NSƯT Xuân Bắc đã tâm sự khi dựng lại vở Đêm trắng: “Tôi muốn thổi vào đó tinh thần của thời đại, bên cạnh tinh thần phòng chống tham nhũng, còn có những giá trị luôn cần được hun đúc, phát huy, kế thừa, đó là sự tôn vinh, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người cả đời vì nước, vì dân” (3).

Chùm ba vở kịch ngắn về Bác

Trong thời gian qua, nhằm đáp ứng mong mỏi của khán giả trong và ngoài nước được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà hát Kịch Việt Nam quyết định dựng ba vở kịch ngắn về Bác để trong bất cứ hoàn cảnh nào, Nhà hát cũng có thể đem đến cho khán giả những câu chuyện cảm động về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó nhắc nhở thế hệ trẻ mãi mãi ghi nhớ công ơn, học và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Ba vở kịch ngắn: Đoàn kết là sức mạnh, Đôi mắt sáng, Bác Hồ và mùa xuân năm ấy với ba màu sắc, ba câu chuyện ở ba thời kỳ khác nhau nhưng đều thể hiện thành công những phẩm chất cao quý của Bác Hồ.

Đoàn kết là sức mạnh (tác giả: Lê Trinh, đạo diễn: NSƯT Lâm Tùng) kể câu chuyện diễn ra vào thời kỳ chống Pháp. Vở diễn đã thể hiện tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết - Thành công, Thành công, Đại thành công”. Nội dung vở diễn xoay quanh câu chuyện của Đại đoàn Tả Ngạn trên chiến khu Việt Bắc. Những chia rẽ nội bộ trong đơn vị bộ đội, sự đối lập giữa tính nghiêm minh và lòng trắc ẩn, vị tha đã được Bác phân tích, giảng giải đầy sức thuyết phục. Từ đó, từng cá nhân hiểu rõ cần thấu hiểu, chung sức để góp phần vào cuộc chiến đấu chung.

Nếu Đoàn kết là sức mạnh mang đậm ý nghĩa triết lý thì Đôi mắt sángBác Hồ và mùa xuân năm ấy lại giúp người xem hiểu rõ hơn về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đôi mắt sáng (tác giả: Thiên Ân, đạo diễn: NSƯT Tạ Tuấn Minh) kể lại câu chuyện hậu chiến, người chiến sĩ từ chiến trường trở về bị mù lòa, tự cô lập mình, bi quan... Cảm hứng sống của anh đã hồi sinh sau lần được gặp Bác. Đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh đã lựa chọn nghệ sĩ trẻ Quang Đạo đóng vai Bác Hồ. Đây được coi là một xử lý dũng cảm, bởi diễn viên này còn quá trẻ và chưa bao giờ đóng vai lãnh tụ. Sau vở diễn, nhiều đồng nghiệp đã dành lời khen cho diễn viên Quang Đạo. Đạo diễn Tuấn Minh tin rằng nếu có cơ hội, có tài năng và lửa nghề cùng với việc nghiên cứu thật kỹ các tư liệu về Bác thì chắc chắn diễn viên sẽ thành công khi vào vai Bác Hồ.

Bác Hồ và mùa xuân năm ấy (tác giả: Lê Trinh, đạo diễn: NSƯT Bùi Phương Nga) cho thấy sự gần gũi, quan tâm đến đời sống người lao động của Bác. Dưới bàn tay nữ đạo diễn Bùi Phương Nga, các chi tiết về cái nghèo đói của những đứa trẻ, sự chịu thương chịu khó của người phụ nữ lao động nghèo hiện lên đầy xúc động. Vở kịch là dòng hồi tưởng của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác về lần cùng Bác đến chúc Tết gia đình chị Tín - một người phụ nữ nghèo, góa chồng ở Thủ đô. Đêm giao thừa, chị vẫn phải đi gánh nước thuê để có tiền mua bánh chưng cho các con. Bác đã đích thân đến chúc Tết gia đình chị Tín vào đúng đêm giao thừa. Vở kịch như lời nhắc nhở ân cần của Bác với mỗi người cán bộ phải gần dân, vì dân.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, nhà biên kịch Lê Trinh cho biết: “Mặc dù đã đọc nhiều, nghe nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng khi viết kịch bản về Người, tôi cũng khá áp lực. Áp lực vì câu chuyện kịch mình viết ra không những phải hay, cuốn hút mà còn phải truyền tải được tấm gương, đạo đức của Người. Nhưng rồi áp lực đó cũng qua nhanh, bởi khi càng đọc, càng tiếp xúc với những câu chuyện của Người, càng thấy thấm thía nhiều bài học… Và từ sự thấm thía ấy đã giúp tôi viết kịch bản một cách rành mạch và thuận lợi hơn”.

Vở Đoàn kết là sức mạnh đã vinh dự được lựa chọn biểu diễn phục vụ chính trị tại nhiều đơn vị như: buổi sinh hoạt chính trị với chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh - tên Người sáng mãi được dàn dựng Chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Nhà hát phối hợp với Quận ủy Hoàn Kiếm tổ chức; buổi sinh hoạt chính trị tại Huyện ủy Đông Anh, tại quận Thanh Xuân và nhiều đơn vị khác. Với chùm ba vở kịch ngắn về Bác Hồ, chương trình nghệ thuật Tên Người sáng mãi của Nhà hát Kịch Việt Nam đã giúp khán giả hiểu hơn về cuộc đời, tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó không ngừng học tập, tu dưỡng.

Trong chương trình Hành trình Xuân biên giới tháng 3-2023, vở kịch Đoàn kết là sức mạnh đã được lưu diễn phục vụ chính trị tại các đồn biên phòng của ba tỉnh: Lào Cai, Sơn La và Lai Châu. Đây là chương trình khởi động trong dự án cộng đồng Happy Smile - Nụ cười hạnh phúc (dự án hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam) nhằm nâng cao đời sống tinh thần, phát triển nghệ thuật sân khấu của Việt Nam. Với hơn 10 đêm diễn, các nghệ sĩ của Nhà hát đã có mặt tại huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát (Lào Cai); huyện Phong Thổ (Lai Châu); thị trấn Yên Châu (Sơn La)... Các vở diễn mang lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, thêm kính yêu, tự hào về Bác Hồ.

Nghệ sĩ Minh Hải được đánh giá là gương mặt xuất sắc khi hóa thân hình tượng Bác Hồ từ năm 2009 đến nay như: phim truyện Vượt qua bến Thượng Hải, Ý chí độc lập và khoảng 30 vở kịch như: Bác Hồ ra trận, Nước mắt giữa rừng Pác Bó, Bác không phải là vua. Hóa thân vào vai Bác Hồ trong chuyến lưu diễn lần này, nghệ sĩ Minh Hải không khỏi xúc động: “Tôi rất hạnh phúc và tự hào mỗi khi được hóa thân vào vai Bác Hồ. Nhất là Chuyến xe hạnh phúc đã đưa nghệ thuật sân khấu đến với khán giả ở vùng sâu, vùng xa, lan tỏa vẻ đẹp, giá trị của nghệ thuật sân khấu tới bà con” (4).

Người đi dép cao su

Sau hai tháng miệt mài chuẩn bị, ngày 23 và 24-4-2023, Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở Người đi dép cao su của tác giả nổi tiếng người Algeria - Kateb Yacine (1929-1989) nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Algeria. Vở diễn đã mang tới cho khán giả những cảm xúc đặc biệt bởi cách dàn dựng mới lạ, hấp dẫn.

Năm 1967, thời kỳ giặc Mỹ đang leo thang bắn phá miền Bắc dữ dội, Kateb Yacine đã đến Việt Nam. Những điều mắt thấy, tai nghe trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt đã thôi thúc ông tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam và vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Tình yêu, sự kính trọng đối với nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhà văn. Và kịch bản Người đi dép cao su đã ra đời. Kateb Yacine đã khắc họa hình tượng vị lãnh tụ một cách bình dị, khiêm nhường nhưng vô cùng vĩ đại. Không những thế, Người đi dép cao su đã thể hiện thành công những phẩm chất cao quý, tinh thần quật cường của một dân tộc, dám đứng lên giành tự do, độc lập suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Vở kịch Người đi dép cao su được TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng biên tập lại. Nguyên tác Người đi dép cao su dài 304 trang, có 1.800 lời thoại, gồm 8 hồi, với khoảng 150 nhân vật có tên và không tên. Hiện, Nhà hát chưa có điều kiện dàn dựng toàn bộ tác phẩm mà chỉ có thể lựa chọn, biên tập, dàn dựng phần đầu với mong muốn tái hiện một phần nào đó chặng đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, dưới góc nhìn của một nhà văn nước ngoài.

Kịch bản Người đi dép cao su đã có những xử lý khoa học, phù hợp giữa những yếu tố lịch sử, chính trị và sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lớn lao, vĩ đại, vừa hết sức gần gũi. Người đi dép cao su gắn với diễn biến nhân quả trên trục thời gian của các sự kiện. Kịch không có thắt nút, mở nút. Không còn bị khuôn vào cái khung nghệ thuật quy ước bởi không gian và thời gian. Là kịch thơ mà không phải thơ. Lời thoại của các nhân vật là thơ văn xuôi tự do, không vần nhưng có nhịp điệu.

Đạo diễn và êkíp sáng tạo đã tìm cách hóa giải kịch bản sân khấu bằng phong cách mới lạ, có sự kết hợp hình thức kịch cổ điển châu Âu và hình thức sân khấu truyền thống Việt Nam với tính ước lệ cao. Trong khoảng 60 phút, vở diễn đã đưa khán giả bước vào những trang sử vàng của dân tộc, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trải qua các cuộc đấu tranh gìn giữ đất nước qua các thời kỳ, với điểm nhấn là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bình dị, gần gũi mà cao cả, thiêng liêng. Sự hóa thân thành công của nghệ sĩ Quang Đạo - vai Nguyễn Ái Quốc và nghệ sĩ Minh Hải trong hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần làm nên thành công của vở diễn. Người xem như được sống lại trong những mốc son lịch sử, hòa mình vào không khí sục sôi của cuộc kháng chiến chống Pháp với điệu hò kéo pháo, vỡ òa cảm xúc với chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, bồi hồi xúc động khi được nghe giọng nói thân quen của Bác khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập...

 Người đi dép cao su có kết cấu chặt chẽ, giàu sức gợi, âm nhạc mang tính biểu trưng cao, được dàn dựng không chỉ bởi tài năng mà còn cả sự tâm huyết của êkíp sáng tạo. Lời thoại trau truốt, từ thiết kế phục trang cho tới diễn xuất của những vai quần chúng cũng cẩn trọng, kỹ lưỡng...

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine xúc động nhận xét: “Trong tác phẩm này, nhân dân Việt Nam hiện diện một cách rất sống động, họ đứng lên, chiến đấu quả cảm và anh hùng. Điều đó nói lên rằng Kateb Yacine đã nghiêm túc nghiên cứu các tài liệu lịch sử, tên người, địa danh, sự kiện và sau đó tất cả được thể hiện thông qua sự chọn lọc khắt khe từng câu từ…” (5). Đại sứ cũng mong muốn Người đi dép cao su sớm được biểu diễn tại đất nước Algeria.

3. Thay lời kết

Mỗi vở kịch về Bác là một câu chuyện cảm động, tuy có khoảng cách thời gian so với hôm nay nhưng tư tưởng, bài học giáo dục từ những câu chuyện ấy vẫn mang tính thời sự, đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả, đặc biệt nhắc nhở thế hệ trẻ mãi mãi ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các thế hệ đi trước để không ngừng học tập, tu dưỡng, phấn đấu, cống hiến cho đất nước. Các vở diễn về Bác Hồ nói chung, các vở kịch về Bác Hồ của Nhà hát Kịch Việt Nam nói riêng đã lan tỏa di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới khán giả, giúp khán giả hiểu hơn về cuộc đời, tư tưởng, phong cách của Người. Các tác phẩm nghệ thuật về Bác Hồ kính yêu góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Di chúc và những lời căn dặn của Người trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Hy vọng rằng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều vở kịch hay về Bác, như niềm tin của NSƯT Lê Chức - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam từng chia sẻ: “Tôi tin các tác phẩm sân khấu thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sẽ luôn luôn hấp dẫn khán giả” (6).

______________

1. Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, 14-12-2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam.

2. Bài phát biểu của Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - NSƯT Xuân Bắc, 14-12-2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam.

3. Việt Hà, Đêm trắng - tiếng nói trực diện chống tham nhũng, cand.com.vn, 22-1-2021.

4. Tùng Linh, Xem kịch về Bác Hồ ở vùng cao biên giới, qdnd.vn, 28-3-2023.

5. Phát biểu của ông Abdelhamid Boubazine - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria tại Việt Nam tại lễ khởi công vở Người đi dép cao su, 15-2-2023 tại Nhà hát Kịch Việt Nam.

6. Hương Sen, Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu truyền thống, daibieunhandan.vn, 18-5-2022.

TS NGUYỄN LIÊN HƯƠNG - Ths NGUYỄN VĂN THIỀU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;