Một số vấn đề và giải pháp về quản lý sân khấu kịch nói xã hội hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Trong mối tương quan và song song tồn tại với các loại hình nghệ thuật khác, kịch nói là một mắt xích quan trọng, góp phần tạo nên một nền văn nghệ đặc trưng, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh những thành tựu, kịch nói Việt Nam nói chung và kịch nói xã hội hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nói riêng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Với bối cảnh phát triển của đất nước như hiện nay, vấn đề quản lý sân khấu kịch nói xã hội hóa cần được nghiên cứu, quan tâm và có chính sách thỏa đáng.

Từ khóa: quản lý sân khấu TP.HCM, quản lý văn hóa, sân khấu xã hội hóa.

Abstract: In relation to and existing in parallel with other art forms, spoken drama is a crucial link, contributing to the creation of a distinctive, diverse, and deeply nationalistic Vietnamese culture and arts. Alongside its achievements, Vietnamese spoken drama in general, and socialized spoken drama in Ho Chi Minh City (HCMC) in particular, are facing numerous difficulties and challenges. Given the current developmental context of the country, the management of socialized spoken drama stages requires research, attention, and appropriate policies.

Keywords: HCM City theater management; cultural management; socialized theater.

Kịch Sài Gòn có một ngã tư (sân khấu Hoàng Thái Thanh) - Ảnh: hoangthaithanh.com

1. Vài nét về mô hình sân khấu kịch nói xã hội hóa tại TP.HCM

Có hai loại hình sân khấu kịch chính: sân khấu kịch do Nhà nước quản lý, tài trợ và sân khấu kịch do tư nhân quản lý, hay còn gọi là sân khấu kịch xã hội hóa. Theo đó, sân khấu xã hội hóa là một khái niệm phổ biến trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam, đặc biệt từ những năm 1990 trở lại đây, đề cập đến sự tham gia của các tổ chức, cá nhân ngoài khu vực Nhà nước trong việc đầu tư, tổ chức biểu diễn, quảng bá và duy trì hoạt động nghệ thuật.

Nhìn lại con đường phát triển của sân khấu kịch nói TP.HCM, chúng ta thấy trước năm 1975, sức sống tân thời của các sân khấu kịch chính là những tiếng nói phản ánh nguyện vọng, tâm tư của người dân. Thời điểm đó, có không quá 10 sân khấu kịch tồn tại, góp phần làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ tiêu biểu của sân khấu miền Nam như: kỳ nữ Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Vân Hùng, Túy Hoa, Túy Hồng…

Khi CLB Kịch thể nghiệm của Hội Sân khấu TP.HCM ra đời (năm 1984), một nguồn sinh lực mới được hình thành và sản sinh ra lực lượng nghệ sĩ trẻ hùng hậu, nhiệt huyết, tài năng. CLB đã tạo được uy tín và năm 1997, được nâng tầm thành Nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ (Sân khấu kịch 5B) - sân khấu xã hội hóa đầu tiên, mở ra một bước ngoặt lớn cho sân khấu TP.HCM nói chung và sân khấu kịch nói riêng.

Kế thừa và phát huy thành tựu đó, những năm sau, hàng loạt sân khấu kịch xã hội hóa với những tiêu chí nghệ thuật riêng ra đời, như: Idecaf, Phú Nhuận - Hồng Vân, Sài Gòn, Hoàng Thái Thanh, Thế Giới Trẻ - Kịch Gia Đình… Trong thời gian dài, mô hình sân khấu kịch xã hội hóa đã khẳng định được tên tuổi, vị thế, vai trò trong hoạt động và phát triển, thể hiện sự gắn bó, đi vào những góc cạnh của đời sống xã hội, tâm lý con người thời đại mới.

Bên cạnh những thành công và thuận lợi, tình hình hoạt động của các sân khấu kịch ở TP.HCM trong thời đại mới vẫn bấp bênh, gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức biểu diễn. Tình trạng khan hiếm kịch bản chất lượng, thiếu hụt đội ngũ tác giả, đạo diễn và diễn viên tài năng, có tâm huyết và sự nghiêm túc với nghề, cơ sở vật chất xuống cấp, việc giữ chân khán giả gian nan... đang khiến cho hoạt động của sân khấu kịch thành phố rơi vào trạng thái chông chênh, thiếu sức sống, giảm chất lượng và thiếu sự gắn kết.

Dựa vào tình hình hoạt động thực tế chung của các sân khấu kịch nói xã hội hóa tại TP.HCM và tiến hành nghiên cứu thực trạng về mặt hành chính trong cơ cấu tổ chức - nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính và quản lý về kịch mục, phong cách nghệ thuật, tổ chức biểu diễn, đào tạo nhân lực, hoạt động marketing - quảng cáo, khán giả... của một số sân khấu tiêu biểu, chúng tôi rút ra một vài nhận xét về những thuận lợi và khó khăn mà các sân khấu này đang phải đối mặt.

Nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ tọa lạc số 5B Võ Văn Tần, Q.3 (trước đây) ngay trung tâm thành phố nên dễ tiếp cận đến khán giả. Mặt bằng sân khấu biểu diễn thuộc sở hữu của Nhà hát, ban quản lý toàn quyền sử dụng mà không tốn kinh phí thuê. Là loại hình sân khấu thể nghiệm ra đời từ rất sớm, nên tiếng vang và sức ảnh hưởng, sự chú ý của 5B ở mức ổn định - đây là một lợi thế cho việc quản lý sân khấu. Ban lãnh đạo, diễn viên, đạo diễn tâm huyết với nghề, với khán giả và không ngừng đổi mới các thể loại kịch. Tuy nhiên, 5B vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục như: cơ sở vật chất đã cũ, sân khấu biểu diễn ở trên tầng cao, khán phòng chật hẹp, đi lên bằng cầu thang bộ cũ kỹ, không có thang máy; đội ngũ diễn viên, đạo diễn có tuổi nghề khá cao, được nhiều người biết đến, nhưng tên tuổi đa phần đã cũ, với khán giả trẻ hiện nay, 5B chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu về “ngôi sao” hay “tên tuổi” mới nổi...

Sân khấu kịch Idecaf đã rất quen thuộc với khán giả đa dạng lứa tuổi bằng thương hiệu kịch Ngày xửa ngày xưa. Đây là sân khấu kịch có sức thu hút rất lớn, vở diễn nào cũng đông khán giả. Vị trí sân khấu tại Lê Thánh Tôn, Q.1 (trước đây) đắc địa, mang lại nhiều thuận lợi trong quảng bá, biểu diễn… Ban lãnh đạo, diễn viên, đạo diễn của sân khấu rất tâm huyết với nghề, với khán giả và cho sự tồn tại, phát triển của sân khấu, đặc biệt là kịch cho thiếu nhi. Một điểm thuận lợi nữa của Idecaf là có đội ngũ diễn viên là những ngôi sao kịch nói tên tuổi như: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSND Kim Xuân… Dù một số nghệ sĩ nay đã ít xuất hiện hơn nhưng vẫn để lại dấu ấn cho sân khấu. Khó khăn mà Idecaf gặp phải là phải thuê các điểm biểu diễn, nên việc cải tạo, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phải được sự đồng ý của chủ sở hữu, khiến ban lãnh đạo sân khấu nhiều lần đắn đo, suy nghĩ. Sân khấu xuống cấp làm khán giả ngần ngại khi lựa chọn suất diễn. Vấn đề thứ hai Idecaf phải đối mặt là về diễn viên. Cái bóng tên tuổi của những diễn viên gạo cội quá lớn, khiến họ bao trùm mọi suất diễn, vì vậy khi gặp sự cố, khó có thể thay thế diễn viên để giữ vững doanh thu.

Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ tọa lạc gần trung tâm Q.1 (trước đây), có sân khấu và cơ sở vật chất được cho là hiện đại nhất, đẹp nhất trong ba sân khấu. Ban lãnh đạo đã mạnh dạn đầu tư cả sân khấu quay với thiết bị âm thanh, ánh sáng, cảnh trí theo phong cách kịch hiện đại. Sở hữu đội ngũ diễn viên trẻ, ngôi sao trẻ đồng đều về tên tuổi, tuổi nghề và sức hút khán giả, quen thuộc với đại chúng, Thế Giới Trẻ không bị động trong việc tìm kiếm diễn viên thay thế khi có sự cố bất ngờ. Nằm trong khuôn viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nên sân khấu này cũng chưa bao giờ thiếu nhân lực hoạt động. Tuy nhiên, điểm diễn của Thế Giới Trẻ cũng là đi thuê, việc đầu tư cơ sở vật chất đem lại nhiều rủi ro. Đã vậy, Thế Giới Trẻ chỉ được thuê điểm diễn vào ba ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật) nên suất diễn hạn chế. Vào những ngày đầu tuần, các nhóm khác thuê địa điểm này, và chất lượng biểu diễn của các nhóm đó không ổn định, dễ khiến khán giả nhầm lẫn. Khán giả cũng chưa thực sự đánh giá cao chất lượng nghệ thuật, tính nhân văn sâu sắc của các vở diễn trên sân khấu Thế Giới Trẻ, mà chỉ nhớ đến những vở diễn theo xu hướng, đề tài nóng khiến họ tò mò, xem để thuần giải trí.

Trong thời đại bùng nổ Công nghệ 4.0, các loại hình giải trí hiện đại xuất hiện rầm rộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của công chúng, đối lập hoàn toàn với tình trạng sân khấu kịch quanh quẩn với phong cách phục vụ lối mòn, không gian khán phòng cũ kỹ, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu những vở diễn có chiều sâu nghệ thuật và đậm chất giải trí. Thực trạng của ba sân khấu kịch xã hội hóa trên cho thấy sự cấp thiết phải quan tâm đến vấn đề quản lý, để không chỉ bảo tồn mà còn phát triển sân khấu kịch nói.

2. Giải pháp quản lý sân khấu kịch nói theo phương thức xã hội hóa ở TP.HCM

Từ thực trạng nêu trên, tác giả xin đưa ra một số giải pháp quản lý sân khấu kịch nói xã hội hóa ở TP.HCM dưới các góc độ: công tác quản lý nhà nước; công tác quản lý ở các đơn vị sân khấu kịch nói xã hội hóa và công tác chuyên môn nghệ thuật.

Giải pháp về công tác quản lý nhà nước

Để có cơ sở quản lý tốt, việc quan trọng hàng đầu là hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu kịch nói, đảm bảo sự toàn diện, đồng bộ và phù hợp với đường lối của Đảng, cũng như pháp luật của Nhà nước. Cần điều chỉnh, bổ sung những chính sách đã ban hành cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và những cam kết quốc tế; loại bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở sự phát triển.

Cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức biểu diễn của các sân khấu. Ngoài việc tự dàn dựng các vở diễn, các đơn vị sân khấu cần có sự hỗ trợ của Thành ủy, Sở VHTT, Sở Giáo dục và Đào tạo… thông qua cơ chế đặt hàng. Chẳng hạn, vở Dấu xưa của Sân khấu 5B từng được Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM hỗ trợ biểu diễn 30 suất trong năm 2017 để phục vụ tuyên truyền, ôn lại ký ức hào hùng và lịch sử vẻ vang của dân tộc. Sân khấu Thế Giới Trẻ phối hợp với các trường trung học phổ thông (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) biểu diễn vở Cõng mẹ đi chơi phục vụ học sinh nhằm giải trí và nâng cao hiệu quả giáo dục. Ban Tuyên giáo Thành ủy, Đài Truyền hình TP.HCM từng đặt hàng rất nhiều vở kịch thiếu nhi từ Sân khấu Idecaf trong các chương trình như Chuyện ngày xưa, Chuyện cổ tích, Ngày xửa ngày xưa… Thời gian qua, nhiều vở diễn được đặt hàng đã mang lại kinh phí và sức sống cho sân khấu kịch xã hội hóa.

Ngoài ra, Nhà nước cũng như TP.HCM cần kịp thời ban hành những chính sách đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng cho các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu, kể cả công lập và xã hội hóa, đối với những vở diễn có chủ đề, tư tưởng tốt và giá trị nghệ thuật cao. Phát hiện, bồi dưỡng và trân trọng những tài năng; đồng thời cần thống nhất về cách nhận diện nhân tài và những chính sách đãi ngộ, ứng xử phù hợp . Đặc biệt, đảm bảo tự do sáng tác và phát huy quyền sáng tạo của văn nghệ sĩ, đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân của từng cá nhân đối với xã hội.

Cần đổi mới các thủ tục hành chính theo hướng công bằng, dân chủ, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân và đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam. Thực hiện đồng bộ, tạo được bước chuyển biến rõ rệt trong công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối và đổi mới phương thức làm việc; phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý về văn hóa, quản lý nghệ thuật, quản lý sân khấu kịch nói công lập và xã hội hóa cho các địa phương.

Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động nghệ thuật, quản lý sân khấu kịch công lập và ngoài công lập đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất để đảm đương công việc . Bảo đảm thành phần của Hội đồng Nghệ thuật cấp Sở, gồm đội ngũ cán bộ, công chức và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, vững vàng về tư tưởng chính trị, tinh thông về nghề nghiệp. Tổ chức các lớp học, tọa đàm để bổ sung kỹ năng, cập nhật các phương pháp quản lý sân khấu của thế giới và tìm cách dung hòa ở Việt Nam.

Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin vào công tác quản lý như: ban hành các văn bản quản lý ; xử lý hồ sơ, thủ tục xin cấp phép biểu diễn qua môi trường điện tử để rút ngắn thời gian chờ đợi ; các báo cáo thuế, báo cáo hoạt động của sân khấu kịch, các tổ chức biểu diễn cũng cần được điện tử hóa để nhanh chóng và kịp thời hơn...

Trong những năm gần đây, Nhà nước đã tích cực đầu tư cho việc xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng, nhà văn hóa, rạp hát. Tuy nhiên, thực trạng vẫn còn nhiều đơn vị nghệ thuật không có địa điểm để biểu diễn, trong khi không ít công trình được xây dựng hoành tráng nhưng số lượng đêm diễn, buổi biểu diễn còn khiêm tốn. Nhiều điểm diễn của sân khấu xã hội hóa đã xuống cấp từ lâu nhưng vẫn chưa được quan tâm, sửa chữa. Cần tạo sự công bằng trong quản lý và phân bổ nguồn lực dựa trên giá trị sử dụng thực tế, để không tái diễn tình trạng thiếu địa điểm ở nơi cần thiết, thừa ở nơi không hiệu quả.

Giải pháp về công tác quản lý của các đơn vị sân khấu kịch nói xã hội hóa

Lãnh đạo nhà hát, sân khấu kịch cần có kế hoạch, quy hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, năng lực cạnh tranh và tổ chức hoạt động đơn vị. Cơ quan chủ quản cần áp dụng chính sách đào tạo, bồi dưỡng định kỳ và cơ chế đảm bảo chất lượng nâng cao chuyên môn cho đội ngũ lãnh đạo.

Ngoài biểu diễn tại chỗ, các sân khấu xã hội hóa có thể tham khảo hình thức lưu diễn, biểu diễn phục vụ chính trị và theo các hợp đồng. Đơn cử như Nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ đã có những suất diễn phục vụ (trước đây chỉ dành cho những đơn vị công lập) ở các trường giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm, trung tâm cai nghiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở VHTT TP.HCM. Sân khấu kịch Idecaf cũng có những chuyến lưu diễn phục vụ cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa nhằm lan tỏa tình yêu kịch và thu hút khán giả đến với sân khấu.

Song song với tuyển chọn nhân sự chuyên trách có chuyên môn cao, nhất là bộ phận nghệ thuật, marketing và giáo dục nghệ thuật, các sân khấu kịch xã hội hóa cần tăng cường mở các lớp, các khóa tập huấn, đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ làm marketing, cùng đội ngũ diễn viên, đạo diễn và nhân lực trẻ. Các sân khấu hiện nay có mở những lớp đào tạo diễn viên nhưng chủ yếu là truyền nghề. Do vậy, các cơ quan quản lý và các sân khấu xã hội hóa cần làm việc chặt chẽ để xây dựng giáo trình đào tạo nhân sự văn hóa nghệ thuật bài bản.

Trong cơ chế thị trường, đặc biệt là xu hướng xã hội hóa, rất cần chú trọng đến đối tượng khán giả. Theo đó, các sân khấu kịch phải chủ động, tích cực, góp phần định hướng thẩm mỹ và nâng cao trình độ thưởng thức, xây dựng thị hiếu lành mạnh cho khán giả, không được quên chức năng giáo dục của sân khấu.

Ngoài ra, cần đặt mục tiêu tăng cường sản xuất và biểu diễn các vở kịch dành cho giới trẻ, nhất là học sinh và sinh viên, đưa bộ môn sân khấu vào trong học đường. Việc này vừa phát triển năng khiếu, tìm kiếm tài năng vừa định hướng thẩm mỹ và giáo dục nghệ thuật cho đội ngũ tương lai. Chỉ có hiểu sân khấu, hiểu thế nào là nghệ thuật thì họ mới yêu sân khấu, rồi chính họ sẽ là lực lượng “nuôi” sân khấu sau này.

Với đặc thù tự thu, tự chi, sân khấu kịch xã hội hóa “sống” được hay không là nhờ vào khán giả. Khán giả chính là khách hàng và sân khấu là nhà kinh doanh. Làm thế nào để thu hút được khách hàng là điều ban quản lý sân khấu cần suy nghĩ. Nắm bắt thị hiếu, nhu cầu khán giả để kịp thời điều chỉnh là giải pháp đầu tiên. Các sân khấu kịch xã hội hóa cần xác định rõ phong cách nghệ thuật của các vở diễn, phải tạo dựng và giữ gìn bản sắc riêng để tạo dấu ấn trong lòng khán giả, không bị lẫn lộn với các sân khấu khác.

Cùng với đó, cần phải tăng cường chiến dịch quảng cáo, tiếp thị. Việc ứng dụng thành quả của công nghệ hiện đại vào trong quảng bá, quảng cáo, giới thiệu vở diễn, bán vé và kết nối khán giả là điều cần thiết. Trong đó, các sân khấu kịch cần tập trung mọi nỗ lực marketing vào những kênh có sức lan truyền mạnh như mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, xây dựng fanpage trên facebook... Và cuối cùng, khi đã có lượng khán giả trung thành, “khách hàng thân thiết” cần có thái độ, cung cách phục vụ chuẩn mực, tạo được lòng tin trong lòng họ, thể hiện hình ảnh tốt đẹp của sân khấu kịch để họ luôn hứng thú và trở lại xem kịch.

Một phương thức marketing rất hiệu quả mà nhiều năm nay Sân khấu Idecaf vẫn áp dụng là giảm 50% giá vé cho sinh viên, học sinh. Tính đến nay, Idecaf đã tổ chức hơn 1.000 suất diễn kịch phục vụ sinh viên với 400.000 lượt người xem; 70 suất diễn kịch, múa rối miễn phí cho trẻ em đường phố, thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn... Năm 2024, khi công diễn vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử, Idecaf đã mời nhiều thày cô giáo đến xem. Sau đó, sân khấu này đã kết nối và tổ chức thành công chương trình Sân khấu Sử Việt học đường phục vụ học sinh phổ thông…

Giải pháp về công tác chuyên môn nghệ thuật

Một thực tế dễ nhận thấy rằng để đào tạo đội ngũ gồm 100 kỹ sư, bác sĩ, thợ lành nghề thì chỉ mất khoảng 4-5 năm, nhưng để có được một tài năng nghệ thuật thì cần hàng chục năm, hoặc thậm chí không thể. Bởi lẽ, tài năng nghệ thuật là một yếu tố hiếm hoi, điều kiện đầu tiên là họ phải có tư chất bẩm sinh và cần được phát triển trong các điều kiện, môi trường thuận lợi. Chính vì vậy, để đào tạo một đội ngũ có chuyên môn nghệ thuật là công việc khó khăn và tốn nhiều thời gian, công sức. Đội ngũ chuyên môn nghệ thuật bao gồm: tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ thiết kế, nhạc sĩ... đặc biệt là lực lượng đạo diễn trẻ và có tâm huyết với nghề. Để đào tạo đội ngũ này, các nhà quản lý đã sử dụng nhiều cách như: cử nghệ sĩ, diễn viên đi học tập tại các sân khấu tiên tiến nước ngoài và các lớp nâng cao trình độ, bồi dưỡng năng lực; hoặc đào tạo thông qua các đợt tập huấn, liên hoan, hội diễn sân khấu trong nước và quốc tế...

Với mục tiêu phát triển hoạt động nghệ thuật tại TP.HCM, việc tăng cường đội ngũ cán bộ, giảng viên tại các trường nghệ thuật là một nhu cầu cấp thiết. Và đồng thời, bên cạnh xây dựng một đội ngũ làm nghề tài năng, tâm huyết thì phải có những chính sách đãi ngộ hợp lý. Nên chăng, Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh tiêu chí, chính sách trong việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật. Cần xét tặng linh hoạt, vì trên thực tế, nhiều nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà, nhưng do làm việc trong một số sân khấu kịch xã hội hóa không có chủ trương tham gia liên hoan, hội diễn nên họ không có đủ huy chương đáp ứng tiêu chí xét chọn. Cần tiếp tục duy trì và hoàn thiện các chính sách để góp phần khích lệ, động viên kịp thời, cũng như ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp của nghệ sĩ.

3. Kết luận

Sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM là một bước chuyển mình quan trọng trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý văn hóa, phản ánh sự năng động và chủ động của cộng đồng nghệ sĩ, các tổ chức tư nhân trong việc tạo dựng không gian nghệ thuật ngoài hệ thống nhà nước. Bên cạnh những thành tựu nhất định, sân khấu kịch xã hội hóa vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm áp lực tài chính, sự thiếu hụt khán giả trẻ, khó khăn trong việc duy trì chất lượng nghệ thuật và thiếu chính sách hỗ trợ rõ ràng từ phía nhà nước. Vì vậy, cấp thiết cần có sự phối hợp giữa các bên: nghệ sĩ, nhà quản lý , doanh nghiệp và khán giả nhằm cùng xây dựng một hệ sinh thái nghệ thuật lành mạnh và sáng tạo, hướng đến việc tạo ra các sản phẩm nghệ thuật không chỉ vì doanh thu mà còn vì giá trị nhân văn và định hướng thẩm mỹ cho cộng đồng. Nhờ đó, sân khấu kịch xã hội hóa TP.HCM duy trì và phát triển tốt, đóng góp đáng kể cho nghệ thuật kịch nói đương đại Việt Nam.

__________________________

Tài liệu tham khảo

1. Trần Trọng Đăng Đàn, Kịch Việt Nam: thưởng thức và bình luận, Nxb Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, 2011, tr.283 - 286.

2. Phan Cự Đệ, Văn học Việt Nam thế kỷ XX: Những vấn đề lịch sử và lý luận, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004.

3. Hà Minh Đức, Vũ Đình Long, Nam Xương, Kịch nói Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Nxb Sân khấu, Hà Nội,1997.

4. Phan Huy Đường, Quản lý nhà nước về kinh tế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.

5. Phan Hồng Giang, Chung quanh một số vấn đề văn hóa nghệ thuật, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.

6. Phan Hồng Giang, Mấy nhận xét ban đầu về quản lý nghệ thuật ở nước Anh, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 1, 2001.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 30-5-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 30-6-2025; Ngày duyệt bài: 1-7-2025.

Ths CAO TẤN LỘC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 611, tháng 7-2025

;