Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển cùng với các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Hưng Yên đã tạo nên những giá trị truyền thống văn hóa hòa vào dòng chảy truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam với đầy đủ các giá trị đạo đức cao đẹp, nhưng cũng mang đậm dấu ấn nhân cách con người Hưng Yên, gắn với câu ca: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Hiện nay, Hưng Yên có 1.802 di tích các loại, trong đó có 175 di tích xếp hạng cấp quốc gia, đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích xếp hạng cấp quốc gia (sau Hà Nội và Bắc Ninh), 274 di tích xếp hạng cấp tỉnh, có 3 di tích - cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt; 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Đồng chí Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hưng Yên trao giấy chứng nhận cho các học viên lớp truyền dậy hát ca trù
Bên cạnh, hệ thống di sản văn hóa vật thể phong phú, đa dạng, nằm trải đều trên địa bàn toàn tỉnh, Hưng Yên còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể. Đến nay, toàn tỉnh có 5 Di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: nghệ thuật hát Trống quân; Lễ hội đền Tống Trân (xã Tống Trân, Phù Cừ), Lễ hội Cầu mưa (xã Lạc Hồng, Văn Lâm); Lễ hội đền Đa Hòa và Lễ hội đền Dạ Trạch huyện Khoái Châu (đã lập hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội đền An Xá , xã An Viên, huyện Tiên Lữ). Hiện, tỉnh có 35 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có 1 Nghệ nhân Nhân dân thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian (Ca trù); 34 Nghệ nhân Ưu tú (17 nghệ nhân thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian và 17 nghệ nhân thuộc loại hình Tập quán xã hội và Tín ngưỡng).
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm, chú trọng phục dựng, duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ. UBND tỉnh ban hành các văn bản: Kế hoạch hành động số 14/KH - UBND ngày 25/01/2014 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Ca trù và hát Trống quân tỉnh Hưng Yên; Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 27/9/2016 về việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Hưng Yên. Qua kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nhằm đánh giá thực trạng; đồng thời có phương án bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt đối với các di sản văn hóa phi vật thể đang bị mai một, thất truyền của tỉnh. Trong 2 năm (năm 2022 - 2023), Sở VHTTDL tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 832/832 thôn, khu dân cư thuộc 161 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, gồm 6 loại hình: Lễ hội truyền thống; tập quán xã hội; nghề thủ công truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian; ngữ văn dân gian và tri thức dân gian, 567 lễ hội truyền thống, có 337 lễ hội còn đầy đủ phần lễ và phần hội; 396 lễ hội có tổ chức trò chơi, giao lưu văn nghệ. Lễ hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hầu hết được tổ chức tại các di tích tín ngưỡng tôn giáo như: đình, chùa, đền, miếu, như: Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung; Lễ hội Tứ Pháp (xã Lạc Hồng, Văn Lâm); Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến và Lễ hội đền Đậu An (An Viên), huyện Tiên Lữ. Về tập quán xã hội: Hưng Yên còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán truyền thống, nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, liên quan, đến nông nghiệp, lễ tiết, liên quan đến vòng đời con người và các tập quán xã hội có nội dung khác. Về nghề thủ công truyền thống: có 166 làng nghề thủ công, nhóm nghề thủ công truyền thống được thực hành thường xuyên, đang phát triển (và mở rộng) như nghề làm mộc mỹ nghệ (ở thôn Thụy Lân, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ); nghề mộc (xã Dương Quang, xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào); nghề làm miến dong (thôn Lại Trạch, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ); nghề làm tương (phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào); nghề trồng hoa, cây cảnh xã Phụng Công, xã Thắng Lợi, xã Mễ Sở, xã Xuân Quan, xã Liên Nghĩa (Văn Giang); nghề nấu rượu ở xã Lạc Đạo, nghề đúc đồng ở xã Đại Đồng (Văn Lâm)… Về nghệ thuật trình diễn dân gian, gồm có nghệ thuật hát Ca trù (hiện nay trên địa toàn tỉnh có 48 người đang thực hành; số người có khả năng truyền dạy là 11; số người đang học là 20); nghệ thuật hát Trống quân hiện còn được thực hành ở 8/10 huyện, thị xã, thành phố với 364 người đang thực hành, 146 người có khả năng truyền dạy, 11 người đang theo học, 15 câu lạc bộ, 5 đội văn nghệ; nghệ thuật hát Chèo với 52 câu lạc bộ; 21 đội văn nghệ; số người đang thực hành là 1.392; số người có khả năng truyền dạy là 396; số người đang theo học là 116; tri thức dân gian có 128 đơn vị ca dao, tục ngữ, hò, vè, sự tích, thơ ca trong đó ca dao và tục ngữ chiếm số lượng lớn… Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, hằng năm tổ chức từ 2 - 3 lớp truyền dạy Ca trù, Trống quân cho các học sinh, những người yêu nghệ thuật hát Ca trù, Trống quân, mỗi lớp khoảng 30-35 học viên; bên cạnh đó, vào dịp đầu xuân tổ chức “Triển lãm thư pháp, hát Ca trù và cho chữ đầu Xuân” tại Văn Miếu Xích Đằng...Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được tập trung thực hiện như: Đề xuất nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung gắn với phát triển du lịch…
Một tiết mục văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh
Qua 25 năm tái lập, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện những mục tiêu đề ra: Kinh tế phát triển nhanh và tương đối vững chắc. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 13,41%, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây; tổng thu ngân sách đạt trên 51 nghìn tỷ đồng (tăng 169% so với cùng kỳ năm trước, thuộc top 5 cả nước). Các cân đối vĩ mô lớn được củng cố bền vững. Xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%. Sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ có bước tiến bộ quan trọng. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có đóng góp không nhỏ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế: Nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế, việc đầu tư cơ sở cho hoạt động truyền dạy chưa đáp ứng được với yêu cầu của các loại hình nghệ thuật; công tác lưu trữ, sưu tầm xuất bản phẩm (sách, ấn phẩm, phim, ảnh, tài liệu…) ở các địa phương chưa được quan tâm; người nắm giữ di sản tuổi cao, ảnh hưởng đến việc truyền dạy; các loại hình văn hóa mới dễ tiếp thu và thực hành, hấp dẫn giới trẻ nên lấn át những di sản văn hóa truyền thống; chưa có cơ chế hỗ trợ người tham gia hoạt nghệ thuật trình diễn dân gian, các nghệ nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trên địa bàn tỉnh.
Xác định rõ bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên, trọng tâm là phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 8/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong thời gian tới, cùng với các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố, Sở VHTTDL tiếp tục tham mưu với tỉnh một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về văn hóa, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), trong đó quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tham gia bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của di sản văn hóa của tỉnh nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng; thường xuyên tổ chức liên hoan, trình diễn, giao lưu giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể trong và ngoài nước; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, áp dụng khoa học công nghệ (chuyển đổi số) vào hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Thứ ba, xây dựng phương án, giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; xây dựng Đề án bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh; Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (hát Trống quân; các lễ hội: Tống Trân - Cúc Hoa, Đa Hòa - Dạ Trạch, Cầu mưa chùa Thái Lạc); bảo vệ và phát huy các bảo vật quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Thứ tư, khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân tham gia bảo vệ di tích; các nghệ nhân, chủ thể văn hóa, là những người đang nắm giữ bảo tồn và truyền dạy các giá trị di sản văn hóa. Cùng với đầu tư của Nhà nước, coi trọng xây dựng các cơ chế, chính sách, tăng cường sự tham gia, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng, nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường liên kết vùng, hạ tầng du lịch... tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là điều kiện để tăng cường kết nối, giao lưu, hợp tác, phát triển văn hóa nói chung, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Hưng Yên nói riêng.
NGUYỄN THÀNH TRUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024