Những thách thức trong việc giữ gìn nghệ thuật sân khấu Dù kê

Nghệ thuật sân khấu Dù kê là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Khmer các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long. Dù kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (sông Hậu). Loại hình sân khấu ca kịch Dù kê có cốt truyện được xây dựng trên nền nhạc ca hát, đối thoại và các hình thái diễn xuất dân gian.

Một cảnh vở Dù kê “Trùng dương lặng sóng” của Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng

 

Niềm tự hào của người Khmer

Tôi nhiều lần được xem nghệ thuật Dù kê, mặc dầu bất đồng về ngôn ngữ nhưng qua những điệu múa, tiết tấu của âm nhạc cùng vẻ chăm chú của những người đang ngồi quây quần bên sàn diễn, cũng đủ để cảm nhận được sức thu hút loại hình nghệ thuật này đối với người Khmer sinh sống trên vùng đất Nam Bộ là rất chân thật và gần gũi như hơi thở của cuộc sống.

Đề tài và nội dung kịch bản của sân khấu Dù kê rất phong phú và mang tính giáo dục cao. Các vở diễn đều mang tinh thần hướng thiện, ca ngợi cái tốt, cái đẹp, lên án cái ác, cái xấu và bao giờ cũng kết thúc có hậu. Trang phục trong Dù kê choáng lồng màu sắc, nếu là tuồng cổ, hoàng tử đầu đội vương miện có gắn 2 lông cò; còn vai phù thủy thì đội vương miện thấp hơn, nhưng dưới chiếc vương miện có đội một khăn tròn và được vẽ hình cánh bướm có răng nanh. Diễn viên nữ cổ tay và cổ chân đều mang vòng. Chính vì vậy, chỉ cần nhìn cách hóa trang là nhận ra  ngay nhân vật thuộc thiện hay ác.

Soạn giả Thạch Mu Ni (Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh) nói: “Loại hình sân khấu Dù kê có nhiều ưu thế, bởi ngoài đặc trưng riêng của Dù kê nó còn tiếp nhận những tinh hoa của nghệ thuật khác, tạo sự giao lưu văn hóa với những tinh hoa nghệ thuật của người Kinh, người Hoa, của các nước như Ấn Độ, Indonesia…Nội dung kịch bản của sân khấu Dù kê vừa thể hiện được đề tài cổ điển, dân gian, vừa thể hiện được đề tài xã hội đương đại. Chính ưu thế này nên sân khấu Dù kê được đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ rất thích”.

Trao đổi với chúng tôi, chị Thạch Na Vy - diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, người đã có thời gian gắn bó với nghệ thuật sân khấu Dù kê gần 20 năm - cho biết: “Hồi nhỏ, tôi có cơ duyên với các điệu múa Khmer, khi Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh tuyển diễn viên, tôi đã tham gia thi tuyển và được chọn vào Đoàn cho đến nay. Mỗi ngày các anh, chị em diễn viên, nghệ sĩ luôn hăng say tập luyện nhằm chuẩn bị thật tốt cho các hoạt động biểu diễn phục vụ bà con, nhất là dịp mùa khô hằng năm, tuy có vất vả nhưng mọi người đều rất phấn khởi vì đã được thực hiện những điều mà mình yêu thích, đam mê, phấn đấu làm tròn vai của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đứng trên sân khấu phục vụ nhân dân”.

Một cảnh trong vở diễn “Hoàng tử Vê Son Đo” do Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn tại liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần II năm 2023 tại tỉnh Trà Vinh thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần II năm 2023 tại tỉnh Trà Vinh

 

Bảo tồn phát triển nghệ thuật Dù kê

Năm 2014, Bộ VHTTDL đã ban hành quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014 công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian: “Nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành VHTTDL các tỉnh, thành đồng bằng Sông Cửu Long thực hiện công tác bảo tồn, phát giá trị loại hình nghệ thuật này. Đã có 2 lần tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ (lần thứ I – năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng và lần II năm 2023 tại tỉnh Trà Vinh).

Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: “Nghệ thuật Dù kê Khmer là loại hình nghệ thuật mang tính đặc trưng, độc đáo, cần được bảo tồn, giữ gìn để phát triển cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống khác của dân tộc. Liên hoan là hoạt động nhằm tạo điều kiện giúp các đơn vị, địa phương có dịp giới thiệu, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật. Từ đó, định hướng hoạt động nghệ thuật, thúc đẩy các đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, tác phẩm chất lượng cao phục vụ nhân dân; góp phần bảo tồn, vun bồi những nhân tố mới cho loại hình nghệ thuật truyền thống này”.

Đồng bằng Sông Cửu Long có 4 đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, hơn chục đội thông tin Khmer tỉnh và đơn vị tư nhân thường xuyên hoạt động, lưu diễn vào mùa khô hằng năm, đã khẳng định loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Khmer vẫn tràn đầy sức sống.

Hiện tại, dù sân khấu nói chung đang gặp nhiều khó khăn nhưng những đoàn nghệ thuật Khmer khi biểu diễn Dù kê trong vùng đồng bào dân tộc luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con. Ông Lưu Thanh Hùng, Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng cho biết: “Để hoạt động của Đoàn ngày càng tốt hơn, đi vào nền nếp, kịp thời theo xu hướng hiện đại, chúng tôi hướng nội dung hoạt động nghệ thuật đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị nhằm nâng cao mức hưởng thụ nghệ thuật cho đồng bào. Đầu tư xây dựng các tác phẩm ca  múa nhạc Dù kê với chất lượng cao, tích cực bồi dưỡng nhiều tài năng nghệ thuật nhằm tiến tới chuyên nghiệp hóa, hoàn thiện đội ngũ diễn viên, nhạc công trẻ”.

Sân khấu Dù kê đang gặp nhiều khó khăn nhưng những đoàn nghệ thuật Khmer khi biểu diễn Dù kê trong vùng đồng bào dân tộc luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con
 

Đầy thách thức trong việc giữ gìn văn hoá dân tộc

Cũng như các loại hình sân khấu truyền thống khác, sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ cũng đang dần bị mai một. Ông Hữu Trung, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, cho biết: “Những người viết kịch bản, dựng tuồng, nắm vững âm điệu…trong từng vở Dù kê cũng không còn nhiều. Việc dựng một vở Dù kê cũng không dễ dàng, vừa mất công sức, mất nhiều thời gian. Cà Mau hiện chỉ có Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau và Câu lạc bộ (CLB) nhạc trống lớn ở xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình) là vẫn còn tập thường xuyên và mang đi biểu diễn vào các dịp lễ hội, để khơi gợi sự yêu thích của khán giả mọi lứa tuổi đối với môn nghệ thuật này. Ðáng lo nhất là lớp thanh niên người Khmer ít được tiếp cận và có xu hướng thay đổi thị hiếu vì tiếp xúc với quá nhiều môn nghệ thuật hiện đại, hấp dẫn khác. Họ không còn mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

Một trong những gương mặt trẻ hoạt động tích cực góp phần giữ gìn và phát huy nghệ thuật sân khấu Dù kê là Thạch Thị Diệu, sinh viên năm 3 ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ (Trường Đại học Trà Vinh). Theo Diệu, với sự phát triển và du nhập của rất nhiều các loại hình giải trí hiện nay thì giới trẻ càng ít quan tâm đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật Dù kê. Ngày nay, sân khấu Dù kê đã không còn phổ biến và không thường xuyên được tổ chức như xưa. Hơn nữa, Dù kê là loại hình nghệ thuật đòi hỏi người học phải có năng khiếu và đam mê với nghề, phải không ngừng học tập, trau dồi từ lời ca, điệu múa, ngôn ngữ hình thể và diễn xuất…Bên cạnh đó, để có thể thăng hoa được với loại hình nghệ thuật này, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự am hiểu nhất định về văn hóa và được sự hướng dẫn, chỉ dạy từ các nghệ sĩ gạo cội và tâm huyết với nghề”.

Gần một thế kỷ hình thành và phát triển, loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Khmer ĐBSCL. Dẫu hiện nay, Dù kê đang gặp khó khăn về kịch bản, lực lượng diễn viên, nhạc công do nghệ nhân kỳ cựu đã lớn tuổi còn thế hệ kế thừa thì khá hiếm hoi nhưng vẫn còn nhiều nghệ nhân tâm huyết, cố lưu giữ những nét nghệ thuật đặc sắc của Dù kê cho thế hệ mai sau.

 

PHƯƠNG NGHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

 

;