Huyện Ba Vì (TP Hà Nội) có 7 xã miền núi gồm: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trai, Tản Lĩnh, Vân Hòa và Yên Bài với 76 thôn, là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số. Diện tích tự nhiên của Ba Vì là 19.943ha; dân số : 77.489 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 28.757 người (chiếm khoảng 37,1% dân số vùng dân tộc). Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện Ba Vì coi trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao dân trí, giảm nghèo tại địa phương.
Các đội cồng chiêng tham gia luyện tập chuẩn bị cho lễ hội văn hóa chào mừng huyện Ba Vì đón nhận danh hiệu Nông thôn mới được tổ chức vào ngày 30/9/2023
Nét độc đáo về bản sắc văn hóa dân tộc
Những ngày tháng 10 lịch sử, các thành viên của đội cồng chiêng thôn 8 - xã Ba Trại lại tụ họp nhau luyện tập. Tiếng binh boong ngân nga làm không khí bản Mường thêm vui tươi, phấn khởi chào mừng ngày Ba Vì tổ chức lễ đón nhận Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới và chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập huyện Ba Vì. Ông Đinh Công Nghĩa là người có công lớn trong khôi phục văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường xã Ba Trại. Ông tâm sự: “Cũng có những lúc đồng bào chưa ý thức được hết giá trị văn hóa dân tộc mình nên không coi trọng tiếng Mường, văn hóa cồng chiêng… Là giáo viên về hưu, tôi có điều kiện hơn nên đã vận động nhân dân nói tiếng Mường, giữ gìn các nét đẹp văn hóa. Từ đó, Câu lạc bộ Cồng chiêng thôn 8 ra đời. Sau nhờ các chính sách của thành phố, của huyện về công tác dân tộc, nhiều nét văn hóa Mường được khôi phục, gìn giữ. Các cuộc thi thể thao dân tộc, nói tiếng Mường… do huyện Ba Vì hay thành phố Hà Nội tổ chức, xã Ba Trại đều có đại diện tham gia”.
Xã Ba Trại là địa bàn tập trung nhiều người Mường của huyện Ba Vì, với 40% trong tổng số 15.400 dân. Ngoài thôn 8, toàn xã có 6 đội cồng chiêng, 2 Mo Mường là ông Đinh Công Nghĩa và ông Đinh Văn Hòa. Ngoài ra, xã còn có các câu lạc bộ văn hóa, thể thao đặc trưng của người Mường khác. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại Nguyễn Tạ Tấn cho biết: “Văn hóa đồng bào dân tộc Mường những năm gần đây có nhiều khởi sắc kể từ khi UBND huyện Ba Vì triển khai Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2015-2020”. Bà con có ý thức hơn trong giữ gìn văn hóa, từ phong tục, văn nghệ dân gian cho tới tiếng nói, trang phục truyền thống.
Xã Minh Quang cũng là địa bàn tập trung nhiều dân tộc Mường của Ba Vì, với 40% trong tổng số 14 nghìn dân. Toàn xã có 7 đội cồng chiêng. Cứ hai năm một lần, xã Minh Quang lại tổ chức Hội thi nói tiếng dân tộc Mường. Qua đó, động viên lớp trẻ tiếp tục gìn giữ đặc trưng văn hóa của mình”.
Thời gian qua xã Vân Hòa, có nhiều nỗ lực trong khôi phục các giá trị văn hóa. Hiện Vân Hòa có ba đội cồng chiêng. Vân Hòa có cảnh quan đẹp, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn xây dựng làm khu nghỉ dưỡng. Do đó, rất nhiều dịp các đội cồng chiêng của Vân Hòa được mời biểu diễn phục vụ khách du lịch, vừa giúp bà con có thêm thu nhập, vừa quảng bá văn hóa truyền thống. Ngoài nét đẹp cồng chiêng thì “cỗ lá” người Mường, cơm lam người Mường cũng trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Địa bàn Ba Vì còn có khá đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống, chủ yếu tại xã Ba Vì. Nơi đây, người Dao chiếm trên 90% dân số của xã. Một trong những nét văn hóa quan trọng nhất của đồng bào Dao là Tết Nhảy. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều tập tục của bà con đang bị phai nhạt, thậm chí có nguy cơ bị quên lãng. Những điệu múa trong các lễ hội cũng bị cải biên, rút ngắn thời gian. Không ít người Dao ở lứa tuổi 50 trở xuống không biết tự khâu vá quần áo và mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nếu không được phục dựng, bảo tồn, đây sẽ là một thiệt thòi cho người Dao nói riêng cũng như ảnh hưởng tới chiến lược phát triển du lịch của huyện Ba Vì. Vì vậy, huyện Ba Vì cũng đã có nhiều biện pháp khôi phục bảo tồn văn hóa cho đồng bào như: dạy chữ cổ, hỗ trợ người dân bảo tồn các bài thuốc, phục dựng các không gian văn hóa cộng đồng… Hiện tại, Tết Nhảy của người Dao đã được khôi phục gần như nguyên vẹn các nghi thức truyền thống. Các thôn Yên Sơn, Ba Vì, Hợp Nhất… đều tổ chức Tết Nhảy, đem lại không khí vui tươi, đậm đà bản sắc. Các bài thuốc Nam của người Dao được chính quyền hỗ trợ, hệ thống hóa. Qua đó, nhiều gia đình đã phát triển nghề thuốc, chữa bệnh cho cộng đồng.
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh
Tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa
Xuất phát tình hình thực tế, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Vì luôn xác định việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng. Những năm qua, được sự quan tâm của thành phố, Ba Vì đã đầu tư đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội 7 xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; UBND huyện xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án “khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013 - 2015; 2015 - 2020 và Kế hoạch số 337 của UBND huyện giai đoạn 2021 - 2025. Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân triển khai Đề án được thực hiện sâu rộng; công tác quản lý nhà nước đối với việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số được tăng cường. Huyện Ba Vì cũng là một trong những địa phương tiên phong trong việc quan tâm đến đời sống tinh thần của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đề án đã động viên, khuyến khích bà con các dân tộc trên địa bàn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời, có nhiều biện pháp hỗ trợ bà con.
Không thể không nhắc đến việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao phong phú, đậm đà bản sắc truyền thống; phục dựng lại lễ hội Tản Viên Sơn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn bản, củng cố lại các đội cồng chiêng, tết nhảy, múa chuông, múa rùa, bắn nỏ, hát ru… và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể truyền thống như: không gian văn hóa dân tộc Mường, Dao; các làn điệu dân ca, dân vũ như hát ru của người Mường; các hình thức biểu diễn văn nghệ, diễn xướng dân gian (múa cồng chiêng, ném còn của người Mường; múa chuông, múa Rùa, Tết nhảy của người Dao). Các phong tục, tín ngưỡng, ẩm thực, lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được phát huy; Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh hằng năm được tổ chức có quy mô và mang đậm nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Dao; dự án bảo tồn tiếng nói của đồng bào dân tộc Mường, Dao triển khai có hiệu quả, thông qua các hình thức như: truyền miệng, truyền dạy trong dịp lễ, Tết, thủ tục thờ cúng bằng tiếng dân tộc, tổ chức các hội nghị, hoạt động cộng đồng và xây dựng phim tư liệu sử dụng tiếng dân tộc.
Ba Vì luôn quan tâm gìn giữ văn hóa trong trang phục, chữ viết, tiếng nói và các điệu múa của đồng bào Dao xã Ba Vì
Cùng với đó, các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Mường, Dao trên địa bàn huyện đã bước đầu được thực hiện có nền nếp, mang tính cộng đồng cao, không còn tình trạng tự phát như trước kia. Nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Mường, Dao về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được nâng lên; 7/7 xã miền núi đã thành lập các tổ, đội bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thành viên chính là những già làng, trưởng bản, người có uy tín, những đoàn viên thanh niên tiêu biểu, những người có hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hoạt động của các tổ, đội này ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, đã mang những lời ca, tiếng hát, tiếng cồng chiêng, các điệu nhảy, múa mang đậm bản sắc dân tộc từ ngàn xưa trở về trên các bản làng người Mường, Dao huyện Ba Vì, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trên địa bàn các xã miền núi, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Ông Bùi Huy Giáp – Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì cho biết: Hằng năm, Phòng Dân tộc huyện đều phối hợp với UBND các xã miền núi thực hiện tốt nội dung kế hoạch công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Mường, Dao. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với các xã miền núi tổ chức biểu diễn cồng chiêng Mường phục vụ lễ hội Tản Viên Sơn Thánh; tổ chức xây dựng chương trình phát thanh tiếng dân tộc Mường trên hệ thống truyền thanh các xã miền núi 2 lần/ tuần; tổ chức tập huấn kỹ thuật biểu diễn chiêng Mường cho các câu lạc bộ cồng chiêng, người dân 6 xã Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, Khánh Thượng, Minh Quang và xã Ba Trại; 1 lớp tập huấn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao tại xã Ba Vì. Phòng còn tham mưu với UBND huyện trang bị cồng chiêng dân tộc Mường cho UBND các xã miền núi, để các xã quản lý, sử dụng, bảo quản, thực hiện công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Mường năm 2023…
Cùng với việc gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, chính quyền các địa phương cũng tích cực vận động đồng bào bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bài trừ tệ nạn, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Các xã tiêu biểu trong việc tích cực tổ chức, thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với nhiệm vụ bảo tồn giá trị truyền thống trên địa bàn là: Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Ba Vì…
Ngoài ra, huyện cũng từng bước quan tâm xây dựng làng văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với làng nghề truyền thống như nghề làm thuốc nam xã Ba Vì, làng nghề trồng và chế biến chè xã Ba Trại; làng nghề miến dong xã Minh Quang. Các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa được gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường đầu tư về nhân lực và tổ chức, xã hội hóa công tác bảo tồn, góp phần phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ; có cơ chế ưu tiên cho hoạt động bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, Ba Vì luôn quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức bảo tồn và tổ chức các hoạt động tập huấn, truyền dạy về tiếng nói, chữ viết cho đồng bào, trang phục và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; đề cao phong trào tự học, tự truyền dạy cho nhau trong cộng đồng, thông qua các hoạt động liên hoan văn hóa văn nghệ dân tộc thiểu số, thi đấu thể thao và trò chơi dân gian truyền thống.
Có thể nói, việc khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì là một định hướng đúng đắn, quan trọng, giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì gìn giữ những nét bản sắc văn hóa đặc trưng của người Mường, người Dao và tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa đó trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Các lớp tập huấn, truyền dạy kỹ thuật biểu diễn chiêng Mường được UBND huyện tổ chức hằng năm tại các xã miền núi
KHUẤT DUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023