Nghĩa Lộ trao truyền di sản văn hóa dân tộc

Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến hướng dẫn học viên sử dụng Pí Ló

 

Để xây dựng Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) trở thành thị xã văn hóa du lịch đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, trong những năm vừa qua, cấp ủy chính quyền các cấp và những nghệ nhân dân gian, già làng có uy tín trong đồng bào các dân tộc ở thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong gìn giữ, phát huy, trao truyền các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Nghĩa Lộ - Mường Lò là cái nôi của văn hóa Thái, nơi còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, được lưu truyền từ thuở xa xưa đến tận bây giờ. Và để làm được điều đó, các nghệ nhân trên địa bàn như ông Lò Văn Biến, bà Điêu Thị Xiêng, bà Hoàng Thị Văn đã dành cả đời mình để sưu tầm những cuốn sách cổ, các điệu múa, điệu hát Khắp để gìn giữ và truyền thụ cho các thế hệ trẻ.

Ngay từ khi còn là chàng trai tuổi đôi mươi, nghệ nhân Lò Văn Biến đã rong ruổi trên khắp các cung đường, bản làng người Thái để tìm kiếm, sưu tầm các áng văn cổ của dân tộc mình, rồi biên dịch và biên soạn thành những cuốn sách làm tài liệu cho những người yêu thích văn hóa Thái nghiên cứu, học hỏi. Cùng với đó, ông rất tích cực đến các bản làng để truyền dạy tiếng và chữ Thái cổ cho người dân. Từ năm 2007 đến nay, ông đã mở được hơn 50 lớp dạy chữ Thái cổ với hơn 600 học viên. Sau khóa học, các học viên đều có thể đọc thông việt thạo chữ Thái cổ. Nhiều học viên đã tiếp bước ông, mở các lớp dạy chữ Thái cổ như ông Lò Tuyên Dung hay anh Lê Thanh Tùng.

Nghệ nhân Lò Văn Biến tâm sự: “Chúng tôi là những người ở thế hệ trước, biết được các giá trị văn hóa của dân tộc mình, theo thời gian chúng tôi cũng già đi và các giá trị văn hóa cũng sẽ mai một dần, đặc biệt là tiếng nói và chữ viết nên chúng tôi mở nhiều lớp học về các giá trị văn hóa để truyền dạy cho thế hệ trẻ”.

Còn đối với nghệ nhân Điêu Thị Xiêng, người được ví như là “Quảng Khắp vùng lòng chảo Nghĩa Lộ - Mường Lò” nghĩa là người am hiểu sâu sắc và thể hiện được các điệu hát Khắp hay, đi vào lòng người thì để có được thành quả như ngày hôm nay, bà Xiêng đã không ngừng trau dồi, học hỏi các thế hệ trước, cách phát âm, nhịp điệu, luyến láy của từng điệu hát Khắp. Đến nay, trong cuốn sổ tay của bà có đến hàng trăm bài hát Khắp do bà tự sáng tác và sưu tầm từ các già làng trong vùng.

Bà Điêu Thị Xiêng chia sẻ: “Các làn điệu Khắp Thái  tôi đều say mê. Tôi đã được các bà, các mẹ dạy rồi, nên bây giờ tôi cũng truyền dạy lại cho các cháu ở thôn bản. Đặc trưng cho Mường Lò – Nghĩa Lộ là điệu Hăn Nê nên tôi rất muốn duy trì và truyền dạy cho các cháu, để sau này khỏi mai một”.

Nhằm góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương, ngay từ năm học 2013-2014 Phòng GDĐT thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng mô hình "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong các trường học" triển khai đến 100% các trường trên địa bàn, trong đó có nội dung chỉ đạo các trường, tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ phù hợp với đặc thù của địa phương như: thành lập các câu lạc bộ múa xòe cổ; câu lạc bộ Khắp Thái, học chữ Thái cổ; tổ chức trò chơi dân gian (ném còn, tó mắc lẹ, đẩy gậy...); tập luyện võ thuật cổ truyền Nhất Nam; quy định cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh mặc trang phục dân tộc trong giờ chào cờ đầu tuần và các hoạt động chung của nhà trường; tổ chức kết nạp Đoàn, Đội tại khu Di tích lịch sử văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để giáo dục truyền thống cho học sinh. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện mô hình, đến nay, toàn ngành giáo dục thị xã có 42 đội múa xòe cổ, trong đó có 14 đội bậc mầm non, 28 đội bậc phổ thông hoạt động đều đặn, thường xuyên phục vụ các hoạt động lớn của nhà trường, của ngành và thị xã.

Bên cạnh đó, thị xã Nghĩa Lộ thành lập các câu lạc bộ, nhóm hội hoạt động bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa. Nổi bật nhất là CLB bảo tồn văn hóa dân tộc thị xã Nghĩa Lộ. Sau hơn 15 năm thành lập và đi vào hoạt động, CLB đã có nhiều đóng góp to lớn cùng với chính quyền địa phương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc vùng miền như tập hợp tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác và các bài viết về lịch sử - văn hóa truyền thống của vùng để biên soạn thành sách; bảo tồn, phát huy các phong tục tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp, góp phần xây dựng thị xã Nghĩa Lộ văn hóa – du lịch.

Bà Lò Thị Huân – Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, CLB luôn tích cực, nỗ lực hết mình trong công tác bảo tồn, phát huy và truyền dạy những giá trị văn hóa đặc sắc trên địa bàn với nhiều hình thức đa dạng.

Trong hoạt động, CLB luôn bám sát nghị quyết của Đảng. Đặc biệt là nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, nghị quyết đề án xây dựng thị xã văn hóa du lịch Nghĩa Lộ theo chương trình kế hoạch hằng năm của cấp ủy, chính quyền. Bám sát các chương trình hoạt động vì sự phát triển bền vững miền núi để phân công các thành viên thực hiện và phối hợp tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng Mường Lò đạt kết quả thiết thực. Thông qua đó, góp phần tạo phong trào, lan tỏa sự yêu thích, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn về con người, vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống đặc thù cho cộng đồng và thế hệ trẻ.

Để xây dựng Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa du lịch, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, chính quyền nơi đây đã đề ra nhiều giải pháp tích cực khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: phục dựng lễ hội truyền thống dân tộc Thái xên bản, xên Mường, Tết Xíp xí, hội Hạn khuống; lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường; mở các lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, chữ Thái cổ...; thành lập, duy trì 21 CLB phục vụ cho phát triển du lịch, quan tâm chú trọng đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, chú trọng tới các môn thể thao dân tộc như: ném còn, tó mắc lẹ, bắn nỏ. Hằng năm, thị xã tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò gắn với nhiều sự kiện, hoạt động ấn tượng tạo điểm nhấn thu hút và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Ông Đinh Anh Tuấn – Trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Tuần Văn hóa Du lịch Mường Lò được tổ chức hằng năm và chúng tôi xác định sẽ đưa các giá trị văn hóa vào để khai thác du lịch, để bảo tồn các giá trị văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng phát triển du lịch”.

Đến nay, thị xã Nghĩa Lộ vinh dự có nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2021. Năm 2017, nghệ thuật trình diễn Hạn khuống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nghĩa Lộ còn có 1 di sản văn hóa cấp tỉnh là Đền Cầm Hánh; 3 kỷ lục Guines Việt Nam gồm: màn Đại xòe với sự tham gia của 2013 diễn viên quần chúng và nghệ nhân, mâm xôi ngũ sắc cùng chiếc khèn bè của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò.

Với những giải pháp tích cực của cấp ủy chính quyền cùng sự đoàn kết chung tay góp sức của các nghệ nhân, những người già làng trên địa bàn, các giá trị văn hóa đặc sắc vùng Mường Lò – Nghĩa Lộ đang được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng con người Nghĩa Lộ nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập.

Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng dạy Khắp Thái cho các cháu nhỏ

 

XUÂN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023

 

;