TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng và sự thành công của vở hài kịch Quan thanh tra

Bên cạnh công tác chuyên môn nghiên cứu, giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng còn tham gia sáng tác kịch bản và cũng là một đạo diễn tài năng, luôn nhiệt huyết với nghề, đã và đang truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật cho nhiều thế hệ học trò. Gần đây, TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng đã cộng tác cùng Nhà hát Kịch Việt Nam, cho ra mắt nhiều vở diễn chất lượng, mang tính nghệ thuật cao. Những vở kịch không chỉ có ý nghĩa với sân khấu nước nhà, mà còn góp phần thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Vở kịch Người đi dép cao su của nhà văn Kateb Yacine, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi dấu ấn quan trọng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Algeria. TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng còn giữ vai trò biên kịch, đạo diễn vở hài kịch kinh điển Quan thanh tra (của nhà văn Nikolai Vasilyevich Gogol, sáng tác năm 1836). Đầu tháng 10/2023, Sau khi Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn, vở hài kịch đã được đông đảo khán giả Thủ đô nồng nhiệt đón nhận và liên tục “cháy vé”.

Quan tâm tới thị hiếu của khán giả 

Quan thanh tra nằm trong bộ “100 kiệt tác sân khấu thế giới” được Bộ VHTTDL kết hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phân bổ đến các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, phục vụ khán giả. Đã có nhiều đạo diễn ở các loại hình nghệ thuật quan tâm đến Quan thanh tra và đã có những thành công nhất định. Năm 2011, cố NSND Doãn Hoàng Giang đã viết lại kịch bản, dàn dựng vở Quan lớn về làng cho Nhà hát Chèo Hà Nội. Năm 2016, đạo diễn Chí Trung của Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã dàn dựng vở hài kịch này. Nhưng lần này, TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng vẫn quyết định biên tập kịch bản, đạo diễn vở Quan thanh tra, bởi vở kịch này cách chúng ta gần 200 năm nhưng vẫn mang bóng dáng của cuộc sống Việt Nam đương đại. Vì vậy, ông muốn biên tập, dàn dựng sao cho vở kịch trở nên gần gũi hơn với khán giả Việt Nam.

Quan thanh tra là câu chuyện “thật mà như bịa” do đại thi hào Pushkin kể lại cho Nikolai Vasilyevich Gogol (Gogol) và khuyến khích ông viết một vở kịch. Gogol bắt đầu viết Quan thanh tra vào mùa thu năm 1835, khi ấy, ông mới 25 tuổi và mất khoảng 6 tháng để hoàn thành. Câu chuyện kể về một tay công chức quèn lang thang tên là Khlextakop (do NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thủ vai) đến một thị trấn miền Nam nước Nga rồi bị nhận nhầm là quan thanh tra từ thủ đô Peterburg đi thị sát. Vốn là những kẻ thường xuyên sách nhiễu dân chúng và tham nhũng, cánh quan chức ở đây lo sợ, cuống quýt tìm cách mua chuộc, hối lộ cho “quan lớn thanh tra”. Nhân dịp đó, người nọ tố cáo người kia, nói xấu nhau để nâng công trạng. Tệ hơn nữa, ngay đến viên thị trưởng Anton (do NSƯT Trịnh Mai Nguyên đóng) còn định lợi dụng dâng cả vợ và con gái cho “quan thanh tra” hòng leo cao lên bậc thang danh vọng, chiếm một địa vị cao hơn, chắc chắn hơn để bóc lột dân chúng được nhiều. Với giọng văn mỉa mai, châm biếm, Quan thanh tra của Gogol ngay sau khi ra mắt đã tạo nên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. 

Vở diễn phản ánh thực trạng tham nhũng, hối lộ, suy thoái đạo đức của một hệ thống quan chức trong xã hội

Kịch phương Tây, đặc biệt là các tác phẩm kịch kinh điển diễn ở Việt Nam có nhiều vở dàn dựng, diễn rất hay nhưng khán giả Việt Nam chưa thấy thích thú, thỏa mãn. Khán giả có cảm giác câu chuyện đang xem là của ai, không phải câu chuyện của mình nên họ thiếu sự đồng cảm. Kịch truyền thống phương Tây coi trọng lời văn, diễn chủ yếu là nói. Khi xem kịch, thưởng thức nghệ thuật, họ như muốn nuốt lấy từng lời của kịch bản. Khoảng gần một thế kỷ trở lại đây, đã có sự thay đổi lớn, xuất phát từ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng khiến người viết kịch bản, người đạo diễn cũng phải thay đổi. Theo TS, NSƯT Lê Mạnh Hùng, kịch hiện đại bây giờ cần phải làm cho sân khấu sôi động lên, xung đột, hành động kịch phải liên tục phát triển, hướng đến cao trào. Khán giả phải vừa có cái để nghe, vừa có cái để nhìn, nếu không sẽ thành kịch truyền thanh. 

TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng đã biên tập, đạo diễn vở hài kịch Quan thanh tra với mong muốn làm sao bật lên được giá trị, bản chất cốt lõi của vở kịch, không cố gắng bắt chước hình thức thể hiện của nước khác nhưng vẫn đảm bảo tính đương đại của tác phẩm. Đạo diễn đã lựa chọn hình thức sân khấu tối giản, dễ hiểu, không rườm rà, đáp ứng được hai nhu cầu: nghe và nhìn của khán giả. Vì vậy, đạo diễn quan tâm xây dựng các trò diễn trong vở kịch này.

Đổi mới trong cách tiếp cận vở Quan thanh tra 

Khi bắt đầu thực hiện vở Quan thanh tra, mục tiêu của êkip đặt ra là làm thế nào để tiếp cận được khán giả Việt Nam một cách tốt nhất mà vẫn giữ được đẳng cấp của kịch bản, vì Quan thanh tra là một tác phẩm kịch kinh điển của thế giới. Đây cũng là tư tưởng chi phối phương pháp biên tập và cách dàn dựng vở kịch mà TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng lựa chọn. Đó là áp dụng nguyên tắc ước lệ tượng trưng của sân khấu truyền thống Việt Nam vào việc giải quyết vở diễn, nhằm khai thác tối đa nghệ thuật biểu diễn của diễn viên.

Những vị quan tham muốn giữ chiếc ghế của mình bằng mọi giá

Ngay từ khâu biên tập kịch bản, TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng đã lược bỏ những sự việc làm cho tiết tấu của vở kịch bị trùng xuống, bỏ bớt những tình tiết nghệ thuật không phù hợp với cách tiếp cận của người Việt Nam. Nhưng về nguyên tắc, vẫn đảm bảo giữ được giá trị căn bản, cốt lõi của tác phẩm với các tuyến hành động, mâu thuẫn xung đột và tính cách nhân vật. Diễn viên khi đọc kịch bản vẫn thấy sự logic của nội dung, hình dung được vở diễn sẽ diễn ra thế nào.

 Vở hài kịch Quan thanh tra được đạo diễn Lê Mạnh Hùng dàn dựng theo nguyên tắc ước lệ tượng trưng dù nguyên tắc của Gogon khi viết tác phẩm này là bám sát hiện thực của nước Nga TK XIX. Đạo diễn đã rất khéo léo khi dùng hình ảnh những chiếc ghế để biểu trưng cho địa vị, lòng tham của các quan chức địa phương như: ngài Thị trưởng Anton, Nhà kiểm học Luka, Chánh án Ammot, Viện trưởng Viện Tế bần Actemy, Chủ sự bưu vụ Ivan… Họ giữ chiếc ghế gắn với địa vị, quyền lực, sự ham hố của mình. Nhà Kiểm học đã từng có ý định vứt cái ghế đi nhưng không vứt được, đó là văn hóa từ chức của những người “cầm cân nảy mực” nhưng bất tài, suy thoái.

Gogol viết một câu chuyện “có thật mà như bịa” phản ánh thực trạng tham nhũng, hối lộ, suy thoái đạo đức của cả một hệ thống quan chức trong xã hội nước Nga TK XIX. Đạo diễn Lê Mạnh Hùng đi theo hướng sân khấu truyền thống của dân tộc, nhưng vẫn tuân thủ phong cách thể loại của vở Quan thanh tra. Mỉa mai, châm biếm sâu cay, tạo ra tiếng cười nhưng qua đó là những triết lý nhân sinh sâu sắc. Đạo diễn đã chắt lọc từ thực tế xã hội Việt Nam, đưa một vài sự việc tiêu biểu vào kịch bản, tạo nên không gian nghệ thuật gần gũi với người xem.

Các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện thành công vở hài kịch Quan thanh tra

Trong kịch bản của Gogol, tay Chánh án nói: “Thỉnh thoảng tôi cũng có nhận quà nhưng chỉ là một vài con chó cảnh”, bởi thời đó ở nước Nga, chơi chó cảnh là thú chơi tao nhã của tầng lớp thượng lưu. Đạo diễn đã thay chi tiết đó bằng vài chai rượu vang, lồng ghép vào đó một số hiện tượng nổi cộm trong nước thời gian qua như: bệnh viện luôn quá tải, bệnh nhân nào thích thuốc đắt tiền thì bác sĩ sẽ kê thật nhiều thuốc; thày, cô giáo bắt học sinh tự tát vào mặt mình; quan hệ trai gái kiểu “anh em nương tựa”… Những chi tiết “Việt hóa này” đã mang lại cho khán giả cảm nhận đây là những câu chuyện có thật xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.

Các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam gặp không ít khó khăn vì cách tiếp cận của đạo diễn Lê Mạnh Hùng khác với cách các diễn viên tiếp cận kịch bản từ trước đến nay. Diễn viên thường nghĩ đến logic, trình tự theo hiện thực... Trong vở Quan thanh tra, đạo diễn muốn khái quát thành hành động điển hình nên đòi hỏi các diễn viên phải tìm ra cách thể hiện sinh động, vượt qua logic thông thường, khái quát trong tạo dựng mô hình nhân vật. Đạo diễn đòi hỏi người diễn viên vừa diễn xuất biểu hiện ra bên ngoài nhưng cũng phải thể hiện được cả chiều sâu nội tâm nhân vật.

Đạo diễn Lê Mạnh Hùng đã đưa ra những chỉ đạo phù hợp về trang phục, bài trí sân khấu… trong vở diễn. Về thiết kế trang phục, họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng đã đáp ứng được yêu cầu của đạo diễn. Những bộ trang phục của các vị quan không lòe loẹt mà gọn gàng, vừa vặn với nghệ sĩ nhưng vẫn có những điểm cắt xẻ, nhấn nhá cá tính riêng phù hợp với từng nhân vật. Việc trang trí sân khấu dù đơn giản nhưng vẫn mang tính hình tượng cao. Sân khấu được thiết kế tối giản với những cặp mắt mèo, những nắp cống và hình ảnh đàn chuột. Đây chính là hình ảnh ẩn dụ cho sự đục khoét, chui lủi. Qua đó thể hiện sự cống nạp, hối lộ đang diễn ra hàng ngày trong xã hội. Cảm hứng sáng tạo của đạo diễn bắt nguồn từ tích truyện trong bức tranh Đông Hồ quen thuộc Đám cưới chuột. Mèo thì ngồi im còn bọn chuột thi nhau mang thật nhiều lễ vật đến cống nạp. Quan lại trong vở kịch cũng hối lộ quan thanh tra rởm một cách lố bịch như thế. 

Dàn diễn viên xuất sắc 

Là người công tác nghiên cứu, đào tạo lâu năm, TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng đã có nhiều thế hệ học trò tài năng, tâm huyết với nghề. Êkip diễn viên tham gia vở Quan thanh tra của Nhà hát Kịch Việt Nam đều là học trò của ông. Trong đó có tới 4 đạo diễn đang sung sức tạo nên thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam, đó là: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Mai Nguyên, NSƯT Lâm Tùng. Ngoài ra còn có rất nhiều nghệ sĩ tài năng của Nhà hát (nghệ sĩ Hồ Liên, Hồng Quang... và các gương mặt nghệ sĩ trẻ như: Hồng Phúc, Hà Vy...) đã trưởng thành từ chiếc nôi đào tạo của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Khi đạo diễn Lê Mạnh Hùng yêu cầu các diễn viên diễn theo quan điểm, ý tưởng của mình, lúc đầu cũng gặp một vài khó khăn. Sau đó, cả êkip cùng trao đổi dân chủ và đã tìm được tiếng nói chung, đồng cảm, chia sẻ. TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng đánh giá: “Đội ngũ diễn viên của vở Quan thanh tra là một êkip tốt nhất mà tôi từng gặp. Các em đã lĩnh hội rất đầy đủ ý tưởng của tôi, truyền đạt được đến khán giả bằng nghệ thuật biểu diễn. Với sức diễn và kinh nghiệm biểu diễn, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam đã làm rất tốt vở kịch này”.

NSƯT Xuân Bắc trong vai quan thanh tra rởm và nghệ sĩ Hồ Liên trong vai vợ Thị trưởng

Ấn tượng nhất trong vở kịch này, chính là nhân vật Khlextakop do NSƯT Xuân Bắc thủ vai. Từ một tên thua cờ bạc, nợ đầm đìa, đang vạ vật trong tầng hầm ẩm thấp của một khách sạn, bị bỏ đói vì không có tiền trả cho khách sạn thì bỗng được quan chức của thành phố đến hối lộ. Từ Thị trưởng đến các quan chức nắm giữ tòa án, tế bần, giáo dục, bưu vụ… đều tôn “hắn” là “Quan thanh tra”. Chính sự láu cá đã khiến cho Khlextakop nhanh chóng nắm bắt được vấn đề, lợi dụng tình huống để trục lợi. Đạo diễn Lê Mạnh Hùng đánh giá: “NSƯT Xuân Bắc có ưu thế diễn hài rất duyên, hoạt bát trên sân khấu, nhanh nhậy với các tình huống. Quan thanh tra rởm là một nhân vật kịch có số phận, có tính cách và phải xây dựng thành hình tượng nhân vật, tuân thủ các tuyến hành động, biểu đạt đời sống nội tâm của nhân vật. NSƯT Xuân Bắc đã hoàn thành xuất sắc vai diễn này”. 

Thông điệp gửi gắm qua vở Quan thanh tra 

TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng đã có nhiều công trình nghiên cứu về tiếng cười trên sân khấu Kịch nói Việt Nam trong mối quan hệ với tiếng cười của sân khấu truyền thống, sự ảnh hưởng của sân khấu truyền thống Việt Nam vào thể loại kịch du nhập từ phương Tây. Nếu người xem để ý, trong vở kịch Quan thanh tra, đoạn bốn ông quan đi hối lộ, lúc đó các khúc nhạc đều giống nhau vì họ cùng một tâm trạng lo lắng, bồn chồn. Đi hối lộ, đút lót, mong che đậy tội lỗi nhưng cách biểu hiện của mỗi người lại rất khác nhau bởi tính cách con người rất đa dạng. Hài kịch tính cách đã tạo dựng mỗi nhân vật một tính cách riêng biệt. Thông qua hành động, lời nói, suy nghĩ… nhân vật sẽ bộc lộ tính cách. Tâm lý của nhân vật trước khi đưa hối lộ đều có điểm chung là vô cùng sợ hãi, vì đều có tội. Nhưng sau khi đưa được tiền hối lộ, các ông quan đều mãn nguyện, sung sướng. Đạo diễn đã sử dụng ngôn ngữ hình thể thông qua bước chân, cách đi lại của các nhân vật để diễn tả tâm trạng hả hê, sung sướng, đắc thắng của họ. Họ tin rằng dùng tiền có thể che đậy được tội lỗi, đổi trắng thay đen. Chi tiết này khiến khán giả cười nghiêng ngả, thích thú nhưng xót xa cho thực trạng xã hội, khao khát được vạch trần, đẩy lùi cái xấu, xây dựng một xã hội văn minh hơn. Đạo diễn Lê Mạnh Hùng chia sẻ: “Tôi muốn làm cho khán giả cười, khán giả thích nhưng tiếng cười đó phải là tiếng cười sang trọng”.

Nhận nhầm quan thanh tra là việc khó xảy ra trong cuộc sống nhưng việc các quan tham lam, vô trách nhiệm, thi nhau tự chạy tội là có thật. Vì có tội nên sợ hãi, sợ đến mức lú lẫn mà nhận nhầm “kẻ ất ơ” là quan thanh tra. Đây là cái hài, cái lố bịch lớn nhất của vở diễn. Hài đến mức vị quan thanh tra rởm phải thốt lên: “Bọn chúng nó có hỏi tao là ai đâu? Tao cũng không bảo tao là ai. Chúng nó cứ tưởng tao là quan chức quan trọng lắm nên chúng nó cứ mang tiền đến”.

Sau sự thành công của vở Người đi dép cao su, đạo diễn TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng tiếp tục cùng Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt thành công vở hài kịch kinh điển Quan thanh tra. Mục tiêu của toàn bộ êkip là vở diễn phải cuốn hút khán giả nhưng vẫn phải giữ được đẳng cấp của kịch bản gốc, phải tạo ra tiếng cười sang trọng, trí tuệ, thấm thía... Để làm được điều đó, trước hết người biên tập kịch bản phải xử lý được kịch bản phù hợp với thực tế, người đạo diễn phải lựa chọn cách dàn dựng bài trí sân khấu, diễn xuất của diễn viên, xử lý khéo léo các hành động kịch… để khán giả Việt Nam cảm nhận được đây là câu chuyện rất gần gũi với họ, không phải là câu chuyện của người khác, quốc gia khác. Và, TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng đã làm được điều đó, tạo nên thành công của vở diễn. Mong rằng, trong thời gian tới TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng sẽ tiếp tục mang đến cho khán giả nhiều vở kịch ấn tượng, sáng tạo, lôi cuốn và hấp dẫn.

LIÊN HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023

;