Sự tác động của chính sách ứng phó dịch bệnh COVID-19 đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, đại dịch COVID-19 là thảm họa toàn cầu để lại hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng và đời sống xã hội. Cho đến nay, việc đánh giá lại sự thay đổi các chính sách ứng phó với dịch COVID-19 là cần thiết, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm từ biến cố được xem là nhân tố chấn động lịch sử thế giới. Đối với Việt Nam, đại dịch là thử thách lớn đối với hệ thống chính trị và người dân, đồng thời là thước đo giá trị đối với toàn xã hội, đặc biệt là văn hóa quốc gia. Bài báo tập trung làm rõ những tác động của chính sách ứng phó đại dịch đối với các hoạt động nghệ thuật biểu diễn và những thách thức, thích ứng của nhân dân; từ đó, đưa ra bài học giá trị đối với việc ban hành chính sách, vận dụng nghệ thuật biểu diễn như là phương cách tuyên truyền có sức mạnh lớn nhằm phát huy vai trò của nhân dân góp phần phát triển quốc gia.

1. Tình hình đại dịch COVID-19 và chính sách phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ

Các làn sóng của đại dịch

Vào ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã tuyên bố COVID-19 là một đại dịch toàn cầu; quan ngại sâu sắc về mức độ lây lan, mức độ nghiêm trọng và tình trạng báo động trong việc ứng phó với đại dịch. Virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở hơn 231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua 3 năm, thế giới liên tiếp có 4 làn sóng dịch bệnh; tác động mạnh tới mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt hàng triệu người chết thương tâm.

Việt Nam trải qua 4 làn sóng đại dịch COVID-19. Dịch bệnh bắt đầu làn sóng thứ nhất với 2 ca bệnh đầu tiên nhập cảnh từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào Việt Nam được phát hiện vào ngày 23-1-2020, tâm dịch ở xã Sơn Lôi tỉnh Vĩnh Phúc. Chính phủ sử dụng các biện pháp xét nghiệm nhanh để phát hiện sớm nguồn lây, xác định nguồn tiếp xúc, cách ly kịp thời và chữa trị sớm. Các nỗ lực phòng ngừa như: giãn cách xã hội, tự cách ly, cách ly bắt buộc và đặc biệt khuyến cáo vệ sinh cá nhân và đeo khẩu trang nơi công cộng (1). Làn sóng thứ hai (25-7-2020- 27-1-2021) có các nguồn lây từ châu Âu, châu Mỹ và một số nước khác, với 1.136 ca nhiễm, các ca mắc tập trung ở thành phố Đà Nẵng, sau đó lan rộng ra 15 tỉnh, thành phố. Các biện pháp hạn chế đi lại trong nước và tạm dừng thị thực đối với người nước ngoài vào Việt Nam, giãn cách xã hội 15 ngày (người dân ở nhà (chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết) và giữ khoảng cách tối thiểu 2m). Dừng các hoạt động kinh doanh, chỉ các dịch vụ phân phối thực phẩm, cửa hàng thuốc và cung cấp xăng dầu. Làn sóng thứ ba (27-1-2021- 26-4-2021), bắt đầu từ công nhân từng làm việc trong cụm công nghiệp ở Chí Linh, Hải Dương và lan rộng 13 tỉnh, thành phố. Sau 3 đợt dịch cho thấy số ca nhiễm ở mức độ thấp, trong thời gian ngắn và khả năng đáp ứng y tế đảm bảo, số ca tử vong ở mức độ rất thấp có tổng số 35 ca.

Trước tình hình đó, Việt Nam áp dụng triệt để 5 nguyên tắc: “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả”. Thông qua Chỉ thị số 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền đã triển khai phòng chống dịch phù hợp với từng trạng thái và từng địa phương. Các biện pháp ngăn chặn nguồn bệnh, cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong cùng với thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, Việt Nam được xem là quốc gia thành công trong chống dịch và ổn định đời sống nhân dân. Đáng chú ý là làn sóng dịch thứ tư (27-4-2021 - 30-12-2021) có 1.675.321 ca nhiễm, đa dạng nguồn lây, tấn công vào khắp các địa bàn. Sau 1 tháng, dịch lây lan ra hơn 30 tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế phía Nam và các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nam Bộ. Đặc biệt, TP.HCM dịch bùng phát từ ngày 26-5-2021 với chùm ca bệnh nhóm truyền giáo Phục Hưng, số ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, hệ thống y tế quá tải và số ca tử vong cao khoảng 17.175 trong đợt dịch thứ 4 (2). Từ đó, số ca nhiễm tăng nhanh ở các tỉnh lân cận và số ca tử vong cả nước tính đến tháng 19-12-2021 là 29.351 ca. Đến thời điểm này, dịch bệnh bao phủ cả nước, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt kinh tế, xã hội của đất nước và sinh mạng, sức khỏe, đời sống nhân dân. Đến tháng 10-2021, tiêm chủng đạt tỷ lệ bao phủ diện rộng, Chính phủ áp dụng chiến lược: “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; giải pháp “5K, vắc xin, thuốc điều trị, công nghệ, ý thức của nhân dân”; 3 trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị. Kết quả là giảm hẳn tỷ lệ mắc, ca nặng và tử vong. Hiện nay, dịch bệnh được kiểm soát, chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Như vậy, sau 4 làn sóng, với gần 1,7 triệu người nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 31 nghìn người tử vong. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.600.569 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/ 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.232 ca nhiễm) (3). Nhìn chung, Việt Nam đã rất thành công trong việc ứng phó với đại dịch dù có giai đoạn không kiểm soát tốt ở một số điểm dịch. Từ góc nhìn chính sách có thể thấy từ việc ban hành của Chính phủ, sự triển khai của địa phương và phối hợp của nhân dân rất tốt. Toàn lực lượng thống nhất và đoàn kết trên cả nước đã tạo nên thành công chung đó.

Những chính sách ứng phó trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

Ngay khi COVID-19 bắt đầu lan rộng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, đoàn thể và địa phương có quyết tâm chính trị cao với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” (4) trên “Mặt trận không tiếng súng”. Việt Nam vận dụng thành công trong việc phát huy các giá trị văn hóa và các khía cạnh văn hóa chính trị thể hiện trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng rất chặt chẽ, người dân chấp hành, đồng thuận và ủng hộ các quy định, cảnh báo của Chính phủ, việc đeo khẩu trang, cùng chia sẻ trách nhiệm chống dịch với Nhà nước trong khó khăn chung thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng của toàn xã hội. Ngược lại, khoảng cách giữa chính quyền và cư dân được gần gũi hơn, gắn chặt hơn qua các cuộc thăm hỏi, động viên của Phó Thủ tướng, Thủ tướng và cán bộ địa phương đối với các điểm dịch bùng phát nặng và trực tiếp chỉ đạo, sát sao với diễn biến dịch bệnh. Toàn dân, toàn quân đều dốc sức toàn lực chống dịch. Các ban chống dịch được thành lập đến từng ngõ, khu phố đến các tổ chức bộ đội, công an… Chính vì thế, khối thống nhất giữa Nhà nước, Đảng và nhân dân gắn kết trong chống dịch thể hiện sức mạnh quốc gia, phản ánh văn hóa chính trị Việt Nam trên mặt trận gian khó này.

Bên cạnh đưa ra các quy định phòng chống dịch, Chính phủ hỗ trợ người dân qua gói an sinh xã hội. Các nghị định được ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP với gói 62 nghìn tỷ (trong năm 2020); Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, 33/2021/QĐ-TTg (trong năm 2021); Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, Quyết định số 971/QĐ-TTg (trong năm 2022). Các chính sách ban hành hướng tới các đối tượng khó khăn vì đại dịch để đời sống toàn dân được đảm bảo và thực hiện tiêu chí không ai bị bỏ lại phía sau. Các chương trình, sáng kiến như ATM gạo, Siêu thị 0 đồng, thiện nguyện cùng đồng hành với những người tuyến đầu chống dịch hay hỗ trợ nhóm cư dân bị phong tỏa… Những giá trị văn hóa dân tộc như tương trợ, “lá lành đùm lá rách” được phát huy cao độ và rộng khắp nhân dân. Thông qua đó, có đa số nghệ sĩ và lao động làm trong ngành Nghệ thuật biểu diễn có đời sống khó khăn cần được hỗ trợ khẩn cấp.

2. Tác động của chính sách đối với các hoạt động nghệ thuật biểu diễn

Những hiệu ứng tích cực từ chính sách của Bộ VHTTDL

Đối với Bộ VHTTDL, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Chúng ta đã từng nói vấn đề người làm văn hóa phải nhen lên ngọn lửa hồng chứ không trách thực tế u buồn như hiện nay. Cần chuyển tải thông điệp này để toàn ngành tiếp tục cùng nhau đồng lòng, đồng sức vượt khó...” (5). Khắc phục và sáng tạo vượt khó của lực lượng nghệ sĩ trong đơn vị nghệ thuật bằng việc đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong sáng tác và hình thức biểu diễn. Kết quả là, tính đến ngày 31-12-2020, các đơn vị nghệ thuật Trung ương tham gia tổ chức, biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật trong các sự kiện văn hóa, du lịch và biểu diễn có thu. Kết quả là dàn dựng 4 vở diễn, 5 chương trình, phục dựng 4 chương trình; 837 buổi biểu diễn (trong đó có 150 buổi phục vụ chính trị, 36 buổi phục vụ đối ngoại; 115 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); 4.638.700 lượt người xem; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt trên 60 tỷ đồng (6). Với tình hình dịch bệnh căng thẳng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong tình hình mới, các địa phương đều dừng khai mạc lễ hội và giảm các hoạt động lễ hội, ngày kỷ niệm.

Trong năm 2021, Bộ đã ban hành các quy định về tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong đó có: Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Ðề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương; xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật phù hợp tình hình mới: Chương trình biểu diễn nghệ thuật không khán giả, ít khán giả, chương trình biểu diễn có sự tương tác nghệ sĩ, diễn viên trong và ngoài nước. Các đoàn nghệ thuật Trung ương đã dàn dựng 50 chương trình, 4 vở diễn, 56 tiết mục, nâng cao 3 chương trình; 382 buổi biểu diễn. Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức chương trình Nhà hát online với những tác phẩm chất lượng để ghi hình và phát sóng. Tổ chức chương trình trực tuyến Những ngôi sao bất tử (7) nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2021) tại Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc (Thái Nguyên) phát sóng trên kênh VTV2 - Đài Tuyền hình Việt Nam. Chương trình Những mùa thu lịch sử kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam thực hiện, chương trình Giai điệu Việt của Nhà hát Ca Múa nhạc Việt Nam. Đặc biệt, chương trình truyền hình trực tiếp tại các điểm cầu trên cả nước Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch do Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo đã thu hút tới 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương. Chương trình Ở nhà cùng vui do Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam chủ trì, diễn ra tại 5 đầu cầu của cả nước. Trong năm 2022, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động triển khai và phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn, hoàn thành tốt chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao. Nếu đầu năm 2022, theo số liệu báo cáo của 10 đơn vị: tổ chức dàn dựng 50 chương trình, 4 vở diễn, 56 tiết mục, nâng cao 3 chương trình; 382 buổi biểu diễn (trong đó có 161 chương trình đối ngoại, 64 chương trình chính trị, 36 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn đạt 55.510.220.062 đồng (8) thì tính đến 1-12-2022, theo số liệu báo cáo của 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương: tổ chức dàn dựng, sửa chữa, nâng cao 38 chương trình, 51 vở; 1676 buổi biểu diễn; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 65.451.195.000 đồng (9).

Đối với các địa phương, việc tham gia các hội thi, hội diễn càng trở nên khó khăn, các Sở VHTTDL, Sở VHTT đã có cách làm linh động và sáng tạo. Đơn vị địa phương đã tập hợp các tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, ghi hình, thu âm ca khúc tại nhà và chọn lọc để gửi về Bộ VHTTDL khi có cuộc thi quốc gia. Nhiều đơn vị trong cả nước có ca khúc mới được dàn dựng chương trình văn nghệ online phát lại trên trang Facebook của đơn vị, thu hút nhiều người xem địa phương vừa nắm bắt thông báo tình hình dịch vừa thưởng thức nghệ thuật trong không gian mạng. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đáp ứng phần nào đời sống tinh thần cho người dân, các chương trình còn lồng ghép các nội dung phòng chống dịch mang hiệu ứng tuyên truyền cao. Những chương trình biểu diễn trực tuyến nhằm cổ vũ các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, phản ánh giá trị văn hóa người Việt về tình đoàn kết, chia sẻ khi khó khăn, lòng yêu nước sâu sắc, những tấm gương hi sinh cao cả. Chính vì thế, tâm lý của nhân dân ổn định, tin tưởng tuân thủ vào sự chỉ huy của các cấp chính quyền.

Trong năm 2020, thời điểm dịch bệnh đang có những đợt bùng phát nhỏ, các đoàn nghệ thuật ở địa phương đã dàn dựng 146 chương trình, 186 tiết mục, 81 vở diễn mới; nâng cao 62 tiết mục, 13 chương trình; phục hồi 50 tiết mục; 2.500 buổi biểu diễn (trong đó có 446 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); 3.307.686 lượt người xem; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt hơn 10 tỷ đồng. Năm 2021, một số đơn vị nghệ thuật tại các tỉnh/ thành đã chuyển đổi hình thức biểu diễn trực tiếp thành sân khấu online, các chương trình nghệ thuật được dàn dựng và phát sóng trên truyền hình, livestream trên các fanpage, các kênh truyền hình trong nước; dàn dựng 250 chương trình, 191 tiết mục, 20 vở diễn mới; nâng cao 182 tiết mục, 15 chương trình; 12 vở diễn, phục hồi 22 tiết mục; 1.589 buổi biểu diễn. Tính đến 1-12-2022, các đoàn nghệ thuật ở địa phương đã: Tổ chức dàn dựng 302 vở, 615 chương trình, 378 tiết mục; sửa chữa, nâng cao 45 chương trình, 92 tiết mục; 8.979 buổi biểu diễn (trong đó có 564 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); 450.000.000 lượt người xem (qua hình thức trực tiếp) và thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình phát trên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook và kênh YouTube...; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 36.253.179.302 đồng (10). Trong 3 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, biểu diễn nghệ thuật luôn được duy trì và phát triển. Nhờ sự linh hoạt và sáng tạo chuyển đổi các loại hình biểu diễn nên kết quả tăng dần theo từng năm trong các nội dung. Đặc biệt, việc kinh doanh bán vé đạt con số cao và sự hưởng ứng của người dân càng lớn. Cho dù gián đoạn vì dịch, các hoạt động biểu diễn, chất lượng chuyên môn không bị kém đi.

Những thách thức, thay đổi và thích ứng của nhân dân

Sự bùng phát khó kiểm soát của dịch bệnh gây ra nhiều hệ lụy đối với ngành Nghệ thuật biểu diễn. Sau mỗi làn sóng đi qua mang lại những thách thức mới. Năm 2021, đối mặt với “4 không” đó là: “Không tổ chức chương trình nghệ thuật - Không có các sự kiện thể thao lớn - Không có thị trường du lịch và du lịch quốc tế - Không có các hoạt động nghệ thuật ở cấp quy mô”. Dịch bệnh làm gián đoạn nghệ thuật biểu diễn bởi cách ly, chống dịch và dập dịch nên các sân khấu, nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa - nghệ thuật, không gian văn hóa công cộng đều phải đóng cửa. Các chương trình biểu diễn, liên hoan, sự kiện văn hóa - nghệ thuật có nhiều người tham gia bị tạm dừng hoặc hủy bỏ để đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Khó khăn trước mắt là cơ sở vật chất thiếu thốn, không đáp ứng được việc chuyển đổi số; nhân lực, công nghệ, nguồn lực. Các lực lượng nghệ sĩ bị cắt lương, nghỉ việc, chuyển việc, kiếm việc làm thêm khiến đời sống khó khăn. Vào thời điểm hậu đại dịch việc nhân lực thiếu hụt và kém nhiệt huyết, thiếu sáng tạo cũng đem đến những thách thức lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng sáng tạo và duy trì chuyên môn nghệ thuật.

Đối với người dân, tình hình dịch bệnh làm ngưng trệ các chương trình nghệ thuật đã góp phần ảnh hưởng đến thực hành nghệ thuật biểu diễn nói riêng và đời sống văn hóa tinh thần nói chung qua những mức độ khác nhau. Nếu những thời điểm Chính phủ có kiểm soát tốt thì việc kéo dài của dịch bệnh cùng với các biến thể COVID-19 khó lường mang lại những thay đổi tình trạng bệnh và mức độ nguy hiểm tính mạng, sự lây lan khác nhau khiến xã hội lo lắng và bất an. Đời sống thể chất cũng ảnh hưởng vì chất lượng cuộc sống như dinh dưỡng bữa ăn, không gian hoạt động và quan trọng là các hoạt động nghệ thuật biểu diễn không được tham gia, chỉ được xem qua tivi, đài, báo, mạng xã hội… khiến đời sống tinh thần đi xuống và có dấu hiệu xuất hiện một vấn đề liên quan đến tâm lý, bất ổn xã hội nhất là thời điểm cách ly, giãn cách xã hội diễn ra liên tục và nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá làm rất tốt công tác tuyên truyền và đổi mới đầy sáng tạo, nhất là vấn đề tuyên truyền về thông tin dịch bệnh, kiểm soát vùng dịch rất đầy đủ và trên mọi kênh thông tin. Trong đó, sự đóng góp của biểu diễn văn hóa nghệ thuật đáng chú ý. Vượt qua những khó khăn, kết quả của hoạt động nghệ thuật biểu diễn phản ánh sự thay đổi chính sách đúng đắn, linh hoạt của Bộ VHTTDL và sự năng động, sáng tạo với nhiệt huyết cống hiến của các nghệ sĩ. Họ thể hiện niềm vui và tự hào được tham gia thực hiện chương trình, góp phần nhỏ bé trong công cuộc đấu tranh đẩy lùi dịch bệnh của đất nước. Với những nỗ lực đó, các chương trình có chất lượng nghệ thuật cao, phong phú và đa dạng mang tính nhân văn đẹp đẽ và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng. Các hình thức biểu diễn nghệ thuật trong giai đoạn chống dịch được thực hiện đều tuân thủ theo quy định của Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 vừa tuân thủ phòng dịch. Đối với các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, viên chức ngành văn hóa nghệ thuật luôn thể hiện vai trò như “người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng” đoàn kết, không ngừng đổi mới nhằm đảm bảo các hoạt động biểu diễn không bị gián đoạn trong bất cứ tình huống dịch bệnh cam go nhất. Trong thời điểm ngặt nghèo, “nghệ thuật online được xây dựng nhanh gọn, không tốn nhiều kinh phí và thời gian để không làm gián đoạn, đứt gãy dòng chảy nghệ thuật của nước nhà” (11). Hiệu ứng lớn từ các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube… lượng khán giả tăng nhanh đột biến. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cảm thấy gần gũi với khán giả hơn khi được giao tiếp qua trang mạng xã hội. Đây không chỉ là “cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện tài năng nghệ thuật... giới thiệu quảng bá các sáng tác mới thấm đẫm tính nhân văn về đề tài phòng, chống dịch với nhiều chất liệu và thể loại, tạo nên xúc cảm đẹp đẽ, lan tỏa trong cộng đồng những thông điệp sâu sắc” (12). Nhìn chung, qua từng giai đoạn, tình hình dịch bệnh có những chuyển biến khác nhau và việc ứng phó của Việt Nam cũng có thay đổi khác nhau. Việc thực hành các loại hình văn hóa nghệ thuật cũng thay đổi theo đáp ứng kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ công tác tuyên truyền chống dịch của cơ quan. Do đó, việc biểu diễn gặp nhiều khó khăn hơn trong từng bối cảnh của dịch bệnh, đòi hỏi mỗi địa phương, đơn vị phải có cách làm mới để xoay chuyển tình hình vừa đảm bảo đời sống vừa góp phần đóng góp vào công cuộc chung của quốc gia. Kết quả thành công ngoài sự mong đợi của ngành và cho thấy khả năng thích ứng cao của toàn ngành Nghệ thuật biểu diễn.

3. Kết luận

Từ sự tác động mạnh mẽ của COVID-19 đối với thực hành nghệ thuật biểu diễn, có thể thấy được sự phản ứng chính sách và phối hợp phù hợp, kịp thời và thành công của cả chính quyền và người dân. Từ những chính sách bao trùm, đặc thù ngành và cả những sáng tạo, chuyển biến của địa phương đối với nghệ thuật biểu diễn cho thấy khả năng thích ứng cao, chuyển đổi linh hoạt và mục tiêu dùng sức dân, lấy dân làm gốc, phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết và tạo nên sức mạnh tổng lực luôn được áp dụng một cách khéo léo và hiệu ứng tốt. Đối với người dân, vừa thấu hiểu, chia sẻ, tin tưởng và đặt niềm tin vào chính sách, chính quyền cũng như lời hiệu triệu của các thủ lĩnh chống dịch. Việc thực hành nghệ thuật biểu diễn là hành vi ứng xử của mỗi cá nhân đối với cộng đồng và xã hội phản ánh ý thức cộng đồng đối với quốc gia, dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì sự an toàn, yên bình và phát triển an ninh quốc gia. Trong hoàn cảnh khó khăn đã thử thách tính chiến đấu của toàn dân, những phản ứng của nhân dân là thước đo lòng yêu nước và sức mạnh dân tộc trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Hiện tại, dịch vẫn còn tồn tại và số ca nhiễm đã giảm hẳn, các biến thể không còn nguy hiểm, tình hình phòng dịch vẫn còn duy trì nhưng cấp độ như bệnh cúm thông thường. Toàn thể nhân dân đang khắc phục hậu quả để đưa đời sống trở lại bình yên và phát triển (13).

_____________

1. Nguyễn Liên, 4 đợt dịch COVID-19 tại Việt Nam, vietnamnet.vn, 25-1-2022.

2. Làn sóng dịch thứ 4 khốc liệt ngoài sức tưởng tượng, vietnamnet.vn.

3. Tình hình dịch COVID-19: Cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, moh.gov.vn, 19-5-2023.

4. Hà Sơn Thái, Chống dịch như chống giặc, dangcongsan.vn, 2-4-2020.

5. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thấy được sự hy sinh của tuyến đầu chống dịch để tự soi mình, làm nhiều, cống hiến nhiều hơn, cucnghethuatbieudien.gov.vn, 23-9-2021.

6. Báo cáo tổng kết Công tác Nghệ thuật biểu diễn năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

7. Lan Hương, Những ngôi sao bất tử - Chương trình nghệ thuật nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, sovhtt.hanoi.gov.vn, 27-7-2021.

8. Ngành Nghệ thuật biểu diễn nỗ lực vượt khó trong bối cảnh dịch COVID-19, cucnghethuatbieudien.gov.vn, 21-1-2022.

9, 10. Báo cáo tổng kết Công tác Nghệ thuật biểu diễn năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

11, 12. Hồng Hà, Chuỗi chương trình nghệ thuật online “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”: Tiếp nối dòng chảy nghệ thuật nước nhà, bvhttdl.gov.vn, 29-8-2021.

13. Bài viết thuộc đề tài độc lập cấp quốc gia: Tác động của đại dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách, Mã số: ĐTĐL.XH-09/21.

 

TS HOÀNG THỊ MỸ NHỊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

;