Thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo – nền tảng cho phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XV đã thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Đây là một đạo luật có tầm ảnh hưởng rộng lớn, không chỉ đối với lĩnh vực khoa học – công nghệ theo nghĩa hẹp, mà còn mở ra nhiều cơ hội và định hướng chiến lược cho phát triển văn hóa trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt, lần đầu tiên, “văn hóa đổi mới sáng tạo” được xác lập như một nội dung quan trọng, tạo tiền đề pháp lý để công nghiệp văn hóa có thể cất cánh, đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế tri thức, nền kinh tế sáng tạo Việt Nam.

Công chúng đến với bảo tàng - Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL

1. Từ khoa học đến văn hóa – một hợp tác tất yếu của thời đại

Trong suốt nhiều năm qua, khi nhắc đến đổi mới sáng tạo, tư duy phổ biến thường gắn liền với các lĩnh vực kỹ thuật cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo hay robot. Đây là điều dễ hiểu, bởi trong kỷ nguyên số, công nghệ là động lực trực tiếp tạo ra đột phá trong sản xuất, quản trị và đời sống. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn đổi mới sáng tạo qua lăng kính kỹ thuật, chúng ta sẽ dễ bỏ qua một trụ cột vô cùng quan trọng: văn hóa.

Những quốc gia phát triển hàng đầu như Hàn Quốc, Pháp, Anh hay Mỹ từ lâu đã nhận thức rõ rằng: đổi mới sáng tạo không chỉ đến từ các phòng thí nghiệm hay dây chuyền sản xuất, mà bắt nguồn từ tinh thần cởi mở, tư duy phản biện, sự khuyến khích khác biệt và môi trường văn hóa thúc đẩy con người dám nghĩ khác, làm khác. Nói cách khác, văn hóa không chỉ là đối tượng thụ hưởng của đổi mới sáng tạo, mà còn chính là mảnh đất nuôi dưỡng và khơi nguồn cho đổi mới sáng tạo nảy sinh.

Trong bối cảnh đó, việc Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên đưa khái niệm “văn hóa đổi mới sáng tạo” vào một đạo luật cấp quốc gia – Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – là một bước ngoặt có ý nghĩa sâu sắc. Tại Điều 6 của Luật nhấn mạnh: “Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia hiện đại, đồng bộ, gắn với xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.” Đây không chỉ là một chỉ dấu về sự chuyển dịch trong tư duy pháp lý, mà còn là tuyên bố chính trị mạnh mẽ về một hệ giá trị mới mà chúng ta muốn gây dựng cho xã hội Việt Nam hiện đại.

Cần thấy rằng, khái niệm “văn hóa đổi mới sáng tạo” không đơn thuần chỉ là khẩu hiệu hay mỹ từ. Đó là một nền tảng tinh thần, một phương thức sống và tổ chức xã hội, trong đó văn hóa đóng vai trò như chất keo kết dính các nguồn lực, các hệ thống tri thức và những cá nhân sáng tạo. Trong mô hình này, mỗi người dân – không phân biệt ngành nghề – đều có thể trở thành chủ thể của đổi mới sáng tạo nếu được nuôi dưỡng trong một môi trường khuyến khích học hỏi, cởi mở, không sợ sai và biết trân trọng khác biệt.

Đặc biệt, với một quốc gia có nền tảng văn hóa lâu đời như Việt Nam, việc tiếp cận đổi mới sáng tạo từ góc độ văn hóa là một lợi thế lớn. Bởi lẽ, sự sáng tạo trong nghệ thuật dân gian, kiến trúc truyền thống, ẩm thực vùng miền hay ngôn ngữ thi ca… đều thể hiện sự nhạy cảm tinh tế với cái mới – một “gen sáng tạo” vốn có trong tâm thức dân tộc. Vấn đề là chúng ta có đủ chính sách, thể chế và môi trường để đánh thức và phát huy dòng chảy sáng tạo ấy hay không.

Do đó, cái bắt tay giữa khoa học và văn hóa trong luật lần này không chỉ mang tính biểu tượng, mà mở ra một hướng đi thiết thực và lâu dài. Khoa học cung cấp công cụ, nền tảng tri thức và kỹ năng; văn hóa tạo dựng môi trường xã hội, giá trị và cảm hứng để đổi mới sáng tạo bén rễ và lan tỏa. Khi hai yếu tố này cùng song hành, đổi mới sáng tạo mới có thể trở thành một hệ sinh thái thực sự sống động – không chỉ dành cho một số lĩnh vực công nghệ cao, mà là một tinh thần thấm sâu trong đời sống thường nhật của mỗi công dân.

Đây là lý do tại sao, chúng ta cần nhìn đổi mới sáng tạo không phải như một chiến lược dành riêng cho giới khoa học kỹ thuật, mà là một chuyển động toàn xã hội, trong đó giáo dục, nghệ thuật, báo chí, quản trị công, đời sống cộng đồng… đều phải được tiếp cận từ lăng kính đổi mới. Chính ở đó, văn hóa đóng vai trò kiến tạo môi trường – từ tư duy đến hành vi, từ chính sách đến thực tiễn – để mọi hạt giống đổi mới có thể nảy mầm và lớn mạnh.

2. Công nghiệp văn hóa – vùng đất màu mỡ của đổi mới sáng tạo

Không có lĩnh vực nào minh chứng rõ ràng hơn cho mối liên hệ giữa đổi mới sáng tạo và văn hóa như các ngành công nghiệp văn hóa. Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp văn hóa là tập hợp các ngành nghề sử dụng sự sáng tạo, tri thức và kỹ năng nghệ thuật để sản xuất, phân phối và tiêu dùng những sản phẩm – dịch vụ có giá trị văn hóa, đồng thời tạo ra giá trị kinh tế. Ở Việt Nam, hệ thống công nghiệp văn hóa đã được xác định gồm 12 ngành: từ điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, thiết kế, quảng cáo, thời trang, trò chơi điện tử, đến du lịch văn hóa, xuất bản, truyền hình, nghệ thuật biểu diễn và thủ công mỹ nghệ.

Điểm chung của tất cả các ngành này là sự phụ thuộc sâu sắc vào sức mạnh sáng tạo – yếu tố không thể thay thế bằng vốn đầu tư thuần túy hay công nghệ sản xuất đơn giản. Một bộ phim truyền cảm có thể làm thay đổi hình ảnh quốc gia. Một trò chơi điện tử mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa có thể thu hút hàng triệu người chơi trên toàn cầu. Một mẫu thiết kế thời trang lấy cảm hứng từ họa tiết dân tộc có thể trở thành biểu tượng thẩm mỹ thời đại. Chính vì vậy, công nghiệp văn hóa được xem là “vùng đất màu mỡ” cho đổi mới sáng tạo, nơi cảm xúc, bản sắc, nghệ thuật và công nghệ giao thoa để tạo nên những giá trị mới.

Việc Quốc hội thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo không chỉ là một sự kiện quan trọng với lĩnh vực khoa học – công nghệ theo nghĩa truyền thống, mà còn mở ra một hành lang pháp lý cần thiết cho công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững. Lần đầu tiên, hệ sinh thái sáng tạo – bao gồm cả doanh nghiệp văn hóa, nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà xuất bản, nhà làm phim – được trao cơ hội tiếp cận với các chính sách hỗ trợ từng được xem là đặc quyền của các lĩnh vực công nghệ cao.

Cụ thể, Luật quy định nhiều nội dung có thể tạo ra đòn bẩy thiết thực cho công nghiệp văn hóa, như: hỗ trợ thương mại hóa kết quả sáng tạo, ưu đãi với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái đổi mới lấy doanh nghiệp làm trung tâm, và đặc biệt là chấp nhận rủi ro trong đổi mới – điều mà các doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật luôn cần nhưng ít khi được đảm bảo. Những rào cản lâu nay – từ thủ tục pháp lý rườm rà đến sự dè dặt của các nhà đầu tư và cơ quan quản lý – hoàn toàn có thể được tháo gỡ nếu chúng ta áp dụng nhất quán tinh thần cởi mở, thử nghiệm và đổi mới mà luật đã mở đường.

Quan trọng hơn, với việc xác lập “văn hóa đổi mới sáng tạo” như một nền tảng, Luật không chỉ tạo ra công cụ hành chính, mà còn khơi dậy một tinh thần thời đại – tinh thần mà ở đó, mỗi nghệ sĩ, mỗi nhà sản xuất, mỗi doanh nhân văn hóa đều có thể coi sáng tạo là một phần thiết yếu trong sứ mệnh phát triển của mình. Từ các sân khấu truyền thống đến sàn catwalk thời trang, từ phòng thu âm đến studio phim hoạt hình, từ làng nghề thủ công đến thành phố thông minh – tất cả đều là những không gian sáng tạo nếu được khơi thông và kết nối đúng cách.

Một thách thức lớn hiện nay là nhiều doanh nghiệp văn hóa tại Việt Nam vẫn đang loay hoay trong mô hình quản trị truyền thống, thiếu kết nối với thị trường vốn, không được tiếp cận hạ tầng số, và gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Những điều này khiến không ít sản phẩm văn hóa “chết yểu” hoặc không thể vươn ra thị trường quốc tế. Do đó, luật mới không chỉ cần được tuyên truyền rộng rãi mà phải được triển khai thực chất – từ việc đào tạo lại đội ngũ quản lý, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp sáng tạo, đến việc thiết lập các cơ chế tài chính chuyên biệt cho công nghiệp văn hóa như quỹ đầu tư mạo hiểm, sàn giao dịch bản quyền, chương trình tăng tốc sáng tạo…

Từ góc nhìn chiến lược, phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là chuyện của một ngành, mà là bài toán tổng hợp về quản trị sáng tạo, phát triển thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia và lan tỏa bản sắc dân tộc. Các quốc gia như Hàn Quốc, Anh, Pháp hay Nhật Bản đã cho thấy: khi nghệ thuật, công nghệ và tư duy kinh tế gặp nhau, ngành công nghiệp văn hóa có thể trở thành một “mũi nhọn” phát triển, đồng thời là lực hấp dẫn mạnh mẽ của quyền lực mềm quốc gia. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều đó – và luật mới chính là cánh cửa đầu tiên được mở ra.

3. Văn hóa đổi mới sáng tạo: không chỉ là khẩu hiệu

Khái niệm “văn hóa đổi mới sáng tạo” không còn là một khẩu hiệu mang tính thời thượng hay một tuyên ngôn trừu tượng. Khi được đưa vào Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo như một yếu tố cốt lõi, nó đã trở thành một định hướng chiến lược, một lời cam kết chính trị và pháp lý cho một mô hình phát triển mới: mô hình mà sáng tạo không chỉ là công việc của giới kỹ sư hay chuyên gia công nghệ, mà là dòng chảy tư duy thấm vào từng lĩnh vực của đời sống – từ nghệ thuật đến giáo dục, từ truyền thông đến quản lý công, từ không gian công cộng đến tương tác xã hội.

Điều 38 của Luật đã cụ thể hóa điều đó bằng những cơ chế thực thi rõ ràng: “Nhà nước thúc đẩy, phổ biến, lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thông qua chính sách, chương trình, nhiệm vụ, hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức sự kiện, trình diễn, giải thưởng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo”. Đây là một bước tiến quan trọng, khép kín vòng tròn giữa tư duy – chính sách – hành động. Bởi nếu không có sự định hình giá trị, nuôi dưỡng tinh thần và vinh danh sáng tạo, thì mọi đổi mới chỉ dừng lại ở cấp độ kỹ thuật, không thể hình thành một hệ sinh thái bền vững và nhân văn.

Vấn đề là, đổi mới sáng tạo không thể nảy sinh trong một môi trường văn hóa cũ kỹ, bảo thủ và sợ sai. Trong thực tiễn của chúng ta, không ít lần những ý tưởng đột phá trong nghệ thuật, trong khởi nghiệp văn hóa, trong mô hình quản trị sáng tạo đã bị dập tắt bởi tâm lý ngại va chạm, sợ rủi ro và thiếu cơ chế bảo vệ người dám thử. Không gian văn hóa bị co cụm trong các lễ hội hình thức; nghệ thuật đương đại bị dè chừng; các thiết chế sáng tạo mới như hub sáng tạo, studio nghệ sĩ, không gian trình diễn thử nghiệm… vẫn đang trong trạng thái nửa vời – không đủ pháp lý để phát triển, không đủ lòng tin để được đầu tư.

Luật mới mang đến cho chúng ta một cơ hội: cơ hội thay đổi không chỉ cấu trúc thể chế mà còn là văn hóa tổ chức, văn hóa điều hành và văn hóa quản lý. Đó là việc thừa nhận thất bại như một phần của sáng tạo. Đó là việc chuyển từ “quản lý sự tuân thủ” sang “hỗ trợ sự sáng tạo”. Đó là việc mở rộng biên độ cho các nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà thiết kế, nhà phát triển trò chơi… được thử nghiệm, được khác biệt, được sai – để rồi được trưởng thành và thành công.

Ở đây, văn hóa đổi mới sáng tạo không đơn giản là khuyến khích cá nhân sáng tạo, mà là thiết lập một hệ sinh thái biết trân trọng và hỗ trợ sáng tạo. Đó là nơi các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng từ sản phẩm văn hóa; nơi cơ quan quản lý không còn chỉ kiểm soát, mà trở thành người đồng hành; nơi báo chí đóng vai trò truyền cảm hứng, chứ không chỉ là nơi phát hiện sai sót; nơi các trường đào tạo nghệ thuật, truyền thông, văn hóa dạy cho sinh viên không chỉ kỹ năng chuyên môn mà cả tư duy đổi mới, năng lực làm chủ sản phẩm, thương hiệu và mô hình kinh doanh sáng tạo.

Và cũng chính từ đó, những nút thắt cố hữu của hệ sinh thái công nghiệp văn hóa có thể được tháo gỡ. Với khung pháp lý mới, các doanh nghiệp văn hóa có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ tương tự như doanh nghiệp công nghệ: từ quỹ đầu tư mạo hiểm, hạ tầng công nghệ, dữ liệu mở, đến các chính sách miễn giảm thuế, đào tạo nhân lực, chuyển giao sở hữu trí tuệ. Những điều từng là đặc quyền của công nghệ cao, nay hoàn toàn có thể áp dụng cho nghệ thuật, truyền thông và các ngành sáng tạo văn hóa nếu chúng ta thật sự thay đổi tư duy.

Điều quan trọng nhất: văn hóa đổi mới sáng tạo không thể “áp đặt từ trên xuống”, mà phải được nuôi dưỡng từ cộng đồng, từ các nhóm sáng tạo trẻ, từ chính những con người đang sống trong các thành phố, làng nghề, khu phố nghệ thuật, trung tâm thanh thiếu niên… Nơi nào có không gian cho trí tưởng tượng, cho sự khác biệt, cho tiếng nói của thế hệ mới – nơi đó văn hóa đổi mới sáng tạo sẽ hiện diện.

Sẽ là một sai lầm nếu chúng ta xem đổi mới sáng tạo là một nhiệm vụ kỹ thuật của các bộ ngành chuyên trách. Đúng hơn, đó là một công cuộc cải tổ giá trị – trong đó văn hóa đóng vai trò thiết lập những nguyên tắc mới về tương tác, tổ chức, học tập, làm việc và phát triển. Luật đã nói lên điều đó. Câu hỏi còn lại là: ai sẽ hành động? Và ai sẽ dám làm khác để tạo nên sự thay đổi?

4. Khơi thông dòng chảy giữa khoa học xã hội – nhân văn và đổi mới sáng tạo

Trong rất nhiều năm, khi nói đến đổi mới sáng tạo, chúng ta thường đặt trọng tâm vào khoa học tự nhiên và công nghệ kỹ thuật – những lĩnh vực mang tính “ứng dụng cao”, có khả năng tạo ra đột phá trong sản xuất và quản lý. Tuy nhiên, nếu thiếu đi chiều sâu văn hóa, nền tảng nhân văn và khả năng kết nối với con người, mọi tiến bộ kỹ thuật đều có nguy cơ trở nên lạnh lẽo, rời rạc hoặc xa lạ với nhu cầu xã hội. Chính vì vậy, khơi thông dòng chảy giữa khoa học xã hội – nhân văn và đổi mới sáng tạo không chỉ là một yêu cầu bổ sung, mà là điều kiện tiên quyết để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, nhân bản và có chiều sâu bản sắc.

Một trong những điểm tiến bộ rất đáng ghi nhận của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần này là sự thừa nhận vai trò trung tâm của khoa học xã hội và nhân văn. Điều 29 của Luật khẳng định rõ: “Nhà nước chú trọng phát triển nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, con người và xã hội Việt Nam; góp phần tạo nền tảng phát triển kinh tế, văn hóa, con người”. Những nội dung này đã chạm đúng “gốc rễ” của đổi mới – không chỉ là công nghệ, mà là con người.

Bởi lẽ, đổi mới không thể nảy sinh trong khoảng trống xã hội. Mọi công nghệ đều cần điểm tựa văn hóa. Mọi sáng tạo bền vững đều bắt đầu từ sự thấu hiểu về nhu cầu, thói quen, niềm tin và kỳ vọng của con người. Một phần mềm giáo dục không thể hiệu quả nếu bỏ qua tâm lý học học đường. Một trò chơi điện tử sẽ trở nên vô hồn nếu thiếu đi chiều sâu văn hóa bản địa. Một bộ phim dù được quay bằng kỹ thuật hiện đại nhất, cũng không thể lay động nếu thiếu câu chuyện nhân văn, thấm đẫm bản sắc dân tộc. Vì thế, các ngành như tâm lý học, xã hội học, văn hóa học, lịch sử, nghệ thuật, ngôn ngữ, truyền thông… không còn là “bệ đỡ phụ trợ” cho sáng tạo, mà chính là kho tàng nguồn lực tạo nên năng lực sáng tạo mới.

Bài học từ các quốc gia thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa là minh chứng sống động. Từ Hàn Quốc với K-pop và điện ảnh, đến Nhật Bản với văn hóa manga và du lịch tinh tế, hay Pháp và Anh với hệ sinh thái thiết kế sáng tạo – tất cả đều không tách rời công nghệ khỏi chiều sâu văn hóa, không phát triển ngành công nghiệp nào mà thiếu sự đầu tư vào di sản, vào con người và vào cảm xúc. Đó là lý do vì sao, những sản phẩm sáng tạo của họ không chỉ có sức hấp dẫn thị trường, mà còn trở thành biểu tượng nhận diện quốc gia – nơi cái tôi sáng tạo cá nhân hòa quyện trong cái ta văn hóa dân tộc.

Với Việt Nam, điều này càng quan trọng hơn. Chúng ta có một kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, một hệ thống tín ngưỡng đặc sắc, một nền văn học dân gian đồ sộ, một cộng đồng đa dạng sắc tộc với truyền thống nghệ thuật đặc trưng… Nhưng tất cả những tài nguyên văn hóa đó sẽ mãi nằm im nếu không có những bàn tay sáng tạo hiện đại hóa nó, kể lại nó theo ngôn ngữ của thời đại mới. Chính ở điểm này, vai trò của khoa học xã hội – nhân văn trở nên vô cùng quan trọng: làm cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và công nghệ, giữa chiều sâu và thị trường.

Việc khuyến khích các nghiên cứu liên ngành giữa công nghệ và xã hội – như bảo tồn di sản bằng công nghệ số, kể chuyện lịch sử bằng thực tế ảo, phát triển ứng dụng học ngôn ngữ dân tộc, hay xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa bằng dữ liệu lớn – là những hướng đi không chỉ tiềm năng, mà còn rất thiết thực. Nhưng để hiện thực hóa điều đó, cần có chính sách tài chính đủ linh hoạt, các chương trình tài trợ dành riêng cho sáng tạo liên ngành, và đặc biệt là thay đổi cách nhìn nhận trong giới quản lý, giáo dục và nghiên cứu: rằng sự kết hợp giữa các ngành “mềm” và “cứng” là mảnh đất màu mỡ nhất của đổi mới sáng tạo.

Không có một tương lai sáng tạo nào lại đứng ngoài giá trị nhân văn. Không có một mô hình công nghiệp văn hóa nào thành công mà lại tách rời khỏi nền tảng con người. Và cũng không có một chiến lược đổi mới nào bền vững nếu không bắt đầu từ những câu hỏi về văn hóa, xã hội và bản sắc. Luật đã đặt nền móng. Điều còn lại là làm sao để xây dựng một cộng đồng những nhà khoa học xã hội, nghệ sĩ, nhà sáng tạo, kỹ sư, nhà quản lý cùng chia sẻ một tầm nhìn chung: biến tri thức văn hóa thành tài nguyên đổi mới – để Việt Nam vừa có thể hội nhập sâu rộng, vừa giữ vững căn tính của một dân tộc giàu bản sắc và khát vọng vươn lên.

5. Một đạo luật vì tương lai văn hóa số và kinh tế sáng tạo

Trong thế kỷ 21, khi thế giới chuyển mình từ nền kinh tế tài nguyên sang nền kinh tế tri thức, từ sản xuất hàng hóa vật chất sang sản xuất giá trị tinh thần, thì văn hóa – đặc biệt là văn hóa số – đang nổi lên như một động lực mới cho phát triển bền vững. Từ nền tảng này, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo không chỉ là văn bản pháp lý phục vụ khoa học kỹ thuật, mà còn là tấm bản đồ chiến lược cho hành trình kiến tạo tương lai văn hóa số và kinh tế sáng tạo của Việt Nam.

Văn hóa số – với sự hội tụ của công nghệ, nội dung sáng tạo và dữ liệu – đang mở ra một kỷ nguyên mới của tiếp cận, trải nghiệm và lan tỏa các giá trị văn hóa. Những lĩnh vực từng gắn bó mật thiết với không gian vật lý như biểu diễn, bảo tàng, lễ hội… nay đang được số hóa và tái định hình để tiếp cận công chúng toàn cầu. Một bộ phim Việt có thể chiếu song song trên nền tảng OTT tại Mỹ, Nhật và Châu Phi. Một vở cải lương có thể trở thành trải nghiệm thực tế ảo cho du khách quốc tế. Một nghệ sĩ trẻ có thể đưa sản phẩm âm nhạc dân tộc của mình lên sàn nhạc số toàn cầu chỉ bằng vài cú click chuột.

Điều kiện tiên quyết cho những điều đó chính là một hệ sinh thái sáng tạo số – nơi luật pháp, hạ tầng công nghệ, chính sách tài chính, giáo dục, bản quyền và thị trường cùng hội tụ. Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần này đã bước đầu tạo ra khung pháp lý cần thiết để thiết lập hệ sinh thái đó. Với tinh thần “lấy doanh nghiệp làm trung tâm”, “chấp nhận rủi ro”, “mở rộng tiếp cận nguồn lực sáng tạo” và “khuyến khích sáng tạo không giới hạn trong ngành kỹ thuật”, đạo luật này là lời mời gọi mạnh mẽ đối với cộng đồng sáng tạo văn hóa – từ những nghệ sĩ đường phố đến những nhà sản xuất phim độc lập, từ nhà thiết kế đồ họa đến các startup game, edtech và truyền thông số.

Không chỉ dừng ở khung khổ, Luật còn mở ra những cơ chế cụ thể để thúc đẩy phát triển văn hóa số và kinh tế sáng tạo:

  • Thứ nhất, hỗ trợ hình thành các thiết chế trung gian như trung tâm đổi mới sáng tạo, phòng thí nghiệm văn hóa, không gian nghệ thuật số, sàn giao dịch bản quyền – những hạ tầng mềm không thể thiếu để nuôi dưỡng và thương mại hóa ý tưởng sáng tạo.
  • Thứ hai, tạo điều kiện để các doanh nghiệp văn hóa – vốn thường bị gạt ra ngoài các chính sách ưu đãi công nghệ – được tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp, miễn giảm thuế, tư vấn pháp lý, đầu tư rủi ro và cả các quỹ sáng tạo quốc gia.
  • Thứ ba, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain trong sản xuất – phân phối – bảo vệ sản phẩm văn hóa, từ đó tăng hiệu quả kinh tế, độ phủ thị trường và năng lực cạnh tranh quốc tế cho sản phẩm Việt.
  • Thứ tư, cải cách giáo dục văn hóa – nghệ thuật theo hướng liên ngành và khởi nghiệp: nơi sinh viên không chỉ học diễn xuất, hát hay vẽ đẹp, mà còn biết phát triển mô hình kinh doanh sáng tạo, định vị thương hiệu, sử dụng công cụ số để vươn ra thị trường toàn cầu.
  • Thứ năm, thúc đẩy hợp tác công – tư trong lĩnh vực sáng tạo, để các thiết chế văn hóa công lập không bị bó hẹp trong ngân sách, mà có thể kết nối với nhà đầu tư tư nhân, với doanh nghiệp công nghệ, với cộng đồng sáng tạo để cùng tạo ra các sản phẩm giá trị cao.

Những nội dung trên, nếu được thực hiện đồng bộ, sẽ là bước tiến lớn đưa Việt Nam từ một quốc gia chủ yếu tiêu dùng văn hóa số thành quốc gia sản xuất và dẫn dắt nội dung văn hóa số. Trong đó, những nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà văn, nhà phát triển phần mềm, nhà thiết kế… sẽ không chỉ là “người làm nghệ thuật”, mà trở thành những “nhà công nghiệp văn hóa”, những “kiến trúc sư của nền kinh tế sáng tạo”.

Điều này phù hợp với xu thế toàn cầu. Theo Báo cáo của UNCTAD, kinh tế sáng tạo hiện đóng góp gần 3% GDP toàn cầu và tạo ra khoảng 50 triệu việc làm, chủ yếu cho giới trẻ. Các thành phố sáng tạo như Seoul, Singapore, Montreal, Amsterdam… đều đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp văn hóa – nơi công nghệ, nghệ thuật và giáo dục hội tụ. Việt Nam, nếu biết tận dụng thời cơ này, không chỉ có thể gia tăng giá trị xuất khẩu văn hóa mà còn xây dựng được hình ảnh mềm mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Luật đã cho chúng ta một cơ hội hiếm có – để khơi dậy tiềm năng hàng triệu người Việt trẻ đang sáng tạo mỗi ngày trên mạng xã hội, trong các studio độc lập, trong các lớp học nghệ thuật, trong các không gian sáng tạo nhỏ bé. Việc còn lại là chúng ta có dám tin và đầu tư đúng chỗ – vào tư duy, thể chế và con người – để nền văn hóa số Việt Nam thật sự “bứt phá” như kỳ vọng?

6. Văn hóa đổi mới: Sức bật của một dân tộc sáng tạo

Việc Quốc hội chính thức thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại Kỳ họp thứ 9 không chỉ là dấu mốc về mặt lập pháp, mà còn là một tuyên ngôn phát triển mang tầm chiến lược: khẳng định tư duy mới, tầm nhìn mới và giá trị mới cho một Việt Nam sáng tạo trong kỷ nguyên chuyển đổi.

Lần đầu tiên, “văn hóa đổi mới sáng tạo” được xác lập không chỉ như một lý thuyết xã hội học hay một xu hướng truyền thông, mà là một nền tảng chính sách – nơi văn hóa không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ, mà trở thành linh hồn và động lực của nó. Chính văn hóa – với hệ giá trị, niềm tin, thói quen, năng lực cảm thụ và sáng tạo – sẽ định hình thái độ của con người trước cái mới, khơi dậy sự tò mò, lòng dũng cảm thử nghiệm và tinh thần hợp tác để đồng sáng tạo. Khi văn hóa trở thành không gian tinh thần chung cho đổi mới sáng tạo phát triển, thì mọi cá nhân – dù là nghệ sĩ, kỹ sư, giáo viên hay công chức – đều có thể trở thành những người góp phần làm nên tương lai.

Trong một thế giới nơi tài nguyên vật chất ngày càng giới hạn, thì tài sản quý giá nhất chính là con người – là trí tuệ, là ý tưởng, là cảm xúc. Và ở đó, dân tộc nào biết tạo ra một môi trường nuôi dưỡng sáng tạo, khích lệ bản lĩnh, tôn vinh khác biệt – dân tộc đó sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn nhất. Sức mạnh mềm không chỉ đến từ di sản hay bản sắc, mà từ chính năng lực chuyển hóa bản sắc ấy thành giá trị mới, thành sản phẩm, thành trải nghiệm, thành cảm hứng lan tỏa. Đó là lúc văn hóa không chỉ là quá khứ, mà là động lực của tương lai.

Chúng ta đã có một đạo luật tiến bộ, một hành lang pháp lý cởi mở và một hệ tư tưởng phát triển đặt con người, văn hóa và sáng tạo vào trung tâm. Nhưng luật pháp chỉ là điểm khởi đầu. Điều quyết định vẫn là hành động của mỗi cấp chính quyền, mỗi cơ sở giáo dục, mỗi doanh nghiệp và mỗi cá nhân sáng tạo. Liệu chúng ta có đủ can đảm để thay đổi tư duy quản lý? Liệu chúng ta có đủ tin tưởng để đầu tư vào những ý tưởng chưa thành hình? Liệu chúng ta có sẵn sàng chấp nhận rủi ro để một ngày nào đó có thể gọi tên những giá trị Việt trên bản đồ sáng tạo toàn cầu?

Hãy tin rằng, Việt Nam – với chiều sâu văn hóa hàng nghìn năm, với thế hệ trẻ đầy khát vọng và năng lực hội nhập, với khả năng thích ứng linh hoạt và tinh thần vượt khó – hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm sáng tạo mới của khu vực. Hãy hình dung một tương lai nơi các sản phẩm văn hóa số “made in Vietnam” chạm tới hàng triệu người trên thế giới; nơi phim ảnh, âm nhạc, thời trang, trò chơi điện tử mang đậm bản sắc Việt Nam được săn đón toàn cầu; nơi mỗi bạn trẻ đều thấy mình có cơ hội sáng tạo và thành công ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Văn hóa đổi mới – nếu được nuôi dưỡng đúng cách – sẽ là sức bật của một dân tộc sáng tạo. Luật đã ban hành. Cơ hội đã mở ra. Còn lại – là chúng ta phải cùng nhau hành động.

 

PGS, TS Bùi Hoài Sơn

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội

 

 

 

 

 

 

;