Nghệ thuật hóa trang khuôn mặt Tuồng Việt - nhìn từ một số học thuyết và quan niệm

Tuồng hay còn được gọi là hát bội, là môn nghệ thuật dân gian mang đậm tính cổ điển của Việt Nam. Nghệ thuật hóa trang khuôn mặt là một nét đặc trưng riêng mang tính độc đáo và khu biệt tuồng với những loại hình sân khấu truyền thống tương tự. Thông qua những nguyên tắc hóa trang khuôn mặt hay còn gọi là mặt nạ tuồng, chúng ta có thể nhận diện được đó là nhân vật có xuất thân và đặc điểm tính cách như thế nào. Có rất nhiều yếu tố hình thành nên những quy ước trong mặt nạ tuồng, trong đó, học thuyết âm dương - ngũ hành, quan niệm dân gian về tướng mạo, quan điểm về thẩm mỹ và văn học được coi là những yếu tố chính, chi phối các nguyên tắc trong hóa trang khuôn mặt tuồng Việt. Chính những quy tắc này thể hiện sự kết nối giữa quan niệm nhân sinh quan của người Việt trên sân khấu, thể hiện, khắc họa nét tính cách của tuyến nhân vật trên khuôn mặt nhân vật tuồng.

Cảnh trong vở Khúc gia trang dậy sóng trời Nam của Nhà hát Tuồng Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Từ lý thuyết...

Thuyết âm dương - ngũ hành

Hình thái, đường nét trên mặt tuồng được thể hiện qua thuyết âm dương. Việc ứng dụng quan điểm âm dương làm cho nhân vật hóa trang trong tuồng được khắc họa một cách rõ nét và thể hiện những mặt đối lập trong hệ thống tuyến nhân vật. Nhóm màu tối đại diện cho năng lượng âm, càng nhiều màu tối thì năng lượng âm càng lấn át. Tương tự vậy, nhóm màu sáng, sắc chuyển động đại diện cho năng lượng dương, càng nhiều màu sáng thì càng nhiều năng lượng. So sánh tương quan đối lập rõ ràng trên tuyến nhân vật trong vở tuồng Tam Nữ Đồ Vương: phe trung như Triệu Tư Cung, Lý Khắc Minh đều được lấy màu mặt là màu đỏ (đại diện cho tính dương), đại diện cho những con người dũng cảm, bộc trực, nghĩa khí. Trái ngược đó là tuyến nhân vật phe nịnh như Triệu Văn Hoán lại lấy màu đỏ bầm, hay Tạ Kim Hùng lại lấy nền rằn đen trắng là màu mặt chủ đạo khắc họa lên những nhân vật mang tính cách hằn học, xảo trá.

Song song với thuyết âm dương là thuyết ngũ hành. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ 5 loại vật chất trong vũ trụ: kim (kim loại), mộc (gỗ), thủy (nước), hỏa (lửa) và thổ (đất). Thuyết ngũ hành đưa ra các cách giải thích cho quy luật của vạn vật trong vũ trụ thông qua mối quan hệ tương sinh và tương khắc. Nghệ thuật hóa trang trong tuồng ứng dụng thuyết ngũ hành trong nhận diện tướng mạo nhân vật, gọi là: “Ngũ hành hình tướng”: “Thuyết này cho rằng loài người ắt sẽ nằm trong 5 loại là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; với mỗi kiểu người thì hóa trang tuồng sẽ có một cách vẽ mặt khác nhau đại diện cho kiểu người đó như người thuộc mệnh Kim thì mang sắc trắng, mệnh Mộc thì hợp xanh, Thủy thì hợp đen, mệnh Hỏa mang sắc đỏ và mệnh Thổ mang sắc Vàng. Rõ ràng, mỗi một kiểu người trong 5 kiểu người thuộc ngũ hành tương ứng với một màu mặt riêng trong hóa trang tuồng” (1).

Người có tướng hình kim: khuôn mặt vuông vắn, sắc bén, ngũ quan cấu tạo cân đối, sắc mặt trắng. Người hình kim có vận mệnh cao sang, phú quý, tính tình thẳng thắn, tự tin, cá tính, mạnh mẽ.

Người có tướng hình mộc: gương mặt nảy nở ở phần trên, thon dài, râu tóc tao nhã, thanh tú, sắc mặt xanh. Người hình mộc tính tình ôn hòa, tao nhã, biết cảm thông và biết cách đối nhân xử thế.

Người có tướng hình thủy: người hình thủy thân hình mập mạp, sắc da ngăm đen, tuy nhiên, tính tình tốt, khôn ngoan, láu lỉnh, tâm địa không hề thâm độc.

Người có tướng hình hỏa: người hình hỏa khuôn mặt có những bộ vị gân guốc và lộ liễu, thon dài ở phía trên, nảy nở ở dưới. Sắc da lúc nào cũng hồng như người uống rượu, dáng người cao, chân tay lộ rõ gân guốc. Tính cách của người hình hỏa là dễ nổi nóng, liều, nhưng có tính kỷ luật cao.

Người có tướng hình thổ: chậm chạp, nặng nề và ổn định, sắc da vàng. Kiểu người này nhẫn nại nhưng hay cố chấp, đôi lúc lại mưu mô và thâm độc.

Dựa trên 5 kiểu người theo thuyết ngũ hành, các nghệ sĩ hóa trang vẽ mặt trong tuồng tạo ra những diện mạo phù hợp cho nhân vật, qua đó bộc lộ đúng những nét tính cách, tâm lý của nhân vật đó.

Quan niệm dân gian về tướng mạo

Bản chất của nghệ thuật hóa trang vẽ mặt chính là để tạo nên tướng mạo phù hợp với tính cách nhân vật. Sự ước lệ, cách điệu và khái quát hóa trong hóa trang vẽ mặt chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những quan niệm dân gian về tướng mạo con người. Quan niệm dân gian về tướng mạo là sự kết hợp của tâm lý học, sinh lý học, nhân tướng học, nhân chủng học và triết học đậm chất Á Đông. Dựa vào những đặc điểm về tâm sinh lý, tính cách mà người xưa đã khái quát hóa thành một số quan điểm về tướng mạo như: “lòng lang dạ sói”, “rồng bay phượng múa”, “cá vượt vũ môn”, “chuồn chuồn đạp nước”, “mặt âm u như bò đội nón”… Những quan niệm này được ứng dụng rất nhiều trong nghệ thuật hóa trang nhân vật, đặc biệt trong hóa trang của nghệ thuật tuồng.

Theo quan niệm xưa, khuôn mặt là bộ phận đại diện cho tướng mạo con người. Dân gian vẫn thường có câu: “nhìn mặt mà bắt hình dong”, “hình dong” ở đây không chỉ là hình thức bên ngoài mà còn phản ánh bản chất và tâm tính bên trong con người. Vì vậy, có câu “người khôn hiện ra mặt/ Què quặt hiện ra chân tay”. Bên cạnh quan niệm về tướng mặt, cũng có quan niệm về màu mặt: “Tướng tài mặt đỏ, tướng thỏ mặt xanh” ý nói màu mặt đỏ thể hiện những con người tài giỏi, mạnh mẽ, dũng cảm; màu mặt xanh thuộc dạng người mưu mô, xảo trá... Như vậy, khuôn mặt là yếu tố đáng xem xét hàng đầu trong việc nhận diện tính cách nhân vật, từ đó nghệ thuật hóa trang mặt được sử dụng như một phương tiện thể hiện đắc lực trên sân khấu tuồng.

Có thể nói, từ lâu trong dân gian đã hình thành và truyền bá những quan điểm để đánh giá tâm lý, phẩm chất, tính cách của con người thông qua tướng mạo như dựa vào hình dáng, màu mặt, đôi mắt, cái mũi, cái miệng, râu - mày. Mặc dù những quan niệm này không đánh giá được hoàn toàn chính xác tính cách, phẩm chất con người nhưng chúng ta phải khẳng định rằng từ xa xưa, những đặc điểm đường nét khuôn mặt mà ông cha đã khái quát nên vẫn còn được vận dụng trong quan niệm dân gian thời nay. Là một thể loại nghệ thuật truyền thống, tuồng ít nhiều chịu ảnh hưởng của những quan điểm đó, nghệ thuật hóa trang sân khấu tuồng dựa theo quan niệm về tướng mạo mà tạo ra những gương mặt phù hợp mang tính khái quát nhất cho nhân vật, thành công “tính cách hóa” nhân vật thông qua các kiểu vẽ mặt.

Quan điểm thẩm mỹ - văn học

Thẩm mỹ là giá trị quan trọng nhất của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung. Không chỉ là giá trị, thẩm mỹ còn là chức năng và yêu cầu đặt ra để một tác phẩm nghệ thuật có thể tồn tại với thời gian. Quan điểm thẩm mỹ được áp dụng vào nghệ thuật nói chung, tuồng nói riêng chính là thông qua việc tái hiện thực tế cuộc sống, là cách nhà viết kịch khái quát hiện thực vào trong tác phẩm của mình. Tuồng được xây dựng từ chính những sự thật có thể nhìn thấy trong đời sống: “Hiện thực lịch sử giữ nước là mảnh đất màu cho nghệ thuật Tuồng” (3). Tuồng có nguồn gốc xa xưa và khởi nguồn từ những lối sinh hoạt cộng đồng, diễn xướng dân gian mà thông qua đó, đời sống tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của tầng lớp nhất định, ở một thời đại nhất định được tái hiện lại. Trong suốt tiến trình lịch sử của tuồng, thể loại này không ngừng xây dựng kịch bản dựa trên những câu chuyện, con người có thật, nhưng không bê nguyên xi những sự thật đó vào kịch bản mà tác giả đã chọn lọc và khái quát hóa nó lên để cho ra những hình tượng mang tính đại diện nhất. Tác giả tuồng luôn xây dựng hình tượng nhân vật theo nguyên tắc ước lệ và hình tượng hóa, để nhân vật mang những nét tính cách đặc trưng cho một bộ phận người nhất định trong xã hội, mang tính chất đại diện cho giai cấp đó.

Cũng như những tác phẩm văn học khác, tuồng tìm ra cái đẹp trong hiện thực, từ việc thể hiện đi đến ngợi ca những vẻ đẹp ấy. Tuồng khơi dậy được những tình cảm cao quý và khát vọng chính đáng cho con người. Bắt nguồn từ cuộc đời, rồi lại quay trở lại thay đổi con người và cuộc sống, đó chính là cách mà quan điểm thẩm mỹ được ứng dụng trong tuồng. Đặc biệt, mỗi nhân vật tuồng khi xuất hiện trên sân khấu đều trong bộ dạng chỉn chu nhất, từ phục trang đến hóa trang, mà lối hóa trang của nghệ thuật tuồng chính là hóa trang vẽ mặt - một yếu tố minh chứng cho nội dung được chứa đựng trong hình thức. Vẽ mặt trong tuồng chú ý đến màu sắc và đường nét. Nhìn vào cách vẽ mặt của nhân vật trên sân khấu, có thể nhìn nhận được tính cách của nhân vật là thiện hay ác, trung hay nịnh, hèn nhát hay dũng cảm… Khi mà những khía cạnh về mặt hình thức như sân khấu, biểu diễn hay tạo hình nhân vật không đạt yêu cầu thẩm mỹ trong tuồng, thì giá trị của tác phẩm khó có thể được truyền tải một cách trọn vẹn đến với người xem.

...đến ứng dụng

Vận dụng những học thuyết và quan điểm như trên, việc hóa trang mặt nạ tuồng đã được thể hiện rất rõ qua hệ thống quy ước về màu sắc, đường nét trên khuôn mặt nhân vật. Xã hội phong kiến tồn tại hai giai cấp: thống trị và bị trị, hay nói cách khác là quân tử và tiểu nhân. Ở hàng thống trị, ngoài vua chúa (Thiên tử), còn có các đại thần văn võ, tướng sĩ, d­ ưới là quan lại địa ph­ ương cho đến tổng, lý, lệ tuần. Hàng bị trị gồm những ng­ ười đi cày, thợ làm thuê, bán buôn gồng gánh. Bên cạnh đó là những thày đồ, thày cúng, thày bói, anh nhiêu, anh khóa. Khi vào tuồng, những nhân vật đó được phân ra hai hạng, không phải theo quan điểm đấu tranh giai cấp mà theo quan điểm đạo lý cũ: bên trung, bên nịnh, hay bên thiện, bên ác. Trong hai phe đó, tuồng sắp xếp thành những khái niệm cụ thể: nam thì có kép và lão, nữ thì có đào và mụ. Ngư­ ời trẻ là đào, kép, người già là lão, mụ. Những ng­ ười bình dân và những người cùng khổ không được xếp vào bốn loại đó, nh­ ư quân lính, người hầu, thị nữ, hoặc ng­ ư, tiều canh, mục (đánh cá, đi củi đi cày, chăn trâu) và hạng ng­ ười bán quán đi buôn... Ngoài đào, kép, lão, mụ, còn có các loại yêu ma, thần thánh, tiến phật.

Kép hát là một vai tuồng cần bỏ nhiều công phu luyện tập, th­ ường là những vai chính, xuất hiện nhiều lần trên sân khấu. Ng­ ười xem có thấy hấp dẫn hay không là ở vai này. Trong vai kép lại chia ra các loại: kép đỏ, kép xanh, kép rằn, kép đen, kép trắng (theo thuyết ngũ hành). Cách phân loại này nhận diện bằng cách vẽ mặt chứ không theo trang phục hay chức t­ ước, địa vị xã hội của nhân vật. Kép đỏ là những nhân vật có nư­ ớc da màu hồng, thắm đỏ; kép xanh thì da mặt màu xanh - nói màu xanh nh­ ưng thực ra là màu đen pha với phấn trắng làm cho màu mặt trở nên đen thẫm hoặc sắc xám xanh. Kép trắng thì da mặt màu trắng làm nền và tô điểm những đường nét khác. Kép rằn thì có bộ mặt rằn gân guốc, tiếng nhà nghề còn gọi là kép xéo (chỉ những nhân vật có 2 tròng mắt vẽ xéo ng­ ược lên). Như­ vậy, trong loại xéo có nền da đỏ thì gọi là xéo xanh, xéo rằn, trắng, hay đen. Nếu là yêu quỷ thì có thêm mớ tóc, từ đỉnh đầu lòa xòa từng cụm nhỏ xuống trán và hai bên tai, hai con mắt cố gắng đeo thêm mắt giả. Ngày x­ ưa, các cụ th­ ường lấy hai lon thuốc phiện, giữa có lỗ tròn, lắp vào mắt rồi cột dây buộc ra sau gáy. Nếu kép là tư­ ớng phiên thì cũng đeo mắt giả nh­ ư vậy, đôi khi, họ còn được lắp thêm mũi giả nhưng không có tóc xoã như yêu ma.

So với vai kép, mặt nạ của vai đào đơn giản hơn. Như trên đã nói, trong tuồng có kép đỏ, kép xanh, kép rằn... nh­ ưng không hề có đào đỏ, đào xanh, đào rằn... Ngư­ ời ta chỉ phân biệt đào chiến nh­ ư Đào Tam Xuân (vở Đào Tam Xuân), Liễu Nguyệt Tiêm (vở Đào Phi Phụng); đào th­ ương nh­ ư Phụng Cơ trong tuồng Sơn hậu; đào cảnh có tính chất tình tứ nh­ ư Điêu Thuyền (vở Phụng Nghi Đình) và đào yêu vốn là những yêu ma như­ Hồ Nguyệt Cô (vở Hồ Nguyệt Cô), Đát Kỷ (vở Trầm Hương Các). Tuy được phân thành nhiều loại nh­ ưng cách vẽ mặt của các vai đào không khác nhau và đều hướng đến việc vẽ sao cho thể hiện được bộ mặt mang thần thái, cốt cách của mỹ nhân. Do vậy, dù đó là trung hay nịnh, miền núi hay miền xuôi, là ng­ ười hay yêu ma hóa trang mặt của các vai đào cũng đều môi son má phấn. Tính cách nhân vật là gian ác hay phúc hậu được nhận diện qua nét vẽ mày ngang, mày xếch hoặc những nhân vật có tính đanh đá, đáo để như­ Hoạn Thư (Truyện Kiều),­ nghệ sĩ thường điểm thêm hai chấm đen vào hai bên mang tai. Nếu đào xuất thân từ miền núi, người đồng bào ít người như Đào Tam Xuân (vở Đào Tam Xuân), thì thường được thêm một chấm đen trên gò má, để ng­ ười xem nhìn bộ mặt là biết ngay đào ở miền núi. Cũng là nhân vật đó, ở miền Bắc, có nơi ng­ ười ta kẻ mặt một nửa thật đẹp, còn một nửa có phớt qua một lớp phấn đen khá tinh tế đến mức không làm giảm sắc đẹp của vai đào (thuyết âm dương). Nếu là đào yêu, thì cách vẽ mặt cũng không có gì khác đào th­ ường, tuy là yêu ma nh­ ưng cũng phải kiều diễm không kém những tiểu thư­ khuê các, có khi còn hấp dẫn hơn. Nh­ ưng để phân biệt với ng­ ười thư­ ờng, đào yêu có để hai làn tóc chạy dài xuống hai bên mang tai, trông lại có vẻ kiều diễm riêng của nó, chứ chẳng hề xấu xí đi.

Còn ở các vai mụ, cách vẽ mặt cũng t­ ương tự như­ đào. Ngư­ ời ta chia ra hai loại mụ: mụ lành, mụ ác. Đã là mụ thì không còn son trẻ như­ đào, mà là những ngư­ ời có con cái đã đến độ tr­ ưởng thành. Họ là những vai bà mẹ của các vai đào hay kép như mẹ Kim Lân (vở Sơn Hậu), mẹ Địch Thanh (vở Ngũ Hổ Bình Liêu)... Thuở xư­ a, vai mụ thường do đàn ông sắm, nên họ th­ ường làm ra dáng đàn bà và vẽ cái mặt thật già như­ vẽ mày trắng, đeo tóc trắng.

Có thể nói, tuồng thu tóm tất cả hạng ng­ ười trong các tầng lớp xã hội từ vua quan phong kiến, cho đến các tầng lớp trung gian, xuống hàng cùng đinh khố rách để xếp các loại nhân vật theo khái niệm đào, kép, lão, mụ... Và từ đó, những khái niệm về kép đỏ, kép xanh, đen, trắng, xéo, rằn cũng như­ đào chiến, đào thương, đào cảnh, đào yêu, hoặc lão đỏ, lão trắng, lão đen và mụ lành, mụ ác... dần được hình thành. Những tuyến nhân vật đó khi đưa lên sân khấu tuồng một lần nữa lại được hệ thống, quy ước bằng chính cách vẽ mặt nạ. Ta có thể cứ xem cách vẽ mặt mà xếp nhân vật vào loại này hay loại khác. Trên cái nền mặt đỏ, trắng, xanh đen, ng­ ười diễn viên sẽ tùy từng tính cách nhân vật mà vẽ các bộ phận khác như­ lông mày, tròng mắt và bộ râu. Ở phụ nữ, trong cuộc sống, ng­ ười ta phân ra các loại mày liễu, mày ngài; ở nam giới thì có mày lưỡi mác, mày chổi xể, chổi đót, sâu róm, mày rô... Trên cơ sở đó, tuồng dùng nghệ thuật cách điệu để phân ra các loại t­ ương đương theo thuyết cân bằng âm dương và biểu tượng ngũ hành. Trư­ ớc hết, tuồng chú trọng vị trí của lông mày, hoặc ngang bằng hoặc cụp xuống, hoặc xếch lên. Mày ngang nói lên tính tình chân chất, trung thực; mày xếch thể hiện cho tính gian ác; mày cụp là hèn nhát, ti tiện. Tùy tính cách trung thực, gian ác, nịnh nọt, ti tiện đến mức độ nào thì vị trí lông mày cũng ngay ngắn, xếch, cụp đến mức độ đó. Ngoài vị trí ra, ngư­ ời vẽ còn chú trọng đến hình thể, màu sắc của lông mày. Mày hình l­ ưỡi mác là có tư­ ớng anh hùng trí đảm nh­ ư Kim Lân (tuồng Sơn Hậu); mày mũi dùi dành cho kẻ nịnh nọt, mày chổi đót là của kẻ gian ác nh­ ưng còn thêm tính thâm hiểm, sâu độc; mày rô (hình cá rô) là gian ác nh­ ưng lại trí dũng nh­ ư Tạ Ôn Đình (tuồng Sơn Hậu); mày kiến cộc là ngư­ ời trung nh­ ưng lại xuất thân từ con nhà gian nịnh nh­ ư Triệu Tư­ Cung (tuồng Tam nữ Đồ Vương); mày có vẽ thêm một vệt đỏ kẻ dọc theo gọi là lá hỏa, mô tả tính cách gian ác nh­ ưng hay nóng giận, với ngụ ý nóng mày nóng mặt. Còn mày cua đào thì hoặc hình lá liễu hoặc con ngài nh­ ư ngoài đời, của lão mụ thì hoặc xám, hoặc trắng màu vôi.

Lông mày còn đ­ ược gắn liền với tròng mắt: Tròng mắt bao gồm những vệt gân, thớ thịt xung quanh con mắt. Từ độ tuổi già hay trẻ đến t­ ướng mạo lành hay dữ, trung trực hay tráo trở… đều được mô tả chi tiết trên tròng mắt. Tuồng chia ra các loại tròng xéo, tròng lở, tròng lóa. Ở miền Bắc, các nghệ nhân còn chia ra loại tròng mỏ - hình dạng giống nh­ ư mỏ chim. Các nghệ nhân tuồng khu 5 cũng vẽ hình giống với mỏ chim nh­ ưng lại xếp vào loại tròng xéo nhưng gọi là tròng xéo mỏ. Trong các loại đó lại phân ra các loại tròng lóa cho ng­ ười già, tròng lở cho hạng trung niên và loại tròng non cho ng­ ười nhỏ tuổi. Tròng mắt của ng­ ười ít tuổi thì không có nếp nhăn, nên đơn giản hơn với đường nét chính là ở mi mắt và chân mày. Ng­ ười càng già thì đường nét tùy theo tuổi tác mà càng đậm mãi lên và lan dần những nét nhăn xuống đến má. Ngoài ra, những vẻ mặt dữ tợn, hay hiền lành, thâm hiểm hay thật thà còn phụ thuộc những nét cong hay thẳng, ng­ ược lên hay xuôi xuống, đen hay trắng, đỏ, xanh, hoặc lỗ chỗ màu này lên nền màu kia mà bộc lộ ra để gây cho ngư­ ời xem hoặc ác cảm, hoặc thiện cảm, hoặc kinh sợ, hoặc khinh ghét... Tất cả những nét vẽ đó đều theo những quy luật mà chúng ta đang nói đến.

Về bộ râu trong nhân vật tuồng, ngoài đời ng­ ười ta thư­ ờng phân ra: râu rồng, râu cọp, râu trê, râu chổi xể, rễ tre, quai nón, râu xồm... Còn trong tuồng có hai loại râu: râu vẽ và râu giả. Râu vẽ rất gần với râu thật nhưng cũng có các loại râu trê, như­ hai sợi dài vểnh từ mép ra mang tai, tả rất đắc lực tính cách vênh vang tự đắc, hoặc ria cáo từ hai bên nhân trung vểnh ng­ ược lên hai bên mũi ra má, nói lên con ngư­ ời gian ác như­ ng ranh ma tinh quái, hoặc râu quặp từ hai bên mép xuống cằm khắc họa đậm nét tính cách ti tiện, nhỏ nhen. Loại râu vẽ chỉ dùng cho một số loại nhân vật như­ bọn tổng lý, lệ, tuần, anh đồ, anh quán, thày bói, thày cúng... nói chung là dùng cho ngư­ ời ở tầng lớp d­ ưới. Còn các nhân vật ở tầng lớp trên, hoặc có tuổi tác, thì dùng râu giả. Ng­ ười trung, phúc hậu thì đeo râu ba chòm, mà đường bệ, oai phong hơn nữa thì đeo râu năm chòm. Kép đỏ th­ ường dùng hai loại này. Râu rìa là của hạng gian nịnh, râu quắn là của những nhân vật dũng mãnh nh­ ư Châu Th­ ương (vở Tam Quốc). Tất nhiên các loại râu đó còn có màu sắc đen, xám, trắng, dài, ngắn hoặc quắn nhiều ít khác nhau để có thể biểu hiện các lứa tuổi, hoặc tính cách khác nhau. Với các bộ phận nhỏ như: râu, tóc, nền da, mày, trắng mắt, nghệ thuật vẽ mặt của tuồng sắp xếp theo từng vị trí tạo ra những mối t­ ương quan khác nhau, để nói lên cái muôn màu muôn vẻ của tính cách nhân vật y hệt như­ ng­ ười soạn nhạc sắp đặt các nốt theo cung bậc khác nhau mà sáng tạo ra muôn ngàn ca khúc. Cách vẽ mặt của tuồng biết tận dụng muôn hình, muôn vẻ của diện mạo con ngư­ ời để tạo cái sinh động cho nghệ thuật, vì thế nó công thức như­ ng không khô cằn, có ước lệ nh­ ưng không cứng nhắc. Mỗi một đường nét, màu sắc khuôn mặt của nhân vật đều tuân theo một học thuyết hay một quan niệm như đã trình bày ở trên để tạo ra những quy tắc chung trong nghệ thuật hóa trang. Như­ vậy là cách vẽ mặt của tuồng cũng mang một mục đích của nghệ thuật hóa trang nói chung nghĩa là làm cho bộ mặt ngư­ ời diễn viên phù hợp với hình tượng nhân vật ở các vở diễn khác nhau bằng đ­ ường nét, màu sắc, hoặc râu tóc để nói lên cái bên trong của nó.

Kết luận

Mỗi một loại hình nghệ thuật có cách hóa trang riêng tùy theo đặc trưng và đối tượng phản ánh cũng như cách thức phản ánh hiện thực. Cùng với múa, hát - âm nhạc, hóa trang vẽ mặt là một phương tiện độc đáo để thể hiện đời sống nội tâm và ngoại hình của các nhân vật trong những vở diễn. Hóa trang trong tuồng thể hiện rõ nét tính cách, địa vị, nơi sống, nghề nghiệp... của nhân vật. Việc ứng dụng các học thuyết như âm dương - ngũ hành, quan niệm dân gian về tướng mạo, quan điểm về thẩm mỹ và văn học trong hóa trang khuôn mặt tuồng Việt thể hiện sự kết nối giữa quan niệm sống, nhân sinh quan của người Việt trên sân khấu, tìm ra cái đẹp từ trong hiện thực, từ đó thể hiện, khắc họa nét tính cách của tuyến nhân vật trên khuôn mặt nhân vật tuồng.

________________

1. Nguyễn Đình Phư, Tìm hiểu và ứng dụng thuyết Ngũ Hành, Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Đông Tây, Nxb Văn hóa dân tộc, 2001, tr.35.

2. Ngô Thị Kim Doan, Nghệ thuật hiểu và dùng người qua nhân tướng học, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.78.

3. Phạm Duy Khuê, Hiện thực lịch sử giữ nước là mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật tuồng, sankhau.com.vn, 10-10-2013.

Ths TRẦN THỊ THƯ - PHẠM QUANG VŨ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;