Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức sinh ra tại quê hương Quảng Trị. Ông có trên 20 năm là người lính cầm súng chiến đấu trên vùng đất lửa hai bờ giới tuyến… Trở thành nhà văn, tác giả kịch bản sân khấu, nhân vật trong các trang viết của ông vẫn là những người lính. Và chiến tranh luôn là phép thử, là thuốc hiện hình đối với mỗi con người dù họ ở trong quân ngũ hay đã trở về làm một người dân thường, một doanh nhân thành đạt hay một cán bộ cao cấp trong xã hội. Mỗi vở kịch của Xuân Đức là tấm gương phản chiếu gần xa gương mặt chiến tranh và thân phận con người… Nhiều nhà nghiên cứu đã xếp kịch của Xuân Đức với những tìm tòi, sáng tạo riêng biệt, báo hiệu khuynh hướng phi sử thi hóa, một trong hướng phát triển tất yếu của sân khấu Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Ông tên đầy đủ là Nguyễn Xuân Đức, sinh ngày 4-1-1947, tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ, ông sống cùng gia đình ở quê mẹ tại bờ Bắc sông Hiền Lương. Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại trường cấp 3 Vĩnh Linh năm 1965, ông thoát ly gia đình và tham gia vào tiểu đoàn 47 quân địa phương Vĩnh Linh, gần 20 năm trực tiếp chiến đấu tại vùng núi Quảng Trị, phía Nam bờ Hiền Lương.
Khởi đầu, Xuân Đức tham gia viết bài cho báo quân đội của khu đội Vĩnh Linh, rồi Quân khu 4. Năm 1976, ông được cử tham gia trại sáng tác của Tổng cục Chính trị. Năm 1979, ông theo học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I. Tốt nghiệp, ông được phân về công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Ông công tác tại đoàn kịch cho đến khi giải ngũ (1990) với quân hàm Trung tá.
Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức (1947 - 2020)
Sau giải ngũ, Xuân Đức về sống tại thị xã Đông Hà, Quảng Trị và chuyển sang công tác tại Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị, với chức vụ Phó Giám đốc Sở. Từ năm 1995-2006, ông là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị. Tháng 7-2006, Xuân Đức nghỉ hưu. Năm 2007, nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức được trao tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Ông qua đời ngày 20-6-2020.
Xuân Đức được biết đến trước tiên là một nhà văn qua những tác phẩm văn học được đông đảo người đọc mến mộ, liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng quan trọng như: tiểu thuyết Cửa gió (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1982), tiểu thuyết Người không mang họ (Giải thưởng văn học Bộ Nội vụ, 1995), Những mảnh làng (tiểu thuyết, 1985), Tượng đồng đen một chân (tiểu thuyết, 1987), Người mất tích (tiểu thuyết, 1990), Bến đò xưa lặng lẽ (tiểu thuyết, 2004)… Ông cũng là tác giả của các kịch bản sân khấu quen thuộc với các nhà hát, đoàn kịch và người yêu sân khấu cả nước: Đại đội trưởng của tôi (viết chung với Đào Hồng Cẩm), Người mất tích (Đoàn kịch nói Quân đội), Chứng chỉ thời gian (Đoàn kịch Hội Sân khấu Việt Nam), Đợi đến bao giờ (Đoàn kịch Quảng Trị), Đám cưới ly biệt (Đoàn kịch Quân đội), Cuộc chơi (Đoàn kịch TP.HCM), Cái chết chẳng dễ dàng gì (Đoàn kịch Quân đội), Ám ảnh (Đoàn kịch Quảng Trị), Chuyện dài thế kỷ (Đoàn nghệ thuật Quảng Trị), Kìa bên ngõ xa (Đoàn kịch Quân đội), Những mặt người thấp thoáng…
Trong sáng tác của Xuân Đức (kịch bản sân khấu cũng như truyện, tiểu thuyết), bối cảnh và nhân vật quen thuộc của ông luôn là mảnh đất quê hương Vĩnh Linh - Quảng Trị, địa đầu ác liệt của đất nước trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Quê mẹ ông ở bờ Bắc, quê cha ông ở bờ Nam sông Bến Hải. Một người bạn đã hỏi: “Tại sao anh cứ bám mãi vào cái làng xưa của anh thế? Có gì ở nơi đó mà viết mãi ?”, Xuân Đức trả lời: “Có thể trả lời bạn thật dài dòng, cũng có thể trả lời ngắn gọn. Dài dòng là những chuyện trên dưới nghìn trang. Ngắn gọn là chỗ đó có Tôi!”(1). Vùng đất Quảng Trị, Vĩnh Linh là xương máu, là tâm hồn của Xuân Đức trong cả cuộc đời và trong mọi trang viết. Đầu Năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhà viết kịch nổi tiếng Đào Hồng Cẩm lúc đó phụ trách đoàn kịch Tổng cục Chính trị chuẩn bị kịch bản Tổ quốc viết về đôi bờ con sông giới tuyến. Đào Hồng Cẩm dồn tâm lực cho tác phẩm. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc là sợi chỉ xuyên suốt vở kịch. Viết xong, Đào Hồng Cảm đánh máy cẩn thận, đọc cho nhiều người nghe. Mấy hôm sau, gặp Xuân Đức ở Hà Nội, ông đưa tập bản thảo cho anh bạn trẻ, giọng nghẹn lại: “Cái gì trong đó cũng có cả rồi, chỉ thiếu mỗi…Vĩnh Linh!” Và Đào Hồng Cẩm đề nghị Xuân Đức cộng tác với tư cách đồng tác giả. Xuân Đức lúc đó là anh lính mới đang tập tành nghề viết kịch dưới sự kèm cặp của thày Đào Hồng Cẩm trong những lần may mắn gặp gỡ, đã sợ hãi từ chối, vì nghĩ rằng: “Mình chỉ là một học trò đang trong bước đầu học nghề kịch sân khấu, không đủ sức để đứng tên cùng thày trong tác phẩm”. Nghe thế, Đào Hồng Cẩm nói như ra lệnh: “Nhưng mà cái chất Vĩnh Linh thì anh lại là thày tôi. Rõ chưa?” (2). Đầu năm 1976, chuẩn bị chương trình phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Đào Hồng Cẩm đề nghị Tổng cục Chính trị mời Xuân Đức ra Hà Nội để chấp bút cho vở kịch Tổ quốc. Vở kịch gồm 9 cảnh, huy động hàng chục diễn viên lên sân khấu. Các nhân vật như: Thường - Chính ủy kiêm Tư lệnh Vĩnh Linh, Thạch - Chủ tịch xã, O Giang - Xã đội trưởng, Quang - trinh sát pháo binh, Hải - chiến sĩ công an vũ trang bảo vệ cờ Tổ quốc… đều hiện lên lấp lánh phẩm chất cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Qua mối tình của người chiến sĩ trinh sát chọn địa điểm quan sát trên đỉnh ngọn cờ giới tuyến với cô gái xã đội trưởng dân quân, các tác giả đã nói trọn vẹn, đầy đủ trách nhiệm, cách nhìn, cách suy nghĩ của lớp trẻ về quê hương đất nước. Vở diễn Tổ quốc đã phục vụ thành công Đại hội Đảng, được biểu diễn trên cả nước, đến đâu cũng được chào đón với tình cảm mến yêu, trân trọng. Tổ quốc cũng là tác phẩm đã góp phần làm nên thành quả Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức sau này.
Khởi đầu từ Tổ quốc, những năm sau cùng với tiểu thuyết, Xuân Đức cho ra đời liên tiếp các kịch bản mà kịch bản nào cũng để lại dấu ấn trên sân khấu các nhà hát, đoàn nghệ thật lớn cũng như trong tình cảm của đông đảo người yêu sân khấu. Kịch Cuộc chơi đoạt giải thưởng cuộc vận động viết về chiến tranh cách mạng; Người chiến sĩ (1964), Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1995); Người mất tích giải A Bộ Quốc phòng (1990); Cái chết chẳng dễ dàng gì, giải A Bộ Quốc phòng (1995), giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc; Chuyện đời thường vớ vẩn giải thưởng Kịch bản sân khấu nhỏ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp (1995); Chuyện dài thế kỷ giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1999), huy chương Bạc Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp (1999); Chuyến tầu tốc hành giải thưởng kịch bản của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Dư chấn huy chương vàng Liên hoan sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân (2015); Những mặt người thấp thoáng do Nhà hát Kịch Hà Nội dựng đoạt giải Nhất Cuộc thi Kịch bản sân khấu toàn quốc lần 2 năm (2010-2011) của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, vở diễn đoạt giải xuất sắc nhất năm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Công trình nghệ thuật đạt giải xuất sắc nhất năm của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam… Có chuyện hy hữu, năm 1985, Đoàn kịch Quân đội nơi Xuân Đức đang công tác giao nhiệm vụ cho ông viết một vở kịch về Bác Hồ. Ông bắt tay viết và hoàn thành kịch bản Cái chết chẳng dễ dàng gì… nhưng vở kịch không được cấp trên duyệt, không được công diễn. 5 năm sau, khi Xuân Đức đã ra quân, về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị, nhân có cuộc vận động sáng tác về Bác Hồ của Tổng cục Chính trị, ông tìm lại kịch bản định sửa chữa thêm, nhưng cuối cùng cứ giữ nguyên như bản đã viết, gửi đi. Cả 8 người trong Ban Giám khảo cuộc thi đều chấm điểm A. Vở kịch đạt giải tuyệt đối của cuộc thi sau đó được đạo diễn Dương Ngọc Đức, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lúc đó, dàn dựng. Đến năm 2005, khi có cuộc phát động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” vở kịch được dựng lại (đạo diễn là NSND Ngọc Huyền). Và từ đó đến năm 2012, vở kịch lại tiếp tục được công diễn và vinh danh trong giải thưởng cho các tác phẩm viết về chủ đề noi theo tấm gương đạo đức và phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức là con đẻ của chiến tranh, người đã có hơn 20 năm gắn bó với cuộc đời binh nghiệp, sống, trực tiếp chiến đấu và viết ở “xứ sở trận mạc” như cách nói của nhà văn Chu Lai. Trong vốn sống, trải nghiệm của mình, nhà văn thuộc nhất, đau đáu nhất là những gì liên quan đến chiến tranh trên quê hương của ông. Vì vậy, kịch cũng như tiểu thuyết của ông đều là những tấm gương phản chiếu gần hoặc xa gương mặt chiến tranh và thân phận con người, là tiếng nói trực diện của nhà văn mà cũng là của người trong cuộc. Ở một khía cạnh nào đó, trong kịch của Xuân Đức, chiến tranh như một phép thử, một loại “thuốc hiện hình”. Con người, nhân vật kịch của ông, giữa hoàn cảnh khốc liệt của cuộc chiến, trên bờ sống, chết đã hiện lên đúng bản chất của mình. Bởi vậy, kịch cũng như những trang văn xuôi của ông đều hiện thực, sinh động và có nhiều ám ảnh về thân phận con người.
“Những nhân vật của nhà viết kịch Xuân Đức là những người cùng thời với ta. Họ cùng hít thở với chúng ta một không khí thời đại. Họ đã trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Họ hiểu thế nào là cái vấp váp của thời kỳ quá độ. Họ hiểu những thử thách của đời sống hòa bình. Họ biết thế nào là vinh quang. Họ cũng thấm thế nào là tủi nhục… nghĩa là họ đã trải qua một trường đời khắc nghiệt, trong đó đan xen giữa tầm cao cả và những cái thấp hèn, mỗi số phận đều buộc phải trả giá, buộc phải nhìn lại, không một ai thoát được những ám ảnh…” (3).
Nhiều nhà nghiên cứu sân khấu có uy tín ở nước ta đã nêu nhận xét về tính phi sử thi hóa trong một số vở kịch của tác giả Xuân Đức (kể từ sau vở Tổ quốc, đồng tác giả, 1985), ngược lại với xu thế sử thi hóa là xu hướng chung của văn học, nghệ thuật Việt Nam (nhất là thời kỳ 1965-1975). Xu hướng sử thi hóa đã góp phần tạo nên những tác phẩm kịch và sân khấu có giá trị, đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong những năm chiến tranh và đầu hòa bình sau này (như vở kịch Tổ quốc mà Xuân Đức là đồng tác giả). Thế rồi qua bước ngoặt của lịch sử đất nước, liền theo đó là cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường thì văn học, nghệ thuật cũng có bước ngoặt đáng kể. Bên cạnh xu thế sử thi hóa, xu thế phi sử thi hóa nổi lên thu hút nhiều năng lực sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm có nổi dung và nghệ thuật đổi mới… Mà kịch của Xuân Đức là một trường hợp cụ thể.
Kịch của Xuân Đức đã phản ánh được những biến đổi mới của thời đại, nơi nảy sinh đậm đặc những vấn đề xã hội, đặc biệt những vấn đề tinh thần, đạo đức của những con người vừa là sản phẩm của cơ chế thị trường, vừa là chủ thể tạo nên những mặt trái của cơ chế ấy. Hình tượng về những con người phức tạp, đa dạng được diễn ra trong xu thế phi sử thi hóa, những con người vì mục đích tối cao là quyền chức, tiền bạc, con cái, đất đai… mà có thể làm bất kể điều gì, trong mọi mối quan hệ gia đình, vợ chồng, cha mẹ, anh em, đồng chí, đồng nghiệp… để đạt bằng được mục đích tối cao ấy.
Theo PGS, TS Tất Thắng: “Đó là những nhân vật chính cống của kịch với tư cách một thể loại văn học lấy xung đột làm biện pháp mỹ học nhằm diễn tả, đúng hơn là lột tả cái phức tạp nhức nhối của cuộc sống, nơi con người luôn luôn hành động và tìm tòi cách thức, mọi thủ đoạn, mọi âm mưu để đạt được mục đích tối cao của mình... Những nhân vật luôn luôn đi đến tận cùng trên con đường của mình. Nói theo cách nói của Aristốt thì họ là những nhân vật có khuynh hướng ý chí mãnh liệt có hành động quyết liệt thể hiện ở những việc làm ghê gớm đến tàn bạo đang được bình thường hóa trong đời sống của họ, nó tạo nên ở họ cái chất kỳ, chất quái. Họ tạo nên một bên, một phía rất có trọng lượng trong cán cân nghệ thuật kịch Xuân Đức. Cái tính phức tạp làm nên nét sâu sắc và hiện đại của nhân vật mà ta đang bàn của Xuân Đức, là ở chỗ sâu thẳm nơi con người họ vẫn còn ẩn dấu một chút nhân tính nào đó… Cái độ chênh giữa sự tàn bạo nổi trội và một chút nhân đạo ẩn chìm đã khiến những nhân vật này ghê gớm thì ghê gớm thật, nhưng luôn luôn bận tâm đến sự lo âu, hốt hoảng đến sợ hãi trong tư thế mất cân bằng (Sans - équilibre). Hơn nữa, đây cũng là điểm đáng chú ý của kịch Xuân Đức trong cái thế giới nhân vật của anh, ngoài những típ nhân vật như đã nói ở trên, còn một típ nhân vật khác tạo nên những va chạm, những đụng độ, những đối kháng… bề ngoài có vẻ âm thầm khi phẳng lặng như bề mặt nước của mỗi dòng sông, nhưng thực chất là sôi nổi, mạnh mẽ… và đôi khi cuồn cuộn… như những luồng ngầm đưa dòng sông vào nơi ghềnh thác. Đó là những con người truyền thống trong xu thế hiện đại, những con người mới của cơ chế thị trường hiện nay và có thể nói họ là những anh hùng của thời đại chúng ta… Họ phải đương đầu với thế giới nhân vật quái kiệt kia mà đa phần lại là những bạn bè, chiến hữu, đồng chí, đồng đội của mình và một phần nhỏ, nhưng rất có sức mạnh, là những cha anh, những thủ trưởng, những cấp trên, những vị lãnh đạo của mình… Mặt khác, đôi khi họ phải đấu tranh với những người thân yêu, ruột thịt của mình. Và trong cuộc đối đầu đó, họ phải trả giá, có người gặp tai biến. Đây có thể xem là tiền thân của nhân vật bi kịch. Nếu như ngày nay, các nhà lý luận hay nói đến tính đã chức năng của văn học, trong đó có chức năng dự báo, thì kịch của Xuân Đức cũng chứng tỏ có ít nhiều chức năng đấy. Ít nhất kịch Xuân Đức cũng dự báo một thời kỳ đổi mới thực sự của sân khấu chúng ta…” (4).
Đặc biệt, ngày 19-5-2023 vừa qua tại sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà nước đã long trọng công bố truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Xuân Đức.
___________________
1, 2. Bùi Như Hải, Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam, Nxb Văn học, 2020.
3. Lời giới thiệu của Nxb Sân khấu cho tập kịch Chứng chỉ thời gian của Xuân Đức.
4. Lời giới thiệu sách Xuân Đức - Tác phẩm chọn lọc, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2015.
PGS, TS TRẦN YẾN CHI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023