Vở diễn về An Tư công chúa của NH Cải lương Việt Nam chinh phục khán giả Thủ đô

“Vì nghĩa nước non” của tác giả Trần Hồng Vân, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi, NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 17 và 18-7. Đây là dự án quan trọng thứ hai của Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt khán giả trong năm nay sau tác phẩm kịch kinh điển thế giới “Mê Đê” do NSƯT Lê Chức dàn dựng.

Câu chuyện về Công chúa An Tư từng được khai thác khá nhiều trên sân khấu Việt Nam từ những thập niên 50, 60 thế kỷ trước bởi đây là tấm gương liệt nữ, một công chúa sắc nước hương trời, thân phận cao quý, được yêu chiều… đã hy sinh tình yêu, hạnh phúc lứa đôi và tính mạng để bảo toàn cho triều đại, cho con dân. NSND, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai từng dàn dựng cho Nhà hát Chèo Hà Nội kịch bản này khá thành công, với nhiều huy chương cá nhân và huy chương Vàng vở diễn tại Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2022. Nay, lại được ê-kíp sáng tạo đưa tới một phiên bản sân khấu khá mới mẻ, hấp dẫn dưới hình thức Cải lương.

Cảnh trong vở "Vì nghĩa nước non"

Cốt truyện đưa khán giả tới thời điểm tháng Giêng năm 1285, một lực lượng lớn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tràn vào xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Đội quân Nguyên Mông hùng mạnh đã chinh phục phần lớn đất đai của châu Á, nay tràn vào nước ta. Thế giặc quá mạnh, cướp bóc hung hãn, chiếm được dễ dàng những vùng đất biên cương, khiến nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Lộng bỏ trận quy hàng. Tình thế đất nước nguy cấp. Vua Trần ra lệnh rút quân về Thiên Trường, để củng cố lực lượng và sai sứ giả vờ thương thuyết với chủ tướng giặc nhằm làm chậm tốc độ tiến quân của kẻ thù nhưng không có kết quả. Trước tình thế nguy nan, triều đình nhà Trần phải tìm mọi cách trì hoãn để có thêm thời gian củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu. Để cứu đất nước trong lúc hiểm nguy, công chúa An Tư (con gái út của tiên đế Trần Thái Tông, em gái Thượng hoàng Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông) đã hy sinh bản thân, tự nguyện thành “cống vật” cho tướng giặc, cố gắng kìm hãm hành trình tiến quân của giặc và làm nội gián gửi tin quân tình của Thoát Hoan cho nhà Trần biết tình thế giặc để phản kích. Cuối cùng, nàng đã hóa thành ngọn lửa sống, dẫn đường cho quân nhà Trần biết chỗ ở của Thoát Hoan, khiến cho tướng giặc phải trốn trong ống đồng về nước.

Câu chuyện hy sinh thân mình, dùng mỹ nhân kế để hoàn thành đại nghiệp giữ nước của các nàng công chúa như Huyền Trân, An Tư… rất giàu ý nghĩa, đầy kịch tính, tuy nhiên cũng lại… khá quen thuộc với khán giả yêu sân khấu. Làm gì để đổi mới, đem lại sức hấp dẫn cho vở diễn? Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ, chị đã rất hứng thú với kịch bản này, nhất là khía cạnh cùng giới, có sự đồng cảm nhất định. Nữ đạo diễn muốn đem tới sự tự hào vì những hy sinh vô điều kiện của người phụ nữ Việt qua các thời đại, để gửi gắm tâm tư của giới nữ nói chung. Theo chị, cuộc đời của An Tư công chúa rất dễ cho sân khấu cải lương khai thác. Bi kịch của bà có màu sắc lãng mạn, bi kịch phải hy sinh tình riêng, dâng trọn hạnh phúc, tính mạng cho non sông xã tắc vốn là điểm sáng giữa nghĩa cả và tình riêng… rất đáng được tôn vinh. Vì thế, khi bắt tay vào sáng tạo tác phẩm, ê-kip tưởng tượng, hư cấu, lắp ráp thêm… để làm sao khán giả xem vở diễn sẽ thấy trân trọng, biết ơn sự hy sinh của người liệt nữ này.

Xứng đáng với công sức lao động của đạo diễn, từ các chi tiết có ghi trong chính sử và dã sử, ê-kíp sáng tạo đã xây dựng được một vở diễn đậm chất lãng mạn, bay bổng, bi hùng mà vẫn mềm mại, lung linh. Cách dựng của đạo diễn được nhiều người yêu thích là sân khấu linh hoạt, đẹp từng khung hình, tạo hình nhân vật cũng rất khác biệt. Chỉ với những cảnh trí như ngọn lửa cách điệu, chiếc quạt lông phóng đại kích cỡ, màu sắc thay đổi tùy từng cảnh kịch, đặc biệt là những màn xử lý múa của các nữ diễn viên với chiếc quạt cỡ lớn, khi thì là những chiếc đuôi công kéo dài làn váy của công chúa, khi là chiếc thuyền hoa chở công chúa qua sông, lúc lại thành ngọn lửa rực sáng ngời ngời khi công chúa tự đốt mình dẫn đường cho quân nhà Trần truy kích tướng giặc…

Tuy đã dựng cho loại hình sân khấu khác, nhưng với “sân nhà”, lại là đơn vị của mình, đạo diễn đã cháy hết mình trong từng phân cảnh. Chăm chút cho từng phân cảnh thêm linh hoạt, màu sắc, giàu chất thơ, vở diễn lại thêm những tuyến nhân vật khá mới mẻ, giàu đất diễn như vợ của Thoát Hoan.

Vở diễn Vì nghĩa nước non được dàn nghệ sĩ trẻ, tài năng của nhà hát đầu tư công sức, tập luyện  trong suốt hơn hai tháng nóng nhất của năm đã đem tới kết quả rất đáng tự hào. Công chúa An Tư do diễn viên Thùy Dung đảm nhiệm, với gương mặt khả ái cùng chiều cao lý tưởng 1,76m, Trung Tuấn vào vai Trần Thông - người yêu của An Tư, rồi Cốt Đãi Tam - vợ Thoát Hoan do Hồng Hạnh vào vai, Vũ Long với giọng ca vững vàng vai Thượng hoàng Trần Nhân Tông… tất cả đã góp sức cho một đêm diễn thành công.

Vai diễn Công chúa An Tư do diễn viên Thùy Dung đảm nhiệm

Nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa nhận xét: “Đây là bản diễn thứ ba kịch bản về An Tư công chúa của tác giả trẻ Trần Hồng Vân do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, lại là bản diễn cho Nhà hát Cải lương Việt Nam, nơi chị là Phó Giám đốc, nên có thể nói là bản diễn chỉn chu nhất có thể. Sân khấu đẹp, dàn diễn viên đồng đều, rất mừng khi Đoàn truyền thống của Nhà hát đã có thêm một kép chính trẻ đẹp đóng vai Trần Thông hát rất hay, diễn chững chạc có thể thay thế thành công nghệ sĩ Mạnh Hùng. Mạnh Hùng đảm nhiệm kép độc Thoát Hoan cũng rất xuất sắc. Vở diễn tiết tấu nhanh, rất lôi cuốn, gây hưng phấn lớn cho người xem từ đầu tới cuối nên chắc chắn sẽ là vở diễn “ăn khách” của Nhà hát”.

Nhìn chung, đêm diễn đã rất thuyết phục người xem, những tràng pháo tay không dứt, những bó hoa tươi rói đã thay lời tán dương của công chúng đối với sự cống hiến của tập thể nghệ sĩ Nhà hát. Chắc chắn, vở diễn sẽ tiếp tục thu hút được lượng công chúng yêu thích nghệ thuật, yêu sân khấu dân tộc.

CAO NGỌC

;