Sơn mài - Phương tiện biểu hiện độc đáo trong nghệ thuật sắp đặt Việt Nam

Từ xa xưa, Sơn ta đã được biết đến là một chất liệu bản địa sẵn có với nhiều đặc tính ưu việt như độ kết dính cao, chịu được nước, bền, đẹp… Do đó, đồ gia dụng, đồ thờ, đồ thủ công mỹ nghệ, tầu thuyền... của người Việt cổ thường sử dụng chất liệu này với vai trò gắn kết, phủ kín làm tăng độ bền hoặc trang trí làm đẹp bề mặt. Trong hành trình phát triển, thầy và trò Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tạo nên bước ngoặt lớn: chuyển từ chất liệu trang trí mỹ nghệ đơn thuần sang chất liệu tạo hình trong tranh - đó là một câu chuyện dài về lịch sử phát triển chất liệu bản địa, tạo nên một truyền thống độc đáo mang tên tranh Sơn mài, bổ sung vào phả hệ nghệ thuật quốc tế. Không dừng lại ở đó, qua sự sáng tạo của các nghệ sĩ đương đại, Sơn mài đã một lần nữa vượt thoát khỏi ranh giới chật hẹp của nghệ thuật giá vẽ để trở thành phương tiện biểu hiện độc đáo trong đời sống nghệ thuật đương đại. Nói cách khác, trong Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam, Sơn mài đã trở thành phương tiện nghệ thuật mang đậm yếu tố truyền thống (nội sinh) kết hợp với yếu tố hiện đại, hình thức biểu hiện mới (ngoại sinh), mở ra một tiềm năng phát triển mới. Một số nghệ sĩ từng được biết đến qua các tác phẩm Sắp đặt sử dụng Sơn mài như: Oanh Phi Phi, Vũ Xuân Đông, Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải…

Chu Lượng, Trở về, Sắp đặt, 2007 - Nguồn: Chu Lượng

Tuy cùng sử dụng Sơn mài để xây dựng tác phẩm Sắp đặt, mỗi nghệ sĩ lại có cách tiếp cận sáng tạo khác nhau, mang đến thông điệp phong phú về chủ đề, đa dạng về hình thức, kỹ thuật thể hiện, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại.

Oanh Phi Phi, nghệ sĩ gốc Việt, đã lựa chọn và gắn bó mật thiết với Sơn mài kể từ lần đầu tiếp xúc với nó. Bà tìm thấy nhiều khả năng nổi trội của Sơn mài trong hình thức biểu hiện nghệ thuật Sắp đặt. Do đó, hầu hết các tác phẩm Sắp đặt của Oanh Phi Phi đều sử dụng Sơn mài qua nhiều cách thể hiện khác nhau như vẽ trên kính, vẽ trên vóc gỗ, vóc Composite… Nếu vẽ trên kính, hiệu quả kết hợp giữa màu sắc với ánh sáng (đèn chiếu) xuyên thấu qua bản thể vật chất của chất liệu, tựa như hiệu quả nội soi trong y tế, tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Hiệu quả như thế có thể nhận thấy qua tác phẩm Sắp đặt: Specula; Black boxes; Ba Đình dấu cũ, hội nước là đây… Trong tác phẩm Sắp đặt Specula, tác giả đã sử dụng nhiều bức tranh Sơn mài vẽ màu sắc trừu tượng, tạo dựng thành một mái vòm hay hang động lớn, người xem có thể chui vào đó để tương tác. Tác giả đã liên hệ quá trình làm sơn mài với những lớp vẽ chồng rồi mài đi cũng tự như sự tiến hóa và xói mòn tự nhiên của các lớp địa chất tạo thành hang động. Hoặc ở một tác phẩm Sắp đặt khác, Black boxes (hộp đen), những chiếc hộp gỗ được phủ kín sơn và được vẽ trang trí hoa lá, phong cảnh của Hà Nội, với kỹ thuật tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm Sơn mài truyền thống từ vóc gỗ cho đến cách thể hiện. Các hộp đen này được bày ngay trên sàn nhà triển lãm, gây nên một thẩm mỹ khác lạ và sự ấn tượng, hiếu kỳ từ phía người xem.

Xây dựng tác phẩm Sắp đặt Sông Tô (2018) và Ký ức Sông Tô (2022), các yếu tố truyền thống đã được khai thác một cách đa dạng, cùng với sự kết hợp phong phú kỹ thuật thể hiện và ngôn ngữ nghệ thuật như điêu khắc, hội họa, đồ họa trên chất liệu đồng và Sơn mài. Để thực hiện tác phẩm này, tác giả Vũ Xuân Đông đã phải đầu tư khá nhiều thời gian, công sức và tài chính, bản thân tác giả đã trực tiếp khảo sát thực địa, ký họa nhiều cổng làng cổ còn lưu giữ và cảnh quan sống động dọc hai bên bờ sông Tô Lịch. Các họa tiết mây, thuyền rồng được tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu mỹ thuật nghiên cứu vốn cổ. Tác giả cho biết, những tấm vóc sơn mài và đặc biệt là kỹ thuật gò đồng sử dụng phương pháp đổ xi truyền thống khi gò, buộc phải tìm đến những làng nghề truyền thống để thực hiện. Với ngôn ngữ điêu khắc là những khối hình hộp bằng đồng, những họa tiết gò nổi, tạo nên mảng phù điêu có khối, diện; Với ngôn ngữ hội họa trong tác phẩm, là những hộp Sơn mài, vẽ họa tiết, phong cảnh làng quê, thuyền bè được vẽ và làm theo phương pháp, quy trình truyền thống; Với ngôn ngữ đồ họa là những nét khắc chìm thể hiện họa tiết sóng nước, các hoa văn, đường nét trang trí bề mặt tác phẩm. Như vậy, yếu tố truyền thống biểu hiện rõ nét, đa dạng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật và kỹ thuật thể hiện tác phẩm Sắp đặt Sông Tô. Trong đó, nổi bật là yếu tố trang trí trong tác phẩm này. Nó không chỉ có tác dụng làm đẹp cho hình thức mà còn tạo ý nghĩa cho nội dung tác phẩm. Giả sử tách riêng hệ thống đường nét, hoa văn ra khỏi tác phẩm Sắp đặt, nó hoàn toàn có thể là một bức tranh đồ họa độc lập, sinh động. Tổ hợp hiện vật và các họa tiết, màu sắc của tác phẩm đã tạo nên một bức tranh sống động của quá khứ trong hiện tại, vừa mang thông điệp tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống vừa đánh thức người xem về vấn đề ô nhiễm môi trường của cuộc sống đương đại.

Khả năng tương tác ở tác phẩm Sắp đặt này khá thú vị, các hộp đồng được thiết kế trục xoay, có thể tạo ra âm thanh đa dạng khi chúng đập vào tường bởi sự tác động từ phía công chúng. Âm thanh phát ra và chuyển động xoay của các hộp khi chạm tay vào cũng tạo cho người xem cảm giác tựa như chạm vào mặt nước vậy. Đặc biệt, khi số lượng lớn người tương tác cùng lúc tác động, những hộp đồng xoay đập vào tường, phát ra âm thanh sống động, vui nhộn như một dàn nhạc.

Cảm xúc bắt nguồn từ họa tiết mây thời Nguyễn trang trí trên cột biểu đình Lại Thế, trang trí trên tác phẩm Sắp đặt Những áng mây xưa (2011), tác giả Nguyễn Minh Thành đã tạo cho những đồ vật bình thường trở nên sống động, đẹp đẽ lạ thường. Sử dụng chất liệu Sơn mài truyền thống, toàn bộ bề mặt tác phẩm phủ kín họa tiết mây cách điệu, màu sắc rực rỡ, kết hợp với những vật dụng phổ biến trong đời sống đương đại, tạo nên sự hòa quyện giữa truyền thống với hiện đại, giữa xưa và nay, với một giá trị thẩm mỹ mới.

Yếu tố trang trí truyền thống, chất liệu Sơn mài bản đại cũng biểu hiện rõ nét trong tác phẩm Sắp đặt Cội nguồn lịch sử dân tộc Việt (2018) của tác giả Triệu Khánh Tiến. Tác phẩm này được xây dựng trên cở sở ngôn ngữ điêu khắc kết hợp với yếu tố đồ họa trang trí và chất liệu Sơn mài truyền thống. Lấy cảm hứng từ truyền thuyết Âu Cơ, Lạc Long Quân, tác phẩm là câu chuyện lịch sử được kể bằng chuỗi họa tiết trang trí, thông qua hình thức biểu hiện mới. Mỗi quả trứng sơn mài được vẽ một họa tiết dân gian truyền thống, từ hình tượng người, ngựa, chim muông, thú vật cho đến các biểu tượng, họa tiết hoa, lá. Tất cả các họa tiết trang trí toát nên một hành trình lịch sử mỹ thuât của dân tộc, các thời kỳ từ thời Đông Sơn cho tới nay. Các hình tượng, họa tiết được chắt lọc, trích đoạn chủ yếu từ nguồn mỹ thuật cổ như: điêu khắc đình làng, bản rập, tranh dân gian, tranh thờ miền núi... Tổ hợp hiện vật có họa tiết trang trí truyền thống, tương tác với nhau, kết hợp với màu sắc sơn mài truyền thống, được bố cục trong Không gian đường hầm Nhà Quốc hội đã tạo nên một ấn tượng thị giác mạnh, mang đặc điểm nghệ thuật độc đáo, đậm giá trị văn hóa truyền thống, vừa gần gũi, dễ tiếp nhận, vừa mang tính đương đại. Tuy nhiên, tính tương tác của tác phẩm Sắp đặt này còn hạn chế.

Ký ức sông Tô (trích đoạn) - Nguồn: Nguyễn Hữu Đức

Những chiếc khay Sơn mài được sử dụng làm phương tiện biểu đạt nghệ thuật trong sắp đặt Ngày và đêm (1996) của tác giả Đặng Thị Khuê. Sử dụng bảng màu theo quan niệm truyền thống, trang trí ba chiếc khay sơn mài ẩn dụ về tầng trời phía trên, những cánh tay ẩn dụ về sự có mặt của con người giữa trời và đất. Trong cõi người, con người thường tự định đoạt lấy mọi hành vi của mình trước Đất - Trời và bản thể vẹn nguyên. Song, ở phần khác, họ phải trao lại mình cho tự nhiên bởi cái giới hạn nhỏ bé của chính mình. Mỗi người xem lại tìm thấy một hay nhiều lớp ý nghĩa mở ở từng tác phẩm trong quá trình thưởng thức, tương tác và suy ngẫm. Những chiếc khay sơn mài hình tròn màu đỏ, vàng, đen, tạo thành ký hiệu tượng trưng cho ngày và đêm, cho những tầng trời - nơi trú ngụ của những vị thần linh, của thế lực siêu nhiên huyền bí. Những cánh tay gỗ treo phía dưới khay sơn mài theo từng cặp (trái, phải) gợi cho người xem liên tưởng đến ý nghĩa âm - dương mà triết học phương Đông coi là cội nguồn của sự kết hợp kì diệu hình thành vũ trụ, vạn vật sinh sôi, con người cũng nhờ đó mà tồn tại theo quy luật sinh, thành, dị, diệt. Biểu đạt thẩm mỹ tạo hình mộc mạc, dung dị kết hợp với yếu tố trang trí thủ công truyền thống và quan niệm triết lý dân gian đã tạo cho tác phẩm đặt Ngày và đêm, trở nên ấn tượng độc đáo và giàu ý nghĩa nhân văn.

Tác phẩm Sắp đặt Chén và đũa 1945 (2011) của Lê Đức Hải - Lê Ngọc Thanh sử dụng 1.945 chiếc bát phủ Sơn mài, trong lòng ghi những con số, trên mỗi chiếc bát thếp vàng đặt một đôi đũa sơn son. Tác phẩm Sắp đặt này kết hợp hai màu truyền thống đỏ - vàng, tương phản mạnh, làm nổi bật thông điệp ám ảnh về nạn đói làm chết khoảng 2 triệu người dân Việt Nam năm 1945, khi phát xít Nhật bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay. Tổ hợp đồ vật và hệ thống ký hệu về màu sắc đối lập được khai thác từ chất liệu sơn mài truyền thống để kiến tạo Sắp đặt Chén và đũa 1945, không chỉ nhắc nhớ thế hệ đương đại về lịch sử đau buồn trong quá khứ của dân tộc mà còn thức tỉnh tính nhân văn và lối ứng xử hướng thiện trong mỗi con người.

Ngoài ra còn có thể kể thêm một số tác phẩm Sắp đặt sử dụng chất liệu Sơn bản địa như: Ký tự của Đặng Thị Khuê; Ký ức, Trở về, Nhân gian, Những gương mặt cuộc đời của Chu Lượng; Nghi trượng của Trần Hậu Yên Thế, AR-15 và AK-47 của Lê Brothers…

Như vậy có thể thấy, Sơn mài truyền thống đã trở thành phương tiện biểu hiện độc đáo nghệ thuật đương đại nói chung, trong Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam nói riêng. Trong hành trình phát triển chất liệu nghệ thuật dân tộc, Sơn ta gắn liền với đồ mỹ nghệ đã trở thành Sơn mài - một chất liệu hội họa là kết quả sáng tạo của thế hệ sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, thể nghiệm của nghệ nhân Đinh Văn Thành, sự “lơ đãng” đáng quý của vị hiệu trưởng có tâm hồn nghệ sĩ V. Tardieu, và đặc biệt là thẩm quyền công bố tranh Sơn mài tại nhiều triển lãm quốc tế thời kỳ ông làm Hiệu trưởng. Một lần nữa, Sơn mài truyền thống đã không còn bó hẹp trong chất liệu gia dụng hay khuôn khổ hội họa giá vẽ, mà nó đã trở thành phương tiện biểu hiện đa nghĩa, mở rộng ranh giới loại hình trong nghệ thuật đương đại. Nói cách khác, Sơn mài đã “vượt ra khỏi bản gốc của một chất liệu địa phương, Sơn mài hoàn toàn tương thích cho một quá trình chuyển dịch tiến tới viễn cảnh toàn cầu hơn” tạo nên vẻ riêng biệt trong sự đa dạng của dòng chảy nghệ thuật đương đại quốc tế [1, tr.11].

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Oanh Phi Phi (2014), Tranh sơn mài Việt - một cách tiếp cận hiện đại, tham luận Hội thảo Quốc tế về "Mỹ thuật Việt Nam: những tiếp cận mới" tại Paris, Pháp.

2. Đào Mai Trang chủ biên (2010), 12 Nghệ sĩ đương địa Việt Nam, Nxb Thế Giới, Hà Nội.

3. Thái Bá Văn (19950, Tiếp xúc với nghệ thuật, Tư liệu Viện Mỹ thuật.

4. Vi Tường Vi (2013), Yếu tố tương tác trong Nghệ thuật Sắp đặt và trình diễn Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21, Tạp chí Nghiên cứu mỹ thuật, số 03 (47), tr.30-41.

5. Xu Gan (2002), Nghệ thuật Sắp đặt, Trần Hậu Yên Thế - Hà Thị Tường Thu - Phạm Trung Nghĩa dịch, tư liệu Viện Mỹ thuật, Hà Nội.

6. Zhang Zhao Hui - Xu Ling (202), Nghệ thuật truyền thông mới, Hà Thị Tường Thu dịch, tư liệu Viện Mỹ thuật, Hà Nội.

7. tiasang.com.vn

NGUYỄN HỮU ĐỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022

;