Sân khấu truyền thống kết nối với du lịch - Lợi ích kép

Khi ngành “công nghiệp không khói” trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế, được ưu tiên và quan tâm thì những sản phẩm độc đáo của văn hóa thực sự sẽ là tâm điểm để những tour du lịch được nâng tầm, ghi đậm dấu ấn trong lòng du khách. Nhất là khi vào mùa du lịch hằng năm - những đợt nghỉ hè thì sản phẩm của những hình thức sân khấu truyền thống lại chính là nét khác biệt vùng miền, khác biệt quốc gia… rất đáng được quan tâm. Sẽ rất tốt nếu có sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và sân khấu truyền thống để cùng nhau phát triển một cách bền vững.

Các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn phục vụ khách du lịch - Ảnh: Tư liệu NH

Những cố gắng của các đơn vị sân khấu truyền thống phía Bắc

Vấn đề này đã được đặt ra từ rất lâu, với nhiều sự gắng gỏi từ các đơn vị sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống. Dù chưa có kết quả khả quan, nhưng các đơn vị đều giữ vững ý chí để quyết tâm dàn dựng, biểu diễn các chương trình có tiêu chí hướng tới du khách.

Phải kể tới hàng đầu sản phẩm thành công nhất cho phân khúc phục vụ khán giả du lịch là múa rối nước - được khai thác như một “mỏ vàng” trong phát triển du lịch văn hóa. Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội) thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh, mỗi ngày diễn 6-8 suất, luôn “cháy” vé, trung bình đơn vị này đón khoảng 730.000 lượt khách mỗi năm và cũng là đơn vị nhận được kỉ lục diễn đủ 356 ngày trong năm. Nhưng với khán giả trong nước, khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến Hà Nội nhiều lần thì đơn vị cũng nhận ra, cần xây dựng thêm những tác phẩm mới, để khán giả không nhàm chán vì “quay đi quay lại” cũng chỉ có gần 20 tiết mục truyền thống. Nhà hát đã khá chủ động để kết hợp rối nước với rối cạn, kể những câu chuyện dài chứ không chỉ là những tiết mục nhỏ.

Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng đang khá thành công khi đi theo xu hướng dàn dựng các tiết mục, chương trình mới mà tiêu biểu là các chương trình Hồn quê, Đồng vọng rối Việt, Âm vang đồng quê, Thân phận nàng Kiều... kết hợp giữa múa rối nước truyền thống và rối cạn, đan xen hài hòa âm nhạc, múa, hát. Những suất diễn của các chương trình này thu hút rất đông khán giả, nhận được những phản hồi rất tích cực. Không chỉ phục vụ cho khách du lịch, những chương trình đặc biệt hấp dẫn với các cháu nhỏ trong dịp hè khi được đánh giá là sản phẩm văn hóa rất tốt, giàu ý nghĩa nhân văn. Hiện nay, nhà hát có 3 sân khấu biểu diễn nằm trong khuôn viên tại số 361 Trường Chinh, Hà Nội và riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, nhà hát đã thực hiện được 300 suất diễn; đáng mừng có những thời điểm cả 3 sân khấu biểu diễn sáng đèn. 

Gần gũi với rối nước, giàu âm vang của văn hóa lúa nước là nghệ thuật chèo đậm đà chất văn hóa dân tộc. NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, từ cách đây 3 năm, đơn vị đã triển khai đề án đưa chương trình biểu diễn nghệ thuật chèo vào các tour du lịch khi xây dựng các chương trình có thời lượng 20 phút, 30 phút, 50 phút… phù hợp với nhiều đối tượng du khách, kết hợp sửa chữa, nâng cấp Rạp Kim Mã, đồng thời kết nối với các đơn vị du lịch để tổ chức tour đưa du khách quốc tế đến nhà hát. Đáng tiếc, do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên hai năm vừa qua phải tạm dừng. Hiện tại, Nhà hát Chèo Việt Nam đang khởi động lại dự án này cũng như kết nối lại với bên lữ hành…

Nhà hát Cải lương Việt Nam hai năm gần đây kết hợp với xiếc để dựng những vở cải lương-xiếc với cách thể hiện mới, như vở Cây gậy thần, Thượng thiên thánh mẫu. Theo NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, các anh chị làm theo mô hình của gánh xiếc nổi tiếng Cirque du Soleil của Canada. Tuy vậy, do nhiều yếu tố mà vẫn chưa thực hiện được đúng với kỳ vọng, chưa có được sản phẩm văn hóa - du lịch có tiếng tăm để cuốn hút các du khách, trước hết là các đơn vị lữ hành.

Có lẽ quyết tâm tiếp cận hướng đi này và kiên trì duy trì lịch diễn đều đặn phải là Nhà hát Tuồng Việt Nam. Thường xuyên biểu diễn tại rạp Hồng Hà (phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) các tối thứ Hai và thứ Năm vẫn đỏ đèn mở cửa đón khách du lịch. Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam phát biểu: “Chúng tôi kết nối với Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội để biểu diễn cho du khách. Họ thích thú với những trích đoạn: Ông già cõng vợ đi xem hội, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, các tiết mục nhạc dân tộc... Điều đó cho thấy, đây là một sản phẩm tốt cho du lịch…” 

Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên để phát triển kép

Theo dõi hoạt động của sân khấu, khá nhiều những chương trình được dàn dựng nhằm tới phân khúc khán giả là du khách được xây dựng, đáng tiếc là những chương trình này đều chưa thật sự đi vào hoạt động và phát huy tích cực. Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo ý kiến của các lãnh đạo đơn vị sân khấu do chúng ta làm chưa tốt, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa sân khấu với các công ty lữ hành, Bộ chủ quản và một quyết sách có tầm vĩ mô.

Với nghệ thuật chèo, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam lý giải cho việc có sự đầu tư, có dự án thích hợp mà chưa thể hút khách một phần là do chủ quan từ đơn vị, thiếu nguồn nhân lực truyền thông của chính nhà hát. Ví dụ trang web của nhà hát chỉ có tiếng Việt mà chưa có tiếng Anh, cách thể hiện cũng thiếu hấp dẫn. Mong muốn đổi mới việc này, nhưng kinh phí hạn hẹp, khó thuê được nhân lực phù hợp. Đó là chưa kể, công tác quảng bá tuyên truyền cho sân khấu truyền thống của chúng ta cũng chưa thực sự được chú trọng. Bà thẳng thắn đề nghị: "Cơ quan liên quan cần có những chính sách phù hợp, truyền thông là đầu mối, bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí không thể như hiện nay. Lâu nay, mỗi nhà hát phải tự “bơi”, tự kiếm thị trường du lịch, nhưng đồng thời phải giữ vững chất lượng đơn vị nghệ thuật truyền thống quốc gia. Các đơn vị như chúng tôi rất khó khi liên hệ biểu diễn ở nước ngoài hoặc tham gia trong các kỳ cuộc đối ngoại, trong khi đây là “con đường” quảng bá nhanh và hiệu quả cho nghệ thuật truyền thống”

Màn lễ hội của Nhà hát Tuồng Việt Nam - Ảnh:  Tư liệu NH

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn lại phân tích: nguyên nhân là do chưa có cơ chế, chính sách tạo động lực cho các đơn vị hoạt động du lịch đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch từ nghệ thuật truyền thống. Phần lớn các đơn vị lữ hành chỉ chọn những chương trình có sẵn để du khách tham gia trải nghiệm, ít mạo hiểm đầu tư hoặc chọn những chương trình mới cho các tour. 

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, khi nhà hát ra mắt chương trình Âm vang đồng quê, đơn vị đã phối hợp với Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL) tổ chức hội nghị khách hàng với các doanh nghiệp lữ hành để góp ý cho chương trình. Đại diện các đơn vị lữ hành đều cho rằng chương trình hay, chắc chắn hấp dẫn khách du lịch. Song, khi xây dựng tour, bên cạnh xem biểu diễn, họ còn yêu cầu thêm về không gian, quang cảnh, có các dịch vụ khác, như: ẩm thực, mua sắm, vui chơi... những vấn đề này vượt quá khả năng đáp ứng của nhà hát nên chương trình chưa thực sự hút khách.

NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đề xuất, Bộ VHTTDL, hoặc thành phố Hà Nội nên xây dựng một tổ hợp biểu diễn nghệ thuật truyền thống và dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí, ăn uống tại một địa điểm, trong đó mỗi loại hình nghệ thuật có một sản phẩm độc lập phục vụ du khách. Anh khẩn thiết mong mỏi: “Cần hơn hết là sự tổng chỉ huy của cấp trên chứ không chỉ mạnh ai người ấy làm, như thế mới mong nghệ thuật truyền thống kết nối được với du lịch để mang đến sự bứt phá”.

Ông Phạm Diễm Hảo, Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) cũng đánh giá: nghệ thuật truyền thống có tiềm năng thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô, nhưng việc khai thác còn hạn chế, bởi thời gian tổ chức biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật chưa linh hoạt, chưa phù hợp với lịch trình của khách du lịch. Thêm vào đó, hệ thống cơ sở vật chất của các đơn vị nghệ thuật chưa được đầu tư đúng mức; đội ngũ nhân viên cũng chưa có kỹ năng phục vụ khách du lịch...

Từ những ý kiến đầy tâm huyết đó, có thể thấy, để có thể kết hợp chặt chẽ giữa nghệ thuật truyền thống và du lịch, cả từ hai bên đều cần có những thay đổi tư duy, thay đổi cách làm và có sự thống nhất, chỉ đạo từ các cấp quản lý. Với các đơn vị nghệ thuật truyền thống, cần có sự nghiên cứu về nhu cầu của từng đối tượng du khách để dàn dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật phù hợp; nâng cao khả năng đáp ứng các buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xây dựng hình ảnh hấp dẫn về nghệ thuật truyền thống và chương trình biểu diễn; đào tạo, bồi dưỡng cho nghệ sĩ, người lao động kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch; liên kết chặt chẽ với các đơn vị lữ hành để điều chỉnh, hoàn thiện dịch vụ, tạo nguồn khách ổn định… Các công ty lữ hành cũng cần nhận thức được rằng, chỉ có những sản phẩm văn hóa giàu bản sắc, độc đáo thì mới đủ sức níu chân du khách để họ tiếp tục lựa chọn điểm đến là Việt Nam. Vì thế, không chỉ quảng bá mà cần mạnh dạn đưa vào trong tour những chương trình văn hóa văn nghệ thích hợp, kết hợp để đưa ra những yêu cầu từ thực tiễn hoạt động hướng dẫn du lịch, giúp các đơn vị sân khấu đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Xác định chính xác từ trách nhiệm, lương tâm và tương lai phát triển bền vững của cả các đơn vị sân khấu truyền thống cũng như của ngành du lịch, có sự gắn kết thích hợp thì những “lợi ích kép” mới có thể trở thành hiện thực.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022

;