Sức hút từ giai điệu

Phim Em và Trịnh khi ra rạp đã tạo ra những tranh cãi quyết liệt nhưng lại có chung một điểm thống nhất: đó là ấn tượng về các ca khúc, nhạc phim. Với sức hút từ ca từ, giai điệu, những bộ phim về nhạc sĩ, ca sĩ luôn thu hút sự quan tâm, tò mò của công chúng. Ngoài những phim ca nhạc hay đối tượng, nhân vật là ca sĩ, nhạc sĩ thì âm nhạc còn giữ vị trí quan trọng trong một bộ phim và nhiều êkip đã dùng âm nhạc để thu hút, quảng bá trước khi phim ra mắt.

Phim Em và Trịnh

“Át chủ bài" mang tên nhạc phim

Trong khi nhiều bộ phim tâm lý, hành động phải đau đầu, nghĩ kế để xây dựng một chiến lược marketing ngay từ khi phim bấm máy thì các phim được làm từ cuộc đời các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng có sức thu hút ngay từ khi bắt đầu. Lợi thế đó đến từ chính những ca khúc gắn liền với tên tuổi các nhạc sĩ, ca sĩ đã sáng tác và thể hiện nó. Với các bộ phim khác, song hành cùng với kịch bản, công tác chuẩn bị tiền kỳ, chọn cảnh... nhiều êkip ngay từ khi bắt tay vào chuẩn bị đã lên kế hoạch mời nhạc sĩ, ca sĩ phối hợp, thể hiện phần âm nhạc cho phim. Nhiều ca sĩ ngoài đảm nhiệm một vai diễn trong phim còn là người thể hiện luôn ca khúc đó. Nếu như trước kia, êkip làm phim gồm đạo diễn, diễn viên luôn nắm phần quan trọng trong chiến lược lăng xê, quảng bá trước khi bộ phim ra mắt thì nay các bài hát, nhóm nhạc giữ phần quan trọng đó. Nhìn lại các chiến dịch quảng bá cho phim như Em là bà nội của anh, các ca khúc như Mình yêu từ bao giờ, Em là bà nội của anh đã tạo nên làn sóng thu hút, gợi sự tò mò cho khán giả trước khi phim ra mắt hàng tháng trời. Các ca khúc này được xây dựng bài bản gồm câu chuyện, clip và được tung lên youtube, các trang mạng từ nhiều tháng trước. Ngoài diễn viên Miu Lê vừa đóng vai chính vừa thể hiện ca khúc nhạc phim thì nhiều diễn viên tham gia clip không có mặt trong phim. Ca khúc Em là bà nội của anh do Trọng Hiếu và Tăng Nhật Tuệ thể hiện với phần trình bày, vũ đạo cũng đóng góp một phần không nhỏ khiến khán giả tò mò muốn đến xem phim. Một ví dụ khác cũng cho thấy việc dùng âm nhạc để quảng bá cho phim khá hiệu quả là phim Tấm Cám: chuyện chưa kể. Việc cả nhóm nhạc 365 cùng trình diễn ca khúc Bống Bống Bang Bang cùng vũ đạo vui mắt rộn rã ngay lập tức đã tạo nên một trào lưu cover lại bản hit này từ các em thiếu nhi đến lứa tuổi lớn hơn. Cả hai bộ phim đều đã có doanh thu ấn tượng sau đó. Bài học đó nhanh chóng được các êkip khác áp dụng. Ngay sau đó, ca khúc Đôi lời (sáng tác Hoàng Dũng) do chính Jun Phạm - người đảm nhận vai nam chính trong 100 ngày bên em thể hiện đã thu hút gần 300.000 lượt xem cùng hàng trăm bình luận tích cực trên youtube dù bộ phim phải hàng tháng sau mới ra rạp.

Trước đó, album nhạc phim Tháng năm rực rỡ - bộ phim remark lại từ phim Hàn được đánh giá thành công tại thời điểm ra mắt với hơn 80 tỷ doanh thu sau hơn 3 tuần công chiếu. Album nhạc phim gồm 7 ca khúc trong đó có 5 sáng tác cũ là Niệm khúc cuối, Kim, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Yêu, Tôi muốn cùng 2 sáng tác mới lần đầu được trình làng: Rực rỡ tháng năm và Nụ hôn đánh rơi. Trong 7 ca khúc trên có 3 ca khúc gồm: Niệm khúc cuối, Rực rỡ tháng năm và Nụ hôn đánh rơi đã vượt mốc hơn hai triệu lượt nghe trên YouTube... Các ca khúc còn lại cũng đạt hàng trăm ngàn lượt nghe.

Tương tự như vậy, Tâm sự tuổi 30 - ca khúc chính trong phim Ông ngoại tuổi 30 do ca sĩ Trịnh Thăng Bình sáng tác, thể hiện, đồng thời cũng là nam chính của dự án cũng thu hút gần 3 triệu lượt xem trên YouTube trong khi chờ đợi bộ phim ra mắt. Bộ phim còn có 2 ca khúc ấn tượng là Vì yêu là nhớ do Han Sara thể hiện và Đời dạy tôi (sáng tác : Nguyễn Phúc Thiện) do Only C đảm nhận. Không thể phủ nhận, sự thu hút của các bản nhạc phim đã góp phần không nhỏ để các phim thành công tại các rạp chiếu sau đó. 

Sức sống sau phim

Từ trào lưu dùng âm nhạc thúc đẩy, quảng bá và làm nên thành công cho phim, nhiều ca khúc nhạc phim đã có một đời sống riêng bền vững khi bộ phim rời rạp. Không hiếm ca khúc vẫn được nhiều ca sĩ lựa chọn khi đi hát tại các tụ điểm, hoặc thi tài trong các cuộc đua, cuộc thi trên truyền hình.

Ở một số bộ phim, dù không mang lại thành công cho phim nhưng các ca khúc nhạc phim vẫn được công chúng đón nhận nhiệt thành. Đã từ lâu, âm nhạc cụ thể là nhạc phim có đời sống, sự phát triển và thăng hoa riêng dù ban đầu chúng được tạo nên từ cảm hứng, gợi ý của câu chuyện phim. Nhìn vào thành công của các ca khúc nhạc phim đình đám thời gian qua thì dường như có một sự kết hợp trong đó nhạc sĩ + ca sĩ nổi tiếng cùng phối hợp trong một dự án mang tên nhạc phim.

Chia sẻ về nhạc phim, nhạc sĩ Đức Trí, người đảm nhiệm phần nhạc cho nhiều bộ phim trong đó có phim 11 niềm hy vọng cho biết: Ban đầu tôi tưởng mọi thứ dễ dàng vì bên cạnh bóng đá là lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Nhưng khi bắt tay vào mới thấy không dễ. Làm thế nào để đảm bảo được cả ba yếu tố là khát khao, kịch tính và cả tình cảm, khiến người xem rớt nước mắt lại là bài toán vô cùng khó. Đối với tôi, nhạc phim chỉ do một người viết, không phải là công việc mang tính tập thể. Đó là một công việc phải làm trong sự cô đơn. Có khi một ngày viết xong nửa bài nhưng cũng có ngày không viết nổi một nốt nhạc nào.

Phim 11 niềm hy vọng

Là nhà sản xuất phim mát tay, diễn viên Thanh Thúy cho biết: Các nhạc sĩ càng nổi tiếng, càng đắt show thì thời gian họ dành cho bộ phim của mình càng không quá nhiều. Hiện nay ngoài những tên tuổi đã thành công như Đức Trí, Huy Tuấn, Viết Thanh, Only C, Dương Khắc Linh... nhiều nhạc sĩ trẻ cũng đang được săn đón tham gia sáng tác âm nhạc cho phim. Các ca sĩ được mời hát nhạc phim phần lớn là những ngôi sao trên thị trường như Uyên Linh, Lê Cát Trọng Lý, Đông Nhi...

Và khi nhạc phim ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng trong thành công chung của một bộ phim thì chi phí, cát xê dành cho nó cũng ngày một tăng. Có bộ phim, êkip chấp nhận chi hàng trăm triệu đồng hoặc nhiều hơn thế để có được cái gật đầu và sự cộng tác của các nhạc sĩ nổi tiếng. Không phụ chi phí đắt đỏ, nhiều êkip làm nhạc gồm giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ thể hiện... đã đem lại thành công vượt trội cho phim. Nhiều ca khúc nhạc phim đã góp phần quan trọng tạo nên dư luận, sự chú ý và quảng bá tốt cho các bộ phim. Sức ảnh hưởng của âm nhạc lớn đến nỗi các dự án phim truyền hình dài tập cũng đi theo mô tuýp này như mời các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng cộng tác. Bộ phim truyền hình Bão ngầm gần đây cũng có phần âm nhạc được đầu tư đáng nể khi mời nhạc sĩ Huy Tuấn đảm nhiệm phần âm nhạc. Với sự kỹ lưỡng, ba ca khúc trong phim do ba ca sĩ nổi tiếng đảm nhận. Bài Độc hành được giọng hát nội lực của Tùng Dương thể hiện. Bài Ngông cuồng được rap với chất giọng trẻ trung cuốn hút của Đạt C. Và bài Đi qua thương nhớ với chất giọng mềm mại, da diết của nữ ca sĩ Hà Nhi đã giúp các cung bậc tình cảm, sự quyết liệt, đam mê và cả những đổ vỡ trong phim được âm nhạc nâng lên đáng kể. 

Nhạc phim với sự đóng góp tích cực cho nội dung, câu chuyện, nhân vật... ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng. Nhạc phim cũng nhanh chóng tận dụng các trang mạng, nền tảng số để đến trước với công chúng, góp phần lan tỏa, quảng bá cho bộ phim. Và cũng chính nhạc phim là thứ sẽ ở lại lâu hơn khi phim đã đi hết vòng đời của mình tại các rạp chiếu hay trên các nền tảng số. Đôi khi, chính ca từ của ca khúc hay giai điệu của nó lại giúp người xem, người nghe “lội dòng ký ức” về với bộ phim, với điểm ban đầu ca khúc được sinh ra. Với nhiều bộ phim, phần âm nhạc, ca khúc đóng vai trò “đi trước và về sau” khi xuất hiện trước khi phim ra rạp và ở lại lâu hơn rất nhiều sau đó.

THANH HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022

;