Chìa khóa thành công của phim kinh dị

Có thể nói, phim kinh dị luôn là một thách thức với các nhà làm phim bởi kinh phí sản xuất thường không cao, lại sở hữu một lượng khán giả hâm mộ khá đông đảo nhưng để có được một bộ phim thành công không dễ. Từ thành công của 10 bộ phim kinh dị được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh thế giới, một nhóm các nhà nghiên cứu đã bước đầu tìm hiểu đâu là chìa khóa thành công của một bộ phim kinh dị.

Phim Hàm cá mập từng khiến người đến các bãi biển giảm hẳn do sợ hãi

Tại sao đều là phim kinh dị, cùng khai thác những cảnh rùng rợn, đầu rơi máu chảy nhưng có phim thì thành công vang dội, phim lại bị chê là bệnh hoạn phải cất vào kho hay bị cấm phát hành rộng rãi? Câu hỏi này đã được một nhóm nghiên cứu thuộc trường London King’s College tìm ra câu trả lời.

Kỹ nghệ làm phim kinh dị hiện đã lên tới mức hoàn hảo nhờ sự trợ giúp của kỹ xảo tân tiến. Ai cũng biết để làm cho người ta sợ thì cần những gì: một ngôi nhà hoang vắng ẩn giấu nhiều hồn ma chưa siêu thoát, sát thủ giết người hàng loạt theo nhiều cách thức rùng rợn, sự dị thường của các hiện tượng tự nhiên như vòi rồng, cá mập say máu cắn đứt đôi thân người hay cả những chuyện siêu tưởng như hồn ma sống lại tấn công con người… hầu như chưa có chuyện gì mà trí tưởng tượng của con người có thể hư cấu ra lại chưa được đưa lên màn bạc. Tuy nhiên, cùng là những nguyên liệu ấy nhưng đưa vào phim với liều lượng là bao nhiêu đủ để cho người ta tin và dẫn đến sợ hãi nhưng lại không quá đà tạo hiệu ứng ngược lại, dễ khiến người ta ghê tởm? 

Sau khi nghiên cứu khoảng 10 bộ phim kinh dị ăn khách, bí quyết thành công đã được công bố. Đó là cũng như một món ăn, muốn thành công, một bộ phim kinh dị cần tuân thủ những công thức chính xác như định lượng gia vị cho một món ăn vậy. Đầu tiên là sự có mặt đầy đủ của những yếu tố: nhạc nền tạo cảm giác rùng rợn, một ẩn số bí mật là người hoặc một sự kiện còn chưa lộ mặt, cảnh săn đuổi và cảm giác lo sợ vì sắp sửa sập bẫy của con mồi (hoặc nạn nhân). Tổng hợp các yếu tố này được cộng lại theo cấp số nhân, tức là liều lượng được gia tăng gấp đôi gây cảm giác hồi hộp, lo sợ. Một lưu ý là cảm giác sợ hãi phải được gieo vào lòng người xem ngay từ phút đầu tiên và mỗi lúc một tăng thêm, nhưng nếu muốn nó lên đến đỉnh điểm thì mấu chốt của vấn đề chính là phải tạo cho người xem cảm giác như chuyện này rất dễ xảy ra ngoài đời và cũng… rất dễ xảy ra với chính mình. Viễn cảnh gì quá xa vời sẽ làm giảm bớt lòng tin và dễ khiến khán giả không cảm thấy lo sợ với suy nghĩ chuyện này khó mà xảy ra ngoài đời. 

Bộ phim kinh dị Psycho của Alfred Hitchcock có một cảnh được cho là kinh điển khi nạn nhân Marion Crane tắm dưới vòi sen - một hình mẫu nạn nhân hoàn hảo: cô độc, trần trụi, yếu ớt. Cùng với nhạc nền rùng rợn, khán giả tưởng như tên sát nhân đang rình rập đâu đó ngay bên cạnh, sẵn sàng hạ sát con mồi bất cứ lúc nào hắn muốn. Cảnh này không chỉ khiến khán giả yếu bóng vía sợ hãi mà còn khiến cả người trong cuộc cũng khiếp đảm. Nữ diễn viên chính thủ vai này sau đó đã bị một cảm giác sợ hãi kỳ lạ xâm chiếm mỗi khi tắm vòi sen khiến cho nhiều năm liền chị không dám tắm dưới vòi sen nữa. 

Còn bộ phim Hàm cá mập (Jaws) của đạo diễn Steven Spielberg lại khiến lượng người đến bơi tại nhiều bãi biển giảm đáng kể, nhất là những bãi biển bị đồn đại là hay có cá mập trắng lai vãng. Lý do bởi nhiều người sau khi xem xong những cảnh cá mập cắn đứt chân người đang bơi trong phim đã ghê sợ đến nỗi không dám đi bơi ngoài biển vì lo lắng tai nạn đó biết đâu lại lặp lại với chính mình. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều bộ phim kinh dị thường được quảng cáo là dựa theo một chuyện xảy ra ngoài đời hoặc dựa trên một nguyên mẫu, một vụ án có thật.

Muốn tạo sự sợ hãi thì việc tạo dựng bối cảnh là tối quan trọng. Bối cảnh phải gần với đời thực, số lượng nhân vật phải rất hạn chế và khung cảnh phải hoang vắng, tăm tối thì khán giả mới không bị phân tán tư tưởng và dễ hoà nhập vào tình trạng cô đơn, bị săn đuổi của nạn nhân. Ngoài ra, việc giấu kỹ tung tích của thủ phạm cũng rất cần thiết, nó khiến người ta lo sợ, nghi ngờ, vì ai cũng có thể là thủ phạm. Việc giấu tung tích của thủ phạm còn góp phần gây bất ngờ, thậm chí bàng hoàng cho khán giả khi họ không ngờ con người hiền lành, chân chính mà họ cứ ngỡ là nạn nhân cuối cùng lại chính là một sát thủ lạnh lùng không ghê tay. 

Bộ phim The Shining được đưa ra như là một ví dụ tiêu biểu. Người ta lý giải sự thành công của nó là bởi kịch bản của nó được chuyển thể từ tiểu thuyết best - seller của nhà văn chuyên viết chuyện kinh dị bậc thầy Stephen King. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là tại sao rất nhiều tiểu thuyết của King từng được chuyển thể lên màn bạc nhưng chưa có phim nào thắng đậm như The Shining?

 Câu trả lời của nhóm chuyên gia là: sở dĩ The Shining thành công bởi nó được kết hợp bởi những công thức gây sốc hoàn hảo nhất. Tất cả mọi chi tiết trong phim, từ cảnh hoang vắng lạnh lẽo của một khách sạn cùng nhạc nền rùng rợn đến cảnh máu me được đưa vào đủ độ. Ngoài ra, chìa khóa chính là thủ pháp tạo bất ngờ được sử dụng thành công từ đầu đến cuối phim. Diễn viên cá tính Jack Nicholson trong vai một chủ gia đình đáng mến sau khi lấy được cảm tình của khán giả thì đột nhiên đến cuối phim bị rơi mặt nạ, hiện nguyên hình là một sát thủ máu lạnh dùng rìu tấn công chính vợ con mình.

Việc cắt cảnh cũng vô cùng quan trọng, không chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật, thủ pháp cắt cảnh còn góp phần đẩy nhanh tiết tấu phim, tạo bất ngờ và đặc biệt là gây sốc cho khán giả. Rõ ràng Hollywood là bậc thầy của việc cắt cảnh, điều này không có gì phải bàn cãi. Chính vì thế mà phần lớn những bộ phim kinh dị có doanh thu cao đều xuất phát từ đây. 

Khán giả hôm nay không hề thích thú khi phải chứng kiến những hình ảnh máu me thái quá, vì thế cần phải tiết chế những cảnh này, quá đi một chút cũng dễ gây phản cảm. Phim Hàm cá mập của Steven Spielberg là một ví dụ tiêu biểu mà nhiều nhà làm phim kinh dị luôn được lưu ý từ khi mới nhập môn: cảnh máu me đủ cho khán giả sợ nhưng không được quá nhiều khiến người ta ghê tởm. Chính vì sự tiết chế thành công này cộng với việc kết hợp hoàn hảo các yếu tố cơ bản cho một bộ phim kinh dị mà cho tới nay, Hàm cá mập vẫn là một trong những bộ phim kinh dị thành công nhất mọi thời đại, lượng đĩa DVD vẫn đều đặn được tiêu thụ mỗi năm mặc cho nó ra đời cách đây đã 47 năm, từ năm 1975.

Điểm lưu ý cuối cùng đó là tính hiện thực của nhân vật cũng như bộ phim không nên quá cụ thể, giống hệt một nhân vật hoặc một vụ việc có thực nào đó, dễ gây phiền toái cho các nhà làm phim. Điều này đặc biệt quan trọng ở một đất nước  mà con người sống bằng các luật lệ như nước Mỹ, nơi mà bất cứ ai cũng có thể khởi kiện một nhà làm phim nào đó xâm phạm đời tư cá nhân của họ khi làm phim về chuyện của gia đình họ. Vì thế có thể thấy trong phim kinh dị Hollywood có nhiều  nhân vật na ná nguyên mẫu ngoài đời hoặc vài chi tiết giống một vụ án nào đó từng xảy ra nhưng rất ít những bộ phim phản ánh nguyên xi về sự việc hay nhân vật có thật nào đó. Đây cũng là một vấn đề có tính nguyên tắc của việc làm phim kinh dị: không được phép để khán giả đoán trước diễn biến câu chuyện, biết rõ chân tướng nhân vật. Nếu vừa xem phim họ vừa tự nhủ đã được đọc chuyện này đâu đó trên báo thì còn đâu bất ngờ gây sốc?

HOÀNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022

;