Mối tình đồng tính trong phim Việt, góc nhìn qua Song lang

Điện ảnh Việt Nam còn ít đề cập đến chủ đề đồng tính nhưng bằng thứ ngôn ngữ riêng đã chạm vào tâm hồn người xem với những cung bậc cảm xúc đầy tinh tế. Bộ phim tài liệu điện ảnh Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (Nguyễn Thị Thắm, 2014), Thưa mẹ con đi (Trịnh Đình Lê Minh, 2019) là những tác phẩm hiếm hoi mô tả đời sống người đồng tính và hành trình nhận thức về bản dạng giới.

Vốn dĩ, tiếng nói của người đồng tính đã không được cất lên trong rất nhiều thế kỉ, ở Việt Nam, tâm lý sợ đồng tính (homophobia) tồn tại khá dai dẳng bởi vậy thay đổi nhận thức về người đồng giới, cất lên tiếng nói cho thân phận người đồng tính giúp họ bớt đơn độc. Bộ phim Song lang (đạo diễn Leon Quang Le) là một cách đứng về những thân phận bên lề, khắc họa mối tình đồng tính từ chiều sâu nội cảm. 

Song lang - Mối tình trai nhẹ nhàng, tinh tế

Bộ phim Song lang của đạo diễn Leon Quang Le (2018) kể về mối tình đồng tính tinh tế, sâu lắng giữa hai người đàn ông trái ngược nhau: Dũng “Thiên Lôi” chuyên đòi nợ thuê cục cằn, bạo lực, đáng sợ và Linh Phụng, một kép hát cải lương tình cảm, thẳng thắn, có chút mềm mại, dịu dàng. Khi đòi nợ bà bầu của đoàn cải lương Thiên Lí, Dũng chạm mặt Linh Phụng, sau đó anh đi xem vở Chuyện tình Mị Châu - Trọng Thủy mà Linh Phụng làm kép chính. Một lần Linh Phụng xô xát với đám người trong quán nhậu bị đánh ngất xỉu, Dũng cứu anh đưa về nhà và trong đêm gặp gỡ định mệnh đó, tình yêu nảy nở nhẹ nhàng, dịu dàng, e ấp mà say đắm. 

Một câu chuyện tình yêu của hai người đàn ông mới chớm. Tình yêu sét đánh đến với Dũng khi anh đến rạp hát đòi nợ, cảm mến Linh Phụng từ cái nhìn đầu tiên, ngỡ ngàng thoáng chốc khi chạm mặt. Còn Linh Phụng, cảm xúc đến muộn hơn, nảy nở dần sau những hiểu lầm được hóa giải thành sự thấu hiểu; gắn kết bằng thương cảm và mến phục. Hơn một tình cảm xuyến xao, đó là sự đồng điệu của tâm hồn. Cả bộ phim dừng lại ở khoảnh khắc một người ca, một người đàn trong bản Trường tương tư. Tất cả đều lặng yên, chỉ tiếng đàn và tiếng ca rung động đến từng giác quan.

Những trường đoạn thể hiện cảm xúc của hai nhân vật, nhạc nền trên radio, loa phường, rạp hát… gợi dẫn về tâm trạng qua đó dẫn dắt mạch cảm của người xem thật tinh tế. Lần đầu tiên Dũng gặp Linh Phụng, Hương thầm (Phan Thị Thanh Nhàn - Vũ Hoàng) vang lên từ loa nhà hát diễn tả đúng trạng thái im lặng của anh “Hai người chia tay sao chẳng nói điều gì/ Mà hương thầm vương vấn bước người đi”. Riêng cảnh này, đạo diễn để Dũng mặc màu hồng nhạt (trùng màu áo hồng Mị Châu tự tình cùng Trọng Thủy) với một dụng ý thật rõ ràng, Dũng sẽ chạm mặt “người thương”. Buổi sáng tỉnh dậy là lúc mối tình nảy nở trong lòng Linh Phụng, loa phường vang lên câu hát ý nhị “Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, ngày mai bắt đầu từ hôm nay” (Hát về cây lúa hôm nay, Hoàng Vân). Khung cảnh trò chuyện của hai người bao bọc bởi không khí lãng mạn của tình yêu diễm lệ điển hình. Cuộc trò chuyện trên sân thượng dưới trăng liên tưởng đến mối tình Kim - Kiều “Vầng trăng vằng vặc giữa trời” (Truyện Kiều, Nguyễn Du). Không gian tình tự bên cửa sổ trong một sớm mai trong lành, thanh mát khiến người xem nhớ đến khung cửa sổ của Romeo và Juliet (vở kịch Romeo và Juliet, William Shakespeare). Tạo bối cảnh cho câu chuyện tình yêu đồng tính bằng những không gian giống như tình yêu nam nữ cổ điển là một ngụ ý nghệ thuật về tình yêu vĩnh cửu. Những cảm xúc, rung động của người đồng tính cũng giống như tất cả mọi tình yêu phổ quát trên thế gian. Đề tài tình yêu đồng tính được khai thác rất tinh tế, một cảm xúc mới nhen lên, nhẹ nhàng, tinh khiết, không một đụng chạm, không dám nói ra, không dám nhìn thẳng nhưng cả hai đều cảm nhận được sợi dây rung động từng nhịp tơ lòng của người kia. Bất cứ một tình yêu thật sự nào cũng bắt đầu từ những xuyến xao tinh tế khó nói ra thành lời như thế, cũng day dứt và ám ảnh như thế. 

Song lang - Bi kịch hiện đại về tình yêu 

Dũng bị nhát dao oan nghiệp của Tài “đen” giết chết. Một mối tơ tình vừa mới chớm, hai tâm hồn cô đơn vừa tìm được nơi nương tựa. Con voi lẻ loi chưa kịp tìm bạn lại trở thành con voi đơn bóng. Món quà đầu tiên Linh Phụng chưa kịp tặng. Một cái kết thật sâu lắng như những mối tình đầu dang dở những xuyến xao, dư âm để lại thật day dứt. Cảm giác yêu mà không thể nói ra, kìm nén ở trong lòng. Do vậy, cái chết của Dũng cũng phản ánh bi kịch của tình yêu đồng tính ở thời điểm đó, mối tình ngang trái khó có kết quả, khó mà đến được với nhau. Âm điệu bi kịch do vậy càng thấm vị chua xót, dang dở. 

Để diễn tả nhịp đi song song, trong phim hầu như ánh mắt của hai nhân vật không nhìn về một hướng. Mối tình của một gã giang hồ và kép hát cải lương ẩn trong đó nhiều bất an, đối lập. Hai chàng trai đại diện cho hai tầng lớp khác nhau trong xã hội. Hai số phận đi song song, hai nhân vật gặp nhau một đoạn ngắn ngủi rồi lại chia hai. Đạo diễn sử dụng thủ pháp song song để diễn tả cái tứ của phim ngay từ tên “song lang” - câu chuyện về cuộc đời song song của hai người đàn ông. Sự tương đồng của các cặp nhân vật trên sân khấu/ cuộc đời: người can ngăn: Trọng Thủy/ Linh Phụng; người trừng phạt: An Dương Vương/ Tài “đen”; người bị trừng phạt: Mị Châu/ Dũng. Qua Linh Phụng, thủ pháp song song biểu hiện ở cách nhắc lại: Linh Phụng hai lần hồi hộp, hai lần nhắc Dũng đến gặp bà bầu đàn thử, hai lần hát đoạn khóc Mị Châu trước khi màn nhung khép lại... Thủ pháp trùng điệp này diễn tả hai con người của anh - trên sân khấu và ngoài đời sống. Xuyên suốt bộ phim, Dũng được khắc họa song hành quá khứ/ hiện tại, mỗi hành động ở thời hiện tại nhắc nhớ một cảnh hồi tưởng trong quá khứ. Kiểu “du hành vượt thời gian” khi mô tả Dũng là cách giải thích về việc “hoàn cảnh tạo ra con người”, những biến cố trong quá khứ đẩy đưa anh đến công việc đòi nợ thuê, một công việc đáng sợ nhưng “làm riết quen”.

Tuy nhiên, cách đặt tên nhân vật đầy ý nghĩa: Dũng - đã hàm ý về một nhân vật có uy võ và nghĩa khí. Công việc “đòi nợ” được Dũng xem như một nghề có những nguyên tắc riêng “mượn là chuyện của họ, đòi là việc của mình”, nghĩa là thẳng thắn, bộc trực, rõ ràng, phân minh, không quanh co “cái gì ra cái đó”. Vậy nên, những lời nói thẳng thắn của Linh Phụng buộc Dũng đối diện với lương tâm của mình. Khi tỉnh thức, anh ngồi trên sân thượng khóc cho lầm lỗi, nỗi bất lực vì làm tan nát một gia đình xen lẫn cảm giác bế tắc, đau đớn không lối thoát. Tuy nhiên, bi kịch có tính lạc quan. Tính lạc quan thể hiện ở chỗ Dũng đã biết dừng lại, không trượt dài trên con đường tội lỗi. Tiếng chuông vang lên khi Dũng đến xin nghỉ việc chỗ dì Nga như là vọng âm của tiếng gọi từ sâu thẳm lương tâm. Để diễn tả quá trình hoàn lương của Dũng, biểu tượng ánh sáng biểu đạt thế giới tinh thần của nhân vật rất tinh tế. Trước đó, không gian căn phòng của Dũng tối tăm, u uẩn ngày Linh Phụng đến, sáng mai trong lành như khởi đầu tốt đẹp được mô tả bằng khung cửa sổ tràn đầy ánh sáng. 

Bi kịch của Linh Phụng là một nghệ sĩ cô đơn nguyên khối. Ba mẹ không hiểu anh, sợ con mê cải lương không chịu học hành nên cấm cản, đến khi hiểu con thì họ không còn trên thế gian. Đến lượt Dũng là người có thể chia sẻ cảm xúc thì anh qua đời. Là một chàng trai hiền lành, trực tính, nhẹ nhàng Linh Phụng khao khát được yêu thương. Anh có nhiều cử chỉ gần gũi, giản dị mà chân thành với mọi người xung quanh: ôm tạm biệt người phụ trách trang phục khi rời rạp “con về nghe ngoại”, cách anh cầm cốc nước cho thầy vừa ngồi xuống nghe góp ý rất ân cần, tháo hết gia tài riêng đưa cho bà bầu trả nợ, chăm chút món quà tặng Dũng… Một người biết quan tâm người khác và mong được yêu thương nhưng cuộc đời như con voi đơn độc trong rạp xiếc, nỗi đau lặn mất vào trong. Một người mong muốn được chia sẻ (suốt cuộc gặp gỡ chủ yếu là anh nói, Dũng rất ít nói), khao khát yêu thương (ánh mắt chan chứa tình cảm khi nghĩ về Dũng, hồi hộp bồn chồn suốt buổi biểu diễn…) nhưng rồi kết thúc, một mình cầm món quà đi khỏi rạp Thiên Lí không một bóng người, dừng lại ở chỗ cách đó không lâu Dũng nằm xuống, cơn mưa đã xóa hết mọi dấu vết. Cuộc gặp gỡ chóng vánh rồi kết thúc bằng sinh li tử biệt tô nhấn về cảm giác phù du trong cõi nhân sinh ngắn ngủi và nỗi cô độc không nương náu của những người đồng tính nam như Linh Phụng. Sự dang dở như một ánh nhìn bi quan, đơn độc, buồn bã. Cái kết đầy thương cảm với một dư vị tiếc nuối ngậm ngùi. 

Sự quan tâm gần đây của văn học và điện ảnh, thậm chí văn hóa đại chúng (trường hợp Hương Giang. BB Trần…) đã là một tiến bộ với người đồng tính. Trước đó, bao bọc bởi xã hội Đông Phương bảo thủ dường như không có tiếng nói của người đồng tính. Họ “bị nhìn” bằng thái độ kì thị, bị coi như là một điều gì đó kì quái, khác thường, lệch chuẩn. Tuy nhiên, những thông điệp dưới cái nhìn đồng tính như thế nào? Nó có thật sự khác với những tình yêu dị tính? Văn học và điện ảnh vẫn còn chỗ khuyết nhỏ về đề tài đồng tính vì dường như không thoát khỏi hệ quy chiếu lấy đàn ông, lấy người dị giới làm trung tâm. Vậy nên, phá bỏ cái nhìn dị giới, phân biệt là sự đấu tranh lâu dài cho người đồng tính. Tôn trọng tất cả điều đó như tôn trọng sự khác biệt, đa dạng của toàn bộ hành tinh. Bằng cái tứ của tình cảm tế nhị, dịu dàng, sâu lắng, nhẹ nhàng… như mọi tình yêu phổ quát, đạo diễn Leon Quang Le khắc họa tình cảm đồng tính với chiều sâu của sự vĩnh cửu và vẻ đẹp bình thường như mọi tình yêu của nhân loại này - quyền được sống, được yêu, được bộc lộ chân thực.

TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022

;