Quảng bá và tôn vinh áo dài nhìn từ Lễ hội Áo dài ở Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây

Từ khi biết tới Áo dài không chỉ là trang phục của phụ nữ Việt Nam mà còn là trang phục của đàn ông Việt Nam, đặc biệt hơn là biết câu chuyện Áo dài nam có trước Áo dài nữ đã khiến tôi phải tò mò tìm hiểu. Càng tìm hiểu thì câu chuyện về Áo dài lại càng mở ra với nhiều ngã rẻ liên quan tới thẩm mỹ, lối sống của người Việt. Bề dày lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ của Áo dài Việt Nam rất đáng kể, nhưng thật buồn, hơn nửa thế kỷ qua mà hình dáng, cách may, cách mặc Áo dài truyền thống đã bị phai mờ, đứt đoạn.

Hiện nay, nếu có sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch thì người ta nghĩ ngay tới nón lá, chuồn chuồn tre, tò he, múa rối, chú tễu, váy phụ nữ Mông, tranh dân gian, phở, nem, bún chả, nhà liếp mái lá, nơm, đó, cổng làng, Văn Miếu, Tháp rùa, Ca trù, Quan họ, Đờn ca tài tử… để giới thiệu. Áo dài cũng là sản phẩm được ưu tiên hàng đầu trong danh mục “đặc sản” ấy. Nhưng không ít người làm chỉ biết đó là Áo dài, còn chuyện có đúng truyền thống hay không thì hầu như họ không mấy quan tâm. Và hiệu quả của việc quảng bá và tôn vinh Áo dài đến đâu thì chắc khó tìm ra một bản tổng kết, đánh giá. Trong phạm vi tham luận này, chúng tôi điểm qua thực trạng về quảng bá và tôn vinh Áo dài trong thời gian 15 năm trở lại đây, chủ yếu ở Hà Nội, Huế, TP.HCM để thấy được những thành công và cả những điểm còn chưa thành công và chúng tôi xin mạo muội đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động này có hiệu quả hơn.

Diễu hành đạp xe qua các tuyến phố quảng bá Áo dài, trong Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế, 2023 - Ảnh: Bảo Minh

1. Hoạt động quảng bá và tôn vinh Áo dài trong thời gian vừa qua

Lễ hội Áo dài Huế

Huế - địa phương đi đầu trong việc tổ chức các hoạt động quảng bá và tôn vinh Áo dài. Từ năm 2000, là kỳ Festival Huế đầu tiên tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa Lễ hội Áo dài vào tổ chức. Tiếp sau đó các kỳ Festival Huế đều có Lễ hội Áo dài. Những lễ hội Áo dài này thường lấy các điểm di tích thắng cảnh của TP Huế để làm sân khấu trình diễn, cũng nhằm quảng bá di sản, di tích Huế.

Từ năm 2020, Huế bắt đầu có sự thay đổi và lan tỏa Áo dài truyền thống tới cộng đồng bằng chuỗi hoạt động liên quan tới Áo dài ngũ thân, mở đầu cho xây dựng Đề án Huế - Kinh đô Áo dài là Lễ hội Áo dài và Ẩm thực Huế (12/2020) do Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trì tổ chức, sau đó năm 2022 và năm 2023 là Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế. Đây là những hoạt động hướng về cộng đồng, khác với các hoạt động trước mang tính thời trang, trình diễn.

Từ năm 2020, hoạt động Áo dài ở Huế đều thực hiện nghi lễ hành hương, dâng hương, dâng hoa tại Lăng Trường Thái, nơi yên nghỉ của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (người định chế Áo ngũ thân mặc toàn Đàng trong (1744)), và dâng hương, dâng hoa tại Triệu Tổ miếu trong Đại nội. Đây không những là lễ tri ân các bậc tiền nhân có công cho phổ biến Áo ngũ thân mặc trong toàn cõi Việt Nam, mà nghi lễ này đã làm cho hoạt động trong Lễ hội Áo dài thêm mầu sắc, mang đặc trưng của Huế.

Lễ hội Áo dài TP.HCM

TP.HCM là địa phương tiên phong tổ chức Lễ hội Áo dài. Năm 2014 là Lễ hội Áo dài đầu tiên với chủ đề Áo dài và hoa do Sở VHTTDL TP.HCM tổ chức 2 ngày từ 8 - 9/2/2014 tại Khu du lịch Đầm Sen. Đến nay, TP.HCM đã tổ chức Lễ hội Áo dài được 9 lần (năm 2021 không tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19). Quy mô của các kỳ Lễ hội Áo dài của TP.HCM năm sau lớn hơn năm trước với nhiều hoạt động. Năm 2014, 2015 Lễ hội tổ chức tại Công viên Văn hóa Đầm Sen; năm 2016 tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh Niên và các năm tiếp theo được tổ chức tại đường Nguyễn Huệ, Quận 1.

Lễ hội Áo dài TP.HCM gần đây nhất được tổ chức từ ngày 3 đến hết ngày 5/3/2023. Có 21 nhà thiết kế tham gia trình diễn, gồm có: Tọa đàm Vẻ đẹp Áo dài Việt - Bảo tồn và phát triển; Work shop trải nghiệm nhuộm vải, may áo và vẽ Áo dài; Không gian triển lãm tôn vinh Áo dài; Con đường nghệ thuật Áo dài; Chương trình nghệ thuật về Áo dài; Chương trình diễu hành với Áo dài; Chung kết Cuộc thi Duyên dáng Áo dài TP.HCM. Qua đó, chúng ta thấy được quy mô ngày càng lớn và phương thức tổ chức chuyên nghiệp hơn của TP.HCM. Ngoài các hoạt động trình diễn, thi Áo dài… thì Ban tổ chức (BTC) Lễ hội Áo dài TP.HCM còn vận động được những người nổi tiếng tham gia, đặc biệt trong nhiều lần tổ chức Lễ hội, BTC có tôn vinh và giới thiệu các Đại sứ Áo dài là những nghệ sĩ, người hoạt động trong mọi lĩnh vực như quản lý, văn hóa nghệ thuật, những người được cho là yêu Áo dài và có ảnh hưởng trong xã hội nhằm lan tỏa tình yêu Áo dài.

Lễ hội Áo dài ở Hà Nội

Lễ hội Áo dài Hà Nội diễn ra từ ngày 14-16/10/2016 được coi là Lễ hội Áo dài lần thứ Nhất do Sở Du lịch Hà Nội chủ trì tổ chức. Đêm khai mạc diễn ra tại Quảng trường Đoan Môn. Ba ngày diễn ra lễ hội có những hoạt động nhằm tôn vinh tà áo dài truyền thống Việt Nam. 38 gian hàng trưng bày áo dài trong khuôn viên Hoàng Thành - Thăng Long. Đêm trình diễn áo dài với chủ đề “Áo dài và âm nhạc truyền thống”. Tại Lễ hội này, 50 xe xích lô chở người mẫu mặc áo dài, 200 xe đạp của 200 nữ sinh mặc áo dài diễu hành qua nhiều con phố của Hà Nội sau đó trở lại sân khấu chính tại Hoàng Thành Thăng Long.

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm từ ngày 2 đến 4/12/2022 thu hút hơn 30.000 người dân và du khách. Đây là lần thứ Hai Hà Nội tổ chức Lễ hội Áo dài du lịch, nhưng quy mô, tầm ảnh hưởng lớn hơn lần thứ Nhất, tổ chức cách đây 6 năm (năm 2016). Chương trình có: Lễ khai mạc; đêm nhạc hội trình diễn áo dài; cuộc thi sinh viên “Sáng tạo thiết kế áo dài”. Bên cạnh đó, là 5 không gian trưng bày triển lãm và 50 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của các nghệ nhân, nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không, cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch của Hà Nội - Huế - TP.HCM.

Điểm qua các Lễ hội Áo dài được tổ chức tại Hà Nội - Huế - TP.HCM chúng ta thấy một đặc điểm chung đó là các đơn vị tổ chức đều mong muốn quảng bá Áo dài Việt Nam với người dân trong nước và khách quốc tế, đặc biệt là gắn với hoạt động du lịch của địa phương. Chính vì vậy, hiện nay tại Hà Nội và TP.HCM, Lễ hội Áo dài do Sở Du lịch tổ chức, tại Huế do Sở VHTT tổ chức gắn với Đề án Huế - Kinh đô Áo dài.

Các Lễ hội Áo dài thường gắn với show diễn thời trang Áo dài và gần đây bổ sung thêm các hoạt động cộng đồng khác như diễu hành Áo dài trên đường phố, đạp xe, đi xích lô, các cuộc thi tìm hiểu Áo dài cũng như thiết kế Áo dài.

Ngoài Lễ khai mạc, chỉ riêng Huế thực hiện nghi lễ tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát và các bậc tiền nhân nhà Nguyễn đã có công phổ biến Áo dài và trở thành Quốc phục. Các địa phương khác ngoài nghi lễ Khai mạc thì không thực hiện nghi lễ như ở Huế mà chủ yếu quan tâm thực hiện phần Hội.

Quy mô của các Lễ hội Áo dài ngày càng được mở rộng, thu hút nhiều người tham gia. Như buổi diễu hành Áo dài của Lễ hội Áo dài Hà Nội 2022 hơn 1.000 người tham dự, Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2023 thu hút 3.000 người tham dự, buổi diễu hành mặc Áo dài đi xe đạp quanh TP Huế trong Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế thu hút hơn 500 người tham gia.

Từ khi xuất hiện các hoạt động quảng bá Áo dài cũng như Lễ hội Áo dài, người tổ chức, người tham gia chủ yếu quan tâm tới Áo dài nữ. Các thông tin từ ban tổ chức, người tham dự đều nhắc tới Áo dài gắn với người phụ nữ. Từ năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức các sự kiện liên quan tới Áo dài đã đưa Áo dài nam vào các hoạt động bình đẳng như Áo dài nữ.

2. Tác động tích cực và những hạn chế

Những tác động tích cực

Hiện nay, ở ba khu vực Bắc - Trung - Nam cũng là 3 thành phố lớn gồm Hà Nội, Huế, TP.HCM, cả 3 địa phương đã ấn định hằng năm sẽ tổ chức Lễ hội Áo dài. Đây là 3 trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước, hằng năm thu hút khách du lịch tới khá đông. Mỗi địa phương đều có những đặc trưng du lịch riêng, dựa vào đặc điểm riêng đó, mỗi thành phố đã xác định thời gian tổ chức Lễ hội Áo dài phù hợp trong năm:

Tháng 3: Lễ hội Áo dài TP.HCM, đầu năm cũng là thời điểm kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) và kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (30/4);

Tháng 6, 7: Lễ hội Áo dài Huế dịp giỗ Chúa Nguyễn Phúc Khoát (20 tháng 5 âm lịch);

 Tháng 10: Lễ hội Áo dài Hà Nội dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) và ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).

Như vậy, Lễ hội Áo dài được tổ chức ở 3 miền, vào 3 mùa trong năm. Cả 3 địa phương đều mong muốn Áo dài trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng, góp phần tích cực quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch, đóng góp cho ngành may Áo dài, cũng như đóng góp tăng trưởng kinh tế của địa phương, đặc biệt là các địa phương coi du lịch là ngành mũi nhọn như 3 thành phố kể trên.

Tuy chưa có con số cụ thể về tác động về kinh tế mà Lễ hội Áo dài mang lại, nhưng quan sát thực tế chúng ta có thể thấy rõ lợi ích mà các hoạt động quảng bá Áo dài mang lại. Khác với Hà Nội và TP.HCM, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chiến lược với Áo dài bài bản và dài hơi hơn. Không chỉ tổ chức Lễ hội, từ năm 2020, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên  Huế đã khởi động xây dựng Đề án Huế - Kinh đô Áo dài với nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa Áo dài làm sản phẩm đặc trưng của Huế. Lợi thế đối với Huế là mảnh đất Cố đô, nơi đầu tiên Áo ngũ thân (tiền thân của Áo dài hiện đại) được Chúa Nguyễn Phúc Khoát định chế dân chúng Đàng Trong sử dụng và sau này triều đinh nhà Nguyễn quy định bộ trang phục này sử dụng trong toàn cõi Việt Nam. Đây là nền tảng mang tính lịch sử và là lợi thế đặc biệt của tỉnh Thừa Thiên- Huế trong việc đưa Áo dài thành sản phẩm đặc trưng của địa phương mình.

Chỉ hơn 3 năm, với nỗ lực của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế, sự đồng lòng của các cấp lãnh đạo tỉnh cũng như cộng đồng, việc phục hưng trang phục Áo dài ngũ thân truyền thống đã đạt được những thành tựu rất to lớn. Không chỉ là phong trào hay khẩu hiệu, tác động tích cực của Đề án Huế - Kinh đô Áo dài đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong và sau đại dịch COVID-19.

Từ câu chuyện Áo dài ở Huế, chúng ta thấy rõ sự tiên phong, thể hiện vai trò định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, cụ thể là lãnh đạo, cán bộ công chức Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cùng một số sở, ngành đã tác động và làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong khi đó, các Lễ hội Áo dài và hoạt động quảng bá Áo dài ở các địa phương, các ngành tổ chức chưa thực sự tạo ra hiệu quả, vẫn còn nặng tính phong trào. Thiết nghĩ, mô hình hoạt động và những thành tựu tổ chức Lễ hội, quảng bá Áo dài của tỉnh Thừa Thiên Huế cần được phát huy ở các địa phương khác.

Những hạn chế của các Lễ hội và hoạt động quảng bá Áo dài

Hạn chế nhận thức về giá trị Áo dài truyền thống

Hiện nay, rất nhiều người còn cho rằng Áo dài chỉ dành cho phụ nữ, trong các hoạt động Lễ hội, quảng bá Áo dài, thậm chí cả trong hội thảo khoa học bàn về Áo dài vẫn chỉ tập trung vào Áo dài của nữ giới. Nhưng thực tế trong lịch sử, từ thời Nguyễn, Áo dài ngũ thân (tiền thân của Áo dài hiện đại) đã được nam giới mặc phổ biến.

Gần đây các hoạt động Áo dài ở Huế đã thay đổi, BTC đưa Áo dài nam, nữ bình đẳng với nhau. Nhưng ở các địa phương khác điều này còn chưa thay đổi. Chính suy nghĩ Áo dài của phụ nữ, gắn với phụ nữ cho nên tính nữ trong Áo dài được đề cao và thành rào cản lớn với nam giới. Những nơi có nhận thức đẩy đủ hơn thì sự kiện ở nơi đó nam giới tham gia mặc Áo dài, sử dụng Áo dài nhiều hơn, Huế là địa phương đi đầu trong việc thu hút nam giới sử dụng Áo dài.

Nhiều Lễ hội, show diễn Áo dài, chương trình trình diễn Áo dài rất lớn nhưng người tổ chức và người tham gia lại thiếu kiến thức về giá trị lịch sử, đặc điểm thẩm mỹ và bản sắc văn hóa của Áo dài, điều này có thể bắt thấy trong thông tin báo chí, phát ngôn của BTC, hình ảnh logo sự kiện của một chương trình quảng bá Áo dài. Sự thiếu hụt kiến thức về Áo dài của người tổ chức cho nên nhiều sự kiện, người tổ chức lúng túng trong việc xác định điểm mấu chốt để quảng bá Áo dài cũng như chọn lựa hoạt động sao cho hiệu quả.

Chính những nhận thức chưa đầy đủ này đã dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở” trong một lễ hội Áo dài. Sự kiện được tổ chức tuy “hoành tráng” nhưng  thiếu những điểm nhấn quan trọng giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn về Áo dài, có ý thức bảo tồn và phát triển Áo dài, nâng tầm Áo dài lên thành những giá trị văn hóa cao.

Hiện tượng sử dụng thêu, vẽ… lên trang phục là xu hướng tất yếu của thời trang hiện đại. Nhưng cách xử lý tạo hình ra sao để nâng tầm vẻ đẹp Áo dài lên là điều cần bàn. Nhiều nhà thiết kế, những người may Áo dài đã lạm dụng tà áo có kích thước dài, rộng để in, vẽ cờ, hình phong cảnh, kiến trúc, biểu tượng văn hóa, hoa văn trống đồng thậm chí cả tranh cổ động, hình ảnh lãnh tụ lên áo. Điều này dễ dẫn đến tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ trong việc sử dụng hình ảnh, và cả vi phạm vào những vấn đề liên quan tới thuần phong mỹ tục, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt cũng như của các dân tộc, quốc gia khác. Không những vậy, việc sử dụng hình ảnh tràn lan trên Áo dài đã biến Áo dài thành tấm pano, áp phích, tấm vải vẽ tranh minh họa chứ không còn là trang phục, biểu tượng văn hóa Việt Nam.

 Nhiều loại trang phục không phải là Áo dài vẫn được trình diễn, sử dụng trong Lễ hội Áo dài

Các hoạt động Lễ hội Áo dài được tổ chức phần lớn là trình diễn các loại Áo dài được thiết kế muôn hình vạn trạng. Rất hiếm sự kiện Lễ hội Áo dài nào có tính định hướng công chúng, xem xét việc mặc loại trang phục này có đúng là Áo dài hay không? Và trong một số Lễ hội Áo dài, người tham gia mặc những loại áo khác xa với Áo dài truyền thống mà vẫn được BTC chấp nhận, có nhiều sự kiện lãnh đạo địa phương mặc loại trang phục may theo kiểu trang phục truyền thống của đàn ông Ấn Độ dự cắt băng khai mạc. Nhiều năm liền, Lễ hội Áo dài TP. HCM, “Đại sứ Áo dài”, MC dẫn chương trình, nam nghệ sĩ… tham dự với trang phục khác lạ với Áo dài truyền thống của đàn ông Việt, gần hơn với trang phục truyền thống của nước ngoài.

Các hoạt động trình diễn thiên về Áo dài thời trang hơn Áo dài ứng dụng vào đời sống

Áo dài có một lịch sử hàng trăm năm, qua bao nhiêu đời nó được định hình để có sự chuẩn mực và phù hợp với con người cũng như khí hậu Việt Nam. Việc điều chỉnh Áo dài cho phù hợp hơn với đời sống hiện đại là phù hợp với quy luật phát triển. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn và mỗi cá nhân cũng như nhóm người cũng phải luôn tìm cách cải tiến để trang phục Áo dài đẹp hơn, phù hợp hơn. Trong lịch sử phát triển của Áo dài chúng ta thấy rõ điều đó. Nhưng hiện nay, trong các Lễ hội Áo dài phần lớn các nhà thiết kế lạm dụng tính thời trang của Áo dài để cho ra đời những trang phục, mà theo tôi, đó không phải là Áo dài. Hoặc nhiều show diễn Áo dài cho công chúng thiếu những bộ Áo dài sử dụng trong đời sống mà thiên về trang phục chỉ trình diễn trên sân khấu.

Không chỉ trong Lễ hội Áo dài mà tại các sự kiện quảng bá văn hóa truyền thống, quảng bá du lịch, các sự kiện văn hóa, âm nhạc ở trong nước và quốc tế... gắn với Áo dài cũng luôn mắc phải những vấn đề trên. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rất hiếm chương trình quảng bá văn hóa của các cơ quan ngoại giao, mà sử dụng trang phục may đúng truyền thống. Hầu như diễn ra tình trạng sử dụng trang phục đã bị biến tấu, có những kiểu áo cho nam giới thiên về trang phục của các quốc gia Nam Á, Trung Quốc …

Thiếu vắng nghệ nhân, người trực tiếp làm nghề

Áo dài, một loại trang phục mà kiểu dáng, cách may đòi hỏi người làm nghề phải nắm bắt bí kíp và có óc thẩm mỹ tinh tế. Đó là những nghệ nhân may Áo dài. Dù Áo dài ngũ thân truyền thống hay Áo dài hiện đại cũng luôn cần có những nghệ nhân, người trực tiếp làm nghề. Trong nhiều Lễ hội Áo dài, hoạt động quảng bá Áo dài thường thiếu vắng đội ngũ này. Điều mong mỏi của công chúng tham gia các lễ hội, chương trình quảng bá Áo dài ngoài được chiêm ngưỡng trang phục Áo dài đẹp thì họ còn mong muốn tận mắt được nhìn người thợ cắt, may Áo dài, hiểu được quy trình may đo, sản xuất Áo dài. Công chúng được chia sẻ với những người thợ may lành nghề, để hiểu và trân quý nghề may cũng như chiếc Áo dài.

3. Kiến nghị, đề xuất giải pháp

Như chúng ta đã biết, hiện nay Hà Nội, Huế, TP.HCM đã ấn định tổ chức Lễ hội Áo dài định kỳ hằng năm. Các hoạt động ngoại giao, giao lưu văn hóa, quảng bá và xúc tiến du lịch ngày càng tăng, chắc chắn hình ảnh Áo dài sẽ không thể thiếu trong các sự kiện này. Những người làm công tác tổ chức cũng luôn mong muốn đổi mới các hoạt động, tăng cường quảng bá các giá trị Áo dài, nhưng để thu hút người tới tham dự, tìm hiểu, để sự kiện sau phong phú hơn sự kiện trước và đặc biệt giá trị Áo dài Việt Nam được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến là điều không hề dễ dàng với người làm tổ chức. Trong khi đó, Áo dài lại đang thiếu những vấn đề quan trọng giúp công tác tổ chức được tốt, như: Chúng ta chưa có mẫu hình Áo dài truyền thống chuẩn mực, chúng ta chưa có văn bản pháp lý thừa nhận Áo dài là sản phẩm, biểu tượng, thương hiệu quốc gia và điều quan trọng là quá nhiều người còn hạn chế trong nhận thức giá trị lịch sử cũng như thẩm mỹ của Áo dài.

Để các hoạt động Lễ hội, quảng bá Áo dài được hiệu quả, chúng tôi xin kiến nghị, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị tổ chức một số giải pháp sau:

Kiến nghị với Chính phủ, Bộ VHTTDL

Hoàn thiện thể chế cho trang phục Áo dài

Cho tới thời điểm hiện nay, chưa có văn bản nào chính thức công nhận Áo dài (nam và nữ) là trang phục đại diện cho dân tộc Việt Nam, có quy định kiểu dáng, quy định cách sử dụng. Giống như hoa sen (từng được đề xuất là quốc hoa) thì Áo dài (được nhiều ý kiến đề xuất là quốc phục) cũng đang vướng phải những vấn đề về pháp lý trong công tác quản lý. Hoàn thiện thể chế cho trang phục Áo dài là việc làm thiết thực bởi giải quyết hành lang pháp lý cho vấn đề quản lý và sử dụng biểu tượng văn hóa không chỉ tháo gỡ vấn đề bản quyền, chính danh của các biểu tượng mà còn là động lực trong việc giáo dục, quảng bá văn hóa Việt Nam.

Theo Điều 2, Nghị định số 01/2023NĐ-CP ngày 16/01/2023 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL, giao Bộ “Thực hiện quản lý nhà nước về biểu tượng văn hóa quốc gia theo quy định của pháp luật”. Sau đó, Bộ VHTTDL cũng đã giao nhiệm vụ này cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL, ngày 31/3/2023). Nhưng hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ việc quản lý biểu tượng văn hóa, như: quy định tiêu chí lựa chọn, cơ quan có thẩm quyền đề xuất và công nhận, quản lý và sử dụng biểu tượng văn hóa. Do đó, giống như hoa sen thì Áo dài cũng sẽ vướng phải những vấn đề về pháp lý cho công tác quản lý. Trong khi đó, Áo dài từ lâu đã được coi như là một trong những biểu tượng văn hóa của Việt Nam, nhưng khi gặp vấn đề sử dụng không đúng, may, mặc sai, bị nước ngoài nhận là sản phẩm của họ thì chúng ta hết sức lúng túng trong việc xử lý, xác định cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, cơ sở pháp lý, chế tài thực hiện? Không chỉ riêng hoa sen hay Áo dài, hiện nay nước ta có nhiều biểu tượng văn hóa cũng đã và đang gặp vướng mắc về vấn đề quản lý nêu trên.

Giải quyết hành lang pháp lý cho vấn đề quản lý và sử dụng biểu tượng văn hóa không chỉ tháo gỡ vấn đề bản quyền, chính danh của các biểu tượng mà còn là động lực trong việc giáo dục, quảng bá văn hóa Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, sớm ban hành luật hoặc nghị định về biểu tượng văn hóa. Văn bản pháp lý này sẽ mở đầu cho việc lựa chọn, tôn vinh, sử dụng và quản lý các hệ thống biểu tượng văn hóa của Việt Nam, mà hoa sen và Áo dài là trường hợp cụ thể.

Từ vấn đề Áo dài chính thức được công nhận là Lễ phục hoặc cao hơn là Quốc phục thì việc chuẩn hóa Áo dài cũng sẽ được các cơ quan quản lý giải quyết. Từ đó, các hoạt động may, mặc, Lễ hội, quảng bá, biểu diễn Áo dài sẽ tránh được việc sử dụng những trang phục không đúng, lai căng, biến tấu xa rời bản sắc văn hóa Việt Nam.

Khi đã có sự thống nhất về trang phục Áo dài thì công chúng sẽ dễ nhìn nhận, đánh giá và sử dụng Áo dài được thuận lợi, người làm công tác tổ chức các hoạt động Lễ hội, biểu diễn… sẽ có được những tiêu chí rõ ràng cho các sự kiện của mình.

Lựa chọn Áo dài ngũ thân (nam và nữ) làm Lễ phục Nhà nước 

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến năm 2014, Bộ VHTTDL đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Quốc phục, sau đó đổi thành Đề án Lễ phục Nhà nước, nhưng công việc này đã không thực hiện được bởi Ban Tổ chức không tìm ra mẫu lễ phục dành cho nam giới. Tới thời điểm hiện nay khi mà các vấn đề liên quan tới lịch sử, giá trị thẩm mỹ của bộ trang phục Áo dài ngũ thân (cả nam và nữ) được nhiều người biết đến, việc may, mặc Áo dài ngũ thân thành xu hướng đã phát triển rộng rãi thì lựa chọn trang phục này cho Đề án Lễ phục Nhà nước là vấn đề không còn khó khăn, phức tạp như trước.

Thay bằng phát động thi thiết kế, nên chăng, Bộ VHTTDL nghiên cứu chọn Áo dài ngũ thân (cả nam và nữ), chuẩn hóa để làm Lễ phục Nhà nước. 

Quy định sử dụng cho từng loại trang phục theo hoàn cảnh, bối cảnh. Áo ngũ thân tay chẽn sử dụng làm tiện phục, Áo ngũ thân tay thụng sử dụng trong các nghi lễ, nghi thức cấp Nhà nước. Quy định mầu sắc, chất liệu theo cấp bậc, địa vị, chức danh và hoàn cảnh của người mặc. 

Áo dài ngũ thân là tiền thân của Áo dài hiện đại ngày nay, trang phục này đã được người Việt sử dụng trong một thời gian dài. Qua mấy trăm năm, Áo dài ngũ thân đã được định hình cho phù hợp với khí hậu và con người Việt Nam. Lựa chọn Áo dài ngũ thân làm Lễ phục Nhà nước là tiếp nối và phát huy giá trị truyền thống của cha ông. Đây cũng là hướng đi “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới” theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cần xây dựng thương hiệu quốc gia Áo dài Việt Nam 

Đến thời điểm hiện nay, Bộ VHTTDL đã có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Du lịch văn hóa”; “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”; “Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam”; “Liên hoan phim Việt Nam”; “Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam”… Nếu có thêm Đề án xây dựng quảng bá thương hiệu quốc gia Áo dài sẽ góp phần thêm vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tạo động lực để các tỉnh, thành phố, bộ, ngành phát huy hiệu quả thương hiệu quốc gia trong việc tổ chức các lễ hội, quảng bá Áo dài.

Nhìn lại thực tiễn, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai Đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam. Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Sở VHTT nghiên cứu, triển khai Đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là rất phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với chủ trương “phát triển nhanh và bền vững, dựa trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế”.

Đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng, thu hút các nguồn lực may, dịch vụ du lịch cũng như quảng bá hình ảnh Cố đô Huế. Đề án này là mô hình tốt để các chúng ta tham khảo cho việc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia mà Bộ VHTTDL đang triển khai thực hiện.

Đề xuất với địa phương, đơn vị tổ chức Lễ hội Áo dài

Tăng cường tuyên truyền về lịch sử, giá trị thẩm mỹ, bản sắc văn hóa của Áo dài tại các sự kiện cho mọi đối tượng

Qua các hoạt động liên quan tới Lễ hội Áo dài, quảng bá Áo dài… chúng tôi nhận thấy việc thiếu hụt kiến thức về loại trang phục này còn phổ biến. Kể cả người làm công tác tổ chức lẫn người tham gia, tham dự. Đại đa số người cho rằng Áo dài thuộc về phụ nữ, do vậy mọi hoạt động của Lễ hội Áo dài đều tập trung vào phụ nữ và kêu gọi phụ nữ tham gia. Buổi diễu hành Áo dài trong Lễ hội Áo dài TP.HCM tháng 3/2023 thu hút 3.000 chị em tham gia, trong khi đó số lượng nam giới tham gia với con số rất nhỏ, nếu có thì lại mặc loại trang phục không phải là Áo dài. Tại buổi diễu hành Áo dài trong Lễ hội Áo dài Hà Nội tháng 12/2022 có 1.000 chị em tham gia, duy nhất có 1 nam giới là lãnh đạo lại mặc áo veston tham gia. Lễ hội Áo dài ở Huế thì lại khác, Tuần lễ Áo dài cộng đồng tháng 6/2023 số lượng đàn ông mặc Áo dài tham gia Lễ hội Áo dài khá nhiều, trong tất cả các hoạt động chúng ta đều thấy đàn ông mặc Áo dài. Có sự khác biệt ở Hà Nội, Huế, TP.HCM như vậy là do vấn đề tuyên truyền của những người tổ chức.

Cần cân bằng Áo dài truyền thống và Áo dài hiện đại trong các hoạt động

Gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức thực hiện Đề án Huế - Kinh đô Áo dài mà trọng tâm phục hưng Áo dài ngũ thân truyền thống, do đó loại áo này đã được xuất hiện nhiều trong cả nước. Nhưng ở các địa phương, trong Lễ hội, chương trình quảng bá tỷ lệ Áo dài truyền thống vẫn còn quá ít, một phần BTC vẫn chưa thực sự quan tâm tới mảng truyền thống, tỷ lệ nhà thiết kế Áo dài hiện đại quá lớn so với nhà may, nghệ nhân may Áo dài truyền thống.

Để cân bằng Áo dài truyền thống và hiện đại, hoặc Áo dài truyền thống tạo được sự chú ý và là điểm nổi bật của các chương trình, BTC cần nắm bắt danh sách các nghệ nhân, nhà thiết kế có thành tựu nổi bật, nắm bắt được kỹ thuật và mỹ thuật trong việc may Áo dài truyền thống. Đối với nhà thiết kế thì cần có những thiết kế sáng tạo nổi trội so với các nhà thiết kế khác, hoặc so với chính sự sáng tạo của họ trong quá khứ. Khi sàng lọc được nghệ nhân, nhà thiết kế như vậy thì sẽ rất thuận lợi cho việc xây dựng chương trình của Lễ hội. Tránh được sự bất cập, nhàm chán, chồng lấn nhau trong một chương trình Lễ hội hoặc quảng bá Áo dài.

Tổ chức các hoạt động nghệ nhân trình diễn may Áo dài

Áo dài không chỉ là bộ trang phục có đặc điểm có tà dài, mà còn Áo dài còn có nhiều đặc điểm khác mang tinh thần thẩm mỹ cao của người Việt. Để có một bộ trang phục Áo dài đẹp, mặc vừa ý, tôn vinh vóc dáng người mặc thì tấm áo đó cần thể hiện sự tài khéo, óc thẩm mỹ và sáng tạo của người nghệ nhân, người may và cả quy trình từ nguyên vật liệu đến sản phẩm là chiếc áo. Vì vậy, trong những Lễ hội và quảng bá Áo dài, BTC cần có phần cung cấp cho công chúng những hình ảnh trực quan về nguyên vật liệu, cách may và sử dụng Áo dài. Như trưng bày, giới thiệu các loại vải truyền thống phù hợp để may Áo dài, quá trình sản xuất vải, nguyên phụ liệu. Những đặc trưng sản phẩm của từng làng nghề… với những nghệ nhân, nhà thiết kế: Cần có những hoạt động trình diễn cắt, may Áo dài tại lễ hội. Cách đo, cắt, may của nghệ nhân đều có dấu ấn riêng. Trong Lễ hội Áo dài TP. HCM 2023, BTC có dành 1 buổi sáng để giới thiệu về vẽ áo dài của nhà thiết kế Trung Đinh, may và giới thiệu Áo dài ngũ thân của nghệ nhân Năm Tuyền, nhuộm vải bằng chất liệu thảo mộc của nghệ nhân Nguyễn Đức Huy thương hiệu Đông Phong. Hoạt động tuy chỉ diễn ra trong buổi sáng với sự tham dự của các khách mời quốc tế, nhưng cũng là điểm nhấn quan trọng của Lễ hội. Cách làm này cần duy trì và tăng thời gian mở rộng đối tượng tham gia, như vậy sẽ phát huy hiệu quả hơn đối với quảng bá Áo dài.

Tổ chức các hoạt động gắn với tập quán mặc Áo dài

Trong các Lễ hội, quảng bá Áo dài, phần lớn BTC dành thời gian, công sức cho trình diễn các bộ sưu tập áo dài, các hoạt động thi sắc đẹp, thi thiết kế, diễu hành hoặc gian hàng. Ít sự kiện quảng bá Áo dài thông qua các hoạt động gắn với tập quán mặc Áo dài. Ở Huế, gần đây Lễ hội Áo dài gắn với lễ dâng hương tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Hoạt động này gắn với việc mặc trang phục Áo dài thể hiện nghi lễ dâng hương. Ngoài ra BTC đã vận động chị em tiểu thương chợ Đông Ba trong những ngày lễ hội đều mặc Áo dài. Những hoạt động mang tính nghi lễ và phong trào này phần nào nói tới tập quán mặc Áo dài của người dân Huế. Trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người Việt xưa mỗi hoạt động đều gắn với Áo dài, mỗi vùng miền, đều có cách sử dụng trang phục này như lễ cưới, hỏi, ca hát, nghi lễ thực hiện nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng… Mỗi địa phương cần chắt lọc các nghi thức để lồng ghép trình diễn trong lễ hội, giúp cộng đồng hiểu sâu sắc về giá trị trang phục Áo dài với các nghi thức, tập quán và trong đời sống, đồng thời tạo ra điểm nhấn cho Lễ hội.

Các địa phương cần tạo ra sắc thái riêng cho từng Lễ hội Áo dài

Như trình bày ở trên, hiện nay Hà Nội, Huế, TP.HCM đều tổ chức Lễ hội Áo dài. Đây là hoạt động rất tốt, là dịp mà Áo dài được thường xuyên, liên tục quảng bá, cũng là điểm nhấn quan trọng thu hút khách du lịch. Là người đã từng tham dự Lễ hội Áo dài ở các địa phương, chúng tôi nhận thấy Lễ hội Áo dài ở các địa phương đang có những điểm khá giống nhau, chưa khai thác hết tiềm năng, vị thế và đặc điểm nổi trội của địa phương mình để tổ chức Lễ hội hiệu quả.

Áo dài ở Bắc - Trung - Nam trong lịch sử đều có những điểm giống và khác nhau. Do điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt, điều kiện kinh tế… cho nên hình thức Áo dài đã có những sắc thái riêng. Những sắc thái riêng này cần được Lễ hội Áo dài ở các địa phương nghiên cứu và khai thác, làm nổi bật, giúp tạo ra sự khác biệt giữa các Lễ hội Áo dài. Muốn tạo ra các sắc thái và đặc điểm riêng, BTC cần có tiêu chí cụ thể cho từng hoạt động, nghiên cứu kiểu dáng, mầu sắc Áo dài cho phù hợp với địa phương mình để phục vụ các hoạt động cũng như trình diễn. Chọn lựa các nhà may, nhà thiết kế của địa phương có sự sáng tạo mang bản sắc địa phương. Đặc biệt, cần tôn vinh các nghệ nhân dệt, may ở địa phương mình, đưa các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề vào các hoạt động Lễ hội. Song song các phần trình diễn thời trang Áo dài, cần tổ chức các hoạt động gắn với nghi lễ có sử dụng Áo dài làm nổi bật sắc thái của vùng miền. Lễ hội Áo dài ở các địa phương cần có sự giao lưu, kết nối giữa các địa phương để công chúng có cơ hội tìm hiểu cũng như làm rõ bản sắc Áo dài của mỗi vùng, miền, mỗi địa phương.

Lễ hội Áo dài, sự kiện quảng bá Áo dài là hoạt động vô cùng ý nghĩa trong việc giới thiệu biểu tượng văn hóa quốc gia tới cộng đồng và du khách, đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, thì vấn đề đưa Áo dài trở thành sản phẩm đặc biệt - Đại sứ của văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới là vô cùng quan trọng và cần thiết. Đây là hoạt động cần sự quan tâm định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, UBND và Sở Văn hóa, Sở Du lịch ở các địa phương. Cần có những văn bản pháp lý cho Áo dài từ các cơ quan quản lý nhà nước về biểu tượng văn hóa như: Công nhận Áo dài là trang phục đại diện của Việt Nam; Áo dài là Lễ phục Nhà nước; Vinh danh nghề may Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cũng như tiến tới đề xuất UNESCO ghi danh trang phục Áo dài Việt Nam là di sản văn hóa của nhân loại; và trước tiên, nên chăng Bộ VHTTDL sớm xây dựng Áo dài là thương hiệu quốc gia. Các căn cứ mang tính pháp lý đó sẽ làm nền tảng cho việc phục hưng Áo dài truyền thống, cũng như tạo đà cho ngành thời trang Áo dài Việt Nam phát triển. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, các hoạt động bảo tồn và phát triển cũng như quảng bá Hanbok của Chính phủ nước này đã biến trang phục này của người Hàn Quốc đã trở thành sức mạnh mềm trong việc thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc phát triển, tạo dựng hình ảnh đất nước và con người Hàn Quốc hiện đại nhưng giàu bản sắc văn hóa.

Hiện nay, trước thực trạng may, mặc Áo dài lai căng, xa rời thẩm mỹ và bản sắc văn hóa Việt Nam thì việc bảo tồn và phát huy giá trị Áo ngũ thân/Áo dài truyền thống là điều vô cùng cần thiết. Phục hồi Áo ngũ thân sẽ là bệ đỡ vững chắc để các nhà thiết kế sáng tạo, bồi đắp thêm giá trị cho Áo dài. Phát huy giá trị Áo dài ngũ thân không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn tạo động lực bảo tồn và làm tăng giá trị các ngành thủ công truyền thống liên quan tới Áo dài. Hiện nay, phần lớn nguyên phụ liệu liên quan tới Áo dài đều được nhập khẩu từ nước ngoài, điều này dẫn đến lãng phí nguồn nhân công trong nước, mai một nghề thủ công. Phục hồi trang phục Áo ngũ thân là phục hồi nghề thủ công truyền thống giúp tạo việc làm cho nhiều người đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ, giữ được bí kíp trong sản xuất, khai thác được nguyên liệu trong nước. Không những vậy, còn tạo nguồn thu nhập lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch và xuất khẩu, đáp ứng được nhu cầu trong nước, nâng cao giá trị văn hóa cho thương hiệu Áo dài Việt Nam. 

 

Ths NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Trưởng ban Văn hóa Nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

------------------------------

*Tham luận tại Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)

 

 

 

 

;