Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc 2023: Thành công và trăn trở

Cuộc thi “Tài năng Múa toàn quốc 2023” diễn ra từ ngày 21/8/2023 đến ngày 24/8/2023 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ - số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội đã thu hút được nhiều người trong nghề và khán giả đến xem. Ban Tổ chức đã trao 5 giải Nhất, 17 giải Nhì cho các thí sinh có tiết mục xuất sắc. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cũng đã trao 12 giải Nghệ sĩ triển vọng cho các thí sinh dự thi năm nay.

Ban Tổ chức trao giải Nhất cho các thí sinh có phần biểu diễn xuất sắc

Phát biểu tại Lễ Bế mạc và trao giải của 3 cuộc thi tối ngày 26/8/2023, PGS,TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhận định: “Trải qua 6 ngày đêm biểu diễn tranh tài, các nghệ sĩ, diễn viên đã mang đến cho khán giả Thủ đô nói riêng, khán giả các nước nói chung nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu, hàm chứa trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại từ những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Đây là những cuộc thi rất quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của mỗi loại hình nghệ thuật... Các tác phẩm khắc họa sâu sắc về đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán và sự tinh tế trong văn hóa nghệ thuật. Đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ, diễn viên tài năng đạt trình độ cao về kỹ thuật biểu diễn và kỹ năng diễn xuất. Nhiều tiết mục đã có sự tìm tòi các phương thức thể hiện mới đã đạt được vẻ đẹp, tính kỹ thuật của tiết mục, đảm bảo đúng phong cách, giữ được hồn cốt của loại hình nghệ thuật mà thí sinh dự thi”.

Sức cuốn hút của cuộc thi 

Trải qua gần ba mươi năm kể từ lần đầu tiên tổ chức đến nay, Cuộc thi Tài năng biểu diễn nghệ thuật Múa vẫn giữ nguyên sức hút đặc biệt, là nơi khơi nguồn đam mê, thúc đẩy tâm huyết, phát triển tài năng đối với các nghệ sĩ múa nhiều thế hệ. 

Tham gia Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc năm nay có 58 thí sính đến từ 26 đơn vị nghệ thuật trên cả nước tham dự, mỗi thí sinh đều có những cảm xúc, trải nghiệm thú vị khi đến với cuộc thi này. 

Diễn viên Nguyễn Thị Thùy Trang (Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng) chia sẻ cảm xúc lần đầu tham gia cuộc thi: “Em rất hồi hộp và có nhiều trải nghiệm thú vị khi tham gia dự thi. Tại đây, em đã gặp và làm quen được nhiều bạn bè và anh chị tài năng trong nghề cùng đi thi, được mở mang tầm mắt khi thấy nhiều tác phẩm đẹp của các biên đạo lớn. Sau cuộc thi này em đã nhận được nhiều lời khuyên từ các thầy cô, các anh chị biên đạo và cũng biết được bản thân mình cần phát huy những điểm gì và cần tiết chế những gì. Chắc chắn em sẽ quay lại cuộc thi với nguồn năng lượng mà em đang có và bản thân sẽ rút kinh nghiệm để hoàn thành ngày một tốt hơn”. 

Thí sinh Vũ Thị Huệ với tác phẩm Chòng chành (Biên đạo: Trần Ly Ly) - giải Nhì

Biên đạo Hải Trường - một tác giả biên đạo, dàn dựng khá nhiều tác phẩm cho các thí sinh dự thi và là một người chịu trách nhiệm về chuyên môn của 2 đơn vị nghệ thuật ngoài công lập (Công ty TNHH phát triển sáng tạo nghệ thuật HT Media Hà Nội và Công ty CP dịch vụ biểu diễn và sự kiện Đông Đô Hà Nội) có số lượng thí sinh dự thi đông nhất trong Cuộc thi năm nay thẳng thắn bộc bạch: "Chúng em rất muốn mang đến cho cuộc thi và ngành Múa nhiều tài năng mới, trẻ tuổi và đam mê, nhiệt huyết với nghề, từ đó kích thích các bạn trẻ mạnh dạn và phấn đấu hơn để trao dồi, để phát triển tài năng nhiều hơn nữa. 

Điểm nổi bật của cuộc thi năm nay là số lượng thí sinh hoạt động ở các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, ngoài công lập tham gia chiếm số đông, chứng tỏ tính hấp dẫn, thu hút của cuộc thi là vô cùng lớn. 

Có thể nói, so với kỳ thi trước, mặt bằng năng lực của thí sinh dự thi năm nay khá đồng đều, không có sự chênh lệch lớn giữa các đơn vị nghệ thuật công lập và các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập; ranh giới trình độ của các thí sinh ở trung ương và địa phương gần như đã được xoá nhoà. 

Nguyễn Thị Hoàng Yến (Trường Đại học VHNT Quân đội) với hai tác phẩm Nam Phương mấu tế Đào liễu đã đoạt giải Nhất ở bảng C dòng Dân gian. Ảnh: Thanh Hà

Bảng múa Ballet vẫn là nơi tập trung thí sinh ở các đơn vị nghệ thuật đầu đàn như: Học viện Múa Việt Nam, Trường Trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học VHNT Quân đội. Dõi theo cuộc thi sẽ không ít khán giả và đồng nghiệp nhận thấy sự phối hợp nhuần nhuyễn, ngọt ngào, sắc nét của thí sinh Lê Tuấn Anh và Trần Bảo Ngọc trong Pas D’Esclave; Trần Gia Huy và Vũ Khánh Băng trong Tarantella; La Mẫn Nhi với những tạo hình đẹp, mượt mà, bay bổng, đậm chất thơ trong trích đoạn Duo của vở CaravaggioDying Swan…

Năm nay, các thí sinh dự thi ở bảng múa Đương đại chiếm số lượng áp đảo so với bảng múa Ballet và Dân tộc. Bảng thi này quy tụ số đông nhóm thí sinh hoạt động ở các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập như: Công ty Nguyễn Lê Victoria, Công ty TNHH phát triển sáng tạo nghệ thuật HT Media Hà Nội, Công ty CP dịch vụ biểu diễn và sự kiện Đông Đô Hà Nội, Cty CP giải trí La Muse, Công ty TNHH Moti Art, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh…Các thí sinh bảng này thể hiện trình độ ngang sức, ngang tài khiến Hội đồng Giám khảo không khỏi “cân não” khi cầm cân, nảy mực. Đây cũng là bảng múa xuất hiện nhiều thí sinh tự biên, tự diễn nhất như: Phạm Minh Tuấn với hai tác phẩm tự biên là Chạm, Đời gánh; Quàng Văn Việt với Về nhà, Dạ điểu; Giáp Văn Nghĩa và Lê Gia Quang Huy với tác phẩm Sit on that position (Yên vị), Can’t get out (Không lối thoát)Get over it (Vượt khó); Nguyễn Trần Phương với tác phẩm tự biên Nguệch; Bùi Thanh Ngân với The journey (Một hành trình)…

Nguyễn Thị Hoàng Yến (Trường Đại học VHNT Quân đội) với hai tác phẩm Nam Phương mấu tế Đào liễu đã đoạt giải Nhất ở bảng C dòng Dân gian. Ảnh: Thanh Hà

Trong bảng múa Dân gian, các thí sinh lựa chọn bài thi khá đa dạng về đề tài và thể loại, từ múa Dân gian, múa Dân tộc, Dân gian - Dân tộc đương đại đến múa truyền thống. Một số em không ngần ngại phô diễn tài nghệ ở nhóm tác phẩm kinh điển đã được khẳng định qua thời gian, như thí sinh Nguyễn Trang Linh với múa Cánh chim và ánh sáng mặt trời (Biên đạo: NSND Thái Ly); Dương Hà Anh với Nguyệt cô hóa cáo (Biên đạo: NSND Văn Quang), Hóa vàng (Biên đạo: NSƯT Trần Ly Ly); Vũ Thị Huệ với Nữ tướng Đào Tam Xuân (Biên đạo: Tuyết Minh). Bảng múa này cũng có khá nhiều thí sinh bộc lộ tốt kỹ năng biểu diễn ở nhóm tác phẩm mới được sáng tác như: Vũ Thị Huệ với tác phẩm Chòng chành (Biên đạo: NSƯT Trần Ly Ly); Lừ Văn Quang, Đặng Sinh Quân với tác phẩm Nậu Surua (Hải Trường); Lương Thị Hà Nhi với tác phẩm Bóng núi (Hải Trường - Thuý Hiền)…

Có thể nói, để có được những giây phút thăng hoa, rực sáng của các thí sinh; để có được Cuộc thi chu toàn, thành công như vậy thì ngoài sự nỗ lực của bản thân, ngoài tinh thần, ý chí vượt lên những trở ngại về tài chính, về khoảng cách địa lý, các em còn nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt thành từ phía Ban Tổ chức (Bộ VHTTDL - Cục Nghệ thuật Biểu diễn; Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; Sở VHTT TP Hà Nội) và các đơn vị phối hợp cả về nhân lực, vật lực và tạo điều kiện tối ưu nhất. Tất cả phương tiện về âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật, kỹ thuật hậu đài đều được Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam hỗ trợ một cách tận tình, chu đáo. Trước buổi diễn thi, các em được hướng dẫn khớp sân khấu, âm thanh, ánh sáng và tổng duyệt khá kỹ càng, khoa học. Ngoài ra còn phải kể đến sự tận tâm, đầy trách nhiệm của thầy cô giáo - huấn luyện viên đã không quản ngày đêm lo lắng, chỉ bảo, động viên, khích lệ các em. 

Vẫn còn những âu lo, trăn trở 

Mục đích của cuộc thi nhằm hướng tới tìm kiếm tài năng biểu diễn múa, nhưng theo dõi các tác phẩm được thí sinh lựa chọn để phô diễn tài năng trong năm nay chúng ta nhận thấy cuộc thi dường như đã vượt khỏi ranh giới của nó. Giới chuyên môn khá bất ngờ trước sự xuất hiện của một loạt tác phẩm mới được sáng tác của các biên đạo trẻ. Đây có thể coi là một tín hiệu vui cho công tác sáng tạo tác phẩm. 

Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu một tác phẩm múa duy trì được sức sống lâu bền trên sân khấu hay không ngoài việc phát huy, tôn vinh được ngôn ngữ, kỹ thuật múa một cách đắc dụng nhất thì điều kiện xuyên suốt làm nên giá trị nghệ thuật của tác phẩm chính là chiều sâu của bản sắc, tinh thần văn hóa dân tộc chứa đựng trong ngôn ngữ, kỹ thuật biểu đạt tác phẩm ấy. 

Một trong những vấn đề mà các nhà chuyên môn lo lắng, trăn trở ở bảng múa Dân gian tại Cuộc thi năm nay đó là không ít những tác phẩm Dân gian, Dân tộc của các biên đạo trẻ hiện nay dường như mới chỉ biểu hiện được vỏ bọc, hình thức bên ngoài của dân tộc bằng những công cụ phụ trợ như đạo cụ, trang phục, kỹ xảo công nghệ mà thiếu tư duy chiều sâu về văn hóa dân tộc. Chính thế mà rất nhiều tác phẩm múa Dân gian, Dân tộc trong cuộc thi khiến người xem không hiểu nổi tác giả muốn gửi gắm điều gì, muốn biểu hiện nét văn hóa của dân tộc nào. Mặc dù Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức cuộc thi đã dự đoán được xu hướng sáng tạo múa Dân gian, Dân tộc hiện nay nên khi ban hành Quy chế cho bảng múa Dân gian đã khá cởi mở trong việc quy định về cách thức xây dựng tác phẩm. Tác giả có thể thoải mái trong việc lựa chọn ngôn ngữ, hình thức biểu hiện, có thể sử dụng ngôn ngữ múa Ballet, ngôn ngữ đương đại, ngôn ngữ dân tộc hoặc ngôn ngữ múa truyền thống để áp dụng vào việc tạo dựng tác phẩm. Thế nhưng dường như chính sự cởi mở đó đã khiến không ít biên đạo nhận thức sai lệch về phương hướng dàn dựng tác phẩm dẫn tới việc nhầm lẫn giữa tác phẩm múa Dân gian, Dân tộc đương đại với tác phẩm múa Đương đại. Ở đây không phải là việc áp dụng ngôn ngữ múa Hiện đại, Đương đại hay Ballet vào việc xây dựng tác phẩm múa Dân gian, Dân tộc mà điều cốt lõi là tác phẩm ấy phải gạn lọc ra được cái “chất”, cái “hồn” của bản sắc, văn hoá dân tộc. Đó mới là điều mà các nhà chuyên môn mong mỏi, hướng tới. 

Có thể nói, nhìn vào danh sách các tác phẩm do các thí sinh dự thi lựa chọn trong cuộc thi năm nay chúng ta đều nhận thấy có một sự dịch chuyển và thay đổi rất nhiều về “gu” biểu diễn và sáng tạo tác phẩm múa so với các mùa thi trước đây.

Tiết mục Con của đại ngàn của thí sinh Nguyễn Thị Thùy Trang (Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng). Ảnh: Thanh Hà

Chúng ta bắt gặp ở kỳ thi lần này sự ra quân vô cùng sôi động của các biên đạo trẻ trong dòng tác phẩm múa Đương đại. Đây không phải là điều bất ngờ, nó là xu hướng phát triển bình thường của xã hội và môi trường nghệ thuật hiện nay. Tuy nhiên, nhiều thì thật nhiều, nhưng dường như định hướng về ý tưởng, phương cách sáng tạo, dàn dựng tác phẩm đang vấp phải bệnh hình thức, các biên đạo đang mải mê khai thác tính biểu diễn, phô diễn vẻ bề ngoài mà thiếu sự đầu tư chiều sâu về tư duy sáng tạo. Điều này lý giải vì sao hơn hai chục tác phẩm Đương đại xuất hiện trong cuộc thi cứ na ná giống nhau, khiến người xem không thể định hình nổi mình đã xem tác phẩm nào. Rồi chuyện đặt tên tác phẩm múa đương đại theo kiểu “sính ngoại”. Mấy chục tác phẩm với những cái tên kiểu như Whisp, Loop, Follow, Should life be busy, Self - Ham,… khiến khán giả chưa kịp xem múa đã phải vận công thính giác mà chẳng thể nào nhớ nổi tên tác phẩm. Chẳng hiểu vì ngôn ngữ tiếng Việt không đủ sức lột tả ý đồ tác phẩm hay chỉ vì nó là múa đương đại nên phải đặt tên cho nó “Tây” chăng?!

Cùng bày tỏ quan ngại, lo lắng về vấn đề dàn dựng, sáng tạo tác phẩm, NSND Hà Thế Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi cho hay: "Sau cuộc thi này nảy sinh khá nhiều bất cập, đặc biệt là ở thể loại múa Dân gian - Dân tộc và múa Đương đại, cần thiết phải có những định hướng cho chuẩn xác; việc xác định tiêu chí đánh giá, thẩm định tác phẩm dân gian dân tộc và tác phẩm đương đại cũng rất cấp thiết". 

Vâng, có lẽ vậy, cuộc thi nào rồi cũng sẽ nảy sinh những vấn đề hạn chế cần khắc phục, rút kinh nghiệm nhưng phải khẳng định rằng Cuộc thi “Tài năng múa toàn quốc 2023” đã thành công rực rỡ.

THANH HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;