Nhìn lại 20 năm giải thưởng Cánh diều

Khởi trao từ năm 2003, Cánh Diều là một giải thưỞng thường niên uy tín nhằm tôn vinh các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, công trình nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh và các tác giả, nghệ sĩ, người làm phim xuất sắc hàng năm. 20 năm qua, giải thưởng đã vinh danh 107 tác phẩm tiêu biểu, 297 cá nhân xuất sắc là các tác giả, nghệ sĩ, người làm phim và 29 nhà điện ảnh gạo cội.

Bức tường danh vọng dài hơn 20m vinh danh 433 nghệ sĩ và các bộ phim đoạt giải Cánh diều

Trong 20 năm giải thưởng, 18 năm đầu Cánh diều được tổ chức luân phiên giữa Hà Nội và TP. HCM - hai thành phố lớn với nhiều hoạt động điện ảnh sôi nổi. Hai năm trở lại đây 2022 và 2023 sự kiện được tổ chức tại Nha Trang đem tới một hình ảnh mới cho Lễ trao giải Cánh diều.

Ngoài việc thẩm định, đánh giá và trao giải các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, công trình nghiên cứu lý luận - phê bình điện ảnh dự thi, trong khuôn khổ Tuần lễ giải thưởng Cánh diều còn có khá nhiều hoạt động ý nghĩa như các toạ đàm, hội thảo, chiếu phim, giao lưu giữa các nghệ sĩ, đoàn phim và khán giả…

Được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 13/3/2003 với tên gọi giải thưởng Cánh diều, Lễ trao giải được tổ chức vào dịp kỷ niệm 50 ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Có tất cả 38 giải thưởng trao cho các tác phẩm và công trình nghiên cứu - lý luận - phê bình xuất sắc trong năm 2002, trong đó có 4 giải Cánh diều vàng, 15 giải Cánh diều bạc và 19 giải khuyến khích. Khác với giải thưởng cũ của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải Cánh diều có thêm các hạng mục dành cho cá nhân. 

Các nghệ sĩ được vinh danh tại Lễ trao giải Cánh diều

Một năm sau tại Lễ trao giải 2004, Cánh diều có thêm Cánh diều đặc biệt do lần đầu tiên có một bộ phim tham dự có yếu tố liên kết sản xuất với nước ngoài. Đó là phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông. Đây là giải chưa được kiện toàn trong hệ thống của giải Cánh diều trước đó và chỉ phát sinh khi chấm giải. Cũng năm này, Hội Điện ảnh Việt Nam công bố sáng lập thêm Cuộc thi phim ngắn toàn quốc - tiền đề cho Giải thưởng phim ngắn nằm trong khuôn khổ giải Cánh diều các năm sau.

Năm 2005, với việc không tìm được phim nào xuất sắc để trao Cánh diều vàng đã làm dấy lên những tranh luận về việc nên có giải Cánh diều vàng cho từng năm. Trong lịch sử 20 năm của mình, Cánh diều cũng đã có vài lần không tìm được phim xuất sắc để trao giải vàng. Ngoài sự tiếc nuối cũng cho thấy sự nghiêm túc cũng như chất lượng của một giải thưởng.

Cũng trong lễ trao giải cánh diều 2005, có thêm giải Phim hợp tác với nước ngoài hay nhất dành cho phim Mùa len trâu của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Đồng thời, ở mùa giải này, giải thưởng Cánh diều kiện toàn thêm nhiều giải cá nhân vinh danh các nghệ sĩ ở các hạng mục phim khác ngoài phim truyện.

Nghệ sĩ trên thảm đỏ Cánh diều

Năm 2006, đứng trước sự quan tâm lớn của báo chí dành cho giải thưởng Cánh diều, Ban tổ chức quyết định lập thêm giải thưởng Phim xuất sắc nhất do báo chí bình chọn. Phim Sống trong sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là phim đầu tiên giành giải thưởng này. Cánh diều vàng năm đó được trao cho bộ phim Chuyện của Pao cho thấy sự khác biệt giữa các giải khác nhau. Bên cạnh đó, Cánh diều tiếp tục kiện toàn thêm các giải thưởng khi ngoài đạo diễn xuất sắc nhất hạng mục phim truyện điện ảnh thì các hạng mục dự thi khác, vị trí đạo diễn cũng được tôn vinh.

Năm 2007 có đến 2 phim cùng nhận được Cánh diều vàng là Hà Nội, Hà NộiÁo lụa Hà Đông. Đáng chú ý là bộ phim Hà Nội, Hà Nội cũng là tác phẩm hợp tác với Hãng phim Vân Nam - Trung Quốc giống với trường hợp Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông từng đoạt giải trước đó. Đây chính là sự thay đổi, kiện toàn của giải Cánh diều thích ứng với thực tế sản xuất phim. Năm đó, Can Đình Đình đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất và cũng là diễn viên nước ngoài đầu tiên cũng như duy nhất tới giờ nhận được danh hiệu này ở giải Cánh diều. Một điểm mới đáng chú ý ở Cánh diều 2007 là có thêm giải thưởng Phim có số lượng khán giả mua vé nhiều nhất dành cho phim Lọ lem hè phố của đạo diễn Lê Hoàng.

Êkip phim Tro tàn rực rỡ với giải Cánh diều vàng cho phim

Năm 2008: Lần đầu tiên Cánh diều được tổ chức tại TP. HCM và điểm mới của Cánh diều năm 2008 là bắt đầu có mục vinh danh những nghệ sĩ gạo cội có đóng góp cho điện ảnh nước nhà. Và ở lần đầu tiên này, NSND Trà Giang là người được vinh danh.

Năm 2010, bộ phim Đừng đốt của NSND Đặng Nhật Minh giành được Cánh diều vàng. Mặc dù là một tên tuổi lớn và có rất nhiều các bộ phim nổi tiếng, được xem là những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt nhưng với giải thưởng Cánh diều thì đây là lần đầu tiên đạo diễn Đặng Nhật Minh được vinh danh. 

Một điểm mới của Cánh diều năm 2010 là ngoài giải Nam - Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho thể loại Phim truyện nhựa thì Cánh diều 2010 đã trao thêm giải này cho thể loại Phim truyện video và Phim truyền hình dài tập. Đồng thời, có thêm giải Diễn viên triển vọng cho thể loại phim truyện nhựa.

Đây cũng là lần đầu giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam có bài hát riêng của mình. Đó là ca khúc Cánh diều khát vọng được sáng tác bởi nhạc sĩ Đức Trịnh.

Cánh diều vàng cho phim Đêm tối rực rỡ của đạo diễn Aaron Toronto

Năm 2012 đánh dấu dòng phim giải trí được đánh giá cao khi ngoài bộ phim nhà nước sản xuất là Mùi cỏ cháy của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười được trao Cánh diều Vàng thì rất nhiều phim giải trí được vinh danh như như Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, Long Ruồi, Saigon Yo!, Lệ phí tình yêu… Điều này cho thấy sự gần gũi của giải Cánh diều với thị trường phim đang thay đổi cũng như chất lượng của dòng phim giải trí đang dần được nâng cao.

Nếu năm 2012, dòng phim giải trí được đánh giá cao thì năm 2018 giải Cánh diều chấp nhận cho phim remake dự thi. Cũng tại giải này có tới 4 trên tổng số 13 phim tham dự tranh giải là phim remark (Việt hóa). Đó là các phim Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi đừng sợ!Ngày mai Mai cưới. Nó thể hiện sự cập nhật của giải thưởng với xu thế chung của nền điện ảnh lúc đó. Tuy nhiên, giải chỉ dành cho các cá nhân, chứ không phải bộ phim. 

Sau nhiều lần được tổ chức tại Hà Nội và TP. HCM, năm 2022, giải Cánh diều lần đầu tiên được “bay” tại Nha Trang, Khánh Hòa. Sự thay đổi này đã tạo ra sự hứng khởi cho các nghệ sĩ điện ảnh, trở thành điểm nhấn thú vị trong lịch sử giải thưởng Cánh diều vàng, đánh dấu sự đổi mới trong khâu tổ chức giải. Lên ngôi cao nhất tại giải thưởng Cánh diều vàng năm 2022 là bộ phim Đêm tối rực rỡ của đạo diễn Aaron Toronto.

Quỳnh Kool với giải Nữ diễn viên truyền hình xuất sắc nhất

Năm 2023, giải Cánh diều có thêm sự tham dự của ngôi sao quốc tế đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ... Đây cũng là lần đầu tiên BTC thực hiện một số chương trình “Đối thoại mở” (talkshow/podcast) trên nền tảng mạng xã hội về Giải thưởng Cánh diều 2023 với sự tham gia của các đoàn làm phim.

Cánh diều năm 2023 còn tạo ra sân chơi thú vị, nơi khán giả trở thành những vị giám khảo đặc biệt, công tâm, lựa chọn ra những tác phẩm hay, được sản xuất trong năm 2022 với giải Phim truyện điện ảnh yêu thích.

Với mục đích tổng kết 20 năm Giải thưởng Cánh diều (2002 - 2022), vinh danh người làm phim và tác phẩm giành Giải thưởng Cánh diều vàng và các nghệ sĩ lão thành có cống hiến đặc biệt xuất sắc cho nền điện ảnh dân tộc, lần đầu tiên có một giải thưởng điện ảnh ở Việt Nam tổ chức Con đường danh vọng gắn tên các nghệ sĩ và các bộ phim.

Nghệ sĩ ký tặng người hâm mộ

Nhìn lại 20 năm giải Cánh diều, đây có lẽ là một trong những giải nghề nghiệp luôn có sự cập nhật và tôn vinh xứng đáng với những đóng góp, cống hiến của các nghệ sĩ và các bộ phim. Cùng với các giải thưởng Bông sen Vàng, các giải tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan Phim quốc tế Đà Nẵng… việc được vinh danh tại một giải thưởng của Hội nghề nghiệp luôn là mơ ước và niềm tự hào của các nghệ sĩ, các hãng sản xuất.

TRẦN THUỶ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023

;