Phim đặt hàng: Cú hích cho điện ảnh

Trong chiến lược phát triển nhằm đưa điện ảnh thành một trong những ngành nghệ thuật mũi nhọn có tính đến tỷ lệ phim đặt hàng của Nhà nước như một trong những điểm nhấn nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên đặt hàng như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu vẫn là câu hỏi khiến các cấp ngành trăn trở.

Phim Bình minh đỏ

Phấn đấu mỗi năm có khoảng 15 phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng là một trong những mục tiêu phát triển văn hóa mà Chính phủ đề ra tương đương với khoảng 30% phim sản xuất (nếu tính mỗi năm sản xuất 45 - 50 phim), đã làm nức lòng giới làm phim. Cụ thể tại Quyết định số 515 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2023 phê duyệt chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025, ở phần nhiệm vụ và giải pháp, điều 6 đặt ra yêu cầu “Phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng”.

Liên quan đến điện ảnh, điều 6 quy định ở mục c: “Phấn đấu sản xuất trong một năm: khoảng 45 tác phẩm phim truyện điện ảnh; 90 tác phẩm phim tài liệu - khoa học và 40 tác phẩm phim hoạt hình (trong đó có khoảng 30% số phim được đặt hàng từ ngân sách nhà nước)”. Tại mục d của điều 6 đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh việc phát hành, phổ biến, quảng bá, xuất khẩu phim, tác phẩm nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật tiêu biểu của Việt Nam ra quốc tế; phổ biến phim phục vụ đồng bào dân tộc, đồng bào sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn, tại xã đảo, huyện đảo; chiếu phim VN tại rạp”.  Dựa theo nội dung này,  có thể thấy mục tiêu kép là phát triển về văn hóa trong đó vừa yêu cầu về số lượng, vừa yêu cầu về chất lượng của các bộ phim.

Trong 3 loại phim mà Quyết định 515 nêu, phim điện ảnh nhà nước đặt hàng hiện có số lượng ít nhất. Các phim tài liệu - khoa học và hoạt hình (do đặc thù thể loại và đối tượng hướng đến) vẫn được đặt hàng qua các năm. Phim hoạt hình làm cho thiếu nhi, phim tài liệu cho nhiệm vụ chính trị cụ thể. Hai đơn vị sản xuất phim là hoạt hình  và phim tài liệu vẫn được đặt khoảng 13 - 17 phim/năm. Chỉ có phim truyện là  đứt quãng. 

Phim Đào, phở và piano

Căn cứ theo con số thực tế,  số lượng phim hoạt hình do nhà nước đặt hàng hiện có thể “cán đích” mục tiêu 30% phim, phim tài liệu - khoa học  còn thiếu nhiều so với mục tiêu (chỉ đạt 17 so với mục tiêu 27 phim) trong khi quy định là khoảng 90 tác phẩm phim tài liệu - khoa học.

So với phim hoạt hình và tài liệu, khoa học, phim truyện điện ảnh từng đạt tới con số hơn 40 đầu phim vào năm 2019 (trước khi có dịch COVID-19). Tuy nhiên, những phim truyện đó kinh phí do tư nhân đầu tư. Vì thế con số đặt ra 30% phim truyện được làm từ ngân sách nhà nước là một chỉ tiêu khiến  các nghệ sĩ hy vọng.

Mở rộng đối tượng đặt hàng 

Để hướng đến con số mục tiêu, theo đại diện Cục điện ảnh ngoài các đơn vị hãng phim Nhà nước, Cục đã mời các đơn vị sản xuất tư nhân. “Cục cũng có văn bản gửi tới các đơn vị cùng tham gia gửi kịch bản về để lựa chọn phim. Năm nay Cục nhận được 16 kịch bản phim của các đơn vị tư nhân gửi về để Nhà nước xem xét đặt hàng”, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết.

Phim Nơi ta không thuộc về

Với tình hình hiện tại không phân biệt kịch bản tư nhân - nhà nước, miễn là kịch bản tốt, nội dung chính trị tốt là đặt hàng. Các kịch bản phim cho thiếu nhi cũng sẽ nằm trong diện ưu tiên của Cục Điện ảnh khi duyệt đặt hàng sản xuất phim.

Nhìn vào danh sách 30 phim có doanh thu cao nhất của điện ảnh Việt Nam (từ đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam), chỉ có phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Nhà nước đầu tư. Đây cũng là bộ phim truyện đầu tiên của mô hình Nhà nước và tư nhân bắt tay sản xuất. Cụ thể, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) là chủ đầu tư, đã hợp tác với Galaxy Media & Entertainment, Saigon Concert, Hãng Phim Phương Nam để làm phim. Tác phẩm điện ảnh này được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh về đề tài trẻ em nên phù hợp với tiêu chí được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ. Khi công chiếu năm 2015, tác phẩm đã trở thành hiện tượng phòng vé, với doanh thu lên đến gần 80 tỷ đồng - con số đáng mơ ước với bất kỳ bộ phim nào lúc bấy giờ.

Ngoài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, các phim khác như Truyền thuyết về Quán Tiên về đề tài chiến tranh cách mạng và Thạch thảo về chủ đề học đường được Nhà nước đầu tư 70% kinh phí sản xuất, khi ra rạp chỉ đạt doanh thu thấp…

 Các phim khác gần đây được làm từ vốn đầu tư của Nhà nước như Nơi ta không thuộc về (Điện ảnh Quân đội nhân dân), Bình minh đỏ (Hãng Phim Hội Điện ảnh Việt Nam) mới chỉ được chọn chiếu trong các Liên hoan phim, các dịp kỷ niệm, chưa chiếu rạp cạnh tranh. Trước đó,  phim do Nhà nước đặt hàng như Sống cùng lịch sử (Hãng Phim truyện Việt Nam), Mộ gió (Hãng Phim Nhã Phương), Hợp đồng bán mình (Hãng Phim Giải Phóng)… thưa vắng khán giả khi ra rạp.

 Phim Hợp đồng bán mình

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ đặt hàng một vài đơn vị từng thuộc Nhà nước làm phim sẽ rất hạn chế. Các cơ quan quản lý nên tổ chức thi rộng rãi, “đãi cát tìm vàng”, chọn kịch bản, người làm phim tốt để đặt hàng. Ngoài ra, cũng cần cởi mở trong tư duy đặt hàng phim, không chỉ về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, mà đầu tư cả những phim về vấn đề đang được xã hội quan tâm, vừa mang tính giải trí vừa bảo đảm tính dân tộc, nhân văn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay.

Tạo hành lang hỗ trợ hiệu quả 

Để phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn, các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ, đầu tư sản xuất phim rất quan trọng. Thực tế, chỉ có 2-3 phim truyện được Nhà nước đầu tư trong số khoảng 40 phim ra mắt mỗi năm. Kinh phí tối đa từ ngân sách nhà nước hiện là 20 tỷ đồng/phim truyện, trong khi các phim thị trường thường được đầu tư 50-60 tỷ đồng trở lên mới bảo đảm chất lượng. Do đó, để nâng cao chất lượng phim sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, cơ chế, chính sách đặt hàng cần thay đổi.

Phim Hồng Hà nữ sĩ

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết:  Cục đã tổ chức cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh” để tạo nguồn kịch bản cho Nhà nước và các đơn vị đầu tư sản xuất. Cùng với đó, nhằm tạo sự bình đẳng trong việc tham gia vào các dự án Nhà nước đặt hàng, Cục Điện ảnh đã có thư mời các đơn vị gửi kịch bản sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2025. Tuy nhiên, theo ông Vi Kiến Thành, vẫn còn nhiều rào cản để thu hút các đơn vị, nhân tài tham gia sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, như việc Nhà nước hay tư nhân là chủ sở hữu khi phim hoàn thành, các chính sách thuế, việc phân chia lợi nhuận…

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng: “Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia là không nhất thiết phải đầu tư kinh phí toàn bộ mà các cơ quan chức năng nên tính toán mục tiêu phát triển của từng mảng đề tài để đề xuất đầu tư, hỗ trợ với tỷ lệ phù hợp cho từng phim”.

Phim Phơi sáng

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết: Hiện nay, việc xây dựng chính sách triển khai Luật Điện ảnh rất quan trọng, trong đó có vấn đề hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động sản xuất, phổ biến, phát hành, quảng bá, đào tạo nhân lực điện ảnh. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xúc tiến, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp, góp phần xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Để chiến lược với các mục tiêu cụ thể về văn hóa (trong đó có điện ảnh) thực hiện được sẽ còn cần thêm thời gian, sự ủng hộ của các bên để biến các mục tiêu thành hiện thực.

HỮU BẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023

;