Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số: Nghề đan lát từ cây cọ - Nét đẹp văn hóa của người dân Định Hóa, Thái Nguyên

Là An toàn khu trong kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) được gọi là “Thủ đô kháng chiến” một thời. Đây từng là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo tiền bối cùng các cơ quan Trung ương. Ngày nay, Định Hóa đã được công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa nhưng vẫn giữ được rừng cọ đồi chè. Đặc biệt, những sản phẩm thủ công từ cây cọ không chỉ là bản sắc văn hóa đặc sắc của nơi đây mà còn giúp bà con các dân tộc có thêm thu nhập từ nghề truyền thống này.

Bà Nguyễn Thị Điện và chị Hoàng Thị Cảnh tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh: Phạm Tuấn Minh

“Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt" 

Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 50km. Địa hình huyện Định Hóa khá phức tạp và tương đối hiểm trở, ở dạng núi thấp, đồi cao. Xen giữa các dãy núi đá vôi và đồi, núi đất là những cánh đồng hẹp. Vùng núi cao bao gồm các xã ở phía Bắc huyện. Vùng núi thấp bao gồm thị trấn Chợ Chu và các xã ở phía Nam, có nhiều rừng già và những cánh đồng phì nhiêu, phong phú các loại lâm sản quý. Đặc biệt, vùng đất các xã phía nam có nhiều cây cọ, “rừng cọ - đồi chè” đã trở thành một biểu tượng của ATK Định Hóa.  

Từ bao đời, cây cọ đã gắn bó với vùng đất ATK Định Hóa. Cọ mọc thành rừng xanh phủ rợp những quả đồi, bên cạnh những đồi chè xanh mướt như những mâm xôi khổng lồ, cọ mọc bao quanh những ruộng lúa tạo nên cảnh quan kỳ thú đặc trưng của mảnh đất chiến khu xưa. Tự hào là cái nôi cách mạng, cây cọ như những chứng nhân lịch sử trong nhiều sự kiện trọng đại của vùng chiến khu. Khu Đồi Cọ Bản Bắc nguyên là Nhà khách của Trung ương Đảng. Nơi này từng đón cán bộ chỉ huy ở nhiều nơi lên Việt Bắc. Đồi Cọ Bản Bắc cũng chính là cái nôi nơi khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam. Xóm Đồng Lá 3, xã Điềm Mặc là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là nơi người dân còn giữ gìn được nhiều đồi cọ nhất với nhiều cây cọ sum xuê, cao tới vài chục thước. Nếu so về giá trị kinh tế, cây cọ có thể thua nhiều loài cây khác, nhưng với người dân bản địa nơi đây, cọ mang những giá trị tinh thần mà không loài cây nào thay thế được. Ở nơi đây, rừng cọ còn trở thành một biểu tượng của sự gắn bó, đùm bọc, chở che bền chặt đến thiêng liêng.   

 Cây cọ gắn liền với các di tích lịch sử trên mảnh đất ATK kháng chiến

 Vùng đất giàu truyền thống cách mạng này còn níu bước chân người bởi những sản vật địa phương mang đậm nét dân dã của vùng rừng cọ, đồi chè. Bên cạnh các nghề phụ khác, nghề đan lát thủ công từ cây cọ đã trở thành nghề truyền thống của bà con các dân tộc huyện Định Hóa.

Lưu giữ hồn cốt làng nghề 

 Cọ là cây rừng bản địa ở Định Hóa, có sức sống mãnh liệt, cứ chặt cây già là mọc cây non. Nhiều sản phẩm từ cây cọ đã gắn bó với cuộc sống người miền núi như nón lá cọ, mành chiếu cọ, quạt cọ... Cây cọ có giá trị tương đối lớn về mặt kinh tế, tất cả các bộ phận từ cây cọ đều có thể tận dụng. Lá cọ để lợp mái nhà, làm nón, tước lấy gân lá để bán, đan quạt, cuống lá dùng để chẻ nan dệt mành, làm chổi bán. Thân cây cọ già có thể lát nhà thay gỗ, làm kèo, xà nhà rất bền, làm dui mè, làm đũa và các đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, xương lá cũng xuất khẩu. Đặc biệt, quả cọ có vị bùi, ngậy là món đặc sản địa phương nổi tiếng, cũng trở thành món quà hấp dẫn với du khách phương xa. 

Trong chuyến công tác tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), tôi gặp bà Nguyễn Thị Điện (63 tuổi) ở xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và chị Hoàng Thị Cảnh (46 tuổi) quê ở xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên hiện đang sinh sống tại Làng. Đều là người dân tộc Tày, từ nhỏ những người phụ nữ này đã được học cách đan lát các món đồ thủ công từ cây cọ. Bà Nguyễn Thị Điện cho biết, việc đan lát thường được làm lúc nông nhàn, đầu tiên là đan các món đồ để dùng trong gia đình. Tay nghề ngày càng khéo léo, những người phụ nữ trong bản bắt đầu đan để bán. Muốn có được chiếc quạt cọ bền và đẹp phải đan bằng búp cọ. Thu hoạch về chẻ và tước, để duỗi ra rồi mới đan. Kinh nghiệm truyền lại, để qua đêm sẽ dẻo, dễ đan hơn. Thường chỉ mất 25-30 phút, bàn tay khéo léo của những người phụ nữ này đan được một chiếc quạt cọ. Nếu tập trung đan thì mỗi ngày đan được 6 cái, bà Điện cho biết, giá một chiếc quạt nhỏ là 20 nghìn đồng, chiếc to 30 nghìn đồng. Những người phụ nữ ấy cần mẫn đan cọ, vừa để cải thiện kinh tế gia đình, vừa để giữ nghề truyền thống của cha ông truyền lại.

Nếu tập trung đan mỗi ngày sẽ được 5 chiếc quạt cọ - Ảnh: Phạm Tuấn Minh

Nghề thủ công dệt mành cọ cũng là nghề truyền thống ở Định Hóa, đặc biệt là Làng Bầng, xã Đồng Thịnh. Mành cọ Làng Bầng vốn nổi tiếng bền, màu sắc trang nhã và hoàn toàn được làm thủ công từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu thành phẩm. Nhờ bàn tay khéo léo và kỹ thuật điêu luyện, các nghệ nhân nơi đây đã tạo nên được sản phẩm mành cọ đặc biệt, vừa đẹp vừa bền mang thương hiệu riêng của Làng Bầng. Nghề làm mành cọ tạo ra công ăn việc làm cho nhiều gia đình ở địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bà Điện kể rằng xã Lam Vỹ quê bà không phải là làng dệt mành cọ có tiếng như Làng Bầng nhưng vẫn có nhiều người dệt mành cọ, trong đó có nhà bà. Để làm ra chiếc mành cọ, đầu tiên là khâu chặt cọ làm nan. Công đoạn này tốn khá nhiều công sức, bởi đa số cọ ở nơi đây được trồng trên đồi cao, muốn lấy được cọ phải vượt qua những con đường mòn, vừa dốc lại trơn trượt. Cứ vào độ cuối năm, người dân bắt đầu đi chặt cọ. Chọn những lá bánh tẻ cuống dài mới đạt yêu cầu về hình thức cũng như chất lượng, sau đó dùng dao sắc chặt dứt khoát từ trong ra ngoài, rồi róc gai, lột mỏng lấy phần cật, chọn ra những nan đẹp nhất đem về sơ chế. Trung bình mỗi cuống lá cọ thu được 9-12 nan và để dệt một chiếc mành chiếu cần khoảng 300 nan.

Sau khi chặt cọ, công đoạn tiếp theo là vót nan. Đây là khâu quan trọng nhất quyết định đến chất lượng sản phẩm và là công đoạn yêu cầu sự trau chuốt, tỉ mỉ. Bí quyết vót nan là phải dùng một con dao nhỏ thật sắc, chỉ cần ước lượng nhưng độ dầy nan nào cũng đều tăm tắp khoảng 2cm. Những nan cọ như vậy sẽ đảm bảo trong khi dệt không làm đứt chỉ, sản phẩm làm ra trơn nhẵn, mềm mại. Nan vót xong được phơi khô khoảng 3 - 4 nắng, nếu gặp dịp nắng hanh chỉ cần 2 nắng là nan đã khô.

Chị Hoàng Thị Cảnh - Ảnh Ngô Hồng Vân

Bà Điện bùi ngùi nhớ lại, khi xưa còn nghèo, thợ đan mành thường tự chế khung dệt từ những vật dụng cũ mà lại tạo nên những khung dệt mang nét độc đáo rất riêng. Từ những sợi dây xích xe đạp, gỗ, nan tre và những sợi thép buộc, những người thợ tạo nên khung dệt nhìn tưởng thô sơ nhưng lại rất hiệu quả. Một chiếc mành cọ đạt tiêu chuẩn phải có các nan mành đều, phẳng, kín với lớp vỏ bóng bên ngoài như lớp dầu quang tạo cảm giác nhẵn mịn khi ngả lưng, càng nằm nhiều càng bóng. Khâu chọn nguyên liệu càng làm kĩ lưỡng thì mành cọ càng đẹp và bền, không bị mốc, mối mọt.

Mặc dù sản phẩm làm ra tỉ mỉ và đẹp như vậy nhưng giá thành mành cọ lại rẻ hơn so với chiếu trúc, chiếu cói và một vài loại chiếu thông thường khác trên thị trường. Hầu hết bà con đều tự bán trên thị trường, chưa tìm được đơn vị, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, lớp trẻ không còn mặn mà với nghề đan lát từ cọ bởi thu nhập không cao. Đây cũng là lý do khiến các nghề thủ công truyền thống này không thể mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Điện - Ảnh: Ngô Hồng Vân

Ngày 24/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg. Theo đó, tổng diện tích lập quy hoạch là 197 ha, thuộc địa bàn các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Định Biên, Bảo Linh, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và các khu vực cảnh quan, di tích phụ cận có liên quan. Mục tiêu của Quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, góp phần hình thành điểm tham quan về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc. Cùng với việc phụ hồi và tôn tạo các di tích lịch sử, việc bảo tồn cảnh quan rừng cọ, đồi chè cũng được địa phương thực hiện. Qua đó phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo dựa trên tiềm năng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa sẵn có của khu vực. Cụ thể, bên cạnh việc đón khách tham quan di tích văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa thì đẩy mạnh việc sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương. Khuyến khích người dân địa phương tổ chức quản lý và khai thác theo hướng mỗi bản, mỗi điểm di tích một sản phẩm du lịch đặc trưng, kết hợp với việc tiêu thụ các sản vật tự nhiên do địa phương sản xuất, nuôi trồng.

Một chiếc quạt cọ đan khoảng 20 đến 30 phút - Ảnh: Phạm Tuấn Minh

Trong tiết trời heo may, bà Điện se sắt nhớ quê nhà, nhớ bát canh ngọn cọ, đĩa cá rô đồng kho lẫn quả cọ ăn với bát cơm từ gạo bao thai Định Hóa. Bà bùi ngùi, xa quê nhớ nhất những món ăn từ cọ, nhớ bị bùi béo của quả cọ, nhớ dưa cọ mặn mà, sâu cọ béo ngậy... Cây cọ vừa mang vẻ đẹp sinh thái vừa là nét riêng của ATK Định Hóa, vì thế ở nơi đây người dân ai cũng hiểu, cọ cần được bảo tồn. Bà Điện kể, ngày nay, mặc dù giá trị kinh tế mà cây cọ mang lại không cao bằng nhiều loại cây trồng khác nhưng người dân ở Định Hóa vẫn bảo nhau phải giữ lấy rừng cọ như là cách tri ân với các giá trị lịch sử từng tạo nên mảnh đất này. Việc trồng cọ và giữ gìn nghề truyền thống từ cây cọ cũng là để địa phương giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau. Huyện Định Hóa đang đẩy mạnh tuyên truyền, tìm giải pháp nhằm khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm biện pháp cải tiến cách làm và nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ máy móc sản xuất để bà con yên tâm gắn bó với nghề. Bà con mong muốn địa phương sớm có dự án hỗ trợ làng nghề dệt mành cọ để làng nghề truyền thống này được bảo tồn và phát triển.

DIÊN VỸ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023

;