Khám phá văn hóa nhà ở Hàn Quốc - Từ Hanok cổ kính đến chung cư hiện đại

Tại Hà Nội, trong hai ngày 17 và 18-7-2025, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam đã phối hợp cùng Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc tổ chức thành công buổi thuyết giảng chuyên sâu về chủ đề nhà ở trong xã hội Hàn Quốc. Buổi thuyết giảng do cựu nghiên cứu viên Ki Yang từ Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc trình bày, với mục tiêu tăng cường hiểu biết và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Các bạn trẻ tham quan các vật dụng sinh hoạt trong hộp “Sarangbang” và “Anbang”

Sự kiện văn hóa đặc biệt này thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là những người yêu mến văn hóa Hàn Quốc, các bạn sinh viên, học sinh và giảng viên. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Touring K-Arts”, được Bộ VHTTDL Hàn Quốc cùng Quỹ Giao lưu Văn hóa Quốc tế Hàn Quốc (KOFICE) tài trợ. Đây là cơ hội quý báu để công chúng Việt Nam khám phá sâu hơn về văn hóa nhà ở của người Hàn, đồng thời nhìn nhận rõ nét những điểm khác biệt và tương đồng giữa kiến trúc nhà truyền thống của hai quốc gia.

Buổi thuyết giảng tập trung làm rõ những đặc trưng của nhà Hanok - biểu tượng của kiến trúc truyền thống Hàn Quốc, cùng với các khái niệm gắn liền như phòng Sarangbang (phòng sinh hoạt của nam chủ nhà), phòng Anbang (dành riêng cho nữ chủ nhà), sân nhà Madang và những yếu tố phong thủy quan trọng. Người tham dự đã được giải đáp thắc mắc về cách người Hàn Quốc gìn giữ những giá trị cổ xưa trong không gian sống hiện đại.

Theo quan niệm truyền thống Hàn Quốc, ngôi nhà không chỉ là nơi sinh hoạt mà còn là biểu tượng của gia tộc và gia môn. Việc xây nhà được xem là một quá trình linh thiêng, nơi thần Seongju - vị thần tối cao cai quản việc xây dựng và bảo vệ ngôi nhà - được sinh ra. Mảnh đất xây nhà cũng ảnh hưởng lớn đến vận mệnh gia chủ, do đó việc lựa chọn địa thế lý tưởng với nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ, cảnh quan tươi đẹp và giao thông thuận tiện luôn được chú trọng. Những địa thế mang hình dáng độc đáo như “con bò nằm”, “hoa mai rụng” hay “gà vàng ấp trứng” được người Hàn Quốc coi là mang lại may mắn.

Ông Ki Yang đến từ Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc trình bày về nhà ở truyền thống và hiện đại Hàn Quốc

Ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc còn ẩn chứa nhiều biểu tượng chúc phúc ở mỗi góc nhỏ, từ những dây rơm thiêng, xương ngựa treo ở cổng chính cho đến những câu đối mang ý nghĩa “Thọ như sơn, Giàu như hải”. Bên cạnh đó, một số ngôi nhà ở Hàn Quốc còn có đường hiệu. Đây là tên gọi được đặt cho ngôi nhà hoặc một gian phòng, thể hiện phương châm sống, niềm tin của gia chủ. Đôi khi tên của gia chủ cũng được dùng làm tên nhà. Chẳng hạn như: Thư Bách Đường: Ngôi nhà tu dưỡng lòng nhẫn nại; Văn Thủy Đình: Ngôi nhà thể hiện ý khí không thay đổi dù đã về già; Hy Hiền Đường: Ngôi nhà thể hiện ước nguyện của người nho sĩ trở thành bậc hiền triết; Dung Ốc: Ngôi nhà thể hiện lối sống bình an, tránh xa đời sống thế tục...

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Hanok là sự kết hợp hài hòa giữa Ondol (hệ thống sưởi ấm dưới sàn) và Maru (sàn gỗ). Ondol, được làm từ đá và đất, giúp giữ ấm căn phòng hiệu quả trong mùa đông lạnh giá, trong khi Maru, làm từ gỗ và được thiết kế thông thoáng, mang lại sự mát mẻ trong mùa hè. Sự giao thoa giữa hai yếu tố này thể hiện trí tuệ và khả năng thích ứng của người Hàn Quốc với điều kiện khí hậu. Ảnh hưởng của Ondol và Maru vẫn hiện hữu trong đời sống hiện đại qua các tiện ích như ghế sưởi/làm mát trên phương tiện công cộng hay các trạm xe buýt.

Khác với nhà phương Tây với mỗi phòng một chức năng, nhà truyền thống Hàn Quốc thường có phòng đa chức năng, nơi một không gian có thể dùng để ăn, ngủ, tiếp khách và làm việc. Người Hàn Quốc thường ví ngôi nhà như “chiếc bát chứa đựng cuộc sống của người Hàn Quốc”, nơi con người chung sống với thần tổ tiên và các vị thần trong nhà, thực hành đạo lý Nho giáo và phản ánh rõ nét thế giới quan truyền thống.

Buổi thuyết giảng cũng giới thiệu “căn hộ kiểu Hàn” (apartment) - một hiện tượng xã hội của Hàn Quốc hiện đại. Chỉ trong chưa đầy một thế kỷ, căn hộ chung cư đã trở thành biểu tượng nhà ở của người Hàn, chiếm tỷ lệ đáng kể (64,6% vào năm 2023). Sự phát triển của các khu đô thị mới đã biến chung cư thành chìa khóa để khám phá lịch sử hiện đại, sự năng động và khả năng thích ứng của xã hội Hàn Quốc.

Người tham dự được tự tay lắp ghép mô hình nhà truyền thống Hanok

Người Hàn Quốc đã tài tình kết hợp nét đẹp truyền thống của nhà Hanok vào không gian sống chung cư hiện đại, tạo nên những căn hộ tiện nghi nhưng vẫn đậm đà bản sắc. Dù hình thức bên ngoài có khác biệt, những nguyên tắc và thói quen sinh hoạt từ Hanok vẫn được duy trì và biến đổi linh hoạt. Nổi bật nhất là việc giữ gìn lối sống ngồi sàn, với hệ thống Ondol (sưởi dưới sàn) được hiện đại hóa bằng điện hoặc nước nóng, mang lại sự ấm áp đặc trưng. Từ đó, văn hóa “chỗ ấm - chỗ mát” cùng khái niệm phòng đa chức năng vẫn được duy trì, giúp tối ưu hóa không gian sử dụng. Các căn hộ hiện đại cũng chú trọng ánh sáng tự nhiên và thông gió, đôi khi thông qua ban công lớn hay cửa sổ rộng, gợi nhớ sự gần gũi với thiên nhiên trong Hanok. Ngay cả yếu tố phong thủy và tâm linh, dù không còn các nghi lễ phức tạp, vẫn hiện hữu trong việc lựa chọn không gian sống “lành” và ý niệm về ngôi nhà là nơi gắn kết gia đình. Hơn nữa, nhiều thiết kế nội thất chung cư ngày nay còn đưa vào các họa tiết, vật liệu hoặc ý tưởng từ Hanok, cho thấy sự hòa quyện giữa cổ điển và hiện đại, minh chứng cho khả năng thích ứng và gìn giữ văn hóa độc đáo của người Hàn Quốc trong mọi không gian sống.

Sau buổi thuyết giảng, người tham dự có cơ hội được tham quan các vật dụng sinh hoạt trong hộp “Sarangbang” - không gian sinh hoạt của nam giới, hộp “Anbang” - không gian sinh hoạt của nữ giới và lắp ghép mô hình ngôi nhà mái ngói truyền thống Hàn Quốc.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;