Quản lý Lễ hội đền Bà Đào Nương xã Trung Nghĩa (Hưng Yên)

Đoàn rước kiệu trong Lễ hội đền bà Đào Nương năm 2023 - Ảnh: Hoài Nam

1. Tổng quan đền bà Đào Nương

Đền Mẫu hay đền Đào Nương là một trong 17 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của huyện Tiên Lữ xưa. Cách thành phố Hưng Yên khoảng 6km, đền Đào Nương thuộc xã Đào Đặng, tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu xưa, ngày nay nằm trên địa phận làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên. Dựa vào những tài liệu còn lưu giữ tại di tích, ngôi đền xưa được xây dựng vào năm 1433 với kiến trúc “nội công ngoại quốc” gồm 3 tòa 19 gian, được trang trí theo mẫu tứ linh, tứ quý. Năm 1952, thực dân Pháp đã phá bỏ hoàn toàn để xây dựng đồn bốt. Mãi sau này, nhân dân trong vùng mới khôi phục lại được trên nền móng cũ theo hình chữ “nhất”.

Theo người dân địa phương, trước đây ngôi đền còn nhiều hiện vật của bà Đào Nương, nhưng quân Pháp đã phá bỏ và cướp đi nhiều thứ quý giá. Hiện tại, trong đền còn lưu giữ được một số hiện vật gồm: khám thờ, ngai, bài vị, thần phả, chuông đồng, tượng... Đặc biệt, tại đền còn lưu giữ được bộ sưu tập hiện vật gắn liền với nghề ca hát của bà: hộp đồ trang sức, vòng tay, hoa tai và khuyên bạc, quạt ngà, lược ngà, trâm ngà và chén ngà cùng một số câu đối, đại tự cổ.

Đào Nương tên thật là Đào Thị Huệ, sống vào TK XV. Nàng ca nhi họ Đào nhan sắc xinh đẹp, hát hay, múa khéo, tài hoa dậy khắp nơi. Năm ả Đào 18 tuổi, nhà Minh mượn cớ “Phù Trần diệt Hồ” xâm lược nước ta, chúng đóng đồn trại ở tận thôn, xóm, vơ vét của cải, giết hại lương dân. Đàn ông bị bắt làm phu dịch, đàn bà bị bắt nô tì. Chúng kéo đến làng Đào Đặng, dân chúng chạy cả, nàng ca nhi họ Đào và mấy chị em chậm chân không chạy được đành chịu ở lại. Chúng bắt nàng phải múa hát, hầu hạ trong các dịp yến tiệc. Nhờ có tài nghệ xuất chúng các nàng làm cho chúng có phần vị nể, biến nhà ca thành nơi đi lại, nghỉ ngơi.

Nàng Đào Thị khéo chiều chuộng, làm cho chúng tin cẩn, không đề phòng gì nữa. Quân Minh cứ thế kéo đến biến nhà Đào Thị thành chỗ tập trung chè chén suốt đêm. Rượu say tiệc no, chúng lăn ra ngủ. Hồi bấy giờ, Hưng Yên còn là vùng sình lầy, lau sậy um tùm, ruồi muỗi nhiều vô kể. Quân giặc không quen phong thổ thường sinh bệnh tật và chết vì muỗi độc. Vừa sợ lạnh, vừa sợ muỗi đốt, chúng nảy ra “sáng kiến” làm những chiếc túi bằng bao tải gai, đêm đến là chui vào ngủ, buộc túi lại, sáng mới mở túi ra. Đào Thị nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi ra. Quen với việc, nàng đã nghĩ ra kế để giết giặc.

Nàng bí mật tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong làng, ước hẹn cứ đêm khuya giặc đã ngủ say, anh em đến khiêng từng túi vứt xuống sông. Khi vứt xuống sông lại buộc thêm đá, nút thắt chặt phía ngoài, dù chúng có tỉnh dậy cũng chết đuối, làm mồi cho cá. Cứ như thế, quân số của giặc ngày càng một hao hụt cho tới một hôm, tướng giặc thấy không rõ vì sao mà số lính tự nhiên hao hụt đi khá nhiều. Y nội ra lệnh kiểm điểm lại số quân. Y bắt tất cả quân lính đứng xếp hàng vào một thửa ruộng hình vuông, bốn bề có đắp tường cao, gọi là đong quân để biết thiếu đủ ra sao. Y giật mình thấy số quân vơi ít hẳn đi, mà không biết duyên cớ tại đâu, cuối cùng chúng tin rằng vùng đất này “động”, “nghịch”, “linh thiêng”... không thể ở được, chúng sợ hãi liền nhổ trại kéo đi. Dân làng Đào Đặng được trở về làm ăn sinh sống.

Khi nàng Đào mất, dân làng tưởng nhớ công lao to lớn đã lập đền thờ bà. Đất nước thanh bình, Vua Lê Thái Tổ phong làm “phúc thần” cho sửa lại nhà thờ và cấp ruộng cúng tế hằng năm. Ngôi đền thờ nàng Đào nay vẫn còn ở gần chợ làng Đào Đặng, trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nổi tiếng, niềm tự hào của nhân dân trong vùng.

Lễ hội đền bà Đào Nương là lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày 1 đến 4 tháng 2 (âm lịch) nhưng hội chính vào ngày mồng 2 tại thôn Đào Đặng. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến bà Đào Thị Huệ, người đã có công tổ chức nghĩa binh chống giặc nhà Minh vào TK XV.

Kiệu xoay trong Lễ hội đền bà Đào Nương năm 2023 - Ảnh: Hoài Nam

Lễ hội bao gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ, các nghi thức tế, lễ diễn ra trang nghiêm và thành kính. Trong phần nghi lễ, đoàn rước kiệu từ đền bà Đào Nương đến đình làng. Điểm thu hút sự chú ý nhất trong phần nghi lễ là đoàn rước kiệu từ đền Mẫu Đào Nương đến đình làng, chỉ có phái nữ tham gia rước kiệu. Trên đường rước kiệu từ đền Mẫu về đình làng, các đội khênh kiệu và hương án thi thoảng lại xoay kiệu hoặc khênh kiệu chạy đột ngột. Người dân nơi đây quan niệm rằng đó là do mẫu Đào Nương điều khiển. Khi kiệu bà Đào Nương được rước tới đình làng, với lòng thành kính của con cháu hướng về tổ tiên, các nghi thức lễ dâng hương chính thức diễn ra. Khi kiệu tới đình, người dân thực hiện nghi lễ dâng văn trong không khí trang nghiêm. Không chỉ là dân làng mà cả khách thập phương đều bị hấp dẫn bởi lễ hội đền bà Đào Nương. Phần hội được tổ chức với các trò chơi dân gian truyền thống như cờ tướng, kéo co, đi cầu kiều, chọi gà... đặc biệt là cuộc thi gói bánh tẻ (bánh răng bừa), thi sàng gạo. Việc tổ chức cuộc thi gói bánh tẻ, thi sàng gạo đã góp phần khơi dậy niềm tự hào của người dân nơi đây về một phong tục truyền thống của địa phương, đồng thời cũng ý thức cho lớp con cháu hôm nay phải bảo vệ, giữ gìn và phát huy những nghề truyền thống của cha ông từ ngàn xưa để lại.

2. Công tác quản lý lễ hội

Trưởng ban và Phó trưởng ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm tham mưu, xây dựng kịch bản và tổ chức lễ hội, quản lý điều hành các hoạt động diễn ra trong lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự, cứu hộ, an toàn, giám sát, quản lý nguồn thu công đức trong quá trình diễn ra lễ hội. Ban tổ chức còn có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra mọi hoạt động diễn ra trong hội, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Quản lý nội dung lễ hội là theo dõi các hoạt động thuộc về phần nghi lễ như thực hiện các nghi thức tế, lễ, rước, dâng hương, dâng lễ, cúng bái. Quản lý các hoạt động trong sinh hoạt của phần hội như tổ chức dưới các trò chơi dân gian truyền thống như cờ tướng, kéo co, đi cầu kiều, chọi gà... đặc biệt là cuộc thi gói bánh tẻ, thi sàng gạo. Quản lý lễ hội vừa đảm bảo được đặc trưng văn hóa tâm linh, vừa đảm bảo tính thiêng của các nghi lễ cổ truyền, giữ gìn được giá trị tốt đẹp của lễ hội, đồng thời tránh được những biểu hiện của mê tín dị đoan, dung tục hóa các sinh hoạt trong một không gian thiêng liêng diễn ra lễ hội... Bên cạnh đó, phải làm sao cho các hoạt động của lễ hội đáp ứng được nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân.

Đánh giá thực trạng công tác quản lý lễ hội đền bà Đào Nương

Điểm mạnh là trong những năm gần đây, công tác quản lý lễ hội đền bà Đào Nương cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội của Đảng và Nhà nước.

Lễ hội đền bà Đào Nương chuyển biến tích cực, khắc phục được nhiều hạn chế, tồn tại như mê tín dị đoan, cờ bạc... Lễ hội đã được xã hội hóa rộng rãi, huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân, nguồn tài trợ, cung tiến ngày càng tăng, nguồn thu qua công đức, lệ phí, dịch vụ phần lớn đã được sử dụng cho tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống.

Phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính. Chương trình tham gia phần hội phong phú hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của người dân theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, diễn xướng hát ca trù (ả đào) để giới thiệu những giá trị văn hóa của người dân xã Trung Nghĩa; gắn kết các hoạt động văn hóa với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh con người Hưng Yên mà mỹ tục truyền thống văn hóa lâu đời tốt đẹp, độc đáo của người dân nơi đây, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tâm thức hướng về nguồn cội của cộng đồng. Đồng thời, sinh hoạt lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, làm nên vẻ đẹp của lễ hội đền bà Đào Nương.

Lễ hội đền bà Đào Nương năm 2023 được tổ chức với quy mô lớn hơn mọi năm. Vì do 6 năm không thể tổ chức rước kiệu Đào Nương vì dịch tả lợn châu Phi (2017-2019), đại dịch COVID-19 (2019-2022). Lần mở hội này, nhiều người dân không khỏi bất ngờ bởi thu hút đông khách thập phương tham dự.

Điểm yếu là công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu rõ giá trị truyền thống trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác quản lý lễ hội còn hạn chế. Lễ hội còn có hiện tượng thương mại hóa trong hoạt động dịch vụ lễ hội, tệ nạn bán hàng rong, xem tướng số, tử vi, lôi kéo khách hành hương, nâng giá trị dịch vụ, đặt tiền công đức - giọt dầu tùy tiện, tệ nạn ăn xin, ăn mày... làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội.

Công tác đảm bảo an ninh trật tự ở lễ hội chưa được thực hiện tốt, vẫn còn hiện tượng trộm cắp, móc túi, hoặc các trò chơi mang tính cờ bạc trá hình. Mặc dù chính quyền địa phương đã có kế hoạch chi tiết cho lễ hội, nhưng triển khai còn chưa đúng kế hoạch, sự phối hợp và trách nhiệm chưa cao. Ban tổ chức lễ hội có phương án giải quyết ách tắc giao thông kịp thời, nhưng vẫn còn tồn tại những cảnh ùn tắc, chen lấn xô đẩy...

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội

Chú trọng công tác tuyên truyền: Ban quản lý cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về lễ hội đền bà Đào Nương, nhân dân tham gia bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội. Thực hiện nếp sống văn minh khi thực hành và tham gia lễ hội; đẩy mạnh vai trò truyền thống của các cơ quan báo chí trong việc giới thiệu nguồn gốc, nhận diện giá trị của lễ hội. Đồng thời, thực hiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đối với lễ hội truyền thông tiêu biểu để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý lễ hội: Ban quản lý kiên quyết, kiên trì hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra... nhằm hạn chế mức thấp nhất, tiến tới triệt tiêu các hành vi tiêu cực như chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch... diễn ra trong lễ hội. Ban tổ chức cũng bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích.

Tăng cường quản lý dịch vụ phục vụ lễ hội: công tác vệ sinh môi trường đang được nhân dân tập trung thực hiện, tăng cường các biện pháp giữ gìn vệ sinh. Đồng thời, triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, khắc phục, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cảnh quan môi trường tại các lễ hội. Thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội. Quản lý chặt chẽ các hoạt đông dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ, lệ phí, lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá. Đài truyền thanh xã liên tục giới thiệu về lễ hội cũng như tuyên truyền người dân bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan… Ban tổ chức tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ nhân dân và du khách thập phương đến dự lễ hội.

Thực hiện xã hội hóa trong công tác quản lý lễ hội: tích cực thực hiện phương châm xã hội hóa trong hoạt động khai thác nguồn lực của toàn xã hội cho việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội. Xã hội hóa rộng rãi nhưng không buông lỏng công tác quản lý, hướng dẫn dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và sự điều hành của chính quyền địa phương, xác định vai trò chủ thể và khuyến khích sự sáng tạo của nhân dân, tạo không khí cởi mở, dân chủ trong việc tổ chức lễ hội. Thông qua lễ hội đền bà Đào Nương, nhân dân tâm niệm rằng, đến với lễ hội là đến với cội nguồn… Sự thành công của công tác xã hội hóa trong hoạt động lễ hội, trước hết phải nghĩ đến tính tích cực, chủ động, tự giác của người dân, cộng đồng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát: tăng cường công tác này trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội đền bà Đào Nương để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm. Đặc biệt là các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội, không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Một số vấn đề về công tác quản lý lễ hội, 2007.

2. Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư, Việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

3. Chỉ thị 274/CT-BVHTTDL 2022 Về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch.

4. Nhiều tác giả, Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 2000.

5. Nghị định 110/2018/NĐ-CP Về quản lý và tổ chức lễ hội, 2018.

PGS, TS PHAN VĂN TÚ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;