Lễ hội đền Trần Thương

Lễ hội phát lương đền Trần Thương là một trong những lễ hội lớn đầu năm của tỉnh Hà Nam để tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha, động viên nhân dân hăng say lao động, học tập, công tác. Lễ hội này có ý nghĩa là một cuộc hành hương về cội nguồn không chỉ đối với người dân địa phương mà đối với người dân cả nước. Đây là một trong những lễ hội lớn, độc đáo, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học gắn với triều đại nhà Trần và lịch sử hào hùng của dân tộc

Tam quan đền Trần Thương - Ảnh: Văn Chính

1. Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội đền Trần Thương

Lễ hội đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam tổ chức một năm hai đợt vào tháng Giêng và tháng 8 âm lịch. Lễ hội tháng Giêng là sự tái hiện lại tục mở kho lương để khao quân của quân đội nhà Trần sau khi chiến thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ 3 vào năm 1288, nhưng ẩn sâu bên trong của lễ hội tháng Giêng chính là lễ hội cầu mùa của cư dân nông nghiệp. Trong đó, lễ tục tế cá được coi là tục hèm, liên quan đến tổ nghiệp của nhà Trần. Lễ hội đền Trần Thương là lễ hội dân gian đã có từ lâu đời, có thể trước năm 1288 và vốn là lễ hội dân gian của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng chiêm trũng Bắc Bộ. Sau đó trên nền của lễ hội dân gian kết hợp với việc tái hiện lại tục phát lương thời Trần Hưng Đạo trở thành lễ hội phát lương đền Trần Thương hiện nay. Vì vậy, trong lễ hội phát lương, ngoài tục hèm tế cá liên quan đến phát tích của nhà Trần còn có nhiều nghi thức và hoạt động đậm chất văn hóa dân gian khác. Lễ hội tháng 8 nằm trong dòng chảy tâm thức giỗ Cha, tưởng nhớ công đức và ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vị anh hùng dân tộc có công với đất nước, người dân tái hiện lại nhiều hoạt động văn hóa dân gian, tục thi đặc sắc, độc đáo tiêu biểu như rước nước, thi bơi chải trên sông, chơi cờ người, cờ tướng... Các nghi thức và những hoạt động trên vừa mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, “phong đăng, hòa cốc”, “Quốc thái dân an”, nhắc nhở con cháu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện tài thao lược quân sự của Trần Quốc Tuấn, đồng thời gợi nhớ nguồn gốc của dòng tộc nhà Trần vốn xuất thân từ nghề sông nước. Bên cạnh đó còn tổ chức “diễn xướng Thanh đồng”, một diễn xướng đặc sắc có từ lâu đời trong di tích đền Trần Thương gắn với Đức Thánh Trần và tín ngưỡng thờ Mẫu. Câu thành ngữ “tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” thể hiện sự tôn kính đối với thánh Cha - Đức Thánh Trần và Thánh Mẫu - Đức Liễu Hạnh. Dân gian có câu “sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”. Vào ngày lễ hội từ đền Kiếp Bạc - Hải Dương đến đền Trần Thương Lý Nhân - Hà Nam, về Bảo Lộc - Nam Định, khách hành hương theo lộ trình chiêm bái, tôn vinh người anh hùng dân tộc, một nhân vật có thật trong lịch sử được huyền thoại hóa và suy tôn thành Thánh (Đức Thánh Trần) cùng với thánh Mẫu là hai đấng quyền năng che chở, ban những điều tốt lành, mong làm việc thiện. Cứ đến ngày giỗ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người dân nơi đây tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức to lớn của Đức Thánh Trần, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân. Lễ hội tháng 8 là lễ hội chính trong hai kỳ của lễ hội tại đền Trần Thương. Lễ hội này không chỉ được tổ chức tại đền Trần Thương mà còn được tổ chức ở các địa phương khác thờ Đức Thánh Trần trên cả nước như: Kiếp Bạc, Bảo Lộc... từ đó tạo ra một không gian văn hóa với những trường lực tâm linh lan tỏa trong cộng đồng.

Nhiều hoạt động trong lễ hội đền Trần Thương được phục dựng từ những mỹ tục như lễ khao quân, phát lương và lễ giỗ Đức Thánh Trần, trên nền của lễ hội dân gian truyền thống đã được bổ sung và tái hiện những sinh hoạt văn hóa, thể hiện khát vọng sung túc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Mặc dù những sinh hoạt văn hóa được bổ sung và tái hiện trong lễ hội làm cho quy mô và không gian tổ chức lễ hội được mở rộng, nhưng không vì thế làm mất đi giá trị độc đáo riêng của lễ hội đền Trần Thương. Lễ hội đền Trần Thương có sự kết hợp phong phú, đa dạng giữa văn hóa cổ truyền và văn hóa hiện đại. Để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, đồng thời tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, ngày 23-1-2017, Bộ VHTTDL đã đưa lễ hội đền Trần Thương vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

2. Đặc điểm của lễ hội đền Trần Thương

Lễ hội tháng Giêng được tổ chức gồm hai nghi lễ chính là lễ phát lương vào ngày 14 và 15 tháng Giêng và lễ tế cá vào ngày 25 tháng Giêng.

Lễ phát lương: Trước đây, cứ ngày Rằm và mồng Một của 12 tiết trên một năm, đền Trần Thương cúng Đức Thánh Trần bằng gạo và muối. Người dân trong thôn và quanh khu vực này thường đến đền vào những ngày này để xin gạo, muối và lấy khước. Đặc biệt, ngày Rằm tháng Giêng, nhân dân thôn Trần Thương tổ chức lễ rước nước, lễ nhập lương. Xưa kia lễ phát lương diễn ra quy mô nhỏ với lệ rước nước và nhập lương. Từ năm 2010, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức lễ phát lương với quy mô lớn vào hai ngày 14 và 15 tháng Giêng, dựa trên tục lệ cũ. Lễ phát lương đền Trần Thương được tổ chức với những nghi thức sau: Lễ cáo yết, lễ rước nước nhập lương và lễ mở kho lương.

Lễ cáo yết mở cửa đền: Cáo là cẩn cáo (báo cáo), yết là yết kiến về những việc xin được làm. Lễ cáo yết mở cửa đền là nghi thức đầu tiên trong lễ hội, được tổ chức trang nghiêm vào ngày 14 tháng Giêng. Ba hồi trống vang lên, thủ từ làm lễ xin phép Đức Thánh Trần cho nhân dân mở hội. Lễ cáo yết gồm tế lễ và dâng sớ xin thánh mở hội.

Lễ rước nước nhập lương và lễ mở kho lương: Lễ rước nước nhập lương tổ chức vào giờ tốt trong ngày 14 tháng Giêng, đoàn rước nước xuất phát từ đền Trần Thương ra bến sông Hồng lấy nước. Đi đầu đoàn rước là đội trống, tiếp đến là đội sư tử, đội bát âm, năm người phụ nữ đội năm mâm lễ. Chủ tế mặc áo đỏ đi trước, đoàn người rước chín cờ ngũ sắc và đội bát bửu. Đi sau là kiệu Long đình, Bát cống (kiệu ông, kiệu bà), kiệu rước chóe nước, đội tế nam quan, nữ quan, các cụ cao tuổi, nhân dân trong làng và khách thập phương. Đoàn rước kiệu ra đến bến sông, ba cụ đại diện là người có uy tín nhất làng xuống thuyền cùng bốn người khiêng chóe nước ra giữa sông Hồng múc nước. Một người đại diện thắp hương khấn trời đất, hà bá xin nước. Một thanh niên khỏe mạnh dùng gáo dừa múc nước từ dưới sông lên chóe. Nước được lấy ở vòng tròn ngăn bằng vải đỏ. Đối với lễ hội đền Trần Thương, ngoài để thực hiện nghi lễ mộc dục (bao sái tượng) còn có một ý nghĩa khác đó là giữ vận nước may mắn cho đời sau. Tục rước nước ở đây còn có một ý nghĩa khác là nghinh lộc, đón tinh khí của trời đất, cầu cho mùa màng bội thu, đồng thời gợi nhớ nguồn gốc dòng tộc của nhà Trần sống bằng nghề sông nước. Thuyền rước nước cũng đồng thời là thuyền chở lương (tượng trưng) của Đức Thánh Trần. Người dân địa phương chuẩn bị lương thảo sẵn trong bao gồm năm loại hạt: đỗ đỏ, đỗ xanh, đỗ tương, ngô, thóc nếp cái hoa vàng. Sau khi lấy nước vào chóe, đoàn rước sẽ rước nước và vận chuyển lương thảo về đền để tế thánh làm lễ nhập lương tại đình Miễu.

Lễ mở kho phát lương: Lễ hội được tổ chức tại di tích đền Trần Thương, nơi Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội nhà Trần trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông TK XIII. Lễ phát lương nhằm tái hiện lịch sử: sau chiến thắng giặc Nguyên - Mông năm 1288, tháng Giêng năm 1289 Trần Hưng Đạo trở lại kho lương Trần Thương khao, thưởng quân dân bằng việc mở kho lương ăn mừng chiến thắng. Nhân dân ghi nhớ công lao và tấm lòng Đức Thánh Trần nên lấy ngày này hằng năm để tổ chức lễ hội phát lương. Đến 0 giờ ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng lễ phát lương được chính thức bắt đầu. Đầu tiên là nghi thức nhập linh cho các túi lương trong hậu cung (túi lương ban lộc đầu năm ngoài ấn và thẻ có năm loại ngũ cốc) thể hiện sự ấm no, đủ đầy. Các loại ngũ cốc được chọn đều là hạt giống tốt, chắc, mẩy. Các túi lương phủ vải đỏ đặt trên ban thờ Đức Thánh Trần. Chủ tế cùng hai người phụ giúp vào hậu cung, gióng ba hồi trống, chiêng và thắp hương trước ban thờ, vái ba vái và đọc văn khấn. Khi đọc văn khấn xong, chủ tế xin âm dương, làm phép bằng cách lấy cành cây nhúng vào nước thiêng vẩy lên túi lương. Túi lương được rước ra tiền đường phát cho người đến tham gia lễ hội.

Lễ tế cá: Tương truyền, thủy tổ nhà Trần xuất thân, sinh sống từ nghề chài lưới trên sông nước. Để tưởng nhớ công lao của Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh nhà Trần, người dân thôn Trần Thương tổ chức lễ tế cá vào ngày 25 tháng Giêng, khác biệt với tục thi cỗ cá ở lễ hội đền Trần Thái Bình. Lễ tế cá được tiến hành với các nghi lễ: lễ cáo yết, hội đồng đại lễ khao quân, lễ tế thần cá. Nghi lễ này các lễ vật gồm lễ mặn, hương đăng, hoa quả, tiền vàng, mã, sớ, những dụng cụ đánh bắt và đựng cá. Đặc biệt lễ vật gồm: cá quả và cá chép. Sau khi tái hiện gốc tích thủy tổ của nhà Trần, cá được phóng sinh để bày tỏ lòng tôn kính với dòng họ nhà Trần.

Lễ hội tháng 8 (âm lịch): là lễ hội chính của lễ hội đền Trần Thương, được tổ chức vào tháng 8 là ngày mất của Đức Thánh Trần. Theo dân gian, nghi thức này nhằm bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng đối với Trần Hưng Đạo, người ba lần đem quân đánh bại quân Nguyên - Mông xâm lược, đem lại thái bình, hưng thịnh cho đất nước. Vào dịp lễ hội, hàng nghìn lượt du khách và người dân địa phương cùng tham dự lễ khai mạc và dâng hương. Lễ hội tổ chức 3 ngày, từ ngày 18-20 tháng 8 (âm lịch hằng năm), ngày 20-8 là chính hội, những năm chẵn lễ hội được tổ chức quy mô hơn những năm lẻ. Lễ hội tháng 8 bao gồm các lễ nghi sau:

Lễ cáo yết mở cửa đền: Được tổ chức vào sáng sớm ngày 18-8. Người dân địa phương và vùng lân cận đến tập trung ở đền từ sáng sớm. Họ chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như gà, xôi, oản, hoa quả... để dâng lễ. Các cụ trong ban khánh tiết mở cửa đền và làm lễ cáo yết tế thánh xin mở hội. Lễ cáo yết và tế Thánh do các cụ trong đội tế nam của thôn Trần Thương thực hiện nghi thức này.

Lễ tế gia quan: Đây là nghi lễ thay quần áo mới cho Thánh. Những người được cử tham gia thực hiện nghi lễ này dùng khăn che miệng để tránh hơi thở trần tục phạm tới thần linh. Bộ quần áo cũ của ngài được mọi người chia nhau mang về cất giữ cẩn thận coi đó như vật báu trong nhà để cầu làm ăn phát đạt, mọi người trong gia đình không ốm đau bệnh tật. Sau khi thay quần áo mới cho Thánh là lễ tế nam quan với đủ lệ bộ: khởi tuần hương đăng, sơ hiến lễ, á hiến lễ, chung hiến lễ, lễ tất. Nghi lễ này được hoàn tất vào đêm ngày 17 rạng sáng ngày 18-8, do tế đêm nên dân gian còn gọi là mật tế. Sau mật tế, thanh đồng mới bắt đầu được hầu thánh tại đền Trần Thương. Điện chính của đền hầu các giá: Trần Triều, đức ông tả hữu, các vị quan lớn... Đặc biệt, với giá đức ông Cửa Suốt (Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng), thanh đồng làm lễ xin phép nếu Đức Thánh Trần đồng ý mới được hầu. Dưới phủ Mẫu, thanh đồng nhập linh hầu giá mẫu, giá cô, cô bé... Khi hầu thánh tại đền Trần Thương có một số thanh đồng hầu giá Trần Triều xiên lình. Nếu muốn xiên lình, thanh đồng phải xin đức thánh Trần từ 10 đến 15 ngày trước vấn hầu. Trong những ngày đó, thanh đồng phải ở luôn tại đền, chay tịnh, thành tâm cúng lễ để đức thánh độ xiên lình trừ tà, sát quỷ và chữa bệnh.

Lễ rước kiệu: diễn ra vào sáng ngày 18-8, dân làng tổ chức rước kiệu từ đình ra đền Trần Thương. Đám rước gồm 4 kiệu của 4 làng: Trần Thương, Đội Xuyên, Khu Hoàng, Khu Mật. Đi đầu là đội múa lân, tiếp đến là nghi trượng tượng trưng cho oai linh Đức Thánh Trần, cờ ngũ sắc, cờ tứ linh, đội cờ đầu đội nón dấu, thắt lưng bó que, áo nâu (tượng trưng cho đội quân nhà Trần), tiếp sau đội cờ là đội trống và chiêng. Trống cái do hai người khiêng, một người che lọng, một người vận quần áo lụa xanh, chít khăn đầu rìu, cầm dùi đánh trống, được gọi là thủ hiệu. Tiếp đến là đôi ngựa gỗ sơn trắng đỏ được đặt trên xe kéo, hai tán xanh đỏ do hai người vác, mỗi tán có thêu hình tứ linh. Đi sau hai tán là đoàn chấp kích, bát bửu. Kế tiếp là phường đồng văn, cầm trống khẩu, thanh la, xênh tiền, vừa đi vừa hát múa. Kiệu của làng Trần Thương, làng Đội Xuyên, Khu Hoàng, Khu Mật, cuối cùng là đoàn tế cùng nhân dân trong xã và khách thập phương.

Lễ tế: việc tế lễ tiến hành trong khoảng ba giờ. Nghi thức tế lễ giống với nghi thức tế lễ ngày 25 tháng Giêng. Chủ tế mặc trang phục đỏ. Quá trình tế lễ được thực hiện theo các bước sau: khởi tuần hương đăng, sơ hiến lễ, á hiến lễ, chung hiến lễ, lễ tất. Buổi lễ hoàn tất, bà con, con nhang đệ tử dâng lễ hầu thánh. Việc tế lễ và dâng hương kèo dài trong 3 ngày từ 18-20 tháng 8. Ngày thứ nhất, tế Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là con trai thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngày thứ hai, nhân dân và khách thập phương dâng hương. Ngày thứ ba là ngày tế chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Lễ t: là nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội đền Trần Thương, để tạ ơn, báo ơn với Đức Thánh Trần và thổ thần, thổ địa, các thuộc tướng thân nhân đã phù hộ cho nhân dân mùa màng tươi tốt, cuộc sống yên bình, no đủ. Đúng giờ Dậu, đền Trần Thương nổi chiêng trống ba hồi chín tiếng, thủ từ đọc văn khấn tạ và xin hóa sớ, cấp tiền vàng cho thân gia, thuộc tướng, xin cho dân làng đóng cửa đền. Theo lời các cụ trong làng, khi lễ tạ kết thúc sẽ có một trận mưa rào để tẩy rửa hết bụi trần, để ngôi đền trở về ban đầu thể hiện sự linh thiêng của nó. Phần hội: diễn ra trong không khí vui vẻ, thoải mái long trọng gồm nhiều trò chơi mang đậm giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người Việt như: kéo co, đấu vật, đánh cờ tướng, cờ người, cầu kiều bắt vịt, bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, thi văn nghệ... và các nghi lễ diễn xướng tâm linh, thanh đồng, múa hát dân gian thu hút người dân và du khách thập phương về dự lễ hội.

Trò chơi dân gian như: thi đấu cờ tướng lễ hội đền Trần Thương năm nào cũng tổ chức. Đây là thú chơi cờ khá phổ biến trong dân gian được coi là cuộc đấu tài, đấu trí, tao nhã... Tục này diễn ra trước các trò hội. Khi trống nổi lên báo hiệu cuộc chơi thì các đấu thủ cùng dân làng đến sân đền. Làng chọn lão làng, chức sắc có gia phong tốt vào khai cuộc, trong đó, người cao tuổi nhất được làm chủ tế. Chủ tế làm lễ cáo yết Đức Thánh Trần rồi rước bàn cờ từ hậu cung ra, đến trước hương án nâng bàn cờ lên vái ba vái. Cuộc chơi bắt đầu. Hai đấu thủ mang y phục truyền thống của các tướng lĩnh đời Trần. Điều này phản ánh gốc tích của lễ hội gắn liền với đội quân của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thể hiện khát vọng về sức mạnh, sự nhanh nhẹn của con người trong công cuộc đấu tranh giữ nước và cũng như thời bình.

Thi bơi chải: trước đây trong lễ hội đền Trần Thương có tục thi bơi chải, do thời gian đã bị mai một. Đến nay, trò chơi này đang được luyện tập và khôi phục. Thời gian tổ chức thi bơi chải vào sáng ngày 20-8, trên đoạn sông Hồng dài khoảng 2km. Mỗi năm thường có 4 thuyền đua đại diện cho các thôn. Mỗi thuyền 13 người, 12 người chèo thuyền và 1 người chỉ huy. Trước khi thi, các đội tập trung tại sân đền trình Thánh để cầu mong sự phù trợ về sức khỏe. Thi bơi chải không chỉ có ý nghĩa cầu mong sức khỏe mà còn mong mưa thuận gió hòa, con người chế ngự được thiên nhiên để mùa màng bội thu.

Thi đấu vật: diễn ra trong không gian tổ chức lễ hội Trần Thương là xới vật hình tròn, chia hai nửa âm dương. Điều này thể hiện sự linh thiêng, bảo trợ của Đức Thánh Trần. Thi đấu vật vừa là trò chơi rèn luyện sức khỏe cho mọi người, vừa để tưởng nhớ tới Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tổ chức trò chơi thi đấu vật trong phần hội là một cách để người dân thể hiện sự biết ơn và tưởng nhớ sâu sắc đến Đức Thánh Trần.

Diễn xướng Thanh đồng: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” câu nói quen thuộc đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam từ bao đời nay, thể hiện sự kính trọng đối với hai vị thánh: Thánh Cha - Đức Thánh Trần và Thánh Mẫu - Đức Liễu Hạnh. Ngày giỗ kỵ của cha, mẹ, nhân dân thôn Trần Thương tổ chức lễ hội để tôn vinh công đức Đức Thánh Trần và Thánh mẹ Liễu Hạnh. Hình thức diễn xướng tâm linh, ca ngợi Thánh, Mẫu... với các văn chầu cổ, điệu chầu, xá thượng nhịp nẩy rộn ràng.

3. Những giá trị của lễ hội đền Trần Thương

Thứ nhất, giá trị lịch sử: Đền Trần Thương xưa vốn là một địa điểm có vị trí chiến lược về mặt quân sự, kinh tế. Là kho lương lớn nhất của nhà Trần vào TK XIII. Sau khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mất, nhân dân đã lập đền thờ ông. Hiện nay, ngôi đền còn lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị như: hoành phi, câu đối, đại tự, ngai thờ, khám thờ, lục bình, bát hương, nghê đá, rùa đá, chén ngọc, vòng ngọc, 100 mộc bản thẻ, triện cổ, 37 đạo sắc phong, 1 đôi kiếm bạc vỏ làm bằng đồi mồi. Đây là những bảo vật làm tăng tính thiêng cho ngôi đền, đồng thời làm cho tín ngưỡng thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo mang đậm dấu ấn lịch sử. Bởi thế xét về lịch sử, lễ hội đền Trần Thương có những giá trị sau: là sự tái hiện lại một phần lịch sử của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông vào TK XIII của dân tộc ta, mà đứng đầu là các vị tướng lĩnh nhà Trần, trong đó Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được coi là vị tướng của mọi thời đại; thể hiện tưởng nhớ và suy tôn của nhân dân đối với bậc thánh nhân, vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; việc thực hành nghi lễ trong lễ hội ngày nay của nhân dân là sự kế thừa và phát huy tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm.

Thứ hai, giá trị văn hóa: Lễ hội tháng 8 của đền Trần Thương nằm trong mạch chảy văn hóa tâm linh với tâm thức “tháng Tám giỗ Cha” của người Việt trên khắp cả nước. Ngoài nghi thức tế lễ, rước kiệu truyền thống, lễ hội còn có nghi lễ đặc trưng như: tế gia quan, diễn xướng hầu thánh với các giá Trần triều. Lễ hội đền Trần Thương là lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc. Giá trị văn hóa của lễ hội chính là nền tảng tinh thần trong đời sống nhân dân, góp phần định hướng nhân cách con người trong nhiều thời đại, góp phần hình thành nên ý thức về cội nguồn của các thành viên trong cộng đồng. Vì thế, lễ hội đã giáo dục lòng yêu nước, tương trợ đoàn kết giúp đỡ nhau trong đời sống hằng ngày và niềm tự hào của nhân dân Trần Thương chính là sự cố kết cộng đồng, sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế bền vững.

Thứ ba, giá trị khoa học: Lễ hội đền Trần Thương góp phần bổ sung sự phong phú và đa dạng của hệ thống lễ hội tiêu biểu ở nước ta. Lễ hội cung cấp những tư liệu quý giá không chỉ cho các nhà nghiên cứu văn hóa, mà còn là nguồn sử liệu về lịch sử, xã hội, thiên nhiên, con người, phong tục tập quán của người dân nơi đây. Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị nền văn hóa dân tộc, phản ánh một phần sự thật lịch sử, bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời cho thấy được sự sáng tạo văn hóa của nhân dân trong diễn trình văn hóa.

Thay lời kết

Lễ hội đền Trần Thương là hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần thể hiện lòng thành kính, nhắc nhở con cháu phải biết ơn vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn người có công lớn với đất nước, với dân tộc. Với việc duy trì lễ hội hằng năm và việc di tích đền Trần Thương được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt đã góp phần tích cực làm cho diện mạo và quy mô của lễ hội đền Trần Thương ngày càng phát triển. Điều này góp phần tích cực cải thiện vị trí của lễ hội và Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo lập hồ sơ khoa học Lễ hội đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

2. Hoàng Công Khanh, Danh tướng Trần Hưng Đạo, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995.

3. Đinh Gia Khánh, Ý nghĩa văn hóa của lễ hội dân gian, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.

4. Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (chủ biên), Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

5. Vũ Ngọc Khánh, Văn hóa dân gian người Việt (Lễ hội và trò chơi dân gian), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

6. Thu Linh, Đặng Văn Lung, Lễ hội truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1984.

7. Lê Hồng Lý (chủ biên), Nguyễn Thị Hương Liên, Lễ hội lịch sử ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2011.

Ths NGÔ THỊ THU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;