Giá trị văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua lễ hội Kỳ yên ở Đồng Tháp và An Giang

Với người dân Việt Nam, cầu an đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp, tích cực và ý nghĩa trong cộng đồng xã hội, giúp con người có thêm niềm tin, sức mạnh trước khó khăn của cuộc sống. Trong những năm gần đây, thực hành cầu an thông qua lễ hội tín ngưỡng dân gian ở đồng bằng sông Cửu Long được diễn ra sôi nổi và thu hút rất nhiều du khách trong nước. Lễ hội Kỳ yên ở Đồng Tháp và An Giang mang đậm nét văn hóa bản địa và có truyền thống văn hóa lâu đời cần gìn giữ, phát huy trong xã hội đương đại Việt Nam.

Lễ hội Kỳ yên - đình Định Yên, Đồng Tháp - Nguồn: Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, 2017

Đặt vấn đề

Trong đời sống xã hội ngày nay, sự bất an của con người đến từ nhiều khía cạnh của cuộc sống và con người cần có một chỗ dựa tinh thần. Cầu an là một thực hành văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo tồn tại từ lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh, giúp con người có thêm niềm tin, sức mạnh trước khó khăn của cuộc sống. Từ các vấn đề liên quan đến tinh thần, sự bất an về kinh tế thị trường, với việc đối mặt với rủi ro, mạo hiểm trong cuộc sống và kể cả những trào lưu mới ngày nay đang tác động nhiều vào tinh thần của con người, từ người lớn tuổi cho đến giới trẻ thanh niên, từ tầng lớp trí thức cho đến bình dân lao động trong xã hội.

Chữ “An” trong mỗi con người là thân an, tâm an và hoàn cảnh an. Cầu an là một hoạt động thường thấy trong các nghi lễ ở đình, chùa, miếu và người dân tin rằng, khi thực hành cầu an thì họ sẽ được thần linh, chư Phật, thánh thần phù hộ, độ trì cho tai qua nạn khỏi, bình an may mắn… Đây là một giá trị văn hóa truyền thống của xã hội Việt Nam, vốn gần gũi quen thuộc với nếp sống, nếp sinh hoạt của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Cầu an còn thể hiện tính thiện trong tư tưởng người Á Đông, khi cầu an cũng chính là bản thân đang giúp người giúp đời. Tính thiện được thể hiện thông qua hành động làm được nhiều điều tốt đẹp trong xã hội, thông qua việc khi cầu nguyện người ta thường “cầu cho mình và cầu cho đời”, khi con người được bình an thì họ càng siêng năng làm được nhiều việc thiện hơn cho xã hội. Chính vì lẽ đó, thực hành cầu an thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội, trong đó có bộ phận lớn những người kinh doanh thương mại, công chức và giới trẻ cũng tìm đến hình thức cầu an như một hành trình tìm về văn hóa truyền thống của dân tộc để xoa dịu những lo lắng, bất an, vô định trong cuộc sống đời thường. Xã hội càng phát triển trong giai đoạn toàn cầu hóa và bùng nổ công nghệ số như hiện nay, thì “thân tâm” của con người càng dễ bị xáo trộn.

Chợ Chiếu Định Yên - Nguồn: Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, 2017

Trong đời sống xã hội đương đại, cầu an không chỉ thể hiện qua các thực hành nghi lễ, tín ngưỡng tôn giáo ở đình, chùa, miếu… mà còn mang tính kết nối cộng đồng thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí tại lễ hội cúng đình. Những năm gần đây, việc thực hành cầu an của người dân trong các lễ hội tín ngưỡng ở đồng bằng sông Cửu Long được diễn ra sôi nổi và thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài địa phương đến tham dự. Tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp vốn là những vùng đất nổi tiếng đậm nét văn hóa tín ngưỡng đa dạng, hấp dẫn nhiều người dân. Trong đó, lễ hội Kỳ yên ở đình Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang và lễ hội Kỳ yên ở đình Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp đang ngày càng phát triển, được quảng bá rộng rãi và thu hút nhiều người dân và du khách tham gia. Người dân đến tham dự lễ hội Kỳ yên với tâm thế cầu mong mọi việc được thuận buồm xuôi gió, thân tâm an lạc, an toàn, may mắn trong công việc, trả lễ cho các vị thánh, thần đã phù hộ cho mình trong năm qua.

Không chỉ dừng lại ở không gian lễ hội mà khách hành hương khắp nơi đến cúng bái và thực hành các nghi lễ cầu an cho bản thân, gia đình, cơ quan, công ty diễn ra quanh năm tại tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Cầu an còn được thực hành ở những ngôi chùa ở hai tỉnh này trong tháng Giêng và tháng Chạp, tạo ra một giá trị và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam trong bối cảnh xã hội đương đại có nhiều biến đổi. Thực hành cầu an trong đời sống xã hội đương đại giúp con người hiểu sâu hơn ý nghĩa của cuộc sống và chấp nhận đối mặt với các rủi ro, bất an hiện hữu xung quanh. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu thực hành cầu an của con người qua lăng kính của nhân học văn hóa cho thấy, trong xã hội ngày nay, giá trị văn hóa truyền thống là một biểu tượng đem đến sự an vui và hạnh phúc cho con người.

1. Khái quát về lễ hội Kỳ yên ở Đồng Tháp và An Giang

Lễ hội Kỳ yên đã có mặt từ rất lâu trong tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng của người dân Nam Bộ. Khi người Việt di dân đến phương Nam để khẩn hoang, lập ấp đã phải đương đầu với vô vàn khó khăn cùng các hiểm họa khôn lường. Lúc bấy giờ, để cầu mong cuộc sống được bình an, ấm no, những người dân ở Nam Bộ thường làm lễ cúng bái, cầu an tại các ngôi đình, đặt trọn niềm tin của mình vào các vị thánh thần. Về sau, tập tục này đã phát triển thành lễ hội Kỳ yên như hiện nay. Lễ hội Kỳ yên ở Đồng Tháp và An Giang nhìn chung cũng mang những nét tương đồng với lễ hội Kỳ yên tại các tỉnh thành khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Lễ hội Kỳ yên tại đình Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp là ngày hội của làng, tế bái thần Thành hoàng để cầu mong quốc thái dân an, thôn xóm thịnh vượng, cuộc sống no ấm, để tưởng nhớ ông Phạm Văn An (1), người đầu tiên khai hoang lập ấp ở địa phương, lập nên làng xã và cũng là ngày người dân trong làng cùng nhau họp mặt sinh hoạt cộng đồng, trao đổi kinh doanh buôn bán. Đình Định Yên được xây dựng vào năm Canh Tuất (1910) để ghi nhớ các vị thần, Thành hoàng và những người có công với dân tộc. Hằng năm, vào các ngày 16, 17-4 và ngày 15, 16-11 âm lịch, diễn ra lễ cúng đình rất trang trọng. Nếu đến thăm đình Định Yên vào đúng dịp này, người dân sẽ được chứng kiến đầy đủ những nghi thức truyền thống của một hội cúng đình như: đội kỵ mã, đội lân, đội lính hầu, học trò lễ, chiêng, trống, nhạc, lễ... và nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn phục vụ du khách như tổ chức triển lãm, trưng bày các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, tổ chức các hội thi ẩm thực, thể thao, trang trí mâm xôi, mâm ngũ quả, giao lưu đờn ca tài tử và đặc biệt là tái hiện lại chợ Chiếu đêm tại sân chợ Chiếu Định Yên - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội Kỳ yên ở đình Bình Thủy, An Giang năm 2023 - Nguồn: Tác giả

Đình Định Yên là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Kiến trúc của đình khá độc đáo, với mái được lợp ngói đại ống, các vì, kèo và cột đều được chạm trổ hoa văn đầu rồng và lân trông rất lộng lẫy. Đến vãn cảnh đình, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các câu đối, bao lam sơn son thếp vàng trông rực rỡ, cân liễn, cẩn ốc xà cừ, chạm hóa long, mẫu đơn, lưỡng sen, và nhiều bức tranh sơn thủy có ý nghĩa ca ngợi đất nước và con người... Chánh điện của đình Định Yên thờ Thành hoàng bổn cảnh, bên tả và bên hữu là thờ các vị Tiền hiền. Trước sân đình có nhiều bồn hoa, cây cổ thụ rất cao, làm cho khung cảnh của đình thêm phần thơ mộng. Những người thực hiện tế lễ hoặc tham gia vào các nghi thức tế lễ đều là bậc cao niên, các vị chức sắc hoặc người có uy tín, được bà con trọng vọng trong cộng đồng. Toàn bộ nghi thức trong phần lễ đều được tiến hành lần lượt dưới sự điều phối chặt chẽ của người thủ xướng. Cùng với đó, còn có một đội học trò lễ gồm những người mặc áo, đội mũ và mang hài theo kiểu học sinh tú tài ngày trước. Trong suốt thời gian tiến hành các nghi thức thì đội lễ sẽ phụ trách biểu diễn dâng lễ vật theo tiết tấu của dàn nhạc với điệu bộ thuần thục. Trong lễ hội Kỳ yên tại đình Định Yên có hai nghi lễ quan trọng là lễ hạ điền (rằm tháng 4) và lễ thượng điền (rằm tháng 11). Song, lễ hạ điền được xem là lễ lớn nhất trong năm. Đây là lễ xuống giống, ra đồng cày cấy, chuẩn bị cho một vụ mùa mới của người nông dân. Gắn với lễ hạ điền là lễ cúng cầu an với ý nghĩa tống trừ ôn dịch, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho người dân ấm no, an khang, phát triển sinh kế.

Đối với lễ hội Kỳ yên ở An Giang, hằng năm, sau tết Đoan Ngọ, người dân huyện Bình Thủy háo hức bước vào lễ Kỳ yên, bởi đây được xem là lễ hội văn hóa truyền thống lớn bậc nhất của vùng đất cù lao này. Đình thần Bình Thủy thờ Thành hoàng bổn cảnh, vị thần cai quản địa phương sở tại. Ngoài ra, đình còn thờ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và vị tiền hiền họ Dương có công khai khẩn đất hoang xây dựng Bình Lâm thôn. Năm 2000, ngôi đình được UBND tỉnh công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Trải qua 236 năm, đình thần Bình Thủy được giữ gìn, trùng tu khang trang và trở thành điểm tựa tâm linh của người dân bản xứ. Khi lá “thần kỳ” nền đỏ, vàng, thêu 4 chữ “Thiên hạ thái bình” tung bay trên kỳ đài trước sân đình báo hiệu ngày trọng đại của thôn làng, cũng là lúc các hoạt động của lễ Kỳ yên bắt đầu diễn ra, với đầy đủ các nghi thức: túc yết, xây chầu, đại bội… Trong các hoạt động của lễ Kỳ yên, nghi thức truyền thống rước sắc thần diễu hành quanh cù lao diễn ra sáng ngày 9-5 (âm lịch) có thể coi là nghi thức được người dân chờ đón nhất. Đoàn xe rước Sắc thần thường được dẫn đầu bởi xe chở đoàn lân, sư rộn ràng chiêng, trống, tiếp theo là xe “Thần du vãng cảnh” được trang hoàng lộng lẫy để chở Sắc thần, theo sau là Ban Quý tế mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề cùng đoàn xe hoa và hàng ngàn người dân tháp tùng, mỗi gia đình chuẩn bị sẵn bàn hương án trước sân, chủ nhà mặc áo dài khăn đóng để “nghinh thần”. Bên cạnh phần lễ trang nghiêm, thành kính, phần hội không kém phần sôi nổi, đặc biệt là giải đua thuyền truyền thống.

Đây là hoạt động tạo nên nét đặc sắc riêng cho lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy, thu hút hàng ngàn người dân địa phương và khách tham quan cổ vũ cho các đội đua. Một điều khác biệt tạo nên nét độc đáo tại lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy là hoạt động hóa trang thành thổ dân của người địa phương. Trước ngày lễ hội, các thanh niên trong xã thiết kế những chiếc xe, tàu, bè làm từ thân cây chuối, với nhiều kiểu dáng đa dạng, trang trí bắt mắt. Họ sẽ đồng hành cùng đoàn xe rước Sắc thần và diễu hành quanh cù lao. Người dân đứng trước cửa nhà ra chào đón đoàn xe rước thần đi ngang qua, để cầu xin thần ban tài lộc, an lành cho gia đình của mình. Ở hoạt động đua thuyền thì những “thổ dân”, vốn là người địa phương hóa trang thành, sẽ thả trôi những chiếc bè trên sông, cùng nhau ca hát, nhảy múa để ăn mừng lễ hội. Đối với người dân Bình Thủy, lễ hội là dịp để họ tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai hoang, lập làng và cầu cho một năm có cuộc sống an lành, no ấm, cũng là nơi để dân làng khi đi xa luôn tưởng nhớ về làng xã, bà con, hàng xóm. Đình Bình Thủy hàm chứa nhiều giá trị văn hóa lịch sử, khoa học và thẩm mỹ (2).

2. Lễ hội Kỳ yên trong đời sống xã hội đương đại - niềm tin và tầm quan trọng của văn hóa truyền thống

Cầu an là một hoạt động thường thấy trong các nghi lễ ở đình, chùa, miếu và người dân tin rằng khi thực hành cầu an thì họ sẽ được đức Phật, thánh thần phù hộ, độ trì tai qua nạn khỏi, cứu rỗi chúng sinh. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa tốt đẹp trong xã hội ở Việt Nam, vốn gần gũi quen thuộc với nếp sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Lễ hội Kỳ yên ở đình Bình Thủy, An Giang năm 2023 - Nguồn: Tác giả

Thực hành cầu an thông qua các lễ hội tín ngưỡng truyền thống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long được diễn ra sôi nổi và lễ hội Kỳ yên ở đình Định Yên, Đồng Tháp và lễ hội Kỳ yên ở đình Bình Thủy, An Giang, luôn được xem là lễ hội Kỳ yên có quy mô lớn và đặc sắc nhất tại vùng đất này. Trong thời gian diễn ra lễ hội Kỳ yên tại đình Định Yên và đình Bình Thủy, có rất nhiều người dân đến tham gia, họ cầu cúng và hòa vào không khí của những hoạt động được tổ chức trong không gian của lễ hội. Bên cạnh Ban cúng tế của đình, Chính quyền địa phương và các vị quan khách thì người dân là một trong những đối tượng chính của lễ hội. Họ có thể là người dân địa phương hay là du khách từ phương xa đến tham dự lễ hội, là một bô lão trong làng hay một thanh niên trẻ tuổi, một người lao động bình dân, buôn bán ngoài chợ hay là thành phần tri thức, công nhân viên chức, nhân viên văn phòng và một doanh nhân thành đạt… Tất cả đều có chung một mong ước là cầu mong sự bình an của bản thân, gia đình, người thân và cộng đồng xã hội. Lễ hội Kỳ yên thường kéo dài chính thức trong khoảng 3, 4 ngày cũng chính là khoảng thời gian người dân thể hiện lòng thành của mình với các vị thần, với những bậc tiền bối có công khai hoang, phát triển vùng đất này, với những niềm tin tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội Kỳ yên không những thu hút những người lớn mà ngay cả những em học sinh, sinh viên cũng đến tham dự cùng với gia đình, cầu xin may mắn, học giỏi, tốt nghiệp có việc làm. Có những người ở xa như kiều bào các nước, các tỉnh thành xa xôi khác đến “trả lễ” khi nhận được “lộc” của thần trong năm qua. Thêm vào đó, ở lễ hội còn xuất hiện những người đang có bệnh trong cơ thể từ khắp mọi nơi đến để cầu xin, cúng trả ơn, và xin thêm thuốc uống để mong được chữa khỏi bệnh tật (3). Điều này tạo nên nét đẹp nhân văn giữa thế giới thần linh và con người trần tục. Tất cả hòa quyện vào nhau, góp phần tôn tạo giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Những thành tố như con người và môi trường sống, trí tuệ và tài năng trong việc tiếp thu cái mới từ bên ngoài, vận dụng vào sự phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc được thể hiện thật tinh tế. Hằng năm, lễ hội Kỳ yên ở hai ngôi đình này thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự và cúng viếng với một tâm thế được cầu mong mọi việc được thuận buồm xuôi gió, thân tâm an lạc và luôn cảm thấy an toàn, may mắn. Hơn thế nữa, không chỉ dừng lại ở việc thu hút du khách trong thời gian diễn ra lễ hội, mà những người quản lý đình cần có kế hoạch hành động lâu dài, bền vững để khách hành hương khắp nơi đến cúng bái và thực hành các nghi lễ cầu an cho bản thân, cho gia đình và cho doanh nghiệp của mình diễn ra thường xuyên, liên tục hơn. Hoạt động này sẽ đóng góp vào việc nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của địa phương, từ đó xây dựng điểm đến du lịch và phát triển kinh tế cho Đồng Tháp, An Giang và các tỉnh thành khác. Những giá trị văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương cũng như của du khách là một trong những yếu tố cốt lõi trong việc lưu giữ và trao truyền bản sắc văn hóa truyền thống Nam Bộ. Người dân quay về với cội nguồn của dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông, đã được trao truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ là những yếu tố tích cực từ lễ hội Kỳ yên của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kết luận

Con người từ lâu đã tìm đến tín ngưỡng, tôn giáo để cầu mong sự bình an, khỏe mạnh và an toàn trong cuộc sống. Thông qua các lễ hội, các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo ở đình, chùa, miếu, con người tìm thấy được niềm tin tinh thần như được nương tựa và che chở bởi những các vị thần, Phật. Những niềm tin siêu nhiên giúp con người vững vàng trong cuộc sống vốn đang tồn tại quá nhiều nỗi bất an. Trong những năm gần đây, việc thực hành cầu an của người dân trong các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo ở hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang diễn ra sôi nổi, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài địa phương đến tham dự. Thông qua việc thực hành cầu an, con người như tìm về với cội nguồn dân tộc, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống, tìm được niềm tin tinh thần trong cuộc sống, cầu mong được bình an, hạnh phúc để từ đó sống tốt hơn và làm được nhiều điều tốt đẹp, ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội.

____________________

1. Lễ hội cúng đình Định Yên - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, baotang.dongthap.gov.vn, 24-7-2017.

2. Huỳnh Thị Mỹ Thanh (biên soạn), Di tích kiến trúc nghệ thuật đình thần Bình Thủy, Nxb Sân khấu, 2021.

3. Khu vực xung quanh đình Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang có những thày thuốc Nam, thuốc Bắc chữa rất hay các bệnh về tiêu hóa, gan, sỏi, mật… (tác giả trong quá trình điền dã đã gặp được người bệnh và có nghe người dân địa phương chia sẻ câu chuyện về những thày thuốc địa phương).

Tài liệu tham khảo

1. Mỹ Linh, Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy, baoangiang.com.vn, 9-6-2022.

2. Nguyễn Thị Phương Châm, Lê Hồng Lý, Lê Trung Vũ, Lễ hội dân gian, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.

3. Võ Thành Hùng, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng Tây Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017.

4. Trần Thị Kim Oanh, Tôn giáo và đạo đức trong xã hội hiện đại, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại, Nxb Tôn giáo, 2018.

5. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường, Văn hóa dân gian cổ truyền đình Nam Bộ - Tín ngưỡng và Nghi lễ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.

PHẠM TẤN THÔNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;