Trình diễn văn hóa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc VIệt Nam

Tái hiện lễ hội Kate của đồng bào người Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc VIệt Nam - Ảnh: Tuấn Minh

Cộng đồng người Khmer sinh sống chủ yếu tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ như Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang. Người Khmer sở hữu một kho tàng văn hóa vô giá với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, trong đó phải kể đến nghệ thuật điêu khắc, trang trí, hội họa. Văn hóa Khmer ảnh hưởng đậm nét của văn hóa Ấn Độ và Phật giáo. Trong đó, Phật giáo đóng vai trò quan trọng và có dấu ấn sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống sinh hoạt. Văn hóa tín ngưỡng dân gian mang sắc thái riêng thông qua các nghi lễ vòng đời, là một chuỗi những nghi lễ cầu kỳ được lưu giữ và thể hiện thông qua hình thức lễ hội như Tết Cholchnamthmay, ngày Tết Chool Sang-Kran Thmây, ngày lễ cúng trăng Ok Om Bok, lễ cúng ông bà Sen Dolta cùng nhiều ngày lễ có nguồn gốc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian khác. Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng), không gian văn hóa Khmer là một trong những khu vực được đầu tư quy mô và công phu nhất. Thông qua các phương thức trình diễn văn hóa khác nhau, Làng đã mang bản sắc văn hóa Khmer đến giới thiệu với người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.

1. Ngôi chùa Khmer đầu tiên giữa lòng Thủ đô

Chùa Khmer được hoàn thành vào tháng 11-2013, ngôi chùa với sắc vàng mái đỏ cùng các họa tiết trang trí cầu kỳ, đường nét chạm khắc tinh xảo đã trở thành ngôi chùa Khmer đầu tiên giữa lòng Hà Nội. Là một trong hai công trình tâm linh được đầu tư cả về tâm huyết lẫn kinh phí, ngôi chùa Khmer - biểu tượng của văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Khmer đã được lựa chọn và phục dựng tại Cụm làng dân tộc III.

Trong đời sống văn hóa của người Khmer, ngôi chùa là một tập hợp quy tụ trọn vẹn những tri thức dân gian bản địa từ quy hoạch, kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc trang trí. Với dân tộc Khmer, ngôi chùa không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng mà còn là biểu tượng của sự tôn kính, lòng thành, đức hạnh và lòng biết ơn. Nó gắn kết mọi thành viên trong cộng đồng, đồng thời gìn giữ và duy trì những giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer, bởi như Đại đức Thích Kim Tuệ - trụ trì chùa Khmer cho biết: “Trong không gian văn hóa Khmer mà thiếu đi ngôi chùa thì là một thiếu sót rất lớn”.

Được phục dựng ngay giáp hồ nước Đồng Mô, trong khu đất rộng 0,8 ha, chùa Khmer lấy chính điện làm trung tâm, xung quanh là các công trình như cổng vào, tháp góc, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe ngo, nhà thuyền, Sa la (nhà hội của sư sãi và các tín đồ), am thờ, cột cờ và ao sen. Chính điện được xây trên nền diện tích 341,13m2, là công trình tâm điểm cao lớn nhất trong không gian tâm linh chùa Khmer. Chính điện chùa Khmer có mặt bằng hình chữ nhật với ba cấp nền và bốn phía đều có bậc tam cấp đi lên chính điện. Xung quanh là hàng cột tròn. Theo hướng từ cổng vào chính điện, bốn góc ngoài là bốn tháp góc, bên trái phía trước là ao sen, bên hông trái là vườn tháp và nhà thiêu, bên phải là am thờ. Phía sau chính điện là Sa la và nhà ghe ngo, sát phía hồ nước là nhà thuyền. Các công trình trong quần thể kiến trúc đều sử dụng mái lợp ngói vảy cá, trang trí bằng các họa tiết như hoa lá, các vị thần mang đậm tín ngưỡng Khmer và nối với nhau bằng đường nội bộ được lát đá thô. Chính điện là trung tâm quần thể và cũng là nơi “hội tụ tinh hoa của kiến trúc Khmer”. Khi tiến hành xây dựng ngôi chùa Khmer tại Làng, Ban quản lý Làng cùng các chuyên gia đã lựa chọn từ hơn 100 mẫu chùa Khmer (trong số hơn 400 ngôi chùa Khmer tại Việt Nam) để lấy mẫu. Sau nhiều lần cân nhắc, ngôi chùa Kh’leang ở tỉnh Sóc Trăng được lựa chọn làm khuôn mẫu phục dựng. Chùa Kh’leang là một trong những ngôi chùa cổ, có tuổi đời gần 500 năm với kiến trúc cân đối cùng họa tiết trang trí cầu kỳ mang đậm nét văn hóa Khmer. Theo các thư tịch cổ còn lưu giữ, chùa Kh’leang khi mới xây dựng chỉ là một ngôi chùa lợp lá đơn sơ, sau nhiều lần trùng tu lại bằng gạch ngói. Kiến trúc chùa hiện nay như ngôi chính điện và Sa la được xây dựng vào năm 1918. Ngôi chùa được phục dựng tại Làng được các chuyên gia và kiến trúc sư lưu ý bảo lưu theo đúng quy cách dựng chùa truyền thống. Cổng vào và cửa chính điện quay về hướng Đông - Tây. Bên trong chính điện mỗi bên có 7 cửa sổ mở ra hai hướng Nam - Bắc. Xung quanh chính điện có hành lang bao quanh (gọi là chơn tiên). Ngôi chính điện của chùa được quy vào một tam giác cân, điều này không chỉ áp dụng trong kiến trúc mà còn thể hiện ở trên mái chùa, điêu khắc trên cửa gỗ cũng tuân thủ tiêu chuẩn trên. Bởi theo quan niệm của người Khmer, hình tam giác thể hiện sự hoàn thiện, chứa đựng nét đẹp hoàn mỹ, tuyệt đối. Tam giác tương ứng với biểu trưng ý nghĩa của con số 3, trong đạo Hindu thần linh tối thượng hiện hình thành 3: Brahma - Vishnu - Shiva, trong đạo Phật thì có tam bảo Phật - Pháp - Tăng; thời gian cũng phân thành 3: quá khứ - hiện tại - tương lai.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích các họa tiết, hoa văn, bức vẽ phù điêu được lựa chọn để trình diễn phục dựng, trang trí ngôi chùa Khmer tại Làng. Trong ngôi chùa Khmer, chính điện không chỉ là nơi linh thiêng nhất mà còn là nơi tập trung những tinh hoa, trí tuệ, là nơi những nghệ nhân Khmer gửi gắm niềm tin, sức mạnh và đỉnh cao của sự sáng tạo nghệ thuật. Trong quá trình phục dựng chùa Khmer, Ban quản lý đã liên hệ mời nghệ nhân người Khmer đến Làng để tham gia tư vấn và trực tiếp thực hiện các công đoạn phục dựng, trang trí họa tiết cho chùa. Các họa tiết, hoa văn trang trí thường là hoa lá, các vị thần trong tín ngưỡng Khmer trong đó phải kể đến hình tượng rắn thần Naga - biểu tượng của quyền lực được sử dụng để trang trí trên mái của công trình. Mái chùa được tạo thành hình tam giác cân, hai bên gọi là Hô-chen. Trang trí họa tiết cho mái chùa là một trong những khâu quan trọng và tốn nhiều công sức nhất bởi do độ phức tạp của họa tiết cũng như phải thi công trên độ cao 13,7m. Chính giữa hình tam giác cân trên mái chùa có đắp một bức phù điêu là biểu tượng Sách - Stra Chan Pen (đây là biểu tượng của kinh sách về khuôn phép mẫu mực về trí tuệ và đạo đức). Hô-chen có góc trên luôn nhỏ hơn hai góc còn lại, đỉnh mái hai bên nhô ra và gắn Chi-vel uốn cong như đuôi rồng hướng lên trên tạo sự thanh thoát, nhẹ nhàng cho mái chùa. Dưới lớp mái cũng trang trí hoa văn xung quanh bốn cạnh, dưới diềm mái trạm trổ từng lớp thân thần rắn Naga như bò từ trên trời xuống rồi ngóc đầu lên vừa tạo cảm giác nhẹ nhàng cho mái vừa là ranh giới kết nối giữa ba lớp mái tượng trưng cho ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới của đạo Phật. Mái chùa sử dụng gạch ngói hình vảy màu đỏ xếp chồng lên nhau hòa cùng với sắc vàng và đỏ tươi của các họa tiết, phù điêu trang trí khiến cho khu tâm linh trở nên sáng bừng và bắt mắt du khách khi vừa đặt chân đến Cụm làng dân tộc III. Đi qua cổng chính điện, lên bậc tam cấp là những tượng thần giữ cửa được chế tác dựa theo truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian của người Khmer như: tượng chằn Yeak hung dữ, đầu thần Bayon bốn mặt, tượng chim Crud, chim hoon… Họa tiết chim thần Crud, là tượng đúc khuôn, được sử dụng để gắn lên cột hiên, các cột trụ chính điện hoặc trang trí đỡ mái chùa. Tượng Crud có hình dáng thân người, đầu chim, hai cánh từ bên hông xòe rộng như đang bay. Phần đùi được che bằng chiếc xà rông, trang phục võ tướng với hai vạt áo bầu có đường viền to bản, từ bụng trở xuống là tấm yếm hình cánh sen lớn phủ dài xuống gần đầu gối. Trước bậc thềm vào chính điện có đặt hai bức tượng chằn Yeak. Tượng chằn được thực hiện bằng cách đắp nổi với dáng đứng thẳng, hai gối khuỳnh ra hai bên. Mặt tượng chằn được chạm thể hiện sự dữ dằn: mắt lồi xếch ngược, mũi bạnh, tai thú cách điệu và hai hàm răng cửa lớn với hai nanh dài cong ra hai bên má. Chằn đội vương miện bẹt, áo bó sát thân kiểu giáp trụ của võ tướng với cổ áo tròn, nhiều lớp áo phủ trên ngực áo, vai áo vểnh cong tạo vẻ uy nghiêm. Chiếc xà rông bó chặt vào ống chân giắt mối ra phía sau và tấm yếm phủ kín bụng. Hai tay chằn khuỳnh rộng đặt trước thắt lưng nắm chặt chiếc chày vồ chống thẳng đứng. Có thể thấy mọi khoảng trống từ cổng vào đến diềm tường, cột, khuôn mái, từ những không gian rộng lớn đến những chi tiết nhỏ, hẹp cũng đều được chú ý chạm khắc với những đường nét, hoa văn từ đơn giản đến phức tạp. Đặc biệt những họa tiết và tượng trang trí cũng đều được lựa chọn phục dựng theo thủ pháp mỹ thuật, kiến trúc Khmer cổ điển. Nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc là một nét độc đáo không chỉ làm tăng giá trị thẩm mỹ cho công trình mà còn góp phần định vị văn hóa Khmer.

Bước vào bên trong chính điện như vào chốn thư viện bách khoa toàn thư về thế giới Phật học bởi những hình ảnh trang trí cùng màu sắc rực rỡ của cây cỏ, hoa lá, những bức tranh kể về cuộc đời của đức Phật cùng các nhân vật liên quan từ kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại được nghệ nhân Lý Lết (nghệ nhân Khmer) thể hiện qua nhiều tháng phục dựng. Trên trần chính điện cùng hai bên tường là các bức vẽ sơn dầu theo các đề tài phong phú với hoa lá, hình kỷ hà kết hợp với hình tượng thần, tiên và linh thú… Những họa tiết này đã được định hình có tính chất nghệ thuật cổ điển của mỹ thuật Khmer. Các bức vẽ đều nằm trong các ô chữ nhật, xung quanh trang trí dày đặc hoa văn hoa lá, hình kỷ hà, chuỗi hạt, bên trong là khung trang trí hình vuông, hình tròn hoặc hình thoi cách điệu và với gam màu sặc sỡ để điểm tô. Trên tường xung quanh chính điện là các bức vẽ sơn dầu và những bức phù điêu như: Lễ hạ điền, Tì kheo Ni, Vích-sen-đo… kể về cuộc đời của đức Phật Thích ca từ khi sinh ra đến khi nhập cõi niết bàn. Các bức tranh liên hoàn được nghệ nhân Lý Lết thể hiện qua đôi bàn tay khéo léo đưa người xem bước vào cuộc đời đức Phật từ việc hoàng hậu Mada nằm mơ thấy bạch tượng từ trên trời bay xuống mang theo một đóa sen trắng đến lúc thái tử ra đời, thái tử dạo chơi ở cửa thành và chứng kiến cảnh sinh, lão, bệnh, tử, cảnh thái tử trong cung điện với nhiều cung tần mỹ nữ, cảnh thái tử ra đi, cưỡi ngựa dừng chân bên dòng sông Anoma cắt tóc tu khổ hạnh, cảnh ngồi thiền dưới gốc bồ đề đến lúc đắc đạo thành Phật…

Qua đó có thể thấy, chùa Khmer là một trong số ít những công trình kiến trúc được phục dựng tại Làng có sự tham gia trực tiếp của chính nghệ nhân dân tộc, những con người am hiểu văn hóa, kiến trúc và mang những tri thức tộc người thể hiện vào từng chi tiết trong công trình. Những bức phù điêu, tranh vẽ, họa tiết trang trí bên trong và ngoài chính điện cho thấy sự tài hoa của người nghệ nhân Khmer đã góp phần không nhỏ tạo nên thần thái của một không gian văn hóa tâm linh tiêu biểu của dân tộc Khmer với không gian bên ngoài thì uy nghi, bề thế, lộng lẫy, nhưng bên trong thì thanh tịnh, thư thái và tôn nghiêm.

Phật giáo Nam Tông Khmer chỉ thờ đức Phật Thích ca nên ở bên trong vị trí trung tâm chính điện là tượng Phật Thích ca tọa thiền trên đài sen dưới gốc bồ đề sừng sững, uy nghiêm. Quy trình đắp tượng của người Khmer chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian và của người nghệ nhân trong khâu lựa chọn chất liệu, pha chế tỷ lệ nguyên vật liệu. Bức tượng lớn nhất được đắp là bức tượng Phật Thích ca (Phật Sây-a - Phật tương lai) tại chính điện, ngoài ra còn nhiều bức tượng Phật nhỏ hơn thờ trong Sa la, tượng thần mẹ đất, tượng thần nước trong am thờ. Dù lớn hay nhỏ thì các bức tượng đều được đắp theo quy trình giống nhau theo trình tự: xác định vị trí trên bản vẽ => dựng cốt tượng bằng vỉ sắt để đổ bê tông (có thể buộc bằng tay hoặc sử dụng que hàn cho vững chắc) => xây bao quanh khối bê tông bằng gạch (ở những mảng lớn) => sử dụng vữa và xi măng với tỷ lệ phù hợp để đắp và tạo hình tổng thể, căn cứ theo không gian đặt tượng để căn chỉnh hình thể tượng => tinh chỉnh bức tượng (sử dụng vữa và xi măng được sàng lọc mịn theo tỷ lệ phù hợp tạo độ sệt nhất định đắp lên từng miếng nhỏ, theo từng lớp mỏng cho đến khi hoàn chỉnh) => cuối cùng là phủ bề mặt bằng chất liệu sơn. Cách thức sơn phủ cho tượng cũng hết sức tinh xảo. Trước khi sơn tượng, nghệ nhân cần phải vệ sinh thật kỹ, sau đó phủ một lớp sơn trắng (loại sơn nước có độ kết dính tốt, tạo lớp nền đẹp, sáng cho bức tượng). Lớp nền thứ hai là màu hồng nhạt hoặc cam đỏ tùy vào độ đậm nhạt khác nhau trên từng vị trí pho tượng. Lớp thứ ba là màu đã chọn để tạo hình cho tượng như nhũ vàng hoặc giả nhũ đồng. Lớp thứ tư là màu đỏ sơn cắt nét, theo các họa tiết, phần nền trống và phẳng. Một bức tượng sau khi hoàn thiện không chỉ thể hiện chủ ý của tác giả về hình khối, đường nét mà quan trọng hơn và thể hiện đẳng cấp đắp tượng của người nghệ nhân đó là cái hồn của bức tượng toát ra mà người xem cảm nhận được khi đứng trước pho tượng đó. Có thể nhận thấy, các bức tượng được phục dựng tại chùa Khmer đạt đến độ tinh xảo khi vừa toát ra vẻ uy nghiêm, trang trọng lại vừa thể hiện được cái thần thanh tịnh, từ bi hỷ xả, cứu độ thế nhân của đức Phật để du khách khi đến với không gian thờ đức Phật, dù là không gian tôn giáo nhưng theo Đại đức Thích Kim Tuệ - trụ trì chùa Khmer thì: “tinh thần gần gũi với thiên nhiên, con người hiền hòa và hiếu khách vốn như đạo với đời, luôn gắn bó mật thiết không tách rời nhau”.

Ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa tôn giáo, tâm linh của chùa Khmer nên sau hơn 3 năm xây dựng, ngày 23-11-2013, trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”, các nhà sư trụ trì chùa Khmer miền Tây Nam Bộ cùng các nghệ nhân, đồng bào Khmer đến từ ba tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và An Giang đã về Làng để làm lễ an vị đức Phật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề cử Đại đức Thích Kim Tuệ - người Khmer ở Sóc Trăng làm trụ trì cho quần thể chùa Khmer tại Làng. Trong lễ an vị Phật, các nhà sư đã làm lễ kiết giới sây ma để đánh dấu đất Phật. Trải qua 10 năm xây dựng, ngôi chùa Khmer đầu tiên và duy nhất Hà Nội tọa lạc tại Làng đã diễn ra nhiều các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh gắn với văn hóa Khmer như: lễ dâng y Kathina, lễ hội Phật đản, Tết Cholchnamthmay… ngoài ra cũng tại không gian chùa đã từng diễn ra những khóa học giáo lý, khóa tu, khóa thiền Phật giáo thu hút được đông đảo tín đồ và du khách quan tâm.

2. Trình diễn nghi lễ Sen Dolta tại quần thể chùa Khmer

Nhắc đến các lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc Khmer ở khu vực phía Nam phải kể đến ngày lễ Sen Dolta (Cúng ông bà). Hằng năm, ngày lễ Sen Dolta thường diễn ra trong ba ngày từ ngày 29, 30 tháng Phah trô pot (tháng 10) và mùng 1 tháng A sooch (tháng 11) nhằm tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, ông bà tổ tiên đã khuất trong gia đình; tri ân những người khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng; tập trung bà con thân thuộc để biếu quần áo, bánh trái và làm lễ cầu siêu cho người quá cố. Lễ Sen Dolta được xem như ngày lễ vu lan báo hiếu nên được cộng đồng dân tộc Khmer hết sức coi trọng và chuẩn bị chu đáo. Thông thường tại địa phương, đến ngày lễ Sen Dolta, mỗi gia đình sẽ cử 1, 2 người đến chùa làm công quả còn ở nhà mọi người cùng nhau chuẩn bị, quét dọn bàn thờ và chuẩn bị những món ăn truyền thống để dâng cúng tổ tiên. Theo bà Thạch Thị Sinh - nghệ nhân đang sinh sống tại làng Khmer cho biết: “Theo truyền thống xưa, lễ Sen Dolta được tổ chức trong thời gian khoảng nửa tháng với 4 nghi thức chính là: lễ đặt cơm vắt (Bos Bai Ben), lễ cúng ông bà (Sen Dolta), lễ rước ông bà (Phchum Ben) và lễ đưa tiễn ông bà (Chun Donta). Tuy nhiên ngày nay, ngày lễ này được diễn ra trong 3 ngày thôi để phù hợp với cuộc sống hiện đại”. Lễ Sen Dolta năm 2023 được tổ chức vào ngày 14-10 (30-8 âm lịch). Đây không phải lần đầu lễ Sen Dolta được tổ chức tại không gian văn hóa Khmer. Trước đó vào năm 2016 và 2017 tại không gian chùa Khmer cũng đã diễn ra lễ Cúng ông bà được tổ chức hết sức trang nghiêm với sự tham gia của các phật tử cũng như du khách. Lễ Sen Dolta năm 2023 dưới sự điều hành của Đại đức trụ trì Thích Kim Tuệ có sự tham gia của bà Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia Chea Kimtha và đại tá Rem Kann - tùy viên quân sự Campuchia tại Việt Nam cùng nhiều cán bộ học viên quân sự, sinh viên Campuchia và cộng đồng người Khmer tại miền Bắc.

Vật phẩm dâng cúng Phật là trái cây tươi, hoa sen, đèn cầy (nến) cùng nước sạch. Những lễ vật được các tăng ni cùng nghệ nhân Khmer sắp đặt, bài trí trước ngày diễn ra nghi lễ chính thức. Ngoài chính điện được trang trí bằng cờ Phật giáo những dây ruy băng 6 dải màu đặc trưng trên lá cờ Phật khiến không gian chùa ngay từ bên ngoài đã rộn ràng, tưng bừng không khí của lễ hội. Trong ngày chính lễ, các nghệ nhân Khmer chuẩn bị bốn mâm cỗ gồm các món ăn truyền thống, đặc trưng của người Khmer như: cà ri, nộm bắp cải cà rốt, bánh tét, thịt nướng, bánh mì van và bún. Bốn mâm cỗ sẽ dành một mâm để dâng sư, ba mâm còn lại dành cho gia đình sum họp.

Bắt đầu buổi lễ, quan khách cùng nghệ nhân Khmer tề tựu đông đủ trong chính điện dưới sự chủ trì của Đại đức Thích Kim Tuệ. Các nghệ nhân Khmer mang mâm cơm cùng bánh trái, hoa quả vào chùa để các nhà sư làm lễ mời ông bà về nhà bởi: “Theo truyền thống thì linh hồn ông bà đã ở chùa từ tối hôm trước rồi. Đến hôm sau thì mọi nhà trong phum sóc sẽ mang cơm lên chùa để mời ông bà về nhà” (theo nghệ nhân Thạch Thị Sinh). Các nhà sư tụng kinh cầu phước, làm lễ cầu siêu cho ông bà tổ tiên, tụng kinh mời ông bà về chứng kiến để người thân đưa ông bà trở về nhà mình. Trong lời kinh có dặn dò, nhắc nhở phật tử ghi nhớ công ơn của các bậc sinh thành và trách nhiệm, nghĩa vụ của con cháu đối với gia đình. Sau nghi thức tụng kinh, Đại đức Thích Kim Tuệ thực hiện nghi thức vảy nước tẩy uế và cầu may cho các quan khách và phật tử. Ngoài lễ cúng tại chùa, người Khmer còn thỉnh sư từ chùa về nhà làm lễ. Tại nhà, gia chủ tiến hành nghi lễ dâng cơm cho sư và dâng cơm cúng ông bà tổ tiên. Bên cạnh mâm cơm có một chiếc ghe nhỏ làm bằng bẹ chuối, bên trên đặt một ít gạo và muối. Mâm cơm dâng cúng tuy đơn sơ với những món ăn mang đậm phong vị bản địa bởi theo Đại đức Thích Kim Tuệ thì: “Đồng bào Khmer thấm nhuần giáo lý nhà Phật, luôn tâm niệm tưởng nhớ thể hiện ở tấm lòng thành kính. Bởi vậy, lễ vật dâng cúng ông bà tổ tiên trong lễ Sen Dolta không phô trương hình thức mâm cao cỗ đầy mà tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình. Lễ vật thường là những thức bình dị của địa phương”. Lễ cúng tại nhà cũng được diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Gia chủ ngồi hai bên bàn thờ, vị Achard sẽ là chủ trì vừa đọc lời khấn mời ông bà tổ tiên về dùng cơm, vừa rót rượu và gắp thức ăn vào chiếc ghe: “Đưa ông bà tổ tiên về cội nguồn, có thuyền, có cờ cắm hai bên đầu ghe, trên đặt cơm, gạo, muối, tiền đem thả trôi theo dòng nước. Xin ông bà phù hộ cho con cháu mần ăn phát đạt, cả nhà được mạnh khỏe, cả làng được bình an, vui vẻ”. Sau khi đọc lời khấn, chủ nhà cùng vị Achard tụng kinh để dâng cơm cho sư. Sau lễ cúng tại nhà, gia chủ đặt cơm, gạo, muối, đậu, mè, tiền vào ghe rồi mang thả trôi theo dòng nước tiễn ông bà về.

Lễ Sen Dolta mang ý nghĩa to lớn về lòng hiếu kính, nhắc nhở mọi người về công sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ và những người quá cố. Bên cạnh đó nó còn thể hiện nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Khmer. Nghi lễ Sen Dolta của người Khmer là một nghi lễ mang đậm màu sắc tôn giáo và được phục dựng, trình diễn tại không gian linh thiêng là chùa Khmer, vì vậy, khác với những nhiều nghi lễ của các dân tộc khác diễn ra tại Làng, không khí của buổi lễ diễn ra trong sự im lặng, thành kính hết sức trang nghiêm, viên mật. Đại đức Thích Kim Tuệ khi thực hiện nghi lễ tại Làng cũng mang tâm thế đưa văn hóa tín ngưỡng của người Khmer đến với đông đảo du khách: “Ở miền Bắc ít người Khmer nên khi thấy người Khmer đến dự đông thì tâm mình cũng thấy rất hoan hỉ. Sư cũng muốn lan tỏa đến các dân tộc trong Làng và người dân các nước khác biết đến lễ Sen Dolta”.

Kết luận

Tìm hiểu quá trình lựa chọn, trình diễn và tương tác thông qua các hoạt động văn hóa tại Làng cho thấy việc tổ chức trình diễn văn hóa của dân tộc Khmer nói riêng và của các dân tộc khác trong Làng nói chung phần nào đã đáp ứng được mục tiêu xây dựng Làng là nơi “tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em… Thông qua đó tiến hành giáo dục tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, nâng cao dân trí và hoàn thiện con người” (1). Làng vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị với tôn chỉ là nơi bảo tồn, phát huy sự đa dạng văn hóa các tộc người Việt Nam vừa là nơi để chính chủ thể văn hóa nói lên tiếng nói của mình, ý thức được vai trò của mình và chủ động gìn giữ giá trị văn hóa của tộc người mình.

_____________________

1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 21-8-1997 phê duyệt quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa, Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, tập 1, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2007.

2. Nguyễn Chí Bền, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010.

3. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2003.

4. Nguyễn Văn Cương, Bản sắc văn hóa dân tộc và đa dạng văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế Văn hóa trong thế giới hội nhập, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2010, tr.87-96.

5. Ngô Văn Giá, Nguy cơ Mất và Rỗng bản sắc trong xã hội hiện đại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa trong thế giới hội nhập, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2010, tr.57-63.

Ths PHẠM BÍCH NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;