Phim độc lập - dòng chảy ngầm mạnh mẽ - Bài 1: Phim độc lập - Những bước đi đầu tiên

Khái niệm “phim độc lập” đã không còn xa lạ với giới điện ảnh Việt Nam những năm gần đây, khi mà ngày càng có nhiều đạo diễn trẻ theo đuổi dòng phim này chỉ với niềm đam mê và khát khao muốn được làm phim. Và những năm gần đây, phim độc lập ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong dòng chảy của điện ảnh Việt Nam không chỉ bằng những tác phẩm đoạt giải tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, bằng đội ngũ những nghệ sĩ khẳng định được tên tuổi của mình qua những tác phẩm điện ảnh mà còn bằng cả những con số doanh thu kỷ lục. Tuy doanh thu chưa thể cao bằng những bộ phim đạt kỷ lục doanh thu phim Việt nhưng những con số doanh thu mà phim độc lập đạt được cũng đủ để khích lệ tinh thần những nhà làm phim, nuôi dưỡng niềm đam mê để họ tiếp tục dấn thân và khám phá, góp phần trở thành một lực lượng sáng tác quan trọng của điện ảnh Việt Nam.

Cảnh phim Chơi vơi

Tinh thần độc lập 

Với những khán giả yêu điện ảnh thì cụm từ “phim độc lập” mang một phong vị rất riêng. Nó biểu hiện cho nhiệt huyết, đam mê và sức sáng tạo mãnh liệt của những người trẻ tuổi khao khát muốn được thể hiện mình. Nó còn gợi nhớ đến một thế hệ vàng son với những tên tuổi nổi danh như Francis Ford Coppola, George Lucas, Steven Spielberg, Quentin Tarantino hay anh em nhà Coen - vốn khởi nghiệp như là những nhà làm phim độc lập.

Là một khái niệm “đặc Mỹ”, “phim độc lập” thoạt tiên được chỉ những bộ phim được sản xuất bởi những hãng phim nhỏ không thuộc 6 hãng phim lớn nhất Hollywood (Big Six) vốn chiếm tới 90% doanh thu hằng năm của điện ảnh toàn cầu. Như vậy, khái niệm “phim độc lập” ban đầu đơn thuần chỉ có ý nghĩ phân biệt đơn vị sản xuất mà không bao hàm những đánh giá về chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, vì những nhà làm phim độc lập hầu hết đều không hoặc ít bị chi phối bởi áp lực doanh thu nên họ được tự do sáng tạo. Mỗi bộ phim họ làm ra đều chỉ là một tác phẩm nghệ thuật thuần túy mà không phải là một thương vụ điện ảnh như thông lệ, bởi vậy mà những bộ phim độc lập thường gây ấn tượng mạnh bởi những thể nghiệm nghệ thuật, những sáng tạo, phá cách và cái tôi của tác giả.

Phim Cánh đồng bất tận

Tuy nhiên, không thể tiếp tục làm phim nếu không chứng minh cho các nhà tài trợ thấy rằng bộ phim của mình cũng khiến khán giả quan tâm. Bởi vậy, các nhà làm phim độc lập cũng không hẳn là không bị ràng buộc bởi áp lực doanh thu nếu không muốn mỗi lần làm phim là một lần mắc nợ vì điện ảnh vốn là một cuộc chơi cực kỳ tốn kém. Vì thế mà thế hệ làm phim độc lập mới có những tên tuổi như Quentin Tarantino hay Robert Rodrigez - hai nhà làm phim độc lập chuyên trị thể loại phim hành động tội phạm đầy chất bạo lực đường phố nhưng rất dễ lôi kéo khán giả tới rạp. Nhưng đỉnh cao của các nhà làm phim độc lập phải là các tên tuổi lẫy lừng như George Lucas hay Steven Spielberg - các nhà làm phim độc lập từng tạo nên cả một đế chế tại Hollywood với những siêu phẩm bom tấn và một công nghệ nhằm biến mỗi bộ phim thành một cỗ máy in tiền. Nhìn vào những siêu phẩm của họ như loạt phim Star Wars hay Indiana Jones, hẳn khái niệm phim độc lập đồng nghĩa với kinh phí thấp đã trở nên lạc hậu. 

Lịch sử điện ảnh đã ghi nhận một thực tế rằng các nhà làm phim độc lập đã sáng tạo ra những cách thức kêu gọi đầu tư và cách thu hồi vốn hiệu quả tới mức làm thay đổi cả ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Tinh thần sáng tạo của họ đã được tổng kết lại trong cụm từ “tinh thần độc lập”. Đây cũng là tên một giải thưởng thường niên ở Mỹ vốn vẫn được so sánh như giải Oscar dành riêng cho phim độc lập. 

Phim độc lập ở Việt Nam 

Phim độc lập ở Việt Nam mới manh nha từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Cùng với sự nở rộ của các hãng phim tư nhân sau Quyết định số 38/2002/QĐ-BVHTT cho phép thành lập các hãng phim tư nhân thì phim độc lập mới thực sự xuất hiện. Kể từ đây, ai cũng có thể làm phim và mở ra cánh cửa cho các đạo diễn, các nhà làm phim tham dự, tìm kiếm nhà đầu tư tại các liên hoan phim quốc tế hay các hội chợ phim thương mại.

Nếu khái niệm phim độc lập ở Việt Nam thời kỳ đầu đồng nghĩa với việc nhà làm phim kêu gọi được một phần kinh phí ngoài số tiền đầu tư làm phim từ một hãng phim Nhà nước thì đạo diễn Đặng Nhật Minh xứng đáng là nhà làm phim đi tiên phong bằng Thương nhớ đồng quê - bộ phim có một phần kinh phí được Đài NHK của Nhật Bản hỗ trợ. Sau đó là các đạo diễn Việt Linh (với Mê Thảo - thời vang bóng), Nguyễn Vinh Sơn (với Trăng nơi đáy giếng), Bùi Thạc Chuyên (với Sống trong sợ hãi, Chơi vơi)… Không thể không kể đến các nhà làm phim trở về từ nước ngoài và tìm kinh phí sản xuất phim ở Việt Nam như Hồ Quang Minh với Thời xa vắng, Nguyễn Võ Nghiêm Minh với Mùa len trâu, Đoàn Minh Phượng với Hạt mưa rơi bao lâu… Sự hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh Francophonie, Fond Sud, kênh truyền hình Arté đã giúp các nhà làm phim VN thỏa mãn phần nào giấc mơ sáng tạo khi mà số kinh phí được Nhà nước cấp không đủ để sản xuất một bộ phim.

Cảnh phim Trăng nơi đáy giếng

Nhưng phải đến Phan Đăng Di với dự án Bi, đừng sợ! sau khi đoạt giải và được dự án hỗ trợ điện ảnh Pusan Promotion Plan của LHP Pusan tài trợ 10.000 USD cho dự án phim này thì hình ảnh một nhà làm phim độc lập của VN mới hình thành rõ nét. Tự huy động vốn, tự đứng ra sản xuất phim và đem phim tới hơn 30 LHP lớn nhỏ trên thế giới để tìm thêm cơ hội cho bộ phim sau, Phan Đăng Di đã rất tự tin chọn một con đường chông gai nhưng cũng đầy đam mê. Anh cho rằng: “Chúng ta đang đi đúng hướng dù chậm. Nếu được mở đường, các nhà làm phim độc lập sẽ có điều kiện xuất hiện thường xuyên hơn và ngày càng có nhiều nhân tố mới thì điện ảnh Việt sẽ tạo nên được một làn sóng như các nước khác đã làm”. 

Có thể nói, thị trường điện ảnh Việt và những tín hiệu khởi sắc của nó đã thu hút được ngày càng nhiều các nhà sản xuất tư nhân đầu tư làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim độc lập, trong đó có nhiều đạo diễn từ nước ngoài trở về. Síu Phạm - đạo diễn Việt kiều sống tại Thụy Sĩ từng giành được giải thưởng Kịch bản của năm trong LHP Locarno 2002 với kịch bản Bên kia giấc mơ vừa trở về quê hương để thực hiện bộ phim đầu tay của mình trong vai trò đạo diễn. Hợp tác cùng nhà sản xuất HK Film thực hiện dự án phim Đó và đây từ kịch bản của chị và Jean-Luc Mello, Síu Phạm mời đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn làm cố vấn nghệ thuật kiêm diễn viên và nhà quay phim Trinh Hoan trong vai trò giám đốc hình ảnh. Trước đó, đạo diễn Cường Ngô từng tu nghiệp tại Canada và đoạt hai giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế cũng về nước thực hiện bộ phim Ngọc Viễn Đông.

Đạo diễn Ngô Quang Hải chia sẻ, những công việc như đạo diễn phim truyền hình, show diễn thời trang anh làm chỉ với mục đích là tạo mối quan hệ và tìm nhà tài trợ cho những dự án phim điện ảnh. Và Mùa hè lạnh - dự án được anh chuẩn bị trong rất nhiều năm cuối cùng cũng được thực hiện bằng nguồn kinh phí huy động từ các nhà tài trợ. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nhiều năm nay vẫn đang tìm cơ hội để thực hiện dự án phim Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (kịch bản chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Ngọc Thuần). 

Trần Lý Trí Tân từng học về thiết kế mỹ thuật điện ảnh nhưng lại được biết đến trong vai trò đạo diễn. Ba năm làm 8 phim ngắn, hai trong số đó được lọt vào vòng trình chiếu của VIFF (hội thảo tại LHP sinh viên quốc tế Poitiers - Pháp (2009), Trần Lý Trí Tân từng được coi là một “hiện tượng” trong các nhà làm phim trẻ với rất nhiều hoài bão. Ôm ấp nhiều dự định làm phim dài như: Đò ôm, Tôi đã thấy bình yên, Mùi hoa sữa, Tân chủ định sẽ đi theo con đường của các nhà làm phim độc lập Mỹ: làm phim vì thích, để thỏa mãn cái tôi của chính mình, không vì mục đích nào khác. 

Cảnh phim Mùa hè lạnh

Năm 2019, Nguyễn Hoàng Điệp tham gia dự án Bi, đừng sợ! trong vai trò nhà sản xuất. Từ năm 2010 đến năm 2012, cô cũng đã xúc tiến để làm Đập cánh giữa không trung - bộ phim truyện điện ảnh đầu tay của mình. Kịch bản Đập cánh giữa không trung đã được chọn giới thiệu trong chương trình Ties That Bind được dành riêng cho các nhà sản xuất đến từ châu Á và châu Âu với những dự án có nhiều tiềm năng tại LHP quốc tế Busan tháng 10/2011. Số tiền hỗ trợ cho kịch bản này từ đây đã góp phần thúc đẩy tiến độ của dự án, giúp Nguyễn Hoàng Điệp và ê kíp của mình được biết đến nhiều hơn, từ đó dễ dàng thu hút vốn đầu tư hơn. Khi chưa bấm máy, dự án này đã được mời đến LHP Cannes 2012 trong hạng mục Fabrique des Cinemas du Monde - hoạt động nhằm hỗ trợ phát triển cho các dự án phim đầu tay hoặc thứ hai của các nhà làm phim tại các quốc gia đang phát triển. Tháng 11/2012, Đập cánh giữa không trung nhận được nhiều khoản hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh như World Cinema, World Cinema Support và Francophonie của Pháp, Sorfund của Na Uy, CDEF của Đại sứ quán Đan Mạch, A&C của Việt Nam và Global của Hoa Kỳ. Bộ phim được công chiếu lần đầu tại LHP quốc tế Venezia lần thứ 71 và được Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA) trao giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim quốc tế Venezia, đồng thời giúp Nguyễn Hoàng Điệp giành giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Bratislava 2014.

Dòng phim độc lập tại Việt Nam đang dò dẫm những bước đi đầu tiên với những đặc thù riêng biệt, tuy không hội đủ những yếu tố của dòng phim độc lập trên thế giới nhưng về bản chất, các nhà làm phim độc lập VN cũng đầy đam mê, khát khao sáng tạo và không thiếu bản lĩnh như những nhà làm phim độc lập khác. Khát khao ấy, như đạo diễn Phan Đăng Di từng chia sẻ “những người làm phim tin vào tiếng nói của mình và bằng mọi cách phải nói cho nhiều người biết, phải làm được điều mình suy nghĩ. Đó chính là yếu tố quyết định, yếu tố sẽ mang lại cho điện ảnh những đóng góp mới, những phát hiện mới”. Chính bởi vậy, tuy chưa tạo thành một trào lưu thực sự mạnh mẽ nhưng phim độc lập ở Việt Nam hiện như một dòng chảy ngầm hứa hẹn sẽ đóng góp một nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển về chất của điện ảnh Việt Nam - vốn là bản chất của dòng phim độc lập.   

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022

 

;